Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 23 tháng 1, 2024

Thứ Bảy Tuần Này: Văn Nghệ Mừng Tết Giáp Thìn 2024, Dành Riêng Cho Tuổi Trẻ Hải Ngoại! và Kính Chuyển Tin Việt Nam Hôm Nay Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải

Tuần Này: Văn Thơ Lạc Việt Hân Hạnh Giới Thiệu Chiều Văn Nghệ Mừng Tết Giáp Thìn 2024, Vô Cùng Độc Đáo, Vui Tươi, Ý Nghĩa, Dành Riêng Cho Tuổi Trẻ Hải Ngoại! Nhớ Tham Dự Chiều Thứ Bảy Tuần Này! Văn Thơ Lạc Việt Giới Thiệu Chương Trình Văn Nghệ Mừng Tết Giáp Thìn 2024.
<!>




Chương Trình Mừng Xuân Độc Nhất (trong các sinh hoạt mừng Tết) Dành Riêng Cho Tuổi Trẻ Hải Ngoại!
Lúc 3 giờ chiều Thứ Bảy, ngày 27 tháng 1 năm 2024
Tại 70 W. Hedding St. Hall #114, San Jose, Ca 95110
Trong mục đích “Tiếng Việt Còn, Nước Việt Còn!”
Độc đáo, hay lạ, tươi vui nhất, của Mùa Xuân năm nay!


Với gần cả trăm “Nghệ Sĩ” Tí Hon biểu diễn trên sân khấu trong các tiết mục:
-Nhiều nhóm Hát, Múa và Hài Kịch Vui Tết.
-Màn trình diễn kết hợp độc đáo giữa Âm Nhạc Truyền Thống & Tân Nhạc và Cổ Nhạc
-Trình diễn thời trang sáng tạo!
-Câu đố vui, liên quan đến Tết Nguyên Đán, với nhiều giải thưởng
-Hò Lô Tô có thưởng!


Và còn rất nhiều tiết mục hấp đẫn khác, trong mục đích khuyến khích Các Bé vừa vui chơi, vừa học Tiếng Việt!
Xin các Phụ Huynh, chở con em tham gia, sinh hoạt ý nghĩa này.
Do Văn Thơ Lạc Việt bảo trợ. Vào cửa tự do! Hoàn toàn miễn phí!


Tất Niên Của Văn Thơ Lạc Việt & Ra Mắt Giai Phẩm Xuân Giáp Thìn 2024


Lời Mời
Tham Dự Tiệc Tất Niên của Văn Thơ Lạc Việt & Ra Mắt Giai Phẩm Xuân!
Kính Thưa Quý Niên Trưởng Cố Vấn, Quý Anh Chị Thành Viên, Văn Thi Hữu, Hội Đoàn Thân Hữu và Gia Đình.
Theo truyền thống Việt Nam ta, những ngày Cuối Năm, hội nào, đoàn thể nào, cũng thường tổ chức một buổi họp mặt thân mật, trước là có cơ hội gặp nhau, tổng kết những việc đã làm trong năm qua, và hoạch định những việc sẽ làm trong Năm Mới.


Văn Thơ Lạc Việt cũng giữ truyền thống tốt đẹp này.
Năm nay Tất Niên VTLV, được tổ chức,
Lúc: 5 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 4 tháng 2 năm 2024. (Trước tuần lễ Mừng Tết Giáp Thìn 2024)
Tại: Nhà hàng Cao Nguyên
Số 2549 S. King Rd, Ca 95122 (408) 270-9610
Đây cũng là dịp mừng Sinh Nhật các Thành Viên có tháng sinh, 3 tháng đầu tiên trong năm)

1 Mrs Trần Tuyết Vân
2 Mrs. Lê Diễm
3 Mrs. Trúc Giang
4 Mr. Nguyên Phương
5 Mrs. Minh Thuý
6 Mr. Trường Giang
7 Mrs. Tina Phạm
8 Mr. Lê Tuấn
9 Mrs Tuyết Nhung
10 LS Nguyễn Công Bình
11 Mrs. Đỗ Dung


Ra mắt Giai Phẩm Xuân của VTLV.
Có văn nghệ giúp vui và nhiều mục vui lấy hên cho Năm Mới.
Nổi tiếng là một trong những Tiệc Tất Niên vui vẻ, ấm áp, thân tình nhất hàng năm, mà không phải đóng góp một chi phí nào!
Đây là tiệc mở rộng, rất hân hạnh Chào Đón, người thân, gia đình, bạn bè thân hữu, của tất cả Quý Thành Viên.


Trân Trọng Kính Mời
*Để giúp thông báo, tổng số người tham dự cho Nhà hàng, xin liên lạc trước với Anh Cựu Chủ Tịch Chinh Nguyên, báo là mình sẽ tham dự mấy người, là đủ. Chân Thành Cảm Tạ.


Tin Cộng Ðồng
***
Bắc Việt Nam, Việt Cộng Từ Chối Xác Nhận Chủ Quyền Hoàng Sa 50 Năm Trước


(Ảnh chụp màn hình: "Miễn bình luận" - các viên chức Cộng sản của Việt Cộng và Bắc Việt Nam liên tục trả lời trong một cuộc họp báo vào ngày 19 tháng 1 năm 1974 khi được hỏi ai sở hữu quần đảo Hoàng Sa.)
-Năm mươi năm trước, Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa trong một cuộc chiến kéo dài chỉ vỏn vẹn hai ngày. Nó đánh dấu một trong những cuộc xung đột vũ trang đầu tiên liên quan tới tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Đến nay, Bắc Kinh vẫn nắm toàn quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa và thậm chí còn mở rộng tuyên bố chủ quyền xuống quần đảo Trường Sa và xa hơn nữa về phía Nam. Và họ không ngần ngại đối đầu với các nước láng giềng khác có tuyên bố chủ quyền chồng chéo, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam tuyên bố chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo này và rằng đây là một lập trường nhất quán đã được duy trì từ lâu. Nhưng 50 năm trước, Bắc Việt Nam và các đồng minh Cộng sản của họ ở miền Nam Việt Nam từ chối bình luận khi được hỏi về chủ quyền của Hoàng Sa vào lúc chiến sự đang diễn ra.
Ngày 19 tháng 1 năm 1974, tại một cuộc họp báo với các phóng viên quốc tế ở Sài Gòn, các viên chức Việt Cộng lẫn Bắc Việt Nam đều hai lần trả lời "Miễn bình luận" khi được hỏi ai sở hữu quần đảo Hoàng Sa, giữa lúc Trung Quốc tấn công các vị trí mà các binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa nắm giữ trên các đảo này.
Cuối cùng, khi câu hỏi được lặp lại lần thứ ba, viên chức Việt Cộng, Tướng Hoàng Anh Tuấn, trả lời qua người thông dịch: 'Tôi tin rằng 'Miễn bình luận' là đủ rồi", theo tờ Times.

Một bản tin khác của nhật báo này vào ngày 25 tháng 1 năm 1974 cho biết một số viên chức Mỹ lưu ý rằng Bắc Việt Nam đã không nói gì về tranh chấp giữa Nam Việt Nam và Trung Quốc. Họ cho rằng sự im lặng đó "cho thấy Bắc Việt Nam lâm vào thế khó là không muốn lên tiếng ủng hộ việc Trung Quốc chiếm đảo mà lâu nay Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng lại không thể chỉ trích Trung Quốc".
Về phần mình, Việt Nam Cộng Hòa nỗ lực kháng cự cuộc tấn công của Trung Quốc trên biển và lên tiếng trước cộng đồng quốc tế, nhưng cuối cùng phải chấp nhận thất bại. Bắc Kinh đã tiến hành một cuộc "tấn công tàn khốc" khiến Sài Gòn bị áp đảo ngay từ đầu.


Một Giáo Dân Đến Mỹ Tị Nạn Sau 'Trao Đổi' Trong Chuyến Thăm Việt Nam của Ông Biden


(Hình: Nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Trường và gia đình đến phi trường quốc tế Dulles ở Virginia ngày 18/1/2024.)
-Ông Huỳnh Ngọc Trường, nhà hoạt động vì quyền đất đai và là giáo dân Cồn Dầu ở Đà Nẵng, vừa rời Việt Nam đến Mỹ định cư sau nỗ lực ngoại giao giữa Hoa Thịnh Ðốn và Hà Nội trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Ông chia sẻ cảm xúc với Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) hôm 19/1/2024, một ngày sau khi ông và gia đình có tất cả 6 người đặt chân đến thành phố Raleigh, tiểu bang North Carolina:
"Trốn chạy khỏi chế độ độc tài và đến một đất nước tự do, tôi rất bỡ ngỡ và xúc động khi chính phủ Mỹ quá tốt với những người tị nạn như chúng tôi. Họ lo nhà cửa, các thứ…tôi xin cảm ơn chính phủ Mỹ".

Ông Trường cho biết rằng sau chuyến thăm Hà Nội của ông Biden vào tháng 9, ông vẫn chưa được công an Đà Nẵng cho xuất cảnh ngay vì "trường hợp này khó đi", ông thuật lời một viên chức an ninh nói với ông.
"Họ không thể để dễ dàng cho tôi rời khỏi Việt Nam và họ đã làm việc với tôi rất nhiều lần", vẫn lời ông Trường.
"Tôi bị cấm xuất cảnh vào năm 2019 mãi cho đến cuối 2023. Sau khi được Tổng thống Biden qua Việt Nam nâng cấp quan hệ và tôi được được vào diện "trao đổi" thì họ mới bằng lòng cấp sổ thông hành để tôi xuất cảnh".

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch tổ chức phi chính phủ BPSOS ở Mỹ, nói với VOA rằng tổ chức của ông đã vận động cho ông Trường xin tị nạn tại Mỹ sau khi ông Trường và các giáo dân Cồn Dầu sang Thái Lan tham dự Hội nghị Tự do Tôn giáo và Niềm tin Đông Nam Á năm 2019 và khi họ quay về đã bị công an xuất nhập cảnh thẩm vấn, câu lưu…
"Anh Trường bị công an đe dọa, đánh đập, bắt bớ… nên chúng tôi vận động để đưa anh Trường đi tị nạn tại Hoa Kỳ", ông Thắng nói. "Đơn xin tị nạn đã được chấp thuận khá lâu rồi nhưng công an cứ giữ mãi sổ thông hành… Mãi cho đến sau khi Tổng thống Biden đến thì lệnh giữ sổ thông hành mới được gỡ bỏ, anh Trường mới có được sổ thông hành".
Trong phản hồi bằng email hôm 19/1, Bộ Ngoại giao Mỹ không xác nhận cũng không bác bỏ việc ông Trường đến Mỹ tị nạn chính trị sau nỗ lực ngoại giao của chính quyền Tổng thống Biden. Bộ này nói rằng: "Vì lý do bảo mật và quyền riêng tư, chúng tôi không thể cung cấp thông tin cụ thể về các trường hợp được đề cập".

Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Công an CSVN và Công an Đà Nẵng chưa phản hồi ngay khi VOA đề nghị họ đưa ra bình luận.
Hôm 19/9/2023, hãng tin Reuters dẫn lời các viên chức Mỹ tiết lộ rằng hai nhà hoạt động Việt Nam mà chính quyền Mỹ tin là đã bị chính quyền Cộng sản ở nước này bắt giữ sai trái sẽ tái định cư tại Hoa Kỳ theo một "thỏa thuận" được đàm phán trước chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Biden từ ngày 10/9/2023.
Khi ấy, hãng tin Reuters không nêu tên các nhà hoạt động, nhưng nói rằng một trong hai người này là một Luật sư nhân quyền vận động đòi quy trách nhiệm về nạn bạo hành của công an, còn người kia là một giáo dân Công giáo bị cưỡng chế ra khỏi nhà.

Tại Hoa Kỳ, hai gia đình này dự kiến sẽ được tái định cư theo chương trình tị nạn "Ưu tiên số 1" hay "Priority One", vẫn theo thông tấn xã Reuters. Hai nhà hoạt động vừa kể dù chưa bị cầm tù nhưng bị cấm rời khỏi Việt Nam.
Như VOA đã đưa tin hồi tháng 9/2023, khi Tổng thống Biden đến Hà Nội nâng cấp quan hệ ngoại giao lên tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam, nhà hoạt động tự do tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển và nhà hoạt động môi trường Mai Phan Lợi đã được ra tù trước thời hạn, ông Truyển sau đó được cho sang Đức tị nạn. Đến tháng 10/2023, Luật sư nhân quyền Võ An Đôn và gia đình cũng đến Mỹ tị nạn chính trị.
Các nhà hoạt động cho VOA biết rằng ông Trường là người thứ tư và cũng là người cuối cùng trong "thỏa thuận" này giữa Mỹ và Việt Nam trong chuyến công du của ông Biden.

Trong một email phản hồi cho VOA trước đây khi được hỏi liệu có một "thỏa thuận" như vậy, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói: "Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam bảo đảm tất cả người Việt Nam có thể được hưởng các quyền con người cơ bản mà không sợ bị bắt giữ hay đàn áp".
"Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây, Tổng thống Biden đã nêu lên tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền là ưu tiên hàng đầu của cả Chính quyền ngài và người dân Mỹ", phát ngôn viên Hoa Kỳ nói. "Và chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại thẳng thắn về chủ đề này".
Theo tổ chức BPSOS, năm 2010, chính quyền Đà Nẵng đưa lực lượng công an và cảnh sát cơ động tấn công cả giáo xứ Cồn Dầu khi họ đang đưa đám một giáo dân cao tuổi mới qua đời. Sự việc này khiến 100 giáo dân bị thương tích; 62 giáo dân bị bắt và tra tấn; 6 giáo dân bị xử án tù và gần 150 giáo dân phải chạy sang Thái Lan và Mã Lai Á lánh nạn.
"Chính quyền Đà Nẵng đã thu hồi toàn bộ đất đai của chúng tôi, lấy danh nghĩa là 'làm đô thị sinh thái', nhưng thực chất là phân lô bán nền", ông Trường chia sẻ sự bất mãn của ông về vụ giáo dân Cồn Dầu mất đất từ 14 năm về trước. "Trong nhiều năm qua, chúng tôi thấy việc thu hồi đất này quá bất công nên chúng tôi đứng lên đấu tranh để đòi quyền lợi đất đai, cũng như quyền tự do tôn giáo".

Vào cuối tháng 12/2023, trang An ninh TV của Bộ Công an cho rằng tổ chức BPSOS đã "lợi dụng" sự việc ở giáo xứ Cồn Dầu, với các sự việc phức tạp, khiếu kiện kéo dài gắn với yếu tố dân tộc, tôn giáo "để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam".
Trước đó, trong nhiều dịp khác nhau, chính quyền Đà Nẵng và Việt Nam nói rằng không có chuyện đàn áp người dân Cồn Dầu và tuy có một số đề về đất đai ở đó song cuối cùng đều đã được giải quyết ổn thỏa.


Tin Việt Nam Hôm Nay

Kinh Tế Khó Khăn, Đời Sống Dân Việt Khốn Khổ Khi Tết Đến


(Hình: Nhiều khu chợ ở Việt Nam lâm vào cảnh đìu hiu khi người dân thắt chặt chi tiêu.)
-Nhiều người dân trong nước, trong đó có dân lao động, công nhân và tiểu thương, đang vật lộn với cuộc sống hàng ngày trong lúc gần tới Tết trong bối cảnh kinh tế Việt Nam khó khăn nhất trong nhiều năm, theo tìm hiểu của Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA).
Nền kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào xuất cảng sang các thị trường Mỹ và Âu Châu. Khi nhu cầu từ các thị trường này giảm xuống do lạm phát cao, đơn hàng ít dần đi khiến các hãng xưởng trong nước phải sa thải công nhân hoặc thậm chí đóng cửa. Thu nhập người dân ít đi ảnh hưởng đến sức mua khiến thị trường ế ẩm.
Việt Nam kết thúc năm 2023 với mức tăng trưởng kinh tế cả năm là 5,05%, theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố hôm 29/12 năm 2023, thấp hơn mục tiêu 6,5% mà Quốc hội đề ra.

Nếu không tính hai năm dịch Covid 2020 và 2021 thì đây là tốc độ tăng trưởng thấp nhất của Việt Nam trong vòng 24 năm qua, thấp hơn cả trong giai đoạn khủng hoảng tài chánh toàn cầu 2008-2009.
Thu Nhập Giảm Một Nửa
Từ huyện Bến Lức, tỉnh Long An, ông Lê Văn Chàng, 43 tuổi, công nhân xây dựng theo chủ thầu đến làm công trình ở đây, nói với VOA rằng năm nay 'công việc rất khó khăn, tiền bạc eo hẹp'.
"Nói chung giờ làm trước trả sau chán lắm", ông nói và giải thích ông lãnh lương theo tuần. Lúc trước ông làm tuần nào lãnh tuần đó nhưng bây giờ chủ không có tiền trả lương mà chỉ tạm ứng, sau đó 3-4 tuần mới gom lại trả nợ lương một lần.

"Mình làm tuần này được tạm ứng rồi ăn hết tiền, đến tuần sau lại được ứng thì trích một ít đóng tiền nhà trọ, còn một ít để ăn. Đến khi hết thì lại được ứng nữa. Cứ gối đầu vậy hoài, không dư gì hết", ông Chàng nói.
Sở dĩ có tình trạng này là do công ty của ông lúc trước nếu khối lượng công trình là 10 phần thì giờ đây chỉ còn 3-4 phần. Người thợ hồ này lý giải là do thị trường bất động sản đóng băng, rồi 'không biết chủ bị vốn liếng, đất đai như thế nào đó mà họ xây cất cũng ít'.
"Mấy năm trước làm chưa xong công trình này thì chủ đã nhận được công trình khác", ông kể và cho biết để đối phó tình hình, chủ công ty chỉ giữ lại 'những lính ruột đã làm lâu năm' vốn theo chân chủ đi từ chỗ này đến chỗ khác và cho nghỉ những công nhân thời vụ ở địa phương.

Tiếng là cho nghỉ nhưng thực ra chủ gửi công nhân thời vụ qua các chỗ khác, cũng theo lời công nhân này. "Nếu cho người ta nghỉ thẳng luôn thì nếu lỡ mai mốt có nhận công trình nữa thì mất lính. Lúc đó kiếm đâu ra người", ông nói.
Về thu nhập bản thân, ông Chàng cho biết ông không lãnh lương định kỳ mà là 'làm nhiêu lãnh nhiêu, có làm mới có ăn' nên những lúc không có việc hay những lúc ốm đau thì ông không có thu nhập. Trong năm 2023 thu nhập của ông 'giỏi lắm được 3-4 phần, còn chưa được 50% so với lúc trước.
Tuy nhiên, ông nói ông vẫn còn may mắn hơn nhiều người vì còn công việc, chứ nhiều người xung quanh ông 'thất nghiệp nhiều lắm'. "Người ta về quê quá trời, họ đi bán vé số nhiều lắm, ngoài ra họ còn đi phụ bán quán", ông nói.
"Mấy năm trước công nhân còn được tăng ca chứ năm nay đâu có được, cứ đúng giờ là về", ông nói thêm.

Năm 2023 có lúc ông Chàng phải nghỉ ở nhà hơn một tháng. Khi đó, ông phải về quê ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, sống qua ngày. Ông kể ở dưới quê 'dễ sống'.
"Rau thì ngoài đồng nhóc, mình chỉ đi giăng lưới kiếm cá. Còn gạo thì các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm họ cho. Mấy ngày rằm ở quê người ta thường hay đi bố thí cho những người khổ, có khi họ cho mỗi hộ vài chục ký gạo".
Cũng theo lời ông Chàng thì do tháng vừa rồi ông 'đau ốm cứ lịt xịt hoài' nên cũng không đi làm được, mà mượn tiền thì không mượn ai được nên ông buộc lòng phải lấy cà vẹt xe gắn máy đi cầm. Số tiền cầm xe được 7 triệu nhưng ông phải trả tiền lời mỗi tháng là 1.260.000 đồng, ông nói và cho biết không biết chừng nào ông mới dành dụm đủ 7 triệu đồng để chuộc xe về.
Ông cho biết lúc trước chủ thầu có hỗ trợ công nhân 50% tiền thuê trọ nhưng hiện giờ họ chỉ cho xe vận tải chở đồ đạc công nhân theo công trình đến nơi ở mới chứ không trợ cấp tiền trọ nữa.

Khi được hỏi năm nay sẽ ăn Tết thế nào, ông Chàng nói do 'ông sống có một mình, vợ con đã bỏ đi còn cha mẹ đã mất hết trong đại dịch nên cũng dễ'.
"Mình có một mình nên làm nhiêu ăn nhiêu. Năm nay chưa biết có về quê không. Để coi từ giờ đến Tết có dư được bao nhiêu thì mới về quê", ông nói và cho biết chủ thầu có hứa sẽ thưởng Tết đầy đủ căn cứ vào số ngày làm trong năm.
"Lúc dịch bệnh cha mẹ mất hết cùng một lúc nên cũng kẹt đủ thứ tiền. Tôi phải đi vay đầu này mượn đầu kia", ông nói. "Năm nay mần để coi nếu còn dư được nhiều thì về quê ăn Tết cúng ông bà với anh em".
"Còn chủ nợ dưới quê thì nói với người ta ráng đợi sang năm để mình xoay sở trả nợ chứ bây giờ khổ quá".

'Người Bán Nhiều Hơn Người Mua'
Tại chợ An Đông, Quận 5, một khu chợ nổi tiếng là sầm uất bậc nhất ở Tp. HCM, ông Hoàng Công Bằng, chủ một sạp áo dài trong chợ, than thở với VOA rằng 'năm rồi buôn bán chậm lắm'.
"Nếu như trước dịch bán được 10 thì bây giờ chỉ được khoảng 4 đến 5 là cùng, sợ không được nữa đó chứ", ông Bằng nói và cho biết thu nhập của ông 'đã giảm một nửa'.
"Kinh tế khó khăn quá. Nhiều doanh nghiệp giải thể rồi. Công ty không còn đơn hàng cho công nhân làm. Công nhân về quê hết", ông chỉ ra. "Thành ra nó ảnh hưởng dây chuyền. Mọi người không có tiền nên ai cũng tiết kiệm tối đa và hạn chế mua sắm".
"Cái gì không cần thiết thì họ không mua nữa", người tiểu thương này nói thêm. "Có nhiều sạp hàng ra cả tuần không bán được món gì luôn".

Ông Bằng mô tả khung cảnh chợ An Đông những ngày này là 'tiểu thương ngồi ngóng khách từ sáng đến tối mà không có ai vô nên bà con cứ ngồi cầm điện thoại bấm, giết thời gian, hoặc là chỉ ngồi nhìn nhau'.
Theo lời ông thì trước dịch ông buôn bán rất được và ngay cả dịch vừa xong ông 'vẫn bán OK' nhưng sang đến năm 2023 thì 'xuống hẳn'.
Sạp hàng của ông là nơi thường được các đoàn du khách từ các tỉnh hay ngoài bắc vào ghé thăm, ông cho biết. Họ đến đặt may áo dài, sau đó đi chơi chừng vài a tiếng thì ghé lại lấy.
"Hồi xưa du khách tới nườm nượp mà bây giờ lâu lâu mới có một đoàn mà họ không mua sắm thả ga như hồi trước nữa".
Ngoài ra, mỗi năm vào mùa cưới dịp từ tháng 8 đến tháng 10 sạp áo dài của ông rất đắt khách do 'nhiều cô dâu, chú rể hay ông bà sui cần mua áo dài' nhưng cả năm qua 'hầu như không thấy luôn', ông nói. Nhiều người thay vì mua giờ đây họ chỉ thuê mặc dù áo dài thuê thường không đẹp, không vừa so với đặt may hay mua riêng.
"Thường thì mấy bà ngồi sui họ thường chọn những mẫu áo dài đính đá, kết cườm giá thành lên đến hàng triệu", ông kể. "Nhưng bây giờ có người ngồi sui mà tội nghiệp lắm. Họ nói không có tiền nên chỉ muốn mua bộ đơn giản chỉ vài trăm ngàn".

Để kéo khách, người chủ tiệm áo dài phải giảm giá hết cỡ, với mỗi bộ áo dài ông chỉ còn lời chừng 50 cho đến 30 ngàn đồng', theo lời ông, và hiện giờ ông đang bán hững bộ áo dài chỉ với 150 ngàn đồng để thu hồi vốn.
Ngoài ra, ông còn phải tận dụng các kênh mạng xã hội như YouTube, Facebook, TikTok hay Shopee để bán hàng. "Tôi phải xoay sở đủ hết, bán chỗ này chút, chỗ kia chút thì cũng có thể cầm cự được", ông nói.
Ông Bằng cho biết ông còn đỡ một chỗ là qua đợt dịch, nhân viên của ông nghỉ về quê hết nên hiện giờ ông không phải mất chi phí nhân công mà chỉ còn hai vợ chồng ông bươn chải ngoài sạp.

Riêng về bạn hàng bỏ mối, ông Bằng cho biết 'từ Lạng Sơn, Hà Nội cho đến Phú Quốc họ nợ tôi nhiều lắm, mỗi người nợ năm ba chục triệu'. "Mình gọi điện thì họ nói họ khó khăn quá thì mình cũng chịu. Hoàn cảnh ai cũng như nhau thành ra tôi cũng thông cảm, không đòi rát quá", ông bày tỏ.
Về tình hình kinh doanh cuối năm, ông cho biết 'có nhích lên được một chút do bà con Việt kiều về quê ăn Tết'.
Khi được hỏi có vay mượn ngân hàng để cầm cự cho qua giai đoạn khó khăn không, ông Bằng nói ông không dám đi vay vì 'buôn bán không được lấy tiền đâu trả tiền lời cho ngân hàng?'

Có thâm niên hàng chục năm kinh doanh ở chợ An Đông, ông Bằng cho biết năm 2023 là 'năm khó khăn nhất từ trước đến nay'.
Ông mô tả trong chợ An Đông có nhiều chỗ treo bảng 'sang sạp' với giá rẻ chỉ còn chưa tới một nửa so với thời hoàng kim. "Trước 2020 kinh doanh rất ngon lành, nhiều người muốn mua lại nhưng tiểu thương không chịu sang. Bây giờ kiếm người sang lại cũng khó. Hồi xưa nếu có thể sang được với giá 500-600 triệu thì giờ chỉ còn 200-250 triệu", ông nói.
Mặc dù khó khăn như vậy nhưng tiền thuế, tiền hoa chi, tiền thuê mặt bằng, tiền điện nước các tiểu thương vẫn phải đóng đủ 'không thiếu đồng nào', ông Bằng cho biết. Trong thời gian tới các tiểu thương đang tính kiến nghị Ban quản lý chợ và Cục thuế giảm tiền cho họ.
Với thu nhập như vậy, ông Bằng nói ông chỉ kiếm đủ để trang trải chi phí trong nhà chứ không còn dư dả để dành dụm như mọi năm.
Do đó, ông Bằng tính Tết năm nay vợ chồng con cái ông sẽ về quê vợ ở Bình Thuận ăn Tết và 'sẽ lì xì cho ông bà ngoại ít hơn mọi năm'.


Vận Chuyển Hàng Không Việt Nam-Âu Châu Tăng Vọt Giữa Bối Cảnh Gián Đoạn ở Biển Đỏ


(Hình: Tàu Genco Picardy thuộc sở hữu của Mỹ đã bị tấn công bởi một máy bay không người lái mang bom do phiến quân Houthi của Yemen phóng ở Vịnh Aden vào ngày 18/1/2024. Các cuộc tấn công đã làm gián đoạn việc vận chuyển hàng hóa ở khu vực Biển Đỏ.)
-Sự gia tăng bất thường về hàng hóa hàng không trên tuyến xuất cảng quần áo quan trọng từ Việt Nam sang Âu Châu cho thấy các chủ hàng đang chuyển hướng sang vận chuyển hàng không đắt tiền hơn do tình trạng vận chuyển bị gián đoạn vì các cuộc tấn công vào tàu thuyền ở Biển Đỏ, công ty vận chuyển hàng hóa Xeneta cho biết hôm 19/1/2024.

Khối lượng hàng hóa từ Việt Nam đến Âu Châu đã tăng 62% trong tuần lễ kết thúc vào ngày 14/1 so với tuần trước và giá cước tăng 10%, theo ông Niall van de Wouw, Giám đốc Vận tải Hàng không của công ty cho biết khi so sánh giá cước vận tải hàng không và đường biển.
"Đây là tín hiệu đầu tiên trong dữ liệu Xeneta cho thấy cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ đang ảnh hưởng đến vận tải hàng không. Đây thường là thời điểm yên ắng trong năm đối với vận tải hàng không. Do đó, sự gia tăng ở mức độ này, với khối lượng cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong năm 2023, là đáng kể", ông van de Wouw nói.
Biển Đỏ, dẫn tới kênh đào Suez, nằm trên tuyến đường thương mại Đông-Tây quan trọng từ các trung tâm sản xuất của Á Châu đến Âu Châu và tới bờ biển phía Đông Mỹ Châu. Khoảng 12% lưu lượng vận chuyển hàng hải trên thế giới đi vào Kênh đào Suez qua vùng biển này.

Các công ty hậu cần cho biết nhiều nhà sản xuất đang tìm cách vận chuyển sản phẩm của họ bằng đường hàng không trong vài tuần tới khi nhóm Houthi ở Yemen có liên hệ với Iran thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào các tàu thuyền, buộc họ phải tìm các tuyến đường thay thế.
Các công ty vận tải đang nỗ lực để có nhiều không gian vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không hơn. Một số khách hàng đã bắt đầu vận chuyển toàn bộ hoặc một phần hàng hóa bằng đường hàng không để tránh bị chậm trễ.

Ông Van de Wouw cho biết khối lượng vận chuyển bằng đường hàng không trên tuyến Việt Nam-Âu Châu trong tuần lễ kết thúc vào ngày 14/1 cao hơn 6% so với tuần cao điểm trong tháng 10 năm 2023 và tăng 16% so với cùng tuần này vào năm trước.
"Trong hai tuần tới, chúng ta sẽ biết chắc chắn liệu đây có phải là sự thay đổi thực sự và đáng kể từ vận tải đường biển sang vận tải hàng không do cuộc khủng hoảng Biển Đỏ hay không", ông nói.


Vũng Tàu Khởi Tố Người Đốt Cờ Đỏ Sao Vàng, Đăng Lên Mạng

-Công an vừa khởi tố và bắt giữ để điều tra một người đàn ông đốt quốc kỳ và đăng tải clip tự mình quay lại hành động này lên mạng xã hội ở thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tờ Công an Nhân dân cho biết.
Người này được xác định là ông Phạm Công Hùng Nhân, 43 tuổi, chủ nhân tài khoản 'Hung Van Pham Cong', trên Facebook. Ông Nhân sống tại khu phố 4, phường Phước Nguyên, Bà Rịa, theo tờ báo này.
Ông Nhân đã đăng một đoạn video clip dài gần 4 phút ở chế độ công khai mà trong đó ông Nhân đang đốt cờ đỏ sao vàng, hôm 10/12 năm 2023. Ngay sau đó, phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng kỹ thuật cao thuộc Công an Bà Rịa-Vũng Tàu đã truy ra được ông Nhân và triệu tập ông lên làm việc.

Ngoài ra, ông Nhân còn bị công an xác định là 'thường xuyên đăng tải bài viết, hình ảnh, video xúc phạm Quốc kỳ, xuyên tạc, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của lãnh tụ, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xuyên tạc sự thật lịch sử cách mạng, phủ nhận chính quyền Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam', tờ Công an Nhân dân dẫn kết quả điều tra của công an cho biết hôm 17/1.
Tờ báo, vốn là cơ quan ngôn luận của Bộ Công an này, cho biết ông Nhân đã khai nhận hành động với công an và nói lý do ông có những hành động như vậy là 'để giải tỏa sự tức giận của bản thân' do 'bị người thân và gia đình xa lánh'.
Ông Nhân còn được dẫn lời khai là 'bản thân là người lang thang đi lượm ve chai'. Hôm 9/12, do 'bực tức vì bị mất một bọc ve chai để trước một căn nhà trên đường Hùng Vương, phường Phước Nguyên, nên đã chụp lấy lá quốc kỳ đang treo trước căn nhà đó đem về'.

Đến tối cùng ngày, khi đang nấu cơm, ông Nhân đã lấy lá cờ đó bỏ vào bếp đốt cháy và dùng điện thoại quay lại, cũng theo kết luận điều tra được tờ Công an Nhân dân dẫn lại. Sau đó, ông đã đăng tải đoạn clip đó lên mạng 'nhằm xúc phạm Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và kêu gọi chống đối Nhà nước'.
Ông Nhân đã bị khởi tố về 'Xúc phạm Quốc kỳ' – một tội hình sự ở Việt Nam với mức hình phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Vào năm 2018, nhà tranh đấu nhân quyền Huỳnh Thục Vy bị xử 2 năm 9 tháng tù vì hành vi bị cho là "xúc phạm Quốc kỳ", sau khi sơn xịt lên lá cờ đỏ sao vàng nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh Việt Nam. Bà Vy nằm trong số hàng trăm tù nhân lương tâm được tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế kêu gọi Việt Nam trả tự do.


Việt Nam Lên Tiếng Việc Trung Quốc Chiếm Đoạt Hoàng Sa Năm 1974


(Hình: Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng.)
-Vào ngày 20/1/2024, Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu quan điểm của Việt Nam về việc Trung Quốc ngang nhiên dùng vũ lực chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa vào ngày 19/1/1974.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng lặp lại câu nói: "Như đã nhiều lần nêu rõ, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa được xác lập ít nhất từ thế kỷ XVII, phù hợp với luật pháp quốc tế và được các nhà nước kế tiếp nhau của Việt Nam thực hiện một cách hòa bình, liên tục, công khai.

Mọi hành động sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là việc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trong quan hệ giữa các quốc gia là hoàn toàn đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, không thể tạo ra danh nghĩa chủ quyền, cũng như không thể làm thay đổi sự thật chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam".
Truyền thông nhà nước không nêu thêm thông tin nào ngoài câu khẳng định trên của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao. Mặc dù nhiều tổ chức dân sự trong và ngoài nước lên tiếng yêu cầu Việt Nam nên kiện Trung Quốc hoặc có động thái mạnh mẽ hơn trong sự kiện 50 năm Hoàng Sa bị cưỡng chiếm bởi Trung Quốc.

Quần đảo Hoàng Sa là một nhóm gồm hơn 30 đảo, rạn san hô, cồn cát và bãi đá ngầm ở Biển Đông.
Từ thế kỷ XVII, đã có những đội ngư binh Hoàng Sa do các chúa Nguyễn tổ chức ra khai thác, khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này.
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, quần đảo Hoàng Sa vẫn là ngư trường truyền thống và đặt dưới sự quản lý của các chính quyền ở Việt Nam.
Tuy nhiên, vào ngày 19/1/1974, Trung Quốc đã ngang nhiên sử dụng vũ lực để chiếm đoạt quần đảo này từ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Trung Quốc sau đó đã xây dựng và cải tạo trái phép các thực thể bị chiếm đóng ở Hoàng Sa, dù có sự phản đối của quốc tế và phía Việt Nam.


Phái Đoàn Viên chức Việt Nam Tìm Giải Pháp An Toàn Hàng Không Tại Hoa Kỳ



(Hình: Một chiếc máy bay Boeing 787 -9 của hãng hàng không Vietnam Airlines cất cánh biểu diễn tại triển lãm hàng không Paris hôm 18/6/2015.)
-Một phái đoàn Việt Nam gồm các viên chức cấp cao thuộc các Bộ Giao thông-Vận tải, Đầu tư, Cục Hàng Không Dân dụng, Cảng Hàng không, và Tổng Cục Hải quan sẽ đến Hoa Kỳ để tìm kiếm giải pháp an toàn hàng không.
Trang chủ của hãng Liberty Defense tại Wilmington, Massachusetts loan tin vừa nêu ngày 18/1 và nói rõ hãng này sẽ đứng ra tiếp đón phái đoàn gồm viên chức các bộ, ngành vừa nêu của Việt Nam. Thời điểm cụ thể chưa được nêu rõ.

Tin cho biết phái đòan viên chức Việt Nam vừa nêu đến Mỹ trong khuôn khổ hoạt động mậu dịch đối ứng (RTM) do Cơ quan Thương mại & Phát triển Hoa Kỳ (USTAD) bảo trợ. Chuyến đi được Phòng Thương mại Song phương (Bilateral Chamber) tổ chức. Đây là mạng các thành viên toàn cầu gồm những lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế nhằm thiết lập mối quan hệ chiến lược giữa Hoa kỳ và các đối tác thương mại toàn cầu nhằm thúc đẩy tăng trưởng, phát triển giáo dục và hiểu biết văn hóa.
RTM sẽ giúp Việt Nam tăng tiến các mục tiêu cải thiện an toàn hàng không và các tiêu chuẩn an ninh khi mà Hà Nội mở rộng cơ sở hạ tầng hàng không nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong dài hạn, thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của Chính phủ Hoa Kỳ trong ngành hàng không Việt Nam; cũng như giúp các công ty Mỹ giới thiệu các trang thiết bị và giải pháp an toàn hàng không cho phía Việt Nam.
Hãng Liberty Defense cho biết họ là nhà cung cấp kỹ thuật hàng đầu về Trí tuệ Nhân tạo (AI) dựa trên giải pháp phát giác thuộc thế hệ kế tiếp nhằm bảo vệ những vị trí an toàn chống lại những vũ khí cấm và các mối nguy khác.


Gần 5.000 Doanh Nghiệp Bất Động Sản Phá Sản, Ngừng Kinh Doanh Trong Năm 2023


(Ảnh: Các tòa nhà cao tầng nhìn từ phía sông Sài Gòn.)
-Có gần 5.000 doanh nghiệp đã phá sản, giải thể hoặc ngừng kinh doanh có thời hạn trong năm 2023.
Đó là thông tin do đại diện Bộ Xây dựng cho truyền thông hay trong ngày 20/1/2024.
Trong đó, có 1.286 doanh nghiệp phá sản, giải thể, tăng 7,7%, và 3.705 doanh nghiệp ngừng kinh doanh, tăng 47,4%, so với cùng kỳ năm trước.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho biết bất động sản là ngành duy nhất có số doanh nghiệp thành lập mới thấp nhất trong năm 2023, chỉ khoảng 4.725 doanh nghiệp, giảm khoảng 45% so với cùng kỳ.

VARS xác nhận bình quân mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp địa ốc phá sản.
Trong báo cáo của mình, VARS nêu rằng: "Các doanh nghiệp may mắn còn tồn tại trên thị trường hầu hết đều xác định tinh thần hoặc là lỗ hoặc lợi nhuận có thể giảm tới 80-90% so với cùng kỳ các năm trước".
Theo Bộ Xây dựng, sở dĩ xảy ra tình trạng trên là do trong năm 2023 doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản đối đầu với ba khó khăn, thách thức lớn. Đó là vướng mắc về pháp lý dự án, cụ thể như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất còn nhiều vướng mắc, quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên....

Cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ cũng đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho dự án bất động sản trong công tác giải phóng mặt bằng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thỏa thuận thu hồi đất, áp giá bồi hoàn với người dân, công tác xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, thực hiện các hồ sơ, thủ tục của dự án.
Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng, không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp và huy động vốn khác, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án, phải giãn tiến độ, dừng khai triển.


VinFast Không Đạt Mục Tiêu Bán Hàng Năm 2023


(Hình: Xe điện VinFast đậu trước một cửa hàng ở Los Angeles, tiểu bang California, Hoa Kỳ, ngày 1/3/2023.)
-Hãng xe hơi điện VinFast của Việt Nam vào ngày 18/1/2024 cho biết hàng này không đạt mục tiêu bán hàng trong năm 2023. Chỉ tiêu đề ra là 50.000 xe, nhưng hãng chỉ bán được 35.000 chiếc.
Thông tấn xã AFP loan tin dẫn thông báo của VinFast về số liệu vừa nêu và dẫn phát biểu của Phó tổng Giám đốc Kinh doanh & Tiếp thị VinFast Trần Mai Hoa rằng bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa khởi sắc khiến việc chuyển đổi qua xe điện ở một số khu vực trong và ngoài nước vẫn chậm hơn dự kiến, dẫn đến số xe giao thực tế bị ảnh hưởng.

VinFast luôn bày tỏ mong muốn cạnh tranh với những hãng sản xuất xe điện lớn trên thế giới như Tesla của Hoa Kỳ, và nỗ lực chen chân vào thị trường quốc tế.
Mới vào đầu tháng này, VinFast cho biết có kế hoạch xây dựng một nhà máy ở tiểu bang Tamil Nadu, miền Nam Ấn Độ, với công suất mỗi năm lên đến 150.000 xe,
Hãng cũng có kế hoạch đầu tư ít nhất 1,2 tỉ Mỹ kim vào Nam Dương.
Vào tháng 8/2023, VinFast phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu trên thị trường Nasdaq ở Mỹ. Đầu tiên giá trị được thổi lên cao nhưng nay chỉ còn chừng 7 Mỹ kim mỗi cổ phiếu.

Cũng vào đầu năm 2024, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng của Tập đoàn VinGroup, cha đẻ của VinFast, chính thức chuyển từ vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị VinFast sang làm Tổng Giám đốc điều hành phụ trách sản xuất & bán hàng toàn cầu thay thế bà Lê Thị Thu Thủy. Bà này về làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị VinFast.
Tại thị trường Hoa Kỳ, VinFast phải chật vật khi bán ra sản phẩm xe hơi điện, Những lô xe đầu tiên nhận phải những nhận định xấu từ giới chuyên môn. Tuy vậy, hãng kiên trì cho rằng nếu thành công được ở Mỹ, sẽ thành công tại những nơi khác.


Công An: Vụ Cháy Chung Cư Mini ở Hà Nội Có Vi Phạm Trật Tự Xây Dựng


(Hình: Cháy chung cư mini ở Hà Nội đêm 12/9/2023.)
-Vụ cháy chung cư mini làm 56 người chết ở quận Thanh Xuân, Hà Nội có vi phạm trật tự xây dựng, nhưng không được chính quyền kiểm tra và giải quyết triệt để.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky-Phó Giám đốc Công an Hà Nội xác định thông tin trên với truyền thông tại cuộc họp báo thông tin tình hình kinh tế xã hội tháng 1/2024 diễn ra ngày 19/1.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, được tờ Pháp luật dẫn lời cho biết sẽ tiến hành quy trình tố tụng đối với tập thể, cá nhân liên quan trong vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân đêm 12/9/2023 khiến 56 người chết.

"Chúng tôi cũng đã tiến hành điều tra trong thời gian vừa qua, Công an thành phố đang phân loại để cá thể hóa trách nhiệm, hành vi của cá nhân, tập thể để xảy ra vi phạm. Hiện đang trong giai đoạn điều tra, khi có kết quả giải quyết, chúng tôi sẽ kịp thời thông tin cho báo chí" - ông Ky cho hay.
Thiếu tướng Ky cho biết Công an Hà Nội đã có kế hoạch điều tra, xác định tất cả các yêu cầu, các nhiệm vụ điều tra của vụ án. Trong đó có nhóm hành vi đã có vi phạm trật tự xây dựng nhưng không được kiểm tra giải quyết triệt để. Về nhóm hành vi này, Công an Hà Nội đã tiến hành điều tra trong thời gian vừa qua.
Vụ cháy chung cư mini ở số 37 ngõ 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) làm 56 người chết và 37 người bị thương xảy ra đêm 12/9/2023.
Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam bốn tháng đối với Nghiêm Quang Minh, chủ chung cư nơi xảy ra vụ cháy, về tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy theo điều 313 Bộ luật Hình sự.
Chung cư trên cấp phép sáu tầng, nhưng được xây dựng tới chín tầng.


Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đề Nghị Bộ Chính trị Kỷ Luật Cựu Bộ Trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh Liên Quan Điện, Xăng, Dầu


(Hình AFP, minh họa. cựu Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh (giữa) ở Hội nghị các Bộ trưởng trước APEC ở Đà Nẵng hôm 9/11/2017.)
-Ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cựu Bộ trưởng Công thương, bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, xử phạt kỷ luật.
Đề nghị vừa nêu được đưa ra trong cuộc họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỳ thứ 35 diễn ra trong các ngày 10,11 và 19/1. Truyền thông nhà nước loan tin.
Đề nghị vừa nêu được cho biết căn cứ vào kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại kỳ họp thứ 34 từ ngày 18-20/12/2023.
Kết luận của kỳ họp thứ 34 Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rằng Ban cán sự đảng Bộ Công thương hai nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026 và các ông Trần Tuấn Anh- trưởng Ban kinh tế Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương; Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương; Hoàng Quốc Vượng- Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương có phần trách nhiệm sai phạm trong tham mưu, ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời, điện gió; trong thực hiện Quy hoạch Điện VII điều chỉnh.

Ngoài phần trách nhiệm liên đới vừa nêu đối với công tác tham mưu, ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời, điện gió; trong thực hiện Quy hoạch Điện VII điều chỉnh; Ủy ban Kiểm tra Trung ương còn nêu ra những vi phạm của nhiều lãnh đạo thuộc quyền quản lý của Bộ Công thương trong tham mưu, ban hành cơ chế kinh doanh, điều hành nguồn cung ứng, cấp phép kinh doanh xăng dầu; quản lý sử dụng Quỹ Bình ổn giá; trong lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức đấu thầu, thực hiện các dự án/gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện.
Ngoài ông Trần Tuấn Anh bị đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét kỷ luật, còn có các ông Trịnh Đình Dũng- nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Mai Tiến Dũng- nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Đỗ Thắng Hải- Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công thương; Hoàng Quốc Vượng- nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công thương, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Ông Trần Tuấn Anh vào tháng 1/2019 phải gửi thư công khai xin lỗi về sự việc vợ, con ông được xe ra đến tận thang máy bay để rước. Ông này là con trai cựu Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương.
Ông Trần Đức Lương giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam từ năm 1997 đến năm 2006.


Bắt Giám đốc Công Ty Y Tế Đức Giang Gian Lận Bảo Hiểm Y Tế


(Hình: Bà Huế lúc bị bắt.)
-Bà Nguyễn Thị Huế - Giám đốc Công ty Y tế Đức Giang - Hà Nội vừa bị bắt do đã chỉ đạo nhân viên lập khống các hồ sơ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để chiếm đoạt số tiền lớn.
Ngày 20/1, truyền thông cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Gian lận bảo hiểm y tế, xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Y tế Đức Giang - Hà Nội. Đồng thời, quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Huế (sinh năm 1977, trú tại xã Đức Giang, tỉnh Bắc Giang) về tội Gian lận bảo hiểm y tế.

Tại thời điểm bị bắt giữ, bà Huế là Giám đốc Công ty Y tế Đức Giang - Hà Nội, kiêm Giám đốc Phòng khám đa khoa Đức Giang - Hà Nội.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, các lệnh của Cơ quan điều tra. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã chủ trì phối hợp với Công an huyện Yên Dũng tổ chức thi hành các thủ tục tố tụng đối với bị can Nguyễn Thị Huế theo quy định pháp luật.
Qua điều tra, Công an xác định bà Huế với vai trò là Giám đốc Phòng khám đã chỉ đạo nhân viên lập khống các hồ sơ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để chiếm đoạt số tiền từ bảo hiểm y tế.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.


Thủ Tướng Kỷ Luật Chủ Tịch và Phó Chủ Tịch Tỉnh Quảng Nam


(Hình: Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh.)
-Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh, và Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Quang bị Thủ tướng Chính phủ kỷ luật. Ngoài hai ông này, một số lãnh đạo và nguyên lãnh đạo khác của tỉnh Quảng Nam cũng thuộc số bị Thủ tướng kỷ luật.
Truyền thông nhà nước ngày 19/1/2024 dẫn quyết định do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký thay Thủ tướng Phạm Minh Chính về biện pháp kỷ luật đối với nhóm lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh Quảng Nam do những vi phạm, khuyết điểm trong công tác.

Hình thức kỷ luật được cho biết: ông Lê Trí Thanh bị khiển trách; ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; hai nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn và Đinh Văn Thu bị cảnh cáo.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Trần Đình Tùng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam. Các quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/1.
Vào tháng 11/2023, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam họp kỳ thứ 33 và ra kết luận rằng ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, để Ủy ban Nhân dân tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tiếp nhận công dân về nước phòng, chống dịch; quản lý, sử dụng đất đối với một số dự án đầu tư và thực hiện các dự án, gói thầu do Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) thực hiện; nhiều cán bộ, đảng viên bị xử phạt hình sự.

Qua đó, xét mức độ, hậu quả, và căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Phan Việt Cường -Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh.
Ngoài ra Ủy ban Kiểm tra cũng quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách với Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 và ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cùng nhiều lãnh đạo, cán bộ chủ chốt khác.
Khai trừ ra khỏi Đảng với ông Lê Ngọc Tường, Nguyễn Văn Văn; Cách chức ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Tài chánh các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 đối với ông Thân Đức Sửu và ông Nguyễn Văn Thọ -Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025.
Cùng với đó, Ủy ban Kiểm tra cũng quyết định kỷ luật cảnh cáo ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021; Đảng ủy Sở Tài chánh nhiệm kỳ 2015-2020; Đảng ủy Sở Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2015-2020; Đảng ủy Sở Xây dựng các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025; Đảng ủy Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 cùng một số cán bộ.


Cựu Phó Thủ Tướng Trịnh Đình Dũng, Cựu Bộ Trưởng Mai Tiến Dũng, Trần Tuấn Anh Đối Mặt Kỷ Luật


(Hình: Ông Trịnh Đình Dũng khi còn là Phó Thủ tướng Việt Nam hồi năm 2018.)
-Thêm một loạt viên chức cao cấp, gồm cả một cựu Phó Thủ tướng, phải đối diện với các hình thức kỷ luật của Đảng Cộng sản Việt Nam, các báo trong nước bao gồm cả Người Lao Động, Vietnamnet, Tuổi Trẻ và Lao Động cho hay.
Các báo đưa tin hồi chiều 19/1/2024 dẫn thông tin từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cho hay ủy ban này đề nghị hai cơ quan hàng đầu của đảng là Bộ Chính trị và Ban Bí thư xem xét trách nhiệm, xử phạt kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Công thương các nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026 và một số cá nhân.

Đề nghị của ủy ban được đưa ra sau khi họ tiến hành kỳ họp thứ 35 trong các ngày 10, 11 và 19/1, bàn việc kỷ luật ban cán sự đảng kể trên và một số tổ chức đảng, đảng viên có liên quan, tin cho hay.
Những viên chức bị đề nghị kỷ luật gồm ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương; ông Trịnh Đình Dũng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; và ông Mai Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Ở cấp Thứ trưởng bị đề nghị kỷ luật có hai ông Đỗ Thắng Hải, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công thương; và Hoàng Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công thương, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
5 ông nêu trên và Ban cán sự đảng Bộ Công thương bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định trong kỳ họp hồi tháng 12/2023 là có trách nhiệm liên quan đến những vi phạm, khuyết điểm trong việc phát triển điện mặt trời, điện gió; trong điều chỉnh và thực hiện bản quy hoạch về điện; trong việc lập cơ chế và điều hành hoạt động kinh doanh xăng, dầu; quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá; và cả trong việc tổ chức đấu thầu, phê duyệt, thực hiện các dự án/gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện.

Những vi phạm của họ đã gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục; nguy cơ thiệt hại rất lớn tiền, tài sản của nhà nước, lãng phí nguồn lực xã hội; dư luận bất bình, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cơ quan quản lý nhà nước, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra đánh giá ở thời điểm cuối năm 2023.
Trong cơ chế chính trị Việt Nam, nơi đảng Cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo, các viên chức phải là đảng viên. Khi họ có sai phạm, họ phải chịu kỷ luật của đảng trước khi bị xử phạt theo luật hình sự.
Các hình thức kỷ luật của đảng đối với đảng viên, theo thứ tự từ nhẹ đến nặng, gồm: khiển trách, cảnh cáo, cách chức trong đảng, khai trừ đảng. Nhiều viên chức cấp cao, bao gồm một số Bộ trưởng và ủy viên Bộ Chính trị đầy quyền lực của đảng, đã bị bỏ tù trong những năm gần đây sau khi bị kỷ luật "cách chức" và "khai trừ".


Ông Nguyễn Công Khế Sẽ Bị Tước Tư Cách Tại Hội Đồng Đại học Luật


(Hình: Ông Nguyễn Công Khế lúc nghe lệnh khởi tố, bắt tạm giam.)
-Ông Nguyễn Công Khế, cựu tổng biên tập báo Thanh niên, có thể sẽ bị Hội đồng Đại học Luật Tp. HCM tước tư cách thành viên, chỉ vài ngày sau khi ông bị khởi tố, bắt tạm giam, trang mạng VietNamNet cho biết.
Theo đó, Ban thường vụ trường Đại học này đã họp bàn cách xử phạt ông Khế sau khi có tin ông bị khởi tố, theo lời ông Vũ Văn Nhiệm, Chủ tịch hội đồng trường, được tờ báo dẫn lại cho biết hôm 19/1/2024.

Cũng ghi nhận về việc này, tờ Tuổi Trẻ cho biết Hội đồng trường sẽ xem xét miễn nhiệm tư cách thành viên đối với ông Khế, vốn là một trong 19 thành viên Hội đồng Đại học Luật nhiệm kỳ 2020-2025 do ông Nhiệm làm Chủ tịch.
Ông Khế tham gia hội đồng này với tư cách là Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Truyền thông Thanh niên.
Ông Nhiệm cho rằng ông Khế 'có thể nằm trong trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng vì đã bị khởi tố' nên cần phải được xem xét loại khỏi hội đồng trường. Cơ quan này sẽ ban hành Nghị quyết và sẽ báo cáo lên Bộ Giáo dục-Đào tạo, cũng theo VietNamNet.

Trước đó, hôm 16/1, ông Khế, từng làm tổng biên tập báo Thanh Niên từ năm 1988 đến 2008, đã bị Cơ quan An ninh Điều tra, Công an Tp. HCM, khởi tố về tội 'Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí' liên quan đến những vi phạm về sử dụng đất đai tại khu đất số 151-155 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4.
Cùng bị khởi tố với ông Khế là ông Nguyễn Quang Thông, người kế nhiệm ông làm tổng biên tập báo Thanh niên từ năm 2009 đến 2021.
Lý giải về việc ông Khế và ông Thông bị bắt, báo Công an Nhân dân hôm 16/1 nói rằng hai cựu lãnh đạo này đã "lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao trong thời gian tại vị" và "để khu 'đất vàng' có diện tích 7.069 mét vuông trên rơi vào tay doanh nghiệp tư nhân". Khu đất này ban đầu được phê duyệt cho báo Thanh Niên làm văn phòng, trung tâm thương mại và căn nhà cao cấp. Nhưng, vẫn theo CAND, lô đất này sau đó được "chuyển nhượng lòng vòng cho một số nhà đầu tư trực tiếp làm dự án".
Theo truyền thông trong nước, vụ án đang được Cơ quan Anh ninh điều tra của Công an Tp. HCM mở rộng điều tra "để làm rõ sai phạm, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khác có liên quan, thu hồi tài sản cho Nhà nước".


Tòa Tuyên Tổng Cộng 22 Tháng Tù Với Ba Cựu Công An Bắn Chết Dê của Dân


(Hình: 3 cựu cán Bộ Công an tại tòa.)
-Ba cựu sĩ quan Công an thị trấn Đại Nghĩa (thành phố Hà Nội) bắn chết dê của dân bị tòa tuyên phạt tổng mức án 22 tháng tù giam về hành vi "Trộm cắp tài sản".
Ba cựu sĩ quan công an, được truyền thông nhà nước loan trong ngày 19/1/2024, gồm Nguyễn Văn Nhân (SN 1992) nhận mức án tám tháng tù, Bùi Tiến Tùng (SN 1994) bảy tháng tù và Bùi Đình Việt (SN 1984) bảy tháng tù. Mức án Hội đồng xét xử tuyên thấp hơn so với đề nghị của Viện kiểm sát.
Viện kiểm sát đề nghị mức án 12 đến 15 tháng tù với bị cáo Nhân và chín đến 12 tháng tù với hai bị cáo Tùng và Việt.

Hôm 12/10/2023, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã phải hoãn phiên Sơ thẩm xét xử ba cựu công an trên vì bị hại là người mất dê cùng nhân chứng đều vắng mặt.
Ba cựu cán Bộ Công an hầu tòa với cáo buộc vào trưa 26/6/2023, đi xe hơi, mang theo một khẩu súng hơi vào khu vực núi Mào Gà, thôn Ái Nàng, xã An Phú, huyện Mỹ Đức để bắn chim, nhưng lại bắn chết hai con dê của dân nuôi, sau đó cả ba bỏ vào cốp xe chở về. Trên đường về họ bị người dân phát giác, chặn xe và gọi báo công an xã An Phú và Công an huyện Mỹ Đức.
Các cơ quan chức năng đã lập biên bản hiện trường, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân huyện Mỹ Đức, văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố cùng các đơn vị điều tra, giải quyết theo quy định pháp luật.
Ngày 27/6, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã ký quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với ba cán bộ trên.
Đến ngày 7/7, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam Nguyễn Văn Nhân, Bùi Đình Việt và Bùi Tiến Tùng.
Gia đình ba cựu cán bộ sai phạm cũng đã gửi lời xin lỗi đến gia đình có dê bị bắn chết và bồi thường 20 triệu đồng.


Người Mẫu Ngọc Trinh Tiếp Tục Bị Tạm Giam Tại Trại Tạm Giam Chí Hoà


(Hình: Trần Thị Ngọc Trinh tại cơ quan điều tra.)
-Tòa án Nhân dân Tp. HCM vừa gia hạn tạm giam đối với người mẫu Ngọc Trinh, do thời hạn tạm giam đã hết.
Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 19/1/2024, đồng thời cho biết dự kiến Tòa án nhân dân Tp. HCM sẽ đưa vụ án của nữ người mẫu ra xét xử trước tết nguyên đán Giáp Thìn. Hiện Ngọc Trinh đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Chí Hòa - Công an Tp. HCM.
Hôm 15/1, Viện Kiểm sát nhân dân Tp. HCM đã ban hành cáo trạng, truy tố Trần Thị Ngọc Trinh (quê Trà Vinh, tên đầy đủ của nữ người mẫu) và Trần Xuân Đông (ngụ quận 7, Sài Gòn, là thầy dạy Ngọc Trinh lái xe phân khối lớn) về cùng tội danh "Gây rối trật tự công cộng".

Trần Xuân Đông còn bị truy tố thêm tội 'Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức'. Công an xác định, liên quan đến mô tô được sử dụng để dạy cho người mẫu Ngọc Trinh, Trần Xuân Đông đã xuất trình giấy chứng nhận đăng ký số 122678 là giả. Người này thừa nhận mặc dù biết giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô là giả, nhưng vì thấy xe giá rẻ nên vẫn cố ý mua về sử dụng.
Người mẫu Ngọc Trinh (34 tuổi) bị bắt giữ vào ngày 19/10/2023 sau khi tung lên mạng xã hội những hình ảnh và video chiếu cảnh người mẫu này biểu diễn các pha lái xe phân khối lớn trên đường phố Tp. HCM.
Báo Nhà nước dẫn thông tin điều tra từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tp. HCM xác định, người mẫu Ngọc Trinh không có giấy phép lái xe mô tô hạng A2 nhưng ngày 6/10 đã cùng với Đông tổ chức, thực hiện hành vi điều khiển xe mô tô lưu thông, biểu diễn trên đoạn đường D15 Khu Kỹ thuật cao (thành phố Thủ Đức) với các động tác lái xe nguy hiểm, tư thế phản cảm, không mặc đồ bảo hộ, nằm, quỳ gối trên yên xe…

Theo thông tin từ Công an Tp. HCM được báo Nhà nước trích dẫn, người mẫu Ngọc Trinh và thầy dạy lái xe đã cho quay phim và đăng năm video trên tài khoản TikTok Ngoc Trinh (có 6,8 triệu người theo dõi) và Facebook Trần Thị Ngọc Trinh (có hơn 3 triệu người theo dõi), Fanpage NGỌC TRINH (có 5,9 triệu người theo dõi) và đã nhận được hơn 163 triệu lượt tương tác.
Cơ quan điều tra kết luận, các video này lan truyền trên không gian mạng với hơn 240 bài post trên Facebook, hơn 650 bài viết trên website; hơn 3.000 video liên quan trên YouTube. Việc đăng tải, phát tán nội dung trên đã ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, lối sống và văn hóa ứng xử của giới trẻ….

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét