Mẹ của nhà đối lập Alexeil Navalny tố cáo chính quyền Nga gây khó dễ về điều kiện chôn cất con traiSáu ngày sau cái chết không rõ lý do của nhà đối lập Nga Alexeil Navalny trong trại giam, và sau khi mẹ của ông, bà Lioudmila Navalnaya, gửi thông điệp trực tiếp đến Vladimir Poutine yêu cầu trao trả thi hài Navalny, đến hôm qua 22/02/2024 bà Lioudmila Navalnaya mới được nhìn thấy thi thể người con trai 47 tuổi và giấy chứng tử ghi là « chết tự nhiên ». Bà Lyudmila Navalnaya, mẹ nhà đối lập Alexei Navalny đứng trước nhà tù, thị trấn Salekhard, cực bắc Nga, ngày 20/02/2024. AP Thùy Dương
Tuy nhiên, theo thông tín viên Anissa El Jabri, trong một video mới, mẹ của nhà đối lập Nga Alexeil Navalny đã tố cáo chính quyền dọa dẫm, gây khó dễ với bà về các điều kiện chôn cất Alexei Navalny :
« Đêm qua, họ đã bí mật đưa tôi đến nhà xác, nơi họ cho tôi xem thi thể Alexei. Các điều tra viên khẳng định đã biết nguyên nhân cái chết, họ đã chuẩn bị từ trước và cho tôi xem tất cả các giấy tờ y tế và pháp lý. Tôi đã ký vào giấy chứng nhận y tế.
Theo luật, lẽ ra họ phải giao thi thể của Alexei cho tôi ngay, nhưng họ đã không làm như vậy. Thay vào đó, họ bắt chẹt tôi, đặt ra các điều kiện về địa điểm, thời gian và cách thức chôn cất Alexei. Làm như vậy là bất hợp pháp.
Trước sự chứng kiến của tôi, họ tiếp nhận các mệnh lệnh, hoặc từ điện Kremlin, hoặc từ cơ quan trung ương của Ủy ban Điều tra. Họ muốn đám tang diễn ra một cách bí mật, không lời tiễn biệt. Họ muốn đưa tôi đến ven một nghĩa trang, tới một ngôi mộ mới và nói với tôi : đây là con trai của bà. Tôi không đồng ý về điều này.
Tôi muốn quý vị, những người yêu quý Alexei, những người coi cái chết của Alexei làm một thảm kịch cá nhân, quý vị phải có cơ hội để nói lời từ biệt.
Tôi quay video này bởi vì họ bắt đầu đe dọa tôi. Nhìn thẳng vào mắt tôi, họ nói nếu không đồng ý tổ chức tang lễ bí mật, họ sẽ làm gì đó đối với thi thể của con trai tôi. Điều tra viên Voropaev đã nói thẳng với tôi : « Càng để lâu thì càng không hay cho bà. Thi thể đang phân hủy ».
Tôi không đòi hỏi bất kỳ điều kiện đặc biệt nào, tôi muốn mọi việc phải được thực hiện theo đúng luật pháp. Tôi yêu cầu thi hài của con trai tôi phải được trao trả cho tôi ngay lập tức ».
Hôm nay, hơn 20 gương mặt trong giới văn hóa và truyền thông Nga, thường chỉ trích điện Kremlin, đã kêu gọi chính quyền trao trả thi hài người quá cố cho mẹ của ông.
Nhìn sang Mỹ, hôm qua 22/02, tại San Francisco, trong buổi tiếp vợ con của nhà đối lập với tổng thống Putin, tổng thống Biden đã ca ngợi Alexei Navalny là « người đàn ông can đảm một cách khó tin ».
Mỹ trừng phạt hơn 500 thực thể liên quan đến « cỗ máy chiến tranh » Nga
Hơn 500 thực thể « hỗ trợ » cho « cỗ máy chiến tranh » của Nga nằm trong danh sách trừng phạt mới của Mỹ. Bộ Tài Chính Mỹ thông báo « loạt trừng phạt lớn nhất » được công bố ngày 23/02/2024, đúng dịp Nga phát động chiến tranh Ukraina cách đây hai năm.
Hình minh họa: Mặt tiền trụ sở Bộ Tài Chính Mỹ tại Washington. Hình chụp ngày 18/01/2023. AP - Jon Elswick
Thu Hằng
Theo AFP, loạt biện pháp trừng phạt « quan trọng » này được bộ Tài Chính và bộ Ngoại Giao Mỹ phối hợp ban hành. Trước đó, ngày 22/02, bộ Tư Pháp Mỹ cũng thông báo nhiều cáo trạng nhắm vào một số nhà tài phiệt Nga. Trong một thông cáo, bộ trưởng Merrick Garland khẳng định « bộ Tư Pháp cam kết mạnh mẽ hơn bao giờ hết là cắt dòng tiền bất hợp pháp tài trợ cho cuộc chiến của Putin và buộc những người đang tiếp tay phải chịu trách nhiệm ».
Nhiều cuộc điều tra đã được triển khai từ New York đến Florida, hay bang Georgia và Washington để « truy tìm » và « tịch thu tài sản » của những nhân vật chủ chốt đối với điện Kremlin và quân đội Nga. Trong số này có Andrei Kostin, ông chủ ngân hàng lớn thứ hai của Nga VTB, bị cáo buộc rửa tiền và lách các biện pháp trừng phạt để bảo trì hai siêu du thuyền có giá trị lên đến 135 triệu đô la, theo thẩm định của bộ Tư Pháp Mỹ.
Song song đó, Hoa Kỳ sẽ ban hành « thêm nhiều biện pháp trừng phạt nhắm vào Iran trong những ngày tới ». Trong buổi họp báo ngày 22/02, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết Hoa Kỳ « sẵn sàng đi xa hơn nếu Iran cung cấp tên lửa đạn đạo cho Nga ». Tuy nhiên, Washington hiện « chưa có bằng chứng Iran giao tên lửa cho Nga » dù chính quyền Teheran có ý định.
Hai ngày trước khi đánh dấu tròn hai năm Nga xâm lược Ukraina, Liên Hiệp Châu Âu cũng ban hành loạt biện pháp trừng phạt thứ 13 đối với Nga nhắm đến ít nhất 50 tổ chức. Cùng lúc, Anh Quốc cũng công bố nhiều biện pháp nhắm vào hơn 50 cá nhân và doanh nghiệp liên quan đến cỗ máy chiến tranh Nga.
Trung Đông: G20 ủng hộ giải pháp hai Nhà nước độc lập Israel và Palestine
Trong cuộc họp hôm qua 22/02/2024 tại Rio de Janeiro, Brazil, các ngoại trưởng của nhóm G20 cho rằng giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng ở Trung Đông là có hai nhà nước Israel và Palestine, theo tuyên bố của lãnh đạo ngành ngoại giao của Liên Âu, Josep Borrell.
Các đại biểu dự hội nghị các ngoại trưởng G20, ngày 21/02/2024 du 21 février 2024 tại Rio de Janeiro, Brazil. © Silvia Izquierdo / AP
Thùy Dương
Theo Reuters, phát biểu với báo giới, lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu, ông Josep Borrell, đã khẳng định là ở hội nghị G20, không một ai phản đối giải pháp hai Nhà nước độc lập và việc lập Nhà nước Palestine. Ông nhấn mạnh, « đó là một sự đồng thuận » và đồng thời lưu ý cần có một « sự vận động chính trị » để giải pháp này được triển khai.
Về tình hình chiến sự ở dải Gaza, theo một phóng viên của AFP, quân đội Israel trong đêm qua rạng sáng nay đã oanh kích thành phố Khan Younès và Rafah, ở miền nam dải Gaza. Bộ trưởng Y Tế của Hamas khẳng định tổng cộng đêm qua đã có 110 người chết vì bom đạn của Israel.
UNRWA đã đến điểm sụp đổ ?
Trong khi đó, tổng cố vấn của Cơ quan Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine hôm qua 22/02 cảnh báo rằng UNRWA đã đạt đến ngưỡng tan rã, trong bối cảnh Liên Hiệp Quốc cho tiến hành thẩm định hồ sơ này.
Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten giải thích :
“Theo Philippe Lazzarini, UNRWA - được thành lập từ năm 1949 và tuyển dụng hơn 30.000 người tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine, tại Liban, Jordanie và Syria - nay đã “đến ngưỡng tan rã”. Tổ chức này không còn có thể hoàn thành sứ mệnh do các vụ oanh kích ở dải Gaza. Quỹ của UNRWA hiện đã cạn : những cáo buộc của Israel liên quan đến việc 12 nhân viên UNRWA tham gia vụ tấn công ngày 07/10 đã khiến các nhà tài trợ chính bỏ đi. Dù có bằng chứng hay không, tất cả đều bị bế tắc. Liên Hiệp Quốc hy vọng sẽ tháo gỡ được tình trạng này qua việc thẩm định, đánh giá từ bên ngoài, do cựu ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna chỉ đạo.
Bà Colonna nói : “Mục tiêu của nhiệm vụ này là cho phép các nhà hảo tâm lấy lại niềm tin nếu đã mất hoặc nếu họ nghi ngờ về cách vận hành của UNRWA. Sẽ rất có ích nếu nhóm thẩm định có thể xác định tại chỗ, ở Gaza, là UNRWA hoạt động trong bối cảnh như thế nào. Tôi chưa biết liệu có thể làm như vậy hay không nhưng tôi sẽ thử đề nghị”.
Từ nay đến cuối tháng 04/2024, kỳ thẩm định này sẽ phải xác định xem liệu tính trung lập của UNRWA nhìn chung có bị tác động hay không kể từ khi xung đột Gaza nổ ra, đồng thời cuộc điều tra nội bộ sẽ xác định xem 12 nhân viên bị cáo buộc của cơ quan này có dính líu đến vụ tấn công hay không ?”
Nga đe dọa các lực lượng tuần tra Pháp ở Biển Đen
Bộ trưởng Quân Lực Pháp Sébastien Lecornu, hôm qua 22/02/2024, cho biết, « cách nay một tháng » Nga đã « tìm cách khống chế các cuộc tuần tra trên không và trên biển của Pháp trong không phận quốc tế ở Biển Đen ». Ngoài ra, tàu chiến của Nga tiến gần đến hải phận của Pháp trong vùng Vịnh Seine với mục đích « hù dọa ».
Hành minh họa: Máy bay trinh sát của Pháp AWACS đang làm nhiệm vụ của NATO trong vùng trời phía đông Rumani, ngày 09/01/2024. AP - John Leicester
Thanh Hà
Theo lãnh đạo bộ Quân Lực Pháp, Nga ngày càng có nhiều hành động « uy hiếp » nước Pháp, dưới nhiều hình thức khác nhau. Paris là một điểm tựa quan trọng của Kiev và chuẩn bị tổ chức hội nghị quốc tế hỗ trợ Ukraina.
Trả lời đài phát thanh tư nhân RTL, bộ trưởng Quân Lực Lecornu tiết lộ, « cách nay một tháng », trong lúc tuần tra trên biển và trên không để bảo đảm tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đen, « nhiều phi công Pháp đã bị bộ phận không lưu Nga đe dọa ».
Vẫn theo bộ trưởng Pháp, gần đây, một tàu chiến của Nga đã thả neo trong Vịnh Seine, biển Manche ngoài khơi vùng Nordmandie, tây bắc nước Pháp. Tuy tàu Nga đã dừng lại ở hải phận quốc tế, nhưng sát với Pháp và đây là hành động « hù dọa (…) và cần hiểu rằng các hành vi hù dọa đó đã có từ thời chiến tranh lạnh ».
Bộ trưởng Lecornu đánh giá thái độ của Nga « rất hung hăng » và đang mở thêm nhiều mặt trận khác như « chiến tranh mạng nhắm vào một tập đoàn công nghệ quốc phòng của Pháp ».
Hãng tin AFP nhắc lại cuối tuần qua bộ Quân Lực đã kêu gọi củng cố các biện pháp bảo vệ an ninh trước những đe dọa « phá hoại » và các vụ « tấn công trên mạng » do Nga tiến hành.
Từ đầu chiến tranh Ukraina hồi tháng 2/2022 đến nay, Paris đã đào tạo trên lãnh thổ Pháp hoặc tại Ba Lan khỏang 10.000 lính Ukraina để sử dụng trang thiết bị quân sự mà Pháp viện trợ.
Về ngoại giao, Paris chiều hôm qua thông báo, ngày 26/02/, tổng thống Emmanuel Macron chủ trì một hội nghị hỗ trợ Ukraina sau hai năm chiến tranh. Nhiều nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ và đại diện cấp bộ sẽ tham dự cuộc họp tại Paris.
TT Nga Putin ca ngợi các « anh hùng » chiến đấu ở Ukraina và công cuộc tái vũ trang
Một hôm trước ngày tròn 2 năm xâm lược Ukraina, hôm nay 23/02/2024, cũng là ngày thường niên vinh danh « những người bảo vệ tổ quốc », tổng thống Vladimir Putin ngợi ca các binh sĩ Nga chiến đấu ở Ukraina là « anh hùng dân tộc ». Đồng thời, ông Putin hoan nghênh công cuộc tái vũ trang của nước Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt vòng hoa tưởng niệm tại "Mộ Chiến sĩ Vô danh" tại Matxcơva, ngày 23/02/2024. AP - Sergey Savostyanov
Thùy Dương
Theo AFP, trong một video phát đi từ điện Kremlin, tổng thống Nga Vladimir Putin đã hoan nghênh những « những người tham gia chiến dịch đặc biệt » ở Ukraina, mà theo ông là đang « bảo vệ nước Nga ...chiến đấu để bảo vệ sự thật và công lý ». Tổng thống Nga gọi họ là « những anh hùng thực sự của dân tộc ». Như hàng năm, ông Putin sẽ đến viếng mộ những người lính vô danh, được đặt sát tường điện Kremlin, Matxcơva.
Tổng thống Nga cũng cho biết : « Trong những năm qua, các công ty của tổ hợp công nghiệp - quân sự đã nhân rộng sản xuất và giao cho quân đội những loại vũ khí được yêu cầu nhiều nhất » : tên lửa, drone, xe bọc thép, pháo và thiết bị phòng không, đồng thời khẳng định : « Dựa trên kinh nghiệm chiến đấu hiện tại, chúng ta sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng vũ trang ».
Hôm qua, nguyên thủ Nga đã đến thăm nhà máy chế tạo máy bay tại Kazan, ở miền trung, và đã bay 30 phút trên một oanh tạc cơ hạt nhân chiến lược. Ông Putin ca ngợi độ tin cậy của máy bay này, có nhiều tính năng mới, dễ điều khiển, dễ kiểm soát hơn và phù hợp với không quân Nga.
Oanh tạc cơ mới của Nga có thể mang 12 tên lửa hành trình hoặc 12 tên lửa hạt nhân tầm ngắn và có thể bay 12.000 km mới cần tiếp liệu. Theo Reuters, đây là một phiên bản Tupolev 160M mà trong thời kỳ chiến tranh lạnh Liên Xô đã sẵn sàng triển khai trong trường hợp có cảnh báo hạt nhân để thực hiện các vụ tấn công ở khoảng cách xa.
Theo hợp đồng ký năm 2018, không quân Nga sẽ nhận 10 oanh tạc cơ được hiện đại hóa này trước năm 2027, với giá 15 tỷ rúp (150 triệu euro)/chiếc.
Biển Đông : Trung Quốc hủy hoại hơn 20.000 hecta rạn san hô
Trung Quốc là nước gây ra thiệt hại nặng nề nhất về sinh thái trong nhiều khu vực ở Biển Đông thông qua hoạt động nạo vét và đánh bắt hủy diệt. Trong buổi họp báo tại Manila (Philippines), được trang GMA trích dẫn ngày 22/02/2024, giới chuyên gia cho rằng « nhìn vào quy mô hiện nay, phải mất vài thập niên để các rạn san hô hồi phục » và cách duy nhất là « thuyết phục Trung Quốc ngừng hoạt động phá hủy này ».
Đảo Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa, Biển Đông với những công trình được Trung Quốc xây dựng cải tạo trên đảo, chụp ngày 20/03/2022. AP - Aaron Favila
Thu Hằng
Chỉ riêng Trung Quốc đã phá hủy ít nhất 4.500 hecta rạn san hô để nạo vét, bồi đắp, cải tạo các đảo nhân tạo ở vùng biển có tranh chấp. Khoảng 16.300 hecta rạn san hô bị hư hại do ngư dân Trung Quốc đánh bắt trai khổng lồ để lấy ngọc phục vụ nhu cầu ngày càng lớn. Tình trạng đánh bắt cá quá mức cũng là một vấn đề. Do các vụ tranh chấp chủ quyền và lãnh thổ ở Biển Đông, cho đến nay, chưa có một đánh giá đầy đủ về trữ lượng cá trong khu vực.
Đây là kết quả phân tích từ hình ảnh chụp từ vệ tinh chụp lại 180 khu vực bị chiếm đóng và không có người ở tại Biển Đông và được nêu trong báo cáo « Deep Blue Scars: Environmental Threats to the South China Sea » (Những vết sẹo xanh thẳm: Các mối đe dọa môi trường đối với Biển Đông) được tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) công bố tháng 12/2023.
Theo Monica Sato, một trong ba đồng tác giả báo cáo, một tầu nạo vét Trung Quốc « cắt xuyên qua các rạn san hô và trầm tích thu được sẽ được bơm qua các đường ống nổi, sau đó trầm tích sẽ được để lắng tại nhiều khu vực thông qua các bãi chôn được nhắm trước đó ».
Việt Nam đứng thứ hai sau Trung Quốc, phá hủy khoảng 1.500 hecta rạn san hô ở vùng biển tranh chấp. Từ năm 2023, Việt Nam sử dụng các máy nạo vét hút, thay vì các biện pháp nạo vét ít hủy hoại hơn như trước đây. Theo AMTI, « biện pháp này vẫn được tiếp tục vì Việt Nam xây dựng tiền đồn ở Biển Đông ».
Ba nước khác có tranh chấp là Philippines, Malaysia và Đài Loan « hầu như không làm trầy xước bề mặt và phá hủy chưa đầy 100 hecta rạn san hô ». Dù vậy bà Monica Sato cảnh báo « mọi hoạt động bồi đắp đều gây hại cho môi trường ».
Các nhà nghiên cứu của AMTI kêu gọi thành lập một liên minh quốc tế do các nước Đông Nam Á điều phối « để đánh giá tốt hơn và ý thức được quy mô thiệt hại », đồng thời lập một cơ chế chung nghiên cứu khoa học hàng hải và quản lý đánh bắt giữa các nước tranh chấp trong vùng và mời Trung Quốc tham gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét