Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2024

Nhà Thơ DU TỬ LÊ - Ở CHỖ NHÂN GIAN KHÔNG THỂ HIỂU - Đỗ Bình


Trong làng văn học nghệ thuật không có một tác giả nào nào mà không muốn ra mắt tác phẩm của mình trước công chúng. Người ta ví Paris là thủ đô ánh sáng, «cái nôi của tri thức», là vùng đất của kiến thức và văn hóa bởi nơi đây đã sản sinh ra nhiều nhà khoa học, nhà triết học, nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ nổi tiếng thế giới. Những thành tựu của họ đã góp phần to lớn vào sự phát triển của nhân loại. Do đó một tác phẩm được đón nhận ở nơi đây sẽ là bệ phóng cho tác phẩm lan đó lan toả đi khắp nơi.
<!>
Có lẽ trong giới văn sĩ việt Nam ở hải ngoại từ trước đến nay đã từng sang Paris để giới thiệu tác phẩm, thì nhà thơ Du Tử Lê là người tự tin nhất về sự nghiệp văn thơ của mình có nhiều sáng tạo mới lạ. Phải chăng niềm kiêu hãnh đó bắt nguồn từ thơ của ông được dịch ra nhiều ngoại ngữ, đồng thời được giới thiệu ở một vài đại học, hay là do bức tượng tạc hình ông bởi người yêu thơ ông làm tặng?

Khoa học ngày nay tiến bộ vượt bực con người đã khám phá ra những hành tinh mới trong vũ trụ, hay những mạng không gian ảo của điện toán… thì tính lãng mạn của con người cũng bớt đi. Ở lãnh vực văn học nghệ thuật nhiều loại hình thể bị ảnh hưởng nên thay đổi chuyển hình, do đó hơ hôm nay hiếm chất mượt mà nhẹ nhàng làm đẹp ngôn ngữ. Trong thế giới vật chất con người đã được hưởng quá nhiều thứ giải trí nên Thơ ngày càng ít người đọc, và Nhà thơ cũng ít được xã hội trân trọng như ngày xưa! Thơ là bộ môn nghệ thuật của Lời nên rất kén người đọc, đòi hỏi người thưởng lãm phải đồng điệu với thi nhân để cảm nhận cái hay, cái đẹp về ý nghĩa thâm sâu của thơ qua ngôn ngữ, vì mỗi nhà thơ là một con đường sáng tạo. Từ xa xưa khi xã hội Việt chưa có chữ viết thì thơ đã có trong đời sống hàng ngày qua những bài ca dao, tục ngữ, điệu hát dân gian, câu hò, câu vè, thơ được đưa vào trong các kỳ thi cử để tuyển chọn người có tri thức, giỏi chữ nghĩa. Trong làng thi ca của Việt Nam, trước năm 1975 người làm thơ tuy không nhiều nhưng vườn thơ nở rộ sắc màu, thi sĩ thời đó rất được xã hội trân trọng vì đã tạo cho mình một chỗ đứng riêng trong làng thơ qua nét thơ đặc thù, và phong cách sống. Sau biến cố năm 1975 trong những đoàn người ồ ạt bỏ nước ra đi tìm tự do có cả thi sĩ Du Tử Lê. Nhà thơ Du Tử Lê tên thật là Lê Cự Phách. Ông sinh năm 1942 tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, Bắc Việt. 1954 di cư vào Nam cùng với gia đình và theo học trường Trần Lục, trường Chu Văn An, sau cùng là Đại học Văn Khoa. Ông làm thơ từ rất sớm, khi đang còn học tại trường tiểu học Hàng Vôi tại Hà Nội. Sau khi di cư vào Sài Gòn, Du Tử Lê bắt đầu sáng tác nhiều tác phẩm dưới nhiều bút hiệu khác nhau. Bút hiệu Du Tử Lê được dùng chính thức lần đầu tiên vào năm 1958 cho bài "Bến Tâm Hồn", đăng trên tạp chí Mai. Ông cho biết về bút hiệu này lấy từ ý nghĩa bài Đường Thi: Du Tử Ngâm (Khúc ngâm của đứa con đi xa) của Mạnh Giao.

Du Tử Ngâm
Từ mẫu thủ trung tuyến,
Du tử thân thượng y.
Lâm hành mật mật phùng,
Ý khủng trì trì quy.
Thuỳ ngôn thốn thảo tâm,
Báo đắc tam xuân huy.

Bản dịch của Trần Trọng San

“Mẹ hiền sợi chỉ cầm tay
Khâu lên tấm áo trước ngày con đi
Đường kim khăng khít chinh y
Sợ con chậm trễ không về lại ngay
Ai rằng tấc cỏ lòng này
Mà đền đáp nỗi ánh trời ba xuân?”

Nói về người con đi xa còn có ca khúc vang bóng thời kháng chiến: “Lời Du Tử“sáng tác của Nguyễn Đình Phúc, người nhạc sĩ phổ Thơ đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam. Ca khúc Lời Du Tử do danh ca Tài tử Ngọc Bảo trình bày ở Hà Nội nước năm 1954 đã làm say đắm bao lòng người.
Lời Du Tử
“Chiều nay biết về nơi đâu,
Dừng chân ta ngắm cảnh bao la sầu.
Ai đi trong lớp sương sa,
Người về đâu tá, tới nơi quê nhà.
Dừng nơi đây, dừng nơi đây,
Ðường dài chí lớn, ta dừng nơi đây.
Trông mây bay, trông mây bay về nơi quê nhà,
Ta buồn chỉ có mình ta.
Sáo vi vu u ù u, khúc nhạc du,
Ðàn ai xa vắng khóc than mùa thu.
Trông hoa lá rụng tơi bời,
Trong lòng người nghệ sĩ lệ rơi rơi.
Từ ra đi, bước lưu ly,
Ðường chông gai đâu sờn chí nam nhi.
Mà nay lòng nhớ quê hương,
Trong chiều sương sa để lệ sầu vương.
Không, không, ta quyết đi xa,
Có đâu ngồi nhớ tới nơi quê nhà.”

Nhà thơ Du Tử Lê tính rất nghệ sĩ, cởi mở, thích hội hè giao du với bằng hữu không phân biệt xuất thân là ai. Ông là cựu sĩ quan thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và có một thời từng là phóng viên chiến trường. Ông là thư ký tòa soạn cuối cùng của nguyệt san Tiền phong (một tạp chí của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và là giáo sư dạy giờ cho một số trường trung học Sài Gòn. Năm 1973 tại Sài Gòn nhà thơ Du Tử Lê được trao Giải thưởng Văn chương Toàn quốc, bộ môn Thơ với tác phẩm Thơ tình Du Tử Lê 1967-1972. Ông di tản sang Hoa Kỳ năm 1975 ở miền Nam California tiếp tục nghề viết báo, và từng là chủ nhiệm các báo Việt ngữ Nhân Chứng, Tay Phải, và Văn nghệ ở Hoa Kỳ. Ông đã xuất bản 77 tác phẩm đủ thể loại. Ông là nhà thơ châu Á duy nhất được phỏng vấn và có thơ đăng trên hai nhật báo lớn của Hoa Kỳ: Los Angeles Times (1983) và New York Times(1996. Thơ ông cũng đã và đang được đưa vào giảng dạy, làm tài liệu nghiên cứu, đọc thêm tại tại một số trường đại học Hoa Kỳ và châu Âu. Năm 1998, nhà xuất bản W. W. Norton, New York đã chọn Du Tử Lê vào một trong năm tác giả Việt Nam để in vào phần "Thế kỷ 20: thi ca Việt Nam" khi tái bản tuyển tập World Poetry An Anthology of Verse From Antiquity to Our Present Time (Tuyển tập Thi ca thế giới từ xưa đến nay). Trong cuốn Understanding Vietnam, tác giả, giáo sư Neil L. Jamieson đã chọn dịch một bài thơ của Dư Tử Lê viết từ năm 1964. Cuốn sách này sau trở thành tài liệu giáo khoa, dùng để giảng dạy tại các đại học Berkeley, UCLA, và Cambridge, London.

Trước năm 1975 dù nhà thơ Du Tử Lê được giải văn chương toàn quốc nhưng chỉ trong giới mộ điệu thơ biết đến, còn đại chúng biết đến ông qua bài thơ Trên Ngọn Tình Sâu mà ông làm tặng cho người yêu Huyền Châu, được nhạc sĩ Từ Công Phụng phổ thành ca khúc phát hành trên băng nhạc và đài phát thanh. Sau này ra hải ngoại tên tuổi Du Tử Lê càng được phổ biến rộng đến công chúng nhờ những tờ báo, tạp chí ông làm chủ biên và cộng tác, trong đó có nhiều lần ông gây xôn xao trên làng báo vì những bài tranh luận sôi nổi. Người ta biết đến nhà thơ Du Tử Lê nhiều vì ông thường đi đây đó diễn thuyết về văn học, cũng như xuất hiện ở đài truyền thanh, truyền hình trả lời phỏng vấn. Nhưng có lẽ nhờ những ca khúc hay, phổ thơ của ông được phổ biến rộng rãi khắp nơi nên đã rung cảm bao tâm hồn công chúng.

Những nhạc sĩ đã phổ thơ Du Tử Lê:
Phạm Đình Chương: “Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn”, “Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển”, “Quê Hương Là Người Đó”, Trần Duy Đức:“Chỉ Nhớ Người Thôi Đủ Hết Đời”, “Em Hiểu Vì Đâu Chim Gọi Nhau”, Nguyên Bích: “Hiến Chương Yêu”, Đăng Khánh : “K. Khúc của Lê”, Anh Bằng: “Khúc Thụy Du”, Phạm Duy: “Kiếp Sau Xin Giữ Lại Đời Cho Nhau”, Hoàng Quốc Bảo: “Người Về Như Bụi”, Nguyễn Hiền “Tiếng Hát Ru Tôi”; Phan Nguyên Anh ”Thu Hồng” ; Ngô Anh Quang ”Một Lần Anh Qua Đây” ; Vũ Thành An ”Người Buồn Tháng Chạp”…

Nhà thơ Du Tử Lê theo khuynh hướng Thơ Mới thể thơ xuất hiện ở đầu thế kỷ trước. Ông thích làm mới thơ văn nên đã cắt vụn câu, ngắt chữ, sử dụng những dấu chấm, dấu phẩy theo ý mình mà không theo nguyên tắc nào nên bị cho là thơ lập dị! Vì muốn tìm con đường riêng để đi nên ngôn ngữ trong thơ của Du Tử Lê rất lạ, có những câu chữ rất mộc mạc, trong sáng dễ hiểu lại đan xen những câu chữ rất khó hiểu rối mù để tạo dáng mới lạ, bí hiểm, nhưng ý nghĩa con chữ mang chất triết học qua hình ảnh nửa hiện thực, nửa hư cấu. Cõi bồng bềnh đó đã diễn tả cái sâu lắng của tình yêu, hạnh phúc và nỗi chết:

Xác Định

“Hạnh phúc chỉ là lời xúi gạt
Buồn em ép tím đóa linh lan
Chân trời đã khép .Thôi đừng hỏi
Ai xác ve khô đợi trả hồn”

6-91

Trước năm 1975 thơ của ông ít nói về những thân phận con người trong chiến tranh; một cuộc chiến đã thiêu hủy bao nhà của, cướp đi bao sinh mạng, mầm sống con người. Đó là nỗi kinh hoàng của mọi người mà chẳng cần đến một tâm hồn nghệ sĩ mới thốt lên lời ai oán về sự hủy diệt của nó. Cổ nhân có câu: “dân vi qúy xã tắc tứ chi.” Ngoại trừ những kẻ chủ chiến cố tình phát động chiến tranh, xem sinh mạng con người như cỏ rác để đạt chiến thắng, còn những người yêu hòa bình thì rất quý trọng sinh mạng con người. Nhưng khi hai bên đang chiến đấu mà chỉ một bên muốn ngưng chiến vì nhân danh hòa bình thì phải chăng trong ý muốn đó có chút phản chiến, buông bỏ!? Sự ngưng chiến chỉ một bên sẽ làm lợi cho phía bên kia lợi dụng làm mất tinh thần đối phương để xâm chiếm ? Trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt đó có nhiều ca khúc rất hay thấm đẫm tình ngườiđã diễn tả về người lính nhớ nhà, nhớ người yêu, về sự mong ước hòa bình nhưng không bị cho là phản chiến vì người lính Việt Nam Cộng Hòa bản chất rất nhân bản không thích chiến tranh. Họ chiến đấu chỉ làm bổn phận bảo vệ tự do quê hương mang sự yên lành cho xóm làng, dân chúng. Nhà thơ Du tử Lê lúc đó là một sĩ quan thuộc ngành Tâm Lý Chiến nhưng tâm hồn lại đa cảm của một thi nhân nên đã viết bài thơ tình Khúc Thụy Du hơn 100 câu để diễn tả về tình yêu lứa đôi ẩn chứa sự trắc trở về mối tình của mình, trong đó có thân phận con người trong chiến tranh. Nhưng rất tiếc bài thơ bị kiểm duyệt cắt xén những dấu vết chiến tranh chỉ còn lại bài thơ tình mà bản thảo cũng bị thất lạc! Chẳng ai biết được những câu thơ bị bị xóa bỏ có mang tính phản chiến hay không? Nhưng chắc chắn một sĩ quan tâm Lý Chiến không thể viết một bài thơ mang tính trung dung, lại diễn tả quá hiện thực về những hình ảnh ghê rợn chiến tranh trước sự mất còn, giữa cái sống và cái chết của người lính trong chiến trận. Số phận bài thơ Khúc Thụy Du cũng có lúc chìm nổi, bị lãng quên suốt một thời gian dài hơn mười lăm năm đến khi được phổ thành ca khúc nó mới chắp cánh bay vào tâm hồn công chúng. Bài thơ nói về tình yêu và thân phận con người được nhạc sĩ Anh Bằng chọn lọc sắp xếp lại câu thơ phổ thành ca khúc trữ tình tuyệt vời.

Du Tử Lê đa tài và cũng rất đa tình, bài thơ Khúc Thụy Du là chữ ghép của chữ lót "Thụy" của người ông yêu với chữ "Du" tên bút danh của mình. Thụy Châu là tên thật của cô sinh viên ngành Dược, con của một gia đình rất giàu ở Sài Gòn và có quốc tịch Pháp mà Du Tử Lê yêu say đắm và đang theo đuổi. Thuở ấy Du Tử Lê đã nổi tiếng là tài hoa, tặng phẩm tình cao quý nhất của ông là những bài thơ làm tặng người yêu mà sau đó đã trở thành vợ và mẹ các con của ông. Bài thơ ngân lên giai điệu buồn, cuộc tình tưởng là trăm năm nhưng ra hải ngoại hạnh phúc không tròn tất cả chỉ còn lại kỷ niệm trong lời thơ giai điệu!:

“như con chim bói cá
trên cọc nhọn trăm năm
tôi tìm đời đánh mất
trong vũng nước cuộc đời
như con chim bói cá
tôi thường ngừng cánh bay
ngước nhìn lên huyệt lộ
bầy quạ rỉa xác người
(của tươi đời nhượng lại)
bữa ăn nào ngon hơn
làm sao tôi nói được
vì sao mình yêu nhau
vì sao môi anh nóng
vì sao tay anh lạnh
vì sao thân anh rung
vì sao chân không vững
vì sao anh van em...
Thụy ơi và Thụy ơi
không còn gì có nghĩa
ngoài tình anh tình em
đã ướt đầm thân thể”

Ở hải ngoại, thơ của Du Tử Lê thường viết về tình yêu và thân phận người tha hương. So với những người bạn cùng thế hệ thì ông là người may mắn hơn các bạn vì đã đi thoát khỏi quê hương khi Miền Nam ở trong những năm khốn khó nhất nên không bị tù đày! Nhà thơ Du Tử Lê thiên về thơ tình và không phải là ngòi bút tranh đấu cho tự do quê hương, nên thơ của ông không có chất hào khí ngút trời, không có hận thù, không có nỗi buồn sâu thẳm của ngục tù! Thơ ông chỉ là mật ngọt của tình yêu vừa là trái đắng của hạnh phúc đượm chút triết lý nhân sinh. Dù nói về tình yêu lứa đôi, tình vợ chồng, tình mẹ, hay về thân phận của người tha hương thì trong ngôn ngữ đó đều có những hình ảnh trừu tượng phảng phất từ những triết lý của tôn giáo. Những con chữ rời, chữ ghép nhau, hay những dấu chấm, dấu phẩy trong câu thơ được sử dụng như những khúc nhịp chỏi, làm đổi cấu trúc, cách xếp nhịp của câu thơ lục bát:

“Phố cao,
gió nổi,
bóng mờ
(nhịp 2/2/2)
Đêm lu,
trời nặng,
tôi gù lưng,
đi
(nhịp 2/2/3/1)

Mặc dù nhà thơ có cố gắng tìm tòi làm mới một số điều trong thơ, nhưng có những câu thơ vẫn trở nên bí hiểm khó hiểu mà chỉ có tác giả mới giải thích được:

Hoại Thai

“Chỗ ngồi. trí nhớ. đi lui
Bàn tay.tháng sáu. Xương tôi. Thịt người
Đêm về chậm máu trên mộ
Cây bông giấy cũng hoại thai vì lầm.”

Vì muốn làm mới thơ, nhà thơ đã dùng những dấu nối trong điện toán để diễn tả ý thơ nhưng sợ người đời không hiểu nên đã than: “Ở chỗ nhân gian không thể hiểu!”. Có lẽ thế, cái gạch nối ấy vẫn làm giới mộ điệu thơ của ông ngỡ ngàng vì chưa quen! ‘Có mưa tôi’: là mưa thế nào? ‘ tôi cũ ‘: Phải chăng là tôi đã mất cái quê hương ngày xưa? Ở đây dấu gạch nối chỉ có nhà thơ mới hiểu được ý ông muốn nói!

Cuộc đời sinh tử, hợp tan là lẽ vô thường, nhưng nói về cái chết dù chưa ai trải qua, tùy theo hoàn cảnh, tâm trạng mỗi người cảm nghĩ mà diễn tả một cách riêng. Federico Garcia Lorca (1898-1936) người Tây Ban Nha là một nghệ sĩ đa tài. Ông là nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ dương cầm, nhà soạn nhạc rất nổi tiếng thế giới. Federico Garcia Lorca cả đời yêu nghệ thuật đã viết Bài thơ diễn tả cái chết nhưng nói về nghệ thuật, ông sợ khi chết chiếc đàn ghita của mình ở lại sẽ cô đơn và bị thời gian làm lệch phím trùng dây nên viết bài thơ nhắn lại bằng hữu :

GHI NHỚ

“Khi tôi chết
chớ chôn tôi với cây đàn ghita
dưới cát
Khi tôi chết giữa hàng cam
cụm húng.
Khi tôi chết
hãy chôn tôi nếu các anh em muốn
Khi tôi chết !”
(Đan Tâm dịch)

Cùng nghĩ về cái chết, nhà thơ Du Tử Lê không nghĩ đến nghệ thuật mà nghĩ về con người trong đó có các con của ông và quê hương. Đây là hai thực thể đáng quý nhất trên đời. Phải chăng sự cao quý nhất của nghệ thuật cũng nhằm phục vụ con người ? Nhà thơ đã xót xa khi diễn tả về thân phận của mình và của những người đồng cảnh trên bước đường ly hương. Bài thơ là một nỗi niềm về thân phận con người tha hương chết nơi đất khách quê người..

Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển

“Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đời lưu vong không cả một ngôi mồ
vùi đất lạ thịt xương e khó rã
hồn không đi sao trở lại quê nhà

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
bên kia biển là quê hương tôi đó
rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi
cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối
biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi
những năm trước bao người ngon miệng cá
thì sá gì thêm một xác cong queo
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
cho tôi về gặp lại các con tôi
cho tôi về nhìn thấy lệ chúng rơi
từ những mắt đã buồn hơn bóng tối
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và trên đường hãy nhớ hát quốc ca
ôi lâu quá không còn ai hát nữa
(bài hát giờ cũng như một hồn ma)
Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn.”

12-77

Du Tử Lê là người rất đa tài, rất trọng tình bằng hữu. Ông có kiến thức sâu rộng về văn học nghệ thuật nên thường viết những bài nhận định về tác phẩm và tác giả của bằng hữu, bài viết mang tính giới thiệu hơn phân tích phê bình văn học nghệ thuật. Khi tuổi xế chiều ông bước qua lãnh vực hội họa để sống với thế giới tạo hình mà ông am tường khi còn trẻ và đã từng triển lãm tranh. Ông là nhà thơ có nhiều tác phẩm được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, và cũng là một nhà thơ bị những lời khen tiếng chê làm choáng váng, ảnh hưởng đến tâm hồn sáng tác của ông. Nếu bảo là Thơ là người thì qua con chữ hư thực mấy ai có thể hiểu hết được những gì sâu kín trong tâm hồn nhà thơ ? Ở chỗ nhân gian không thể hiểu phải chăng vẫn là một ẩn số về con người và tác phẩm Du Tử Lê?

«Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
Đôi mắt người hồ như biển đông
Có mưa -tôi-cũ về ngang đó
Tự buổi thiên đàng chưa lập xong..”

Vào ngày 18.11.1989 năm xưa chúng tôi tổ chức tại nhà hàng Hoàng Gia để chào đón thi sĩ Du Tử Lê từ Hoa kỳ sang Paris ra mắt tác phẩm mới : Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu. Hôm đó quy tụ rất đông văn nghệ sĩ và giới mộ điệu thơ, tôi đã giới thiệu tác giả và diễn ngâm một số bài thơ tiêu biểu của ông.
Mỗi lần nhà thơ Du Tử Lê sang Paris bằng hữu văn nghệ sĩ lại họp mặt, tôi lại được dịp ngâm thơ của ông cho công chúng yêu thơ ông ở Paris nghe qua những thi tập: Đi Với Về Một Nghĩa Như Nhau, Chỉ Như Mặt Khác Tấm Soi Gương…Bẵng đi 10 năm ông không sang Paris ; vào năm 1999, lần này thi sĩ Du Tử Lê trở lại Paris cùng nhạc sĩ Từ Công Phụng, nhạc sĩ Vũ Thành An, đây là những khuôn mặt nổi tiếng trong giới văn nghệ của Sài Gòn thuở nào. Paris chiều ngày đó có nắng vàng lóng lánh như thấp thoáng khung trời Sài Gòn trìu mến năm xưa. Nhà thơ Du Tử Lê gặp tôi tặng mấy tập thơ và nhờ đọc hộ mấy bài thơ. Ông cho biết sẽ nói về Sự Cách Tân Thơ Lục Bát mà ông mới sáng tạo đã lâu, và hỏi tôi về khuynh hướng sáng tác của các nhà thơ ở Paris.

Tôi nói:”Nhà nghiên cứu Hán Nôm kiêm dịch giả Phạm Xuân Hy không cho anh biết giới sinh hoạt văn hóa ở Paris sao?”
Du Tử Lê: “Tôi ở nhà ông ấy nhưng ông có nói gì đâu, anh em chỉ nói toàn chuyện xưa.”

Tôi cho biết: “Anh Bạch Phát Tú Tài là một khuôn mặt nổi tiếng trong giới văn hóa ở Paris, anh ấy tế nhị nên không muốn nhắc anh. Khách mời tham dự hôm nay rất đông, là thành phần trong giới văn hóa được chọn lọc, trong đó có một số người trong Hội Ba Lê Thi Xã, các thi sĩ cao niên đó họ thiên về Thơ Đường luật nên rất bảo thủ. Anh nên giới thiệu những nét chính đã sáng tạo về thơ lục bát của anh, lướt qua những phần kỹ thuật trong bài nói chuyện để tránh bị đặt những câu hỏi phải trả lời làm lấn thời gian của chương trình người khác! Tôi sẽ đọc vài bài thơ đắc ý của anh.”

Ông nói: “Luật thơ là do con người đặt ra, nghĩa là con người có thể thay đổi hay bổ khuyết, hầu phù hợp với thời đại mình, Vâng, tôi chỉ nói phần Ngắt Nhịp trong câu Văn, Thơ.”
Từ ngàn xưa cho đến nay, thời gian có thể làm thay đổi mọi sự vật ở trên đời, và Văn học hay các loại hình nghệ thuật khác cũng thế, đã có nhiều sự thay đổi từ kỹ thuật đến hình thức. Nhà thơ Du Tử Lê qua Paris lần này là muốn thuyết phục những người yêu thơ và làm thơ ở Paris về những sáng tạo đổi mới thi văn của ông. Nhưng con đường nghệ thuật thì mênh mông nên ông không gặp người đồng điệu! Phải chăng nhà thơ đã biết khó tìm được tri kỷ, nên đã làm câu thơ để đời: «Ở chỗ nhân gian không thể hiểu ?»
Có lẽ một trong những bài thơ của Du Tử Lê gây xôn xao nhất ở hải ngoại và bị phát tán rộng rãi trên internet là bài: Ai Nhớ Ngàn Năm Một Ngón Tay, bị sửa lời mang ý nghĩa chính trị. Theo nhà thơ Du Tử Lê xác định gởi cho bằng hữu và phổ biến trên mạng đó là một bài thơ tình thuần túy. Bài thơ đầy cảm xúc, ngôn ngữ thơ rất hình tượng, sử dụng con chữ mờ ảo nửa hư nửa thực, ý mênh mông khiến người đọc nhiều lối suy tưởng! Tình yêu là cõi vô tận làm sao hiểu được hết những gì sâu thẳm từ đáy tâm hồn? Có lẽ ở trên đời tình yêu là đề tài bất tận tốn nhiều giấy mực nhất, nhưng khi nói đến chuyện tình ngàn năm thì chỉ có những chuyện liên quan đến lịch sử như Bà Trưng Trắc Ông Thi Sách, Hòn Vọng Phu, Thiếu Phụ Nam Xương..vv.. Còn những chuyện tình lứa đôi trai gái khác thì không có giá trị quá trăm năm. Nếu thi sĩ Hàn Mặc Tử không bị bệnh phong cùi trong lúc ông đang thiết tha cuộc sống lại bị chết trẻ, thì chuyện tình Hàn Mặc Mộng Cầm chắc gì đã còn đến hôm nay ? Nói đến tình yêu ngàn năm là văn chương thẩm xưng, tán tỉnh. Du Tử Lê là một thi sĩ nên ông ca ngợi tình yêu lứa đôi tuyệt đối là lẽ đương nhiên. Bài thơ: Ai Nhớ Ngàn Năm Một Ngón Tay, tựa bài là một câu thơ thi sĩ dùng ẩn dụ để nhớ về một con người, một kỷ niệm mong sẽ tồn lưu một ngàn năm nhưng đó chỉ là ảo mộng!

Bài thơ tình như cơn mộng du khiến thi sĩ say đắm quên cả ngày tháng, vô tình quên luôn những kỷ niệm buồn quê hương và thân phận ly hương vào tháng tư năm nào. Dù thời gian đã dần trôi mấy thế hệ, nhưng chuyện tháng tư năm xưa vẫn chưa phai! Nhà thơ nhắc đến ngày tháng tư vào trong văn thơ làm sao không gây xôn xao, nhất là người thi sĩ đó có thời khoác áo lính. Vô tình hay cố ý nhà thơ chọn ngày tháng tư sẽ khơi gợi những đau buồn của muôn kẻ khác. Vì khi chọn tháng tư mặc nhiên đã có ý niệm chính trị vì ngày đó vẫn còn những kẻ ở trong nước vui mừng tổ chức ngày chiến thắng và những người ở hải ngoại tổ chức ngày quốc hận!.

Thời gian bao giờ cũng vô tình và lặng lẽ trôi, trăm năm nữa thi sĩ và những bài thơ biết sẽ còn ai nhớ đến?!

Ai Nhớ Ngàn Năm Một Ngón Tay
(gửi Nam Hải)

tháng tư tôi đen rừng chưa khóc
mưa vẫn chờ tôi ở cuối khuya
có môi chưa nói lời gian dối
và mắt chưa buồn như mộ bia

tháng tư nao nức chiều quên tắt
chim bảo cây, cành hãy lắng nghe
bước chân ai dưới tàng phong úa
mà tiếng giầy rơi như suối reo

tháng tư khao khát, đêm vô tận
tôi với người riêng một góc trời
làm sao em biết trăng không lạnh
và cánh chim nào không bỏ tôi?

tháng tư hư ảo người đâu biết
cảnh tượng hồn tôi : một khán đài
với bao chiêng, trống, bao cờ xí
tôi đón em về tự biển khơi

tháng tư xe ngựa về ngang phố
đôi mắt nào treo mỗi góc đường
đêm ai tóc phủ mềm nhung lụa
tôi với người chung một bến sông

tháng tư nắng ủ hoa công chúa
riêng đóa hoàng lan trong mắt tôi
làm sao em biết khi xa bạn
tôi cũng như chiều: tôi mồ côi?

tháng tư chăn, gối nồng son, phấn
đêm với ngày trong một tấm gương
thịt xương đã trộn, như sông núi
tôi với người, ai mang vết thương?

tháng tư rồi sẽ không ai nhớ
rừng sẽ vì tôi nức nở hoài
mắt ai rồi sẽ như bia mộ
ngựa có về qua cũng thiếu đôi!

tháng tư người nhắc làm chi nữa
cảnh tượng hồn tôi đã miếu thờ
trống, chiêng, cờ xí như cơn mộng
mưa đã chờ tôi. mưa...đã...mưa

mai kia sống với vầng trăng ấy
người có còn thương một bóng cây?
góc phố đèn treo đôi mắt bão
ai nhớ ngàn năm một ngón tay?

New Orleans 1-5-84

Vì lòng say mê sáng tạo những cái mới, độc đáo trong văn học, nhà thơ lại thích phổ biến những điều mình khám phá nên ông đã trở về quê hương, hy vọng nơi đông người ở quê nhà sẽ có những tâm hồn đồng điệu sẽ hiểu được những sáng tạo mới lạ của ông, nhưng khi trở ra hải ngoại ông vẫn cô đơn và trở nên thầm lặng, chỉ vui với gia đình.
Kể từ ngày nhà thơ Du Tử Lê nói chuyện văn học ở Paris vào hè năm 1999, gần 10 năm sau nhà thơ cùng phu nhân Lê Tuyền trở sang thăm Paris, ông muốn tôi tổ chức giúp buổi họp mặt văn nghệ sĩ, nhưng rất tiếc thời gian đó tôi không có mặt ở Paris nên đã không giúp được ông!

“Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
Tôi biết người mang một nỗi buồn
Biết ta cuối kiếp tim còn lạnh
Cùng nỗi sầu bay đầy hư không
Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
Tôi xin người sớm phục sinh tôi”
17-7-85

Thơ Du Tử Lê gieo vào tâm hồn người đọc một cảm giác lâng lâng đầy suy tư, ông được xem như nhà thơ Tình do cả đời đắm đuối hệ lụy vì thơ. Những câu thơ trăn trở đầy ẩn dụ làm thổn thức lòng người một thời rồi cũng bay theo thời gian về cõi mộng. Du Tử Lê viết: «Ở chỗ nhân gian không thể hiểu” phải chăng là sự hoài nghi rằng người đời không hiểu mình, hay là nhà thơ tự hỏi lòng mình về Con người, Tình yêu, Hạnh phúc và Cõi chết? Thi sĩ Du Tử Lê đã về cõi vĩnh hằng ngày 7 tháng 10 năm 2019 tại Cali, giã từ kiếp nhân gian nhưng hồn thơ vẫn lưu lại. Người nghệ sĩ tài hoa đa cảm đó trên con đường văn học nghệ thuật đã để lại cho đời những bông hoa thơm cỏ lạ muôn sắc.

Đỗ Bình
Paris 29 tháng 10 năm 2019
—--

Thơ Du Tử Lê
Garden Grove, ngày 7 tháng 1-2015,

Nhiều ngày qua, do tư thù cá nhân hay vì mục đích đen tối nào khác, một kẻ gian đã xuyên tạc, sửa một số câu trong bài “Ai nhớ ngàn năm một ngón tay, của chúng tôi, sau đó phát tán trên một số diễn đàn internet.

Cá nhân chúng tôi không chủ trương đính chính. Vì tự thân những câu thơ bị sửa, quá ngây ngô, ngớ ngẩn trong ngữ-cảnh của một bài thơ tình thuần túy.

Nhưng nay, thể theo yêu cầu của quá nhiều độc giả, thân hữu, chúng tôi xin minh xác:
- Bài thơ tựa đề “Ai nhớ ngàn năm một ngón tay” của chúng tôi, viết từ ngày 1 tháng 5 năm 1984, tại New Orleans, đề tặng LM Nam Hải, khi đó ông còn là một chủng sinh.
- Bài thơ sau ấy, đã được in trong cuốn “Thơ Tình / Love Poems” ấn bản lần thứ nhất, trang 180, do Tủ sách Văn Học Nhân Chứng, California, XB tháng 9-1984.
- Thi phẩm được tái bản nhiều lần. Ở bản in lần thứ 4, bài thơ, được in nơi trang 187, do Tủ Sách Văn Học Nhân Chứng, California, XB tháng 10 năm 1996.
- Kèm theo đây, chúng tôi copy nguyên bản bài thơ đã được phổ biến trên website dutule.com, ngày 26 tháng 4- 2010.

Trân trọng cám ơn quý bạn đọc, thân hữu đã quan tâm, có lời thăm hỏi.

Du Tử Lê.
**********************************

Thưa Qúy Thày Qúy Anh Chị

Thể theo lời của một số anh chị muốn tôi kể tiếp một số chuyện văn học ở Paris. Trước tiên tôi lướt qua chuyến du xuân qua Đức gồm họa sĩ, nhà biên khảo Nguyễn Đức Tăng, cựu thẩm phán Đoàn Trần Thiều, Bs Nguyễn Bá Linh, phòng Liên Đới Xã Hội, nhóm FAVIC, và tôi được mời sang thành phố Koln nước Đức để dự Tết Giáp Thìn. Chương trình hội tết Giáp Thìn rất đặc sắc phải viết bài tường huật dài mới đủ. Nơi đây đãcó nhiều ký giả làm công việc này.

Qua Đức chúng tôi gặp lại những người bạn cũ như Ông Nguyễn Hữu Dõng (trưởng ban tổ chức) tuổi đã cao. Tôi gặp Ks Đào Văn Bật, Ks Nguyễn Văn Rị chủ tịch Cộng Đồng địa phương, người đã tích cực cùng Bs Trần Văn Tích tổ chức một đại hội người việt tị nạn ở Đức trong thành phố này cách nay nhiều năm. Ngày ấy chúng tôi được mời sang Đúc tham dự. Ông Bà giáo sư Nguyễn Xuân Vinh từ Hoa Kỳ sang Pháp cùng chúng tôi đi dự đại hội. Chiều nay trong khán phòng rộng lớn và đông người tôi cảm thấy tâm hồn mình cô đơn, thoáng buồn vì thiếu vắng hình ảnh của vị giáo sư khả kính. Những kỷ niệm cũ bỗng hiện về, cũng tại nhà gare thành phố này trong lúc chờ nhà hàng giáo sư Vinh khoác vai tôi đi quanh cả giờ để nói những lời tâm tình về quê hương, về văn học. Tôi là thế hệ học trò của ông và hân hạnh được ông xem là một bạn văn. Nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh ở trong nhóm Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn, và là một trong những cây bút chủ lực của tạp chí văn học Nguồn, mà tôi nằm trong ban biên tập. Ngày trước khi tôi sang San Jose nói chuyện văn học được giáo Nguyễn Xuân Vinh mời về nhà riêng cùng với nhà văn Song Nhị, nhà văn Nguyễn Thùy. Bà Nguyễn Xuân Vinh rất hân thiện còn gọi điện thoại cho người em trai là nhà thơ Cung Trầm Tưởng ở Ohaio để tôi nói chyện. Anh Cung Trầm Tưởng là đàn anh của tôi trên văn đàn, ngày anh sang Paris ra mắt sách, chúng tôi đã tổ chức cho anh rất thành công.
Trong khán phòng đông người đêm hội tết, chúng tôi chia nhau di tìm bác sĩ, học giả Trần Văn Tích hy vọng gặp ông, tôi không quên ông đã giới thiệu một số giáo sư, học giả ở hải ngoại để tôi liên lạc mời vào cuốn Những Khuôn Mặt Văn Hóa VN Hải Ngoại.
Điều làm cho chúng tôi vui hôm đó là nhìn thấy lớp trẻ hàng trăm người, từ 3 tuổi đến dưới 50 tham dự. Đây tượng trưng cho mùa xuân, mùa hoa lá nẩy mầm xanh tươi trên những hàng cây rét mướt trụi lá suốt một mùa đông. Lớp trẻ trên sân khấu với những bài võ cổ truyền, những chiếc áo dài nhẹ nhàng thươc tha như đàn bướm trình diễn những bài dân ca. Đặc biệt nhóm Favic toàn là người ngoại quốc gồm nhiều quốc tịch, họ yêu văn hóa Việt Nam nên đã bỏ nhiều thì giờ để tập hát những bài dân ca VN. Trong sinh hoạt tết Giáp Thìn tối nay họ đã cống hiến cho công chúng người Việt ở Đức một số bài dân ca rất đặc sắc, cùng với những trang phục ba miền và sắc phục dân tộc. Trong giờ nghỉ giải lao, nghe những tiếng cười vang của những tâm hồn vui tươi hồn nhiên của trẻ Việt, làm tâm hồn tôi ấm áp quên đi ngoài trời còn băng giá! 50 năm sắp qua, ngày nào còn những lớp trẻ Việt ở Đức, ở Bỉ, ở Paris như chương trình của Tổng Hội Sinh Viên VN Pars, ở Nam Cali như chương trình của nhóm CLB Tình Nghệ Sỹ, và còn ở những nơi khác, thì những buổi lễ tết truyền thống ở hải ngoại vẫn còn.

Chúng tôi dự phần văn nghệ truyền thống, sau đó về khách sạn còn được thưởng thức tài năng của nhóm FAVIC, tại phòng khánh tiết khách sạn. Ca sĩ Barbara người Balan đã hát bài dân ca xứ Balan mang tên Alexandra. Ca sĩ Mireille người Bulgarie, hát bài La Cumparsita. Ca sĩ Miyako người Nhật hát bài "Kimi wo Nosete" trong phim tinh cảm "Château dans le ciel".

Xin gởi đến các vị bài viết về một câu cghuyện văn học của cố thi sĩ. Ngày tôi đưa tên ông vào bộ sách NKMVHVNHN, chúng tôi phải mất nhiều phiên họp bàn luận, gạt bỏ những thị phi khen che, thành công hay thất bại. Cuối cùng ông được tất cả đều đồng ý vì sự nghiệp làm văn hóa của ông.

Thân kính

Đỗ Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét