Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 2 tháng 1, 2024

BẠN LÍNH CỦA TÔI - Điệp Mỹ Linh

Vào lứa tuổi ngoài 70, nhận được tin người bạn nào “ra đi” thì buồn chứ không có gì phải ngạc nhiên. Nhưng, một buổi sáng tháng 08/2018, nhận được email từ cựu phó đề đốc tư lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải Hồ Văn Kỳ Thoại chuyển tin từ cựu Hải Quân trung tá Nguyễn Mạnh Trí, báo tin cựu tư lệnh phó vùng I Duyên Hải – cựu Hải Quân đại tá Nguyễn Hữu Xuân – vừa từ trần thì tôi lại hoàn toàn ngạc nhiên và “rơi” vào trạng thái chối bỏ/nghi ngờ! Sau khi emailed cảm ơn cựu đô đốc Thoại, tôi ngồi lặng yên với khối óc gần như trống rỗng! Qua khung cửa sổ trên lầu, sinh hoạt thường ngày của những người già đi bộ, người trẻ đi xe đạp, thiếu phụ đẩy chiếc xe có em bé nằm bên trong, v.v... không còn làm vui mắt tôi như mọi ngày; vì hồn tôi đang cảm nhận được sự mất mát trong tôi. 
<!>
Nhưng cũng chính sự mất mát này lại dẫn dắt hồn tôi lui về một quá khứ quanh co, mịt mờ…Trong những ngõ ngách quanh co, mịt mờ của kỷ niệm, tôi tưởng như tôi có thể thấy lại hình ảnh cô bé tóc dài trong ban ca nhạc Bình Minh – chuyên phụ trách phần văn nghệ cho đài phát thanh Nha Trang, mỗi tuần 2 lần vào tối thứ Năm và tối Chủ Nhật. Danh từ “cô bé tóc dài” là do sinh viên Y Khoa kiêm nhà thơ Hoàng Việt Sơn/Phụng Hồng đặt cho “cô bé” có tên thật là Thanh Điệp, trong bài thơ Tiếng Đàn Đêm Trung Thu. (Mời xem https://www.diepmylinh.com/cung-dan-xua).
Trong những nhạc công và 5 giọng ca nữ của ban Bình Minh, tôi là cô bé nhút nhát và nhỏ tuổi nhất; nhờ vậy, tôi được các anh chị, cô chú, bác, thương mến. Người thương tôi như em ruột là chị Thúy Minh – tên thật là Đỗ Minh Tham – cùng học trường Võ Tánh với tôi, nhưng khác ban.
Vì Ba tôi là sáng lập viên của ban Bình Minh, cho nên, 2 ngày cuối tuần, ban Bình Minh tập dượt tại nhà của Ba Má tôi. Trong những lần tập dượt, thỉnh thoảng tôi thấy vài thanh niên – thuộc nhiều thành phần xã hội – đi theo các nhạc công hoặc “ca sĩ tài tử” đến nhà Ba Má tôi để nghe nhạc.

Chiều Hè cuối thập niên 50, đang cùng các bạn học đạp xe đạp dọc bờ biển, tôi chợt nghe tiếng gọi tên tôi. Quay sang phía phát ra tiếng gọi, tôi thấy chị Thúy Minh đang vẫy tay gọi tôi. Đứng cạnh chị Thúy Minh là thầy Trần Đình Hoàng – giáo sư trường trung học Cường Để Qui Nhơn và cũng là nhà văn, bút hiệu Trần Nhất Hoan – vào Nha Trang chấm thi, thường ghé nhà tôi nghe ban Bình Minh tập dượt. Cạnh thầy Hoàng là một “ông” mặc quân phục tiểu lễ trắng Hải Quân. Tôi dừng lại, nói nhanh với nhóm bạn đang đạp xe:
- Mấy bồ đi trước đi; tí nữa mình theo liền.
Chị Thúy Minh và 2 thanh niên bước về phía tôi. Tôi khoanh tay, mỉm cười, cúi đầu chào thầy Hoàng. Chị Thúy Minh giới thiệu tôi với “ông” Hải Quân. Tôi thấy trên túi áo của “ông” Hải Quân có bản tên Hồ Quang Minh. Tôi vừa mới khoanh tay, chị Thúy Minh vội cầm tay tôi lại:
-Thanh Điệp lớn rồi chứ nhỏ nhít chi nữa mà gặp ai cũng khoanh tay; cúi đầu chào, được rồi!
Câu nói của chị Thúy Minh làm tôi mắc cở. Tôi tìm cách từ giã 3 người. “Ông” Hải Quân chỉ im lặng nhìn tôi trong khi thầy Hoàng bảo:
- Hôm nào anh ghé thăm, Thanh Điệp nhớ đàn cho nghe với, nha!

Cuối tuần, chị Thúy Minh đến nhà tôi với “ông” Minh và vài “ông” Hải Quân khác mà nay tôi chỉ nhớ được hai người là anh Nguyễn Hữu Xuân và anh Nguyễn Văn Nhượng, cùng khóa 9 sinh viên sĩ quan Hải Quân. (Lý do tôi chỉ nhớ tên anh Xuân và anh Nhượng là vì 2 anh đều hiền và thật tình xem tôi như cô em gái cho nên Ba Má tôi rất thương hai anh.) Sau khi chị Thúy Minh xin phép Ba Má tôi, tôi đàn cho các anh nghe.
Từ đó, mỗi cuối tuần, ngoài vài thanh niên, sinh viên đại học về nghỉ Hè, nghỉ Tết, sinh viên sĩ quan Không Quân thường đến nhà tôi nghe ban Bình Minh tập dượt còn có nhóm sinh viên sĩ quan Hải Quân. Mọi người đều lịch sự, lễ độ, kín đáo cho nên Ba Má tôi và tôi cứ nghĩ các thanh niên này để ý các giọng ca nữ của ban Bình Minh là các chị Thúy Minh, Thanh Hoa, Hoàng Thu và cô Thùy Giang – cô này cũng là xướng ngôn viên của Ban Bình Minh – mà thôi. Tự cho mình còn là “nhóc tì”, tôi chẳng bận tâm, chẳng chưng diện gì cả.
Nhưng, càng về sau, sau khi ban Bình Minh tập dượt xong, quý vị khác ra về thì nhóm Hải Quân thường ở lại, nói chuyện thời sự, văn chương với Ba tôi; vì thời điểm đó Ba tôi viết cho báo Đuốc Thiêng và báo Sóng Thần với bút hiệu Điệp Linh.Vào dịp Tết hoặc Hè, nhóm sinh viên đại học cùng ở lại với nhóm Hải Quân để nói chuyện với Ba tôi. Thỉnh thoảng các anh cũng xin phép Ba tôi cho tôi “solo” vài bài để các anh nghe.

Khi lên đệ Tam, tôi chọn ban B – Ban Toán – và được sắp vào lớp Tam B 4; cả trường Võ Tánh gọi chúng tôi là lớp “Bê Bối”. Trong các lớp B – ngoài các bạn trai cùng lớp “Bê Bối” – tôi còn có vài người bạn thân ở các lớp B khác mà nay tôi chỉ nhớ được Võ Ấm, về sau vào trường Võ Bị Quốc Gia Dalat; Nguyễn Dinh, về sau gia nhập khóa 13 sĩ quan Hải Quân; Lê Duy Mậu và Hồ Hải về sau thụ huấn khóa sĩ quan Đặc Biệt Hải Quân. Ngoài ra, tôi còn có 2 người bạn trai rất thân – gọi tôi bằng “chị” – là Nguyễn Đình Tân B2, về sau gia nhập sĩ quan Không Quân; và Bùi Tiết Quý B3, gia nhập khóa 14 sĩ quan Hải Quân.
Năm tôi lên đệ Nhị, nhóm Hải Quân cho biết Minh sắp mãn khóa. Chị Thúy Minh cho biết anh Nghị Không Quân – sorry, tôi không nhớ anh Nghị họ gì – sắp sang Mỹ học lái máy bay phản lực đáp xuống Hàng Không Mẫu Hạm.
Một hôm Quý đến nhà tôi, thấy Minh – mặc quần áo dân sự vì đã mãn khóa sĩ quan Hải Quân Khóa 8 – đang ngồi tại xa-lông. Sau khi giới thiệu hai người, tôi xuống bếp pha nước trà mời khách. Khi trở lên, tôi nghe Minh vừa cười cười vừa nói với Quý:
- Anh là thầy giáo dạy trường làng ở Chutt, gần Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân.
Quý cười vui:
- Ô, thế thì vui quá! Vài năm nữa Quý sẽ gặp anh; vì Quý sẽ vào Hải Quân sau khi đỗ tú tài II.
Tôi tròn mắt, không ngờ Minh có tính bông đùa mà nét mặt cứ tỉnh bơ như thế. Minh nheo mắt, ra dấu cho tôi im lặng. Sau khi Quý từ giã, tôi hỏi:
- Tại sao anh lại nói với Quý như vậy?
- Đùa cho vui. Cuộc đời này chẳng có gì quan trọng đến độ mình không thể đùa.
Tôi lại “ngớ” ra. Minh cười, tiếp:
- Anh đến để chào từ giã Ngoại, hai Bác và Thanh Điệp. Tý nữa anh lên ga đón xe lửa vào Saigon, trình diện Bộ Tư Lệnh để nhận nhiệm sở.
- Anh biết nhiệm sở của anh ở đâu chưa?
- Anh sẽ phục vụ trên giang pháo hạm Long Đạo, HQ 327.
- Hạm trưởng là ai, anh biết không?
- Hải Quân đại úy Vũ Trọng Đệ.
Nhìn đồng hồ tay, Minh tiếp:
- Sắp đến giờ xe lửa khởi hành rồi. Anh đi. Anh đã xin phép hai Bác rồi. Thỉnh thoảng anh gửi thư thăm Thanh Điệp. Bác trai bảo phải gửi qua địa chỉ – Khu Công Chánh – nơi làm việc của Bác trai và Bác trai sẽ kiểm duyệt trước. Thanh Điệp ở lại học giỏi, đàn hay, nha!
Nói xong, Minh xuống nhà sau chào từ giã bà Ngoại và Ba Má tôi.

Chiều thứ Bảy gần Tết, chị Thúy Minh và vài cô bạn đến rũ tôi đi Cầu Đá chơi. Khi đến Cầu Đá, tôi thấy 3 chiến hạm đậu sát nhau, cờ và đèn giăng sáng rực. Chúng tôi gặp lại anh sinh viên Y Khoa thường đến nhà thăm tôi. Chị Thúy Minh rũ anh ấy “nhập” vào nhóm của chúng tôi. Không ngờ chị Thúy Minh quen với vài ông Hải Quân trên 3 chiến hạm; thế là nhóm chúng tôi được mời xuống thăm và cùng tham dự tiệc cuối năm của 3 chiến hạm. Vừa bước lên chiến hạm đậu sát cầu tàu, thấy bác Cổn – trưởng Ty Hải Cảng Nha Trang và cũng là bạn thân của Ba tôi – tôi khoanh hai tay, cúi đầu:
- Dạ, con xin chào Bác.
Sau khi đáp những câu thăm hỏi của bác Cổn, tôi được mời vào bàn tiệc, ngồi cạnh anh sinh viên Y Khoa và đối diện với một vị – mà tôi được giới thiệu là Hạm Phó. Trong khi dùng tiệc, mọi người đều góp vui bằng khả năng “tài tử” của mình.
Sáng chủ nhật, tôi rất ngạc nhiên khi thấy bác Cổn đưa vị Hạm Phó đến nhà tôi. Tôi chỉ bưng nước trà lên mời khách chứ không được biết nội dung cuộc thăm viếng bất ngờ đó. Khi quay lưng rời phòng khách một đoạn ngắn, tôi nghe loáng thoáng tiếng Ba tôi – dường như đang nói với bác Cổn:
- “Moi” cảm ơn “toa”. Nhưng “toa” biết, cháu nó còn khờ lắm. Khoan đã, để cháu nó đi học.
Vài tuần sau, trong lúc Ba tôi bận chi đó, nhóm Hải Quân hỏi tôi có phải hôm trước tôi xuống dự tiệc trên 3 chiến hạm ở Cầu Đá hay không? Tôi xác nhận. Một anh hỏi:
- Thanh Điệp có nghe gì về anh Hồ Quang Minh không?
- Dạ không.
Anh khác hỏi:
- Thanh Điệp có nghe ai nói anh Minh xách súng đi tìm ông Hạm Phó hôm trước tới nhà Thanh Điệp với ông Trưởng Ty Hải Cảng Nha Trang chưa?
Tôi gần như muốn khóc:
- Ủa, sao kỳ vậy?
- Tin này từ 1 anh khóa 8, cùng khóa với anh Minh, là sĩ quan đệ tam của một trong 3 chiến hạm mà hôm Tết Thanh Điệp xuống thăm đó.
Tôi chưa biết hư thực như thế nào thì Ba tôi trở ra phòng khách, nói chuyện với các anh.

Vài tuần sau, buổi chiều, đi học về, tôi thấy Minh ngồi nơi xa-lông, nhìn tôi, cười cười. Tôi ngạc nhiên:
- Ủa, anh bảo anh tòng sự trên HQ 327 mà tại sao bây giờ anh ở đây?
- Vào chào Ngoại với hai Bác trước đi rồi anh kể cho nghe.
Như một nề nếp không bao giờ thay đổi đối với chị em tôi, tôi vào thưa với Ngoại và Ba Má tôi:
- Dạ, thưa Ngoại, thưa Ba Má, con đi học mới về.
Ba tôi bảo:
- Ba không hiểu tại sao Minh có vẻ bồn chồn, ngồi đứng không yên. Minh lại bảo chốc nữa lên ga đón xe lửa đi Qui Nhơn. Con lên xem Minh cần gì rồi cho Ba Má biết.
Chị em tôi được nuôi dạy rằng chị em tôi không được nói dối và không được giấu Ba Má tôi bất cứ điều gì, cho nên, tôi tỏ ra lúng túng, sợ sệt. Thấy tôi có vẻ lo sợ, Minh hỏi:
- Thanh Điệp có vẻ như lo sợ điều gì, phải không?
- Dạ.
Minh cúi đầu im lặng một chốc rồi bảo:
- Anh ghé thăm Thanh Điệp một tý rồi anh phải lên ga đón xe lửa ra Qui Nhơn trình diện Commandant Đệ.
- Sao hôm trước anh bảo anh vào Saigon nhận nhiệm sở là HQ 327, do đại úy Đệ làm Hạm Trưởng?
- Đúng rồi!
- Vậy sao bây giờ anh ở đây rồi anh phải ra Qui Nhơn trình diện đại úy Đệ nữa?
- Thanh Điệp nghe anh nói nè! Tối hôm qua, chiếc HQ 327 đến Nha Trang. Hạm Trưởng Đệ không cho cặp ở Cầu Đá mà ông ấy lại cho HQ 327 neo ngoài khơi.
- Thì có khác chi đâu!
- Khác nhiều chứ! Nếu HQ 327 cặp Cầu Đá thì anh được “đi bờ” (Đi phố).
- Ô!
- Tối hôm qua, từ ngoài khơi nhìn vào bờ, thấy Nha Trang lung linh trong ánh đèn, anh chịu không được! Anh xin phép đại úy Đệ cho anh vào Nha Trang thăm cô bạn rồi anh trở ra ngay. Nhưng ông Đệ không cho; vì tàu sắp đi Qui Nhơn. Anh bảo anh chỉ ghé thăm cô bạn một chút thôi rồi anh đón xe lửa ra trình diện ông ấy tại Qui Nhơn; ông Đệ cũng vẫn không thuận.
-Rồi... sao?
- Chiều nay, thấy chiếc ghe câu gần gần, anh gọi đến. Sau khi thương lượng với chủ ghe, anh nhắn với mấy sĩ quan trên tàu: “Mấy ông cho Commandant Đệ biết là ‘thằng’ Minh ‘nó’ đi rồi!”
Tôi “ngớ” ra, chẳng hiểu gì cả:
- Anh trốn vào bờ để thăm cô bạn của anh mà sao bây giờ anh còn ngồi đây?
Minh “ôm bụng” cười trước sự “ngớ ngẩn” tột cùng của tôi. Cười xong, Minh đáp:
- Vì cô bạn của anh ở tại nhà này!
Che miệng, trợn mắt và chợt nhớ lại lời mấy anh Hải Quân nói rằng Minh đã vác súng đi tìm ông Hạm Phó, tôi hỏi:
- Điệp nghe nói anh vác súng đi tìm ông Hạm Phó, đúng không?
- Anh đùa với mấy “thằng” cùng khóa với anh. Chắc “thằng” N. nói lại cho Thanh Điệp biết, phải không?
- Dạ, không phải.
- Vậy thì ai nói mà Thanh Điệp biết?
Ngại nếu Minh tiếp tục “tra vấn”, tôi sẽ không thể nói dối, tôi thụng mặt:
- Thôi, anh đừng hỏi nữa.
Minh im lặng. Tôi cũng im lặng và cảm thấy... nhức đầu!

Sau khi Minh từ giã gia đình tôi để đáp xe lửa ra Qui Nhơn cho kịp trình diện Hạm Trưởng Đệ, tôi lập lại mẫu đối thoại giữa Minh và tôi cho Ba Má tôi nghe. Ba Má tôi nhìn nhau, im lặng.
Trưa hôm sau – như mọi công chức thời đó – Ba tôi về nhà dùng cơm, nghỉ trưa. Tôi thấy Ba tôi thì thầm điều gì đó với Má tôi. Một chốc sau, Ba Má tôi gọi tôi đến, trao cho tôi bức điện tín – đã mở sẵn – bảo:
- Của Minh đó, con đọc đi.
Mở điện tín, tôi thấy: “TĐ, anh đã trình diện Commandant Đệ sáng nay. Ngay sau đó, quân cảnh đến, bắt anh, giải giao anh về Bộ Tổng Tham Mưu để ra tòa án quân sự về tội đào ngũ. Chưa biết cuộc đời và tương lai của anh sẽ ra sao, nhưng anh không ân hận. Anh sẵn sàng chấp nhận hậu quả do anh tạo nên. Điện tín này anh nhờ một anh quân cảnh gửi giùm. HQM”
Đọc điện tín xong, tôi chạy vào phòng, khóc!

******
Tôi không nhớ trước hay là sau chiến dịch Tam Giác Sắt, nhân lúc từ vùng hành quân Dầu Tiến - về Saigon họp hành quân, Minh ghé nhà cho tôi biết Nguyễn Dinh vừa bị thương nặng, đã được trực thăng chuyển về Tổng Y Viện Cộng Hòa. Tôi xúc động, bàng hoàng, chưa biết phải hành động như thế nào thì Minh giục:
- Đi thăm Dinh thì đi nhanh lên, chưa biết Dinh có “qua” được hay không!
Tại bệnh viện Cộng Hòa, không nhớ Minh nói gì với bác sĩ mà tôi – chỉ mình tôi – được vào phòng cấp cứu. Thấy Dinh đang mê man,đôi chân được băng bột cứng, to, còn in dấu máu, tôi lặng lẽ khóc, thương người bạn xưa! Một lúc lâu, Dinh từ từ mở mắt, nhìn tôi. Vừa quẹt nước mắt tôi vừa hỏi:
- Dinh ơi! Biết ai đây không, Dinh?
Dinh đáp rất nhỏ, giọng khàn đặc:
- Biết. Thanh Điệp.
Tôi khóc nhiều hơn. Dinh lại im lặng, khép mắt, từ từ “chìm” vào hôn mê!
Sau đó, tôi được tin Võ Ấm tử trận tại Mỹ Tho khi đơn vị của Võ Ấm bị Việt Cộng tấn công bằng chiến thuật biển người! Tiếp đến là chiếc C130 do Nguyễn Đình Tân – vừa tu nghiệp từ Mỹ về – lái, bị Việt Cộng bắn hạ!
Chị Thúy Minh – thời gian này cũng sống tại Saigon – cho tôi biết, anh Nghị đã tử thương trong chuyến bay cuối cùng đáp xuống Hàng Không Mẫu Hạm, trước khi anh Nghị mãn khóa huấn luyện để trở về Việt Nam! Từ đó, Hoa Kỳ hủy bỏ chương trình huấn luyện phi công Việt Nam lái phi cơ đáp xuống Hàng Không Mẫu Hạm; vì Hải Quân Việt Nam không có Hàng Không Mẫu Hạm.
Trong khi tâm trạng của tôi bị khủng hoảng vì các Bạn Lính của tôi từ từ... đền nợ nước thì tôi được tin Lưu Khương Đức – lớp “Bê Bối” với tôi và đã tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh, bị động viên vào trường sĩ quan Thủ Đức, tình nguyện về Biệt Động Quân – tử trận tại Pleiku; Phú “đen”, cũng lớp “Bê Bối” với tôi, tử trận tại vùng IV Chiến thuật khi trực thăng do Phú lái bị Việt Cộng bắn hạ!
Sự buồn thương của tôi dành cho các Bạn Lính của tôi tử trận làm cho tôi rũ người! Bất ngờ, tôi gặp lại anh Xuân tại ga xe lửa Saigon. Thấy tôi có vẻ hơi tàn tạ, anh Xuân bảo:
- Ở nhà lo cho mấy cháu đi! Theo Minh hành quân làm chi cho nguy hiểm, cực thân!
- Dạ, tại vì Điệp muốn viết tường thuật.
- Anh biết Thanh Điệp viết báo. Nhưng ở nhà với con, rãnh thì đàn chơi chứ Thanh Điệp đi như vậy, nhỡ có gì tội mấy đứa nhỏ!
- Dạ, anh Minh đâu có muốn Điệp chơi đàn.
- “Cái thằng” kỳ vậy?
Tôi buồn quá, nói không được, vội từ giã anh Xuân.
Đến gần cuối cuộc chiến, tôi mới gặp lại anh Nhượng – Hạm Trưởng HQ 505 – khi Minh gửi tôi theo Dương Vận Hạm Nha Trang, HQ 505, để về Cam Ranh đón Ba Má tôi; nhưng chiến hạm vừa đến Phan Rang thì Phan Rang thất thủ!
Gần cuối thập niên 70, khi thực hiện cuốn tài liệu Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (V.N.C.H.) Ra Khơi, 1975, tôi mới liên lạc lại với anh Xuân và anh Nhượng. Anh Xuân và anh Nhượng – cũng như Đại Gia Đình Hải Quân – giúp tôi rất nhiều. Nguyễn Dinh giúp tôi phần của người hùng Đặng Hữu Thân; vì Dinh và anh Đặng Hữu Thân quen nhau từ khi cả hai cùng học trường Võ Tánh.
Không ngờ, sau khi cuốn Hải Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975, được phát hành thì anh Xuân…rất buồn tôi!

Khi biết anh Xuân có ý trách tôi, tôi không hiểu nguyên nhân, vội đọc lại thật kỹ các phần có liên hệ đến anh Xuân để tìm ra uẩn khúc!
Thời điểm biên khảo cuốn Hải Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975, computer chưa được thông dụng, tôi lại bận rộn với công việc làm ở sở, viết bài cho báo, chợ đò, nấu nướng, sân vườn, v.v.. cho nên tôi ít có thời gian để suy nghĩ và “gọt dũa” câu văn; do đó, khi tôi thâu băng, vị nào nói như thế nào thì tôi viết ra gần như nguyên văn – chỉ cắt, bỏ những chữ “thì”, “mà” để câu văn được đúng văn phạm – và tôi phải tôn trọng những chi tiết mà vị sĩ quan đó đã giúp tôi.
Khi đọc đến đoạn viết về Vùng III Sông Ngòi – anh Nguyễn Hữu Xuân là tư lệnh phó – tôi hiểu!
Tôi điện thoại, trình bày, giải thích sự việc, xin lỗi anh Xuân và hứa khi tái bản tôi sẽ sửa 02 chữ đó.
Năm 2011, cuốn Hải Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975 được tái bản. Tôi báo tin cho anh Xuân hay về sự sửa đổi; anh Xuân rất vui.
Tôi vui vì vừa “làm hòa” được với anh Xuân thì anh Nguyễn Văn Nghĩa khóa 13 sĩ quan Hải Quân cho tôi biết: Sau khi Nguyễn Dinh sang Houston thăm bạn hữu, trở về Cali, chưa được bao lâu thì... Dinh qua đời!
Năm 2015, tham dự đại hội Hải Quân toàn thế giới tại Nam Cali, tôi gặp lại anh chị Xuân. Thấy người anh Xuân vẫn dong dỏng cao, không gầy, không mập, tôi rất mừng; mừng hơn nữa là khi anh Xuân đến nói chuyện với tôi, giọng anh vẫn thân mật như xưa, như chưa hề có sự vô tình của tôi làm anh buồn lòng cách đó khá lâu!
Thời gian viết về những vị Hải Quân Lập Nhiều Chiến Công, tôi cũng liên lạc với anh Xuân:
- Anh Xuân ơi! Điệp đang viết về các vị sĩ quan Hải Quân có bảo Quốc Huân Chương. Anh có Bảo Quốc Huân Chương đệ mấy đẳng, cho Điệp biết để Điệp viết về anh.
- Cảm ơn Thanh Điệp nhưng anh không có Bảo Quốc Huân Chương.
- Sao kỳ vậy? Chức vụ của anh…
- Chức vụ thì chức vụ, nhưng phải “nắm” những đơn vị tác chiến như Minh thì mới dễ có Bảo Quốc Huân Chương.
- Anh biết cách nào liên lạc với anh Nhượng không, thưa anh?
- Không ai liên lạc được với Nhượng cả. Ủa, mà hồi trước Thanh Điệp viết về cuộc rút quân của HQ 505 tại Chu Lai, ai cung cấp tài liệu?
- Dạ, anh Nhượng. Nhưng sau đó thì địa chỉ và điện thoại của anh Nhượng không còn liên lạc được nữa!
Vừa viết đến đây, tôi nhận được thêm vài emails của quý vị khóa 8, khóa 9 sĩ quan Hải Quân thông báo về sự “ra đi” của anh Nguyễn Hữu Xuân. Tôi cũng nhận được email của anh Nguyễn Mạnh Trí, khóa 10 sĩ quan Hải Quân, thông báo rằng anh Trí đã ghi giùm tên Điệp Mỹ Linh vào danh sách gia đình Hải Quân chia buồn với chị Nguyễn Hữu Xuân và các cháu.
Trong thời gian viết bài này, hồn tôi tìm về dĩ vãng và sống trọn vẹn với niềm thương, nỗi nhớ. Bây giờ, mấy emails của các anh khóa 8, khóa 9, khóa 10, lại đưa hồn tôi trở về hiện tại.
Tôi trầm ngâm, cúi mặt, cảm nhận được trạng thái bềnh bồng giữa quá khứ xa xăm và một hiện thực mà tôi như không muốn chấp nhận. Trong cảnh quạnh hiu quanh tôi, nhìn qua khung cửa sổ, tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của Ba tôi:

“Tìm nơi đây đâu vết cũ ngày xanh?
Tôi chỉ thấy bóng thời gian vô tận!”

Bạn Lính của tôi! Dù Bạn đã đền nợ nước trong cuộc chiến hay là Bạn “ra đi” sau cuộc chiến, hình ảnh của các Bạn lúc nào cũng ngời sáng trong tâm tưởng tôi. Các Bạn luôn luôn là nguồn cảm tác vô tận cho ngòi bút không chuyên nghiệp của tôi!

ĐIỆP MỸ LINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét