Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 31 tháng 1, 2024

Ông Lê Văn Hòa thôi làm luật sư vì ‘mất niềm tin vào nền tư pháp’, ‘nghề không được coi trọng’ - VOA


 Ảnh chụp ông Lê Văn Hòa ở Ninh Bình, theo trang Facebook cá nhân của ông.

Một luật sư Việt Nam mới đây tái khẳng định dứt khoát bỏ nghề vì “mất niềm tin vào nền tư pháp”. Ông Lê Văn Hòa cho hay cách đây ít ngày trên mạng rằng ông đã chính thức thông báo việc thôi tham gia Đoàn Luật sư Hà Nội và thôi hành nghề luật sư đến ban chủ nhiệm của đoàn và Ban lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam hôm 30/12/2023.

<!>

Trong văn bản thông báo được đăng trên trang Facebook cá nhân hôm 25/1, ông Hòa, người tham gia Đoàn luật sư thành phố Hà Nội và hành nghề luật sư từ cuối năm 2016, nhắc lại việc ông từng tuyên bố công khai trên Facebook hồi cuối tháng 5/2021 rằng ông “bỏ nghề luật sư vì đã mất hết niềm tin vào nền tư pháp Việt Nam”.

Ông lưu ý rằng từ thời điểm đó đến nay, ông không nhận bào chữa và tham gia tố tụng thêm bất cứ vụ án nào mới, mà chỉ bào chữa, hỗ trợ pháp lý cho 7 người “kêu oan” trong 5 vụ án dang dở, bị kéo dài từ nhiều năm trước.

Một trong các vụ đó là trường hợp ông Nguyễn Trường Chinh ở Hải Dương kêu oan cho con trai là tử tù Nguyễn Văn Chưởng, người bị xem là phải nhận án tử hình “oan” với cáo buộc là chủ mưu và thủ ác giết chết một thiếu tá cảnh sát hình sự ở Hải Phòng nhằm cướp tài sản hồi tháng 7/2007.

Ông Hòa, 68 tuổi, viết trong bản thông báo rằng với tư cách là luật sư, trong 5 vụ án đó, ông đã “tố giác, tố cáo những cá nhân, tập thể vi phạm pháp luật trong việc thụ lý, giải quyết vụ án, cũng như đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm để minh oan cho người bị hàm oan và làm cơ sở cho việc xử lý những cá nhân, tổ chức đã vi phạm pháp luật”.

Nhưng những nỗ lực và vai trò của luật sư dường như không có mấy giá trị và chưa mang lại thay đổi đáng kể nào. Ông nói với VOA hôm 30/1: “Các kiến nghị, bào chữa, tư vấn của luật sư Việt Nam hầu như không được các cơ quan tố tụng coi trọng. Từ thực tiễn hành nghề, tôi thấy người ta không coi trọng luật sư một tý nào cả”.

Điều đó làm ông Hòa “mất hết niềm tin vào nền tư pháp Việt Nam”, ông nói với VOA, và cũng đã nêu rõ như vậy trong thông báo gửi Đoàn Luật sư Hà Nội vào cuối năm 2023 về việc ông chính thức “tự rút khỏi” đoàn và “chấm dứt hành nghề luật sư”.

Trên trang Facebook cá nhân của ông Hòa, nhiều đồng nghiệp và bạn bè bày tỏ rằng họ “buồn”, “tiếc”, “đau lòng”… về tuyên bố bỏ nghề của ông, xem đó là “một tổn thất lớn cho những người dân thấp cổ bé họng”, và họ mong ông suy nghĩ lại.

Nửa năm trước thông báo của ông Hòa, như VOA đã đưa tin, vào giữa tháng 6/2023, 3 luật sư Việt Nam thường biện hộ cho các nhà hoạt động nhân quyền và người yếu thế là Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, và Đào Kim Lân đã phải bỏ nghề, rời đất nước để sang Mỹ cho “an toàn”.

Ba ông nói khi đó rằng họ đã phải “lẩn trốn” trong nhiều tháng ngày trong khi “công an tỉnh Long An truy tìm” họ để “điều tra” với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam”.

Luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân và giới hoạt động cho nhân quyền Việt Nam nhận định với VOA ở thời điểm đó rằng việc 3 luật sư phải chạy trốn sang Mỹ cho thấy việc bào chữa các vụ án liên quan đến tự do tôn giáo, nhân quyền là rất rủi ro, cũng như cho thấy điều mà họ gọi là “sự thấp kém trong ngành tư pháp Việt Nam”.

Khi được hỏi liệu nền tư pháp này phải như thế nào mới khôi phục được lòng tin của ông và để ông hành nghề luật sư trở lại, ông Lê Văn Hòa nói với VOA hôm 30/1:

“Nếu tôi có quay trở lại hoạt động, lúc đó nền tư pháp Việt Nam đã hoàn toàn đổi mới, việc hoạt động của luật sư được coi trọng, các kiến nghị của luật sư được các cơ quan tố tụng coi trọng, tiếp thu, nền tư pháp phải trong sạch, lấy lại niềm tin không chỉ của giới luật sư mà của tất cả người dân Việt Nam, thì có thể tôi quay trở lại hành nghề”.

Trước khi làm luật sư, ông Hòa từng là một chuyên viên cao cấp và đứng đầu Vụ 4, Ban Nội chính Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông đã tuyên bố tự ra khỏi đảng vào đầu tháng 7/2016 và trả thẻ đảng viên vào tháng 2/2017, với lý do ông “mất niềm tin” và “để phản đối” lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng và Ban Nội chính Trung ương “vô cảm trước nỗi oan trái của người dân” cũng như “không tiếp thu kiến nghị” của ông về việc phải tổ chức kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn, khắc phục sai lầm trong một vụ án “oan sai đặc biệt nghiêm trọng”.

VOA cố gắng liên lạc với Bộ Tư pháp Việt Nam để tìm hiểu quan điểm của họ về tuyên bố và những lời bình luận của ông Hòa, nhưng không kết nối được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét