Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 21 tháng 2, 2024

ĐIẾM TIN 21/02/2024 - Long Đỗ

Hơn 600 triệu euro, khoản viện trợ quân sự ‘‘kỷ lục’’ của Thụy Điển cho Ukraina
Hôm qua, 20/02/2024, ít ngày trước dịp tròn hai năm Nga tấn công Ukraina, chính quyền Thụy Điển thông báo cung cấp khoản viện trợ quân sự lớn nhất từ trước đến nay cho Kiev, trị giá 633 triệu euro. Đối với Thụy Điển, hỗ trợ Ukraina tự vệ trong cuộc kháng chiến chống Nga cũng chính là để tránh nguy cơ chiến tranh lan sang khu vực Bắc Âu. Bộ trưởng Quốc Phòng Thụy Điển Pal Jonson tại trụ sở NATO ở Bruxelles, Bỉ, ngày 15/02/2024. AP - Virginia Mayo Trọng Thành
<!>
Thông tín viên Carlotta Morteo tường trình từ Stockholm :
Bộ trưởng Quốc Phòng Thụy Điển Pal Jonson tuyên bố khoản viện trợ quân sự cho Ukraina này ‘‘vừa là vấn đề nhân đạo, vừa là ứng xử phù hợp’’. Ông cho biết rõ là danh sách các phương tiện quân sự viện trợ đã được quyết định cùng với chính quyền Kiev, nhằm đáp ứng các nhu cầu thực tế trên chiến trường.

Ngoài hơn 30 xe tăng Stridsfordon 90, được Thụy Điển và Đan Mạch phối hợp chuyển giao cho Ukraina, Kiev sẽ nhận được nhiều hệ thống tên lửa địa đối không. Đây cũng là lần đầu tiên Stockholm viện trợ tàu quân sự, trong đó có 10 chiến hạm và 20 tàu vận chuyển quân và phương tiện. Các tàu quân sự này được chế tạo để hoạt động tại các vùng nước nông, có thể được quân đội Ukraina sử dụng đặc biệt trong môi trường sông.

Một điểm mới khác là có một hệ thống tên lửa chống tăng trong khoản viện trợ này, cùng lựu đạn và xe cứu thương. Tất cả sẽ được chuyển đến Ukraina trong tuần lễ tới. Về mặt tài chính, chính quyền Thụy Điển cũng đầu tư hơn 175 triệu euro để sản xuất đạn pháo. Đây là loại đạn dược mà quân đội Ukraina đang thiếu nghiêm trọng.

Stockholm coi việc hậu thuẫn Kiev là ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Đối với Thụy Điển, nếu Nga giành chiến thắng tại Ukraina, bước tiếp theo sẽ là trắc nghiệm mức độ vững chắc của khối NATO tại các khu vực kế cận với Nga, bằng cách tấn công các nước vùng Baltic hoặc Phần Lan. Nếu điều này xảy ra, Thụy Điển chắc chắn sẽ bị cuốn vào xung đột khu vực.

Phần Lan chuẩn bị biện pháp mới tăng cường an ninh ở biên giới với Nga

Cuộc khủng hoảng di dân ở biên giới Phần Lan với Nga đã kéo dài khoảng 3 tháng, và với lý do tình hình đến nay vẫn chưa được cải thiện, chính phủ Phần Lan lại chuẩn bị những biện pháp mới để tăng cường an ninh ở vùng biên.


Bộ trưởng Nội Vụ Phần Lan Mari Rantanen họp báo tại Helsinki, Phần Lan, ngày 11/01/2024. AP - Roni Rekomaa
Thùy Dương
Phần Lan sẽ đóng cửa biên giới chung với Nga ít nhất đến ngày 14/04/2024. Theo Reuters, bộ Nội Vụ Phần Lan hôm qua tuyên bố sẽ nhanh chóng triển khai các luật mới để củng cố an ninh ở biên giới và đối phó với việc Nga dùng di dân như công cụ chống Phần Lan.

Xin nhắc lại là hồi cuối năm 2023, chính quyền Helsinki tố cáo Matxcơva đưa di dân không giấy tờ đến vùng biên để họ nhập cảnh trái phép vào Phần Lan nhằm gây bất ổn cho đất nước này, biện pháp mà Helsinki cho là đòn đáp trả của Nga về việc Phần Lan gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO. Helsinki vì thế đã cho đóng cửa biên giới với Nga từ giữa tháng 11/2023 để ngăn người nhập cư bất hợp pháp.

Hôm qua 20/02/2024, trong buổi họp báo, bộ trưởng Nội Vụ Phần Lan, Mari Rantanen, báo động là chính phủ có những thông tin về việc hàng ngàn di dân đang chờ để vào Phần Lan từ Nga và đó là « một sự đe dọa đối với xã hội ». Thế nhưng, theo Jussi Laine, một giáo sư đại học tại Phần Lan, chuyên gia về các vấn đề về biên giới, cho rằng tình hình trên thực tế khác xa với những gì chính phủ thông báo.

Trên đài RFI Pháp ngữ sáng 21/02, chuyên gia Jussi Laine giải thích : « Không có bằng chứng rõ ràng nào chứng minh điều đó. Những con số bà ấy (bộ trưởng Nội Vụ Phần Lan) nói đến chỉ là ước tính chứ không phải số liệu đã được xác minh. Hiện giờ chỉ có một số ít di dân đang chờ để vượt biên giới sang Phần Lan ».

Chính phủ Phần Lan có thể đang chuẩn bị tinh thần cho người dân về biện pháp thắt chặt các quy định tiếp nhận người tị nạn : di dân có thể sẽ bị giữ lại ở biên giới trong thời gian chính quyền Helsinki xem xét hồ sơ của họ. Nhưng đối với giáo sư Jussi Laine, phản ứng của Helsinki như vậy là một thắng lợi cho phía Nga. Ông nhận định : « Rõ ràng là điều đó đã làm rung chuyển xã hội Phần Lan. Phản ứng của chính phủ đã rất mạnh. Nếu mục tiêu của Nga là gây bất ổn và làm rung chuyển xã hội Phần Lan, thì trong trường hợp này họ đã thành công. Nhưng rốt cuộc thì vấn đề không nằm ở di dân ».

Tuần duyên Đài Loan đối đầu với tàu Hải cảnh Trung Quốc tại đảo Kim Môn

Căng thẳng tiếp tục tại khu vực xung quanh đảo Kim Môn (Kinmen) do Đài Loan kiểm soát, với việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động tuần tra tại đây, tiếp theo vụ hai ngư dân Trung Quốc tử vong. Hôm qua, 20/02/2024, tuần duyên Đài Loan đã ngăn chặn một tàu Hải cảnh Trung Quốc xâm nhập khu vực sát đảo. Quân đội Đài Loan tuyên bố không can thiệp. Đài Bắc kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế.


Ảnh minh họa : Tàu Hải cảnh Trung Quốc ở Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, ngày 26/12/2023. AP - Andy Wong
Trọng Thành
Theo Reuters, lực lượng Tuần duyên Đài Loan đã điều một tàu và sử dụng các phương tiện liên lạc vô tuyến để kêu gọi tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 8092 rời khỏi ‘‘khu vực cấm xâm nhập’’ của đảo Kim Môn, mà hai bên vẫn thường xuyên tuân thủ từ năm 1992. Tuần duyên Đài Loan khẳng định sẽ tiếp tục tuần tra xung quanh đảo Kim Môn.

Bên lề cuộc họp Quốc Hội Đài Loan hôm qua, 20/02, một quan chức chính phủ Đài Loan lên án hành động khám xét một tàu du lịch Đài Loan của Hải cảnh Trung Quốc hôm thứ Hai 19/02, khiến các du khách Đài Loan ‘‘hoảng sợ’’. Về phần mình, bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan khẳng định quân đội sẽ không can thiệp ‘‘để tránh tình hình thêm trầm trọng’’, có thể dẫn đến chiến tranh, và kêu gọi ‘‘giải quyết bất đồng bằng con đường hòa bình’’.

Trả lời Reuters, một quan chức an ninh kỳ cựu của Đài Loan, xin ẩn danh, nhận định Bắc Kinh không có ý định biến vụ hai ngư dân tử vong vì tàu bị lật trong khi chạy trốn tàu tuần duyên Đài Loan ‘‘thành một vụ việc mang ý nghĩa quốc tế’’, mà chỉ muốn coi đây là cái cớ để gia tăng áp lực với chính quyền của tân tổng thống Đài Loan, Lại Thanh Đức.

Bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết theo ‘‘theo dõi sát các hành động của Bắc Kinh’’ tại khu vực đảo Kim Môn. Trả lời báo giới hôm qua, 20/02, người phát ngôn của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Matthew Miller, ‘‘kêu gọi kiềm chế và không đơn phương thay đổi nguyên trạng, để bảo vệ hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan, đã được duy trì từ nhiều thập niên’’.

Kim Môn từng là ‘‘tiền đồn’’ của Đài Loan
Đảo Kim Môn, rộng hơn 150 km² với khoảng 140.000 dân, chỉ cách Hoa Lục khoảng 3 km. Vùng lãnh thổ do Đài Loan kiểm soát, nằm gần Trung Quốc nhất này, từng được coi là tiền đồn quân sự của Đài Loan. Trong những năm 1950, đảo Kim Môn liên tục bị Trung Quốc pháo kích. Vào lúc căng thẳng cao điểm, trên đảo Kim Môn đã từng có 100.000 binh sĩ Đài Loan trú đóng.

Từ nhiều thập niên trở lại đây, đại đa số cư dân đảo muốn duy trì nguyên trạng giữa hai bờ eo biển. Truyền thông Pháp ghi nhận việc không ít người dân Kim Môn mơ ước xây dựng một cây cầu nối liền Kim Môn với thành phố Hạ Môn (Trung Quốc). Tuy nhiên, đảng Dân Tiến của tổng thống Lại Thanh Đức coi đây là một dự án ‘‘nguy hiểm’’, có thể biến hòn đảo trở thành ‘‘con ngựa thành Troy’’ của Bắc Kinh.

Hưu chiến tại Gaza : Mỹ lại phủ quyết dự thảo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc

Bất chấp áp lực của quốc tế, một lần nữa, hôm 20/02/2024, Mỹ - đồng minh chủ chốt của Israel, lại phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về một lệnh hưu chiến ngay lập tức tại dải Gaza và đề nghị một văn bản thay thế về khả năng tạm ngừng bắn khi có thể, nhưng không phải là ngay lập tức, và kèm theo một số điều kiện, chẳng hạn như phóng thích con tin.


Hội Đồng Bảo An họp bàn về lệnh ngừng bắn ở dải Gaza tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, New York, Hoa Kỳ, ngày 20/02/2024. AP - Seth Wenig
Thùy Dương
Theo AFP, dự thảo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An, theo đó « một lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay tức khắc phải được tất cả các bên tuân thủ », đã đạt được lá phiếu ủng hộ của 13 thành viên thông qua, Anh Quốc vắng mặt. Phiếu chống duy nhất là của Mỹ. Kể từ khi chiến tranh Israel - Hamas nổ ra, đây là lần thứ ba Mỹ phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An về lệnh ngừng bắn tại dải Gaza.

Phản ứng của quốc tế
Đại sứ Palestine tại Liên Hiệp Quốc ngay lập tức chỉ trích quyết định « vô trách nhiệm và nguy hiểm » của Mỹ, xem là Hoa Kỳ đã gửi đi thông điệp rằng « Israel có thể tiếp tục làm bất cứ điều gì mà không bị trừng phạt ». Tổ chức Hamas cũng tố cáo Washington đã bật « đèn xanh » để Israel tiến hành thêm nhiều vụ « thảm sát » tại Gaza.

Nhiều thành viên Hội Đồng Bảo An lấy làm tiếc về quyết định của Washington. Nhiều nước Ả Rập cũng có phản ứng chỉ trích Mỹ, chẳng hạn Algérie, nước đã đệ trình dự thảo lên Hội Đồng Bảo An.

Nga và Trung Quốc đương nhiên lên tiếng chỉ trích Hoa Kỳ. Theo Bắc Kinh, lá phiếu phủ quyết của Mỹ sẽ chỉ càng làm tình hình ở dải Gaza « thêm nguy hiểm ».

Thế chiến II: Pháp đưa kháng chiến quân người Armenia vào điện Panthéon

Tổng thống Emmanuel Macron hôm nay, 21/02/2024, nhân danh nước Pháp tỏ lòng tri ân những người nước ngoài đã chiến đấu trong hàng ngũ kháng chiến quân Pháp trong Đệ Nhị Thế Chiến, qua việc đưa chiến binh người Armenia Missak Manouchian, cộng sản, vô quốc tịch, và các đồng đội của ông vào điện Panthéon ở Paris, nơi chôn cất và tôn vinh những nhân vật lịch sử và những người đã làm rạng danh cho nước Pháp.


Missak Manouchian (T) và phu nhân Mélinée Manouchian. © Archives Manouchian et Roger-Viollet
Thanh Phương
Theo hãng tin AFP, vào đúng 6 giờ 30 chiều nay, linh cữu của Missak Manouchian và vợ là Mélinée, cũng là một kháng chiến quân, đặt trên vai của những người lính Lê dương, sẽ được đưa vào điện Panthéon. Các đồng đội của Manouchian cũng sẽ được đưa vào đây một cách biểu tượng, với tên của họ được ghi trên một tấm bảng.

Buổi lễ sẽ kéo dài một tiếng rưỡi, trong đó nhiều hình ảnh về Manouchian sẽ được chiếu và các bài hát về kháng chiến quân người Armenia này sẽ được cất lên. Khoảng 2.000 người đã được mời đến dự buổi lễ, trong đó có các lãnh đạo đảng Cộng Sản Pháp, thủ tướng Armenia Nikol Pachinian và nhiều đại diện của cộng đồng người Armenia ở Pháp cùng với 600 học sinh.

Sống sót sau vụ thảm sát người Armenia năm 1915 trong thời Đế quốc Ottoman, Missak Manouchian đã sang Pháp tị nạn vào năm 1925 và đã có thời gian làm việc trong các nhà máy của hãng xe hơi Citroen. Sau khi nước Pháp bị Đức quốc xã chiếm đóng, Manouchian, tuy là một người không quốc tịch, đã tham gia lực lượng kháng chiến của đảng Cộng Sản Pháp từ năm 1943.

Bị bắt vào đầu năm 1944, Missak Manouchian đã bị kết án tử hình và sau đó bị xử bắn vào năm 37 tuổi cùng với các đồng đội của ông ngày 21/02/1944 tại Mont-Valérien, ngoại ô Paris. Như vậy là đúng 80 năm sau, những người được mệnh danh “các chiến binh trong bóng tối”, bị lãng quên trong một thời gian dài, được đưa vào điện Panthéon, nơi mà kháng chiến quân Pháp Jean Moulin và các chiến binh khác của tướng Charles de Gaulle đã được vinh danh từ thập niên 1960.

Chiến tranh Ukraina:Putin khẳng định giành thêm một chiến thắng, Kiev bác bỏ

Quân đội Ukraina hôm nay, 21/02/2024, đã bác bỏ tuyên bố của phía Nga cho rằng Kiev đã mất quyền kiểm soát một ngôi làng bên bờ sông Dniepr ở miền nam Ukraina.


Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu ở Chelyabinsk, Nga, ngày 16/02/2024. AP - Ramil Sitdikov
Thanh Phương
Theo hãng tin AFP, hôm qua, tổng thống Vladimir Putin cũng như bộ trưởng Quốc Phòng Sergei Shoigu đều tuyên bố Nga đã giành lại được quyền kiểm soát ngôi làng Krinky mà quân đội Ukraina đã chiếm được trong mùa hè 2023 trong những điều kiện hết sức gian nan. Việc chiếm được ngôi làng có vị trí như một đầu cầu ở tả ngạn sông Dniepr bị Nga chiếm đóng là một trong những chiến thắng hiếm hoi của quân đội Ukraina trong chiến dịch phản công từ mùa hè năm ngoái. Tuy nhiên, đầu cầu này vẫn không giúp được lực lượng của Kiev tiến thêm về phía nam. Từ đó đến nay, quân Nga đã oanh kích ồ ạt vào khu vực này và làng Krinky đã bị phá hủy hoàn toàn.

Hôm qua, tổng thống Putin đã xem việc chiếm được làng Krinky là thắng lợi lớn thứ hai sau khi chiếm được thành phố Avdiivka, miền đông Ukraina. Nhưng trên các mạng xã hội hôm nay, bộ tư lệnh mặt trận miền nam của quân đội Ukraina chính thức khẳng định những thông tin nói trên là “hoàn toàn sai lạc” : “Lực lượng phòng thủ của miền nam Ukraina vẫn trấn giữ các vị trí ở làng Krinky và gây những tổn thất nặng nề cho quân địch”.

Quân Ukraina hiện đang bị quân Nga tấn công dồn dập tại mặt trận miền đông lẫn mặt trận miền nam, đồng thời bị oanh tạc liên tục trong lúc đang bị thiếu đạn pháo do viện trợ của phương Tây ngày càng ít đi, thậm chí viện trợ của Mỹ vẫn bị chặn lại ở Quốc Hội.

Trong khi còn vài ngày nữa là bước sang năm thứ ba, tổng thống Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina, chính tổng thống Volodymyr Zelensky hôm thứ Hai vừa qua đã thừa nhận là tình hình trên chiến trường hiện nay là “cực kỳ khó khăn”.

Tên lửa Bắc Triều Tiên chứa linh kiện phương Tây ?
Trong khi đó, theo một tổ chức phi chính phủ, Conflict Armament Research (CAR), các mảnh còn sót lại của một tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên được tìm thấy ở Ukraina có chứa những linh kiện điện tử được sản xuất tại châu Âu và Hoa Kỳ. Điều này có nghĩa là Bình Nhưỡng đã lách được các biện pháp trừng phạt của quốc tế để mua được các linh kiện đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét