Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 23 tháng 1, 2024

2 Tin Sinh Hoạt Vùng Bắc Cali và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Người Việt Cùng Nhau Tranh Đấu Nghị Quyết Cờ Vàng, Bay Trên Thành Phố Milpitas, Bắc Cali! (Kính chuyển và Kính Mời tham dự.)
Thưa Quý Đồng Hương thân mến,
Ngày mai, Thứ Ba, ngày 1/23/24 7PM tại thành phố Milpitas - City hall - 455 E Calaveras Blvd CA 95035- Mong chúng ta sẽ cùng cất tiếng nói, yêu cầu Thị trưởng Montano và các nghị viên Milpitas, ủng hộ việc thành lập nghị quyết Tháng Tư Đen, để tôn vinh 58,000 binh sĩ Hoa Kỳ đã hy sinh vì chiến tranh VN và còn bao nhiêu người lính VNCH đã bỏ mình vì tự do cho Miền Nam trên 20 năm. Renee Lorentzen, Director of Recreation and Community Services và chúng tôi, đã và đang tiến hành việc thành lập nghị quyết 30 tháng 4, áp dụng cho thành phố Milpitas.
<!>
Lá cờ VNCH sẽ được treo rủ suốt tháng Tư.
Đồng thời Bà Renee và chúng tôi, đã và đang bàn về việc thượng kỳ VNCH mỗi đầu tháng, tại Milpitas City Hall.
Chúng tôi tha thiết kêu gọi Quý đồng hương Bắc Cali, hãy đến thật đông, tham dự và yểm trợ với chúng tôi, tại city hall Milpitas, lúc 7:00 PM, Thứ Ba, ngày 23/1/24.
Trân trọng kính mời
Những Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản Bắc Cali

Truyền Thông Bắc Cali Tưng Bừng Vui Xuân!
-Chiều hôm qua, Chủ nhật 21 tháng 01 năm 2024, Kq Lê Văn Hải Hội Trưởng Hội Truyền Thông Người Việt bắc Cali, đã cùng ACE Hội Viên bất ngờ tổ chúc một Chiều Họp mặt Văn nghệ Vui Xuân, tại nhà hàng Cao Nguyên, với mục đích chính là để bày tỏ Lời Cám Tạ đến Quý Ân Nhân, Cộng Đồng, Đoàn Thể, Thân Hào Nhân Sĩ, Quý Cơ Sở Thương Mại, Bạn Bè, Thân Hữu…Đã yểm trợ từ tinh thần, đến vật chất, để Hội Truyền Thông đã hoạt động hữu hiệu, đạt được những thành quả rất đáng khích lệ trong năm qua.
Buổi họp mặt đã có được gần trăm quan khách cùng Hội viên tham dự.với một chương trình ca nhạc Cây nhà lá vườn thật ấm áp, thêm nhiều quà tặng đã được trao tay, những Lời Chúc Xuân vui vẻ và còn có thêm tiết mục xổ số lô tô lấy hên thật hấp dẩn.
Sau đây là một vài hình ảnh chúng tôi đã ghi lại, xin đươc chia xẻ cùng Quý Vị, Các Bạn cùng chung Niềm Vui trước Thềm Xuân Giáp Thìn 2024.
Thân ái,
mpd.
















Thêm hình ảnh từ Youtub:


Chúc những ngày an vui
Attachments area
Preview YouTube video Truyền Thông bắc CA vui xuân
Truyền Thông bắc CA vui xuân


Tin Quốc Tế Đó Đây
Viên Chức Y Tế ở Gaza: Số Người Chết Vì Các Cuộc Tấn Công của Do Thái Vượt Mốc 25.000!


(Hình: Binh sĩ Do Thái ở Gaza.)
-Hôm 21/1/2024, các viên chức y tế tại Gaza cho biết rằng số người Palestine thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Do Thái vào Gaza kể từ ngày 7/10/2023 đã vượt mốc 25.000 người, trong bối cảnh xảy ra các cuộc tấn công dữ dội của Do Thái và các trận chiến trên đường phố khắp dải đất do Hamas quản lý.
Lực lượng Do Thái và các chiến binh Hamas đã đụng độ ở một số địa điểm, từ Jabalia ở phía Bắc đến Khan Younis ở xa hơn về phía Nam.
Bộ Y tế ở Gaza cho biết, 178 người Palestine đã thiệt mạng trong 24 tiếng đồng hồ qua, một trong những ngày đẫm máu nhất cho đến nay của cuộc chiến. Quân đội Do Thái cho biết rằng một binh sĩ đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh.

Bộ này cho biết, tổng cộng 25.105 người Palestine đã thiệt mạng và 62.681 người bị thương trong các cuộc tấn công của Do Thái kể từ ngày 7/10. Cơ quan này không phân biệt cái chết của dân thường và chiến binh nhưng cho biết hầu hết những người thiệt mạng đều là dân thường.
Do Thái phát động chiến dịch tiêu diệt Hamas sau khi nhóm Hồi giáo này đột nhập vào Do Thái vào ngày 7/10 và tấn công các thị trấn và căn cứ ở phía Nam, giết chết 1.200 người, hầu hết là dân thường và đưa 253 con tin trở lại Gaza.
Lực lượng Do Thái cho biết đã xóa sổ phần lớn mạng lưới quân sự của Hamas ở phía Bắc Gaza và hơn một triệu cư dân ở khu vực này đã di chuyển về phía Nam để chạy trốn khỏi cuộc oanh tạc. Tuy nhiên, giao tranh vẫn tiếp diễn ở trại tị nạn Jabalia và các khu vực khác xung quanh thành phố Gaza.
Tại thành phố Rafah phía Nam, nơi tập trung hơn một triệu người di tản, ba người Palestine đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Do Thái nhắm vào một chiếc xe hơi. Các viên chức y tế cho biết một chiếc xe hơi khác bị tấn công ở thành phố Gaza, khiến 3 người khác thiệt mạng.


Máy Bay Không Người Lái Do Thái Triệt Hạ Hai Chiến Binh Hezbollah ở Lebanon


(Hình: Một đợt pháo kích của Do Thái vào miền Nam Lebanon hôm 17/11/2023.)
-Các nguồn tin an ninh cho biết, hôm 21/1/2024, hai chiến binh Hezbollah đã bị triệt hạ khi một máy bay không người lái của Do Thái tấn công xe của họ ở miền Nam Lebanon.
Cấp bậc của họ không được tiết lộ nhưng một nguồn tin thân cận với nhóm được Iran hậu thuẫn này cho biết rằng họ không phải là các nhân vật cấp cao.
Đây là cuộc tấn công mới nhất vào khu vực mà Do Thái đã nhắm vào hàng chục chiến binh Hezbollah. Quân đội Do Thái nói rằng họ không bình luận về các tin tức của ngoại quốc.
Trước đó, người dân và viên chức an ninh cho biết, một máy bay không người lái đã giết chết 2 người và làm bị thương ít nhất 4 người khác gần làng Kafra, cách biên giới 8 cây số.

Hezbollah đã nhắm bắn vào lực lượng Do Thái qua biên giới phía Nam Lebanon để hỗ trợ đồng minh Hamas ở Dải Gaza.
Các chiến binh Hamas đã tràn qua biên giới Gaza vào Do Thái vào ngày 7 tháng 10, dẫn đến một cuộc chiến của Do Thái vào Gaza, với sự hỗ trợ bởi các cuộc không kích dữ dội khiến hàng ngàn người thiệt mạng và khiến phần lớn khu vực đông dân cư bị phá hủy.
Hezbollah nói rằng chiến dịch của họ đã hỗ trợ người Palestine bằng cách phân tán lực lượng của Do Thái và khiến hàng chục ngàn người Do Thái phải rời khỏi nhà của họ.
Việc đó đã khiến các bên phải trả giá đắt, với khoảng 140 chiến binh Hezbollah và ít nhất 25 thường dân Lebanon thiệt mạng, cũng như ít nhất 9 binh sĩ Do Thái và một dân thường. Cường độ đã tăng lên trong những tuần gần đây.


Iraq: Liên Quân Quốc Tế Do Mỹ Dẫn Đầu Bị Phi Đạn-Đạn Đạo Tấn Công


(Hình: Căn cứ Không quân Mỹ tại Iraq, Ain al-Assad.)
-Ngày 20/1/2024, hơn một chục quả phi đạn đã được bắn vào một căn cứ quân sự tại miền Tây Iraq của lực lượng liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu. Lực lượng kháng chiến Hồi giáo ở Iraq sau đó đã đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
Từ Baghdad, thông tín viên Marie-Charlotte Roupie của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
"Về phần mình, Hoa Kỳ đã xác nhận vụ tấn công. Khoảng 6h30 chiều, đã có nhiều quả đạn pháo và phi đạn-đạn đạo nhắm vào căn cứ Không quân Ain el-Assad ở miền Tây Iraq.

Phần lớn các phi đạn đều bị bắn chặn trước khi tới mục tiêu, nhưng những phi đạn và đạn pháo vượt qua được hệ thống phòng không đã làm một người của quân đội Iraq có mặt tại căn cứ bị thương nặng, theo xác nhận của Baghdad. Mỹ cũng cho biết có một số người trong lực lượng của họ bị thương nhưng không nêu rõ mức độ bị thương nghiêm trọng thế nào.
Lực lượng kháng chiến Hồi giáo ở Iraq, tập hợp các chiến binh từ các nhóm vũ trang thân Iran, đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Lực lượng này được cho là đã thực hiện khoảng 120 cuộc tấn công nhằm vào các vị trí của lượng Mỹ và liên quân quốc tế ở Iraq và Syria kể từ ngày 7/10.

Thường thì nhóm vũ trang này sử dụng phi đạn và drone, nhưng lần này việc sử dụng phi đạn-đạn đạo của nhóm này không thể không gợi nhớ tới cuộc tấn công do Iran thực hiện hồi đầu tuần nhằm vào thành phố Erbil trong khu vực người Kurdistan ở Iraq.
Liên Hiệp Quốc một lần nữa cảnh báo nguy cơ mất ổn định đất nước".
Trước đó cũng trong ngày 19/1, phía Do Thái được cho là đã thực hiện một cuộc không kích vào Damas, Syria, khiến năm thành viên của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran thiệt mạng. Theo một nguồn tin quân sự, trong số các nạn nhân có hai viên chức cấp cao của lực lượng này. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi sau đó đã gọi đây là một "cuộc tấn công hèn nhát" đồng thời đe dọa sẽ có các hành động đáp trả.


Quân Nhân Mỹ Được Nói Bị Thương Nhẹ Trong Vụ Tấn Công Căn Cứ ở Iraq


(Hình: Căn cứ Không quân Ain al-Asad ở miền Tây Iraq, ngày 29 tháng 12 năm 2019.)
-Các quân nhân Mỹ bị thương nhẹ và một thành viên của lực lượng an ninh Iraq bị thương nặng trong một vụ tấn công nhắm vào căn cứ Không quân Ain al-Asad ở Iraq vào ngày thứ Bảy (20/1/2024), một viên chức Mỹ cho biết.
Viên chức này, phát biểu với điều kiện ẩn danh, nói các báo cáo ban đầu cho biết căn cứ bị phi đạn-đạn đạo tấn công nhưng ông để ngỏ khả năng nó bị trúng phi đạn. Một đánh giá đang được tiến hành, theo viên chức này.
Hai nguồn tin an ninh ở Iraq và một nguồn tin chính phủ cho biết căn cứ này bị tấn công bởi nhiều phi đạn bắn từ bên trong Iraq.

Một viên chức Mỹ thứ hai nói vụ tấn công được thực hiện bởi những phần tử chủ chiến từ bên trong Iraq.
Kể từ khi cuộc chiến Do Thái-Hamas bắt đầu vào tháng 10, quân đội Mỹ đã bị tấn công ít nhất 58 lần ở Iraq và 83 lần khác ở Syria bởi những phần tử chủ chiến được Iran hậu thuẫn, thường là bằng phi đạn và máy bay không người lái tấn công một chiều.
Các chiến binh đang tìm cách gây tổn thất cho Mỹ vì nước này ủng hộ Do Thái chống lại nhóm chủ chiến người Palestine Hamas được Iran hậu thuẫn.
Mỹ có 900 binh sĩ ở Syria và 2.500 ở Iraq với nhiệm vụ cố vấn và hỗ trợ các lực lượng địa phương đang cố gắng ngăn chặn sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo, vốn đã chiếm giữ phần lớn lãnh thổ của cả hai nước này vào năm 2014 trước khi bị đánh bại.

Iraq đang hết sức lo ngại sẽ trở thành chiến trường giữa Mỹ, Do Thái và Iran.
Iran hôm thứ Hai tấn công Erbil, thủ phủ của khu vực Kurdistan bán tự trị ở Iraq, bằng phi đạn-đạn đạo mà họ nói là một cuộc tấn công vào trụ sở gián điệp của Do Thái. Các viên chức Iraq và người Kurd ở Iraq bác bỏ tuyên bố này.


Liên Hiệp Âu Châu Trừng Phạt Sáu Nhân Vật Bị Cáo Buộc Tài Trợ Cho Hamas


(Hình: Lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell trước cuộc họp báo tại Beirut, Lebanon, ngày 6/1/2024.)
-Hôm 19/1/2024, Liên Hiệp Âu Châu (EU) thông báo đã ban hành các trừng phạt đối với sáu nhân vật bị cáo buộc tài trợ cho tổ chức Hồi giáo Palestine Hamas.
Theo lời một viên chức cao cấp của Liên Hiệp Âu Châu, xin giấu tên, những nhân vật nói trên sẽ bị phong tỏa tài sản trong Liên Hiệp Âu Châu và sẽ bị cấm nhập cảnh vào khối này.

Liên Hiệp Âu Châu xem Hamas là một tổ chức khủng bố và kể từ sau vụ tấn công vào Do Thái ngày 7/10 đã gia tăng trừng phạt lực lượng này.
Tối 19/1, lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell cáo buộc chính Do Thái đã "tạo ra" và "tài trợ" cho phong trào Hamas. Từ Brussels, thông tín viên Pierre Benazet của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
"Từ nhiều tháng qua, các nước Âu Châu vẫn tìm cách tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh thu nhỏ về Trung Đông, với sự tham gia của Tổng Thư ký Liên Đoàn Ả Rập và 5 Ngoại trưởng của Jordanie, Ai Cập, Ả Rập Saudi và nhất là Do Thái và cơ quan quyền lực Palestine. Năm Ngoại trưởng này sẽ không có mặt cả 5 trong cùng các cuộc gặp, nhưng đối với Liên Hiệp Âu Châu đây là cách tốt nhất để đề cập đến cuộc xung đột, đến viện trợ nhân đạo và đến "ngày sau đó", ám chỉ công cuộc tái thiết, nhất là tái thiết về chính trị.

Nội bộ Liên Hiệp Âu Châu đến nay vẫn bị chia rẽ giữa một bên là phe thân Palestine, như Ái Nhĩ Lan, Tây Ban Nha hay Bỉ, và phe thân Do Thái, như Đức, Áo, Hung, nhưng cả hai phe có một mẫu số chung, đó là tin tưởng vào giải pháp hai nhà nước (Do Thái và Palestine)
Lãnh đạo ngoại giao Âu Châu Josep Borrell cáo buộc chính phủ Do Thái đã tài trợ cho Hamas để làm suy yếu Cơ quan quyền lực Palestine. Lời cáo buộc này có vẻ như là nhằm tạo một sự cân bằng ngoại giao trước cuộc họp vào thứ hai tới, qua đó xoa dịu phía Palestine về các trừng phạt mới đối với Hamas mà Liên Hiệp Âu Châu vừa ban hành".
Tại Hoa Kỳ, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby hôm 19/1 cho biết, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu, Tổng thống Joe Biden "vẫn tin tưởng vào khả năng thành lập một nhà nước Palestine", nhưng "nhìn nhận là còn rất nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu đó". Thứ năm vừa qua, Thủ tướng Netanyahu đã bác bỏ yêu cầu của Tổng thống Biden là trong tương lai sẽ có hai nhà nước Do Thái và Palestine chung sống hòa bình.


AIEA: Mìn Được Gài Lại Xung Quanh Nhà Máy Điện Nguyên Tử Zaporijjia của Ukraine


(Hình: Nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia tại Ukraine, hiện nằm dưới quyền kiểm soát của Nga.)
-Trong lúc Nga và Ukraine vẫn tiếp tục giao tranh trên nhiều mặt trận, tối 19/2/2024, Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (AIEA) cho biết khu vực nhà máy điện Zaporijjia lại bị gài mìn", đe dọa đến an ninh của nhà máy điện nguyên tử lớn nhất Âu Châu.
Thông cáo của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế, được thông tấn xã AFP trích dẫn, nói rõ các quả mìn đã được "gỡ bỏ từ tháng 11 năm 2023, nhưng sau đó đã được gài lại" và điều này "không phù hợp với các yêu cầu về an ninh" của nhà máy điện nguyên tử lớn nhất Âu Châu. Các nhân viên vận hành nhà máy bị cấm vào các khu vực có mìn, giữa hàng rào bên trong và bên ngoài của nhà máy.

AIEA cũng cho biết Nga đã ngăn cản tổ chức này tiếp cận một số lò phản ứng và nhiều khu vực khác, viện dẫn lý do an ninh.
Bị Nga chiếm đóng từ hồi tháng 3/2022, nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia đã nhiều lần bị cúp điện do các cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine. Quân đội Nga đã nhiều lần cáo buộc Ukraine đe dọa an ninh của cơ sở này. Nhà máy từng cung cấp một phần năm sản lượng điện cho Ukraine cũng nhiều lần bị cắt khỏi mạng lưới điện, làm dấy lên lo ngại về một thảm họa nguyên tử.
Về tình hình chiến sự tại Ukraine, sáng nay, chính quyền thành phố Koupiansk, gần Kharkiv, cho biết một tòa nhà đã bị hư hại sau khi trúng bom của Nga. Trong đêm hôm 19/1, theo quân đội Ukraine, Nga tiếp tục không kích vào các thành phố Avdïivka, Horlivka, Novomykhailivka và phía Ukraine đã bắn hạ được 4 trong số 7 drone Shahed của Nga. Kyiv cũng nhận trách nhiệm về vụ tấn công vào một kho dự trữ dầu của Nga ở khu vực biên giới Bryansk, gây ra một vụ hỏa hoạn lớn vào trưa hôm 19/1.


25 Người Chết Trong Vụ Pháo Kích của Ukraine Vào Thành Phố Donetsk Do Nga Kiểm Soát


(Hình: Ông Denis Pushilin tại một cuộc họp báo ở Donetsk.)
-Ông Denis Pushilin, người được Nga bổ nhiệm đứng đầu khu vực Donetsk, hôm 21/1/2024 cho biết rằng 25 người đã thiệt mạng và 20 người bị thương khi lực lượng Ukraine pháo kích vào thành phố Donetsk do Nga kiểm soát ở miền Đông Ukraine.
Theo ông Alexei Kulemzin, Thị trưởng thành phố được Nga bổ nhiệm, lực lượng Ukraine đã oanh kích một khu vực đông đúc, nơi có các cửa hàng và chợ. Ông Pushilin cho biết rằng thành phố đã bị Pháo binh Ukraine pháo kích. Không có bình luận ngay lập tức của Ukraine.

Ông Pushilin đã thông báo một ngày để tang vào ngày 22/1 tại Cộng hòa Nhân dân Donetsk, tên được đặt cho một phần của khu vực mà Nga cho biết họ đã sáp nhập.
Ông cho biết các nhân viên cấp cứu đang làm việc tại hiện trường và các chuyên gia pháp y đang cố gắng thu thập các mảnh vũ khí được sử dụng trong vụ tấn công.
Tại Mạc Tư Khoa, Bộ Ngoại giao Nga gọi vụ tấn công là "hành động khủng bố man rợ" của Ukraine, được thực hiện "bằng cách sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp".
Một tuyên bố của Bộ cho biết: "Phía Nga lên án mạnh mẽ cuộc tấn công nguy hiểm này nhằm vào dân thường".
Nga, nước đã phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine gần hai năm trước, trước đây đã lên tiếng bày tỏ phẫn nộ khi các cuộc tấn công của Ukraine khiến dân thường ở Donetsk và các khu vực khác thiệt mạng. Tuy nhiên, chiến dịch không kích và pháo kích dữ dội của Nga đã giết chết hàng ngàn thường dân Ukraine.


Liên Hiệp Âu Châu Sẽ Gia Tăng Sản Xuất Đạn Pháo Cho Ukraine


(Hình: Binh lính Ukraine sử dụng pháo tự hành Caesar do Pháp chế tạo trong cuộc chiến chống Nga.)
-Tuyên bố trong chuyến viếng thăm thủ đô Tallinn của Estonia hôm 19/1/2024, Ủy viên Âu Châu đặc trách thị trường nội địa và công nghiệp Thierry Breton cho biết Liên Hiệp Âu Châu sẽ đẩy mạnh sản xuất đạn pháo để vừa viện trợ cho Ukraine, vừa khôi phục các kho dự trữ của Liên Hiệp Âu Châu.
Theo thông tấn xã AFP, ông Breton khẳng định từ đây đến cuối năm Liên Hiệp Âu Châu sẽ có khả năng sản xuất ít nhất 1,3 triệu đạn pháo và sẽ tăng mạnh sản lượng vào năm tới. Theo Ủy viên Âu Châu đặc trách công nghiệp, phần lớn đạn pháo do các công ty Âu Châu sản xuất sẽ được ưu tiên dành cho Ukraine trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nga.

Về phần Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, bà lưu ý là theo nguồn tin của Nam Hàn, Bắc Hàn đã cung cấp cho Nga hơn một triệu quả đạn pháo, để được Mạc Tư Khoa giúp phát triển kỹ thuật vệ tinh quân sự. Cho nên, đối với ông Breton, viện trợ đạn pháo cho Ukraine là một nhu cầu vô cùng cấp thiết.
Hôm 19/1, Tổng thống Emmanuel Macron cũng đã kêu gọi các công ty quốc phòng của Pháp đẩy mạnh tiến trình chuyển sang "nền kinh tế chiến tranh" để nhanh chóng đáp ứng các nhu cầu của Ukraine. Phát biểu tại căn cứ Hải quân Cherbourg ở miền Bắc khi chúc Tết Dương lịch các binh chủng quân đội Pháp, Tổng thống Macron tuyên bố: " Chúng ta sẽ tiếp tục giúp đỡ Ukraine, bởi vì chúng ta không thể để cho Nga nghĩ rằng họ sẽ chiến thắng. Một chiến thắng của Nga đồng nghĩa với sự cáo chung của an ninh Âu Châu".

Trong tuần này, Paris đã thông báo viện trợ thêm cho Kyiv 40 phi đạn tầm xa Scalp, cung cấp Ukraine khoảng 50 quả bom mỗi tháng trong vòng 1 năm, gia tăng sản xuất đạn pháo 155mm và tài trợ cho việc sản xuất thêm 12 súng đại bác Caesar.
Trong khi đó, hôm 19/1, Nga đã triệu Ðại sứ Pháp tại Mạc Tư Khoa lên để chính thức phản đối về vai trò "ngày càng lớn" của Paris trong cuộc chiến Ukraine, vài ngày sau khi thông báo đã oanh kích vào "một nhóm lính đánh thuê Pháp".


Đại Sứ Nga: Hội Nghị Thượng Đỉnh Hòa Bình Cho Ukraine ở Thụy Sĩ Sẽ 'Vô Nghĩa'


(Hình: Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tại Davos.)
-Trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 21/1/2024, Đại sứ Nga tại Thụy Sĩ nói rằng Thụy Sĩ tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine sẽ là điều "vô nghĩa".
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã yêu cầu Thụy Sĩ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hòa bình.
Thụy Sĩ, quốc gia trung lập, đã đóng vai trò là trung gian để giải quyết các xung đột quốc tế trong quá khứ. Tuy nhiên, Ðại sứ Nga Sergei Garmonin nói với tờ SonntagsZeitung của Thụy Sĩ rằng hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine mà không có sự tham gia của Mạc Tư Khoa "chắc chắn sẽ thất bại".

Ông Garmonin chỉ trích Thụy Sĩ, nói rằng nước này luôn ủng hộ "đường lối chống Nga của toàn phương Tây" và bằng cách thể hiện tình đoàn kết với Ukraine, nước này đã "đánh mất vai trò là một nhà trung gian hòa giải quốc tế vô tư". Do đó, việc hòa giải của Thụy Sĩ là "không thể thực hiện được", ông nói.
Ông Garmonin nói rằng, kế hoạch hòa bình 10 điểm của ông Zelenskyy không phải là cơ sở để bắt đầu đối thoại vì nó chứa một loạt tối hậu thư chống lại Nga. Ông nói: "Quý vị không thể nói chuyện với Nga bằng ngôn ngữ tối hậu thư".
Ông cho biết các yêu cầu của Nga cần được tính đến bao gồm cả việc "Ukraine phải trở thành một quốc gia trung lập, không liên kết, không có vũ khí nguyên tử, tôn trọng nhân quyền và tự do của mọi công dân và các nhóm sắc tộc trên lãnh thổ của mình".


Nga Xem Xét Luật Tịch Thu Tài Sản Cho Tội Lan Truyền 'Thông Tin Sai Trái' Về Quân Đội


-Các nhà Lập pháp Nga đã chuẩn bị một Dự luật cho phép tịch thu tiền và tài sản từ những người truyền bá "thông tin sai trái cố ý" về lực lượng vũ trang của nước này, một thành viên cao cấp của nghị viện cho biết hôm thứ Bảy.
Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia, nói biện pháp này cũng sẽ áp dụng đối với những người bị kết tội mà ông mô tả là các hình thức phản bội khác. Những hành động này bao gồm "làm mất uy tín" của lực lượng vũ trang, kêu gọi chế tài nhắm vào Nga hoặc kích động hoạt động cực đoan.
"Tất cả những ai cố gắng tiêu diệt Nga, phản bội nước Nga, đều phải đối mặt với sự trừng phạt thích đáng và bồi thường thiệt hại đã gây ra cho đất nước bằng chính tài sản của mình", ông Volodin viết trên Telegram.

Ông nói Dự luật sẽ được đưa ra Duma Quốc gia, tức là hạ nghị viện, vào ngày thứ Hai.
Kể từ khi xua quân xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Nga đã tăng cường cuộc trấn áp lâu nay đối với mọi hình thức bất đồng chính kiến. Theo luật được thông qua vào tháng 3 năm đó, việc làm mất uy tín lực lượng vũ trang hoặc truyền bá thông tin sai trái về lực lượng này có thể chịu hình phạt là án tù dài hạn.


Nga: Không Có Hoạt Động Kỷ Niệm Chính Thức Nhân 100 Năm Ngày Mất của Lênin

-Ngày 21/1/2024 này đánh dấu 100 năm Lênin, cha đẻ cuộc Cách mạng Bolsevich và Liên Bang Xô Vết, qua đời. Dù trên nước Nga hiện vẫn còn khoảng 600 bức tượng Lênin ở nơi công cộng, xác ướp của ông vẫn nằm trong lăng giữa thủ đô Mạc Tư Khoa, nhưng hình ảnh của ông đang dần bị rơi vào quên lãng. Không có một hoạt động tưởng niệm của quần chúng cũng như chính quyền được tổ chức nhân dịp này năm nay.
Thông tín viên Julien Colling của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Mạc Tư Khoa cho biết thêm chi tiết:
"Quả thực ngoài việc đảng Cộng sản chắc chắn sẽ ca ngợi ký ức ở các vùng của Nga, thì không có một hoạt động tưởng niệm chính thức mang tính quốc gia nào. Chắc hẳn là do tính chất hai mặt và tương phản nhau của hình ảnh Lênin hiện nay ở Nga.

Một mặt, Lênin xuất hiện khắp nơi. Gần như trong mỗi thành phố Nga đều có tượng, quảng trường, phố mang tên ông. Hàng ngàn người Nga hàng tuần vẫn đến viếng bên xác ướp của ông đặt trong lăng tại Quảng trường Đỏ ở Mạc Tư Khoa.
Nhưng điều nghịch lý là lãnh tụ Bolsevich này đang ngày càng lu mờ. Một thăm dò dư luận gần đây cho thấy Lênin vẫn được hơn nửa dân Nga nhìn nhận một cách tích cực. Chủ yếu lớp người trên 50 tuổi vẫn cho ông là nhân vật quan trọng và gần gũi. Nhưng đa số người Nga, trong đó có cả các Dân biểu, lại cho biết họ ủng hộ việc chôn vĩnh viễn xác ông để ông có thể yên nghỉ.

Trong bối cảnh nước Nga đang có chiến tranh, chính Tổng thống Putin đã nhắc lại Lênin. Chúng ta còn nhớ trong bài diễn văn ngày 22/02/2022, ngay trước cuộc xâm lược, ông Putin đã mập mờ chê trách Lênin là đã trao quá nhiều đất cho Ukraine. Thậm chí, ông còn nói Ukraine là một "sáng tạo" của Lênin.
Lênin giờ đây được nhìn nhận như là người đã quá khoan dung đối với các dân tộc, sau đó đã quy tập thành Liên Xô, gây bất lợi cho chính nước Nga. Đồng thời, không phải ngẫu nhiên mà nhân vật lớn kế tục Lênin là Joseph Stalin giờ lại được phục hồi chính thức phần nào ở Nga".


Tổng Thống Nga Muốn Sớm Đi Thăm Bắc Hàn


(Hình: Tổng thống V.Putin (thứ 2 từ trái) cùng lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un(thứ 2 phải) trong chuyến thăm một cơ sở công nghiệp không gian Nga trong vùng Amour, Nga, ngày 13/9/2023.)
-Hôm 21/1/2024, Bình Nhưỡng tuyên bố sẵn sàng tiếp đón Tổng thống Nga Vladimir Putin, "người bạn thân thiết nhất của người dân Bắc Hàn", đồng thời khẳng định ông Putin mong muốn tới Bình Nhưỡng "trong thời gian sớm nhất".
Theo hãng thông tấn Nam Hàn Yonhap, thông báo trên được văn phòng Ngoại trưởng Bắc Hàn đưa ra hai ngày sau chuyến thăm Mạc Tư Khoa của Ngoại trưởng Choe Son-hui. Chuyến công du lần này của bà Choe diễn ra trong bối cảnh hai nước mở rộng hợp tác quân sự: Bắc Hàn cung cấp vũ khí cho quân đội Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, ngược lại Nga viện trợ kỹ thuật của cho các chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.

Văn phòng Cố vấn của bà Choe nhấn mạnh rằng Tổng thống Putin đã cảm ơn nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un vì lời mời tới thăm Bình Nhưỡng và nhà lãnh đạo Nga "bày tỏ sẵn sàng đến thăm Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (DPRK)". Đây sẽ là chuyến thăm Bình Nhưỡng đầu tiên của ông Putin sau hơn hai thập niên, kể từ chuyến thăm cuối cùng vào tháng 7/2000.
Về phần mình, phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh, ông Dmitry Peskov, cho biết chuyến thăm Bình Nhưỡng của ông Putin đã được hai bên thảo luận "thông qua các kênh ngoại giao". Ông cũng cho biết Mạc Tư Khoa cảm ơn Bình Nhưỡng vì đã hỗ trợ và đoàn kết với chính phủ và người dân Nga trong "chiến dịch quân sự đặc biệt" của nước này ở Ukraine.


Quân Đội Nam Hàn Muốn Phụ Nữ Chuyển Giới Đi Nghĩa Vụ Quân Sự


(Ảnh: Quân nhân Nam Hàn tuần tra gần biên giới với Bắc Hàn, ngày 16/6/2020.)
-Quân đội Nam Hàn muốn giảm điều kiện nghĩa vụ quân sự để tuyển đủ quân số trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.
Phụ nữ chuyển giới có thể sẽ phải tham gia nghĩa vụ quân sự của nam giới. Quyết định này hiện gây tranh cãi vì quân đội Nam Hàn nhiều lần bị chỉ trích vì những vụ tai tiếng kì thị người đồng tính và chuyển giới. Thông tín viên Célio Fioretti của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Hán Thành cho biết thêm:

"Quân số giảm. Quân đội Nam Hàn mà lực lớn nhất là lính nghĩa vụ giờ đang khó khăn để tuyển đủ quân. Trên tổng số 260.000 quân cần có trong năm tới, chỉ có khoảng 220.000 sẽ phục vụ trong quân ngũ do dân số Nam Hàn giảm.
Để đối phó với tình trạng khó khăn này, Bộ Quốc phòng muốn hạ bớt tiêu chí "đủ điều kiện" đi nghĩa vụ quân sự. Nhưng theo tiết lộ của nhật báo Hankyoreh, biện pháp mới có thể buộc cả những phụ nữ chuyển giới - có nghĩa là những người đàn ông chuyển giới thành phụ nữ - phải nhập ngũ.
Cải cách này bị giới bảo vệ quyền của cộng đồng LGBT chỉ trích mạnh mẽ. Họ tố cáo những trường hợp bạo hành thường xuyên nhắm vào người đồng tính hoặc chuyển giới ở trong quân đội.
Năm 2021, Byun Hee Soo, lính nghĩa vụ, đã tự tử sau khi bị quấy rối trong thời gian đi nghĩa vụ quân sự. Mới gần đây, Tòa án Tối cao Nam Hàn duy trì lệnh cấm quan hệ tình dục đồng giới trong quân đội khi nêu ra nguy cơ thiếu thiện chiến. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nam Hàn vẫn nói là lắng nghe những chỉ trích về biện pháp cải cách của họ".


Cảnh Sát Trưởng Hán Thành Bị Truy Tố Về Vụ Giẫm Đạp Dịp Lễ Halloween


(Hình: Người dân đến viếng trong một khu vực chứa ảnh của các nạn nhân khi họ tham dự buổi cầu nguyện ở Hán Thành vào ngày 29/10/2023, kỷ niệm một năm xảy ra vụ đám đông chen lấn giẫm đạp khiến 159 người thiệt mạng ở khu giải trí về đêm Itaewon nổi tiếng của Hán Thành một năm trước.)
-Các Công tố viên Nam Hàn truy tố người đứng đầu Sở Cảnh sát Địa phương Hán Thành, buộc tội ông này vì tắc trách đã góp phần vào vụ đám đông chơi lễ Halloween chen lấn giẫm đạp ở Hán Thành vào năm 2022 khiến gần 160 người thiệt mạng, theo Văn phòng Công tố viên Khu Tây Hán Thành.
Việc truy tố cảnh sát trưởng Hán Thành Kim Kwang-ho được loan báo hơn một năm sau vụ đám đông chen lấn giẫm đạp vào tháng 10 năm 2022 khiến 159 người thiệt mạng vào cuối tuần lễ Halloween tại khu giải trí Itaewon ở thủ đô Hán Thành. Ông Kim là viên chức cảnh sát cao cấp nhất bị buộc tội liên quan đến sự việc.

Những hoạt động vui chơi lễ hàng năm ở khu giải trí về đêm nổi tiếng biến thành sự kiện gây chết người vào ngày 29 tháng 10 sau khi hàng chục ngàn người trẻ chen chúc trong những con hẻm chật hẹp đi chơi lễ Halloween đầu tiên không chịu những hạn chế về COVID sau ba năm.
Nhà chức trách, bao gồm cả cảnh sát, đã không đưa ra các biện pháp an toàn mặc dù đám đông dày đặc có thể khiến tai nạn dễ xảy ra hơn, và không thực hiện các bước thích hợp sau khi có các cuộc gọi cầu cứu, theo tổ điều tra.
Vào tháng 1 năm 2023, một tổ điều tra đặc biệt đã đề nghị đưa ông Kim và 22 viên chức cảnh sát, cấp cứu và văn phòng khu vực khác ra truy tố về các cáo buộc liên quan đến phản ứng không thỏa đáng của chính phủ đối với vụ giẫm đạp.


Căng Thẳng Tại Hồng Hải, Gánh Nặng Cho Nền Kinh Tế Trung Quốc


(Hình AP: Một tàu hàng của Mỹ bị lực lượng Houthi tấn công bằng drone ở Vịnh Aden. Ảnh chụp ngày 18/1/2024.)
-Hôm 19/1/2024, Trung Quốc đã kêu gọi phiến quân Houthi Yemen ngưng tấn công vào các tàu hàng ở Hồng Hải để "duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu". Các cuộc tấn công của lực lượng này dù chỉ nhắm vào các tàu hàng mà họ cho là "có liên hệ với Do Thái", nhưng vẫn gây ra nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết cụ thể:

Sau nhiều năm hạn chế đi lại do đại dịch Covid, cuộc khủng hoảng ở Hồng Hải hiện nay là giọt nước tràn ly đối với các kho hàng và khiến các nhà xuất cảng ở bờ biển phía Đông Trung Quốc tuyệt vọng. Ông Marco Castelli, người sáng lập công ty IC Trade, chuyên xuất cảng các bộ phận cơ khí sản xuất tại Trung Quốc sang Âu Châu, giải thích khủng hoảng này gây ra hai tác động lớn:
"Tác động đầu tiên là kéo dài thời gian vận chuyển. Thời gian vận chuyển giờ đây sẽ dài hơn, mất thêm khoảng 20 đến 25 ngày so với bình thường, từ đó gây ra vấn đề về chi phí và kho hàng đối với khách hàng cũng như các nhà cung cấp. Và tác động thứ hai là làm cước phí gởi hàng tăng thêm".

Theo ông Castelli, giá container đã tăng lên gấp 3, thậm chí là gấp 4, tùy theo mức độ khẩn cấp của đơn hàng. Một số nhà nhập cảng cũng đã rút lại một phần đơn đặt hàng của họ. Ông Mario, một nhà xuất cảng ở tỉnh Nghĩa Ô, miền Đông-Nam Trung Quốc, cho biết:
Hiện tại chi phí vận chuyển đang rất cao. Mọi người, dù là những người không thiếu hàng hay những người có ít hàng, đều đợi đến sau kỳ nghỉ Tết của Trung Quốc, hy vọng giá sẽ giảm trở lại. Tôi cũng đang có một khách hàng Maroc muốn đợi đến sau Tết Nguyên Đán. Hiện anh còn một ít hàng, nhưng phí vận chuyển đang quá đắt.

Lạm phát không chỉ đè nặng lên người tiêu dùng mà còn có nguy cơ làm chậm toàn bộ chuỗi sản xuất và về lâu dài có thể khiến một số khách hàng phải di dời một số nhà máy ở Trung Quốc. Giao thương với Âu Châu và Phi Châu chiếm tới 40% tổng trao đổi mậu dịch của Trung Quốc. Tình hình hiện giờ đang rất cấp bách, bởi vì chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên Đán và nhiều nhà máy ở Trung Quốc sẽ đóng cửa vì 300 triệu công nhân sẽ về quê ăn Tết.
Hôm 19/1, quân đội Hoa Kỳ tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào lực lượng Houthi ở Yemen, khẳng định đây là hành động "tự vệ" trước các cuộc tấn công liên tục của phiến quân này vào các tàu hàng ở Hồng Hải.


Tòa Đại Sứ Trung Quốc Cảnh Báo Rủi Ro Giải Phẫu Thẩm Mỹ ở Nam Hàn


(Hình: Một ca sửa mũi tại dưỡng đường giải phẫu thẩm mỹ WooAhIn ở Hán Thành, Nam Hàn, ngày 17/12/2020.)
-Tòa Ðại sứ Trung Quốc tại Hán Thành cảnh báo công dân về những nguy hiểm khi giải phẫu thẩm mỹ ở Nam Hàn, từ nguy cơ chết đến những thay đổi lớn trên khuôn mặt khiến việc vượt qua kiểm tra di trú trở nên khó khăn.
Nhà cung cấp dữ liệu Statista cho biết, Nam Hàn là một trong những điểm đến phổ biến nhất trên thế giới về du lịch y tế, thu hút nhiều bệnh nhân ngoại quốc trong thập kỷ qua, phần lớn trong số họ đến từ Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Tòa Ðại sứ Trung Quốc cho biết trong một thông báo gửi công chúng: "Trong những năm gần đây, nhiều người ngoại quốc đã đến Nam Hàn để giải phẫu thẩm mỹ và một số người đã vướng vào các kiện tụng y tế, giải phẫu thất bại và thậm chí đã xảy ra trường hợp chết".

Thông báo được đưa ra sau cái chết trong tháng này của một phụ nữ Trung Quốc sau khi được giải phẫu hút mỡ ba lần tại một phòng khám giải phẫu thẩm mỹ ở khu vực Gangnam của thủ đô, hãng tin Yonhap cho biết hôm 17/1, dẫn lời cảnh sát.
Thông tấn xã Reuters không thể liên hệ với đại diện của Hiệp hội Bác sĩ Giải phẫu Thẩm mỹ và Tái tạo Nam Hàn để yêu cầu bình luận ngoài giờ làm việc.
Tòa Ðại sứ Trung Quốc yêu cầu người dân thận trọng với quảng cáo và lưu ý các rủi ro, đồng thời lựa chọn cẩn thận các bên trung gian và kiểm tra tính hợp pháp của các cơ sở y tế hoặc Bác sĩ giải phẫu, ký hợp đồng rõ ràng và lưu giữ hồ sơ đầy đủ.
Tòa Ðại sứ cho biết thêm: "Nếu có sự thay đổi lớn về ngoại hình sau giải phẫu hoặc nếu bạn vẫn đang trong giai đoạn hồi phục sau giải phẫu, bạn nên mang theo giấy chứng nhận giải phẫu khi rời khỏi đất nước".

Biện pháp phòng ngừa như vậy sẽ giúp tránh những rắc rối khi làm thủ tục nhập cảnh hoặc các thủ tục xuất nhập cảnh tiếp theo.
Theo Hiệp hội Giải phẫu Thẩm mỹ Quốc tế, Nam Hàn có 2.718 Bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ vào năm 2022, một con số tương đương với ước tính 3.000 Bác sĩ giải phẫu của Trung Quốc, mặc dù dân số gấp 28 lần Nam Hàn.


Trung Quốc: Tòa Án Nhân Dân Tối Cao Ra Quy Định Về Việc Hoàn Trả của Hồi Môn


(Ảnh: Một cặp vợ chồng mới kết hôn chụp ảnh cưới gần Tử Cấm Thành, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 2/6/2021.)
-Thách cưới từ lâu đã là một phong tục truyền thống của đất nước tỉ dân. Tuy nhiên giá trị sính lễ ngày càng tăng đã khiến nhiều gia đình thậm chí phải vay nợ để có thể mua đủ quà đính hôn. Do vậy, để khuyến khích hôn nhân, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc mới đây đã công bố các quy định về sính lễ.
Tại Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) ghi nhận một số ý kiến người dân qua phóng sự:

Các quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 2 tới, nhưng hiện đã được tranh luận rất nhiều trước văn phòng dân sự ở Bắc Kinh, cũng như ở hầu hết các đô thị khác. Người trẻ và người già dường như khá ủng hộ việc hạn chế, thậm chí là xóa bỏ tục thách cưới.
Bà Trương và bà Chu, hai người bạn và đồng thời cũng là thông gia cho biết: "Đừng nên đặt giá cho cô dâu. Ở thời của tôi, chúng tôi không đòi hỏi quần áo đẹp. Mỗi người chúng tôi cầm theo tiền lương của mình và lập gia đình". "Con gái Bắc Kinh không đòi hỏi gì con trai. Đôi khi, ngay chính bố mẹ cô dâu cũng tặng xe".
Đây cũng là trường hợp của cặp vợ chồng tương lai đang chờ đợi trong chiếc xe hơi Đức loại sang, để làm đăng ký kết hôn. Cô Zhang Minglou, 22 tuổi, cho biết: "Bỏ tục lệ này đi sẽ công bằng hơn cho mọi người. Nếu để tổ chức đám cưới mà nhà trai rơi vào nguy cơ phá sản thì đó thực sự là một hủ tục phong kiến".

Trong các quy định mới, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc yêu cầu hoàn trả của hồi môn trong một số trường hợp tranh chấp. Một số gia đình cô dâu, chú rể, đặc biệt là ở các tỉnh nghèo phía Nam đất nước, phải vay nợ để mua quà đính hôn. Nhưng ở Bắc Kinh, bố mẹ cô dâu giàu có không cần tiền sính lễ.

Cô dâu trẻ này, trong trang phục lụa đỏ theo phong tục truyền thống, đã không yêu cầu bất cứ điều gì từ gia đình nhà chồng. Cô nói: "Thực ra cũng chẳng có lý do nào cả, nhưng vì cả hai chúng tôi đều có thu nhập nên chúng tôi không muốn đưa cuộc hôn nhân của mình ra bàn đàm phán rồi lại có nguy cơ rơi vào cảnh bế tắc lâu dài".
Sau khi đưa ra quy định về thời hạn "suy ngẫm" trước khi ly hôn, chính quyền Trung Quốc hy vọng rằng các quy định mới về của hồi môn sẽ giúp tránh được tình trạng ly hôn nhanh chóng ở quốc gia này, nơi mà tỷ lệ sinh lại tiếp tục giảm vào năm 2023.


Biển Đông: Phi Luật Tân Mở Rộng Hợp Tác Quân Sự Với Mỹ và Gia Nã Ðại


(Hình: Tư lệnh quân đội Phi Luật Tân Romeo Brawner (trái) cùng Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương gặp nhau tại thành phố Quezon, Phi Luật Tân, ngày 14/9/2023.)
-Bộ trưởng Quốc phòng Phi Luật Tân và Ðại sứ Hoa Kỳ tại Manila thảo luận về nhiều kế hoạch hợp tác quốc phòng, trong đó có khả năng tổ chức thêm những cuộc tuần tra chung ở Biển Đông. Thông tin được Ðại sứ Mỹ MaryKay Carlson nêu trong buổi phỏng vấn ngày 20/1/2024 với kênh 24 Oras Weekend. Trước đó một ngày, Manila ký biên bản ghi nhớ với Gia Nã Ðại về hợp tác quốc phòng.
Đại sứ Mỹ MaryKay Carlson khẳng định "năm nay (2024), chúng tôi hy vọng quân đội hai nước sẽ tiếp tục hợp tác, tập huấn và làm mọi việc cần thiết trong khuôn khổ song phương, cũng như đa phương, để bảo đảm an ninh cho người dân của chúng ta".

Dù Ðại sứ Mỹ không nêu chi tiết về các cuộc tuần tra chung nhưng tư lệnh quân đội Phi Luật Tân Romeo Brawner tuyên bố rằng các cuộc tuần tra chung là việc cần thiết để luật pháp quốc tế được tôn trọng. Trang GMA News nhắc lại cuộc tuần tra chung Mỹ-Phi Luật Tân gần đây nhất diễn ra vào tháng 11/2023 ở Biển Đông và vùng biển trong Vùng đặc quyền Kinh tế của Phi Luật Tân nhưng gần Đài Loan.
Trước đó, ngày 19/1, Phi Luật Tân và Gia Nã Ðại cũng ký biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng. Thông cáo của Bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro nhấn mạnh đến "những chặng đường mới trong quan hệ quốc phòng song phương với Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng - VFA" nhưng không nêu rõ mô hình hợp tác. Tuy nhiên, theo thông tấn xã Reuters, thỏa thuận VFA đang được Phi Luật Tân và Hoa Kỳ áp dụng và cho phép quân đội Mỹ luân chuyển lực lượng trong các căn cứ của Phi Luật Tân để sẵn sàng trực chiến.
Biên bản ghi nhớ còn nêu việc tái thúc đẩy hợp tác đào tạo giữa các cơ sở quân sự, quốc phòng, chia sẻ thông tin, hợp tác duy trì hòa bình và ứng phó thiên tai. Gia Nã Ðại ủng hộ Phi Luật Tân trước những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Tháng 10/2023, Gia Nã Ðại tham gia cuộc tập trận Samasama 2023 được Phi Luật Tân và các đồng minh, đối tác, tổ chức ngoài khơi Manila và phía Nam đảo Luzon.


Bà Haley Khẳng Định Không Làm Ứng Cử Viên Cho Chức Phó Tổng Thống Mỹ


(Hình: Bà Haley vận động tranh cử ở Manchester, New Hampshire, 19/1/2024.)
-Hôm thứ Sáu (19/1/2024) , bà Nikki Haley nói rõ với cử tri tiểu bang New Hampshire rằng bà sẽ không ứng cử cho chức Phó Tổng thống dưới trướng cựu Tổng thống Donald Trump, nếu ông ấy được đảng Cộng hòa đề cử làm ứng cử viên chính thức trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Bà Haley, người đang chạy đua với ông Trump để được đảng Cộng hòa chọn làm ứng cử viên Tổng thống của đảng, lâu nay vẫn nói rằng bà sẽ không "thi đấu để về nhì". Khẳng định thêm điều đó, trong chuyến đi thăm tại tiểu bang có khuynh hướng độc lập trong tuần này, bà dứt khoát loại trừ khả năng bà là đối tác tranh cử cho chức Phó Tổng thống vào tháng 11 tới, nhiều hãng truyền thông tường thuật.

"Tôi không muốn làm Phó Tổng thống của bất kỳ ai. Điều đó là không cần phải bàn cãi", bà Haley nói với cử tri tại một quán ăn ở Amherst, New Hampshire, hôm 19/1, Politico và Washington Post đưa tin.
"Tôi đã luôn nói điều đó. Đó là cuộc chơi của người khác mà tôi sẽ không chơi. Tôi không muốn là Phó Tổng thống", bà Haley nói thêm, theo Washington Post.
Bà Haley, từng là Ðại sứ tại Liên Hiệp Quốc trong chính quyền của ông Trump, đang ráo riết vận động ở New Hampshire trước cuộc bỏ phiếu hôm 23/1 ở tiểu bang này và ngày càng tạo khoảng cách với ông Trump ở một tiểu bang có tiếng là theo chủ nghĩa Cộng hòa ở mức độ ôn hòa hơn. Cuộc bầu cử sơ bộ của tiểu bang cũng có thể thu hút nhiều cử tri trung dung hơn, những người có thể cảm thấy không có cảm tình với ông Trump vì ông phải đối mặt với các cáo buộc hình sự, có những lời phát ngôn ngày càng chuyên chế và từng có nỗ lực lật ngược thất bại trong cuộc tái tranh cử năm 2020 của ông.

Bà Haley phải thu hẹp khoảng cách trong cuộc bầu cử sơ bộ thứ hai của đảng Cộng hòa để có cơ hội cản trở đà tiến của ông Trump sau chiến thắng rõ ràng của ông trong cuộc bỏ phiếu riêng của đảng Cộng hòa ở Iowa hôm 15/1.
Chỉ còn Thống đốc Florida Ron DeSantis, người hầu như đã bỏ qua New Hampshire để tập trung chạy đua với bà Haley ở tiểu bang South Carolina là quê nhà của bà, là vẫn tham gia cuộc tranh cử gồm 3 người để được đề cử là ứng cử viên chính thức và đối đầu với đảng viên Dân chủ Joe Biden vào tháng 11.
Đầu tháng này, ông Trump nói rằng ông biết ai là người đồng hành với ông ở vị trí ứng cử viên Phó Tổng thống nếu ông được đảng chính thức đề cử, nhưng ông từ chối nêu tên người đó.


Cuba: Thân Nhân của Những Người Biểu Tình Bị Cầm Tù Kêu Gọi Quốc hội Ân Xá


(Hình: Cảnh sát bắt giữ một người biểu tình phản đối tình trạng vật giá leo thang, khan hiếm lương thực, Havana, Cuba, ngày 11/7/2021.)
-Theo hãng tin AFP, hôm 19/1/2024, khoảng 30 người là thân nhân của những người biểu tình bị cầm tù kêu gọi Quốc hội Cuba thông qua một luật ân xá để có thể trả tự do cho những người này.
Theo các số liệu chính thức, khoảng 500 người tại Cuba đã bị kết án tù lên đến 25 năm vì đã tham gia vào các cuộc biểu tình chống chính quyền trong hai ngày 11 và 12/07/2021. Tuy nhiên, theo các tổ chức nhân quyền và Tòa Ðại sứ Mỹ ở Havana, số người bị cầm tù vì tham gia biểu tình có thể lên đến một ngàn.

Thân nhân của các tù nhân này hôm 19/1 đã trao cho Quốc hội Cuba một bức thư yêu cầu cơ quan Lập pháp tiến hành các thủ tục để thông qua một luật ân xá. Theo nội dung bức thư mà hãng tin AFP có được, Quốc hội thông qua một luật ân xá có nghĩa là họ nhìn nhận việc công dân bày tỏ mong muốn thay đổi dân chủ không phải là một cái tội.

Những người ký tên vào bức thư nói trên cho biết cơ quan an ninh của nhà nước truy bức và sách nhiễu vì bảo vệ những người thân đang bị giam. Họ tố cáo "quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận của chúng tôi thường xuyên bị xâm phạm bởi các vụ bắt giữ tùy tiện, tra hỏi, điều tra hình sự, các bức thư cảnh cáo, các phương pháp theo dõi liên tục, cản trở tự do đi lại".
Ủy ban Nhân quyền liên Mỹ vào đầu tháng 1 đã gởi một bức thư đến Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez để nhắc nhở chính quyền Havana rằng họ có nhiều phương cách về pháp lý để trả tự do cho các tù chính trị, chẳng hạn như ân xá, khoan hồng, trả tự do có điều kiện, chuyển án tù sang hình thức khác để thọ án,....
Hoa Kỳ, Giáo hội Công giáo Cuba và Liên Hiệp Âu Châu cũng đã nhiều lần kêu gọi chính quyền Havana phóng thích những người biểu tình bị cầm tù.


Ba Tây Tấn Công Dân Đãi Vàng Lậu ở Amazon Để Bảo Vệ Thổ Dân


(Ảnh AFP - Handout, minh họa, không đề ngày được Cảnh sát liên bang Ba Tây đăng ngày 17/1/2024 cho thấy nhân viên tham gia một chiến dịch tịch thu và phá tài sản của lâm tặc ở vùng đất của người Yanomami, tiểu bang Roraima, Ba Tây.)
-Trong tuần qua, chính quyền Ba Tây đã khởi động lại chiến dịch chống nạn đãi vàng bất hợp pháp phá hoại môi trường và sức khỏe của thổ dân vùng Amazon, đặc biệt là người Yanomami. Theo Bộ Y tế Ba Tây, 308 người Yanomami chết vì bệnh tật, thiếu ăn và vì bạo lực trong năm 2023, 50% trong số này là trẻ em dưới 4 tuổi. Số ca chết vì bệnh sốt rét nhiễm từ thợ đào vàng trong năm 2023 đã tăng gấp đôi so với năm 2022.
Thông tín viên Martin Bernard của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Sao Paulo giải thích:
"Ít lâu sau khi trở lại nắm quyền cách đây một năm, Tổng thống Lula đã phát động chiến dịch "trục xuất" để đuổi những người đãi vàng lậu khỏi các vùng đất dành cho thổ dân vùng Amazon.

Nhưng sau thành công ban đầu, những người đãi vàng quay trở lại. Sự hiện diện của họ lại mang đến bệnh tật và làm xáo trộn cuộc sống của người Yanomami sống ở miền Bắc Ba Tây, gần biên giới với Venezuela. Bệnh sốt rét lại hoành hành, gây thêm rất nhiều nạn nhân mới. Thủy ngân đổ ra sông nhiễm vào cá mà thổ dân đánh bắt. Hình ảnh những đứa trẻ chỉ còn da bọc xương lại xuất hiện trên truyền hình.
Tổng thống Lula đã gián tiếp thừa nhận những sai sót trong hành động của chính phủ, đồng thời thông báo rằng từ giờ quân đội sẽ hiện diện thường trực ở trong vùng, không tạm thời như trước. Ông phát biểu: "Đó là một vấn đề mang tính quốc gia, chứ không phải là chuyện gây chiến với những kẻ đãi vàng" lậu. Từ giờ, cuộc chiến sẽ được tăng gấp đôi cường độ".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét