Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2024

CHUYỆN NHÀ ... ÔNG BREUX - TỪ VŨ (VietVanMoi)


Dù trên giấy tờ pháp lý chúng tôi là chủ nhân, dù đã hơn 25 năm chúng tôi cư ngụ tại căn nhà này, nhưng vợ chồng chúng tôi vẫn nói với nhau: nhà của ông Breux (Bờ-Rơ). Nhà ông Breux có hai tầng nhưng từa tựa như kiểu nhà quê tại xứ dừa Bến Tre quê hương tôi, 4 gian hai chái lợp ngói đỏ. Chiều dài nhà 15 thước, chiều ngang 4 thước rưỡi nằm trên một khuôn đất diện tích tổng quát hơn 450 thước vuông tuy thế đất không vuông vức thực sự mà hai bên, ở mé sau, lấn qua đất hai hàng xóm mỗi bên 1 thước, nở hậu, nói theo bên mình. 
<!>
Lại còn vui hơn nữa phía trước nếu không chừa đường đi cho lối xóm cũng là đất của ông Breux – đất của chúng tôi- vì chủ nhân của căn nhà trắng phía trước và căn bên mé trái có quyền ưu tiên đi bộ qua nhưng họ lại không được quyền chạy xe, đậu xe trên phần đất này đúng theo luật lệ của Tây đã quy định dù rằng chính chúng tôi phải đóng thuế chủ quyền phần đất này nhờ thế nên tạo ra một khoảnh đất trống dễ dàng để khi chạy xe vào có thể quay đầu lại mà không cần phải lùi xe.

Ngoại trừ chồng tôi còn đi làm ba người hàng xóm đều đã về hưu. Hai người bên mé phải: vợ chồng Quentin, ông chồng trước đây là một trưởng toán của một công ty xây dựng cầu cống. Hàng xóm bên mé trái già nhất, George và bà vợ bị liệt một bên chân trước đây hành nghề may vá. Hai người thân thiện nhất với tôi, có thể vì họ cũng là người nước ngoài tới đây vì hoàn cảnh: vợ chồng Marino, trẻ hơn George một vài tuổi, chủ nhân của căn nhà gầy cao màu trắng, gốc Ý, ông chồng làm nghề xây cất nhà cửa bà vợ làm việc chung với bà George. Khu xóm, 4 nhà, tổng cộng 9 người kể cả con trai tôi. Nằm đối diện cạnh khu đất trước hàng rào nhà là một trường tiểu học bán nội trú thiên chúa giáo bên kia bức tường cao dài trắng chạy dài từ cổng chính bọc hết sau lưng nhà ông bà Marino. Tiếp đó, một dãy nhà cao nằm quay lưng ngay phía sau nhà vợ chồng George: trường trung cấp tư thục Aviat. Chính nhờ thế nên ban ngày cả khu êm ả. Nắng chiều vừa tắt, Marino mang chìa khoá ra khoá chiếc cổng sắt mở ra đường để yên tâm không sợ bị kẻ lạ đột nhập.
Nhớ lại, sau khi đã cầm giấy tờ làm chủ trên tay, đầu tháng 9, sau thời kỳ nghỉ hè, 5 cô con gái đã lần lượt lên đường chuẩn bị đi học, một tuần lễ trước khi giao nhà cho chủ mới, chồng tôi lấy 3 ngày nghỉ cuối tuần để về Largentier sau khi tôi đã chạy mở đồng hồ điện đồng hồ nước.

Khoảng cách giữa nhà cũ với nhà mới không bao xa nhưng mất hơn nửa ngày để dọn đồ đạc.

Tủ ỷ bàn ghế máy móc nặng nề, cồng kềnh tôi giao cho một cơ sở chuyên về việc dọn nhà. Đồ đạc lỉnh kỉnh khác chồng tôi và bốn người bạn khác tiếp tay đã phải đi tới đi lui 4,5 chuyến xe lớn nhỏ chuyên chở.

Chỉ nội chuyện "lôi" được vào nhà, qua cửa chính bề ngang chưa đầy 80 phân, bộ bàn ăn, bộ sa–lông, chiếc tủ sách và chiếc piano với vài tiếng "merde, merde" -đồ chết tiệt- của hai người khiêng vác Tây của cơ sở dọn nhà, đã như một kỳ công. Họ đã phải xoay tới xoay lui, xoay tả xoay hữu, nghiêng bên này, ngả bên kia. Cuối cùng cũng phải vào được. Bộ sa–lông, chiếc tủ sách cồng kềnh và chiếc piano chiếm chật gian phòng khách. Phòng ăn với bộ bàn ăn và chiếc tủ buffet trịch thượng chỉ chừa lại lối đi quanh khoảng hơn 1 thước. Tôi cho khiêng 8 chiếc nệm ngủ vào 2 căn phòng kế bên phòng khách. Phần còn lại...tính sau.

Tuy sắp vào thu nhưng mưa chưa đến nên những tủ ỷ đồ đạc khác được ngổn ngang nằm hứng nắng chiều, trong sân cùng lúc một người trẻ thất nghiệp được tôi mướn ba ngày đang cưa cắt dẹp bỏ sang một bên những cây, cành đang tỉa ngang tỉa dọc trong vườn để có chỗ chất đồ đang mang tới.

Chuyện đó đâu phải là chuyện lạ với một gia đình đông người, chỉ nội 5 chiếc tủ sách, 5 chiếc bàn học của các con kèm thêm chiếc bàn làm việc kiểu Richelieu của chồng tôi cộng thêm giường tủ áo quần, chổi cùn chiếu rách ... đã đầy vườn.

Vợ chồng chúng tôi buộc lòng chỉ sử dụng những đồ đạc cần thiết cho 3 người còn những đồ đạc linh tinh khác vì tôi không muốn nên được tháo ra, cứ cái nhỏ chồng lên cái lớn...xếp vào kho, một kho dài khoảng hơn 10 thước ở vườn sau. Đám đồ đạc, máy may kỹ nghệ ... thiếu may mắn này dưới lớp màng nhện hiện vẫn còn nằm chờ đợi ... trong niềm hy vọng ... nếu có đứa con nào cần sài thì cứ về lấy mang đi.

Buổi đầu khi vừa mua, một vài người bạn Tây, Ta, đến chơi, nhiều người lắc đầu. Vợ chồng một người, làm chung sở với chồng tôi, không sợ mất lòng đã nói thẳng:
- Nhà này như một căn nhà hoang phế, anh chị phải sửa chữa lại rất nhiều...

Họ nói không đúng mà cũng đúng vì vợ chồng tôi, những ngày thứ bẩy, chủ nhật lụi hụi làm... chạy xe tìm mua vật liệu làm mộc, làm hồ. Dù không biết nghề nhưng chúng tôi tự làm lấy. Tự thay lấy những chiếc cửa cái, những dàn cửa sổ, cô lập trần nhà để chống lạnh, đập tường rào trước vườn nhà tự làm một garage cho xe. Cô lập, tạo dựng, trang hoàng toàn thể tầng lầu nơi con trai út ở... Chồng tôi đã không để tôi phải làm một mình từ A cho tới Z nữa ngoại trừ việc xuống bếp nấu ăn.

Người ta thường nói : Nóc nhà xa hơn kẻ chợ nhưng với vợ chồng chúng tôi thì nóc nhà chúng tôi gần hơn kẻ chợ rất nhiều bởi một lẽ chúng tôi bắc ráp thang, leo lên rất thường xuyên để xây lại ống lò sưởi, cô lập chống nóng lạnh rồi lợp lại toàn bộ diện tích nóc nhà...

May mắn cho chúng tôi nhờ cột kèo bằng gỗ sồi nên dù gần 100 tuổi căn nhà vẫn thẳng thắn không chút nghiêng ngả. Tường giữ hơi ấm mùa đông, mát mẻ về mùa hè.

Cứ như thế, hai vợ chồng làm lại một gian bếp lớn, rộng hẳn ra. Xin mở đường cung cấp khí đốt và trang bị toàn thể nhà một hệ thống sưởi cho mùa đông. Bắt lại hệ thống điện. Bọc mái chiếc cầu thang không để chịu mưa chịu nắng như trước. Tráng bê tông căn hầm và xây thêm một nhà tắm dính liền với kho chứa đồ đạc. Xây bít cửa chạy tuột từ cửa rào vào phòng ăn. Đặt cửa chính mới ngay giữa mặt tiền trên bậc tam cấp. Thay mới toàn bộ những cửa sổ mặt tiền rồi cũng đúc bê tông lót gạch bông chạy dọc suốt chiều dài căn nhà để khi từ vườn bước vào không lôi theo sỏi đất...

Ngoài vườn trước, những cây cổ thụ xum xê che kín nắng bị đốn bỏ chỉ chừa lại 2 cây táo, một cây lê và một cây mận. Chồng tôi cuốc sới trồng cỏ và nhiều loại hoa nở tùy theo mùa. Phần tôi, tôi trồng trên phần đất vườn "của tôi", chồng tôi không có quyền trồng bông hoa gì trên phần đất này, ở phía sau một dàn su-su đàlạt, một dàn bầu cành lá bò leo trên cửa sổ phủ tới mái nhà mùa thu mỗi năm ăn không thể hết đem chia tặng bà con người đồng hương quen biết. Tôi trồng cả rau dấp cá món mà chồng tôi không thích vì có mùi kỳ cục như lời ông nói. Trồng khổ qua, rau húng, rau thơm, tía tô, ớt... những cây qủa mà bà con ViệtNam ở đây nói là khó trồng. Để có nước tưới mà không sử dụng nước robinet cho khu vườn "của tôi", ngay cả vườn phía trước của chồng tôi, tôi qua bên hãng nhuộm nằm ngay mé đường bên kia trước cổng nhà mua rồi nhờ mấy người thợ nhuộm Tây vốn dĩ rất ga-lăng với đàn bà, khiêng qua cho tôi 3 chiếc bồn bằng nhựa hứng cả ngàn lít nước mưa. Có lẽ tôi có tay trồng lại năng tưới bón nên cây nào cũng xanh tươi, đơm bông, kết trái.

Ở nhà ông Breux chúng tôi được hưởng những điều thú vị đặc biệt mà gần như hay có thể nói rằng độc nhất: nghe tiếng chim cu gáy từ 6 giờ sáng trên những ngọn thông bên vườn vợ chồng ông bác sĩ già Vincennes tiếp đến tiếng hót líu lo chạy nhảy của những chú chim sẽ, chim tit (mésange),... ngay trong vườn nhà rồi 7 giờ tiếng nói cười của những đứa trẻ bên sân trường học: Bản hợp âm này chỉ tạm ngưng khi bầy trẻ phải vào lớp để rồi lại tiếp tục lúc chúng được ra chơi hay phải ăn trưa cứ thế cho tới chiều tối. Âm thanh, tiếng động tiếng hò hét cười đùa của những đứa bé không chát chúa khó nghe mà ngược lại rất hồn nhiên chứa đựng một cái gì thánh thiện mà tôi không thể nào diễn tả nổi.

Chồng tôi được ở nhà quê như ông ao ước: Ban ngày, ông chỉ cần đi bộ 5 phút ra đầu đường, ông có ngay sự nhộn nhịp không ngừng của xe cộ, của những khách bộ hành qua lại. Quay về vườn nhà ông nghe tiếng chim hót, tiếng ong vo ve tìm bông hút mật, vài cánh bướm chập chờn trên những đám hoa do chính tay ông trồng. Buổi tối ông chỉ cần ngó qua kính cửa sổ hay ra ngồi phì phà điếu thuốc trên bậc tam cấp ngắm trăng sao lấp lánh trên bầu trời.

Ở nhà ông Breux, chồng tôi không những chỉ được ở nhà quê mà lại ở nhà quê ngay giữa trung tâm thành phố.

Hai vợ chồng cùng chung tay làm nên cũng vui, ít tốn kém tuy nhiều khi thời giờ bàn cãi lâu gấp hai lần giờ làm. Làm xong, hai vợ chồng cùng đứng ngắm nghía, nhìn nhau cười. Việc gì người ta làm được thì mình phải làm được !. Lẽ tất nhiên mình làm không được đẹp như thợ làm.

Căn nhà không một ai còn có thể nói được là điêu tàn hoang phế nữa mà phải gọi là căn nhà Thanh Thản.

Nhà ông Breux đã cửa đóng then cài chờ đợi chúng tôi suốt 6 năm từ ngày ông qua đời hưởng thọ 61 tuổi vì đột qụy tim, căn bệnh ông vướng phải ngay lúc còn nhỏ.

Khi ký giấy mua, chúng tôi không để ý tới người ký tên bán. Chỉ sau mấy tháng lúc đã về ở nhà này qua những câu chuyện vãn với bà Marino, nhất là sau này với ông Maurice bạn thân của ông Breux, chúng tôi mới hiểu ra lẽ rằng người ký trên giấy bán chỉ là đại diện cho một bà thừa kế duy nhất của ông Breux, một bà cô họ đã già đang sống trong một viện dưỡng lão ở xa mà nhân viên một văn phòng thám tử tư phải vất vả điều tra khắp nước Pháp mới truy tìm ra được.

Theo lời Maurice thuật lại. Bạn ông, Léon, cùng học chung một lớp từ mẫu giáo và là người sau này khi lấy vợ đã nương náu trên căn gác nhà chúng tôi hiện nay cho tới lúc mua được một căn nhà cùng nằm trên đường, chỉ cách khoảng 100 thước bên mé trái cổng ra vào, bên phía trường học. Khi được 7 tuổi, cậu bé Léon suýt chết vì bỗng dưng ngã lăn trong sân chơi may được cấp cứu. Léon là con một, cha ông là một người phát thơ làm việc cho bưu điện thành phố còn mẹ ông là thợ may như rất nhiều người khác ở thủ đô may vá này, toàn khu này trước đây là những xưởng may quần áo. Khu xóm trong đó có nhà của chúng tôi là khu dành cho nhân viên các cơ xưởng này tùy theo chức vị, nhân viên hành chánh hay trưởng toán ...

Khi tai nạn xảy ra, bác sĩ khám nghiệm mới cho biết rằng cậu bé Léon Breux bị bệnh tim khá nặng cần phải giữ gìn và điều trị. Vừa học xong tiểu học, ba năm sau cha cậu bị tử thương trong một tai nạn lưu thông, chỉ còn mẹ vẫn tiếp tục làm lụng nuôi cậu ăn học. Trong thời kỳ này vài lần cậu Léon lại bị tai biến hệt như lúc mới 8 tuổi. Bác sĩ khuyên mẹ cậu không nên cho cậu lập gia đình. Lại kém may mắn hơn vừa bước vào trung học đệ nhị cấp mẹ cậu đột nhiên qua đời. Chôn cất lo liệu cho mẹ xong, cậu ở vạy, bỏ học quanh quẩn với căn nhà, với khu vườn và những kỷ niệm với mẹ cha.
- Những cây táo, cây lê do chính tay nó trồng. Lời Maurice. Nó ít khi dám đi một mình, chợ búa thì tôi chở đi, xe cộ nó đâu dám lái rủi ro...
- Rồi ông ấy trị liệu ra sao ? Tôi hỏi Maurice.
- Thì đi bác sĩ 6 tháng 1 lần, thuốc men uống đều đặn theo lời căn dặn của bác sĩ. Cái phòng ngủ thứ 2 ở dưới nó vừa mướn người làm lại mới, sắm thêm lò sưởi chỉ được chừng 8 tháng chớ đâu có lâu lắc gì !. Bà còn thấy đó, nó cho người ta làm cái trần còn trắng cong cong chạy viền trang trí, lại cho làm thêm bên cái chái một nhà tắm mới...

Đúng như Maurice nói, căn phòng thứ hai mới từ trần cho tới sàn. Nhà tắm cũng như thế chỉ trừ một điều lúc mới dọn về tôi phải lau chùi, hút màng nhện, hút bụi năm bẩy lần, chuyện này cũng là chuyện bình thường vì mấy năm không ai săn sóc.
- Ông Breux bị chết như thế nào?. Tôi hỏi tiếp.
- Nó chết lúc nào cũng không ai biết, hai ngày sau Marino không thấy Léon ra vào ngoài vườn nên không nghe tiếng chào hỏi "bonjour" ,chào buổi sáng, như mọi bữa nên đã mở cửa vườn vào gõ mấy lần bên trong vẫn im lặng, Marino gọi George để báo động George qua gọi tôi ... cũng xui xẻo cho nó ba bữa đó tôi lại phải đi thăm gia đình thằng con trai ở trên Vosges -khoảng cách chừng 300 cây số- mới vừa trở về sáng sớm bữa đó ... khi cả ba tung cửa vào thì thấy Léon nằm sóng soài dưới sàn....Phải chi tôi ở nhà chắc nó còn sống ...

Maurice, ngừng lại để nén cơn xúc động, nói tiếp:
- Theo lời những người tới đem xác nó đi thì nó lại bị lên cơn ngã lăn xuống sàn, nó cố bò tìm thuốc uống cất trong tủ thuốc treo bên phòng ngủ của mẹ nhưng không thể bò nổi tới được và ... ra đi.

Cố tình muốn làm quên nỗi buồn của Maurice tôi hỏi:
- Người Việt chúng tôi nói sống, chết có số ông ạ. Tôi ngưng một chút rồi tiếp: Thế lúc đi học ông Breux có bạn bè trai gái nào không? Tôi hỏi ông Maurice. Maurice thở dài, cười nhẹ:
- Bạn trai được vài người nay thì kẻ còn người mất tản lạc khắp nước Pháp. Lúc đi học bạn gái cũng không có nhiều... hình như người thân thiện nhất của nó là cô Hélène, chẳng biết có phải bồ bịch hay không... . Đám ma nó chỉ có mặt bà con lối xóm còn họ hàng thân thích không một ai... Nó được chôn cất tại nghĩa trang thành phố này, trong phần mộ gia đình chung với cha mẹ. -./.

Troyes-Pháp, Sérénité ngày 27.11.2023-16.10'.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét