Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 20 tháng 2, 2024

TÁC GIẢ & TÁC PHẨM: - DƯƠNG THIỆU TƯỚC (1915-1995)


(Cố Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước )
Quá khứ hiện về, bồng bềnh như sương như khói trong màn sương mờ ảo giăng kín khắp mặt sông. Tiếng ca ai oán nức nở của người kỹ nữ hòa điệu với tiếng đàn tranh réo rắt theo điệu Nam Ai sâu lắng. Trăng đã tàn, gà đã gáy canh tư... ký ức chập chờn, huyền ảo, lung linh để cho hồn người không thể dứt được cõi mơ, quay về trở về cõi thực.Vẳng trong tiếng sóng vỗ bên mạn thuyền, chập chờn ánh sáng dần lên ở đường chân trời phía xa xa...
<!>
" Mai đây bỏ Huế rồi quên Huế
Quên được làm sao bữa rượu này "
(Nguyễn Bính)

Vùng đất địa linh nhân kiệt này đã làm hao tốn biết bao giấy mực của các văn sĩ,thi sĩ lẫn nhạc sĩ trong nước từ suốt thế kỷ thứ mười lăm đến bây giờ để công chúng có được gia tài đồ sộ về những sáng tác âm nhạc lẫn văn học để đời trong tài sản văn hóa Việt.

Mối giao cảm khi bắt gặp sự rung động sâu lắng trong tâm hồn của nhạc sĩ Dương thiệu Tước qua bài Đường thi trong âm nhạc "Đêm tàn Bến Ngự" đã ngân dài khúc bịn rịn,lưu luyến, tiếc nuối, đoạn trường của sự chia ly qua những câu thơ của nhạc sĩ Văn Cao:

“ Em cạn lời thôi anh dứt nhạc
Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh
Một đêm đàn lạnh trên sông Huế
Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh...”

( Văn Cao )


(Cố Ca sĩ Minh Trang)

Có thể nói ca khúc bất hủ Đêm tàn bến Ngự này đươc xem như một bản Đường thi trong gia tài âm nhạc của cố nhạc sĩ Dương thiệu Tước được viết trên nền nhạc ngũ cung xứ Huế.Với một nhạc sĩ say đắm với âm nhạc bác học Tây phương và chơi thành thạo một số nhạc cụ phương Tây thì có lẽ tình yêu thơ mộng và thi vị với ca sĩ Minh Trang (Ngọc Trâm), một công chúa nhà Nguyễn, tài sắc vẹn toàn và xuất thân của cả hai trong những gia đình trâm anh thế phiệt mới có những rung động sâu lắng và mớ màng đến thế. Ta nghe trong gió trong sương tiếng đàn sáo chập chùng,tiếng thời gian lẫn vào trong tiếng sột soạt của bóng đêm len lén ra đi nhường chỗ cho một ngày sắp rạng. Khép lại một quá khứ hào hùng của một giai đoạn lịch sử bi tráng của dân tộc'

Trong tiếng thời gian đang trôi đi, ta còn nghe được tiếng giáo gươm, tiếng xe ngựa gập ghềnh qua cổng Thượng tứ để vào thành nội. Ta còn nghe được câu thơ bi ai của Ưng bình Thúc Giạ thị ngân trong sương mai để ngậm ngùi dõi theo bóng của Ông già Bến Ngự bên con nước lững lờ trôi :

"Chiều chiều trước bến Vân Lâu
Ai ngồi,ai câu,ai sầu,ai thảm
Ai thương ,ai cảm,ai nhớ,ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non."


Sinh ra trong gia đình quyền quý đất Bắc và vì tình yêu với người đẹp, chàng Dương đã dạo gót đến cố đô trầm mặc để rồi phải lòng với cảnh sắc của đất trời cố đô, lắng trong tiếng thông reo rì rào của đồi Thiên an mơ mộng,thắm hương theo những chiếc lá Thạch xương bồ đang đắm mình theo dòng trôi của con sông Bồ đang chuyền hướng từ phía Tuần,ẻo là và lười biếng qua kỳ đài Huế, để rồi thoát xác thành dòng Hương giang,ngắm thành quách ngái ngủ trong bóng ngày đi trước khi chảy qua cầu trường tiền thơ mộng rồi xuôi ra Thuận An theo sóng nứớc dập dềnh hòa vào Thái bình dương mênh mông sóng biếc...

Tương truyền, vị Chúa thứ sáu, họ Nguyễn Phúc, dòng chúa Nguyễn Hoànglà nhân vật văn võ song toàn, trí dũng, người đã lập nên Xứ đàng trong vào thế kỷ 15, người đã vẽ một nửa bản đồ của Việt nam ngày nay, cũng chính là nhân vật đã sáng tác ra khúc Nam ai bất hủ của nhã nhạc cung đình Huế và dựa vào đó Ưng Bình Thúc Giạ đã sáng tác nhiều bản nhạc bất hủ được truyền tụng cho đến bây giờ ở xứ Huế..

" Thuyền mơ trong khúc Nam Ai,
Đàn khuya trên sông ngân dài.
Ai luyến ai tiếc khúc ca Tần Hoài!
Ôi! vẳng nghe tiếng ai âm thầm trầm ngân "

Hãy để cho không gian và thời gian lắng đọng trong giai điệu bất hủ này của Cố nhạc sĩ tài hoa họ Dương...

Tuấn Tôn

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước (1915 – 1995)

Dương Thiệu Tước (1915 – 1995) là một nhạc sĩ tiền chiến của tân nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước được ghi nhận là một trong những người đặt nền móng cho nền tân nhạc Việt, còn người bạn đời của ông - ca sĩ Minh Trang - cũng được cho là một trong những ca sĩ tiên phong của làng ca nhạc Việt.



( Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước )

• Cuộc đời

Dương Thiệu Tước sinh ngày 15 tháng 5 năm 1915, quê ở làng Vân Đình, huyện Sơn Lãng, phủ Ứng Hoà, Hà Nội. Xuất thân trong gia đình Nho học truyền thống, ông là cháu nội cụ nghè Vân Đình Dương Khuê, nguyên Đốc học Nam Định.

Trong thập niên 1930, Dương Thiệu Tước gia nhập nhóm nghệ sĩ tài tử Myosotis (Hoa lưu ly) gồm Thẩm Oánh, Lê Yên, Vũ Khánh. Ông là người có sáng kiến soạn nhạc "bài Tây theo điệu ta", những nhạc phẩm đầu tay của ông thường được viết bằng tiếng Pháp. Mặc dù học nhạc phương Tây nhưng nhạc của ông vẫn thắm đượm hồn dân tộc. Trong một ấn phẩm viết tay, ông cho rằng:

“Theo tôi tân nhạc Việt Nam phải thể hiện rõ cá tính Việt Nam. Để đạt được điều này, người sáng tác phải hiểu rõ nhạc Việt qua cách học nhạc cụ cổ truyền cũng như hát được các điệu hát cổ truyền.”

- Dương Thiệu Tước

Dương Thiệu Tước đánh đàn guitar hawaienne rất giỏi, ông còn là chủ nhân của một cửa tiệm bán đàn ở phố Hàng Gai, Hà Nội và có mở cả lớp dạy đàn. Trong sinh hoạt hằng tuần với các bạn nhạc sĩ tài tử của mình, ông đã sáng tác mấy bài mang những đầu đề bằng tiếng Pháp, như Joie d'aimer (Thú yêu đương), Souvenance (Hồi niệm), Ton Doux Sourire (Nụ cười êm ái của em) ... Lời ca của những bài này do Thẩm Bích (anh ruột của Thẩm Oánh) soạn bằng Pháp ngữ. Ông từng tuyên bố: "Nếu đã có nhà văn Việt Nam viết văn bằng tiếng Pháp, thì nhà soạn nhạc Việt Nam cũng có thể viết được những bản nhạc có âm điệu Tây phương'' (Báo Việt Nhạc số 5, ngày 16.10.1948).

Ông vào Sài Gòn từ năm 1954. Tại đây, ông làm chủ sự phòng văn nghệ tại Đài Phát thanh Sài Gòn đồng thời được mời làm giáo sư dạy lục huyền cầm/Tây Ban cầm tại trường Quốc gia Âm nhạc.

Sau ngày 30/4/1975, ông ở lại Việt Nam do bệnh tật. Nhạc của ông không được phổ biến, mãi lâu sau thời kỳ " Đổi Mới" ,nhạc của ông mới được phép lưu hành trở lại.

Ông mất ngày 1 tháng 8 năm 1995 tại Sài Gòn


(Ca sĩ Minh Trang và 2 con)

• Gia đình

Vợ chính thất cũng là vợ đầu của ông là bà Lương Thị Thuần, hiện con cái đang sống tại Đức và Hoa Kỳ.

Vợ sau của ông là Minh Trang, một ca sĩ nổi tiếng thập niên 1950, có con riêng là Quỳnh Giao. Ông bà sống hạnh phúc trong 30 năm, có với nhau 5 người con là: Dương Hồng Phong, Vân Quỳnh (ca sĩ hải ngoại), Vân Dung, Vân Hòa, Vân Khanh. Ca sĩ Minh Trang chính là con của công chúa Nguyễn Phúc Tốn Tùy và là đồng mẫu tỷ của Mệ Bông Nguyễn Thị Cẩm Hà.

Năm 1978, bà Minh Trang cùng các con định cư ở nước ngoài. Vài năm sau, Dương Thiệu Tước về chung sống với bà Nguyễn Thị Nga tại quận quận Bình Thạnh và được bà chăm lo cho tuổi về chiều.

Theo lời kể của ca sĩ Nguyễn Ánh Tuyết: Cuối năm 1993, Ánh Tuyết thực hiện album Cung đàn xưa, trong đó có ba ca khúc của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Chị tìm nhạc sĩ để gởi tiền tác quyền nhưng không biết ông đang ở đâu. Dò hỏi Hội nhạc sĩ, các hãng băng đĩa, song không ai nắm thông tin dù lúc đó ông vẫn còn sống, tình cờ Ánh Tuyết gặp một nhà thơ và được ông dẫn đến nhà nhạc sĩ. Căn nhà của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước nằm trên một con hẻm nhỏ đường Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh (TP HCM), bên cạnh một ngôi chùa.

Thời điểm chị gặp nhạc sĩ nổi tiếng, căn nhà của ông không có thứ gì đáng giá. Tài sản lớn nhất là chiếc tivi 14inch trắng đen được ông bảo quản bằng cách lấy thùng giấy úp lên. Điều khiến ca sĩ ấn tượng là ở tuổi 82, dẫu sức khỏe yếu, ông vẫn toát lên sự lịch thiệp, nhã nhặn từ lời ăn tiếng nói đến cách ứng xử.

Đó là thời điểm cận Tết, ông và gia đình gặp nhiều khó khăn. Ánh Tuyết gửi ông tiền tác quyền cho việc thu băng cassette - theo quy định lúc đó là 500 nghìn đồng mỗi bài hát. Ông vui mừng nói đây là một món quà lớn cho gia đình. Khi Ánh Tuyết thắc mắc vì sao các bài hát của nhạc sĩ được thu âm, trình diễn nhiều nhưng không ai biết nhạc sĩ đang ở đâu, ông chia sẻ bản thân từng đến hãng băng đĩa hỏi về tiền tác quyền, nhưng người này chỉ qua người kia và cuối cùng ông ra về tay không.


• Âm nhạc

Nếu Dương Thiệu Tước là người viết ca khúc khêu gợi nhất từ thời “tiền chiến”, thời phôi thai của tân nhạc cải cách, thì ông cũng là tác giả của một ca khúc lãng mạn thanh quý nhất.

Trước “Cỏ Hồng” của Phạm Duy dễ mấy thập niên, bài “Dưới Ánh Trăng” của Dương Thiệu Tước là ca khúc mang rất nhiều ẩn dụ âm dương.

Anh như ánh trăng thanh
Em như hoa trên cành
Trăng lồng hương sắc thắm
Âu yếm cho mộng tàn canh.

Ánh trăng mà ái ân với nụ hoa đầu cành, không là nghệ sĩ giàu trí tưởng tượng thì ít ai nghĩ ra! Chữ “lồng” của ông trong đoạn mở đầu quả là đắt! Ðông phương thời xưa vốn không nghèo ý lạ thì cũng phải chịu chữ này là hay. Là động từ hay hình dung từ vậy, mà ánh trăng lại lồng cho hương sắc thắm?

Người ta thường nói Dương Thiệu Tước kết tinh tài hoa của đất Bắc ngàn năm văn vật vào một thể loại mới là nhạc cải cách, mà ông cũng là một trong mấy tác giả tiên phong. Ông sinh năm 1915 tại làng Vân Ðình tỉnh Hà Ðông, là cháu nội cụ Dương Khuê của văn học sử. Những bậc cao niên ngày nay vẫn còn nhắc đến Dương Thiệu Tước tại Hà Nội của sáu mươi năm về trước, môi đỏ tựa son, da trắng hồng, tóc đen nhánh, gợn sóng như một công tử tài hoa đất Hà Thành.

Ông thuộc loại nhạc sĩ am hiểu nhạc thuật Tây phương lẫn văn hóa Ðông phương nên mới cho “trăng lồng hương sắc thắm” trong ca khúc thuộc loại đầu đời của tân nhạc cải cách.

Sau ông, nhiều nhạc sĩ khác cũng nổi danh trong trường phái tân nhạc cao sang về lời từ và quý phái trong giai điệu. Họ không nhiều đâu. Ðó là Vũ Thành, Nguyễn Văn Quỳ và Cung Tiến. Họ viết nhạc trên giai điệu Tây phương, rất gần với thể loại về sau chúng ta gọi là “bán cổ điển”.

Nhưng, khác ba nhạc sĩ trên, Dương Thiệu Tước cũng là tác giả của nhiều ca khúc vẫn đậm nét Á Ðông, trên giai điệu ngũ cung: đó là “Ðêm Tàn Bến Ngự” vô cùng Huế, hay “Tiếng Xưa”, hết sức Nam kỳ. Nói “Tiếng Xưa” là giai điệu miền Nam thì nhiều người hoài nghi, nhưng xin nghe lại mà xem. Những người sành cổ nhạc Nam phần như Nguyễn Hữu Ba hay Việt Hùng thì không còn ở với chúng ta để xác nhận điều ấy, cho nên mình phải nghe lại, ngẫm lại!

Dương Thiệu Tước để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm trang nhã của loại bán cổ điển, như “Áng Mây Chiều”, “Buồn Xa Vắng”, “Mơ Tiên”, “Bến Xuân Xanh” hay “Thuyền Mơ”, ... Bài nào cũng là viên ngọc quý trong kho tàng nhạc Việt. Riêng một bài thì rõ là một đóa hoa quý: “Ngọc Lan” tiếp nối ẩn dụ của “Dưới Ánh Trăng” đã nói ở đầu. Nhưng thanh thoát bội phần.


• Một số sáng tác

Áng mây chiều
Bên ngàn hoa thắm
Bến xuân xanh (Dương Thiệu Tước & Minh Trang)
Bóng chiều xưa (Dương Thiệu Tước & Minh Trang)
Buồn xa vắng (Dương Thiệu Tước & Minh Trang)
Cánh bằng lướt gió
Chiều (thơ Hồ Dzếnh)
Chiều lữ thứ (Dương Thiệu Tước & Minh Trang)
Đêm ngắn tình dài
Đêm tàn bến Ngự
Dòng sông xanh
Khúc nhạc dưới trăng (Dương Thiệu Tước & Minh Trang)
Kiếp hoa
Mơ tiên (Dương Thiệu Tước & Minh Trang)
Nắng hè (Dương Thiệu Tước & Minh Trang)
Ngọc lan
Ôi quê hương (Dương Thiệu Tước & Minh Trang)
Ơn nghĩa sinh thành
Thuyền mơ
Tiếng xưa
Tình anh
Trời xanh thẳm
Ước hẹn chiều thu
Vui xuân (Dương Thiệu Tước & Minh Trang)

(nguon : vmef.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét