Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2024

NGHIỆP. - Bs Nguyễn Xuân Quang.


Chúng ta nghe nói nhiều tới Nghiệp, dân gian cũng nói nhiều tới nghiệp qua ca dao tục ngữ. Nhiều khi Nghiệp dùng như để cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, khuyên bảo, giáo huấn, chỉ đạo… Tuy nhiên Nghiệp của nhà Phật rất phức tạp và nhiều khi nghe các vị cao kiến về Phật thuyết giảng về Nghiệp thì ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm.Xin coi đây chỉ là bài viết theo sự hiểu biết thô thiển của một sãi quét lá đa ở sân chùa (hồi tiểu học ở trường Bồ Đề thường tránh ngủ gật khi nghe thuyết pháp, tôi lấy cớ giúp chú tiểu bạn học cùng lớp ra sân chùa quyét lá đa).
<!>
Từ Nguyên Học.
Nghiệp dịch từ Phạn ngữ karma कर्मन्, Pali kamma
có một nghĩa là work, làm, việc làm, phát gốc từ động từ kṛ, “làm, tạo, thực hiện, hoàn tất.”[

* Dịch qua Việt ngữ:
-Theo biến âm k = l như kiểu long cong, lòng còng, lóng cóng, lều kều…, ta có Pali kam(ma) ~ Việt ngữ làm, làm nên, gây ra.
-Theo biến âm k = h (như kết = hết, kanji Nhật kai = Hán Việt hải: Hokaido: Bắc Hải Đảo), ta có kar(ma) = hạt (hột) của quả. Quả có hạt, hột là nhân mọc ra cây. Cây lại sinh ra quả có hột. Ta có vòng nhân qủa. Karma dính liền với vòng nhân quả thấy rõ qua karma ruột thịt với karman, the spiritual principle of cause and effect (nguyên lý tâm linh của nhân và quả).

Như vậy karma theo Việt ngữ là làm, làm nên, gây nên gắn bó với nhân quả.

*Chuyển qua Hán Việt:
Theo biến âm: Theo k = t như kiếm = tìm, kịt = tịt (mũi), kết = tết (bím, tóc)… thì karma có kar-:
1. ~ 作 tác: làm, làm nên như tác hại, tác loạn, tác oai tác quái, sáng tác…
.2 ~造 tạo: làm nên, làm ra, gây nên như tạo tác (từ đôi đồng nghĩa tạo tác tạo = tác), tạo nên, tạo thành, tạo dựng…

* Dịch qua Hán ngữ karma là 業 nghiệp /yè/:Làm việc, nghề nghiệp. Như nghiệp nho 業儒 làm nghề học, nghiệp nông 業農 làm ruộng, v.v.
. Cái nhân. Như nghiệp chướng 業障 nhân ác làm chướng ngại.
(Thiều Chửu, Hán Việt Từ Điển).

Như thế ta cũng thấy rõ Hán ngữ nghiệp có một nghĩa làm (việc) và chữ nghiệp cũng có nghĩa nguyên nhân, gây ra, cũng có nhân quả.

*Dịch qua Anh ngữ:
karma là action: làm, hành động, hoạt động, hành vi…, Anglo-Pháp accioun, Cổ ngữ Pháp accion: action, kiện tụng, Latin actionem (action), làm, khởi động, trình diễn, kiện tụng, phát gốc từ gốc tái tạo PIE *ag-, “to drive, thúc đẩy, đẩy tới, draw out, đuổi, tống đi, move, di động, chuyển động”.
Phần kar- có nghĩa là “hành động”, “tác động”, đẻ ra Latin creare, Pháp ngữ créer, Anh ngữ create, tạo ra, gây ra…

Ngày nay Phật giáo Tây phương dùng luôn tiếng Phạn là karma hay tiếng Pali là kamma. Điểm này cho thấy nghiệp đã bén rễ sâu vào xã hội Tây phương.
Ta cũng thấy rõ trong chữ action cũng có nghĩa làm và hậu quả (gây ra nhân thì bị quả là bị thưa kiện), cũng có nhân quả.

Như vậy:

Theo Việt ngữ nghiệp là làm, làm nên, gây ra.
Theo Hán ngữ là tạo tác, nghiệp.
Theo Ấn-Âu ngữ là hành động.
Tất cả đều gắn bó với luật nhân quả.
Tóm lại karma có những nghĩa: làm, làm nên, tạo tác, hành động, hành vi, hoạt động… gắn bó với nhân quả.
Ta hãy lấy nghĩa nôm na thuần Việt của karma làm ‘vốn’ để thấu hiểu những luận thuyết cao siêu nói về nghiệp của những cao nhân.

Qui Trình Sinh Tạo của Nghiệp.

. Gai Đoạn Thúc Đẩy Nẩy Sinh Ra Nghiệp: Nhân của Mọi Vần Đề.
Trong thiên nhiên ở thực vật một hạt, hột mầm, một mầm sống, một năng lực, tiềm năng phát sinh ra cây gọi là chủng tử (Phạn ngữ bỹa). Trong Phật giáo dùng theo nghĩa ẩn dụ chỉ nhân của mọi vấn đề.
Chủng tử là những năng lực thúc đẩy (nghiệp lực) vạn vật hiện hữu đi kèm với hậu quả, kết quả (nhân quả) của chúng.
Như đã nói ở trên ta đã thấy từ action phát gốc từ gốc tái tạo Tiền Ấn-Âu ngữ PIE *ag-, “to drive, thúc đẩy, đẩy tới, move, di động, chuyển động”.

.Qui Trình Trưởng Thành (karmavipaka).

Gian đoạn từ mầm nghiệp nẩy sinh ra tới khi nghiệp xuất hiện ra là giai đoạn ẩn tàng, tôi ví với thời kỳ ủ mầm (hạt, trứng, ý tưởng nguyên sinh ra hành động). Rồi nghiệp trưởng thành đat tới thành quả, kết quả Karmaphala (nghiệp quả). Tương tự trong thực vật học, một hạt giống có một thời gian phát triển ẩn tàng sau đó nẩy mầm mọc thành cây rồi ra quả.
Để hạt mà trở thành cây,
Nhờ duyên với đất, ngày ngày nắng mưa.
Quả cuối cùng tới giai đoạn chín mùi gọi là thành quả.
Quá trình trưởng thành của nghiệp thay đổi tùy theo hạt (hột) (nhân quả).

Điểm này thấy rõ mỗi loại hạt của mỗi loại cây nẩy mầm, mọc cây ra quả có qui trình trưởng thành khác nhau: có cây ra quả năm sáu tháng, có cây ra quả hơn một năm, vài ba năm. Sự khác biệt này giống nhân có quả báo có khi thấy ngay trước mắt, nhãn tiền có khi phải đợi lâu trong một đời hay mãi tận nhiều đời sau… (xem dưới).

Nghiệp và Luật Nhân Quả.

Như đã biết nghiệp gắn liền với nhân quả.
Thật ra luật nhân quả chung với luật của vũ trụ, nên luật nhân quả thấy trong Ấn giáo, Phật giáo và Chinh Phục giáo (Jainism). Tây phương có law of Causation… Dĩ nhiên ở mỗi tôn giáo có thay đổi, có khác biệt ít nhiều.
Hạt/hột mọc thành cây ra quả. Quả chín mùi rơi hột xuống gốc cây. Hột lại nọc thành cây (đây là luật đại vũ trụ) và cũng là luật nhân quả của con người tiểu vũ trụ. Quả của nghiệp cũng vậy. Nghiệp quả chín mùi rơi trở lại cá nhân tạo ra nó.

.Gieo gì gặt nấy.
(You reap what you sow).

.Gieo nhân nào gặt quả nấy
.Gieo gió gặp bão.
.Cấy ác thì gặt ác.
.Ở hiền gặp lành.
.Ở dữ gặp dữ.
.Làm phúc được phúc.
.Có phúc có phần.
.Ở hậu gặp hậu, ở bạc gặp bạc.
…..

Nghiệp và Luân Hồi.

Luân hồi và nhân quả gắn liền nhau.
Vòng nhân quả và vòng luân hồi, quyện vào nhau. Nói tới nghiệp là nói tới luân hồi.
Nghiệp ở hiện tại chính là quả do nhân kiếp trước để lại. Nghiệp hôm nay là nhân cho ngày mai, cho kiếp sau tới vô lượng kiếp.

Tiền nhân hậu họa.

Kiếp trước tạo ra cái nhân thế nào thì kiếp này hưởng cái quả thế ấy, rồi cái quả của kiếp này lại tiếp tục là cái nhân của kiếp sau nữa, cứ thế luân hồi mãi.

Muốn biết nhân đời trước
Xem hưởng quả đời này
Muốn biết quả tương lai,
Xét nhân gieo hiện tại.

(câu này phỏng dịch: “Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thụ giả thị. Dục tri lai sinh quả, kim sinh tác giả thị”, “Sách Truyền Đăng Lục).

.Đời trước đắp nấm, đời sau ấm mồ.
.Một đời làm hại, bại hoại ba đời.

Tuy nhiên tạo được nghiệp lành, nghiệp tốt không có nghĩa là chấm dứt tái sinh. Muốn thoát khỏi luân hồi, ta phải từ bỏ nghiệp (cả tốt lẫn xấu). “Khi còn luân hồi là chưa hết nghiệp. Khi chưa hết nghiệp thì còn mang giả ngã, giả ngã này mang theo hành trang nghiệp dĩ trên khắp nẻo luân hồi” (Bụt sĩ Lưu Văn Vịnh, Hiền Như Bụt).

Nghiệp và Thuyết Định Mệnh (fatalism).
Nghiệp của Phật giáo khác số mệnh, định mệnh của Nho, Lão giáo.

Trong Nho giáo định mệnh hay thiên mệnh là do Trời an bài:

“Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.”

(Nguyễn Du, Kiều).

(trong Hồi giáo thuyết định mệnh là một tiền đề chính, đòi hỏi sự tuân phục hoàn toàn chủ quyền của Allah).
Còn trong giáo lý nhà Phật, vận mệnh của con người là do nhân quả của chính con người tạo ra.
Vì nghiệp do con người tạo ra nên do con người cai quản, quyết định chứ không phải do một bậc thần linh hay thượng đế nào chi phối.

Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Thì đừng trách lẫn trời gần trời xa.
(Nguyễn Du, Kiều).

Các loại Nghiệp.
Về nguyên nhân theo Phật giáo có Tam Nghiệp gồm:

+ Ý (ý nghiệp),

Do ý, tâm (mind) tạo ra. Khi chúng sinh có ý làm một cái gì thì đã tạo ra nghiệp, không nhất thiết việc làm đó có xảy ra hay không. Chính ý tưởng đã tạo ra nghiệp.

.Mưu thâm họa diệc thâm.
.Ao sâu tốt cá, độc dạ khốn thân.

Ý nghiệp quan trọng nhất vì nó khởi sinh, khởi động ra các nghiệp khác.

+ Miệng (khẩu nghiệp).

Lời nói (speech) tạo ra nghiệp. Phật giáo chú trọng nhiều tới khẩu nghiệp. Trong Bát Chính Đạo có Chính ngữ và trong Ngũ Giới có giới Bất Vọng ngữ, không nói dối.
Hãy mở miệng ra nói như một nụ hoa sen hé nở tỏa hương thơm ngát ra vườn đời (Dennis Chu).

.Cái miệng hại cái thân.
.Một câu nói ngay bằng làm chay cả tháng.
.Khẩu Phật tâm xà.
.Ăn không nói có.
.Ăn mặn nói ngay, còn hơn ăn chay nói dối.

+ Thân (thân nghiệp).

Hành động thân xác (body) hành hạ người, giết hại người gây ra nghiệp. Trong Ngũ giới có giới không giết hại người.

.Sát nhân, giả tử.
(Kẻ giết người phải chết).
.Máu rơi thịt nát tan tành
Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời.
(Hoạn Thư hành hạ nàng Kiều).

Về tính chất có:
.Nghiệp ác (ác nghiệp): làm khổ người, chúng sinh, hủy hoại thiên nhiên, trời đất vũ trụ.
.Nghiệp chướng: là một thứ nghiệp ác làm, tạo ra chướng ngại. Chướng ngại gây ra do kết quả của hành vi xấu ác.
.Nghiệp thiện: nghiệp lành đưa tới thành quả tốt, an lạc…
…….

Nghiệp Báo.

Nghiệp báo là nói gọn lại của nghiệp quả báo ứng.
Nghiệp báo, quả báo là sự báo đáp, báo đền, đền trả tương xứng, sòng phẳng giữa nghiệp nhân và nghiệp quả.

.Ác giả ác báo vần xoay,
Hại nhân nhân hại xưa nay lẽ thường.
.Có ơn phải sợ, có nợ phải trả.

Nàng Kiều phải chịu đau khổ, không được chết, không được đi tu để trốn tránh khi chưa đền bù, đền trả hết nặng nghiệp.

Đạm Tiên nói:
Rỉ rằng: “Nhân quả dở dang,
Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao?
Số còn nặng nợ má đào,
Người mà muốn chết, trời nào có cho!(Nguyễn Du, Kiều).

( Rỉ rằng: rỉ tai nói rằng; lời Đạm Tiên có pha thêm Nho giáo vì tin vào trời… cho).

Báo gồm có:
-Hiện báo: xẩy ra ngay hiện tại:
.Quả báo nhãn tiền.

.Đời xưa quả báo còn chầy
Đời nay quả báo thấy ngay nhãn tiền.

-Sinh báo hiện ra mai sau:
Mỗi ác nghiệp là một tờ giấy nợ
Trả hiện đời hoặc ở mai sau,

Vay bao thì trả cũng bao
Xưa nay nhân quả luật nào nể ai.

-Hậu báo
Xa hơn nữa tới đời sau hay nhiều kiếp sau.
Đời cha ăn mặn, đời con khát nước.

Nghiệp khác nhau có báo khác nhau tùy theo thời gian ủ mầm của nhân như đã nói ở trên.

Làm Sao Hết Nghiệp?

Nghiệp là kết quả của việc làm, hành động của chính mình. Chúng ta làm nên karma, chúng ta phải nhận, chấp nhận, chịu nghiệp vì tự mình tạo nghiệp.
.Nhân nào quả nấy; ai làm người ấy chịu.
.Những người bạc ác tinh ma,
Mình làm mình chịu kêu mà ai thương!
(Nguyễn Du, Kiều).

Chúng ta hưởng và trả nghiệp theo bổn phận một cách công bằng theo nghiệp báo, quả báo.
Không ai giúp ta trừ khử nghiệp riêng của mình.
Ai ăn mặn người ấy khát nước.
Phật dậy: “Ác nghiệp chính do mình tạo, tự mình sinh ra. Ác nghiệp làm hại kẻ ngu dễ dàng như kim cương phá hoại bảo thạch… Làm dữ bởi ta, mà nhiễm ô cũng bởi ta; làm lành bởi ta, mà thanh tịnh cũng bởi ta. Tịnh hay không tịnh đều bởi ta, chứ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được.”

Một hành động sẽ không gây nghiệp nếu nó được thực hiện mà không xuất phát từ tham, sân, si.
Nghiệp tạo ra do mầm nhân của mọi vấn đề (chủng tử) in sâu, hằn sâu, khắc sâu vào tiềm thức, tàng thức.

Muốn hết nghiệp ta phải loại hết chủng tử ra. Tiềm thức sạch chủng tử thì không còn bị lôi cuốn vào vòng sinh tử. Khi chủng tử tẩy sạch hết thì đạt tới Như Lai tàng, Như Lai trống tức dứt được mầm sinh tử, luân hồi. Thoát khỏi luân hồi là ta từ bỏ được nghiệp.
Vì vậy ta phải tu tập để chuyển nghiệp, tránh nghiệp ác, giảm nghiệp ác, tạo nghiệp lành.

-Phòng tránh

Tránh nhân tạo ra nghiệp ác:
Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả.
Để giảm bớt nghiệp phải tuân thủ Giới, Pháp…
Tu nhân tích đức.
…..
-Chữa trị

Phải tu, niệm, trì trú, thiền định để đạt tới tính không để dứt vòng sinh tử, dứt vòng nhân quả như đã nói ở trên.

-Lựa chọn.

Ta có quyền tự do chọn lựa hai con đường. Nếu còn muốn ở lại trong vòng sinh tử sống như một người tầm thường, bình thường (vì ý thích hay vì không đủ khả năng do còn nặng nợ, nặng nghiệp) thì ta hãy tu tập để đạt được nghiệp quả an lành, được sống một đời này an lạc, yêu mình yêu người, sống hòa bình, chân thật với người, với chúng sinh, với vũ trụ và ươm, gieo thêm mầm nghiệp lành để rồi kiếp sau tu tập thêm thăng tiến lên một cấp bậc cao hơn trong vòng luân hồi và cứ như thế mãi cho tới một ngày trở thành một ‘siêu thiện nhân’ thoát ra được khỏi vòng nhân quả, luân hồi.

Ai ơi, hãy ở cho lành
Kiếp này chẳng gặp để dành kiếp sau.

Đức Phật Thích Ca cũng đã từng tu qua nhiều đời trong tiền kiếp cho khi tới ngày đạt thành chánh quả.

Trường hợp thứ hai nếu ta mong muốn hay đã có ‘cốt’ là ‘siêu thiện nhân’ có khả năng (như tu sĩ thuần thành) quyết tâm quyết chí tu tập mong thành A-la-hán, Bồ-tát, Bụt-đà thoát ra khỏi được vòng sinh tử, luân hồi ngay tại kiếp này.
…..

Hiểu thấu được nguyên lý và luật karma cùng chung với luật vũ trụ là tìm thấy được ánh sáng của thế giới con người tiểu vũ trụ của chính mình, của người khác, của chúng sinh, của cả đại vũ trụ và rồi sống hòa hợp, hài hòa cùng nhau, sống một đời hiện tại an lạc và có thể trở thành Phật thánh, A-la-hán, Bồ-tát, Bụt-đà mai sau.

Tài Liệu Tham Khảo.

.Nguyễn Xuân Quang: Từ Điển Từ Nguyên Đối Chiếu Việt-Anh/Ấn-Âu Ngữ.
.Thích Thanh Từ, Vào Cổng Chùa.
. Bụt Sĩ Lưu Văn Vịnh, Hiền Như Bụt.
. Nghiệp (Phật giáo), Wikipedia.
.Nguyễn Du, Kiều.
.Nguyễn Gia Thiều, Cung Oán Ngâm Khúc.
. Dennis Chu, Karma and The Law of Cause and Effect.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét