Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 26 tháng 2, 2024

ĐIỂM TIN 26/02/2024 - Long Đô


Các đồng minh họp tại Paris để tái khẳng định sự yểm trợ cho Ukraina Khoảng 20 lãnh đạo các nước, chủ yếu là châu Âu, họp lại ở thủ đô Paris của Pháp chiều ngày 26/02/2024, theo sáng kiến của tổng thống Emmanuel Macron, để tái khẳng định sự yểm trợ đối với Ukraina, hiện đang rất trông chờ viện trợ của phương Tây trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nga. Ngoại trưởng Ukraina, Dmytro Kuleba (trước mico), cùng quan chức các nước phương Tây hậu thuẫn Kiev, trong một cuộc họp tại LHQ, New York, Hoa Kỳ, ngày 23/02/2024. © CHARLY TRIBALLEAU / AFP - Thanh Phương
<!>
Theo hãng tin AFP, đa số các nhà lãnh đạo châu Âu, trong đó có thủ tướng Đức Olaf Scholz và tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, đến dự cuộc họp ở Paris. Ngoài ra còn có đại diện của Hoa Kỳ và Canada cũng như ngoại trưởng Anh David Cameron. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky sẽ khai mạc cuộc họp với một bài phát biểu qua video.

Theo thông cáo của điện Elysée (phủ tổng thống Pháp), mục đích của cuộc họp hôm nay là “tái huy động và xem xét mọi phương tiện để yểm trợ Ukraina một cách hiệu quả”, vào lúc mà lực lượng Kiev thiếu rất nhiều vũ khí và đạn dược để chống trả quân Nga. Thông cáo của điện Elysée nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn gởi một thông điệp rõ ràng đến Putin là ông ta sẽ không thể chiến thắng ở Ukraina”.

Thứ Bảy tuần trước, đúng 2 năm ngày tổng thống Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina, trên mạng X (Twitter cũ), tổng thống Macron cũng đã khẳng định: “Nước Nga của Putin đừng tưởng rằng các nước châu Âu đã mệt mỏi, chán nản”.

Cuộc họp ở Paris không dự trù thông báo các khoản viện trợ mới, nhưng đại diện các nước tham dự sẽ xem xét các phương cách để trợ giúp Ukraina tốt hơn, tùy theo khả năng của từng nước.

Nhiều nước, trong đó có Pháp, Đức và Ý đã ký các hiệp định an ninh song phương với Ukraina trong những tuần qua, nhưng khối Liên Hiệp Châu Âu vẫn không thể cung cấp đủ đạn pháo cho Kiev như đã cam kết.

Cũng theo thông cáo của phủ tổng thống Pháp, cuộc họp hôm nay còn bàn về việc nước Nga gia tăng các vụ tấn công tin tặc và thao túng thông tin nhắm vào các nước châu Âu, đặc biệt là Pháp.

TT Zelensky : Chiến thắng của Ukraina phụ thuộc vào các đồng minh phương Tây

Chủ Nhật 25/02/2024, tổng thống Volodymyr Zelensky đã tổ chức họp báo nhân dịp kỷ niệm hai năm ngày tổng thống Nga Vladimir Putin điều quân xâm lược Ukraina. Nguyên thủ Ukraina đã điểm lại các vấn đề đáng chú ý hiện nay, đặc biệt là tình trạng thiếu vũ khí và đạn dược. Ông Zelensky nhấn mạnh, Ukraina có nguy cơ hứng chịu một đợt tấn công lớn của Nga nếu Kiev không nhận được đạn pháo của phương Tây.


Tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelenskiy phát biểu tại hội nghị " Ukraina năm 2024", Kiev, ngày 25/02/2024. REUTERS - VALENTYN OGIRENKO
Thùy Dương
Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan gửi về bài tường trình :
Hôm Chủ Nhật, Volodymyr Zelensky đã cảnh báo phương Tây về hậu quả của việc trong những tuần qua không cung cấp đủ đạn pháo cho Ukraina. Theo nguyên thủ Ukraina, quân đội Nga sẽ phản công ồ ạt vào cuối tháng 5 hoặc đầu mùa hè tới đây, nếu trong tháng Ba hoặc tháng Tư Ukraina không nhận được đạn dược.

Trước đó, cũng trong ngày hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng Rustem Umerov cho biết Ukraina mới chỉ nhận được 50% số đạn pháo mà các đối tác châu Âu đã hứa giúp và tất cả các viện trợ đều chậm so với dự kiến ban đầu.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, trong những ngày qua đã đến thăm khu vực Koupiansk của vùng Kharkiv, nói rằng tại đó hỏa lực của quân Nga mạnh hơn 7 lần so với hỏa lực của Ukraina.

Và điểm cuối cùng : Đây là lần đầu tiên tổng thống Zelensky nói về số binh sĩ Ukraina thiệt mạng kể từ đầu cuộc chiến. Theo ông, con số có thể là 31.000 người. Zelensky không muốn đưa ra con số binh sĩ bị thương hoặc mất tích. Nhưng theo tổng thống Ukraina, phía Nga dường như có tới 180.000 binh sĩ thiệt mạng và nửa triệu người đã bị loại khỏi vòng chiến đấu ».

Cũng trong ngày hôm qua, tổng thống Zelensky khẳng định Nga đã có được kế hoạch phản công năm 2023 của Ukraina trước khi đợt phản công diễn ra. Được AFP hỏi, phủ tổng thống Ukraina cho biết ông Zelensky nói việc rò rỉ thông tin. Theo nguyên thủ Ukraina, để tránh nguy cơ kế hoạch tác chiến bị lộ, các chỉ huy quân sự Ukraina sẽ lập nhiều kế hoạch dự phòng cho năm 2024.

Nghị Viện Hungary họp phê chuẩn kết nạp Thụy Điển vào NATO

Hôm nay, 26/02/2024, Nghị Viện Hungary cho ý kiến về việc Thụy Điển xin gia nhập Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương – NATO. Hungary là nước sau cùng chưa bật đèn xanh để quốc gia Bắc Âu này, vốn có truyền thống theo đường lối phi liên kết, có thể gia nhập liên minh quân sự của phe phương Tây.


Ảnh tư liệu: Toàn cảnh Nghị Viện Hungary trong phiên họp để phê chuẩn việc Thụy Điển gia nhập NATO, do đảng đối lập đề nghị nhưng bị đảng cầm quyền tẩy chay, ngày 05/02/2024. AP - Denes Erdos
Minh Anh
Một cuộc bỏ phiếu mà Thụy Điển đã trông đợi từ hơn một năm rưỡi qua do việc chính phủ thủ tướng Viktor Orban đã liên tục trì hoãn từ nhiều tháng qua.

Thông tín viên đài RFI, Carlotta Morteo từ Stockholm tường thuật :

Quả thật những năm gần đây, mối quan hệ giữa Thụy Điển và Hungary khá lạnh nhạt. Stockholm không bỏ lỡ dịp nào để lên án sự thiếu sót tình trạng nhân quyền tại Hungary. Những lời chỉ trích không mấy gì được đảng của thủ tướng Viktor Orban ưa thích.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson có mặt ở Budapest hôm thứ Sáu (23/02) thừa nhận giữa hai nước có nhiều bất đồng, đặc biệt là ở cấp độ châu Âu nhưng kêu gọi nỗ lực "tập trung vào những lợi ích chung" của hai bên.

Việc ký kết một thỏa thuận quốc phòng với Hungary được xem như là khúc dạo đầu cho mối quan hệ đồng minh sắp tới trong lòng khối NATO.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố : "Cần phải có sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Bằng không, làm thế nào chúng ta có thể nghĩ đến việc bên này hy sinh vì bên khác ?" Ngay từ đầu, lãnh đạo Hungary đã cam kết rằng Hungary sẽ không phải là quốc gia sau cùng phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển.

Trừ phi có điều gì bất ngờ, Nghị Viện Hungary sẽ phải phê duyệt hồ sơ này. Nhưng từ khi những căng thẳng ngoại giao kéo dài với Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng hơn một năm, sự thận trọng vẫn là một từ khóa chủ đạo tại Thụy Điển. Vẫn còn nhiều thủ tục phải trải qua.

Câu thần chú của chính quyền Thụy Điển "Chừng nào chưa làm thì công việc chưa hoàn tất", cách nay vài tuần, giờ đây không còn nữa.

Xung đột Gaza: Israel đề nghị kế hoạch di tản thường dân Palestine

Theo thông báo của văn phòng thủ tướng Benjamin Netanyahu hôm nay, 26/02/2024, quân đội Israel đã đề nghị một kế hoạch di tản thường dân Palestine ở dải Gaza, trước khi tấn công vào thành phố Rafah, nơi mà theo Liên Hiệp Quốc, gần 1,5 triệu người Palestine đang sống chen chúc, đa số là những người tản cư, trong những điều kiện hết sức khó khăn.
 

Khu lều trại của người Palestine chạy lánh nạn chiến tranh dồn lại thành phố Rafah, nam dải Gaza, ngày 18/02/2024. AP - Mohammed Dahman
Thanh Phương
Tuy nhiên, theo hãng tin AFP, hiện chưa rõ thường dân Palestine sẽ được di tản như thế nào cũng như chưa biết họ sẽ được đưa đến đâu. Nhiều nước, kể cả Hoa Kỳ, đồng minh chủ yếu của Israel, cũng như các tổ chức nhân đạo đã cảnh báo thủ tướng Netanyahu về hậu quả của một cuộc tấn công trên bộ vào Rafah, thành phố nằm ở biên giới Ai Cập, cũng là cửa ngõ duy nhất để vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo vào Gaza.

Kế hoạch di tản được đưa ra vào lúc các đàm phán về một cuộc hưu chiến mới đã được mở lại ở Qatar. Theo cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan, trong cuộc họp gần đây tại Paris, đại diện Israel, Hoa Kỳ, Ai Cập và Qatar đã đạt được đồng thuận sơ bộ về một thỏa thuận ngừng bắn mới để phóng thích con tin Israel đổi lấy tù nhân Palestine.

Từ Jerusalem, thông tín viên Michel Paul tường trình:

“Hiện vẫn còn phải lạc quan một cách thận trọng. Mục tiêu đề ra là thực hiện thỏa thuận kể từ đầu mùa Ramadan, tức là trong chưa tới hai tuần nữa. Theo phái đoàn Israel, trong đó có lãnh đạo cơ quan tình báo Mossad và cơ quan an ninh nội địa Shin Bet, vừa dự đàm phán ở Paris trở về, họ đã đạt được những tiến bộ đáng kể.

Theo nhiều nguồn tin khớp với nhau, thỏa thuận mới sẽ bao gồm một cuộc hưu chiến kéo dài 6 tuần. Trong thời gian đó, trung bình mỗi ngày sẽ có một con tin được phóng thích. Từ 35 đến 40 con tin Israel sẽ được trả tự do đổi lấy từ 200 đến 300 tù nhân Palestine, tức là nhiều gấp ba lần so với thỏa thuận lần trước vào tháng 11.

Cũng theo các nguồn tin nói trên, vẫn còn nhiều chi tiết đang được được thương lượng, cụ thể là xác định những con tin nào có thể được thả, và nhất là trong số đó có các quân nhân Israel hay không. Tiếp đến là danh sách các tù nhân Palestine sẽ được phóng thích, tùy theo lý do khiến họ bị giam giữ.

Hai bên còn phải bàn về các điều kiện của thỏa thuận hưu chiến, đặc biệt là việc tái bố trí lực lượng Israel trong thời gian ngừng bắn. Đàm phán sẽ tiếp diễn trong những ngày tới. Đối với phía Israel, kể từ nay mọi chuyện là tùy thuộc vào phía Hamas.”

Ngay giữa lúc chiến sự vẫn diễn ra ác liệt ở Gaza, chính phủ của Cơ quan quyền lực Palestine hôm nay thông báo đã đệ đơn từ chức lên tổng thống Mahmoud Abbas. Theo hãng tin AFP, tổng thống Abbas hiện chưa có phản ứng gì về thông báo này. Trong những tháng qua, nhiều người dân Palestine đã chỉ trích tổng thống Abbas là "bất lực" trước các cuộc oanh kích liên tục của Israel vào Gaza, thậm chí đã yêu cầu ông phải từ chức.

WTO khai mạc hội nghị lần thứ 13 và kêu gọi cải tổ định chế

Từ ngày 26/02 đến ngày 29/02/2024, 164 nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới – WTO họp tại Abou Dhabi, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Ngay trong phiên họp đầu tiên, thông điệp được đưa ra là « cần phải cải tổ hệ thống thương mại đa phương ».


Các phái đoàn chụp ảnh chung nhân cuộc họp cấp bộ trưởng các thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO, Abou Dhabi, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, ngày 26/02/2024. REUTERS - ABDEL HADI RAMAHI
Minh Anh
Theo AFP, khai mạc phiên họp lần thứ 13 ở cấp bộ trưởng, giám đốc Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), bà Ngozi Okonjo-Iweala, người Nigeria cảnh báo về tình trạng « bất định và bất ổn hiện hữu khắp nơi », sự « vỡ vụn » của nền thương mại toàn cầu do những căng thẳng địa chính trị.

Trước giới báo chí, bà nhắc lại dự báo của WTO, hạ mức tăng trưởng kinh tế thế giới mà không nêu rõ số liệu cụ thể. WTO ban đầu dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ tăng lên ở mức 3,3%.

Đối mặt với một cơ chế « đa phương bị tấn công ở mọi bề », bà Okonjo-Iweala kêu gọi một sự hợp tác rộng lớn từ cộng đồng quốc tế và « cải tổ hệ thống thương mại quốc tế ». Đây cũng là thông điệp của bộ trưởng Ngoại Thương Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Thani Al Zeyoudi, mong muốn cuộc họp này sẽ là « một bệ phóng để cải cách WTO ».

Các cuộc đàm phán sẽ được diễn ra trong phiên họp kín nhưng các tuyên bố của WTO sẽ được công bố trên các màn ảnh. Ủy viên Thương Mại Liên Hiệp Châu Âu Valdis Dombrovskis, cũng cho rằng thế giới đã có nhiều biến đổi và do vậy, các định chế như WTO nên thay đổi theo. Tuy rằng WTO chưa hoàn toàn lỗi thời, nhưng không vì thế mà bỏ qua việc « xúc tiến công cuộc cải cách không thể thiếu WTO ».

Trong kỳ họp lần thứ 13 này, các nước thành viên của WTO sẽ thảo luận về thỏa thuận cấm trợ cấp góp phần gây ra tình trạng đánh bắt quá mức, gia hạn tạm dừng thuế đối với các phương tiện kỹ thuật số như phim ảnh, trò chơi điện tử cũng như các vấn đề nông nghiệp.

Cũng trong ngày hôm nay, WTO kết nạp thêm Comoros và Đông Timor, nâng tổng số quốc gia thành viên lên thành 166 nước. AFP cho biết thêm, hôm qua, Tổng giám đốc WTO đã ra mắt quỹ trị giá 50 triệu euro nhằm tài trợ các nữ doanh nhân tại các nước đang phát triển để xuất khẩu hàng hóa bằng các khai thác các khả năng do nền kinh tế kỹ thuật số mang lại.

Kỷ niệm cuộc cách mạng 1986 : Người dân Philippines biểu tình chống dòng tộc Marcos

Ngày 25/02/2024, người dân Philippines kỷ niệm phong trào phản đối rộng lớn năm 1986 nhằm chấm dứt chế độ độc tài Ferdinand Marcos kéo dài trong suốt hai thập niên.



Hình ảnh cuộc biểu tình kỷ niệm 38 năm cuộc Cách mạng 1986 lật đổ chế độ độc tài Ferdinand Marcos, tại đại lộ EDSA, tại Quezon City, ngoại ô Manila, ngày 25/02/2024. REUTERS - LISA MARIE DAVID
Minh Anh
Gần 40 năm sau, con trai của ông, Ferdinand Marcos Jr giờ là tổng thống Philippines, đã từ chối ban hành ngày nghỉ lễ như truyền thống mong muốn. Cuộc tuần hành của người dân hôm qua còn nhằm phản đối một dự án cải tổ Hiến Pháp giúp củng cố quyền lực tổng thống hiện hành và gia đình ông.

Đặc phái viên đài RFI, Nicolas Rocca tường thuật từ thủ đô Manila :

« EDSA, đại lộ thênh thang bao quanh thủ đô Philippines chật kín hàng ngàn người biểu tình hôm Chủ Nhật, đến kỷ niệm cuộc cách mạng 1986.

Nữ nghị sĩ phe đối lập, France L. Castro giải thích : "Sự kiện này biểu tượng cho hồi kết của chế độ độc tài, nạn tham nhũng và các hành động vi phạm nhân quyền thời kỳ đó."

Jan, một công chức trạc 60 tuổi hồi tưởng lại thời khắc lịch sử đó. "Phong trào đó thật sự lớn hơn hiện nay nhưng tinh thần vẫn luôn còn đó. Chúng tôi đã có thể lật đổ một nhà độc tài thời kỳ đó, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó."

Một lời ám chỉ đến con trai nhà cựu độc tài, hiện giờ là tổng thống. Một người khác nói tiếp : "Chính phủ đang tìm cách thực hiện một dự án cải tổ Hiến Pháp, chủ yếu ông ấy muốn sửa đổi một số điều luật của Hiến Pháp để được tại quyền. Rồi còn có những thay đổi về kinh tế nữa, dự trù mở cửa nền kinh tế Philippines với sự kiểm soát của các nhà đầu tư nước ngoài".

Trong đoàn người biểu tình, nhiều người lo ngại rằng dưới vỏ bọc hứa hẹn phát triển kinh tế, chương trình cải cách này được thực hiện bất chấp những thiệt hại gây ra cho người dân. Và nhất là điều đó sẽ cho phép ông Marcos Jr cùng với gia đình duy trì quyền lực sau sáu năm nhiệm kỳ duy nhất theo như quy định của Hiến Pháp. »

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét