Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2024

Giới Thiệu Sinh Hoạt Tết Của Hội Đoàn Quân Đội: Tất Niên Của Hội Ái Hữu Không Quân Bắc Cali và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải



Quá Đặc Biệt, Trùng Hợp Độc Đáo! Tất Niên Mừng Xuân Năm “Thìn” Của Quân Chủng… “Con Rồng!”
THƯ MỜI
Hội Ái Hữu Không Quân Miền Bắc California Trân Trọng Kính Mời:
Quý Niên Trưởng, Quý Chiến Hữu và Quý Thân Hữu tham dự Đêm họp mặt của gia đình Không Quân miền Bắc California để mừng Tất Niên của Hội AHKQ/Bắc California được tổ chức vào:
Ngày Chủ Nhật 04 Tháng 02 Năm 2024
Tại Dynasty Restaurant
1001 Story Rd #200 (Down Stair)
San Jose, CA 95122
<!>

Chương Trình

05:30pm – 06:30pm: Tiếp Tân
06:30pm – 07:00pm: Lễ Khai Mạc
07:00pm – 08:00pm: Dạ Tiệc
08:00pm: Dạ Vũ. Với các Ca Sỹ Duy Tuấn,VănYên Sơn và Hà Giang
11:00pm: Bế Mạc
Xin ủng hộ $75.00/một người


Sự hiện diện của Quý Vị là niềm vinh hạnh cho Ban Chấp Hành Hội AHKQ/BC
Trân Trọng Kính Mời,
T/M Ban Chấp Hành Hội AHKQ/BC
KQ Hồ Đắc Tiến (408) 828-5336


Liên Lạc:
•KQ Nguyễn Tài Cơ (408) 813-5277
•KQ Hồ Kim Hải (510) 552-9133, (510) 552-6735
•KQ Trương Hồng Đạt (408) 828-5651
•KQ Hoàng Đình Duyệt (408) 398-0959
•KQ Vũ Mạnh Dzũng (510) 456-5142


Văn Nghệ Mừng Tết Năm Thìn!

Truyện Ngắn Vui: Cậu Bé Mang Tuổi Thìn!


(Thân mến tặng Quý Niên Trưởng, Quý Chiến Hữu trong Quân Chủng…Con Rồng! Năm Thìn! Với khẩu hiệu: Hào Hùng, độc Đáo!)


Trần thị Nhật Hưng
(January 13th, 2024)


-Có nhiều người khi đặt tên con, có thể hay, dễ thương hoặc có thể là dở để khỏi bị “bà” bắt. Bà ở đây là bà nào không ai biết được, thế nhưng nhiều người vẫn sợ rồi kiêng. Riêng đối với bà Thịnh, bà không tin như thế, ngược lại, bà cần con cháu bà tên thật hay, phải có ý nghĩa nữa để đem may mắn vận vào cuộc đời nó.
Vì thế, khi cưới con dâu giữa năm Mão, bà mong dâu mau có bầu để năm tới sinh con năm Thìn. Đối với bà, Thìn là rồng, một linh vật có huyền thoại cao quý biểu tượng sức mạnh phi thường, hùng dũng dành cho phái nam. Dù con dâu chưa có bầu, chưa sinh con, bà đã mơ ước một đứa cháu trai đặt tên Thăng Long.

Điều bà mơ ước đã đạt được ước mơ. Đúng năm Thìn, con dâu bà đã hạ sinh một cháu trai đích tôn kháu khỉnh, nối dõi tông đường. Bà mừng lắm và yêu cầu cha mẹ nó lấy tên do bà đặt là Thăng Long. Bà giải thích, Long tức là rồng. Mà bản chất của rồng thì sẽ tung bay. Thằng cháu bà, tương lai sẽ ngất ngưởng tận mây xanh, tha hồ tung hoành không ai đè đầu cưỡi cổ được nó. Con trai và con dâu vốn thương quý, kính yêu bà vì cả đời bà từ khi chồng chết, bà ở vậy hy sinh tuổi thanh xuân nuôi nấng chăm lo cậu con trai độc nhất, nên chúng chiều ý bà cho bà vui, lại nữa bà đặt tên cho cháu cũng hay và có ý nghĩa nữa!
Vốn nuôi mộng cho thằng cháu bay bổng, từ thuở bé, Thăng Long vừa biết nói, bà đã giải thích cho bé hiểu ý nghĩa tên nó mang. Chưa hết đâu, nhờ có cơ hội gần bé nhiều hơn bố mẹ khi bố mẹ bé bận công việc, đi làm giao con nhờ bà trông nom. Ngoài những lúc cơm nước, đưa dẫn bé đi học, rảnh, bà hay kể chuyện về những con rồng cho nó nghe. Với bà, rồng là con vật ngon lành hết sẩy nhất, là vua của các loài thú, không thể so sánh với các con vật khác. Khi Thăng Long vào nhà trẻ rồi vào mẫu giáo, bé học xếp đồ hình hay học về những con vật như chim, chuột, chó, mèo, gà vịt, cá, tôm v.v. tuyệt nhiên không thấy con rồng như bà nội nói, nó về nhà thắc mắc hỏi:


Bà ơi, con rồng là con gì mà con học không thấy nói và cũng không thấy nó nữa
Bà từ tốn giải thích cho bé:
Làm sao thấy được vì nó chỉ là con vật do người đời từ thuở hồng hoang khai thiên lập địa khi còn ăn lông ở lỗ đến giờ tưởng tượng phác họa ra mà thôi.
Phác họa ra làm gì vậy bà?
Bà bí, không biết trả lời sao, phần nó còn quá nhỏ để nhồi vào đầu nó những điều mà chính bà cũng chưa hiểu rõ. Bà thoái thác bận nấu cơm, rồi hôm khác bà nghiên cứu tìm hình một con rồng trong một nhãn bánh đưa bé xem. Con rồng thật đẹp, màu vàng tươi óng ánh, thân rồng uốn hình sin với 12 khúc, có vân, có vảy, có chân, có bờm sư tử, có râu cằm … và còn bay trên mây nữa. Bà giải thích cho bé:

Con xem, con rồng đẹp không. Trong văn hóa phương Đông lẫn phương Tây, người đời phác họa ra nó để biểu trưng cho loài linh vật huyền thoại có sức mạnh phi thường, hùng dũng, đầy quyền năng và chí lớn của một con người. Tư tưởng đó giúp con người mặc sức bay bổng, vươn lên như rồng vậy.
Thằng bé nghe bà nội nói, đối với nó cao siêu quá, nó không hiểu gì cả, chỉ ậm ự ngả vào lòng bà, 2 con mắt mơ màng rồi ngủ lúc nào không hay.
Rồi Thăng Long lớn dần lên, bà Thịnh vẫn nuôi mộng dạy bảo cho thằng cháu đích tôn của bà thành người hữu dụng. Nó phải khác người khác, như con rồng, tuổi rồng và cái tên nó đang mang. Bà luôn tin bản chất thần kỳ của rồng chắc chắn tiềm ẩn trong những ai sinh năm Thìn. Do vậy, nhân bé sinh năm Thìn, bà đặt tên Thăng Long hàm nhắc nhở bé phải biết vươn lên, năng động, năng nổ, nếu không bay sẽ là con rắn.
Nhưng cuộc đời, đâu phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Đâu phải ước mơ nào cũng dễ dàng thành tựu mà không gặp trắc trở chông gai. Ngay ông Trời, ai cũng nghĩ “ông Trời có mắt” biểu tượng sự công bằng mà cũng có lúc mưa, lúc nắng, lúc bão bùng, yên ả; thì thế gian mà bà Thịnh đang sống cũng thế thôi. Cuộc đời vốn vô thường, thay đổi mọi lúc, mọi nơi … cho nên, giữa khi bà đang hy vọng ngút ngàn về thằng cháu nội, thì bây giờ bà cũng thất vọng không kém khi Thăng Long đến tuổi dậy thì, nó cũng thay đổi theo chiều hướng của một đứa trẻ … ta đây, muốn làm … người lớn!


Thăng Long hay theo bạn bè, nghe lời rủ rê của bạn bè hơn nghe lời bà Nội. Nó ham chơi hơn ham học. La cà theo bạn bè trong những lần dã ngoại, đi chơi về khuya, giờ giấc thất thường. Đôi khi về tới nhà thì nằm lăn ra ngủ. Bà hay cha mẹ gọi ăn cơm, Thăng Long thoái thác đã no rồi cũng không muốn ló mặt. Thăng Long ngủ li bì. Dậy, chỉ ăn và chơi. Bà Thịnh buồn lắm. Bà hay than thở cùng con trai và con dâu:
Biết thế này, mẹ đặt tên cho nó là Hạ Long mới đúng. Rồng gì mà cứ nằm ụ như con rồng đất. Nếu rắn thì còn đỡ, rắn còn bò được.
Cậu con trai an ủi bà:
Tuổi dậy thì hay giở chứng nổi loạn. Ngang tàng, bướng bỉnh. Mẹ an tâm, rồi đâu cũng vào đấy.
Mẹ chỉ sợ tuổi trẻ bồng bột, đua đòi rồi sa ngã. Mẹ chỉ còn mong vào phúc nhà thôi. Hy vọng có phúc có phần!
Thì mẹ cứ tin vậy đi!
Tuy trông mong vào phúc nhà, bà Thịnh nghĩ “còn nước còn tát”, bà cố gắng hết lòng dạy bảo thằng cháu nội cưng duy nhất của bà. Bà tìm đến Thăng Long, tỉ tê với nó:
Con biết không, bà thương con lắm, nên bà mới quan tâm đến con. Người dưng bà có xía vào đâu. Con là cháu đích tôn của giòng họ, con phải làm sao cho gia tộc vẻ vang để thiên hạ, nếu không trọng thì cũng không khinh mình được.

Con có làm gì đâu, Nội?
Thì con cứ đi chơi với bạn bè hoài, bê tha không lo thân.
Bạn bè rủ thì mình đi chơi với chúng. Không đi, chúng bỏ con, con chơi với ai?
Con chơi với bà nè.
Với bà, con gặp hằng ngày rồi. Nếu không…chơi với bà, bà vẫn không bỏ con. Vì một phần máu thịt con nằm trong bà. Phần máu thịt bà nằm trong con. Bà đâu bỏ con được.
Nghe Thăng Long lý sự, bà Thịnh vui trong lòng, bà nói:
Nhưng con phải biết lựa bạn mà chơi. Chọn bạn tốt, giỏi để học hỏi nó mới nên người chứ!
Con thì bạn nào con cũng chơi hết. Có lần bà nói với con , cái gì … cái gì … tam nhân đó.
À, “tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư!”.
Đó, bà từng dạy con 3 người cùng đồng hành sẽ có người là thầy mình. Con chơi tất. Tốt cũng chơi. Xấu cũng chơi. Tốt cho mình học hỏi. Xấu cho mình tránh. Cả 2 đều là sư mình mà.

Rồi Thăng Long vòng tay ôm bụng bà, trấn an:
Bà an tâm đi, lo giữ gìn sức khỏe. Cháu bà không tệ đâu.
Bà Thịnh cảm động, âu yếm gí tay lên trán nó:
Sư mày! Nói thì nhớ nhé!
Được thể, bà Thịnh tỉ tê tiếp:
Con có biết tên Thăng Long của con, bà đặt cho con hay và ý nghĩa lắm không. Long là rồng thường xuất hiện chỗ cao quý nơi chùa chiền, cung đình của vua chúa. Họ vẽ những con rồng uốn lượn thật đẹp thường đứng từng cặp đối đầu hay châu đầu với phượng, phượng hoàng (nữ hoàng của loài chim), biểu tượng cho phái nữ, để diễn tả sự tốt đẹp cao cả may mắn nhất trên thế gian này. Bởi vậy, trong cung đình, rồng phượng còn được trang trọng đặt ở vị trí cao chót vót ngang với Thiên tử. Người ta còn dùng tên Long ghép với tất cả những vật dụng, sự việc liên quan đến vua. Như giường ngủ của vua thì gọi là Long sàng, khuôn mặt vua thì gọi Long nhan, áo mặc là Long bào, áo lễ gọi là Long cổn, bàn viết là Long án, cửa vua ra vào là Long môn, thuyền rồng của vua là Long châu, xe vua với đoàn tùy tùng là Long giá, mạch đất tốt để táng thi hài con cháu được làm vua gọi là Long huyệt, Long mạch, ân sủng vua ban gọi là Long ân, thân vua là Long thể, não vua đương nhiên là Long não trùng tên với thứ bỏ vào tủ quần áo cho thơm và khử gián….

Thăng Long chen vào:
Còn mắt vua là… là…Long nhãn, râu vua là …là … Long tu phải không bà? Long nhãn mẹ con thường nấu sâm bổ lượng, long tu nấu súp đó. Ăn … mắt vua và … râu vua, ngon số dách, bà nhỉ.
Biết thằng bé châm chọc mình, bà Thịnh cười mắng yêu:
Sư mày!
Những khi trò chuyện như thế với Thăng Long, bà thấy nó không … ngu như bà tưởng, bà an lòng tin vào phúc nhà, cố ăn ở lương thiện để phúc cho con cháu.
Thế nhưng, cuộc đời vốn vô thường, thích thách thức trêu ngươi. Biến cố 30 tháng Tư 1975 đưa cả nước vào thảm cảnh. Không riêng gì gia đình bà Thịnh mà hầu hết dân miền Nam đều lâm vào cảnh tù tội, đói nghèo, hận thù … Thăng Long cũng bị ảnh hưởng, dù đang theo đuổi đại học Khoa Học, thằng bé bị trù dập, bị đào thải, chế độ mới không dùng đến những thành phần như Thăng Long khi sơ yếu lý lịch có cha là sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hoà hiện đang bị tù cải tạo.

Lâm cảnh kinh tế khó khăn là nạn chung của xã hội, tuy ai nấy ngày đêm lo lắng không biết tương lai ra sao, nhưng vấn đề ưu tư hàng đầu của gia đình bà Thịnh đó là việc Thăng Long bị gọi nghĩa vụ quân sự sang Campuchia, thực thi nghĩa vụ quốc tế, bành trướng xã hội chủ nghĩa dưới chiêu bài “cộng sản Đông Dương”. Thật là trớ trêu khi cha là “ngụy” mà con sẽ là bộ đội nhốt cha mình. Không những thế, sang Campuchia, sinh mạng của cháu bà như chỉ mành treo chuông hy sinh một cách vô lý trong những cuộc giao tranh khốc liệt mà bao người ra đi đã không có ngày về. Do vậy, dù tài chánh trong nhà eo hẹp, bà cùng con dâu, gom góp vòng vàng bấy lâu dành dụm, bán thêm vật dụng cần thiết trong nhà để đủ sở hụi cho Thăng Long một chỗ vượt biên.


May mắn cho gia đình bà, Trời đã nhìn xuống, Thăng Long vượt biên một lần được trót lọt.
Sau thời gian ngắn tại đảo để lập hồ sơ định cư, Thăng Long dễ dàng được Hoa Kỳ nhận vì nằm trong diện ưu tiên con của sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hoà. May mắn thêm nữa, đến Hoa Kỳ, Thăng Long được một gia đình người Mỹ có chút thế lực cưu mang, hướng dẫn và dẫn dắt ngành nghề phù hợp khả năng của Thăng Long, để sau này có một chỗ đứng vững chắc trong xã hội.


Thăng Long từ khi xa bà và gia đình, cậu cũng biết thân, nếu không dựa vào chính mình thì ai lo cho đây. Lại thêm cha mẹ nuôi người Mỹ nhân hậu chăm sóc cậu chu đáo, đáp ân tình, cậu cố gắng theo sự chỉ dẫn của họ để vượt qua kỳ sát hạch gắt gao, học viên phải có khả năng lãnh đạo, sức khỏe tốt và đạo đức nữa mới có thể gia nhập Học viện Không quân Hoa Kỳ, một trong những trường nổi tiếng, chọn lọc kỹ càng, nơi đào tạo các sĩ quan không quân trở thành những nhà lãnh đạo không quân Hoa Kỳ phục vụ cho đất nước.
Sau nhiều năm phấn đấu nơi xứ người và 4 năm miệt mài tại học viện, Thăng Long nhận được bằng cử nhân về khoa học và được phong quân hàm thiếu úy trong Không quân Hoa Kỳ.
Tại Việt Nam, bà Thịnh luôn theo dõi mọi tin tức về cháu bà. Bà mừng rơi nước mắt khi Thăng Long đạt những điều bà ước mơ. Phải thế chứ, cháu bà là người Việt, vốn tự hào ví mình giống rồng tiên, đã vậy, Thăng Long mang tuổi rồng, tên rồng, mà bản chất rồng luôn quật cường dù ở hoàn cảnh nào, nghịch cảnh nào vẫn bất khuất, ý chí tự cường cũng tìm cách vùng vẫy tung bay, ngoi lên, tiến tới như… rồng vậy. Thăng Long không những cho gia đình, gia tộc niềm hãnh diện mà nơi xứ người còn làm vẻ vang cho dân tộc Việt Nam. Cứ tưởng tượng tại Hoa Kỳ, Thăng Long là phi công lái máy bay tung hoành giữa bầu trời cao rộng có khác nào là rồng gặp mây vùng vẫy giữa trời xanh. Nếu Thăng Long còn kẹt tại Việt Nam trong hoàn cảnh xã hội đất nước như vậy, Long không thể … thăng được mà chỉ … hạ, Long còn là con rồng đất với thời gian sẽ tan trong sình lầy nước đọng. Việc bà để Thăng Long rời xa bà, một mình trơ trọi nơi xứ người bà thương nhớ lo lắng lắm chứ, bao đêm bà đã mất ăn mất ngủ, luôn cầu khẩn trước bàn Phật phù hộ cho cháu bà bình yên may mắn. Nay thấy sự thành công mỹ mãn của con cháu, bà mới thấy sự hy sinh và quyết định của bà là một lựa chọn đúng.

Một thời gian sau, sau khi con trai bà Thịnh được thả về từ lao tù cộng sản, gia đình bà đoàn tụ tại Hoa Kỳ do Thăng Long bảo lãnh theo diện ODP.


Ngày đón đại gia đình tại phi trường, Thăng Long dẫn theo một thiếu nữ vô cùng duyên dáng xinh đẹp. Thăng Long ôm choàng bà Nội và thủ thỉ cùng bà:
Cháu dâu của bà đây. Bà thấy thế nào ạ?
Bà Thịnh ngắm nghía cô gái rồi buột miệng hỏi:
Cháu có phải tên…Phượng không?
Cả nhà cười vui khi nhớ đến những ngày bà Thịnh luôn dặn Thăng Long kiếm bạn gái tên Phượng hay Phụng (nữ hoàng của loài chim) cho xứng hợp với tên Long tức rồng (vua của loài thú) như thế mới “môn đăng hộ đối”. Con trai bà xen vào:

Rồng sao lấy chim làm vợ được hả mẹ?
Cũng chỉ là biểu trưng ý chí vươn lên thôi mà, chứ chúng có phải là rồng thật, chim thật đâu.
Mọi người đã ra khỏi phi trường, trước khi lên xe về nhà, Thăng Long nói với bà Nội:
Con kiếm mãi cô tên Phượng, Phụng không có, nếu có, cũng không đẹp nên con không vâng lời bà được. Bạn gái con đây tên Hoàng, vậy bà bằng lòng không?
Bà Thịnh cười, nói:
Sư mày! Hoàng tức là Phượng Hoàng rồi còn gì. Phải thế chứ, cái tên nhắc nhở mình vươn lên. Vươn lên không phải để hà hiếp người mà không ai đè đầu cưỡi cổ mình được!

(TTNH)


Chuyện ăn Tết ở Việt Nam: Mình ăn Tết hay là Tết ăn mình!!!
Nói tóm lại Tết đừng bầy vẽ nhiều, nghỉ ngơi là chính, có nhiều thời giờ cho gia đình


(By Xuân Tuấn Anh Đặng from Pixabay)
-Thứ nhất, có nhiều gia đình cả năm không dọn dẹp nên bắt tay trang hoàng nhà cửa dồn hết vào những ngày trước Tết. Mệt mỏi, lu bu, đầu bù tóc rối, vợ chồng cáu giận, hò hét con cái… đến tối 30 Tết, thậm chí sáng mồng một thì ai nấy đều đuối. Hết Tết.
Thứ hai, có những gia đình cứ quần quật, đầu tắt mặt tối làm mứt kẹo, gói bánh… vô tình tạo áp lực công việc cho cả nhà đến phút cuối cùng. Hết tết.
Thứ ba, nhiều gia đình giữ truyền thống cúng bái mỗi ngày (sáng, chiều, tối). Mỗi lần cúng là phải đủ món, đủ mâm. Kết quả là nguyên Tết chỉ làm bạn với ông Táo, rót nước, thắp nhang, rửa chén suốt ngày.
Thật không may cho những ai làm vợ, làm dâu những gia đình này, cộng thêm một chút gia trưởng của nhà chồng nữa thì chỉ có hát bài: "Xuân này con không về". Hết tết.
Thứ tư, có nhiều người thích sĩ diện, luôn sợ bà con, hàng xóm, bạn bè sẽ bình luận về mình: "Ăn Tết có lớn không? Lì xì có nhiều không? Phải trái với họ hàng thế nào"… kết quả là ném tiền qua cửa sổ hoặc luôn căng thẳng, stress, đóng cửa trốn Tết luôn.

Thứ năm, chính là những gia đình suốt ngày bày biện mọi thứ ra để tiếp khách. Ngày Tết, khách đến nhà chơi là chuyện quý hóa, thế nhưng cứ mỗi khi có khách đến thì lại hò hét vợ con rót nước, pha trà, bày rượu, tét bánh… khách chỉ nhấm môi một tí ra về. Sau đó lại dọn bàn, lau bàn, rửa ly, khách mới lại tới.
Thứ sáu, có nhiều ông chồng cứ lang thang tất niên hết nhà này nhà khác. Hết tất niên thì đi chúc Tết. Rượu chè bê bết, về nhà đầu năm gây gổ vợ con. Người hôi hám, mỏi mệt lăn ra ngủ... mất tư cách, phong độ đàn ông khiến cả nhà mất vui. Mối quan hệ nào với họ cũng quan trọng, điều ấy chỉ toàn là ngụy biện.
Cuối cùng nhưng chưa phải là hết. Cờ bạc, chạy nhanh phóng ẩu… cũng dễ làm Tết trở thành những kinh nghiệm – viết tắt của cụm từ "những trải nghiệm phát kinh". Hết Tết.
(Mạc Nguyễn)


Chợ Tết truyền thống ở Quảng Nam, vắng vẻ, đìu hiu, tiểu thương ngóng khách

-Khác với cảnh mua sắm nhộn nhịp ở chợ Tết mọi năm, sức mua ở các chợ truyền thống tại tỉnh Quảng Nam năm nay ế dài, đặc biệt là các chợ nằm gần trung tâm các thị trấn, thị xã.
Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, chiều 23 Tháng Giêng (tức 13 Tháng Chạp), chỉ còn ít ngày nữa tới cao điểm mua sắm Tết Giáp Thìn nhưng không khí ở chợ Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam, vắng ngắt.


Cận Tết nhưng chợ Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam, vắng khách mua sắm. (Hình: Thái Bá Dũng)
Trước chợ chỉ có mấy hàng bán vôi, trầu cau, muối… phục vụ tập tục dọn nhà cuối năm là có người ghé mua, còn các hàng quán bày bán quần áo, bánh mứt, đồ trang trí Tết… ở mặt tiền chợ đi đâu cũng thấy cảnh tiểu thương ngồi cắn hạt dưa.
“Chừng ni mấy năm trước, ban đêm bà con dẫn cả nhà ra chợ Tết thử quần áo, mua mứt, bánh, đồ trang trí Tết. Năm ni không hiểu vì răng mà vắng ngắt. Không riêng ở chợ ni, mà các chợ truyền thống khác đều như rứa,” bà Huỳnh Thị Luận, tiểu thương chợ Vĩnh Điện, lo lắng nói.
Chị Huỳnh Đỗ Uyên, khách mua hàng ở chợ Vĩnh Điện, cho biết mình ra chợ để mua mấy đồ thờ cúng như trầu cau, bánh tổ, vôi bột…
“Mấy đồ lặt vặt này trong siêu thị không có bán, nếu có thì cũng không tươi nên chúng tôi buộc phải ra chợ. Toàn bộ đồ sắm Tết đều có ở siêu thị gần nhà. Nếu bận thì cứ lên mạng đặt rồi người ta giao tận nơi, giá cả cũng rất rõ ràng,” chị Uyên giải thích.
Tương tự, tại chợ Thanh Quýt, thị xã Điện Bàn, cũng vắng lặng, đìu hiu dù cận Tết nhưng khách mua sắm gần như không thấy.
Các tiểu thương ở chợ nói không hiểu vì sao năm nay người dân sắm Tết muộn, sức mua kém.
“Tầm ni mấy năm trước, vào cuối chiều, công nhân, bà con ra chợ mua đồ đông lắm. Người ta tranh thủ mua sớm cho rẻ, dễ dàng chọn lựa. Nhưng năm ni hàng hóa tràn ngập mà hầu như không có khách. Nhiều người phải nhờ con cái đăng lên mạng để bán,” bà Nguyễn Thị Phước, tiểu thương chợ Thanh Quýt, nói.

Ghi nhận tại một số chợ truyền thống lớn ở thành phố Tam Kỳ như chợ Tam Kỳ, chợ thương mại Tam Kỳ, chợ Vườn Lài… cũng rơi vào tình cảnh vắng người mua.
Tại chợ thương mại Tam Kỳ, một dãy cửa hàng bán quần áo, giày dép, mũ nón… rất vắng khách.
Anh Nguyễn Hữu Chí, chủ cửa hàng bán quần áo, cho biết đã bán ở chợ 10 năm nay nhưng “chưa năm nào thấy ế ẩm như năm nay,” thời điểm này sức mua giảm hơn 60% so với mọi năm. Thậm chí những năm dịch COVID-19 người dân vẫn mua sắm Tết nhiều.
“Năm ni sức mua chậm nên cửa hàng chỉ dám nhập hàng Tết khoảng 50%-60% so với mọi năm và bán cầm chừng,” anh Chí than thở.


Nhiều cửa hàng bán quần áo Tết ở chợ thương mại Tam Kỳ cũng không khá hơn. (Hình: Lê Trung)
“Mọi năm, cả năm có dịch COVID-19, vẫn bán chạy. Mấy năm trước, khách sắm Tết tiền triệu, vài triệu, nay thì mua chỉ lèo tèo vài trăm ngàn đồng,” chị Quyên, một chủ cửa hàng bán bánh kẹo, mứt, hạt dưa, nói.
Nhiều tiểu thương các chợ ở Quảng Nam cho hay tình hình kinh tế Việt Nam năm nay khó khăn, người dân mua sắm dè dặt. Ngoài ra, cùng với sự phát triển càng nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, các trang mạng bán hàng online… nên chợ truyền thống ngày càng ảm đạm hơn.


Tin Quốc Tế Đó Đây
***
Kế Hoạch Đình Chiến Dài 1 Tháng ở Gaza Đạt Được Tiến Bộ Trong Khi Do Thái Tấn Công Khan Younis


-Do Thái và Hamas đã đạt được một số tiến bộ trong việc đạt được thỏa thuận về lệnh ngừng bắn 30 ngày ở Gaza, khi các con tin Do Thái và tù nhân Palestine sẽ được thả, các nguồn tin nói với thông tấn xã Reuters, trong khi Do Thái tiếp tục tấn công vào thành phố chính phía Nam Dải Gaza.
Qatar, Mỹ và Ai Cập trong nhiều tuần đã trao đổi với Do Thái và nhóm chiến binh đang điều hành Gaza để cố gắng đạt được các điều khoản để ngừng giao tranh, và điều này cũng sẽ cho phép có thêm thực phẩm và vật tư y tế.
Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết, hai bên vẫn còn bất đồng về cách chấm dứt vĩnh viễn cuộc chiến ở Gaza, và Hamas đã từ chối tiến tới thỏa thuận cho đến khi vấn đề này được giải quyết.

Hôm 24/1/2024, phát ngôn viên của Do Thái Eylon Levy cho biết sẽ không có lệnh ngừng bắn nếu Hamas còn nắm quyền và con tin vẫn bị giữ ở Gaza, sau vụ tấn công xuyên biên giới của nhóm chiến binh này vào ngày 7 tháng 10 khiến khoảng 1.200 người Do Thái thiệt mạng.
Các viên chức y tế Palestine cho biết, 25.490 người Gaza đã thiệt mạng kể từ đó, cùng với hàng ngàn người khác được cho là đã mất tích dưới đống đổ nát của các tòa nhà bị phá hủy.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Tòa Bạch Ốc, Bộ Ngoại giao Qatar và Cơ quan Thông tin Nhà nước Ai Cập đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận về triển vọng cho một thỏa thuận ngừng bắn mới, sau lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần vào tháng 11.
Trong chiến dịch lớn nhất trong một tháng, các lực lượng Do Thái đã tiếp tục nỗ lực chiếm thành phố Khan Younis, nơi hàng trăm ngàn người Palestine di tản đang trú tạm sau khi rời khỏi miền Bắc - tâm điểm ban đầu của cuộc chiến.


Viên Chức Ai Cập: Hamas Bác Đề Xuất của Do Thái Về Thỏa Thuận Hưu Chiến Mới


(Hình: Một quân nhân Do Thái hướng dẫn đoàn xe tăng băng qua, trong chiến dịch trên bộ ở dải Gaza nhằm tiêu diệt Hamas, ngày 4/12/2023.)
-Hôm 23/1/2024, một viên chức cấp cao của Ai Cập cho biết tổ chức Palestine Hamas đã bác đề xuất của Do Thái ngừng bắn hai tháng để Hamas thả toàn bộ con tin Do Thái đổi lấy các tù nhân người Palestine bị giam ở Do Thái.
Theo hãng tin Mỹ AP, viên chức nói trên cho biết thêm các lãnh đạo Hamas cũng từ chối rời khỏi Gaza và yêu cầu Do Thái rút toàn bộ quân khỏi dải đất này, cho phép người dân Palestine có thể trở về nhà. Về phần mình, Do Thái chưa xác nhận thông tin này. Kênh 12 của Do Thái dẫn lời các viên chức giấu tên của nước này cho biết chưa nhận được thông báo về việc Hamas từ chối đề nghị hưu chiến của Do Thái.

Vẫn về Trung Đông, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã tới Ankara hôm nay và sẽ hội đàm với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về cuộc chiến ở Gaza và tìm cách ngăn xung đột lan rộng trong khu vực.
Từ Istanbul, thông tín viên Anne Andlauer của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong khu vực, Ankara cố gắng giữ mối quan hệ hòa hoãn với Tehran. Mặc dù các cuộc tấn công của nước láng giềng Iran nhắm vào một số quốc gia khiến Thổ Nhĩ Kỳ lo lắng, Ankara vẫn chỉ kêu gọi các bên "kiềm chế" và không lên án trực tiếp chế độ Tehran.

Đối với đất nước của Tổng thống Erdogan, Iran là một đối tác về kinh tế và năng lượng, nhưng cũng là một đối thủ trong khu vực với quan điểm khác biệt, không cùng lợi ích với Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt ở Iraq và Syria. Tuy nhiên, Ankara chọn thảo luận về những bất đồng này trong các cuộc hội đàm song phương thay vì công khai chỉ trích Tehran. Điều này càng quan trọng khi Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách tăng cường các hoạt động quân sự chống lực lượng người Kurdistan ở Iraq và Syria, nơi họ phải liên tục đối phó với Iran và những lực lượng mà nước này yểm trợ.
Cuối cùng, Ankara mong muốn duy trì đối thoại chặt chẽ với Tehran về xung đột ở Gaza, một cuộc đối thoại mà Hoa Kỳ, đồng minh NATO của Thổ Nhĩ Kỳ, hy vọng có thể sẽ hữu ích trong việc kiềm chế Iran. Hai nước láng giềng đều lên án Do Thái và ủng hộ Hamas, nhưng với những khác biệt: Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết không hỗ trợ quân sự cho Hamas và cũng không muốn phá vỡ quan hệ với Do Thái.


Ủy Ban Thượng viện Hoa Kỳ Mở Đường Cho Việc Tịch Thu Tài Sản của Nga Để Giúp Đỡ Ukraine


(Hình: Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ Ben Cardin.)
-Hôm 24/1/2024, một ủy ban Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua một Dự luật sẽ giúp tạo tiền đề cho Hoa Kỳ tịch thu tài sản của Nga và giao chúng cho Ukraine để tái thiết sau khi cuộc chiến kéo dài gần 2 năm tàn phá nước này.
Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã bỏ phiếu với tỷ lệ 20 trên 1, ủng hộ "Đạo luật Gây dựng lại Thịnh vượng và Cơ hội Kinh tế (REPO) cho người Ukraine", vốn chưa có tiền lệ.
Nếu nó được toàn bộ Thượng viện và Hạ viện thông qua và được Tổng thống Joe Biden ký thành luật, đạo luật này sẽ mở đường cho việc Hoa Thịnh Ðốn lần đầu tiên tịch thu tài sản Ngân hàng Trung ương từ một quốc gia mà Mỹ không có chiến tranh.

Thượng Nghị sĩ Ben Cardin, Chủ tịch thuộc phe Dân chủ của Ủy ban Đối ngoại, lạc quan về việc Dự luật sẽ trở thành luật, lưu ý rằng nó nhận được sự ủng hộ rộng rãi, từ cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại Thượng viện và Hạ viện, cũng như từ chính quyền của ông Biden.
Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã thông qua một Dự luật tương tự, cũng nhận được sự ủng hộ áp đảo của lưỡng đảng.
Liên Hiệp Âu Châu (EU), Hoa Kỳ, Nhật Bản và Gia Nã Ðại đã phong tỏa khoảng 300 tỉ Mỹ kim tài sản của ngân hàng trung ương Nga vào năm 2022 khi Nga xâm chiếm Ukraine.
Ông Cardin thừa nhận tính chất đột phá của đạo luật này, nhưng đồng thời cũng lưu ý mức độ nghiêm trọng của những gì Nga đã làm.
"Đó là lý do tại sao việc này phải được thực hiện đúng", ông nói với thông tấn xã Reuters.


NATO Mua Hàng Trăm Ngàn Đạn Pháo 155 Ly Cung Cấp Cho Ukraine


(Hình: Một tòa nhà ở Kharkiv, Ukraine, bị trúng phi đạn của Nga ngày 10/1/2024.)
-Tại Ukraine, thủ đô Kyiv, vùng Kharkiv và nhiều địa phương khác lại bị Nga tấn công sáng sớm 24/1/2024, khiến 18 người thiệt mạng và 130 người bị thương. Trên mạng Telegram, Tổng thống Zelensky thống kê "hơn 200 khu vực bị tấn công, trong đó có 130 khu chung cư". Theo Tổng tham mưu trưởng Quân đội Ukraine Valery Zaloujny, Nga đã bắn 41 phi đạn, nhưng Ukraine chỉ bắn hạ được 21.
Hệ thống phòng không Ukraine không còn hiệu quả như trước do thiếu viện trợ từ các nước đồng minh, đặc biệt là từ Mỹ. Trong bối cảnh này, Tổ chức Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) thông báo ký một hợp đồng mua 220.000 đạn pháo 155 ly để cung cấp cho Ukraine. Sắp tới sẽ còn nhiều hợp đồng mua vũ khí khác. Thông tín viên Pierre Bénazet của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Brussels tường trình:

"Từ khi kế hoạch hành động sản xuất quốc phòng được thông qua tháng 7/2023, NATO đã ký nhiều hợp đồng mua vũ khí có tổng trị giá khoảng 10 tỉ Euro. Thứ Ba (23/1), Tổng Thư ký Jens Stoltenberg thông báo một hợp đồng mới trị giá 1,1 tỉ Euro để mua 220.000 quả đạn pháo từ bốn nước trong Liên minh để gửi cho Ukraine, nhưng số lượng mua từ mỗi nước không được nêu cụ thể.
Đạn pháo 155 ly là cỡ chuẩn của Pháo binh các nước trong NATO và hiện cũng là loại đạn chủ lực trên chiến trường ở Ukraine. Nhưng Pháo binh Ukraine lại tiêu thụ nhanh hơn cả dự báo trong những kế hoạch của các thành viên NATO cho những kịch bản căng thẳng nhất trong 30 năm gần đây, giai đoạn mà ai cũng tưởng là hòa bình sẽ lâu dài.

Hợp đồng được ký chỉ 3 tuần sau khi liên quân gồm 8 nước đồng minh, trong đó có Đức, Hòa Lan, Tây Ban Nha và Lỗ Ma Ni, thông báo mua 1.000 phi đạn Patriot của Mỹ với tổng trị giá 5,5 tỉ Euro. Số vũ khí này sẽ tham gia bảo vệ hệ thống phòng không cho Ukraine".
Ngày 22/1, nhật báo The Guardian công bố nhiều hình ảnh được tình báo Anh chụp từ vệ tinh vào mùa Thu 2023 cho thấy 3 tàu Nga, bị Mỹ trừng phạt năm 2022, nhận hàng tại một cảng ở Bắc Hàn. Những tấm ảnh này đã được Luân Đôn gửi cho Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để yêu cầu mở một cuộc điều tra về việc Bình Nhưỡng vi phạm các lệnh cấm vận.

Theo đài truyền hình Pháp LCI, những hình ảnh mới được tiết lộ củng cố thêm khẳng định Bắc Hàn cung cấp vũ khí cho Nga. Dù hình ảnh không cho thấy các container chứa những gì, nhưng cả ba tàu của Nga đều bị Mỹ trừng phạt từ năm 2022 do có liên quan đến Bộ Quốc phòng Nga.
Hai trong số 3 tàu trên được nêu tên trong một báo cáo của viện tư vấn Anh Royal United Services Institute (RUSI), trụ sở ở Luân Đôn. Báo cáo nhấn mạnh đến hoạt động xuyên biên giới từ Bắc Hàn sang Nga đã gia tăng mạnh, cho thấy "Nga có thể đã bắt đầu chuyển vũ đạn dược Bắc Hàn trên quy mô lớn".
Vào tháng 10/2023, Hoa Thịnh Ðốn khẳng định Bắc Hàn đã giao cho Nga hơn 1.000 container thiết bị quân sự và đạn dược vài tuần trước đó.


Hung Gia Lợi ủng Hộ Tư Cách Thành Viên NATO của Thụy Điển


(Hình: Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg.)
-Hôm 24/1/2024, Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban cho biết trên mạng xã hội X rằng ông đã nói với Tổng Thư ký Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg trong một cuộc điện thoại rằng chính phủ Hung Gia Lợi ủng hộ việc Thụy Điển trở thành thành viên của liên minh quân sự.
Ông viết: "Tôi tái khẳng định rằng chính phủ Hung Gia Lợi ủng hộ #Thụy Điển trở thành thành viên NATO".
Ông nói thêm rằng ông cũng nói với ông Stoltenberg rằng ông sẽ tiếp tục thúc giục Quốc hội Hung Gia Lợi bỏ phiếu ủng hộ việc Thụy Điển gia nhập NATO và hoàn tất việc phê chuẩn ngay khi có cơ hội đầu tiên.

Ông Stoltenberg cho biết sau cuộc gọi rằng ông Orban và chính phủ của ông rõ ràng ủng hộ việc Thụy Điển trở thành thành viên NATO.
"Tôi mong chờ việc phê chuẩn ngay khi Quốc hội tái họp", ông Stoltenberg nói trên X.
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 23/1 đã phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển trong liên minh quân sự phương Tây, khiến Hung Gia Lợi trở thành thành viên NATO duy nhất chưa phê chuẩn việc gia nhập này.


Liên Hiệp Âu Châu Công Bố Chiến Lược Bảo Vệ Kỹ Thuật Nhạy Cảm


(Ảnh: Vận đồng bầu cử Âu Châu bên ngoài trụ sở Nghị Viện Âu Châu ở Brussels, Bỉ, ngày 24/1/2024.)
-Ngày 24/1/2024, Liên Hiệp Âu Châu đã công bố một loạt sáng kiến để bảo vệ lợi ích kinh tế của khối, cũng như tránh để các kỹ thuật nhạy cảm của Âu Châu hoặc các công trình hạ tầng trọng điểm rơi vào tay các đối thủ như Trung Quốc.
Theo thông tấn xã AFP, biện pháp mới gồm 5 sáng kiến, trong đó có tăng cường cơ chế kiểm soát các khoản ngoại quốc đầu tư vào Âu Châu có hiệu lực từ cuối năm 2020. Hoạt động của cơ chế này sẽ được phối hợp chặt chẽ hơn, hướng tới việc "tất cả các nước thành viên có một cơ chế kiểm soát" ngoại quốc đầu tư.
Ngoài ra, Ủy Ban Âu Châu cũng đề xuất phối hợp kiểm soát xuất cảng, chủ yếu nhắm đến các sản phẩm mang tính lưỡng dụng dân sự và quân sự; tham vấn công khai về các biện pháp thúc đẩy nghiên cứu và phát triển kỹ thuật lưỡng dụng; điều phối hài hòa ở quy mô Âu Châu các biện pháp bảo đảm an toàn cho nghiên cứu và tránh để các quốc gia chuyên chế khai thác các chương trình hợp tác quốc tế, trong đó có giáo dục Đại học.

Văn bản này sẽ còn phải được đàm phán với các Nghị sĩ Âu Châu và các nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu. AFP cho rằng quy mô của văn bản vẫn bị hạn chế bởi vì Brussels không có quyền ngăn chặn một dự án đầu tư, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về các nước thành viên. Tuy nhiên, Ủy Ban Âu Châu đặt kỳ vọng thúc đẩy 27 nước thành viên thông tin nhiều hơn về quyết định của họ.
Ủy Ban Âu Châu muốn xem xét những rủi ro trong các dự án đầu tư của Âu Châu sang nước thứ ba, nhất là nguy cơ rò rỉ kiến thức về một số kỹ thuật trọng điểm giúp tăng cường "khả năng quân sự và tình báo". Tháng 10/2023, Liên Hiệp Âu Châu đã công bố danh sách 4 lĩnh vực chiến lược cần ưu tiên bảo vệ, gồm thiết bị bán dẫn, trí thông minh nhân tạo, tin học lượng tử và kỹ thuật sinh học.


Pháp: Nông Dân Tiếp Tục Gia Tăng Sức Ép Với Chính Phủ


(Hình: Nông dân Pháp phong tỏa xa lộ A62 để phản đối chính sách thuế khóa và tình trạng thu nhập sụt giảm, gần Agen, Pháp, ngày 23/1/2024.)
-Nông dân Pháp gia tăng sức ép trong ngày 24/1/2024, đó là cảnh báo của nghiệp đoàn nông nghiệp lớn nhất Pháp FNSEA. Theo FNSEA, nhiều trục lộ, ngã tư sẽ tiếp tục bị phong tỏa để buộc chính phủ phải có câu trả lời "rõ ràng, nhanh chóng" cho "khoảng 40 kiến nghị" được công bố tối 24/1.
Đặc phái viên Nicolas Feldmann của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) ghi nhận nỗi tức giận của người nông dân tại trạm thu lệ phí trên đường cao tốc A62 gần thành phố Agen (Tây-Nam Pháp), bị phong tỏa từ ngày 22/1:
"Vài chục máy cày được đưa đến chặn kín các làn đường. Nhiều người nông dân ngủ tại chỗ trong lều. Một số khác thức cả đêm, sưởi ấm bên bếp củi. Đã gần 36 tiếng họ chặn khu vực này trên đường cao tốc A62, hiện giờ trông giống đại bản doanh. Họ mang đến cả một máy phát điện. Người biểu tình thay ca nhau ngày đêm, phong trào có thể sẽ kéo dài vì sự phẫn nộ rất lớn.

Ông Jacques Bailleul, một nhà chăn nuôi trong tỉnh, tin tưởng: "Tôi bảo đảm là sẽ có tiến triển và chúng tôi sẽ thành công. Tôi rất quyết tâm, dù có mất đến 15 ngày, tôi cũng sẽ ở đây 15 ngày, chúng tôi ở đây để đấu tranh, tiếp tục. Tôi đã 73 tuổi, nhưng chưa bao giờ thấy tình trạng này: Lương chỉ còn 700, 500 Euro thì làm sao sống được? Mọi người, dù là nhà nông lớn hay nhỏ, các nhà trồng ngũ cốc đều khó khăn".
Trong số những yêu sách của giới nông dân có vấn đề thu nhập và lương. Họ cho rằng họ là nạn nhân của hệ thống siêu thị của các đại tập đoàn công nghiệp, bị cáo buộc là không trả thù lao tương xứng cho nông dân. Một nguyên nhân khác giải thích cho nỗi tức giận của nông dân là phải tuân thủ hàng loạt tiêu chuẩn chồng chéo khiến họ không thể làm việc. Đó là những thông điệp mà người nông dân muốn gửi đến chính quyền.
Sáng nay, nhiều người biểu tình tiếp tục phong tỏa các đoạn đường cao tốc, một số khác sẽ đến thành phố Agen, chỉ cách đó vài cây số, để đổ rơm và phân bón trước Sở Cảnh sát tỉnh".
Một phụ nữ và con gái 14 tuổi đã thiệt mạng hôm 23/01 do bị xe hơi đâm khi canh giữ một chốt mà các nghiệp đoàn dựng lên tại một ngã tư ở tỉnh Ariège (Tây-Nam Pháp)


Hán Thành: Bắc Hàn Phóng Phi Đạn Liên Lục Địa Ngoài Khơi Bờ Biển Phía Tây


(Hình: Truyền hình Nam Hàn chiếu cảnh Bắc Hàn phóng phi đạn.)
-Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Nam Hàn (JCS) cho biết hôm 24/1/2024, Bắc Hàn đã bắn nhiều phi đạn liên lục địa về phía biển ngoài khơi duyên hải phía Tây nước này, dấu hiệu mới nhất về căng thẳng gia tăng cao trên bán đảo Triều Tiên.
Trong một tuyên bố, JCS cho biết rằng các phi đạn được bắn vào khoảng 7 giờ sáng và các vụ phóng đang được tình báo Nam Hàn và Hoa Kỳ phân tích.
Cơ quan này không nêu rõ có bao nhiêu phi đạn đã được bắn đi nhưng cho biết các hoạt động tiếp theo của Cộng sản Bắc Hàn, quốc gia có vũ khí nguyên tử, đang được theo dõi.

Trong khi các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhắm vào hoạt động phát triển vũ khí của Bắc Hàn không ngăn cản việc thử nghiệm phi đạn liên lục địa được trang bị vũ khí thông thường, Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn Shin Won-sik đã lên án các vụ phóng này là mối đe dọa nghiêm trọng đối với đất nước ông.
Vụ bắn phi đạn mới nhất của Bình Nhưỡng diễn ra khi đơn vị tác chiến đặc biệt của Hải quân Nam Hàn đang tham gia huấn luyện dọc bờ biển phía Đông ở tỉnh Gangwon giáp biên giới Bắc Hàn trong 10 ngày.
JCS cho biết cuộc huấn luyện nhằm mục đích tăng cường khả năng sẵn sàng hoạt động sau vụ bắn đạn pháo gần đây của Bắc Hàn gần biên giới biển tranh chấp và các cuộc thử nghiệm vũ khí.
Nhà cầm quyền Bình Nhưỡng cho biết họ đã thử nghiệm một phi đạn siêu thanh tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn hồi đầu tháng này, một động thái bị Mỹ, Nam Hàn và Nhật Bản lên án.


Trung Quốc và Nauru Chính Thức Nối Lại Quan Hệ Ngoại Giao


(Hình: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) và đồng nhiệm Nauru Lionel Aingimea tại Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc, ngày 24/1/2024.)
-Hôm 24/1/2024, Trung Quốc chính thức nối lại quan hệ ngoại giao với Nauru, gần 2 tuần sau khi đảo quốc ở Thái Bình Dương cắt đứt bang giao với Đài Loan. Buổi lễ ký kết được tổ chức tại Bắc Kinh với sự hiện diện của Ngoại trưởng hai nước.
Hãng tin AFP dẫn lời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết: "Trung Quốc và Nauru tuy xa cách về mặt địa lý và bị ngăn cách bởi đại dương rộng lớn, nhưng tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước đã có từ rất lâu". Về phần mình, đồng nhiệm Nauru Lionel Aingimea khẳng định: "Chúng tôi rất phấn khởi về chương mới này trong mối quan hệ giữa Nauru và Trung Quốc, mối quan hệ tập trung vào an ninh và chiến lược phát triển".

Nauru hôm 15/01 đã quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, chỉ hai ngày sau khi hòn đảo tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống. Nauru thiết lập bang giao với Bắc Kinh lần đầu tiên vào năm 2002, sau 22 năm quan hệ với Đài Loan, trước khi lại đứng về phía Đài Bắc vào năm 2005.
Sự kiện Trung Quốc và Nauru tái lập quan hệ ngoại giao diễn ra vào thời điểm hai Dân biểu Mỹ đang có mặt ở Đài Loan để "tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ" đối với hòn đảo, sau khi ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) đắc cử Tổng thống.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã khiến một số quốc gia Mỹ Châu Latinh như Cộng hòa Dominica hay Nicaragua rời xa Đài Bắc. Trong số 12 quốc gia vẫn còn giữ quan hệ ngoại giao với Đài Loan có Vatican, Eswatini (tên trước đây là Swaziland), Paraguay, một số đảo quốc ở Thái Bình Dương và Haiti.


Hải Quân Mỹ: Tàu USS John Finn Đi Qua Eo Biển Đài Loan


(Hình: Khu trục hạm USS John Finn.)
-Hải quân Mỹ cho biết trong một tuyên bố rằng hôm 24/1/2024, khu trục hạm USS John Finn của họ đã đi qua một hành lang ở Eo biển Đài Loan, "bên ngoài lãnh hải của bất kỳ quốc gia ven biển nào".
"Việc John Finn đi qua Eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Hoa Kỳ trong việc duy trì quyền tự do hàng hải cho tất cả các quốc gia như một nguyên tắc", Hải quân Hoa Kỳ nói trong tuyên bố của mình.
"Không thành viên nào của cộng đồng quốc tế nên bị đe dọa hoặc bị ép buộc phải từ bỏ các quyền và tự do của mình".

Hoa Kỳ thường xuyên khai triển các tàu đến các khu vực ở Biển Đông, khiến Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ khu vực, tức giận.
Việc quá cảnh - gần Đài Loan - diễn ra khi các nhà lãnh đạo của Nhóm Dân biểu Hạ viện về Đài Loan, Dân biểu thuộc Đảng Cộng hòa Mario Diaz Balart và Dân biểu thuộc Đảng Dân chủ Ami Bera đến thăm Đài Bắc để thể hiện sự ủng hộ sau cuộc bầu cử ở hòn đảo này.
Trung Quốc, nước coi Đài Loan là lãnh thổ của mình, trong 4 năm qua đã thường xuyên điều động máy bay chiến đấu và chiến hạm đến vùng trời và vùng biển xung quanh hòn đảo này khi nước này tìm cách khẳng định các tuyên bố chủ quyền mà chính phủ Đài Bắc bác bỏ.
Tuần trước, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết họ phát giác 18 máy bay của Không quân Trung Quốc hoạt động quanh Đài Loan và thực hiện "các cuộc tuần tra sẵn sàng chiến đấu chung" với chiến hạm Trung Quốc, vốn là hoạt động quân sự quy mô lớn đầu tiên sau cuộc bầu cử ở Đài Loan.


Thái Lan: Thủ Lĩnh Phong Trào Dân Chủ Được Trắng Án Trong Một Vụ Kiện


(Hình: Ông Pita Limjaroenrat, cựu lãnh đạo đảng Move Forward, trong một cuộc họp báo tại Vọng Các, Thái Lan, ngày 20/12/2023.)
-Pita Limjaroenrat, thủ lĩnh đảng Move Forward ủng hộ dân chủ Thái Lan, đã được trắng án ngày 24/1/2024 trong vụ kiện về việc ông sở hữu các cổ phần của một kênh truyền hình trong quá trình tranh cử. Với 8 phiếu thuận và 1 phiếu chống, Tòa Bảo Hiến quyết định ông Pita Limjaroenrat "vẫn còn tư cách Dân biểu".
Tòa Bảo Hiến khẳng định: "iTv không hoạt động giống như một cơ quan báo chí vào ngày đảng Move Forward đăng ký tên của bị cáo tham gia các cuộc bầu cử (…). Việc sở hữu cổ phần không vi phạm luật". Luật pháp Thái Lan cấm mọi ứng cử viên có liên quan đến hoạt động quản lý các cơ quan báo chí. Trước đó, Pita Limjaroenrat giải thích ông đã thừa kế cổ phần kênh iTv từ người cha quá cố, nhưng kênh này đã ngưng phát sóng từ năm 2007, vì vậy không thể được coi là một cơ quan truyền thông.
Phán quyết của Tòa Bảo Hiến rất được trông đợi, vì Thái Lan đang bị chia rẽ giữa thành phần tinh hoa bám quyền và thế hệ trẻ muốn đổi mới. Trước những người ủng hộ tập hợp trước tòa, ông Pita Limjaroenrat khẳng định sẽ trở lại Hạ viện "trong thời gian nhanh nhất có thể". Thông tín viên của thông tấn xã AFP có mặt tại chỗ cho biết nhiều người đã hô "Pita là Thủ tướng".

Dù chiếm đa số ở Hạ viện sau cuộc bầu cử tháng 4/2023, đảng Move Forward do Pita Limjaroenrat lãnh đạo đã không thành lập được chính phủ, do ông bị đình chỉ tư cách Dân biểu vào tháng 7 để điều tra, buộc đảng Move Forward rút lại đề xuất thành lập chính phủ. Chính phủ Thái Lan hiện do liên minh gồm đảng Pheu Thai, đồng minh cũ của đảng Move Forward và các phong trào ủng hộ quân đội điều hành.
Ông Pita Limjaroenrat còn phải đối mặt với vụ xử thứ hai, liên quan đến tội khi quân nhắm vào đảng Move Forward. Phán quyết sẽ được công bố ngày 31/1.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét