Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 30 tháng 1, 2024

GIỮA HAI LẰN RANH - Trần Thị Phương Lan


Tờ báo đặc san Xuân Gia Long, mùa xuân cuối cùng. Sau niên học này, trường bị đổi tên thành Nguyễn Thị Minh Khai! Gần tới ngày 30 tháng 04 năm 1975, những nữ sinh trường Gia Long chúng tôi đã phải trải qua 2 sự kiện: 1 to, 1 nhỏ; một ồn ào ầm ĩ, một lặng lẽ kín tiếng hơn: Sự kiện thứ nhất là phi công Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Thành Trung (1 kẻ ăn cơm quốc gia thờ ma CS đáng khinh bỉ) lại đi bỏ bom Dinh Độc Lập! Hôm đó chúng tôi đang trong giờ Công Dân Giáo dục! Cô Phượng dạy chúng tôi môn học này là 1 giáo sư người miền Nam, đầm thắm, duyên dáng, dịu dàng, xinh xắn; 
<!>
Nhưng giờ nhớ lại những lời cô nói, chẳng biết cô có thân cộng không nữa! Chúng tôi đều chui xuống gầm bàn và kêu khóc gọi Má ơi Má ơi ầm ĩ. Ai cũng tưởng là do VC pháo kích (trừ cô Phượng), lần này sát thủ đô hơn, hoặc ngay trong nội thành. Có ngờ đâu đó lại là một đòn đá phản lưới nhà!

Sự kiện thứ hai gần ngày Định Mệnh hơn, là một buổi sáng nọ, ngay trong khuôn viên trường, chẳng biết "nữ sinh" nào đã bí mật lẻn lên tận lầu 3, là nơi có những dãy phòng học bỏ trống, rồi quăng truyền đơn. Những tờ truyền đơn có nội dung kích động học sinh chống phá lại Việt Nam Cộng Hòa được thả như những cánh bướm trắng, (hay thật mỉa mai, những tà áo trắng?!) xuống đầy mặt đất. Công nhận cô Tổng Giám Thị của trường đã phản ứng và giải quyết rất mau lẹ: Cô không cho phép bất cứ ai được đọc chúng, và ra lịnh một số học sinh thu thập lại rồi đem đốt bỏ. 

Nhưng tất cả học sinh chúng tôi đều đã biết, rồi thì thầm to nhỏ với nhau bằng một giọng đầy sợ hãi, rằng...Trời ơi, sao lại có VC nằm vùng trà trộn vào hàng ngũ nữ sinh Gia Long như vậy?! Thật kinh khủng! Cảm thấy dù chỉ mơ hồ, rằng 1 tai họa ghê gớm gì đó sắp sửa xảy ra, chúng tôi chỉ biết nhìn nhau và trong lòng dấy lên 1 nỗi lo sợ khôn cùng.

Rồi việc gì phải đến đã đến!Cả miền Nam bị đẩy xô vào bóng tối triền miên một cách phũ phàng. 1 số học sinh theo gia đình đi Mỹ trót lọt. Những người khác đi không thoát, trở lại nhà từ Bến Bạch Đằng, tòa đại sứ Mỹ, hoặc phi trường Tân Sơn Nhứt... đau đớn nhận thấy rằng miền Nam của họ đã đổi chủ. Thành phố chỉ qua đêm đã trở thành nơi chốn xa lạ. Thình lình, mọi người bỗng nhìn nhau e ngại. Chẳng ai dám nói sự thật nữa!

Rồi nữ sinh chúng tôi có lịnh phải trở lại trường, thấy tường loang lổ vệt máu và lỗ chỗ những vết đạn, cứ như thành cổ Đinh Công Tráng ở Quảng Trị! Vài ngày sau, tường được trét xi măng và sơn phết lại. "Vết thù" trên tường vôi đã biến mất, nhưng vết hằn vẫn còn lưu mãi trong lòng. Chúng tôi chỉ biết cay đắng chấp nhận thực tế. Đêm tiếp theo chúng tôi có lệnh phải tới tập trung ngủ đêm trong trường, để tờ mờ sáng hôm sau cùng đi bộ ra Dinh Độc Lập, để mít tinh biểu tình gì gì đó, ăn mừng đất nước hoàn toàn "giải phóng", giang sơn thu về một mối, Nam bắc từ nay thống nhứt một nhà... blah blah blah. Những biểu ngữ xa lạ, những câu hô vang... Quyết tâm! Quyết tâm! xa lạ, những nhân vật trên khán đài... cũng xa lạ nốt. 

Giờ đây những kẻ xa lạ lại tràn ngập thành phố Sài Gòn quen thuộc thương yêu của chúng tôi. Như trên cung trăng rớt xuống đất, học sinh chúng tôi còn phải học một môn học mới là Chính Trị, rồi phải "phấn đấu" trở thành học sinh tiên tiến, hội viên hội gì đó tôi quên tên mất rồi. Chỉ nhớ tôi và một đứa bạn nữa trong buổi kết nạp hội viên đó, đã cố tình đứng hàng sau chót, nhìn lên màu cờ xa lạ & tấm hình chân dung một kẻ xa lạ không kém, treo trên bức tường quen thuộc, giơ tay hô... Xin thề! Xin thề! nhưng lại nhìn nhau ôm bụng cười rũ rượi.

1 số thầy cô không chấp nhận học tập lại theo chương trình sách giáo khoa mới đã quyết định, như những cánh chim bay đi muôn hướng, để tìm lại tự do, tìm tương lai nơi những phương trời khác rộng mở hơn. Họ đành từ giã phấn trắng bảng đen, bỏ lại đám học sinh mới hôm qua đây vẫn còn là lũ Nhất Quỷ Nhì Ma Thứ Ba Học Trò, ăn chưa no lo chưa tới. Vậy mà hôm nay, chúng đã bị buộc phải trở thành một thứ trái cây bị ép phải chín dú, ngơ ngác đứng giữa sân trường, giữa cuộc đời, Giữa Hai Lằn Ranh!

Trần Thị Phương Lan
(Bút nhóm Hoa Nắng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét