ECB lần đầu thông báo lỗ kể từ năm 2004 do tăng lãi suất
Hôm 22/2, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo lỗ 1,3 tỷ Euro (1,4 tỷ USD) trong năm 2023, qua đó đánh dấu năm thua lỗ đầu tiên của thể chế tài chính này trong 20 năm qua.Được biết, khoản lỗ này có thể lớn hơn nhiều nếu ECB không sử dụng khoản dự phòng 6,6 tỷ Euro dành riêng cho việc bù đắp khoản lỗ. Dẫu vậy, có thể thấy việc ECB thua lỗ là tác động tài chính từ các chính sách tiền tệ được thực hiện trong năm qua. Việc tăng lãi suất đã dẫn đến chi phí lãi suất cao hơn phải trả cho các ngân hàng trung ương quốc gia của khu vực đồng euro. Đồng thời, thu nhập lãi từ trái phiếu mà ECB tích lũy được trong nhiều năm qua không theo kịp với chi phí lãi suất mới.
<!>
ECB cho biết ngân hàng này có thể sẽ tiếp tục lỗ trong vài năm tới nhưng dự kiến sẽ có lãi bền vững sau đó. Ngân hàng khẳng định rằng hiệu suất tài chính sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của ECB. Ngân hàng này có thể tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chính sách tiền tệ bất chấp khoản lỗ.
Hiện ECB đang duy trì lãi suất ở mức cao để kiềm chế lạm phát và dự kiến sẽ giữ nguyên cho đến khi có bằng chứng thuyết phục cho thấy lạm phát đang quay trở lại mức mục tiêu 2%. Lạm phát khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) giảm từ 2,9% của tháng 12/2023, xuống 2,8% vào tháng 1/2024.
Các nhà kinh tế dự báo rằng ECB sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong vài tháng tới. Chủ tịch ECB Christine Lagarde trước đó để ngỏ khả năng lần cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra trong mùa hè 2024. ECB từng báo lỗ lần cuối vào năm 2004, một phần xuất phát từ sự suy yếu của đồng USD và đồng YEN.
Anh tăng cường trừng phạt Nga do cuộc xung đột với Ukraine
Ngày 22/2 vừa qua, Anh đã công bố hơn 50 biện pháp trừng phạt mới đối với Nga trong bối cảnh ngày 24/2 tới sẽ đánh dấu 2 năm xảy ra xung đột Nga – Ukraine.
Cụ thể, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Anh, những biện pháp trừng phạt nói trên nhắm vào 14 thực thể và cá nhân liên quan đến hoạt động sản xuất đạn dược và vũ khí như hệ thống phóng rocket, tên lửa và các loại chất nổ. Trong danh sách này có nhà máy sản xuất vũ khí Sverdlov của Nga, một công ty của Thổ Nhĩ Kỳ, 3 công ty của Trung Quốc và 2 thực thể ở Belarus.
Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt mới cũng nhằm vào các công ty điện tử và nhà kinh doanh kim cương và dầu mỏ của Nga. Tính đến nay, Anh đã áp đặt trừng phạt đối với tổng cộng 2.000 cá nhân, công ty và nhóm liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga tiến hành ở Ukraine.
Trong bối cảnh sắp đánh dấu 2 năm xảy ra xung đột Nga – Ukraine, phía Nga hôm 22/2 cho biết các lực lượng của nước này đã tiến sâu hơn vào miền Đông Ukraine. Trong khi đó, các lực lượng của Ukraine vẫn duy trì phòng thủ ở miền Đông.
Ở một diễn biến khác, theo một cuộc khảo sát do Hội đồng Đối ngoại Châu Âu (ECFR) công bố hôm 21/2, chỉ có 10% công dân Liên minh châu Âu (EU) được khảo sát tại 12 quốc gia tin rằng Ukraine sẽ thắng trong cuộc chiến tranh với Nga.
ECFR tiến hành khảo sát 17.023 người tại 12 quốc gia châu Âu vào tháng Một, vài tuần trước khi Nga kiểm soát được Avdeevka, miền đông Ukraine vào thứ Bảy tuần trước (17/2). Nga mô tả đây là chiến thắng quan trọng nhất của họ kể từ khi nước này kiểm soát được Bakhmut vào mùa hè năm ngoái.
Cũng trong cuộc khảo sát, 20% đáp viên dự đoán Nga sẽ giành chiến thắng, trong khi 37% cho rằng cuộc xung đột vũ trang dai dẳng này sẽ kết thúc bằng một thỏa thuận nhượng bộ từ cả hai bên tham chiến.
Chỉ có hai quốc gia Ba Lan và Bồ Đào Nha tham gia cuộc khảo sát nghĩ Ukraine có khả năng chiến thắng cao hơn Nga, nhưng kết quả khảo sát ở cả hai nước này cũng chỉ ra rằng hầu hết mọi người tin rằng thỏa thuận nhượng bộ là khả thi nhất.
Hơn 1/3 (35%) đáp viên Bồ Đào Nha và 27% đáp viên Ba Lan dự tính về một giải pháp nhượng bộ, so với 17% đáp viên của mỗi nước dự doán Kyiv sẽ thắng, và 11% đáp viên Bồ Đào Nha và 14% đáp viên Ba Lan dự đoán chiến thắng thuộc về Moscow.
Ukraina xác nhận bị Nga tấn công bằng hỏa tiễn đạn đạo của Triều Tiên
Báo chí của Cơ quan an ninh Ukraina hôm 22/2 cho biết, Cơ quan này đã ghi lại các cuộc không kích của Nga nhằm vào Ukraina có sử dụng vũ khí tầm xa của Triều Tiên.
Cụ thể, đó là hỏa tiễn đạn đạo loại Hwasong-11, được sản xuất tại Triều Tiên.
Theo số liệu điều tra: Nga đã bắn hơn 20 vũ khí Triều Tiên vào Ukraina, ít nhất 24 thường dân đã thiệt mạng do các cuộc tấn công. Hơn một trăm thường dân bị thương nặng.
Một trong những sự thật đầu tiên về việc quân Nga sử dụng đạn đạo của Triều Tiên được ghi lại vào ngày 30/12/2023, trong cuộc tấn công nhằm vào Zaporizhzhia.
Cuộc tấn công tiếp theo được Nga thực hiện vào đầu tháng 1 nhằm vào một tòa nhà chung cư ở Kyiv. Đồng thời, 4 thường dân ở thủ đô thiệt mạng, hơn 50 người đang trong tình trạng nguy kịch.
Người Nga tấn công các tòa nhà dân cư ở 5 ngôi làng tiền tuyến của vùng Donetsk bằng hỏa tiễn đạn đạo của Triều Tiên khiến 17 thường dân thiệt mạng.
Nga bắn hỏa tiễn Triều Tiên vào nhà riêng ở Kharkiv khiến 3 người thiệt mạng. Hơn 60 người bị thương nặng.
Tất cả sự thật về việc Nga sử dụng hỏa tiễn của Triều tấn công Ukraina đều được ghi lại trong khuôn khổ tố tụng hình sự theo hai điều của Bộ luật Hình sự Ukraina.
Cơ quan an ninh Ukraina cho biết thêm: “Các biện pháp toàn diện đang được tiến hành để xác định tất cả các tình tiết phạm tội và đưa kẻ phạm tội ra trước công lý. Ngoài ra, các tuyến hậu cần để Triều Tiên vận chuyển vũ khí đến Nga đang được thiết lập”.
Vào tháng 12 năm ngoái, Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Mỹ, John Kirby, cho biết Nga đã mua hỏa tiễn đạn đạo từ Triều Tiên. Chúng đã được sử dụng cho các cuộc tấn công vào Ukraina.Trong một cuộc phỏng vấn, Bộ quốc phòng Ukraina nói rằng Bình Nhưỡng đã tích cực cung cấp đạn dược cho Matxcova trong suốt mùa thu. Theo ước tính tình báo, Nga có thể nhận được khoảng một triệu quả đạn pháo từ Triều Tiên.
Đồn cảnh sát bí mật của ĐCSTQ ở Nhật Bản
Vào ngày 21/2, Bộ Công an Nhật Bản đã yêu cầu hai phụ nữ Trung Quốc đến văn phòng công tố vì nghi ngờ có liên quan đến việc chính phủ Trung Quốc mở các đồn cảnh sát ở hải ngoại.
Cụ thể, Kyodo News và Japan Broadcasting Corporation (NHK) đưa tin, 2 người được yêu cầu là một phụ nữ 44 tuổi mở công ty ở Tokyo và một giám đốc điều hành công ty 59 tuổi ở tỉnh Saitama.
Cảnh sát Thủ đô chỉ ra rằng trong thời gian xảy ra dịch bệnh, cả hai đã nộp đơn xin chính phủ Nhật Bản trợ cấp 1 triệu yên dưới chiêu bài điều hành một tiệm nắn xương, nhưng thực tế họ đang điều hành một tiệm mát-xa khiêu dâm không đáp ứng các điều kiện trợ cấp.
Điều đáng chú ý là cuộc điều tra cho thấy hai người phụ nữ này cũng là thành viên của đồn cảnh sát mật hải ngoại do Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Nhật Bản thành lập.
Theo một báo cáo do nhóm nhân quyền Tây Ban Nha Safeguard Defenders công bố vào năm 2022: Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thành lập hơn 100 đồn cảnh sát mật ở nước ngoài tại 53 quốc gia để theo dõi sinh viên Trung Quốc và những người bất đồng chính kiến lưu vong ở nước ngoài.
Báo cáo của Safeguard Defenders đề cập rằng có ít nhất hai đồn cảnh sát của ĐCSTQ ở Nhật Bản, nằm gần ga Akihabara ở Tokyo và thành phố Fukuoka ở Kyushu.
Hai người phụ nữ Trung Quốc trong vụ án này có liên quan đến địa điểm của ĐCSTQ gần ga Akihabara ở Tokyo. Sở Cảnh sát Thủ đô cho biết họ vẫn chưa phát hiện hành vi vi phạm chủ quyền của Nhật Bản nhưng sẽ tiếp tục điều tra các hoạt động của nhóm này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét