Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 28 tháng 1, 2024

Thế Giới Năm 2024 - Richard N. Haass,



Khi tôi còn làm việc ở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, các đồng nghiệp thường hỏi tôi điều gì có thể xảy ra trong tình huống này hoặc trong một tình huống khác. Thường thường, vì không có cách nào biết được nên tôi nhắc nhở với họ rằng tôi là giám đốc hoạch định chính sách chứ không phải giám đốc tiên đoán. Nói như thế, nhưng dự đoán có thể là một sự vận dụng hữu ích về trí tuệ giúp đem lại nhiều lợi ích cho chúng ta trong năm mới.
<!>
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 gần như chắc chắn sẽ là sự kiện quan trọng nhất năm 2024. Điều dĩ nhiên là với quyền lực và ảnh hưởng của Hoa Kỳ, các cuộc bầu cử ở Mỹ luôn luôn có tính cách quan trọng. Nhưng điều căn bản khiến cho cuộc bầu cử này trở nên khác biệt có thể là một cuộc bầu cử trong đó sự mâu thuẫn giữa các ứng cử viên của đảng vượt xa hơn các điểm tương đồng của họ. Giả sử Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đều được sự đề cử của các đảng liên hệ, ai thắng cử sẽ có hậu quả quan trọng, đối với cả Hoa Kỳ và thế giới.

Chắc chắn là có một số điểm tương đồng giữa Biden và Trump. Cả hai đều không tin vào một nền thương mại tự do, mặc dù Trump, không giống như Biden, là người hoàn toàn theo chủ nghĩa bảo hộ. Cả hai đều ủng hộ vai trò lớn hơn của chính phủ trong nền kinh tế. Cả hai đều muốn rời khỏi Afghanistan. Họ cũng đồng ý về sự cần thiết phải có một chính sách cứng rắn đối với Trung Cộng, đặc biệt về vấn đề thương mại và đầu tư vào các ngành kỹ thuật quan trọng.

Nhưng các điểm khác biệt còn lớn hơn nhiều. Biden là một chính trị gia chuyên nghiệp, người tin tưởng vào nền dân chủ, tuân theo các chuẩn mực của nó và sẵn sàng vượt ra ngoài chính sách của đảng phái để đạt được những thỏa hiệp có lợi cho đất nước. Trump là một người ngoại cuộc, có tinh thần đảng phái quyết liệt và bác bỏ các chuẩn mực về chính trị (chẳng hạn như chấp nhận sự thất bại trong cuộc bầu cử), thường đặt mình lên trên nền dân chủ của quốc gia.

Chính sách ngoại giao của Biden tập trung xung quanh các đồng minh của Mỹ, những quốc gia mà ông coi như đem lại một nguồn lợi thế đối chiếu lớn đối với Hoa Kỳ. Trump coi các đồng minh là các đối thủ cạnh tranh kinh tế nhiều hơn và là kẻ gây tiêu hao ngân khố của Mỹ. Trong khi Biden coi giai đoạn lịch sử hiện nay như một cuộc cạnh tranh giữa chế độ dân chủ và chuyên chế, đồng thời cho rằng Hoa Kỳ cần giúp đỡ những người bạn dân chủ trên khắp thế giới, thì Trump lại thân thiết hơn nhiều đối với những kẻ chuyên quyền và dường như ông ta ganh tị với khả năng kiểm soát về chính trị của họ. Danh sách các vấn đề khác biệt đáng kể của hai đối thủ vấn đề còn dài, bao gồm sự biến đổi khí hậu, chính sách nhập cư và được phép phá thai, cùng một số các vấn đề khác.
Advertisement

Vào lúc viết bài này, Trump phải được xem như chiếm ưu thế. Quan điểm chính trị và nhân cách của ông phù hợp hơn với thời đại dân túy này. Biden cũng bị bất lợi do nhận thức về tuổi tác của ông cũng như vấn đề lạm phát và người nhập cư. Câu hỏi lớn nhất đang lởn vởn đe dọa Trump là mức độ mà các vấn đề pháp lý của ông ta sẽ chuyển qua thành các vấn đề chính trị.

Nhưng người Mỹ sẽ không chỉ bỏ phiếu bầu tổng thống; lá phiếu của họ cũng sẽ quyết định liệu Quốc hội có được kiểm soát bởi cùng một đảng hay không. Hiện nay, Thượng viện nằm trong tay đảng Dân chủ, trong khi Hạ viện có đa số là đảng Cộng hòa. Điều này có thể sẽ đảo ngược sau tháng 11.

Nếu Trump thắng, một Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát có thể sẽ là sự hạn chế đáng kể nhất đối với quyền lực của ông ta ở cấp liên bang, trừ khi Tòa án Tối cao tỏ ra có vẻ bảo thủ hơn là về mặt ý thức hệ. Nếu Biden thắng, Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát có thể khiến việc điều hành trở nên rất khó khăn.

Ngoài Hoa Kỳ, hàng chục cuộc bầu cử được dự định sẽ được tổ chức trên khắp thế giới vào năm 2024. Cuộc bầu cử lớn đầu tiên sẽ diễn ra tại Đài Loan vào ngày 13/1. Các cuộc thăm dò cho thấy một cuộc tranh đua gắt gao, với ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân tiến cầm quyền, William Lai, dẫn trước một chút trong cuộc đua của ba bên. Nhưng điều quan trọng nhất là không một ai trong số các ứng cử viên có vẻ háo hức làm điều gì đó liều lĩnh như việc tuyên bố độc lập. Tuy nhiên, nếu Lai trở thành tổng thống kế tiếp của Đài Loan, Trung Cộng có thể sẽ đáp trả bằng cách tăng cường các áp lực về quân sự, kinh tế và chính trị đối với hòn đảo này.

Hai tháng sau, Nga cũng sẽ tổ chức bầu cử tổng thống. Có lẽ không có dự đoán nào dễ dàng hơn việc Vladimir Putin sẽ giành được một nhiệm kỳ nữa.

Một dự đoán dễ dàng khác là tổng thống tiếp theo của Mexico sẽ là phụ nữ sau khi cử tri đi bỏ phiếu vào tháng 6 tới. Hai ứng cử viên hàng đầu là phụ nữ, thiên tả và tranh cử với chủ trương sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách của tổng thống sắp mãn nhiệm Andrés Manuel López Obrador.

Trong 12 tháng tới cũng sẽ được đánh dấu phần lớn bởi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Năm thứ ba của cuộc xung đột vẫn có thể chưa ngã ngũ. Không bên nào có thể áp đặt ý chí của mình trên chiến trường và cũng không có ý định đàm phán.

Ukraine không sẵn sàng chấp nhận bất cứ điều gì ngoài việc khôi phục hoàn toàn đường biên giới năm 1991 của mình. Tuy nhiên, nước này có thể sẽ buộc phải áp dụng chiến lược có tính phòng thủ hơn khi sự hỗ trợ quân sự của Tây Phương giảm đi. Putin có vẻ tự tin rằng thời gian sẽ làm suy yếu quyết tâm của những quốc gia ủng hộ Ukraine ở Tây Phương. Đặc biệt, Putin đang chờ xem liệu Trump sẽ thắng cử hay không, trong trường hợp đó ông ta dự đoán, với lý do chính đáng, rằng viện trợ quân sự và kinh tế của Mỹ cho Ukraine sẽ giảm nhanh chóng, nếu không muốn nói là dừng hẳn.

Sau đó là cuộc chiến giữa Israel và Hamas, hiện đã bước sang tháng thứ ba. Đến một lúc nào đó, cường độ chiến tranh sẽ giảm đi phần nào và nhường chỗ cho sự chiếm đóng vùng Gaza của Israel với các xung đột có thể nổ ra lẻ tẻ.

Những gì diễn ra ở Gaza và khu vực West Bank bị chiếm đóng sẽ được quyết định phần lớn bởi cuộc bầu cử của Israel gần như chắc chắn sẽ được tổ chức trong năm nay. Nếu Thủ tướng Benjamin Netanyahu và một chính phủ với cùng một quan điểm tiếp tục nắm chính quyền, triển vọng cho một giải pháp ngoại giao sẽ rất ảm đạm. Tuy nhiên, việc bầu cử một chính phủ trung dung hơn sẽ tạo ra các khả năng về ngoại giao cho Mỹ và các đối tác Ả Rập của họ, mặc dù mọi triển vọng ngoại giao đều có thể bị đe dọa nếu chiến tranh lan rộng sang Lebanon hoặc thậm chí đến cả Iran.

Đối với quan hệ giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ, năm 2024 khó có thể là một năm với các biến đổi đáng kể. Các quan chức Trung Cộng phần lớn chú tâm vào nền kinh tế và không tìm kiếm một cuộc đối đầu với Mỹ vốn có thể đưa tới các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và hạn chế đầu tư hơn. Cũng tương tự như Nga, Trung Cộng sẽ để ý nhòm ngó vào nền chính trị Mỹ, mặc dù nhiều người ở Trung Cộng không mấy tin tưởng rằng chiến thắng của Trump nhất thiết sẽ mang lại lợi ích cho Trung Cộng .

Sự kiện lớn nhất diễn ra sau cuộc bầu cử Mỹ có thể sẽ là Hội nghị thường niên về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc uốc (COP29), sẽ diễn ra vào tháng 11 tại Azerbaijan. Cũng có thể là cuộc hội họp này sẽ không mang lại kết quả có ý nghĩa nào trong việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng.

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng là Argentina, với viên tân tổng thống vận động tranh cử dựa trên một chương trình hành động cấp tiến. Lịch sử cho thấy rằng khi kẻ ngoại cuộc trở thành người trong cuộc, thực tế thường sẽ điều tiết lại các hành động của họ. Tất nhiên, Trump đã chứng tỏ cho thấy điều này không phải lúc nào cũng đúng. Những vấn đề như vậy là một lý do tại sao những dự đoán này lại khó khăn đến thế.

Richard N. Haass , Chủ tịch danh dự của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cố vấn cấp cao tại Centerview Partners và là tác giả của “The bill of obligations: the ten habits of good citizens” và Bản tin hàng tuần Home & Away.

Chuyển ngữ: Lương Định Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét