Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2024

Chai rượu Vĩnh Biệt - Tăng Hoàng Quân


Ngày 15/9/1972 là ngày QLVNCH hoàn toàn tái chiếm cổ thành Đinh Công Tráng (Quảng Trị). Và đó cũng là chấm dứt chiến dịch giành lại quê hương sau hơn 6 tháng oằn oại trong tay quân xâm lược cs/miền Bắc. Cũng là lúc Sư Đoàn DÙ được giao trách nhiệm tiêu diệt những căn cứ bí mật, những điểm tựa của cs/Bắc Việt tại hướng tây và tây nam Quảng trị, vùng núi rừng trùng điệp của dẫy Trường Sơn.Cả 1 vùng rừng núi rộng lớn bao gồm nhiều cao điểm chiến lược là căn cứ hậu cần vững chắc có thể áp lực lên 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên (Huế), nơi đây có cả bệnh viện dã chiến của địch. Do 2 sư đoàn BV324 và 312 phòng thủ kiên cố, có các cao điểm 118,124,235....
<!>
Quan trọng nhất là đỉnh 367 mét. Bao hàm 1 vùng rừng rậm Chiên Giồng và Động Ông Đô, còn có tên là Mật Khu Ba Lòng. Chỉ có 2 lữ đoàn Dù 2 và 3 (tổng cộng 6 tiểu đoàn) đã tấn công vũ bão chiếm lại các cao điểm trên. Địch điên cuồng phản công giành lại nhiều lần, mỗi lần là những đơn vị mới từ 2 sư đoàn trên.
Ngày 20/10/1972 họ tung 2 trung đoàn 24 và 66 của SĐ 304 phản công quyết liệt chiếm lại các cao điểm 118 và 124... Ngày 3/11 Lữ Đoàn 2/ND đã giành lại được trọng điểm A1 và đỉnh 367. Coi như làm chủ Động Ông Đô, địch hoảng hốt tung ngay trung đoàn 165 phối hợp với sư đoàn 304 phản công dữ dội. Nhưng họ thất bại ê chề trước sự dũng cảm và kiên cường của ND. Là ngày ND làm chủ Động Ông Đô hay mật khu Ba Lòng.
Tiểu Đoàn 11/ND với Đại Đội 111 do Trung úy Đinh Viết Trinh ĐĐ Trưởng và Đại Đội 112 do tôi chỉ huy là 2 mũi nhọn tấn công. Sau khi đánh bật địch ra khỏi mục tiêu, chưa kịp tái phòng thủ đã bị ngay 1 đơn vị mới của địch phản công. Cứ chiếm đi chiếm lại từng đồi như vậy, các chiến binh rất mệt mõi và vất vã. (Địch luôn tăng cường đơn vị mới để phản công, còn chúng tôi vẫn là đơn vị từ đầu tham chiến). Quân số bị hao hụt dần và súng đạn hạn chế, chúng tôi vẫn chiến đấu dũng cảm và kiên cường. Rồi cái đêm định mệnh đã tới, tôi gom hết các chiến binh còn lại xung phong lần cuối và tôi đã gục xuống cùng chiến hữu trên đồi hoang đẫm máu của núi rừng trường sơn vào ngày đầu tháng 11/1972.
Dưới đây là câu chuyện thật, rất thật từ bối cảnh, nhân vật và hoàn cảnh thật trên chiến trường.
*****
Sau khi đẩy lùi các binh đoàn tinh nhuệ của CS/BV họ rút chạy về phía Bắc xa bờ Thạch Hãn. SĐ/ND sau nhiều tháng miệt mài không nghỉ để giành lại từng tấc đất quê hương đã lọt vào tay bọn xâm lược. Được tạm nghỉ ngơi để bổ xung quân số và tái trang bị, sẵn sàng nhân nhiệm vụ mới.
Tôi còn nhớ, trước khi nhận lệnh Hành Quân một ngày, 1 sỹ quan rất trẻ từ không quân chuyển qua ND, đó là Thiếu úy PHONG đến trình diện tôi. Phong cao ráo trắng trẻo nếu không nói là đẹp trai. Anh đến bên tôi với giọng buồn, anh nói anh từ bộ tư lệnh không quân về chưa được đi phép thăm gia đình và khẩn khoản xin tôi cho anh về Huế 24 giờ thăm cha mẹ và người vợ sắp cưới của anh đang ở Thành Nội Huế. Tôi đắn đo vì đơn vị đang ứng chiến hành quân 100/100, tôi không thể cho phép ai rời khỏi đơn vị lúc nầy. Mắt anh buồn thiu như rưng rưng lệ, tim tôi thắt lại, tôi hiểu cái tuyệt vọng và nỗi buồn sâu thẵm trong anh. Tôi quyết định cho phép anh về thăm nhà trong 48 giờ và phải trình diện đúng ngày, không chấp nhận trể ngày nào. Anh mừng quá vội vàng ra quốc lộ 1 đón xe về Huế. Thật oan nghiệt,đêm đó tôi nhận được lệnh hành quân khẩn cấp, đánh vào mật khu Ba Lòng (Động Ông Đô). Lòng tôi lo lắng vì thiếu 1 sĩ quan trung đội trưởng khi hành quân.
Tiểu Đoàn 11/ND tấn công vũ bão vào các cao điểm phòng ngự của địch tại Động Ông Đô ngay phút đầu. Nhiều mục tiêu đã chiếm nhưng địch tung ngay đơn vị mới với quân số áp đảo chiếm lại. Các đỉnh chiến lược đổi chủ liên tục. Đại Đội tôi hao hụt nhiều chưa được bổ xung. Tôi đưa trung đội tương đối nguyên vẹn lấy lại mục tiêu. Đang củng cố phòng thủ thì đêm ập đến núi rừng nhanh chóng phủ một màu đen u ám ghê rợn. Thầm mong địch không quay lại phản công đêm nay.
Vừa ngã lưng trên chiếc võng thì toán tiếp tế đến và mấy lính mới tăng cường trong đó có Thiếu Úy Phong. Tôi mừng vì trung đội tuyến đầu không có sỹ quan, hiện do 1 hạ Sỹquan thâm niên nắm quyền trung đội trưởng. Phong mừng rỡ ôm chầm tôi và chuyển lời cảm ơn của gia đình anh, nhất là cô vợ sắp cưới của anh. Đồng thời tặng tôi 1 chai rượu Hennessy, là món quà của gia đình anh gởi cho tôi.
Sau khi nói qua tình hình địch và tình trạng trung đội trên đó, tôi nói anh ngủ lại đây vì đường rừng ban đêm khó đi và nguy hiểm, sáng mai tôi cho người đưa anh lên đó. Tôi trằn trọc không ngủ được, lo cho anh em trên đó, địch có để yên cho họ không đêm nay?
Tôi gọi Chuẩn Úy BÚP (1) sỹ quan rất trẻ nhưng rất giỏi điều chỉnh pháo binh, anh đã dũng cảm theo sát tôi những lúc hiểm nguy nhất, quả là 1 tiền sát giỏi và can đảm. Chúng tôi xem lại các hỏa tập cận phòng pháo binh đã chấm và thêm một số mục tiêu bắn quấy rối, Phong cũng thao thức. Tôi chợt nghĩ, tại sao mình không khui chai rượu ra nhâm nhi cho ấm, chống lại cái giá rét của đêm trường sơn.Thế là mỗi người 1 nắp đầy xoay vòng. Đang chén anh chén tôi, rượu chưa mềm môi người lính chiến trên sa trường thì tiếng súng lớn nhỏ nổ rang, tiếng mìn, tiếng lựu đạn và ánh lửa lóe lên trên đồi. Tôi chụp ngay ống nghe, tiếng hạ sỹ âm thoại viên như hét hòa vào tiếng súng:
– Tụi nó tấn công Đích Thân ơi! Đông lắm.
– Cố gắng cố thủ, tôi cho pháo binh bắn các hỏa tập cận phòng ngay.
– Búp, gọi ngay pháo đội bắn đi, hỏa tập 1 sát vào 50 mét....
Tiếng đại bác 105 ly bay vèo vèo trên đầu và tiếng nổ dồn dập trên đồi.
Sau hơn 30 phút tiếng súng và pháo thưa dần, tiếng âm thoại viên báo địch rút lui rồi, tôi ra lệnh củng cố phòng thủ và kiểm điểm thương vong ngay cho tôi.
Một lúc sau báo cáo sơ khởi: 5 em rách áo (bị thương) và 2 em chào vĩnh biệt. Địch chết nhiều không đếm được. Và quyền trung đội trưởng bị thương nặng.
– Hãy bình tĩnh, canh gác cẩn thận, địch có thể tấn công lần nữa. Tôi sẽ cho người lên thay ngay để chỉ huy trung đội. Tiếp tế, tải thương đợi sáng mai.
Tôi nói với T/U Phong đang đứng im lặng:
– Anh dẫn 5 người lên đó bây giờ để chỉ huy trung đội, đừng để anh em hoang mang vì thiếu người chỉ huy. Mang thêm lựu đạn và đạn cho họ, cảnh giác tối đa và cũng cố tuyến phòng thủ.
Tôi chợt nhìn chai rượi còn non phân nửa và nói với Phong:
– Mai tôi lên đó, chúng ta uống cạn chai nhé.
Phong cúi đầu, dạ! một tiếng dạ trầm và buồn bã!
Thời gian sao quá chậm vậy! Tôi đang nóng lòng và lo lắng chờ tin Phong và 5 chiến hữu đang mò mẫm giữa rừng khuya, chung quanh là mật khu địch. Rồi tiếng máy PRC 25 vang lên:
– Đích Thân! tôi đã bắt tay với mấy đứa nhỏ rồi, có mấy đứa rách áo và ra đi vĩnh viễn. Xác địch la liệt trên đồi, tôi đang tăng cường phòng thủ.
Tôi thở ra một hơi dài nhẹ nhõm, dặn dò những điều cần thiết cho Phong và chúc Bình An.
Tôi thiếp đi lúc nào không hay. Bỗng choàng dậy do tiếng nổ ì ầm và tiếng la hét từ phía đồi Phong. Tôi nhìn đồng hồ dạ quang 2 giờ 45 sáng, và máy truyền tin vang lên:
– Đích Thân, chúng tấn công dữ dội, đông lắm.
Tôi gọi Búp bắn các hỏa tập đã dự phòng. Khoảng 15 phút sau máy vang lên:
– Ông Phong chết rồi, địch đang tràn ngập.
– Anh cố gắng gom anh em rút xuống thung lũng, theo đường thông thủy về đây. Tôi cho người tiếp ứng dọc theo thông thủy. Nhớ mang theo ông Phong về đây cho tôi bằng mọi giá.
Tiếng máy im lặng có nghĩa là anh em đã rút, trong khi đó tiếng máy của Tiểu đoàn vang vang, bắt tôi phải báo cáo sau 10 phút.

Tôi cho 1 toán men theo dòng suối để đón, tiếng pháo và tiếng súng im dần, chỉ còn ánh lửa bập bùng như ma trơi trên mục tiêu. Hơn 3 giờ sáng, xác của Thiếu Úy Phong mang lên chỗ tôi. Y tá và thường vụ đang lo cứu thương, anh bị 1 loạt AK bắn vào ngực máu đẫm chiến y, đôi mắt anh vẫn mở trừng trừng không nhắm, chắc anh đang chờ một điều gì? Tôi và Búp ngồi bên xác anh, tôi nhớ đã hứa sẽ cạn chai rượu nầy với Phong vào ngày mai. Bây giờ đã gần sáng. Và chúng tôi 3 người uống xoay vòng cho đến khi cạn chai. Miệng anh hé mở rượu tràn ra ngoài pha máu đỏ ao. Tôi tò mò cởi nút túi áo anh lấy ra 1 tấm hình loang máu, may quá nó được bọc trong 1 tấm nylon dầy, lau sạch máu, thì ra hình một người con gái rất đẹp tóc thề, có đôi mắt mơ màng và đa tình của các o Huế. Tôi đoán đây là người vợ sắp cưới của Phong. Tôi cẩn thận cho vào túi áo trên, nghĩ sẽ có dịp ra Huế tôi sẽ tìm chủ nhân nó mà trao lại 1 kỷ niệm vô giá tận tay cô. Trong lòng tôi lúc đó thật nặng trĩu buồn thảm, tiếng máy PRC25 oang oang. Sếp tôi đang gọi:
– Tình hình sao rồi?
– Địch tràn ngập mục tiêu rồi Đích Thân, thiếu Úy Phong hy sinh cùng anh em và một số bị rách áo, hiện xác anh đã về với tôi.
– Tôi muốn anh chiếm lại mục tiêu ngay.
– Tôi có 5 ngón tay, cụt hết 4 ngón rồi (4 trung đội và BCH).
– Tôi không cần biết, anh phải chiếm lại ngay bây giờ, nếu chết hãy chết trên đó cho tôi.
– Tuân lệnh Đích Thân, tôi lên ngay bây giờ.
Tôi cho lệnh tắt hết máy liên lạc, im lặng vô tuyến.
Tôi gom hết những chiến binh còn có thể chiến đấu hơn 20 người, trừ thương binh và tử sỹ ở lại. Trước khi xuất phát tôi nói với anh em:
– Như chúng ta tình nguyện là chiến binh ND, đã chọn nếp sống hùng và mạnh, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đồng bào trong đó có gia đình chúng ta. Trung thành với tổ quốc và luôn chấp hành mệnh lệnh của thượng cấp. Có thể đây là trận chiến đấu cuối cùng, nhưng chúng ta chấp nhận và hãnh diện là một chiến binh Nhảy Dù – LUÔN CỐ GẮNG.
Toán quân quyết tử âm thầm như những bóng ma mờ ảo trong rừng núi trường sơn. Địch không thể ngờ chúng tôi phản công quyết liệt trước trời sáng. Tiếng lưu đạn ầm ầm tóe lửa, tiếng đại liên M60 và M16 nổ dòn, địch hoảng hốt tháo chạy…
Bỗng dưng tôi rùng mình tim nhói mạnh, toàn thân tôi giật bắn lên, tê rần rần như có dòng điện cao thế chạm vào. Bên tai tôi còn nghe tiếng thất thanh của người cận vệ, Trung úy.. Trung úy.. Tôi không còn ý thức được gì ngoài dòng máu nóng hổi đang phọt ra từ thân tôi và gục xuống.

Khi tôi tỉnh lại nghe tiếng máy nổ dằn sóc trên đường đồi gồ ghề. Thì ra mình còn sống và đang được chuyển thương từ chiến xa M113. Tôi nhắm mắt lại rồi hôn mê lúc nào, có lẽ mất máu quá nhiều. TĐ đưa tôi về bệnh viện Nguyễn Tri Phương Huế bằng trực thăng. Sau khi sơ cấp cứu họ đưa tôi ra ngay phi trường Phú Bài bay về SàiGòn bằng máy bay C130 của không quân VNCH. Nơi đây 1 chiếc xe cứu thương cấp tốc chở tôi về bệnh viện Đỗ Vinh của Sư đoàn Dù. Trong phòng hồi sinh tôi chợt tỉnh và nghe một bác sỹ nói không được, phải chuyển qua Tổng Y Viện Cộng Hòa ngay.
Khi tôi tỉnh lại lần nữa thấy mình đang nằm trong phòng hồi sinh của BV/Cộng Hòa, trên đầu tôi treo lũng lẳng những bịch máu và dịch truyền. Một bóng áo trắng của cô y tá với đôi mắt nhu hòa kề sát mặt tôi nhỏ nhẹ:
– Anh tỉnh rồi hả?
Sau một ngày tôi được đưa qua khu Tổng Quát 7 và ở đây cho đến ngày rời bệnh viện. Qua mấy lần 29 ngày tái khám. Khi vết thương chưa lành hẳn, tôi nhớ đơn vị và chiến hữu quá, tôi xin ra vùng hành quân cùng anh em. Lúc nầy TĐ/11 đang dưỡng quân tại Phá Tam Giang, tôi được cho nghỉ ngơi vì vết thương chưa lành, không có trách nhiệm gì hết, thường ra Huế uống trà, đến chợ Cồn ăn chè, hay vào Quán ăn cơm Âm phủ ở đập đá và thường nhất đến hồ sen Tịnh Tâm trong thành nội uống café nghe nhạc.
Bỗng một hôm tôi được giao nhiệm vụ Đại Đội trưởng ĐĐ 111 thay cho đại úy Trinh về TĐ7/ND. Lúc nầy tôi thăng 1 cấp là đại úy khi chưa tròn 23 tuổi. Một lần nữa tôi lại về với các chiến hữu 111. Và cùng anh em sống chết với nhau nhiều chiến trường cam go cho đến khi tôi lên chức vụ mới Trưởng Ban 3 Hành Quân và Quân Huấn của TĐ11/ND lừng danh trong quân sử.
Hôm nay nhân dịp xuân về, ngồi nhâm nhi ly rượu mừng xuân Nhâm Dần giữa mùa băng tuyết xứ người. Hồi ức lại tuôn về, vội ghi lại câu chuyện thật “CHAI RƯỢU VĨNH BIỆT” mà nước mắt rưng rưng.
Lòng ray rứt không nguôi vì không thể trao tận tay tấm hình người con gái Huế vợ sắp cưới của Phong về chủ nhân thật sự của nó. Lúc bị thương chiến y rách tươm, đẫm máu. Họ đã quăng nó nơi nào đó đâu biết, trong mảnh chinh y đó có món vô giá với người đã hy sinh, với cô ấy và cả với tôi.

Tăng Hoàng Quân
• Mùa tuyết bão 2022.

Chú Thích:
• Nhìn người lính UKRAINE hôm nay mà thương cho người chiến binh VNCH năm xưa, họ chiến đấu trong đơn độc với cả khối cộng sản thế giới.
• Những đàm thoại ngoài chiến trường trên máy truyền tin, điều được mã hóa (bí mật) theo ám danh đàm thoại và bí mật truyền tin. Nếu có nghe được địch vẫn không hiểu gì.
(1) Chuẩn Úy BÚP, một sỹ quan rất trẻ, anh thuộc Pháo đội C, Tiểu Đoàn 1 pháo binh Nhảy Dù. Là Tiền sát viên cho Đại Đội 112 khi tham chiến tại Động Ông Đô.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét