Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 5 tháng 2, 2024

VÀI CÁI TẾT CỦA MỘT THỜI ĐỂ NHỚ - Tống Viết Minh,


Chiều cuối năm, Minh cố gắng xem lại hồ sơ bệnh lý một vài người bệnh nặng, dặn dò y tá các chỉ dẫn cần thiết để chuẩn bị những ngày nghỉ Tết dài. Giữa cái không khí đặc biệt của những giờ phút cuối cùng năm Nhâm Tý (1972), trong niềm nôn nao chuẩn bị và chờ đợi, có một chút gì thiêng liêng, khi mỗi người đều đi vào thế giới thầm kín của riêng mình, từ cuối trại bệnh vọng lại mồn một, tiếng hát thật tâm tình:
<!>
“Con biết bây giờ mẹ chờ tin con,
Khi thấy mai đào nở vàng bên nương.
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
Nay én bay đầy trước ngõ,
Mà tin con vẫn xa ngàn xa.
Ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui
Nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi
Bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng,
Trông bánh chưng chờ trời sáng
Đỏ hây hây những đôi má đào.
Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm
Mái tranh nghèo không người sửa sang
Khu vườn thiếu hoa vàng mừng xuân,
Đàn trẻ thơ ngây chờ mong anh trai,
Sẽ đem về cho tà áo mới,
Bao ngày xuân đi khoe xóm giềng.
Con biết không về mẹ chờ em trông
Nhưng nếu con về bạn bè thương mong,
Bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường
Không lẽ riêng mình êm ấm.
Mẹ ơi, con xuân này vắng nhà!”

Tiếng hát ngừng trong giây lát, rồi lại tiếp tục vang lên trở lại như cố gửi về đâu đó tâm tư mình qua lời ca bản nhạc. Trong cái vắng lặng chiều 30 Tết, tiếng hát nghe thật ngậm ngùi, xót xa đã được mọi người đón nhận với tất cả tâm tình. Ghi xong những chỉ dẫn cần thiết trên những hồ sơ bệnh lý cuối cùng, Minh tò mò tìm đến chỗ phát ra tiếng hát.
Trước mặt Minh, một thương binh trên chiếc nạng gỗ, vai tựa vào cột hành lang trại bệnh, mặt nhìn về một phương trời xa thật là xa. Anh ta mải mê với tâm tình bản nhạc, nên không biết Minh đang tiến về phía anh cũng như bất cứ chuyện gì xảy ra xung quanh. Khi khoảng cách chỉ còn độ mươi bước chân, không muốn phá tan không khí thiêng liêng của người thương bệnh binh, Minh đã quay trở lại văn phòng, thả mình xuống chiếc ghế dựa. Một cảm giác buồn man mác bỗng nhiên xâm chiếm tâm hồn Minh. Ðã bao năm rồi không về quê vui hưởng những ngày đầu xuân với ba mẹ già, bản nhạc rõ ràng cũng đánh động ngay cả đến Minh.

Trí óc đem Minh về những lần đón xuân đã qua đi trong đời, nào là thời thơ ấu khi gia đình còn ở bên kia vĩ tuyến 17. Mỗi lần chuẩn bị đón xuân về thật nhộn nhịp và linh đình, khi những người giúp việc làm thịt chú heo, thế nào họ cũng để dành cái bong bóng để phơi khô cho Minh. Cái bong bóng chẳng dễ bể tý nào này Minh chẳng ưa gì mấy, vì còn phải qua bao nhiêu ngày chờ đợi mới được sử dụng, hơn nữa, trông nó chẳng trơn tru, mỹ thuật tý nào. Thế nhưng cái đuôi heo mà năm nào Minh cũng được dành phần cho, có lẽ tại Minh là con út trong gia đình, thì Minh thích hơn nhiều. Tay cầm cái đuôi heo chạy tung tăng khắp nhà, vừa chạy vừa gặm thật là thích, hơn nữa khi gặm nghe sần sật thật khoái miệng. Minh nhớ đến những năm học tại Sao Biển, nhớ đến những đêm chờ sáng gần như không ngủ. Minh thì chẳng phá phách gì, nhưng một số bạn thì đúng như trong thành ngữ: “nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò”. Những người ở trong danh sách nghịch ngợm, phá phách này ai mà chẳng biết, huống hồ gì thầy giám thị, thế nhưng không lẽ thầy lại thức suốt đêm canh chừng, vả lại đêm cuối cùng trước khi rời trường, thôi thì cũng đành lơ đi cho mấy ông tướng, miễn là đừng có quậy lắm thì thôi! Ðây là đêm mà các bợm nghịch phá ra tay! Có người đã chuẩn bị từ nhiều tháng trước những gì họ cần để chỉ dùng cho đêm cuối này, hầu thỏa mãn tính phá phách, tinh nghịch đã bị dồn nén bao nhiêu tháng trời, khi phải nép mình trong kỷ luật khắt khe của nhà trường. Họ phải thực hiện quỉ kế như thế nào để thu hút được sự chú ý và tham gia của những người khác, gây rối làm sao để không bị bạn bè biết, và cũng chẳng làm thiệt hại gì đến cho ai, và nhất là làm sao để thầy giám thị không phát giác được mình.

Minh nhớ đến bữa điểm tâm vội vã, hình như chẳng còn ai muốn ăn gì nữa. Tất cả chỉ chờ tiếng chuông báo hiệu bữa ăn chấm dứt. Sau câu kinh đáp cám ơn “Deo Gratias” và “Amen”, cùng với các bạn, Minh như đàn chim non túa ra khỏi sân trường, tung tăng trên khắp các nẻo đường, tìm về tổ ấm trong niềm vui sum họp những ngày xuân.
Minh nhớ đến lần cùng đáp chuyến xe đò với Hường về quê ăn Tết năm Ất Tỵ 1965, dạo hai đứa mới quen nhau.Năm ấy Minh học đệ Nhất ở Pétrus Ký và Hường, đệ tam Nguyễn Bá Tòng. Hai đứa đều lấy xích lô để đến bến xe lục tỉnh nằm trên đường Pétrus Ký. Minh đi một mình, trong khi Hường có hai cô bạn đưa tiễn. Những ngày cuối năm trời buổi sáng se se lạnh, tuy thế bến xe thật tấp nập. May mà Minh đã mua vé cho cả hai từ hôm trước, chứ không thì cũng không dễ gì có được một chỗ trên chuyến xe hôm đó.
Trời còn tờ mờ sáng, xe đã chuyển bánh. Chiếc xe chạy qua những con đường phố nhộn nhịp ngập đầy các loại xe từ xe đạp, xe xích lô thường và gắn máy, xe ba gác, xe scooters, xe lam ba bánh, xe đò, xe vận tải. Tất cả đều cố tranh nhau chạy trên những con đường chật hẹp. Ngoài chiếc còi xe bác tài xế bấm gần như liên hồi kêu inh ỏi, các chú lơ xe, đứng trên hai cửa ra vào, trước và sau, một tay nắm chặt vào thành, một tay đập mạnh liên hồi vào thùng xe, miệng không ngừng kêu la bai bải để mọi người tránh đường cho xe chạy.

Âm thanh, cùng với hình ảnh sinh hoạt trên con đường từ Sài Gòn ra xa lộ Biên Hòa, và các tỉnh miền Trung lúc trời vừa sáng có một nét rất đặc biệt. Ai đã có dịp chứng kiến một lần trong đời sẽ không làm sao có thể xóa nhòa trong tâm trí được. Trời đã sáng hẳn khi xe vượt địa phận thị trấn Thủ Ðức, chạy bon bon trên xa lộ Biên Hòa đi qua các xóm đạo với những nóc giáo đường khang trang, những phố thị sầm uất nối tiếp nhau, qua những khu vườn cây ăn trái xanh tươi, các rừng cao su bát ngát, trồng trên những mảnh đất đỏ mầu mỡ chạy dài hết cây số này đến cây số nọ.
Dầu xe chạy nhanh Minh cũng có thể thấy các công nhân đang thu hoạch mủ cao su từ những chiếc tô hứng, đặt trên những thanh sắt hình dấu hỏi thật lớn gắn ở giữa thân cây, hay đang dùng những dụng cụ trông như chiếc liềm để nạo trên những đường mương hình xoắn ốc ở thân cây làm cho mủ cao su, chất nhựa trăng trắng, tựa như những dòng sữa tuôn chảy từ vỏ cây theo đường mương xuống tô hứng.
Khi nhà cửa bắt đầu thưa dần, thay vào đó bằng các xe chở gỗ nằm rải rác đó đây, thì cũng là lúc núi rừng lần lần xuất hiện. Ðường xá trở nên xấu hơn, cạnh quốc lộ số 1 mọc đầy những cây cao khoảng hai ba thước, người ta gọi là những cây kè với những chiếc lá như những chiếc quạt to thật là to đâm thẳng lên trời cao đang mãi vui đùa, phe phẩy với gió.
Xe chạy qua những khúc đường bị phá hoại chưa được sửa sang kịp thời. Những cơn mưa đem nguồn nước đến tắm mát vạn vật sau những tháng nắng hạ oi bức, giúp những khu rừng cây lá xanh tươi, nhưng cũng đã làm cho tình trạng con đường huyết mạch nối liền Nam Bắc trở nên lầy lội, khó sử dụng. Chiếc xe chạy thật vất vả, khi lắc lư vượt qua những hố sâu, bắn tung bùn vương vãi lên trên các cây cỏ quanh vệ đường, khi chồng chềnh làm hành khách nghiêng hẳn về một phía, chiếc xe như muốn vật ngã xuống bên đường vì mệt mỏi. Người tài xế điều khiển chiếc xe một cách hết sức bình tĩnh, tài tình và điêu luyện qua những đoạn đường cam go. Vượt qua đoạn đường xấu, bắt đầu tăng tốc độ, mọi người thở ra thoải mái vui mừng, bỗng dưng chiếc xe chạy chậm dần và cuối cùng ngừng hẳn lại.

Trong xe nhôn nhao chẳng biết chuyện gì xảy ra. Một đôi phút qua đi trong khi mọi người xì xầm nhỏ to từ đầu đến cuối xe, thế rồi không ai bảo ai, tất cả đều im lặng. Tất cả các hành khách trên xe, như đã hình dung ra chuyện gì phải đối phó, đang gần như nín thở chờ đợi chuyện xảy ra và cầu mong sự bất hạnh ấy không xảy đến với mình. Minh có thể nghe được tiếng tim đập trong lồng ngực mình,nhìn Hường ái ngại, chàng không lo cho mình bằng cho Hường, vì biết rõ những gì sẽ xảy ra nếu sự bất hạnh chẳng may xảy đến cho mình hay cho Hường. Những giây phút chờ đợi quả thật là lâu. Im lặng vẫn bao trùm trên toàn chiếc xe. Người ta có thể nghe cả tiếng thở của một vài người nhát dạ.
Thế rồi Minh nghe tiếng người nói chuyện đang tiến dần về phía xe, sau đó chú lơ cùng với mấy người ăn mặc không giống bất cứ một binh chủng nào của quân đội Việt Nam Cộng Hoà, đầu đội mũ tai bèo, bị gạo quấn chéo từ vai qua hông đối diện, chân đi dép râu, tay cầm súng xuất hiện. Họ đi ngang qua phía ngoài xe từ trước ra sau, hình như để kiểm chứng lại lời khai người lơ xe. Tất cả mọi người đều nín thở chờ đợi số phận. Tim Minh đập mạnh như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực khi họ đi ngang qua hàng ghế chàng và Hường ngồi. Chỉ có chưa đầy một phút mà Minh cứ tưởng như hàng giờ trôi qua. May quá, họ không mời một ai xuống xe, cũng như không bắt bất cứ một người nào trong xe ở lại, có lẽ nhờ lời khai người lơ xe, hay vì họ không gặp đối tượng tìm kiếm. Sau khi kiểm soát, xe được tiếp tục chuyển bánh. Cùng với tất cả hành khách trên xe, Minh và Hường cùng thở ra nhẹ nhõm. Giá mà họ trở lại khám một lần nữa, chắc tim Minh rụng ra khỏi lồng ngực mất.

Nhìn ra cửa xe, Minh có thể thấy một số người chắc cũng thuộc nhóm người này ở rải rác trong các bụi cây dọc đường. Ðó là lần đầu tiên Minh thấy tận mắt những người trong quân đội Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Cái cảm giác sợ hãi kèm theo một ít hiếu kỳ ban đầu đã nhường chỗ cho một chút nào nể vì, bởi những gì Minh nghe đến trước đây về họ đã không xảy ra: không cướp bóc, không hiếp dâm, không bắt bớ bất cứ một ai. Minh và Hường có thể dễ dàng trở thành nạn nhân nếu việc ấy xảy đến.
Ngoài chuyện gặp bộ đội giải phóng ở Rừng Lá, khu rừng chạy dài hằng mấy mươi cây số nằm giữa Long Khánh và Phan Thiết, chuyến xe đã không gặp một rắc rối nào khác. Minh và Hường về đến quê trước sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người, vì tuy là láng giềng, cả hai chưa quen biết thân thiết đến độ cùng đáp chuyến xe từ Sài Gòn về quê ăn Tết một lần với nhau.
Minh nhớ đến Tết Mậu Thân, 1968. Năm ấy vì tình hình mất an ninh, gia đình Minh không về quê ăn Tết với ba mẹ và các anh chị. Ðang ngủ yên giấc thì cộng quân đã bắn bừa bãi hỏa tiễn 122 ly vào Sài Gòn. Minh đã ôm Anh Tuấn, dạo ấy mới có mấy tháng nằm tránh đạn dưới giường. Sáng hôm sau khi đi ngang trên đường Bắc Hải, Minh đã chứng kiến tận mắt cảnh hãi hùng gây ra, khi một trong số các hỏa tiễn rơi vào nhà một gia đình thường dân vô tội. Trái hỏa tiễn oan nghiệt đâm thẳng từ mái xuyên qua căn gác, nổ tung ở sàn nhà gây thiệt mạng cho toàn thể mọi người trong căn nhà kém may mắn ấy, để lại một hố thật sâu ngay giữa nhà, như là một trong những chứng tích giải phóng dân lành của họ. Ngoài ra còn bao nhiêu cảnh chiến tranh ngay tại đường phố Sài Gòn, cảnh trực thăng cobra và các chiến đấu cơ oanh kích vùng bị địch chiếm.

Ðau lòng nhất là cảnh Minh phải vào nghĩa địa Hòa Hưng kiếm xác người anh rể, theo lời yêu cầu của chị Loan. Chị kể với Minh, anh Linh, chồng chị rời nhà trưa mồng 2 Tết, với ý định trở lại đơn vị sau khi được đài phát thanh Sài Gòn loan báo tin cộng quân, bất chấp lệnh đình chiến đôi bên thỏa thuận nhân dịp Tết, đồng loạt tấn công trên gần như khắp các tỉnh miền Nam kể cả thủ đô Sài Gòn, các quân nhân được lệnh trình diện đơn vị mình gấp để đối phó với tình hình chiến cuộc.
Phục vụ tại Trung Tâm Tiếp Huyết, một đơn vị chuyên tiếp tế máu và huyết thanh cho nhu cầu các thương bệnh binh ở các quân y viện, đơn vị anh nằm cạnh Tổng Y Viện Cộng Hòa ở ngay ngã Ba Chú Ía. Căn cứ vào tin tức trên đài phát thanh sau đó cho biết, đoạn đường anh đi qua đã rơi vào tay đối phương, khi chúng tấn công Bộ Tổng Tham Mưu. Mỗi ngày từ sáng đến tối, xe chở xác chết tìm thấy được trên khắp các đường phố kế cận về tập trung tại đây. Ða số họ là các sĩ quan hay cảnh sát, vì thi hành lệnh gọi trình diện, đã bị hạ sát khi đi qua những đường phố cộng quân chiếm đóng.
Minh không khỏi bùi ngùi nhìn thấy một thiếu phụ khóc ngất bên xác chồng. Chị làm sao tin được chồng chị đã không ngã gục tại chiến trường sau bao nhiêu năm chiếnđấu vào sinh ra tử,mà lại chết tức tưởi trên đường phố Sài Gòn, kế cận Bộ Chỉ Huy toàn thể Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, một nơi được xem như là bất khả xâm phạm, an toàn nhất trên toàn lãnh thổ miền Nam.
Chị ôm xác chồng vừa khóc vừa kể lể, nào là mặc cho chị khuyên anh nên xem xét tình hình ra sao đã rồi trình diện, nhưng anh viện lẽ bổn phận và trách nhiệm của mình khi đất nước lâm nguy, hứa với chị sẽ xem xét công việc tại sở, sẽ trở về nhà ngay để vui xuân với chị và các con, sau đó anh nhảy lên chiếc xe jeep, phóng như bay ra khỏi nhà để lại bao nhiêu lo âu cho chị; nào là anh mới ôm hôn chị, các con đây sao bây giờ đã chết tức tưởi như thế này, chị phải giải thích với các con ra sao? Chị tiếp tục khóc và kể cho đến khi ngất lịm bên xác chồng. Cảnh chị khóc đã làm mủi lòng tất cả những ai có mặt tại đó.

Xác chết ngày qua ngày vẫn được tiếp tục chở về. Ngoài số các sĩ quan, chiến binh và cảnh sát đã được thân nhân nhận đưa về nhà lo việc tống táng, còn rất nhiều xác thường dân vô thừa nhận. Nhà xác không đủ chỗ chứa ở trong, đã phải đặt bừa bộn ra cả trên sân bên ngoài. Ruồi nhặng bám đầy, xác nằm chờ đợi lâu ngày bắt đầu trương sình, tỏa ra một mùi hôi thối hết sức khó chịu bay ra khắp những vùng dân cư kế cận. Gia đình anh chị Ðiểm Liên ở ngay tại khu vực kế cận, đã phải tạm dọn đến ở nhà anh chị Linh Loan để tránh mùi hôi thối từ nghĩa địa toát ra này. Minh vẫn ngày ngày vào kiếm xác anh Linh, không biết là may mắn hay xui xẻo, anh đã không nằm trong số các xác được đưa về Hòa Hưng.
Khi lệnh thiết quân luật được tạm thời giải tỏa một thời gian rất ngắn ban ngày, để dân chúng có thể đi lại mua sắm thức ăn, thuốc uống và các vật dụng cần thiết, chị Loan đã nhờMinh đưa chị đi tìm chồng.Tình hình không biết rõ như thế nào, tiếng súng vẫn chưa chấm dứt ở một vài nơi, hơn nữa tin tức không được chính xác lắm, tuy thế vì tình thương,Minh đã dùng chiếc xe Lambretta của mình đưa chị đi qua vùng lửa đạn tìm chồng.
Không có gì thay đổi khi Minh lái xe qua những khu dân cư ở Ngã Ba Ông Tạ ngoài việc phố xá đóng cửa, sinh hoạt thương mãi đình trệ, thế nhưng, càng tiến về gần khu Tổng Tham Mưu, càng có nhiều hàng rào ngựa cản, xe thiết giáp án ngữ và đó đây mọc lên các nút chặn kiểm soát. Sự hiện diện các binh sĩ nhảy dù dọc bên đường đem đến cho Minh một chút nào an tâm, tuy thế cũng làm cho Minh lo sợ, vì đó là những dấu chỉ chiến cuộc vẫn chưa yên.
Tại các nút chặn, sau khi được biết lý do, các binh sĩ đã mở rào cản để cho hai chị em tiếp tục đi tiếp, tuy thế khi được hỏi đường đến Ngã Ba Chú Ía có an toàn hay không, họ không biết trả lời gì hơn là đề nghị cứ đi tiếp xem sao. Qua bao nhiêu nút chặn và rào cản hai chị em càng lúc càng tiến gần đến mục tiêu tìm kiếm. Những chứng tích về các cuộc giao tranh vừa xảy ra lần lần hiện rõ trên khu vực Bộ Tổng Tham Mưu trên đường Võ Duy Nguy nối dài. Hàng rào và cổng chào loang lổ vết đạn. Nhiều nơi đã bị phá tung, thay vào đó là những con ngựa cản và xe thiết giáp bảo vệ với họng súng đen ngòm chĩa ra đường.

Hai chị em thở ra nhẹ nhõm khi thấy cổng Trung Tâm Tiếp Huyết. Chưa kịp mừng cả hai đã hú hồn khi nghe một tiếng động rất lớn phát ra từ căn nhà bên cạnh đường. Hồn vía cả hai chị em lên chín tầng mây. May quá từ phía phát ra tiếng động, xuất hiện một anh chiến sĩ Biệt Ðộng Quân. Anh khoát tay ra dấu không có gì nguy hiểm, đừng sợ. Thật là một phen hú vía!
Khi cánh cổng Trung Tâm Tiếp Huyết được mở ra cho hai chị em, chị Loan rất đỗi vui mừng gặp lại chồng. Nhờ ơn trên phù hộ, anh đã may mắn đi qua vùng hiểm nguy vào một lúc nào đó mà không bị hại đến sinh mạng. Minh vui lây nhìn thấy anh chị quấn quýt bên nhau. Chị Loan kể hết bao nhiêu đêm không ngủ thao thức lo cho tính mạng chồng và những gì Minh đã làm trong lúc tìm tin tức của anh. Cuộc hội ngộ thật cảm động nhưng ngắn ngủi, vì hai chị em còn phải trở về nhà trước giờ giới nghiêm...
Tiếng gõ cửa văn phòng mang Minh khỏi cơn nhật mộng về với thực trạng. Người y tá trưởng nhanh nhẹn cho Minh biết nguồn gốc tiếng hát xuất phát từ trại bệnh, mặc dầu không hề được giao cho nhiệm vụ điều tra. Trung, tên người thương bệnh binh trẻ đã hát với tất cả tâm tình bản nhạc “Xuân Này Con Không Về,” quê mãi tận Phú Quốc.
Là con út trong gia đình, có nhiều anh em. Tất cả đã lập gia đình nhưng không ai chịu ở với mẹ. Trung tình nguyện sống và phụng dưỡng mẹ già cho đến khi bị gọi nhập ngũ vì đến tuổi động viên. Không biết lý do nào mà Trung bị thuyên chuyển về mãi tận Trung Đoàn 56, Sư Đoàn 3, Quân Đoàn 1. Về đơn vị đã hơn 1 năm rồi, vì nhu cầu chiến cuộc, Trung chưa có một lần nào về thăm mẹ. Trong một cuộc giao tranh với đối phương, anh bị trọng thương ở chân phải, được di chuyển từ Tổng Y Viện Duy Tân về Trung Tâm I Hồi Lực chưa được 1 tháng. Trong lần khám vừa rồi, anh năn nỉ Minh cho nghỉ 29 ngày tái khám về quê ăn Tết, nhưng Minh từ chối vì vết thương chưa lành.
Phúc trình người y tá làm cho Minh cảm thấy ân hận. Mặc dầu quyết định của Minh đúng,nhưng chàng không ngờ có thể ảnh hưởng Trung đến như vậy. Trước khi rời văn phòng về vui hưởng những ngày nghỉ Tết dài, ngoài việc dặn dò người y tá trưởng chịu khó tận tình thuốc thang cho tất cả các thương bệnh binh, Minh nhấn mạnh đến việc chuẩn bị hồ sơ cho những người ra hội đồng sau Tết, trong đó có cả hồ sơ của Trung.
Lần này Minh muốn để cho các đồng nghiệp quyết định. Hy vọng sau một vài tuần vết thương tốt hơn, Trung có thể về quê thăm mẹ già trong không khí vẫn còn Xuân.

Sau tết trở lại Hồi Lực, Minh an lòng khi Trung được cho nghỉ 29 ngày tái khám, lần họp đầu tiên sau Tết theo đề nghị của Minh. Hôm Trung khập khễnh trên đôi nạng gỗ rời trại bệnh, Minh không khỏi bùi ngùi liên tưởng đến cảnh sum họp giữa người con thương binh trở về từ vùng địa đầu giới tuyến đầy lửa khói và người mẹ già đã bao ngày mòn mỏi chờ mong tin con.
Chợt nghĩ đến bản nhạc “Ngày Trở Về” của Phạm Duy, Minh thầm hát như để tiễn đưa Trung, cũng như hàng vạn người thương binh của cuộc chiến tương tàn về trên muôn nẻo đường đất nước:
“Ngày trở về, anh bước lê trên quãng đường đê đến bên lũy tre.
Nắng vàng hoe, vườn rau trước hè cười đón người về.
Mẹ lần mò ra trước ao, nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ.
Tiếc rằng ta, đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ.”
Mấy hôm sau, Minh rời Trung Tâm I Hồi Lực để lên đường nhận một sứ mạng mới, trở lại tăng phái Thiết Giáp.

Tống Viết Minh,
YKSG65/72, HD19
Trích từ Một Thời Để Nhớ của cùng một tác giả xuất bản tại Hoa Kỳ ngày 15/5/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét