Đôi Dòng Tưởng Niệm Hai Nhạc Sĩ Xuân Vinh và Lê Phương - Đỗ Bình
Nhạc sĩ Xuân Vinh (1943 - 2009) sinh
năm 1943 tại
Ninh Bình, di cư vào Nam 1954, theo học tại trường La San Đức Minh và La San Taberd.
Ông học nhạc ở dòng Chúa Cứu Thế và các lớp nhạc khác Trường
Bach. Trường Suối Nhạc. Ông thuộc gia đình khá giả ở Sài Gòn, đến tuổi quân dịch, nhờ
giỏi âm nhạc nên ông đã thi vào ban nhạc nhẹ của Hải Quân Việt Nam. (Espana
Cani) và làm tại Cục Tâm Lý Chiến, đài phát thanh quân đội. Ở đây ông được theo
học khoá sáng tác 9 tháng và tốt nghiệp sau nhạc
sĩ Nhật Trường một năm. Thời gian phục vụ trong quân đội VNCH, ông đã theo ban
nhạc trình diễn khắp nơi trong miền Nam, ra tận Đồng Hới và làm cộng tác cứu
trợ Tết Mậu Thân.
<!>
Sau 4 năm thi hành quân dịch ông được giải ngũ và mở khoá học nhạc cấp
tốc cho các học sinh sắp đi du học.
Ngày 1 tháng 5 năm 1975 ông cùng với mẹ
xuống Rạch Giá vượt biên đến Thái Lan, sau đó định cư
tại Pháp. Hành trang mang theo là một áo mưa, một chiếc đồng hồ. Ở Paris ông
vào trường Beuscher học thêm nhạc Jazz.
Nhạc sĩ Xuân Vinh tính hiền hòa, khiêm nhường và ít nói
nhưng rất khó tính về âm nhạc. Từ ngày ra hải ngoại ông ngừng sáng tác, nhưng
22 tháng 5 năm 1999 ông mời tôi ra quán cà phê Paris và trao tặng tôi ca khúc Hạ
Buồn mà ông mới phổ thơ tôi. Đây là một tặng
phẩm tinh thần quý giá. Ông trao tôi bản viết tay còn dấu
sửa chữa. Ông nói:
«Tôi muốn để nguyên thế này tặng anh mới chân thành vì
chăm chú vào từng lời thơ hợp với từng nốt nhạc. Chép lại sạch thì dễ đọc hơn nhưng anh không thấy sự chăm
chú đó »
Tôi xúc động nắm tay ông nói lời cảm ơn. Đó là ca khúc cuối cùng của đời
ông.
Những nhạc sĩ đệm dương cầm hàng đầu trong các ban nhạc ở
Paris: Nhạc sĩ Jules Tambicannou, nhạc sĩ Xuân Vinh, nhạc sĩ Nguyễn Duy Thiện
và nhạc sĩ Nam Anh. Đó là những người nhạc sĩ chuyên nghiệp.
Trong lãnh
vực âm nhạc, nhạc sĩ Xuân Vinh và cố nhạc sĩ Tambicannou đều khó tính nhất
Paris, cả hai đều không chịu đệm nhạc cho ca sĩ hát nếu ca sĩ đó không chịu dợt
nhạc trước. Đã nhiều lần hai nhạc sĩ đó bỏ ngang chương trình ca nhạc sách đàn
ra về vì không chịu đệm nhạc cho những ca sĩ hát những ca khúc không có ghi
trong chương trình. Hai nhạc sĩ đều dành cả đời cho âm nhạc và sống bằng nghề
âm nhạc.
Riêng với tôi, nhạc sĩ Xuân Vinh và nhạc sĩ Jules
Tambicannou rất quý. Mỗi lần chúng tôi mời hai anh tham
gia những sinh hoạt văn học nghệ thuật, những chiều nhạc thính phòng hai anh đều
nhận lời. Chúng tôi phụng sự văn hóa nên bỏ tiền túi ra tổ chức không bán vé mục
đích giới thiệu những tác phẩm hay trong âm nhạc Việt Nam, và những tác phẩm
văn thơ giá trị, do đó tôi nói
với nhạc sĩ Xuân Vinh:
«Anh là nghệ sĩ, đến giúp chúng tôi một
tay. Những danh ca góp mặt trong phần văn nghệ đều không có thù lao, các anh chị chỉ muốn anh hoặc anh Jules
Tambicannou chơi nhạc. Hôm nay có mặt cả hai anh, tôi mong chương trình được tốt
đẹp.»
Nhạc sĩ Xuân Vinh:
« Được anh mời là tôi vui rồi, có anh Jules nữa thì
phần nhạc thêm đặc sắc, tôi sẽ chọn một số ít ca khúc để đệm nhạc, phần còn lại
là của anh Jules. Tuy nhiên tôi tham dự là phần nghệ sĩ góp mặt, nhưng tiền
chuyên chở các dụng cụ nhạc và tiền bảo hiểm dàn âm thanh xin anh chi phí cho».
Tôi hiểu ông nhưng muốn thương lượng một giá chi phí tượng
trưng, nhưng ông lại nâng giá lên cao, cuối cùng chúng tôi chấp nhận
cái giá mà ông đề nghị. Nhưng cứ mỗi lần như
thế nhạc sĩ lại mang theo bốn chai rượu đỏ đắt tiền đến tặng chúng tôi bù vào khoảng nâng
giá.
Ông nói:«Biết anh không uống rượu nhưng tôi tặng cho
các bạn uống lúc nghỉ giải lao.»
Dù tài hoa nhưng nhạc sĩ Xuân Vinh vẫn thích sống độc
thân có lẽ vì ông chán ngán cảnh vợ chồng. Thuở còn trẻ ông có yêu một người,
nhưng người đó theo lệnh gia đình đi lấy chồng làm ông thất tình để ôm mãi trong lòng
mối tình si. Từ đó ra đời ca khúc Cuộc Tình Đã Mất, giai điệu buồn, ca từ ray rứt,
tiếc nuối. Ca khúc được nhiều ca sĩ thể hiện: Khánh Ly, Thiên Trang, Elvis Phương, Cẩm Ly, Ngọc Lan,
Dạ hương, Uyên Phương, Ái Vân, Tuấn Anh.
«Một người quen, đã đi lấy chồng Một người yêu, thôi đã sang sông Tình ngày xưa, gió cuốn lâng lâng Thương những chiều, nắng đến bâng khuâng. Một hạt sương, thoáng… »
Ông mang một tâm trạng bị tình phụ nên chán ngán những lời
yêu đương mới vì vẫn lưu luyến mối tình xưa, nhưng gia đình lại muốn ông sớm thành hôn, do đó đã hỏi
cho ông một nữ sinh viên còn đang du học ở Bỉ. Ông đã thành hồn với người nữ
sinh viên đó nhưng duyên nợ của hai người không lâu, cuộc hôn nhân bị đổ vỡ sau khi có chung một người con trai.
Sau năm 1975 ông vượt biên cùng mẹ già, sau khi mẹ qua đời ông sống cô độc một
mình. Suốt mấy chục năm ở Paris nhạc sĩ Xuân Vinh không hề nói về người vợ, ông
dấu kín trong lòng về nguyên nhân đổ vỡ. Ngày nhạc sĩ Xuân Vinh mất, các bằng hữu văn nghệ sĩ và người
ái mộ đến với ông lần cuối rất đông. Họ đồng ca, hát những ca khúc của ông để
thương tiếc anh. Ngày đó có cả vợ ông từ Bỉ sang, con trai ông và người em trai
ở Paris đến tiễn đưa ông lần cuối.
Những
sáng tác của nhạc sĩ Xuân Vinh:
Nhớ
Về Em(1965). Bài
Ca Thánh Giu Se
(1965). Cuộc Tình Đã Mất (69-70).
Huế (thơ Kiều Mộng
Thu). Chiều Xuân Này Em Lấy Chồng(Xuân
Vinh, Mộng Đạt). Âm Thầm (Xuân Vinh, Triều Dương). Chiến Tranh Và Tuổi Trẻ(Xuân
Vinh, Mộng Đạt).
Thương
Nhớ Người Xưa (A Time For Us Roméo et Juliette,Lời Việt Xuân Vinh. Người Yêu Tôi Đâu (Some Where My
Love) Lời Việt Xuân Vinh. Một Chuyện Tình (Love Story) Lời Việt Xuân Vinh. Ta
Belle Rose Lời Việt Xuân Vinh, Tình Thi Ca, Lời Việt Xuân Vinh(1994). Hạ Buồn, thơ Đỗ Bình Nhạc Xuân Vinh 1999.
Nhạc sĩ Lê Phương
Viện Pháp Á Paris 197: Nhạc sĩ Lê Phương, nhạc sĩ Trịnh Hưng, nhạc sĩ Đào
Tuấn Ngọc, Điêu khắc gia Vương Thu Thủy, nhà thơ Song Thái, nhà thơ Trọng Lễ,
GS Quỳnh Hạnh…
Nhạc sĩ Lê Phương sinh năm 1961 tại Sài Gòn và mất tại
Paris năm 2017. Ông theo học Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn, và trường Nghệ
Thuật Sân Khấu 2, tốt nghiệp ngành đạo diễn sân khấu. Sang Pháp định cư năm
198. Làm thơ và sáng tác nhạc với bút hiệu Lê Phương, Lê Nguyễn Việt Phương.
Nhạc sĩ Lê Phương tính tình hiền hòa, rất khiêm
tốn, hay cười và ít nói. Những năm đầu khi mới đến Pháp thỉnh thoảng ông tham
gia trong một số sinh hoạt văn học nghệ thuật ở Paris, là nhạc sĩ đệm nhạc cho
ca sĩ hát nhạc thính phòng, hoặc độc tấu nhạc cổ điển Tây phương. .Thuở ấy ở
Paris rất ít ban nhạc, những nhạc sĩ sĩ chuyên nghiệp chơi nhạc trong trong các
phòng trà ca nhạc cũng hiếm vì một số đã rời sang Mỹ định cư. Paris ngày ấy
trong những sinh hoạt văn hóa thỉnh thoảng có sự góp mặt của những người chơi
nhạc cổ điển Tây phương điêu luện là DS Phạm Ngọc Lân, NS Nguyễn Minh Mạch, nhà
thơ Đỗ Bình và nhạc sĩ Lê Phương. Nhưng một thời gian sau đó vì chuyện buồn
tình duyên, người vợ mới cưới ở quê nhà đã thay long, nên hơn hai mươi năm ông chọn
lối sống ẩn dật, không còn muốn trình diễn trước đám đông, mặc dù hang ngày ông
vẫn chơi đàn một mình, và thỉnh thoảng sáng tác thơ nhạc. Ông vẫn thường xuyên
gọi điện thoại nói chuyện văn nghệ với tôi. Mỗi năm vào ngày tết ông đến nhà thăm
tôi và đàn hát , đọc thơ cho tôi nghe.
Tôi hỏi ông:“Em
đánh đàn hay quá, tại sao lại không đem tài năng đó cho công chúng thưởng
lãm?”
Lê Phương:“Ở
Paris rất nhiều người có tài, có người đã tốt nghiệp nhạc viện môn guitare cổ
điển nhưng họ cũng đâu có đến chỗ đám đông trình diễn. Bây giờ cái gu thưởng thức
nhạc của mấy người đến phòng trà là chỉ muốn khiêu vũ, không còn muốn nghê độc
tấu nhạc cổ điển. Em không chơi được loại nhạc đó!”
Tôi hỏi:“Em không chơi ở các phòng trà thì chơi nhạc ở sinh hoạt cộng đồng,
tại sao em cũng không tham dự?”
Lê Phương:“Thưa
anh, sở dĩ em không chơi nhạc ở chỗ cộng đồng là vì em độc tấu guitare nên rất
cần sự im lặng, mà sân khấu cộng đồng thì quá ồn ào, người ta nói chuyện át cả
tiếng đàn thì đàn làm gì!”
Lê Phương hỏi:
“Còn anh, sao anh cũng không trình tấu nhạc cổ điển?”
Tôi trả lời:“Paris là đất
của những nhạc sĩ cổ điển tài danh, những điều mình học hỏi về nhạc cổ điển và
tập luyện quá ít nên đi trình tấu một nhạc phẩm giá trị sợ bị vấp sẽ làm hỏng
chương trình!”
Lê Phương:“Chơi đàn
trong những sinh hoạt cộng đồng cũng chỉ là giúp vui, anh thận trọng quá!”
Tôi trả lời:“Đúng thế, nhưng mắt anh quá kém nhìm partition không rõ, mà
âm nhạc cổ điển rất cần sự chính xác nên anh không dám đàn, sợ sai nốt! Như em
đã biết không kể những nhạc sĩ ntrong những giàn nhạc giao hưởng, chỉ những nhạc sĩ chơi dạo trong hầm metro,
hay trong các công viên họ đều là dân chơi đàn chuyên nghiệp, đó là chưa kể mỗi
ngày họ trình tấu cả trăm lần, do đó bàn tay rất nhuyễn không sai nốt. Còn anh
muốn trình tấu phải tập lại một bản mất vài tháng nên không có thì giờ!”
Lê Phương:“Thế giới âm nhạc thật bao la, dòng nhạc hôm nay rất hiện đại,
mỗi ngày đều có cái mới lạ. Em vẫn lanh quanh dòng nhạc cũ chơi để hoài niệm”
Tôi hỏi:“Em sáng tác nhạc và phổ thơ được bao nhiêu
bài và đề tài sáng tác là gì?”
Lê Phương:“Em sáng tác và phổ thơ khoảng 50 ca khúc, gồm những đề tài về
Quê hương, Tình yêu, và Mẹ, nhưng chưa ra CD nào vì tốn kém lắm!
Tôi hỏi:“Em chọn những bài thơ
nào để phổ nhạc?”
Lê Phương:"Về
thơ phổ nhạc em chỉ chọn những bài thơ
có ngôn ngữ hình tượng giàu tính nhạc, và có ý tưởng sâu sắc. Do đó em phổ thơ
không nhiều, khoảng 20 ca khúc của một số ít nhà thơ mà em đọc thơ họ thấy cảm
hứng nhạc, trong đó có 5 bài thơ của anh”
Năm 1990 Nhạc sĩ
Lê Phương phổ tặng tôi hai bài thơ đó là bài Tìm Nhau và bài Bên Em Chiều Mơ, với
bút hiệu Lê Phương và Phạm Đăng Thủy, cả hai bài này tôi in trong thi tập Buồn
Viễn Xứ. Bài Bên Em Chiều Mơ ông đổi tựa là Hổ Thẹn, cả hai ca khúc này được
tôi in trong tập thơ Buồn Viễn Xứ. Bài thơ Bên Em Chiều Mơ tôi viết để nhớ về một
khung trời kỷ niệm của Sài Gòn năm xưa, sở dĩ tôi bằng lòng cho Lê Phương đổi tựa
bài thơ vì ông cho biết khi ra đi đã bỏ lại một cuộc tình là người vợ mới cưới,
người ấy sau đó đã lấy chồng nhưng vẫn dấu ông! Cũng vì lý do đó ông sống độc
thân đến cuối đời, và lấy sự cô đơn làm nguồn cảm hứng sáng tác thơ nhạc. Bài
thơ sau này được hai nhạc sĩ Minh Sơn và Văn Tấn Phước phổ thành ca khúc:
“Ta ngắt hoa cài mái tóc em,
Tìm dư
hương cũ thuở êm đềm.
Gọi mùa xuân đến
ôi xa quá!
Vạt nắng hanh
chiều theo gió lên.
Ta thích xuân về
trong mắt em,
Ngăn ngày tháng
úa rụng bên thềm,
Cho ta dừng bước
chân luân lạc,
Trả gánh phong
trần bên dáng em.
Ta muốn tìm quên
trong mắt em,
Ru đời say đắm nụ
môi mềm,
Buông xuôi dĩ vãng thành mây khói,
Mặc ánh sao trời
đua bóng đêm!
Ta cố tìm vui
trong ý thơ,
Nhặt sầu quăng
xuống đáy mong chờ,
Bỏ rơi ảo mộng
vào quên lãng,
Rồi tự ôm tim
khóc chiều mơ.”
(
Bên Em Chiều Mơ)
Về chủ đề tình
yêu lứa đôi, trong thơ nhạc của Lê Phương là những lời tiếc nuối những kỷ niệm
đẹp của mối tình dang dở nhưng không oán trách. Làm sao lý giải được sự tha thiết
trong tình yêu, dù đó là cuộc tình buồn khiến nhạc sĩ vẫn ôm mãi đến cuối đời!Nhạc sĩ đã rung cảm thơ của những thi nhân nên phổ
thành những ca khúc buồn, Phải chăng để diễn tả nỗi lòng mình cho vơi bớt cô
đơn trong bước đường tha hương. Trong bài thơ Hoài Niệm Thu, Lê Phương gởi tâp
sự mình với người tình xưa ở quê nhà:
“Em là hoa để hồn ta mê mải
Ta chậm mùa níu hoàng hôn đang phai.
Như chiếc lá theo gió bồng xa mãi,
Đông lại gần thu nhạt sắc trên vai.
Nơi bến xưa gợi một thời thương nhớ,
Ta quay về tìm nỗi vắng trong thơ.
Con đường cũ hàng cây xanh lá đổ,
Đời lãng quên em bỗng cũng mơ hồ!
Thu Paris ngày dài như nắng hạ,
Bóng hình đây tình em vẫn mãi xa.
Giọt sương chiều thơm nồng hương cỏ lá,
Sài gòn mưa nắng em sao mặn mà!!”
(Hoài Niệm Thu)
Ông làm thơ
viết nhạc, đạo diễn sân khấu nhưng chỉ nhận mình là người có tâm hồn nghệ sĩ mà
không phải chuyên nghiệp vì sau khi học ra thời gian sống với nghề quá ngắn,
nên chỉ kẻ lãng du độc hành. Ngày còn ở quê nhà tuy còn rất trẻông được các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phú
Quang, Trần Tiến và đạo diễn Đào Bá Sơn thương mến, các nghệ sĩ lúc đó còn
nghèo. Vì gần gũi họ nên dòng nhạc của ông bị ảnh hưởng mỗi người một chút ít. Những
năm gần cuối đời ông mới tìm cho mình một hướng sáng tác riêng, đó là dòng nhạc
của Lê Phương không pha trộn của ai hết.
Nhạc sĩ Lê Phương chơi với bạn rất chân thành
nên khi ông bị bệnh, rất nhiều bằng hữu ở Paris vào nhà thương thăm. Vào những
giờ cuối cùng của đời ông, tôi hỏi:
“Em có muốn
phôn cho cô ấy biết không?”
Lê Phương trả lời:
“Bây giờ em
không còn vấn vương tơ tình, tâm hồn em giờ thanh thản đừng cho cô ấy biết em sắp
mất”.
Tôi hỏi:
“Sau khi em mất muốn để tro cốt ở đây hay
mang về quê nhà?”
Lê Phương:
“Em bỏ nhà đi đã lâu, em muốn tro cốt của
em sẽ dược về an nghỉ nơi quê nhà.”
Tôi nói:
“Anh sẽ nhờ bạn em mang tro cốt em vềquê hương.”
Lê Phương:
“Em xin gởi lại anh tất cả những sáng tác
của em, anh muốn làm gì cũng được.”
Tôi hỏi:
“ Em có cần sửa chữa lại ca từ hay nốt nhạc
nào không?”
Lê Phương:
“Nhạc thì anh để nguyên không được sửa nốt,
riêng ca từ ngôn ngữ đôi khi mộc mạc, do em viết trong những lúc cô đơn và buồn
quá nên viết quẩn, anh tìm những từ đồng nghĩa đẹp hơn thay cho em.”
Tôi đem tất cả những bản nhạc và tập bản thảo thơ của Lê Phương về cất và
nhờ các bạn chép lại, sau đó nhờ nhạc sĩ làm hòa âm và ca sĩ hát.
Tình yêu quả là một đề tài muôn thuở không bao giờ dứt. Từ thuở xa xưa trong
văn học Việt Nam truyện Kiều của Đại Thi hào Nguyễn Du đã viết:
“Nợ tình biết
trả cho ai,
khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan”
Ngày nhạc
sĩ Lê Phương lìa cõi đời, bằng hữu đến tiễn đưa ông rất đông. Nghe nói người
đàn bà đó ở Sài Gòn dù đã có chồng khác nhưng vẫn để tang, dẫu cho không trọn
tình thì cũng còn nghĩa. Hoàn cảnh đã chia cắt họ ngàn trùng, hay duyên nợ cũng chỉ là hợp rồi tan. Làm sao hiểu thấu được
tình yêu? Xin gởi tấm lòng tiễn nhạc sĩ Lê Phương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét