Người dân Ðức, cũng như nhiều người Âu châu vẫn chưa thực sự hiểu những gì đang xảy ra trong hai năm qua. Phải chi các nhà lãnh đạo giải thích với họ rõ ràng hơn.Vào lúc cuộc xâm lược của Nga vừa tròn hai năm, bạn thử đặt một câu hỏi đơn giản: Có phải Âu châu đang ở trong chiến tranh hay không? Hôm thứ bảy, khi tôi đặt câu hỏi này trước phòng họp có đông đảo mọi người tham dự tại Hội nghị An Ninh ở Munich. Ða số đều tán đồng. Thật vây, Âu châu đang ở trong chiến tranh. Tuy nhiên, khi tôi hỏi tiếp theo: Quý vị có tin rằng, số đông đồng bào của quý vị đã ý thức điều này chưa. Khi đó chỉ một số ít giơ tay lên.
<!>
Lần này Munich có đầy những sự trái ngược đầy tê tái. Một mặt, thương binh Ukraine bị thương nặng tường trình về trận địa đầy kinh hoàng đang tiếp diễn ở tiền tuyến. Cô Yulia Pajewska, một nữ trợ tá chiến trường kể lại, cô đã thấy “máu tuôn chảy thành dòng, những con sông của khổ ải”, cũng như “trẻ thơ đã chết trong vòng tay” của cô.
Cố ấy nói: “Chúng tôi là những kẻ khốn cùng của chiến tranh”. Cô thuật lại, chính cô đã bị bắt ở Mariupol, bị cầm tù 3 tháng và bị người Nga tra tấn. Lời kêu gọi cuối của cô: “Quý vị hãy đưa chúng tôi vũ khí để chúng tôi giết cuộc chiến tranh này”.
Ở nơi đây còn có sự can đảm của bà Yulia, người Nga. Yulia Navalnaya bước lên diễn đàn vào thời điểm mà tin chồng bà, ông Alexej Navalny chết trong tù, chưa được xác nhận. Bà Navalnaya kêu gọi: “Hãy đem Vladimir Putin ra trước công lý”, và nhắc nhở chúng ta rằng, “vẫn còn một nước Nga khác”. Sau đó bà phổ biến cho mọi người xem một phim video trên YouTube thật vô cùng cảm động. Ðó là một mặt của Munich.
Mặt khác của Munich mà mọi người đều có thể thấy khi rời phòng họp tại khách sạn Bayerischer Hof trong chốc lát. Khi đó, người ta sẽ thấy cảnh sinh hoạt náo nhiệt của ngày cuối tuần; đây đó có người ngồi đầy trong các quán cà phê đẹp, ở các quán nước, hưởng ánh nắng ấm hiếm có vào thời điểm này trong năm; nhiều người mua sắm trong các cửa hàng đắt tiền hoặc có kỳ nghỉ cuối tuần. Một cảnh sống sung túc, có vẻ êm ả nữa, trong thanh bình. Âu châu đang ở trong chiến tranh ư? Ông kể chuyện tếu lâm chăng?
Họp mặt lần này, các lãnh tụ chính phủ tham dự Hội nghị nhận thức rằng, cuộc chiến sẽ kéo dài rõ ràng hơn một năm trước đây. Tuy vậy, phần lớn chính phủ các nước vẫn chưa báo động cho dân của mình cảm nhận được mối đe dọa sống còn đang ập lên họ. Chưa nói đến việc họ cần làm gấp những điều thiết yếu giúp Ukraine, để nước này không phải tiếp tục bị thua trên chiến trường, như vừa phải rút lui khỏi Avdiivka.
Một trong nhiều ngoại lệ đáng kể là Thủ tướng Kaja Kallas của Estonia; hay Thủ tướng Mette Frederiksen của Ðan Mạch; hay ông Petr Pavel, cựu Tổng thư ký NATO, nay là Tổng thống Cộng hòa Séc, cùng tường trình với nhiều nước khác, rằng Séc tìm được trên thị trường thế giới để mua 500.000 viên đạn cỡ 155 mm và có thêm 300.000 viên cỡ 122 mm. Số đạn dược này có thể mua ngay và chuyển giao cho quân đội Ukraine. Biện pháp này sẽ giúp Ukraine giữ vững phòng tuyến đến cuối năm, khi đó các nhà máy ở Tây phương có thể cung cấp một khối lượng vũ khí lớn hơn. Việc này cũng giúp lấp lỗ trống viện trợ hiện đang bị các dân biểu Cộng Hòa theo Trump ngăn chặn một cách đáng xấu hổ; cho phép Hạ viện Hoa Kỳ đủ thời gian để có quyết định tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine, cũng như chờ đợi các khoản viện trợ quân sự mới được chấp thuận.
Tuy nhiên, các nước lớn của Âu châu như Ðức, Pháp phải nhảy vào lấp chỗ trống do việc Hoa Kỳ chần chờ phê chuẩn viện trợ quân sự cho Ukraine. Các nước này nên mua số đạn dược mà Séc kiếm được. Một cách tổng quát, nên hành động nhanh hơn, bớt hành chánh hơn và cương quyết hơn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã không đến tham dự ở Munich. Những lời kêu gọi của ông, nào là “Tái lập chủ quyền cho Âu châu” và “nền kinh tế chiến tranh”, trên thực tế còn to lớn hơn số lượng và nhịp độ mà Pháp đã giúp cho Ukraine.
Thủ tướng Ðức Olaf Scholz lại là một câu chuyện đặc biệt khác. Cách đây một năm, tôi còn phê bình mạnh mẽ lý luận của ông Scholz về việc trang bị vũ trang cho quân đội Ukraine. Tôi phải nhìn nhận, có một sự thay đổi đáng kể ỏ ông Scholz trong thời gian qua. Nay Ðức nghiễm nhiên trở thành nước giúp Ukraine nhiều đứng hàng thứ hai, sau Hoa Kỳ – một bước ngoặc lớn trong “sự đổi đời”.
Tôi không thể nào quên những câu chuyện mà bạn bè tôi kể lại trong mùa hè năm trước ở Kyiv, những tiếng súng phòng không trầm “boom boom”, phát đi từ thiết giáp loại Gepard của Ðức, đã làm yên lòng mọi người như thế nào. Pháo đạn của Ðức cứu người.
Bây giờ, chúng ta cần có một bước ngoặc lớn thứ hai nữa trong giai đoạn đổi đời. Chính phủ ông Scholz phải nhận thấy rằng: Muốn yểm trợ một bên trong trận chiến, chống lại một nhà độc tài giết người, người đó phải muốn phe được mình giúp thắng – và không chỉ “đừng thua”; công thức mà Macon và Scholz hay rút về thủ thế. Ðó không phải là ngôn ngữ của kẻ mạnh – ngôn ngữ duy nhất mà Putin hiểu. Zelensky, người phát biểu sau Scholz ở Munich, đã lưu ý: “Ở đây không chỉ là vấn đề vũ khí. Câu hỏi là: Các bạn đã sẵn sàng tâm lý chưa?” Những cân nhắc, tính toán về hòa bình, thương lượng, thỏa hiệp và win-win – tất cả đều không dùng được ở đây.
Trước câu hỏi, tại sao ông không chịu đưa hỏa tiễn tìm địch Taurus (tên lửa hành trình – Marschflugkörper) cho Ukraine, ông Scholz cũng né tránh. Liên quan đến vấn đề này, nhiều nhà quân sự chuyên nghiệp hàng đầu đều nhất trí rằng, chỉ có vũ khí như Taurus – cũng như các vũ khí cùng loại của Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Ukraine mới có thể xoay chuyển áp lực chống trả lại Nga: Bằng cách đe doạ các đường tiếp vận của Nga.
Lãnh đạo hàng đầu của các nước lớn hơn ở Âu châu nên học các vị lãnh đạo của các nước nhỏ. Họ nên can đảm hơn, nhanh tay hơn và cương quyết hơn. Và họ phải cùng nhau có một cách phát ngôn chung, trực tiếp, hăng say và hứng khởi – một ngôn ngữ mà ông Scholz hằng kính phục – ông cựu Thủ tướng Willy Brandt – chắc chắn dùng tới. Những xã hội đang yên ấm trong thanh bình, nơi nhiều người vẫn còn tin vào một cách giải quyết bằng thỏa hiệp hòa bình, phải được đánh thức dậy. Như Tổng thống Séc, ông Pavel nói: “Một sự hy sinh mà mỗi chúng ta đều có thể làm được là giảm bớt tiện nghi của riêng mình”. Không chỉ tiện nghi vật chất, mà còn là tiện nghi tâm lý nữa.
Âu châu đang ở trong chiến tranh. Khác với 80 năm trước, hầu hết các nước Âu châu đều trực tiếp tham chiến, nhưng nay Âu châu chắc chắn không được sống thanh bình như 20 năm trước – trước khi Putin theo đuổi chính sách đối đầu với Tây phương.
Nếu chúng ta không ý thức được sự khẩn cấp trong việc giúp đỡ Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến mà Ukraine đang đánh thay cho tất cả chúng ta, thì chỉ vài năm nữa thôi, chúng ta sẽ phải đương đầu trực diện với một cuộc xâm lăng khác của Nga, được khích lệ và hăm hở trả thù. Vậy, chúng ta hãy lắng nghe lời nhắn nhủ của hai Yulia, Yulia của Ukraine và Yulia của Nga. Putin phải bị đánh bại! Ðó là cách duy nhất “để giết cuộc chiến tranh này”.
______
Tác giả: GS Timothy Garton Ash là giáo sư nghiên cứu về lịch sử hiện đại tại Ðại học Oxford và Stanford. Quyển sách mới nhất của ông được xuất bản có tựa đề “Homelands: A Personal History of Europe”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét