Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2024

Giới Thiệu Sinh Hoạt Hội Đoàn Đồng Hương Tất Niên: Vùng Ông Tạ (Sài Gòn) Tuần Này! Và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Trước 75, nếu ai sống ở Sài Gòn, lại ở khu Ông Tạ, Bạn đúng là Trời cho hưởng phước! Vì ngoài không khí vui tươi, nhộn nhịp của Thủ Đô Miền Nam, Bạn còn thưởng thức thêm cả một không khí Miền Bắc thu nhỏ, không có một thứ gì thiếu của Miền Bắc mà không kiếm thấy ở khu Ông Tạ cả, thứ gì cũng có! Chính vì thế Ông Tạ trở thành địa danh thân thương, ai đã ở rồi, thì không bao giờ quên! Nên chính vì thế, năm nào, Đồng Hương Ông Tạ cũng tìm đến nhau, nhắc nhở, ôn lại kỷ niệm vui buồn, về miền đất thân thương này.
<!>


Năm nay, Tiệc Hội Đồng Hương Ông Tạ (Sài Gòn) Mừng Xuân Mới được tổ chức:
Lúc 5 giờ chiều Chủ Nhật (tuần này!) ngày 3 tháng 3 năm 2024
Tại Nhà hàng Dynasty, 1001 Story Rd, San Jose, Ca 95122
Số phone liên lạc với BTC: (408) 383-7405 (408) 206-0480 (408) 394-4838

Thiệp Mời:



Sài Gòn: Về Khu Vực Nổi Tiếng Ông Tạ!


Ông Tạ từ khi còn là cánh đồng, ao rau muống đến khi thành khu nhộn nhịp giữa ngay TP Sài Gòn
Chút lịch sử: Ông Tạ - Chí Hòa với điểm nhìn từ quá khứ đến hiện tại. Mở đầu là cuộc chiến của quân dân nhà Nguyễn đến những bước chân người Bắc di cư đầu tiên và cuộc sống của họ tại đây. Vùng "địa linh nhân kiệt" xưa ảnh hưởng ít nhiều đến tính cách người khu Ông Tạ: chấp nhận, kiên cường đối đầu gian khó với máu liều lĩnh trên vùng đất vốn toàn đầm lầy rau muống, mồ mả!
Khu Ông Tạ một thời là vùng giáp ranh giữa quận Tân Bình. Giới trẻ biết đến khu Ông Tạ nhưng ít người biết "Ông Tạ" là ai. Ông Tạ chỉ là lương y của người nghèo. Ông được người trong vùng thương mến, quý trọng mà đặt tên. Ngã ba Ông Tạ, chợ Ông Tạ, cầu Ông Tạ... là những địa danh hình thành khi ông còn sống. Dần dần, xung quanh phòng mạch của ông, "một trục Bắc di cư ông Tạ chính thức khác được hình thành, hoàn chỉnh khu dân cư đông đúc ông Tạ cho tới nay, với các giáo xứ nhiều người biết: Nam Thái, An Lạc, Thái Hòa, Tân Chí Linh, Vinh Sơn".


Vùng Ông Tạ, với đặc điểm, pha trộn văn hóa Bắc – Nam, khi người miền Bắc di cư năm 1954, sống "lọt thỏm, chen chúc dày đặc" trong khu Ông Tạ cùng người dân Tân Sơn Hòa. Trên đường Thoại Ngọc Hầu, lắm người miền Bắc mà cũng nhiều người miền Nam, có cô Ba ''bê'', bác Hai "xe ngựa"... Những "xóm Nam" có khắp nơi ở khu Ông Tạ, đều được kể ra: ngõ Cổng Bom, chùa Khuông Việt, nhà thờ Tân Chí Linh...
Khu Ông Tạ cũng là nơi sinh sống của giới rất nhiều văn nghệ sĩ: ca sĩ Vũ Khanh, nhạc sĩ Hoài An, nghệ sĩ Cao Thanh Tùng hay họa sĩ Ớt Huỳnh Bá Thành, họa sĩ Bùi Đức Lâm... Có câu: "Ra ngõ không đụng giang hồ thì gặp... văn nghệ sĩ!''


Đến với Khu Ông Tạ là đến với dân giang hồ tứ chiến, nghệ sĩ, và người dân miền Bắc di cư ngày xưa. "Ông Tạ" trong gian khó vẫn mạnh mẽ đứng lên, mang tinh thần quật cường của người con đất Việt. Khu Ông Tạ những ngày còn "mái lá lều tranh, đèn dầu nước giếng, đường đất chân trần", những ngày đầu người dân miền Bắc di cư sống trên vùng đất đầm lầy, kinh rạch, nghĩa địa... của đại đồn Chí Hòa. Không có "thịt chó, giò chả, tiệm vàng", chỉ có "cánh đồng, ao rau muống", họ bắt đầu từ khó khăn, nhưng khát vọng sống vươn lên mạnh mẽ đã làm lên Ông Tạ sầm uất như ngày hôm nay. Một phần của Sài Gòn mến yêu!


Ông Tạ - rất quen và rất lạ!
(Theo PHẠM ĐÌNH)


•Rất lạ, bởi người được gọi tên cho cả vùng đất, ngã ba và ngôi chợ không phải là tên một danh nhân, anh hùng, liệt sĩ… mà chỉ là một thầy tu tại gia, thầy thuốc Nam bình thường..
•Lạ nhất và có lẽ hiếm hoi nhất là địa danh Ông Tạ có từ khi nhân vật này còn sống khỏe mạnh. Và đặc biệt là do người dân quanh vùng gọi lâu dần thành quen, chứ không phải do chính quyền nào đặt tên.


•Khu Ông Tạ hiện nay và vùng đất quanh đó, từ vùng giáp ranh quận 3, quận 10 và quận Tân Bình, chạy xuống ngã tư Bảy Hiền, quẹo qua khu vực hiện nay là chợ Tân Bình… trước năm 1954 là ruộng và rừng cao su bát ngát.
•Sau hiệp định Genève, khi cả triệu người miền Bắc di cư vào Nam, chính quyền TT Ngô Đình Diệm đã phân phối bà con đến sinh sống và khai thác những vùng đất còn hoang sơ, trong đó có vùng Ông Tạ hiện nay.


•Khi những di dân người Bắc mà hầu hết là đồng bào Công giáo đến, vùng này chỉ lèo tèo mấy căn nhà lá, có căn nhà nhỏ của ông Trần Văn Bỉ, một thầy thuốc Nam tu tại gia, chuyên bốc thuốc chữa bệnh cho dân nghèo quanh vùng.
•Ông Bỉ sinh năm 1918, gốc người Mỹ Tho, từ nhỏ đã từng lên học đạo và học nghề bốc thuốc Nam với sư phụ núi trên chùa núi Bà Đen (Tây Ninh). Sau, ông về cất am tu và bốc thuốc cứu người. Bà con quanh vùng và cả từ các tỉnh lân cận như Long An, Định Tường… cũng lên chữa bệnh, hầu hết là bà con nghèo.


•Ông rất thương người nghèo, trước nhà ông ngày trước lúc nào cũng có một thùng đựng bạc lẻ để giúp cho bà con nghèo lỡ đường. Có nhiều người nghèo quá, ông bắt mạch, bốc thuốc không lấy tiền mà còn cho tiền ăn, tiền xe về quê. Mọi người rất kính trọng nhưng không ai biết ông thầy tu bốc thuốc Nam tên gì, thấy ông trụ trì một am nên gọi ông là thầy Thủ Tọa, đọc theo giọng bình dân Nam Bộ là “Thủ Tạ”, rồi lâu dần bà con chỉ gọi “Ông Tạ”.
• Theo Lê Trung Hoa, nhà nghiên cứu địa danh học, gắn cho ông cái biệt hiệu là Tạ Thủ, nghĩa là “cánh tay nâng người bệnh”. Cũng không biết căn cứ từ đâu?


•Sau năm 1954, như đã viết ở trên, bà con người Bắc di cư vào sinh cơ lập nghiệp đông đúc nhưng vùng đất này chưa có tên, nên bà con gọi là khu Ông Tạ, theo tên thầy Thủ Tạ bốc thuốc giúp người từ lâu ở đây.
•Con đường quốc lộ 1 từ Tây Ninh về trung tâm Sài Gòn chạy ngang qua đây, có thêm một nhánh nhỏ, sau được đặt tên là Thoại Ngọc Hầu. Có lẽ những người đặt tên đường Thoại Ngọc Hầu cũng như con đường Nguyễn Văn Thoại gần đó, do liên tưởng tới công nghiệp mở mang bờ cõi phương Nam của Thoại Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thoại.


• Đường Nguyễn Văn Thoại với sự cần cù lao động, buôn bán của bà con người Bắc di cư, khu vực này phát triển rất nhanh, một ngôi chợ được lập gần am tu của thầy Thủ Tạ, nên được gọi là chợ Ông Tạ.
•Vì Ông Tạ tu tại gia, am tu cũng là nhà và là nơi bốc thuốc chữa bệnh ở trong ngõ, nên khi khu vực này phát triển, lập chợ, ông Thủ Tạ cũng mở một cửa hàng thuốc Nam ngay tại ngã ba mang tên ông. Ông Tạ mất năm 1983, được chôn cất ngay trong vườn nhà ông.


•Khu vực này đa số dân cư là đồng bào theo đạo Công giáo, có nhiều giáo xứ, nhà thờ như Tân Chí Linh, An Lạc, Xây Dựng, Nghĩa Hòa, Mân Côi, Mai Khôi, An Tôn, Vinh Sơn… Đặc biệt có nhà thờ Chí Hòa cổ kính, là nơi an dưỡng của các giám mục, linh mục thuộc giáo phận Sài Gòn nghỉ hưu.
•Bên trong khuôn viên nhà thờ là nghĩa trang dành để chôn cất các vị khi Chúa rước. Gần ngã ba Ông Tạ trước kia có Trường Trung học Thánh Tâm do các sư huynh Công giáo lập.
•Năm 1973, một tòa soạn báo đặt ngay trong nhà in báo Xây Dựng trên đường Thánh Mẫu, gần đó có quán cà phê Thăng Long có hàng chữ nổi bật dưới tên bảng hiệu: “20 năm danh tiếng!”.


•Nhà in Xây Dựng chuyên in nhật báo Xây Dựng do linh mục Nguyễn Quang Lãm chủ nhiệm kiêm chủ bút với bút danh Thiên Hổ rất nổi tiếng, rất có uy mà cả giới chức chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng rất ngại. Ông linh mục - nhà báo này tướng cao lớn, chuyên mặc áo sơmi carô, tự tay lái xe hơi đến tòa soạn và giảng thuyết.
•Bên cạnh nhà in là ngôi nhà nguyện nhỏ, mỗi tuần cha Lãm đến giảng một lần. Nhà nguyện ngày ấy bây giờ đã thành một nhà thờ khang trang.


•Trước 75, nhiều người thấy ông Tạ ngồi bắt mạch hay bốc thuốc cho bệnh nhân mỗi khi đi ngang qua nhà thuốc ở ngay ngã ba mang tên ông. Với dáng người đậm, nét mặt hiền từ, nhân hậu, ông Tạ dễ gây cảm tình và sự quý mến của người tiếp xúc.
• Nổi tiếng nhất khu chợ Ông Tạ là món thịt chó! Tiệm san sát, không phải là các quán thịt chó thường, mà là thịt chó thui nguyên con, treo lủng lẳng hàng chục con! hay bày hàng dãy trước khu chợ cũ. Kẹt xe nơi đây, là một cuộc tra tấn khủng khiếp, các quán có quạt mày thổi ra đường, mùi thịt chó nướng vàng ngậy, thơm phức, chịu không nổi!


•Khu Ông Tạ còn nổi tiếng với các mặt hàng đủ thứ truyền thống Bắc đặc trưng, như bánh đậu xanh, bánh cốm, trà Bắc, trà thảo dược, thuốc lào, hạt giống và nhất là các loại thuốc Nam vô cùng phong phú.
Những địa danh hành chính hoặc tên đường qua một thời kỳ lịch sử có khi được thay đổi cho phù hợp bởi những tên đất, tên đường ấy được các nhà cầm quyền nhiều chế độ đặt để. Nhưng những địa danh do người dân gọi thì khó mà đổi thay, bởi nó “từ người dân truyền miệng mà ra”.

 
Như trường hợp địa danh Ông Tạ. Nó ăn sâu vào tiềm thức của người Sài Gòn hơn nửa thế kỷ qua, không chỉ vì các món đặc sản và phong cách buôn bán đặc trưng của người Bắc di cư ngày ấy, mà còn bởi cái cách mà vùng đất này được người dân gọi tên. Không có chính quyền nào xóa được tên dân gian thân thương này!
Nên chính vì thế, năm nào, Đồng Hương Ông Tạ cũng tìm đến nhau, nhắc nhở, ôn lại kỷ niệm vui buồn, về miền đất mến thương này.


Năm nay, Tiệc Hội Đồng Hương Ông Tạ (Sài Gòn) Mừng Xuân Mới được tổ chức:
Lúc 5 giờ chiều Chủ Nhật (tuần này!) ngày 3 tháng 3 năm 2024
Tại Nhà hàng Dynasty, 1001 Story Rd, San Jose, Ca 95122
Số phone liên lạc với BTC: (408) 383-7405 (408) 206-0480 (408) 394-4838


Trân Trọng Kính Mời!


Tin Quốc Tế Đó Đây
Liên Hiệp Quốc: Nạn Đói ở Gaza "Khó Tránh Khỏi" và "Sắp Xảy Ra" ở Miền Bắc


(Hình: Tại một khu vực tị nạn gần thành phố Rafah, Nam Gaza. Ảnh chụp ngày 27/2/2024.)
-Liên Hiệp Quốc cảnh báo "nạn đói diện rộng gần như khó có thể tránh khỏi" ở Gaza và "sắp xảy ra", nhất là ở miền Bắc vùng lãnh thổ này, nếu không có hàng cứu trợ nhân đạo, trong khi nông nghiệp bị tàn phá.
Theo thông tấn xã AFP, phát biểu trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, ông Carl Skau, Phó Giám đốc điều hành của Chương trình Lương thực Thế giới (PAM), lưu ý: "Nếu không có gì thay đổi, một nạn đói sắp xảy ra ở miền Bắc dải Gaza". Từ ngày 23/1 đến nay, theo Liên Hiệp Quốc, không có chuyến hàng cứu trợ nào đến được miền Bắc Gaza.
Sau năm tháng xung đột, chiến tranh Do Thái-Hamas đã biến dải Gaza thành "vùng đất chết". Theo nhận định ngày 27/2/2024 của Liên Hiệp Quốc, khoảng 2,2 triệu người, tuyệt đại đa số cư dân Gaza, đang bị nạn đói đe dọa, đặc biệt ở miền Bắc Gaza, nơi các trận giao tranh diễn ra ác liệt, cơ sở hạ tầng bị tàn phá và nạn cướp bóc đã khiến việc chuyển hàng cứu trợ đến người dân gần như không thể thực hiện được.
Trong khi đó, chiến sự vẫn tiếp diễn ác liệt. Một phóng viên thông tấn xã AFP cho biết là trong đêm qua 27, rạng sáng hôm 28/2, xảy ra nhiều vụ oanh kích của quân đội Do Thái nhắm đến Zeitun, miền Bắc Gaza, nhiều trận giao tranh trên đường phố cũng được ghi nhận tại Zeitun, cũng như tại Khan Younes và Rafah ở miền Nam. Theo Bộ Y tế của Hamas, các cuộc oanh kích của Do Thái khiến 91 người thiệt mạng và từ đầu cuộc chiến đến nay, có gần 30.000 người chết, chủ yếu là thường dân.


Xung Đột Gaza: Biểu Tình Ủng Hộ Palestine Gia Tang ở Hoa Kỳ

-Nhìn sang Hoa Kỳ, nhật báo Le Monde dành trang nhất chú ý đến những cuộc biểu tình ủng hộ Palestine trong cuộc chiến ở Gaza đang gia tăng trên toàn quốc.
Với 7.500 cư dân, thị trấn Ojai, cách Los Angeles 100 cây số về phía Bắc, đã trở thành tâm điểm truyền thông của phong trào ủng hộ Palestine ở California.
Cyrus Mayer (29 tuổi và trùm khăn keffiyeh) dẫn đầu một nhóm các nhà hoạt động ủng hộ Palestine, xông vào trụ sở của Hội đồng Thành phố hôm 13/2 và hét lên "hãy ngừng bắn" trước khi ngã xuống đất và bất động như vừa trúng đòn chí mạng. Ngay sau đó, các thành viên của nhóm này chộp lấy micro và đọc tên những đứa trẻ Palestine thiệt mạng trong các vụ oanh kích của Do Thái. Một phụ nữ đã phát đoạn băng ghi lại tiếng la hét của nạn nhân trên điện thoại di động và đặt câu hỏi "tại sao không ai làm gì cả".
Kể từ mùa Thu năm 2023, tại mỗi cuộc họp của hội đồng thành phố, các nhà hoạt động ở Ojai đều có mặt để tìm kiếm những giải pháp hỗ trợ người dân sinh sống ở dải Gaza. Cyrus Mayer giải thích khi được phỏng vấn qua điện thoại: "Đây là hành động thực tế nhất mà chúng tôi có thể thực hiện. Chúng tôi muốn gây áp lực với chính quyền địa phương để đạt được lệnh ngừng bắn". Nhà hoạt động này có người mẹ Do Thái Ashkenazi và người cha Iran, lớn lên ở Oakland (California) và cho biết tình trạng nghèo đói cùng với "sự tàn bạo của cảnh sát" đã khiến anh "nhận thức được về sự bất công" từ khi còn nhỏ. Nhóm người này bao gồm những thanh niên trẻ tuổi, hay những người đã trên 70 tuổi, theo nhiều tôn giáo khác nhau, được gắn kết bởi cảm giác bất lực trước tình trạng ngày càng thảm khốc ở Gaza.
Ngoài hội đồng thành phố, những người này cũng tìm cách gây chú ý tại một khách sạn sang trọng thu hút những người nổi tiếng ở Hollywood có tên Ojai Valley Inn, một khu phức hợp có 350 phòng với giá 750 Mỹ kim 1 đêm (khoảng 690 Euro). Khách sạn này thuộc sở hữu của gia đình Crown ở Chicago (Illinois), một trong 400 người giàu nhất nước Mỹ, theo bảng xếp hạng của Forbes, và cũng là một trong những cổ đông chính của General Dynamics, nhà sản xuất thiết bị quân sự được Do Thái sử dụng. Cyrus Mayer phàn nàn: "Chính quyền Ojai tuyên bố cuộc xung đột ở Gaza diễn ra ngoài phạm vi mà họ có thẩm quyền, cho nên thành phố không có quyền can dự. Nhưng Ojai lại thu thuế từ một khu nghỉ dưỡng mà chủ sở hữu thu lợi từ nạn diệt chủng người Palestine".


Chiến Tranh Ukraine: Quân Đội Nga Tuyển Dụng Người Ấn Độ Đưa Ra Mặt Trận


(Hình: Tại chiến trường vùng Donetsk, Đông Ukraine, ngày 23/2/2024. Ảnh chụp một nhóm binh sĩ Ukraine.)
-Ngày 26/2/2024, chính quyền Tân Ðề Ly xác nhận Nga đã tuyển dụng nhiều công dân Ấn Độ để chiến đấu ở chiến trường Ukraine. Thông tin này được đưa ra vào lúc thân nhân những người này lo lắng không nhận được tin tức từ họ. Tân Ðề Ly đang đàm phán với Mạc Tư Khoa để hồi hương số công dân này.
Từ thủ đô Tân Ðề Ly của Ấn Độ, thông tín viên Sebastien Farcis của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường thuật:
Hồi cuối năm rồi, chàng trai trẻ Mohammed Sufiyan được tuyển dụng với tư cách chỉ là nhân viên bảo vệ bình thường của quân đội Nga. Anh đến Mạc Tư Khoa với hy vọng có được một mức lương cao. Nhưng nhanh chóng, họ trao vũ khí cho anh để chiến đấu ở mặt trận chống quân đội Ukraine. Hiện giờ, gia đình anh rất lo lắng vì họ không còn nhận được tin tức của anh nữa, theo như lời kể từ Imran, người anh trai với hãng thông tấn ANI của Ấn Độ.

"Một người Ấn Độ khác đến từ vùng Kashmir, đang có mặt ở đó, cho biết anh trai của tôi bị bắn vào chân và không thể đi lại được nữa. Nhưng chúng tôi cũng không biết gì thêm từ hai tháng nay. Những nhân viên đến tuyển mộ đã không nói với anh rằng anh sẽ ra chiến trường".
Theo một điều tra của tờ báo The Hindu, khoảng một trăm người Ấn Độ có lẽ đã được quân đội Nga thuê như là nhân viên bảo vệ với hợp đồng một năm. Nhiều người trong số họ có lẽ đã bị đẩy ra mặt trận và có nhiều người đã bị thương. Trước các áp lực từ gia đình, Ngoại trưởng Ấn Độ hôm thứ Hai, 26/2, thông báo ông đã có cuộc hội đàm với các đồng nhiệm Nga và nhiều người Ấn Độ dường như đã được giải ngũ.


Công Du Paris, Quốc Vương Qatar Ký Thỏa Thuận Đầu Tư 10 Tỉ Euro Cho Pháp



(Hình: Lãnh đạo Qatar, ông Tamim bin Hamad Al Thani (phải) chụp ảnh cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân Brigitte Macron tại điện Elysée, Pháp, ngày 27/2/2024.)
-Hôm thứ Ba (27/2/2024), ngày đầu tiên trong chuyến công du cấp Nhà nước đến Pháp, Quốc vương Qatar, ông Tamim ben Hamad Al-Thani đã ký Thỏa thuận Đầu tư 10 tỉ Euro vào kinh tế Pháp từ nay đến năm 2030.
Thông báo về việc đôi bên đã ký kết "một kế hoạch đầu tư đầy tham vọng trị giá 10 tỉ Euro" được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra trước đại tiệc chiêu đãi Quốc vương Qatar Tamim ben Hamad Al-Thani tại điện Elysée vào hôm 27/2.

Về phía Quốc vương Qatar, theo thông tấn xã AFP, ông Tamim ben Hamad Al-Thani nhận định "các đầu tư này sẽ tăng cường, củng cố các quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước" Pháp và Qatar, nhất là về các lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, chất bán dẫn, hàng không không gian, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật số, y tế và các ngành công nghiệp văn hóa.
Đây là chuyến thăm Pháp ở cấp Nhà nước đầu tiên của một Quốc vương Qatar tính từ 15 năm trở lại đây, và cũng là chuyến công du Pháp đầu tiên của Quốc vương Tamim ben Hamad Al-Thani kể từ khi ông lên ngôi vào năm 2013. Tổng thống Emmanuel Macron gọi đây là "một vinh dự lớn lao đối với nước Pháp" và nhấn mạnh "Qatar là một nước bạn hữu, một đối tác trung thành, chiến lược của Pháp".
Nguyên thủ Pháp cũng khẳng định Paris có thể tin cậy vào Qatar trong những "tình huống khó khăn" và gợi nhắc là hai nước có chung kế hoạch về "phòng thủ và an ninh" và "chống khủng bố" và đang tăng cường củng cố các lĩnh vực này.


Tổng Thống Ba Tây: 'Tôi Hy Vọng Ông Biden Thắng Cử'


(Hình: Tổng thống Ba Tây Luiz Inacio Lula da Silva.)
-Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng vào cuối ngày thứ Ba (27/2/2024), Tổng thống Ba Tây Luiz Inacio Lula da Silva nói rằng ông hy vọng người đồng cấp Mỹ Joe Biden sẽ giành chiến thắng trong cuộc tái tranh cử vào tháng 11.
"Mặc dù tôi không phải là cử tri Hoa Kỳ, nhưng tôi nghĩ rõ ràng rằng ông Biden là sự bảo đảm lớn hơn cho sự tồn tại của nền Dân chủ trên thế giới và Hoa Kỳ", ông Lula nói với kênh truyền hình địa phương RedeTV.
Đảng viên Đảng Dân chủ Biden có thể sẽ đối đầu với cựu Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump vào tháng 11 trong trận tái đấu cuộc đua năm 2020 của họ. Hai năm sau, đảng cánh tả của ông Lula đánh bại Tổng thống đương nhiệm cực hữu Jair Bolsonaro, người thường được ví giống như ông Trump, để giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ ba không liên tiếp ở Ba Tây.

Ông Lula, người tham gia chính trường vào những năm 1970 với tư cách là lãnh đạo công đoàn, cho biết ông có "mối quan hệ tốt" với ông Biden và ca ngợi Tổng thống Mỹ vì đã bảo vệ quyền của người lao động, đồng thời lưu ý rằng ông Biden ủng hộ cuộc biểu tình chống lại các nhà sản xuất xe hơi vào năm 2023.
"Kể từ đầu (nhiệm kỳ của mình), ông Biden đã đặt mình vào vị thế bảo vệ người lao động", ông Lula nói. "Tôi hy vọng Biden sẽ thắng cử".
Vào tháng 9, hai nhà lãnh đạo đã đưa ra sáng kiến nhằm nâng cao quyền của người lao động và cũng đã nhất trí về các chủ đề như chuyển đổi sang năng lượng xanh hơn, đồng thời là thành viên sáng lập của Liên minh Nhiên liệu sinh học Toàn cầu.
Những bất đồng của họ bao gồm cuộc chiến ở Gaza, trong đó ông Lula tuyên bố Do Thái phải chịu trách nhiệm về một "cuộc diệt chủng" đối với người Palestine. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với nhà lãnh đạo Ba Tây trong cuộc gặp tuần trước rằng Hoa Thịnh Ðốn không đồng tình với nhận định của ông Lula.

Năm 2022, ông Biden là một trong những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên chúc mừng chiến thắng bầu cử của ông Lula và ủng hộ ông vào ngày 8/1/2023 khi những người ủng hộ ông Bolsonaro xâm chiếm và lục soát dinh Tổng thống Ba Tây, Quốc hội và Tòa án Tối cao, kêu gọi đảo chính quân sự.
Những cảnh tượng này thường được so sánh với cuộc tấn công vào Điện Capitol của Hoa Kỳ bởi những người ủng hộ ông Trump vào ngày 6/1/2021, hai tuần trước khi ông Trump rời nhiệm sở. Ông Lula trước đây từng gọi ông Bolsonaro là "bản sao" của ông Trump.


Trung Quốc Kêu Gọi Nga Tăng Cường Phối Hợp ở Á Châu-Thái Bình Dương


(Hình: Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông (Sun Weidong - cầm micro) trong cuộc đối thoại về an ninh song phương, Tokyo, thủ đô của Nhật Bản, ngày 22/2/2023.)
-Ngày 28/2/2024, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa nên tăng cường liên lạc và phối hợp trong các vấn đề Á Châu-Thái Bình Dương và cùng nhau bảo vệ an ninh, sự ổn định và phát triển khu vực.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra vào lúc Thứ trưởng Ngoại giao Tôn Vệ Đông (Sun Weidong) đã có chuyến thăm Mạc Tư Khoa trong hai ngày 26-27/2 để thảo luận về mối quan hệ song phương. Trong cuộc hội đàm, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho rằng hai nước nên giữ "một vai trò tốt hơn như một trụ cột cho sự ổn định trước những thay đổi hoàn cảnh của thế kỷ". Cũng theo ông Tôn, Bắc Kinh sẵn sàng tăng cường phối hợp chiến lược giữa hai nước trên nền tảng đa phương quốc tế.

Thông tấn xã Reuters cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đến Mạc Tư Khoa lần này có cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, và thảo luận với các đồng nhiệm Nga về nhiều chủ đề như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) – một tổ chức chính trị, kinh tế, an ninh quốc tế và quốc phòng do Nga và Trung Quốc thành lập năm 2001, cuộc khủng hoảng Ukraine và tình hình bán đảo Triều Tiên cùng với nhiều vấn đề quốc tế, khu vực khác. Tuy nhiên, nội dung chi tiết cuộc họp đã không được Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ.
Nhân cuộc họp này, Bắc Kinh cho biết ủng hộ Mạc Tư Khoa đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên nhóm BRICS năm nay theo như đề nghị của Ba Tây. Theo kế hoạch, thượng đỉnh BRICS 2024 sẽ được tổ chức tại thành phố Kazan, Nga, vào tháng 10/2024.


Thủ Tướng Trung Quốc Kêu Gọi Tăng Cường Quan Hệ Kinh Tế, Thương Mại Với Mỹ


(Hình: Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.)
-Đài phát thanh nhà nước Trung Quốc đưa tin cho hay hôm thứ Tư (28/2), trong cuộc gặp với phái đoàn Hoa Kỳ đang đến thăm, Thủ tướng Trung Quốc, ông Lý Cường nói rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ nên tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại và Hoa Thịnh Ðốn nên tránh tách khỏi Trung Quốc,.
"Tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại là điều đôi bên cùng có lợi", ông Lý nói với phái đoàn do Giám đốc Phòng Thương mại Suzanne Clark dẫn đầu.
Ông nói thêm: "Việc tìm cách tách rời và xây dựng 'những sân nhỏ có tường rào cao' không phù hợp với lợi ích cơ bản của cả hai bên".

Ông Lý nói các công ty Mỹ được hoan nghênh tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc, và những rào cản đó không mang lại lợi ích cơ bản cho cả hai bên.
Ông Clark đang dẫn đầu một phái đoàn gồm các cựu viên chức chính phủ Mỹ tới Bắc Kinh trong tuần này, nhóm này cho biết.
Chuyến thăm diễn ra giữa bối cảnh Hoa Kỳ và Trung Quốc dần nối lại quan hệ sau thời điểm căng thẳng nhất giữa hai siêu cường kinh tế trong nhiều năm, với những bất đồng về tương lai của Đài Loan dân chủ, các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và các chính sách thương mại.
Mối quan hệ hai bên đang phục hồi sau khi Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu được cho là do thám của Trung Quốc cách đây một năm.


Trung Quốc Tái Khẳng Định Có Quyền Tuần Tra Xung Quanh Nhóm Đảo Đài Loan


(Hình: Hệ thống rào chắn chống đổ bộ trên bãi biển Kim Môn (Kinmen), Đài Loan, phía sau là thành phố Hạ Môn (Xiamen) của Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 19/12/2023.)
-Ngày 28/2/2024, chính phủ Trung Quốc cho biết các cuộc tuần tra của Hải cảnh nước này xung quanh nhóm đảo Đài Loan gần bờ biển Trung Quốc là "không thể chê trách", đồng thời bác bỏ khiếu nại cho rằng vụ khám xét một tàu du lịch Đài Loan đã gây hoảng loạn.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường nhật, bà Chu Phượng Liên (Zhu Fenglian), phát ngôn viên của Văn phòng Sự vụ Đài Loan, nhắc lại Bắc Kinh không công nhận bất kỳ vùng biển cấm nào xung quanh đảo Kim Môn đối với ngư dân, và khẳng định Hải cảnh Trung Quốc đã không gây ra hoảng loạn khi lên kiểm soát một tàu du lịch Đài Loan.

Bà Chu nhấn mạnh rằng lực lượng Hải cảnh Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ chính thức "trong vùng biển của Trung Quốc" theo luật pháp nhằm duy trì "trật tự bình thường" và bảo vệ tính mạng của ngư dân và du khách, đồng thời cảnh báo Đài Loan phải chịu trách nhiệm về các hành động nguy hiểm của mình.
Thông tấn xã Reuters nhắc lại, Hải cảnh Trung Quốc trong tháng 2/2024, bắt đầu tuần tra thường xuyên xung quanh đảo Kim Môn do Đài Loan kiểm soát, nằm đối diện với các thành phố Hạ Môn và Tuyền Châu của Trung Quốc, sau vụ hai công dân Trung Quốc thiệt mạng trong lúc cố chạy trốn lực lượng Tuần duyên Đài Loan khi tàu của họ đi vào vùng biển cấm.
Chính quyền Đài Bắc cho biết, trong tuần rồi, Hải cảnh Trung Quốc lên kiểm soát chớp nhoáng một tàu du lịch của Đài Loan, xuất phát từ đảo Kim Môn, đã "gây hoảng loạn", và đầu tuần này, có năm tàu Trung Quốc đã đi vào vùng biển cấm hoặc do Đài Loan kiểm soát.
Cũng theo hãng tin Anh, hôm 28/2, Bộ Quốc phòng Đài Loan phát giác 15 chiến đấu cơ Trung Quốc hoạt động xung quanh đảo, thực hiện "cuộc tuần tra sẵn sàng chiến đấu chung" cùng với chiến hạm Trung Quốc.


Bầu Cử Sơ Bộ ở Tiểu Bang Michigan: Trump và Biden Đều Thắng Lớn


(Ảnh: Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 được dự kiến sẽ là cuộc tái đấu giữa Donald Trump (trái) và Joe Biden.)
-Tại tiểu bang Michigan, Mỹ, trong cuộc bầu cử sơ bộ chọn ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ và Cộng hòa ngày 27/2/2024, Jode Biden của đảng Dân chủ và Donald Trump của đảng Cộng hòa đều giành chiến thắng trước đối thủ trong đảng với tỉ lệ phiếu bầu rất cao. Donald Trump được 58% phiếu bầu so với tỉ lệ 20% của đối thủ Nikki Haley. Theo thông tấn xã Reuters, trên tổng số 50% số phiếu đã được kiểm, ông Biden được 80%.
Từ Hoa Thịnh Ðốn, thông tín viên Guillaume Naudin của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết chiến thắng của Biden và Trump tại tiểu bang Michigan không gây ngạc nhiên, nhưng ẩn sau đó là những khó khăn mà cả hai phải tìm cách tháo gỡ để có thể có thêm lá phiếu ủng hộ chắc chắn cho cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11/2024:
"Họ là những ứng cử viên được ưa thích và họ đã thắng lớn. Thường thì tỉ lệ phiếu ủng hộ rất cao sẽ cho phép họ thể hiện một sự vui mừng thắng lợi nào đó. Nhưng trong trường hợp này thì mọi chuyện lại không như vậy, bởi vì họ đều có những khó khăn.

Đối với Joe Biden, đây là cuộc bỏ phiếu gọi là "uncommited", không cam kết (cử tri có thể đánh dấu vào ô "không cam kết", tức là bỏ phiếu theo đảng nhưng không cam kết ủng hộ các ứng viên có tên trên lá phiếu). Khả năng này đặc biệt thu hút những cử tri trẻ tuổi và những người Mỹ gốc Ả Rập theo đạo Hồi, vốn rất đông ở tiểu bang Michigan và không hài lòng về việc Tổng thống Biden ủng hộ Do Thái trong cuộc chiến ở Gaza.
Những người có thái độ gay gắt nhất muốn truyền đi một thông điệp, một thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng. Chiếm đến ¼ số phiếu được kiểm, như vậy là số phiếu "không cam kết" - lá phiếu phản kháng, đã vượt quá mức thông thường. Và Tổng thống Biden sẽ phải tính đến điều đó để có thể kéo số cử tri này về phía ông trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đây. Không phải vô cớ mà ông Biden đã thay đổi giọng điệu và nhắc lại là ông đang tìm kiếm một lệnh ngừng bắn.
Về phần Donald Trump, dù thắng lớn, nhưng ông cũng gặp một vấn đề. Vấn đề đó có tên là Nikki Haley. Bất chấp những thất bại liên tiếp, bà Nikki Haley vẫn tiếp tục cuộc đấu với Donald Trump. Và những người trung thành với bà ấy cũng vậy, mặc dù bà Nikki Haley gần như không có cơ hội để được chọn làm ứng viên đại diện cho đảng ra tranh cử Tổng thống. Số người ủng hộ bà vẫn chiếm gần 1/3 thành viên của đảng Cộng hòa. Và Donald Trump cũng sẽ phải nỗ lực thuyết phục họ".


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét