Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2024

Minh Mạng và sự lỡ làng của một bậc minh quân - Dũng Phan

 Minh Mạng – bậc minh quân lỡ làng

Lăng vua Minh Mạng ở Huế.

Năm 1841, hoàng đế Minh Mạng băng hà tại điện Quang Minh, thọ 50 tuổi. Ngày ngài mất, cuộc cách mạng công nghiệp trên thế giới đã diễn ra gần nửa thế kỷ. Trước đó 10 năm, vào năm 1831, Michael Faraday đã phát minh ra dòng điện khi di chuyển ống dây qua một từ trường và 25 năm sau khi hoàng đế Minh Mạng mất, một trong bốn nước “đồng văn” (1) với Việt Nam là Nhật Bản đã xuất hiện một cuộc cải cách lớn, khi thiên hoàng Minh Trị mở ra cuộc duy tân thần kỳ đưa Nhật Bản trở thành nước công nghiệp đầu tiên của châu Á. Khi ấy, Việt Nam vẫn là nền văn minh lúa nước.

<!>

Vậy nhưng, trong giai đoạn lạc thời ấy Việt Nam lại sản sinh ra minh quân. Dưới sự trị vì của con người ấy, lãnh thổ Việt Nam là rộng lớn nhất lịch sử, trở thành một trong hai quốc gia mạnh nhất Đông Nam Á (cùng với Xiêm La, tức Thái Lan ngày nay), với dân số và quy mô kinh tế còn lớn hơn cả Philippines và Myanmar cộng lại.

Tên vị hoàng đế tạo nên nước Việt hùng cường ấy chính là người chúng ta nói ở đầu câu chuyện: Minh Mạng. Ngài đặt tên quốc gia mình là “Đại Nam” – vùng đất phương Nam rộng lớn, như một cách công khai sức mạnh với chính thiên triều phương Bắc.

Hoàng đế là người đã mở rộng lãnh thổ đi xa nhất có thể, đưa Champa sáp nhập hoàn toàn vào Việt Nam, bảo hộ một nửa Cao Miên, bao gồm cả Phnom Penh ngày hôm nay, trước khi hoàng đế Thiệu Trị lên ngôi và ra lệnh cho “Trấn Tây đại tướng quân” Trương Minh Giảng rút quân về.

Tầm vóc đế vương xưng hùng xưng bá khắp một cõi Đông Nam Á đó, trước ngài chỉ có thời đại “Hồng Đức thịnh thế” của Lê Thánh Tông là từng có được.

Nhưng hoàng đế Minh Mạng còn vươn xa hơn cả hoàng đế Lê Thánh Tông, qua cái cách hướng tầm nhìn ra biển bằng việc xác lập chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Hoàng đế Minh Mạng còn có công lớn trong việc thu thập khắp nơi các bộ sách sử, sách văn học, gìn giữ các bộ thư tịch của tiền triều sau hơn 2 thế kỷ chia cắt và làm phong phú hơn nhờ chính hành trình mở cõi vào Nam của các chúa Nguyễn.

Ngài từng ra chỉ dụ: “Nước Việt ta lấy văn hiến mở nước, các vua anh minh ra đời, duy Thánh Tông nhà Lê là hiếm có, pháp độ và chính sách hay đều chép trong sử, lại còn sau khi mưu cơ muôn việc nhàn hạ, văn nghệ vui chơi làm ra rất phong phú, cái phong tao lưu lại còn thấy tiếng hay, trẫm truy tư cổ nhân rất là hâm mộ. Tuy đã xa đời, thơ đã tản mát, mà các văn nho học giả tất cũng còn giữ được. Trẫm muốn tìm nhặt in ra để lại lâu dài không mất”.

Sau đó, chính ngài đã hạ lệnh cho quan Bộ Lễ, các quan viên ở các địa phương Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An, cho đến các nhà quan lại, sĩ phu, thứ dân, ai còn giữ được sách vở khoảng niên hiệu Hồng Đức thì đem nộp để lưu trữ văn hóa – lịch sử dân tộc.

Tất cả được vua in khắc lại, tạo thành “Kho mộc bản triều Nguyễn” mà đến hôm nay đã trở thành di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam được UNESCO công nhận vào năm 2009. Có thể nói rằng, văn hiến nước nhà không bị mai một chính là nhờ nỗ lực của hoàng đế Minh Mạng.

Điều khó khăn nhất mà hoàng đế đối diện đó chính là tổ chức lại hoàn toàn bộ máy nhà nước. Vì sao gọi là khó khăn? Bởi vì đất nước thời nhà Nguyễn khác hẳn với các thời Lý, Trần, Lê. Nhà Nguyễn có sự thống nhất về địa lý từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau.

Điều này khiến nhà Nguyễn phải đối diện với sự khác biệt về văn hóa, kinh tế, chính trị của các vùng miền giữa mới và cũ. Miền Bắc với ảnh hưởng văn hóa Hán và các sĩ phu Bắc Hà theo triều đại cũ.

Trong khi miền Nam lại chịu ảnh hưởng của văn hóa Khơ Me cùng các sắc dân mới (Chăm Pa, Chân Lạp, người Hoa lưu lạc). Điều này dẫn đến việc đưa những tập quán và sắc dân đó nhập vào nhau là điều rất phức tạp.

Trước tình hình đó, hoàng đế Minh Mạng đã xử lý được sự khó khăn đó qua việc cải cách Lục Bộ (Bộ Lại, Bộ Hộ, Bộ Lễ, Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Công), và thống nhất 2 vấn đề: đo lường và y phục.

Theo như giáo sư sử học Phan Huy Lê nhận định thì: “Trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam, cải cách của vua Lê Thánh Tông năm 1471 và cải cách của vua Minh Mạng năm 1831-1832 là 2 cải cách hành chính có quy mô toàn quốc và đạt hiệu quả cao nhất”.

Hoàng đế Minh Mạng còn là người đánh đổ quan tham, xử tử cả bố vợ vì tham nhũng (2); cho phát triển giáo dục rộng khắp cả nước; hoàn chỉnh hệ thống đê điều ở Bắc Bộ. Từng đó việc làm đủ khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: thế thì tại sao một bậc minh quân siêng năng và liêm chính như vậy mà vẫn bị hậu thế nhắc về trong ít nhiều ấm ức?

Khi hậu thế đã đặt ngài giữa triều Nguyễn trì trệ, lạc hậu, “bế quan tỏa cảng”, dẫn đến tình cảnh mất nước khi tiếng súng của Pháp nổ trên biển Đà Nẵng?

Bởi cũng như Hồ Quý Ly, trí tuệ ấy đã sinh nhầm thời đại. Trí tuệ Nho gia của hoàng đế Minh Mạng nên sinh sớm 400 năm để vực dậy triều Trần, hơn là muộn đi 400 năm để khi ta cần cải cách kỹ nghệ của Hồ Quý Ly thì lại không có.

Minh Mạng là bậc minh quân sống giữa thời đại phương Tây hùng bá, lại đưa được quốc gia chạm đến sự thịnh trị nhưng qua con đường Nho giáo. Đấy là một tài năng tuyệt vời đã không phù hợp với dòng chảy khi ấy của thế giới.

Minh Mạng đã làm tất cả những gì có thể trong khả năng của ông. Nhưng bi thống thay, nó lại chỉ đúng trong thế kỷ… 15 chứ nào đúng trong thế kỷ 19 ngài đang sống.

Khi ngài đưa Nho giáo lên sự thịnh trị, tức là đem cả phân tầng “Sỹ – Nông – Công – Thương” và đẩy thương nghiệp nằm ở cuối đáy xã hội, mà nên nhớ đó là thế kỷ mà thương nghiệp lại là xương sống của sự phát triển, đó là thế kỷ mà đế quốc Anh đã dong thuyền đi khắp nơi trên thế giới.

Cho nên, đấy chẳng khác gì là một bảng xếp hạng “chết người” và sự thịnh trị của thời đại Minh Mạng lại là mầm mống diệt vong cho Tự Đức sau đó 2 thập niên. Nho giáo với những ca từ thi phú đã mang theo trong lòng nó sự yếu đuối, trong ngày đối diện với kỹ nghệ tân tiến của Tây phương.

Kiêu hãnh và định kiến đã đẩy Minh Mạng vào thế bị giam cầm trong tư duy khép kín về một đất nước Nho giáo hùng cường. Ngài là một bậc minh quân, nhưng lầm lỡ.

Hậu thế hôm nay nhắc về Minh Mạng, chính là nói về nhân vật đã từng đưa Việt Nam lên đến đỉnh cao chót vót của lịch sử Đông Nam Á thế kỷ 19, là người mang những tâm tư tạo nên nước Đại Nam hùng cường trong cả dải Đông Á.

Thế nhưng, số phận đã giao cho ngài một sứ mệnh sai thế kỷ, để hôm nay ta nói về hoàng đế Minh Mạng, vừa mang sự tôn trọng bởi những tham vọng lớn lao ngài đi, vừa xen lẫn cả tiếng thở dài về một minh quân đã đi sai con đường mà cả thế giới đang đi, để còn lại chỉ là diệt vong và tiếc nuối.

Dũng Phan

Chú thích:(1) Các nước “đồng văn” là chỉ các nước có cùng văn hóa, chữ viết theo lối Hán, gồm Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản và Triều Tiên.

(2) Cha vợ của vua Minh Mạng là Huỳnh Công Lý vơ vét của cải nhân dân, tham nhũng hơn 3 vạn tiền, bị xử tử vào năm 1821.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét