Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 20 tháng 2, 2024

XẠO SỰ "Âu Châu Đi Về Đâu!?" - Út Bạch Lan


Trong lúc thế giới đang "nóng" về hai mặt trận Ukraine và Trung Đông thì ngày 10/2/20224 Ứng Cử Viên Tổng Thống Donald Trump lại tuyên bố một câu "xanh dờn" khiến cho giới quan sát chính trị xúm nhau bàn với tán khiến cho dư luận kẻ nói gà người nói vịt bình loạn cào cào lên. Trump tuyên bố :- Nếu một quốc gia Âu Châu thành viên của NATO mà không tuân thủ điều kiện của NATO là dành ngân sách quốc phòng bằng ít nhất 2% tổng sản lượng nội địa, thì ông sẽ "khuyến khích Nga muốn làm gì thì làm", Mỹ sẽ không bảo vệ.
<!>
Đây là lời tuyên bố của một Ứng Cử Viên Tổng Thống, chứ không phải lời tuyên bố của một Tổng Thống Hoa Kỳ đương nhiệm. Mà cho dù là một lời tuyên bố của một vị Tổng Thống đương nhiệm cũng chưa chắc đã là một quyết định tối hậu nằm trong sách lược toàn cầu của Mỹ. Không phải là Tổng Thống Hoa Kỳ rồi muốn làm gì thì làm, bởi còn bị ràng buộc nhiều yếu tố pháp lý từ Lưỡng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ nữa. Trump lên nắm quyền năm 2016, lo ngại về các hành động liều lĩnh của tổng thống, giới chính trị lưỡng đảng Hoa Kỳ đã tìm cách bổ sung luật nhằm bù lấp các lỗ hổng về pháp lý, hạn chế quyền của tổng thống. 

 Năm 2019, Thượng Viện Mỹ, do đảng Dân Chủ kiểm soát, đã thông qua một dự luật, đòi hỏi việc rút khỏi NATO phải được ít nhất 2/3 thượng nghị sĩ ủng hộ. Trước đó, theo Hiến pháp Mỹ, tổng thống buộc phải có sự chấp thuận của Quốc Hội mới được phép ký kết một hiệp ước quốc tế, nhưng việc rút khỏi Nato lại không đòi hỏi thủ tục này. Sau Thượng Viện, đến tháng 12/2023, Hạ Viện Mỹ, do phe Cộng Hòa kiểm soát, đã ra luật đòi hỏi việc rút khỏi NATO phải được Hạ Viện cho phép. Luật này đã được đại đa số dân biểu lưỡng đảng ủng hộ, với 310 phiếu thuận và 118 phiếu chống. Đòi hỏi này, được gắn với luật về ngân sách Quốc Phòng thường niên hơn 800 tỷ đô la, yêu cầu tổng thống Mỹ chỉ được phép rút khỏi NATO, hay đình chỉ việc tham gia liên minh phòng thủ này, nếu Hạ Viện ra luật, hoặc được 2/3 thượng nghị sĩ chấp thuận. Và kế hoạch rút khỏi NATO phải được đệ trình 180 ngày trước khi thực thi. Theo giới quan sát, các điểm bổ sung luật này rõ ràng trực tiếp nhắm vào ông Donald Trump, hạn chế khả năng lộng hành của ông nếu trở lại nắm quyền.

Từ lâu nay, Âu Châu vẫn kênh kiệu hãnh diện mình là cái nôi của văn minh nhân loại, nhưng Âu Châu lại là nơi sản sinh những cuộc chiến tranh chiếm đoạt tàn khốc nhất của nhân loại, Đệ Nhất Thế Chiến sản sinh ra cái quái thai Cộng Sản (1917) tiếp đến là Đệ Nhị Thế Chiến, để đưa đến tình trạng Đông và Tây Âu kéo dài gần nửa thế kỷ. Chiến tranh lạnh Nga-Mỹ, Tây Âu chỉ ngồi mát ăn bát vàng, tha hồ hưởng thụ với Thuyết Hiện Sinh của Jean Paul Charles, tiêu lòn cửa sau làm ăn buôn bán với Nga-Tàu, trong khi Mỹ đơn thương độc mã đương đầu với làn sóng đỏ đang chực chờ nuốt trọn Á Châu và Phi Châu. Sau khi Nhật đầu hàng, Mỹ chưa kịp nghỉ ngơi lại phải đương đầu với chiến tranh Do Thái và Khối Hồi Giáo Ả Rập, chiến tranh Nam Bắc Triều Tiên, Việt-Miên-Lào.

Ngay sau khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ tháng 2/2022, xạo tôi có viết Chiến tranh Nga-Ukraine là một cuộc chiến "Nhất Tiễn Hạ Song Điêu".
Con điêu thứ nhất chịu ảnh hưởng trực tiếp không ai khác hơn là Âu Châu. Cuộc chiến kéo dài đã hai năm, nay thì điều đó đã thấy rõ. Âu Châu không chết, nhưng niềm kiêu hãnh của Âu Châu không còn nữa, Âu Châu phải tự lo liệu lấy thân khi có chiến tranh xảy ra có tầm vóc quy mô như Đệ Nhất hoặc Đệ Nhị Thế Chiến.
Đệ Nhất Thế Chiến là cuộc chiến tranh có chiến trường chính bao trùm khắp châu Âu và ảnh hưởng ra toàn thế giới, lôi kéo tất cả các cường quốc châu ÂuBắc Mỹ vào cuộc chiến với số lượng người chết trên 19 triệu người, đồng thời có sức tàn phá và ảnh hưởng về vật chất lẫn tinh thần của nhân loại rất sâu sắc và lâu dài. Đây là cuộc chiến giữa phe Hiệp Ước (chủ yếu là Anh, Pháp, Nga và sau đó là Hoa Kỳ, Brazil) với phe Liên minh Trung tâm (chủ yếu là Đức, Áo-Hung, BulgariaOttoman). Trong cuộc chiến tranh kinh hoàng này, Pháp là nước chịu tổn thất nặng nề hơn cả và hoàn toàn bị kiệt quệ, dẫn tới sự đại bại của họ trong các cuộc chiến tranh về sau. Nước duy nhất không bị tàn phá mà còn thu được lợi nhuận lớn từ cuộc chiến này là Hoa Kỳ, nó đã tạo điều kiện cho nước này vượt trên các nước Châu Âu về kinh tế kể từ sau cuộc chiến.

Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945) là cuộc chiến giữa hai liên minh quân sự, Đồng Minh và Phe Trục. Chiến tranh thế giới thứ hai là cuộc xung đột đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại, gây nên cái chết của 70 đến 85 triệu người, với số lượng thường dân tử vong nhiều hơn quân nhân. Hàng chục triệu người đã phải bỏ mạng trong các vụ thảm sát, diệt chủng (trong đó có Holocaust), chết vì thiếu lương thực hay vì bệnh tật. Máy bay đóng vai trò quan trọng đối với tiến trình cuộc chiến, bao gồm ném bom chiến lược vào các trung tâm dân cư, và đối với sự phát triển vũ khí hạt nhân cũng như hai lần duy nhất sử dụng loại vũ khí này trong chiến tranh.
Chiến tranh chấm dứt, Hoa Kỳ đương nhiên trở thành siêu cường số một trên thế giới, dần đầu nhân loại với ngọn cờ Tự Do Dân Chủ mục đích tối hậu là đưa nhân loại vào tiến trình "Nhân Chủ" thống nhất thiên hạ. Kỳ công lớn nhất của Mỹ đối với nhân loại sau chiến tranh thứ hai là triệt tiêu "chế độ thực dân của Âu Châu", cay cú và oán hận Mỹ nhất là Pháp.

Nhưng "Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt ai hơn ai" (Nguyễn Công Trứ).
Bên trời Âu lại xuất hiện một Stalin cũng mang tham vọng "giải phóng nhân loại" bằng chiêu bài Chủ Nghĩa Xã Hội, Chủ Nghĩa Cộng Sản bằng những liều thuốc phiện "bài phong đả thực" xúi dục và khuyến khích người dân nổi dậy...cướp chính quyền! Năm 1949, Stalin thành công vĩ đại là nắm được Mao Trạch Đông trong tay với một lục địa mênh mông gần một tỷ dân.
Thế là tình đồng minh giữa Nga-Mỹ phút chốc hóa thành thù địch. Chiến tranh lạnh giữa hai siêu cường nguyên tử này kéo dài gần nửa thế kỷ qua hình thái chiến tranh "ủy nhiệm", trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết dài dài, thế giới vẫn hà phương bất ổn.
Mỹ đã từng bước nhượng bộ và nhẫn nhục tương kế tựu kế chỉ cốt làm sao "tình hữu nghị" giữa Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh, không tan vở nhưng ít ra làm giảm bớt sự hợp tác của họ trên nhiều lãnh vực khác nhau. Sự thành công của Mỹ trong kế sách ly gián này là của Cựu Tổng Thống Richard Nixon qua nền ngoại giao bóng bàn năm 1972. Năm 1976, Mao qua đời, Đặng Tiểu Bình mở toang cánh cửa Trung Hoa Lục Địa đón Mỹ vào như một thương gia giàu có, đề rồi từ đó với nền công kỹ nghệ tân tiến của Mỹ, Bắc Kinh mang đôi hia bảy dậm nhảy vọt qua mặt Mạc Tư Khoa một cái vù. Năm 1991, Gorbachev tuyên bố giải tán Đảng Cộng Sản Nga, Đông Âu sụp đổ, khối Warsaw giải thể, Liên Bang Xô Viết như con cua bị chặt hết càng, lui về thế thủ chờ thời cơ.

Hai mươi (20) năm sau, năm 2012 bầu trời Bắc Kinh lại xuất hiện "Tử Vi Tinh" Tập Cận Bình, không những tham vọng mộng làm "Bá Vương" mà còn ý đồ "xưng Đế" nên mới gây ra cớ sự ngày hôm nay. Số của Tập là "Tử Phủ Vũ Tướng", Tử Vi cư Hợi thuộc thủy (nửa đêm) nên hãm địa, lại không có Tả Phù Hữu Bật phò trợ mà lại có Sát Phá Hóa Kỵ cư Hợi chung cung mệnh nên bạo phát bạo tàn.
Tập Cận Bình nhiếp chính chỉ được bốn năm, năm 2016 bầu trời Washington xuất hiện "Thái Dương Tinh", Số của Donald Trump là cách "Thái Dương" cư Ngọ (Mặt Trời Giữa Trưa), Thái Âm cư Tý lại có Tả Phù Hữu Bật, thêm Vũ Khúc Tinh và Văn Khúc Tinh và Tứ Hóa Liên Châu phò trợ nên Trump trở thành Giáo Chủ Nhật Nguyệt Thần Giáo Nhậm Ngã Hành, coi thiên hạ chẳng ra gì.

Ngày xưa, trong bộ Tam Quốc Chí, trong khi Khổng Minh vất vả "Lục Xuất Kỳ Sơn" dẹp loạn Bắc Tháo, thì Tôn Quyền đâm sau lưng chiến sĩ, xua quân chiếm Kinh Châu, khiến liên minh Tây Thục-Đông Ngô vỡ nát.
Ngày nay, trong hai thập niên (80-90) Mỹ vất vả đối phó với Mạc Tư Khoa dẹp Cộng Sản, thì Tập Cận Bình đâm sau lưng chiến sĩ, xua quân chiếm Biển Đông và Thái Bình Dương. A dua với Bắc Kinh có Âu Châu, đặc biệt nhất là Pháp, Đức, Ý trong sách lược "một vành đai một con đường" với mục đích bao vây và cô lập Mỹ. Thành lập "Liên Minh Âu Châu" có tiền tệ riêng là đồng Euro, lơ là trong việc đóng góp ngân sách hàng năm cho tổ chức Nato theo yêu cầu của Hoa Kỳ là tối thiểu 2% GDP. Riêng Italy mở rộng cánh cửa mời gọi Tập vào Ý xây dựng "Ngọ Môn Quan" để bước vào Âu Châu.

Việc thành lập NATO là để chống lại Hiệp ước Warsaw, sự bành trướng toàn cầu của chủ nghĩa cộng sản và mối đe dọa đối với xã hội phương Tây. Nhưng khi Hiệp ước Warsaw tan rã, các chế độ xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô cũ lần lượt tan rã, trung tâm của chủ nghĩa cộng sản toàn cầu chuyển về phương Đông là Trung Quốc, tuy nhiên NATO không những không có điều chỉnh chiến lược mà tiếp tục hướng vào nước Nga vốn không còn chủ nghĩa cộng sản, đã nhắm mắt làm ngơ trước mối đe dọa lớn hơn và toàn diện hơn từ chế độ cộng sản Trung Quốc, thậm chí còn nhảy múa với ĐCSTQ dưới sự cám dỗ của lợi ích kinh tế. Chỉ khi hiểu điều này, chúng ta mới có thể nhận rõ hơn bất mãn của ông Trump đối với NATO thực chất có bối cảnh lịch sử quốc tế sâu sắc hơn.

Trong 8 năm cầm quyền (2009-2017) cựu Tổng Thống gốc Phi Châu Barack Obama (Dân Chủ) đã đóng trọn vẹn vai trò "ba phải" của mình, sao cũng được, cái gì Bắc Kinh muốn, Obama cũng OK hết, Nga đánh chiếm Crimea cũng OK luôn, khi mãn nhiệm kỳ Obama đã để lại một gia tài khổng lồ cho Donald Trump "Death By China" !!! Nhiệm vụ của Trump chỉ đơn giản với câu "Make America Great Again", MA GÀ !!! Hoa Kỳ chết vì Tàu Cộng, chứ không phải Hoa Kỳ chết vì Nga. Muốn nước Mỹ vĩ đại trở lại thì đối tác tối hậu là Bắc Kinh chứ không phải Mạc Tư Khoa. Những gì Trump đã làm với Bắc Kinh và Tập Cận Bình trong bốn năm cầm quyền tưởng không cần nhắc lại. Nhưng cớ sao Người Mỹ "lại thay ngựa giữa dòng", chuyện "MAGA" đang nửa chừng lại thay thế Trump bởi Joe Biden, một cụ già lớn tuổi quên trước quên sau, đi đứng té lên té xuống. Biden và gia đình lại có liên hệ buôn bán mật thiết với Kiev và Bắc Kinh. Ngồi vào ghế Tổng Thống vừa được một năm, Nga tấn công Ukraine (2/2022), Joe Biden trước sau như một là "Nato không can thiệp" mà chỉ viện trợ tiền bạc và vũ khí cho Ukraine. Cuối năm 2023, Hamas tấn công Do Thái, một bài toán khó lại đến trên bàn giấy của Biden : "IRAN".
Để Trump ngồi lại Tòa Bạch Ốc thêm bốn năm nữa thì Nga đâu có đánh Ukraine, Hamas đâu có dám tấn công Israel. Biden lên làm Tổng Thống mới khai màu hai cuộc chiến còn đang tiếp diễn hiện nay. Phải có lửa mới có khói. Ngọn khói đen đang bao phủ bầu trời Âu Châu là do ngọn lửa Ukraine. EU có còn là đồng minh với Hoa Kỳ hay không, và EU có cần Nato bảo vệ an ninh như nửa thế kỷ qua hay không là tùy thuộc vào EU chứ không phải Hoa Kỳ. Ngọn khói đen đang bao phủ bầu trời Trung Đông là do Hamas châm lửa ở Gaza, rồi đổ vấy lên đầu Tehran (Iran) là kẻ đã tiếp tế ngòi nổ xăng dầu cho các lực lượng ủy nhiệm như Hamas, Hezbollah, Houthi, Al Qaeda, IS, SIS...Có như vậy thì không quân hải quân Hoa Kỳ mới có dịp lâm trận thật sự, chứ chẳng lẽ nằm ụ cho đến khi phế thải. Hoa Kỳ hay Anh Quốc tốn vài chục tỷ USD trong các vụ không kích thì có nhằm nhò gì với ngân sách quốc phòng trên 800 Tỷ USD. Chỉ một trái hỏa tiễn của lực lượng vệ binh Hồi Giáo vô tình giết ba (3) người lính Mỹ ở Jordan mà trên 80 căn cứ của Iran trên khắp vùng Trung Đông ăn bom mệt nghỉ.

Joe Biden hay Donald Trump làm Tổng Thống Hoa Kỳ không ai không muốn "Make America Great Again". Chỉ khác nhau sách lược và phương cách thực thi mà thôi. Để đi đến đích điểm đó, đích điểm America Great thì Hoa Kỳ phải giải quyết hai vấn đề trước mắt, hai vấn để được xem như hai cái gai cần phải nhổ, Âu Châu và Trung Đông.

Còn khoảng tám chín tháng nữa là đến ngày bầu cử Tổng Thống Mỹ. Cả thế giới đều đang chờ đợi trong sự lo âu nghi hoặc, bởi chính trị Hoa Kỳ có những cái kỳ quặc quái đản không ai tiên đoán được. Có ai nghĩ rằng Bà Hillary Clinton thất cử năm 2016 trước Donald Trump, và có ai nghĩ rằng Donald Trump thất cử trước Joe Biden năm 2020, và có ai tiên đoán để có thể đoan chắc là ai thắng cử trong cuộc bầu cử tháng 11 năm nay 2024? Trong khi trong bối cảnh chính trị hiện tại vẫn là "Death By China". Không cần phải triệt tiêu Cộng Sản Trung Quốc, chỉ làm sao cho Bắc Kinh "xuống cấp", xếp hàng đứng sau lưng Ấn Độ là liên minh Mỹ-Anh-Úc hưởng lợi muôn đời.
Biden hay Trump không cần phải tuyên bố giải thể Nato hay đưa ra một lời tuyên bố nào chống lại an ninh của Nato, chỉ cần Biden hay Trump tuyên bố rút các lực lượng Mỹ ra khỏi Âu Châu không mở rộng ô răn đe hạt nhân của Mỹ tới châu Âu, và gây nghi ngờ về cam kết của Mỹ trong việc ra lệnh cho quân đội Mỹ chiến đấu bảo vệ Châu Âu là đủ để tiếp tay cho điện Kremlin, niềm tin vào sức mạnh răn đe phòng thủ tập thể ngay lập tức sẽ biến mất. Đặt Âu Châu vào vị thế tự lực tự cường trước sự đe dọa trong giả tưởng chiến tranh nguyên tử của Nga.

Riêng về Trump thì giới quan sát cũng ghi nhận không phải lần đầu tiên Trump đưa ra tuyên bố theo hướng này, đây không hề là ''một trò đùa'', bởi lập trường này tương ứng với ‘‘chủ nghĩa biệt lập’’ hay "chủ nghĩa đơn phương" của nước Mỹ, mà chính ông Trump đang tuyên truyền và cỗ vũ, và lập trường này đang giành được ngày càng nhiều ủng hộ trong nội bộ đảng Cộng Hòa. Phe truyền thống trong đảng Cộng Hòa, do thượng nghị sĩ Kentucky Mitch McConnell đứng đầu, dường như không còn đủ lực để tiếp tục chính sách đối ngoại truyền thống của nước Mỹ như từ ba phần tư thế kỷ nay. Chính sách đối ngoại truyền thống của nước Mỹ từ ba phần tư thế kỷ nay là chính sách quá "ôm đồm" bao đồng chuyện người khác mà thiệt thân mình. Ôm đồm bao đồng "an ninh Châu Âu" mà bị Châu Âu "đá giò lái" đi cửa hậu với Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh.

Với Biden thì có vẽ ôn hoà và nhã nhặn lịch sự hơn. Chỉ viện trợ chừng mực cho Ukraine mà không ra lệnh cho Nato gửi quân sang Ukraine, không nghe lời đề nghị của Zelensky là mở một vùng cấm vận không phận của Ukraine, cũng đủ cho thấy chính sách của Biden là để cho Ukraine chết từ từ, cũng đồng nghĩa để Âu Châu chết từ từ dù chỉ là trong giả định. Nói là Âu Châu, chứ thật ra chỉ có hai ông đầu sỏ cần phải kềm chế là Pháp và Đức. Cho dù thời gian sắp tới, Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua ngân sách 60 Tỷ USD viện trợ cho Ukraine đi nữa, thì ám ảnh "lấn đất dành dân" của Putin vẫn hiện hữu khi mà chính sách của Mỹ đối với Ukraine như là lơ lửng như con cá vàng đang bơi lội trong hồ Châu Âu.

Tất cả sự việc xảy ra ngày hôm nay cho Âu Châu là tại vì Âu Châu hết. Âu Châu tự tin và kiêu ngạo rằng, sau khi Nga sụp đổ, an ninh và ổn định của Châu Âu đã được tái lập sau nhiều thập niên hòa bình và ưu tiên phát triển kinh tế, lơ là mặt quốc phòng. Việc Nga sáp nhập bán đảo Crimée năm 2014 là lời cảnh báo lớn đầu tiên nhưng các nước vẫn tiếp tục cắt giảm ngân sách quốc phòng. Phải mất hai năm, kể từ khi Nga xâm lược Ukraine tháng 02/2022, châu Âu mới sực tỉnh. Hòa bình không còn được bảo đảm. Tất cả các nước châu Âu, thành viên NATO, đều chưa sẵn sàng chống trả một cuộc tấn công dù có mạng lưới phòng thủ chung và liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.

Có một điều chắc chắn rằng cả hai ông Joe Biden và Donald Trump, và cả thế giới ai cũng đều hiểu và biết rất rõ rằng "hiện giờ, Châu Âu còn phụ thuộc quá nhiều vào Hoa Kỳ về mặt quốc phòng. Là cường quốc lớn nhất thế giới, Hoa Kỳ chiếm gần nửa năng lực quân sự của NATO và nằm trong số những nước đóng góp nhiều nhất cho hoạt động của NATO. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn có khả năng phân tích tình báo mà các nước đồng minh không thể thay thế. Mỹ là tai mắt của Châu Âu ».
Bỏ hay giữ Nato đối với Hoa Kỳ không còn quan trọng nữa. Chuyện quan trọng của Mỹ là làm sao để trở thành chủ nhân ông của Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương mà không bị bất cứ ai đắp mô cản trở.

Thế giới đang lúc nhiễu nhương hỗn loạn, mà giới tinh hoa chính trị thế giới cứ chú tâm những lời tuyên bố của hai ông ứng cử viên tổng thống Hoa kỳ mà đưa ra những quan điểm và nhận định để hướng dẫn dư luận quần chúng...thì chẳng khác nào Đông Tà dẫn Lão Ngoan Đồng vào Đào Hoa Trận.

Việc trước mắt của hai ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump vẫn còn nguyên "Death By China". Không cần triệt tiêu China mà chỉ cần China trở về ngôi vị của China như Mao Trạch Đông trước đây, hay ít nhất cũng như Đặng Tiểu Bình ôn hòa nhường nhịn để có lợi cho dân tộc hơn tỷ người của mình, tương tự như India vẫn là India, chỉ hai quốc gia này thôi đã có dân số 1/3 dân số của nhân loại đang sống trên quả địa cầu này. Một kho tài nguyên nhân lực vô giá. Anh-Mỹ-Úc-Ấn tha hồ mà làm giàu...nhưng nhớ đừng quên chia cho Nga một ít.

Xạo Chơi Cho Vui Rồi Bỏ. Miễn Bàn
Út Bạch Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét