Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 21 tháng 2, 2024

Xé Lá Thư Tình - Tô Văn Cấp


Cơm nước xong, gia đình tôi ngồi lại coi video "Lá Thư Chiến Trường" của trung tâm Asia. Vị nể tình vợ con nên tôi phải ngồi cho có mặt vậy thôi chứ khiếu văn nghệ của tôi thì tồi vô cùng, nhất là đối với những sáng tác về sau này đại loại như: "Tình anh ngọn nến, xin em đừng đến", hoặc giả "dậy đi em đừng ngủ dây dưa, dậy đi em mà nấu canh chua"! Canh chua tuy có hấp dẫn, quần áo ca sĩ tuy có xệ trên hở dưới nhưng, dẫu có nhìn sát màn hình cũng chỉ thêm nhức đầu, chẳng ích gì cho tuổi xế chiều. Thành thử, ngồi thì ngồi mà mắt không mở nổi. 
<!>
Đang lơ mơ ngủ gật, tôi giật mình nghe tiếng con gái gọi:
- Bố bố, dậy mà xem trên TV người ta đọc lá thư chiến trường của Thiếu Tá Huỳnh Văn Phú kìa, lời thơ tình tứ và cảm động quá! Có phải đó là thư của bác Phú TQLC "của nhà mình" không" Có phải bác ấy viết cho bác Phượng không" Nếu không sao bác Phú dám đưa lên tizi"

Tuy chưa mở mắt ra được, nhưng nghe con hỏi là tôi biết tác giả lá thư tình đó là ai rồi. Trong chốn văn chương tình ái, chưa có ai trùng tên Phú họ Huỳnh cả nên tôi xác định ngay:
- Còn ai vào đây nữa, chính là bác Phú K19/TQLC .."của nhà mình" đấy.

Không hiểu con gái tôi học được ở đâu câu nói: "của nhà mình" thay vì "bạn của bố". Không riêng bác Phú mà bất cứ bác nào cháu biết thì đều vơ vào "của nhà mình", không biết có phải ý cháu muốn.."bắt quàng làm họ" không". Bác Bàng, bác Chiến, bác Giáng, bác Miên, bác Khương, bác Hải, bác Lâm, bác Đức, bác Cống, bác Cảo v.v đều là "của nhà mình" cả. Tôi đã nhắc cháu nhiều lần rằng nói như vậy có thể làm các bác buồn, nhưng cháu lại lý sự: "gọi như vậy nghe thân tình hơn" chứ bố (").

Thấy con biết kính mến bạn của bố khiến tôi cũng vui vui bèn giải thích thêm:
- Lá thư có thật đó con, bác Phú viết cho người yêu, còn người yêu là ai thì bố không nhớ hết, vì là lính đánh giặc từ Bến Hải đến mũi Cà Mâu, dừng quân đâu là có tình yêu đó. Độc thân vui tính biết thả ..thơ thì ắt có nhiều tình yêu, có nhiều thì sợ gì mà không dám kể.

Thấy bố mạnh miệng bênh vực cho bạn, con gái nháy mắt với mẹ ngồi bên cạnh:
- Thế bố có dám kể cho mẹ và con nghe lá thư bố viết cho người yêu không"

Không nhớ hết những lá thư bố viết, và viết cho những ai, nhưng nhớ mãi lá thư của người yêu viết cho bố, bố nhận được mà chưa kịp đọc thì lá thư đó bị xé nát.."

Tôi thấy nhói bên hông, hình như có người nào nhéo ba sườn thì phải, rồi nghe tiếng ai thì thào bên tai: "xạo hoài"! Nhưng con gái thì lại muốn trêu tức mẹ nên hỏi bố tới tấp về người yêu xưa ấy là ai" Yêu từ hồi nào, hiện nay bà ấy ở đâu" Có gì với nhau không" Ai lại dám xé thơ người yêu của bố, phải mẹ con xé không v.v..

Liếc sang bà mẹ của con gái tôi, thấy bà ấy đang ngó lên TV nên tôi nói nhỏ với con:
- Coi chừng bố bị xé xác bây giờ! Đầu đuôi là thế này, nhân dịp các SVSQ/K19 được ông Tướng Oai cho đi phép tết năm 1963, bố quen được cô em của người bạn học cùng Pétrus Ký. Đêm giao thừa, SVSQ Võ Bị cầm tay nữ sinh Gia Long dung giăng đi xem hoa và xin xâm ở Lăng Ông, xâm nói tình yêu "tiền hung hậu kiết", nghĩa là trục trặc ban đầu, hồi sau kết quả. .."
-Rồi sao bố, bố nói nhanh nhanh một tý, kết quả thế nào""
- Quen nhau và mới chỉ tay cầm tay, thư tiền tuyến thư hậu phương thôi, chưa có gì với nhau hết. Trao đổi thư đi tin lại được vài năm thì "không phải tại anh mà cũng không phải tại em" mà tại vì chiến tranh nên tình yêu bị gián đoạn! Đến năm 1968 thì bố gặp lại cô ấy, vào dịp tết nguyên đán Mậu Thân, nhưng trong hoàn cảnh khá bất ngờ.
- Lại chuyện tình cải lương người yêu xưa gặp nhau trên phố, em đã tay bế tay bồng dắt theo ông chồng gìa, còn anh bận lo giữ biên cương nên vẫn còn độc thân!

Con gái tôi xen vào.
- Không phải gặp nhau trên phố mà bố cho lính bao vây và bắn vào nhà của cô ấy.

Mắt con gái tròn xoe ngạc nhiên, còn mắt mẹ thì cứ giả vờ lơ đãng nhìn lên TV xem người ta đọc "lá thư chiến trường" của nhà văn Fufet. Thôi thì cũng đành xâm mình kể chuyện tình yêu ngày xưa cho con gái nghe:
- Tết Mậu Thân 1968, Việt Cộng đánh và chiếm nhiều nơi ở Saigon Chợ Lớn, trong đó có khu rạp cine Đông Nhì Gò Vấp. Đại Đội 1/TĐ 2/TQLC của bố có nhiệm vụ tấn công vào khu này. Sau khi chiếm được căn nhà lầu rồi lục soát thì tìm thấy một số đồng bào bị VC nhốt ở tầng dưới cùng và thật bất ngờ bố nhận ra trong đó có cô người yêu ngày xưa.

May mắn mọi người được bình an và không thiệt hại gì nhiều nên ai cùng vui vẻ mang bánh tét dưa hấu, kẹo, thuốc lá tặng cho lính, tình quân dân thắm thiết. Bố được người yêu cũ trao tận tay gói thuốc lá Ruby Queen, và dĩ nhiên sau đó thì chuyện "tình cũ không rủ cũng tới".

Cả cô ấy và bố cùng còn độc thân nên chuyện tái hồi dễ dàng, nhớ lời bài ca "Anh đi chiến dịch xa vời, lòng súng nhân đạo cứu người lầm than" nên bố cầm đại tay cô ấy và than nho nhỏ: "lòng súng nhân đạo cứu người mình yêu". Tình yêu giữa 2 người gắn bó hơn nhưng vẫn chỉ là chuyện một năm dăm ba ngày phép, rủ nhau dạo phố Nguyễn Huệ, ăn bò khô uống nước mía Viễn Đông, rồi anh ra tiền tuyến em ở lại hậu phương, "chúng ta cách xa hoài", vẫn chỉ là thư đi tin lại, yêu nhau trên giấy.. cho tới một hôm...

Con gái tôi có vẻ sốt ruột ngồi xích lại nắm tay bố hỏi:
- Rồi sao, rồi sao" Bố nói nhanh lên chứ cứ lòng zòng hoài"!

Nhớ lại chuyện xưa nên tôi kể lại cho con gái nghe, đó là buổi sáng ngày 19/6/1969, TĐ2/TQLC dừng quân bên hông chợ Hỏa Lựu, tỉnh Chương Thiện để nhận tiếp tế và thư từ hậu cứ mang tới, tôi cũng nhận được thư của người yêu. Mừng ghê lắm nhưng chưa vội đọc vì lúc ấy 3 người bạn cùng khóa là Trần Văn Hợp, Vũ Đoàn Dzoan (TĐ.2) và Phạm Hiệp Sĩ TĐ4/TQLC đến kéo tôi đi uống café trong chợ cho nên lá thư tình vẫn nằm trên túi áo.

Đi hành quân mà nhận được thư gia đình, nhất là của người yêu thì mừng và quý lắm, cứ như gặp được người thật. Tâm trạng mừng vui tùy người, có anh vồ vập đọc ngay, có thằng từ từ mà cởi, mà cởi .. mở sao cho cái bì thư không bị rách ("). Chàng khác thì cầm chắc trong tay cứ như "tay lại cầm tay" mắt len lén nhìn quanh xem có ai để ý không rôi đưa thư lên mũi hôn như để tìm mùi da, nước hoa quen thuộc. Còn tôi thì lúc nào cũng hôn tên người gửi rồi gói kỹ lại để dành tới cuối ngày khi dừng quân nằm võng uống café, hút thuốc mới bóc..thư.

Còn gì vui bằng khi đóng quân xong, leo lên võng, đặt thư tình lên ngực tưởng như hai ta cùng chung võng, vừa đu đưa vừa đọc thư, kéo một hơi thuốc lá, nhả khói vòng tròn thấy khuôn trăng người tình trong đó. Nghe chuyện lính chiến trường khi dừng quân nhận và đọc thư người yêu thấy lãng mạng và dễ thương làm sao! Người hậu phương nếu biết được tình cảm ấy chắc chẳng bao giờ nỡ cách xa, không bao giờ muốn chuyện tình "đôi ta lại vỡ đôi".

Nhưng thực tế không đẹp như mong ước mà nhiều khi còn vỡ nát con tim, gặp nhiều đau thương sau khi đọc thư tình: "mình ơi, em vẫn thương mình, nhưng mẹ bắt em đi lấy chồng, em không muốn mất chữ hiếu!". Cũng có khi vừa đọc thư em xong thì anh đã ra người thiên cổ

Ai đã từng đọc "Những Buổi Sáng Của Lựu" trong tập truyện "Mùa Xuân Âm Thầm" của nhà văn Huỳnh Văn Phú chắc khó tin đó là chuyện tình có thật, đẹp như tranh giữa Trung Úy TQLC Nguyễn Quốc Chính, K20/VB, và người tình tên Lựu, nhưng nửa đường gẫy gánh!

Đã lâu lắm rồi nhưng tôi còn nhớ rõ như mới xẩy ra, chiều ngày 29/12/1967, sau khi đóng quân xong, Chính và tôi nằm võng cạnh nhau bên bờ sông Cai Lậy, café, thuốc lá và tâm tình, Chính lấy thơ của Lựu ra đọc, họ mới trao nhẫn đính hôn trước khi đi hành quân chuyến này. Sau khi đọc đi đọc lại nhiều lần, hôn hình vợ chưa cưới, Chính thở dài tâm sự:
- Sao lần này đi hành quân, em thấy có cái gì lấn cấn, hơi lo và nhớ Lựu quá".

Chính là một sĩ quan lý tưởng, tôi ngạc nhiên vì cử chỉ khác thường nên chọc quê:
- Chán, chú mày mới đi dạm vợ rồi xa vợ nên nhớ cái "lấn cấn" phải không ?.

Sáng hôm sau, đại đội đổ bộ trực thăng xuống kinh Cái Thia (Cai Lậy), Chính là đại đội phó nên thường đi với trung đội đầu, nhưng nhớ lại tâm sự chiều qua, tôi bảo Chính đi sau với trung đội súng nặng, nhưng Chính nhất định lên trực thăng đầu với Th/úy Huỳnh Vinh Quang (K22/VB). Trực thăng chở Chính và trung đội của Quang vừa đáp xuống ruộng lúa ven bờ kinh là bị VC trong bờ bắn ra rất mạnh, không còn cách nào hơn là phải xung phong thẳng vào mục tiêu và .. Nguyễn Quốc Chính đã tử trận ngay đợt đầu tiên, đạn xuyên màng tang!

Tử sinh ngoài chiến trường nhanh như chớp mắt, có những điềm báo trước khó tin nhưng có thật! Chiều tối, sau khi Chính chết, tôi ngồi tay ôm đầu gối bên miệng hố mà khóc chú em, người lính cận vệ tên Đá vừa đốt thuốc cho 2 bạn xong thì quay ra thấy tôi buồn bèn châm tiếp cho "ông thầy" một điếu, hai cái đầu của hắn và tôi vừa chụm vào nhau thì một tiếng nổ của súng CKC, một người trúng đầu gục xuống, máu văng đầy mặt kẻ ở lại! Thằng em cận vệ Nguyễn Văn Đá, quê Vũng Tàu không còn mang café, cơm xấy cho tôi nữa!!!

Lính trận kiêng không châm cùng một mồi lửa cho 3 người hút thuốc liên tiếp, đó là điềm xui, nhưng thực ra không phải là tin dị đoan, mà vì cây CKC có ống nhắm của VC từ bìa rừng sẵn sàng, khi đốm lửa thứ nhất lóe lên, nó lấy đường nhắm, lóe lửa thứ nhì, ngón trỏ đặt vào cò súng, khi điếu thuốc thứ ba vừa lóe sáng là nó ..bóp cò, rất chính xác! Chưa xuyên táo là may.

Thấy con gái quay đi lau nước mắt, tôi vội trở lại câu chuyện lá thư tình của mình bị xé.

Khi nhận được thư, nhìn tên người gửi, cầm lá thư là biết có hình trong đó, vì thư trước người yêu đã hứa "sẽ bất ngờ đến thăm anh". Biết cuộc hành quân này phải lội qua nhiều kinh rạch nên tôi bọc lá thư thật kỹ bằng nhiều lớp nylon, giằng dây thung bên ngoài, để thư lên túi áo trái cho khỏi ướt.

Khi nghe tôi nói để thư trên "túi áo trái" thì con gái mỉm cười:
- Túi áo nào chẳng được mà bố lại đi tin dị đoan: "trai tay phải, gái tay trái"!
- Không phải là tin dị đoan, mà vì trái tim nằm phía trái nên bố để thư phía đó cho..".

Tuy là gái, nhưng cháu vẫn tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam và đang viết bài thuyết trình về tình yêu quê hương và gia đình của người lính VNCH nên cần những tài liệu sống, vì vậy nhân dịp này tôi kể lại chi tiết cụ thể của chính mình cho cháu nghe:
- TĐ2/TQLC chia làm 2 cánh để tiến vào mục tiêu, cánh A do TĐT Nguyễn Xuân Phúc, K.16 và Trần Văn Hợp K19. Cánh B do bố và đại đội của bác Vũ Đoàn Dzoan. Có dấu vết khả nghi trên các đường mòn tiến vào mục tiêu, theo lý thuyết thì không nên đi trên các đường mòn. Vì thế bố cho lệnh đại đội lội dưới ruộng, men theo các bụi dừa nước để tiến vào. Nào ngờ, thực tế lại khác, VC đã gài sẵn mìn dưới gốc dừa nước, dây cước giăng chìm dưới nước luôn, làm sao biết mà tránh, mìn nổ tung ngay giữa ban chỉ huy cánh B, bố không còn biết gì hết!

Khi tỉnh dậy mới hay mình đang nằm tại khu cấp cứu bệnh viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ, trong tình trạng gẫy 1 chân và 2 tay, bể xương hàm, máu từ mũi và 2 lỗ tai chảy ra! Nghe các bác sĩ bàn với nhau "phải cưa"! Vừa lúc đó thì bác sĩ Nguyễn Văn Hạnh TQLC đến nhận thương binh để chuyển thẳng về bệnh viện Lê Hữu Sanh của TQLC tại Thị Nghè điều trị. Nhờ vậy mà hôm nay còn chân để đi họp khóa, còn tay để viết bài, viết về. Nhưng xương gẫy nên chân đi vòng kiềng, tay "cán giá" nên bài viết chẳng ra sao cả!

Nửa tỉnh nửa mê nằm trên giường bệnh, toàn thân bị bó bột, thoáng nghe tiếng ai nhỏ nhẹ bên tai, nhướng mắt lên, nhận ra người yêu, tay cô ấy đang cạy những vết máu và bùn đã khô còn dính lại trên đầu và mặt bố. Thấy bố mở mắt, cô ấy mỉn cười rồi thì thầm hỏi:
- Anh đã nhận được thư và hình của em chưa"".

Đến lúc đó bố mới sực nhớ đến lá thư trên túi áo trái, vội hỏi chú Chiêm, người lính cận vệ, thì chú ấy lôi trong bọc nylon ra bộ đồ trận ẩm ướt hôi rình! Thư và hình còn trong túi áo nhưng rách nát! Trong bọc nylon gói thư, có một miểng kim loại lớn hơn đốt ngón tay út, còn túi áo trước ngực trái thì rách một lỗ nhỏ bằng đầu ngón tay.

Bồ hiểu ngay điều may mắn kỳ diệu đã đến với bố. Lá thư chưa đọc bọc trong nhiều lớp nylon, tấm hình, những tờ giấy pelure tuy mềm nhưng đủ sức giữ miểng mìn lại trong túi áo, nếu không có "lá chắn" này thì chắc chắn miểng mìn đó đã bay thẳng vào tim! Tay run run cầm tấm hình bị xé rách và miểng đạn, bố thều thào nói với cô ấy:
- Thư và hình của em đã cứu mạng anh, tặng em miểng đạn này để làm kỷ niệm".

Vừa nghe tôi kể tới đó thì con gái lau nước mắt rồi cười ré lên:
- Lãng mạng, lãng mạng! Em sang sông anh tặng viên đạn đồng để làm kỷ niệm! Thế rồi cô ấy thấy tương lai của bố sẽ lê lết trên đôi nạng gỗ nên cổ ấy sang sông.

Nghe con cười và chọc quê bố, mẹ cháu cũng vui lây hát nho nhỏ:
- Anh trở về trên đôi nạng gỗ, anh trở về làm .. không dang dở đời em!

Lúc này thì trên TV lá thư tình của nhà văn Huỳnh Văn Phú đã sang trang, bà mẹ của con gái tôi toan đi ngủ thì con gái cầm tay mẹ kéo lại rồi quay qua điều tra bố thêm:
- Thế ngươi yêu ngày xưa ấy bây giờ ở đâu? Đã có chồng chưa, được mấy con? Chẳng hay cái ấy hết hay còn, xuân sồn sồn nay được bao nhiêu và có bao giờ bố gặp lại bả không?
- Thường xuyên, vẫn thỉnh thoảng cùng bả coi lai tấm hình ngày xưa bị xé rách.

Con gái tôi ngạc nhiên tròn xoe đôi mắt:
- Thôi nghe cha (bố), bố đừng có lạng quạng với bà ấy mà có ngày cả bố lẫn con bị bỏ đói hay phải ăn food-to-go. Nhưng mà bố này, bữa nào bố mượn lại bà ấy tấm hình đó cho con xem bà ta có đẹp hơn mẹ con không mà bố dám liều mạng?
- Nếu con muốn coi tấm hình đó thì hỏi mẹ.

Nghe tôi nói vậy bà già trầu mỉm cười còn con gái thì phụng phịu:
- Tưởng bố kể chuyện tình tiết éo le, hóa ra chuyện "huề vốn", chán!!!

Tô Văn Cấp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét