Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2024

HÀNH TRÌNH TÌM TỰ DO CỦA GIA ĐÌNH TÔI - Trần Thị Huy Lễ

(Hồi Ký)
Lính Mũ Xanh (SeaTiger)Đã 36 năm trôi qua, mỗi khi nhớ lạitôi vẫn còn thấy kinh hoàng và hoảng sợ,vào những ngày cuối cùng của tháng tư năm 1975. Lúc đó gia đình tôi gồm 7 người: 2 vợ chồng, 4 đứa con: 1 trai Anh Tuấn 10 tuổi, 3 gái:Tuyết Phương 8 tuổi, Thanh Phượng 6 tuổi, Hồng Phước 3 tuổi và một bà chị chồng, dắt dìu bồng bế mấy đứa con nhỏ chạy ngược, chạy xuôi suốt mấy ngày, mà chưa tìm được đường nào để đi lánh nạn, giữa lúc Thành Phố Sài Gòn đang hỗn loạn, giới nghiêm, di chuyển rất khó khăn, đường phố bị hàng rào kẽm gai ngăn chặn. Súng đạn của Nhân Dân Tự Vệ và lính tản hàng bắn loạn xạ, không còn biết đường nào để mà tránh khỏi, mạnh ai nấy chạy, không ai liên lạc được với ai, ngay cả với cha mẹ và anh chị em ruột!
<!>
Chạy đã mỏi gối chồn chân, không còn cách nào để đi tránh nạn, nên tôi đã đưa cả gia đình về tập trung tại sở làm của tôi tại 15 Lê Thánh Tôn Sài Gòn lúc 3giờ chiều ngày 29 tháng 4 năm 1975, để hy vọng có thể vào căn cứ Hải Quân tại Bến Bạch Đằng, theo đoàn tàu nếu họ rời bến Chương Dương. Nhưng vì pháo kích dữ dội vào SàiGòn, nghe VC đã đánh tới Ngã Tư Bẩy Hiền, nên gia đình tôi phải rời trại Lê Thánh Tôn, và đi về tạm trú ở nhà của người anh

Hai bên chồng, tại đường Phan Đình Phùng (cạnh chợ Vườn Chuối) để kiếm đường đi (vì qua sự việc Tết Mậu Thân năm 1968 khi VC tấn công vào Sài gòn, thì các địa điểm Quân Sự, trại gia binh v.v... mà họ vào được là họ tàn sát, giết hết không còn để ai sống sót). Vì vậy gia đình tôi phải dời trại để tìm được sự an toàn hơn.

Đêm 29 tháng 4 năm 1975, VC pháo kích dữ dội vào Sài Gòn suốt đêm, trong sự sợ hãi của tất cả mọi người, nên sáng hôm sau 30-4-1975 lúc 6 giờ 30, nhà tôi đã lái xe chở cả gia đình ra bến sông Bạch Đằng SàiGòn trên chiếc xe Simca của chúng tôi để tìm đường đi lánh nạn. Lúc bấy giờ trên đường phố SàiGòn hỗn loạn bất chấp cả giờ giới nghiêm 24/24, vượt qua cả đèn xanh đèn đỏ, mà người ta thì đổ ra đường để hôi của, đồ đạc, bàn ghế, tài sản của những nhà mà có người đã bỏ ra đi, hoặc cơ sở không người canh giữ đã bỏ trống.

Chỉ nghĩ đến 2 vợ chồng tôi đều là lính, thì không thể thoát khỏi tù tội, không có ngày về, mà để lại 4 con còn nhỏ dại sẽ bị bơ vơ, đói khổ, và chắc chắn sẽ không còn nhìn tnấy tương lai nên chúng tôi càng cố gắng tìm đường vượt thoát hầu tránh khỏi viễn ảnh tối đen đó.

Khi đến được Bến Bạch Đằng, khúc cuối đường Nguyễn Huệ, lúc 8 giờ sáng ngày 30-4-1975, chúng tôi thấy đồng bào rất đông đang chen nhau để lên một chiếc tàu buôn đang đậu ở đó, tên tầu là "Đông Hải". Thế là gia đình tôi cùng bồng bế, dìu dắt nhau lên tầu mà chẳng biết tầu có chạy hay không bởi lúc đó chủ của chiếc tầu còn ở trên bờ. Lên tầu được một lúc thì chủ tầu nói: "Tầu này không chạy đâu." Tôi thất vọng quá, định đưa cả gia đình xuống bờ tìm cách khác để thoát thân, nhưng vì người qúa đông, lên xuống cũng chẳng được, đành đứng chịu trận trên tàu với cố gắng giữ gìn các con khỏi bị đè bẹp bởi đoàn người hỗn loạn xô đẩy nhau lên, xuống trên tầu...

Thế rồi khoảng 9 giờ sáng, bờ sông SàiGòn bị pháo kích dữ dội, người ta la hét vì qúa sợ hãi, trên tầu mọi người đều kêu lên: “Cho tầu chạy đi không thì chết hết tất cả bây giờ." Lúc đó rất may là trên tầu có mấy ông Sĩ Quan Hải Quân nên họ đã tự chặt dây neo và cho tầu chạy, để tránh đạn pháo kích. Cầu lên tầu không kịp rút, nên một số người đang đi trên cầu đã bị rớt xuống sông, không biết sống chết ra sao, trong khi chủ tầu và gia đình của họ còn đang ở trên bờ.

Tầu chạy về hướng Vũng Tàu. Khi đi đến khúc sông Vàm Cỏ vào lúc 10 giờ sáng thì nghe trên radio mở Đài phát thanh SàiGòn, phát lời của ông “Tổng thống” Dương văn Minh mới lên tuyên bố đầu hàng. Thế là Miền Nam Tự Do đã bị thất thủ và rơi vào tay Cộng Sản Miền Bắc.

Tầu "Đông Hải" đã vượt qua biển Vũng Tàu và đi vào hải phận Quốc Tế, đã trải qua bao nhiêu nguy hiểm, sợ hãi, vì có những con thuyền nhỏ và thuyền thúng chở những người lính tan hàng, mà trong tay họ còn có súng đạn, cứ chạy sát gần tầu đòi được lên tầu, không được lên thì họ bắn loạn vào tàu, vì lúc đó trên tàu đã chở quá tải với hơn 2.000 người tỵ nạn. Sau 2 ngày tầu "Đông Hải" đã đến hải phận của biển Singapore và chạy vừa tới đó thì tầu bị hư máy, không thể chạy được nữa. Sống trong sự hồi hộp lo sợ đói khát, tàu không được cặp bến, mà tất cả mọi người phải ở trên tầu giữa đại dương, không thấy bến bờ... Chán nản, chờ đợi để được cứu vớt!!!

Gia đình tôi 7 người ngồi trên một chiếc bàn chu vi độ 2 thước vuông. Dưới gầm bàn là một gia đình khác nữa. Trên tầu vì chở qúa đông người nên nằm ngồi như xếp "cá hộp", trên nét mặt mọi người đều lộ ra sự buồn lo, không biết số phận rồi sẽ ra sao! Trong tinh thần khủng hoảng đó đã có 2 người không tự kềm chế được đã nhẩy xuống biển tự tử.

Vì lo buồn nên tôi không còn biết đói, cả tuần lễ không có thứ gì vào bụng, tôi đem theo được 1 thùng mì gói, mỗi bữa lấy 2 gói mì trộn với nước biển cho 4 con ăn để không bị đói lả, rồi mỗi ngày xếp hàng chen chúc nhau để xin được 1 chai nước uống của tầu phân phát, đem về chỗ bàn chúng tôi ngồi trên chiếc tầu tỵ nạn cho các con uống. Sau nửa tháng trời ở trên tầu "cá hộp" ngoài khơi hải phận Singapore, chịu bao nhiêu sự đói khát, khổ cực thì mới được chính phủ Singapore cho chuyển các người trên tầu "Đông Hải" xuống những chiếc sàlan, rồi phân phối đến các tầu lớn đang chở các người tỵ nạn còn neo ngoài khơi của hải phận Singapore.

Vì tranh giành sự sống, nên tất cả mọi người hỗn độn chen chúc, lấn át nhau mãnh liệt để được xuống trước dưới sàlan! Gia đình tôi 7 người vô cùng khó khăn khi ráng chuyền đưa hết mấy đứa nhỏ xuống được chiếc sàlan bằng những chiếc thang giây, lủng lẳng giữa biển, vì một chút sơ xẩy là bị rớt xuống biển chỉ có chết chứ có ai đâu cứu vớt mình.

Sau khi tạm ổn trên chiếc sàlan này được 2 ngày thì sàlan đã cập vào cạnh của chiếc tầu "Đại Dương" to lớn. Đứng dưới sàlan, tôi ngước nhìn lên chiếc tầu to cao vời vợi để tìm kiếm xem có ai quen không nhưng chỉ thấy toàn là người và người. Bỗng chợt một tiếng kêu vọng xuống gọi tôi: "Thiếu Tá, Thiếu Tá đi còn có ai nữa không?" Vừa nghe, tôi biết chắc chắn đó là một chiến hữu cùng đơn vị nhìn ra tôi vì lúc đó tôi mặc bộ đồ Bà Ba. Tôi vội hỏi : "Trên tầu còn có ai nữa không?” thì anh ta trả lời có một số chiến hữu cũng đang ở trên chiếc tầu này. Thế là gia đình tôi đã lên tầu Đai Dương trong sự may mắn gặp lại một số chiến hữu cùng đơn vị trên đường đi tỵ nạn.

Lên được tầu "Đại Dương", tôi thầm cám ơn Trời, Phật đã cứu chúng tôi được "Sống". Chúng tôi kiếm được một chỗ đủ để trải một chiếc chiếu làm chỗ nằm cho cả gia đình ở trên tầu. Chiếc "Đại Dương" này đang chở khoảng hơn 3.000 đồng bào tỵ nạn.

Đi được 1 tuần lễ tưởng yên ổn, nào ngờ bệnh dịch tả và bệnh đau mắt lan tràn trên tầu. Nhưng rất may trên tầu có 2 Bác Sĩ TQLC cùng đi tỵ nạn, nên đã ngăn chặn ngay được hai căn bệnh quái ác trong thời gian ngắn.

Khi đến hải phận của Philippine thì được tiếp tế thêm lương thực và tầu tiếp tục hành trình đưa tất cả chúng tôi đến Đảo Guam Sau 1 tháng trời lênh đênh trên biển cả, không thấy bến bờ, trải qua biết bao nhiêu nguy hiểm, lo lắng, gian nan, cuối cùng gia đình chúng tôi cũng đến được bến bờ TỰ DO vào ngày 30-5-1975.

Suốt một tháng tạm trú tại các trại tỵ nạn, chúng tôi hàng ngày xếp hàng dài cả cây số, dưới nắng cháy của mặt trời, để được phát chẩn lãnh từng bữa ăn do lính của trại nấu tại đảo Guam. Và rồi chúng tôi phải trải qua hàng bao đêm nằm co ro dưới những chiếc lều vải, trời lạnh thấu xương, thịt da như cắtra từng mảnh ởTrại Camp Pendleton, San Diego, California.

Nhưng dù gì đi nữa, chúng tôi luôn nghĩ sự ra đi này là do ý Trời sắp đặt cùng ban sự may mắn cho gia đình chúng tôi, cho những người cùng cảnh ngộ trong một tình thế đẩy đưa chứ không ai có thể tính trước được. Nhiều lúc tôi suy nghĩ, sự ra đi của gia đình tôi, đã vượt qua được bao sự nguy hiểm, dưới những làn súng đạn trong cơn hoảng loạn, hoặc những quả đạn pháo kích vào thành phố Sài Gòn, hoặc thoát nạn trên biển cả, với những lúc gần như tuyệt vọng thì có lẽ các "vong hồn tử sĩ" đã phủ hộ cho chúng tôi, cho những người liều hiểm nguy, bỏ lại tất cả trong cơn quốc phá gia vong được đến nơi an toàn. Cuối cùng gia đình chúng tôi cũng được định cư tại Tiểu Bang California Hoa Kỳ vào cuối tháng 6 năm 1975

Chao ôi, tất cả tài sản, công danh, sự nghiệp, gây dựng gần nửa cuộc đời, phút chốc bỗng tan theo mây khói, biến thành kẻ vô gia cư, vô nghề nghiệp và vô Tổ Quốc. Cùng với mọi người trong kiếp đời lưu vong, sống lang thang nơi xứ lạ quê người, phải bắt đầu lại từ con số không (0), nhưng gia đình tôi đã được đền bù bằng hai chữ:" TỰ DO" vô cùng quý giá.

Wesminster, Ca. Ngày 25 tháng 2 năm 2012

Trần Thị Huy Lễ
Lính Mũ Xanh (SeaTiger)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét