Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2023

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :29/12/2023 - Mỹ Loan

Nga oanh kích Ukraina trên diện rộng, ít nhất 12 người chết
Nhiều tiếng nổ vang lên ở thủ đô Kiev sáng sớm 29/12/2023 cùng lúc với loạt oanh kích của Nga nhắm vào các thành phố lớn ở Ukraina. Theo đô trưởng Kiev, hệ thống « phòng không đã hoạt động hết công suất » và báo động phòng không vang khắp cả nước.Kiev bị tên lửa Nga oanh kích ngày 29/12/2023. REUTERS - GLEB GARANICH - Thu Hằng Thông tín viên RFI Stéphane Siohan tại Kiev tường thuật tình hình ngay sau vụ tấn công :
<!>
« Hiện giờ bầu không khí im lặng khá nặng nề bao trùm lên thủ đô. Nhưng chưa đầy một tiếng trước, thành phố hứng chịu một vụ tấn công quy mô rất lớn, kéo dài khoảng 20 phút. Suốt thời gian đó, hệ thống phòng không Ukraina đã bắn chặn rất nhiều tên lửa hướng đến thủ đô.

Từ cửa sổ, tôi tận mắt thấy hai tên lửa bị bắn hạ, chỉ cách nơi tôi ở vài trăm mét và ở tầm rất thấp, gần nhiều khu dân cư. Hiện giờ (9 giờ, giờ Ukraina), báo động chưa được dỡ bỏ. Rất nhiều cột khói bốc lên ở nhiều nơi trong thành phố. Có nghĩa là khó biết được chính xác thiệt hại vì lực lượng cứu hộ vẫn đang hoạt động. Nhưng theo những thông tin sơ bộ, nhiều mảnh vỡ của tên lửa đã rơi xuống khu phố trung tâm Podil khiến một nhà kho bị cháy, và ở trạm tầu điện ngầm Lukianivska, rất gần trung tâm thành phố, buộc thành phố đóng cửa bến tầu này.

Cuối cùng phải nhắc lại rằng cả nước bị tấn công trong đêm nay. Báo động liên tục vang lên vào tầm 3 giờ sáng. Người ta nói đến 10 vùng bị tấn công. Kharkiv bị ít nhất 10 vụ tên lửa oanh kích;, còn tại Lviv, các drone Shahed gây ra các vụ nổ. Các vụ oanh kích cũng xảy ra ở Dnipro, Zaporijjia và Odessa. Vì vậy phải chờ thêm vài tiếng nữa mới có thể có được thẩm định về quy mô thiệt hại và nạn nhân ».

Theo tổng thống Ukraina, được AP trích dẫn, Nga đã phóng khoảng 110 tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo cùng rất nhiều drone. Vụ tấn công được coi là một trong những vụ quy mô nhất trong 22 tháng qua đã khiến ít nhất 12 người thiệt mạng và 15 người bị thương, theo thống kê của Reuters. Tại các thành phố bị tấn công đã xảy ra nhiều vụ nổ gây hỏa hoạn, kể cả ở những cơ sở hạ tầng trọng điểm.

Trên mạng X (trước là Twitter), ông Zelensky lên án Matxcơva « sử dụng gần như tất cả các loại vũ khí trong kho của họ ». Chánh văn phòng tổng thống Andriy Yermak tố cáo « nhiều tên lửa lại bay trên các thành phố của chúng ta và người dân lại bị nhắm đến ».

Quân đội Đức : Nga bị thiệt hại « nặng nề » tại Ukraina
Nga chịu nhiều tổn thất « vô cùng lớn » về người và vật chất trong cuộc chiến tại Ukraina. Trong bài phỏng vấn được nhật báo Suddeutsche Zeitung đăng ngày 28/12, tướng Christian Freuding, phụ trách giám sát việc hỗ trợ cho Kiev trong lực lượng vũ trang Đức, cho rằng quân đội Nga sẽ « bị suy yếu » sau cuộc xung đột. Ông trích thống kê của tình báo phương Tây, theo đó có « khoảng 300.000 lính Nga bị chết hoặc bị thương nặng đến mức không thể huy động ra chiến trường », « số xe tăng và xe bọc thép mà Nga bị mất có thể lên tới vài nghìn ».

Tuy nhiên, « Nga vẫn tuyển được nhân sự, kể cả tù nhân » ra chiến tuyến, đồng thời « đầu tư ồ ạt vào công nghiệp quốc phòng ». Tướng Christian Freuding thừa nhận là Nga đã chứng tỏ được « khả năng kháng cự » về kinh tế tốt hơn so với thẩm định của phương Tây vào lúc bắt đầu cuộc chiến.

Tránh phủ quyết của Hungary, Liên Âu tìm ra phương án hỗ trợ Ukraina

Theo nhật báo kinh tế Financial Times của Anh Quốc, các thành viên Liên Hiệp châu Âu (EU) dường như đã tìm ra cách để tiếp tục hỗ trợ Ukraina mà không cần có sự chấp thuận của Hungary sau khi thủ tướng Viktor Orban đã từng chặn khoản viện trợ dành cho Kiev vào giữa tháng 12. Các cuộc thảo luận sẽ tiếp diễn tại hội nghị thượng đỉnh châu Âu được tổ chức vào ngày 01/02/2024.


Cờ Liên Hiệp Châu Âu trước trụ sở Ủy Ban Châu Âu, Bruxelles, Bỉ. © Yves Herman / Reuters
Phan Minh
Từ Bruxelles, thông tín viên Jean-Jacques Héry tường trình :
Về mặt chính thức, mục tiêu của Ủy Ban Châu Âu vẫn không thay đổi. Như một tùy viên báo chí của định chế này đã xác nhận : “Chỉ có một phương án duy nhất - đó là đạt được sự nhất trí của các quốc gia thành viên vào tháng 2 tới để xem xét lại ngân sách.” Do đó, Ủy Ban vẫn giữ nguyên đề xuất ban đầu, tức là kế hoạch viện trợ 50 tỷ euro cho Ukraina, bao gồm cho vay 33 tỷ euro và vay không hoàn trả 17 tỷ euro, được rải đều trong vòng 4 năm, với việc bơm nguồn vốn mới vào ngân sách 7 năm của Liên Âu. Một kế hoạch đòi hỏi sự nhất trí của các quốc gia thành viên, giống như mọi vấn đề liên quan đến ngân sách.

Tuy nhiên, đằng sau hậu trường, theo tờ Financial Times, các quốc gia đang tìm mọi cách để tránh khả năng lại bị Budapest phủ quyết. Bằng cách nào ? Tờ báo của Anh đề cập đến một giải pháp thay thế liên quan đến các khoản vay, được bảo trợ bởi một số quốc gia thành viên nhất định, những quốc gia được các cơ quan xếp hạng tín dụng đánh giá tốt nhất. Giải pháp này sẽ cho phép Ủy Ban Châu Âu vay 20 tỷ euro từ các thị trường, và do đó, có thể hỗ trợ Kiev mà không cần phải có sự đồng thuận của toàn bộ 27 nước.

Phương án hai này được lấy cảm hứng từ những biện pháp đã được thực hiện trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 và cho phép Ủy Ban cung cấp khoản viện trợ lên tới 100 tỷ euro cho các quốc gia thành viên Liên Âu. Dẫu sao, kế hoạch B này tỏ ra ít tham vọng hơn – chỉ ở mức 20 tỷ và sẽ bị giới hạn ở các khoản vay và không bao gồm các khoản cho vay không hoàn lại.

Chánh văn phòng tổng thống Ukraina, hôm qua 28/12/2023, cho biết rằng Kiev và Budapest đang chuẩn bị cho một cuộc gặp giữa tổng thống Volodymyr Zelensky và thủ tướng Viktor Orban trong tương lai không xa.

Phái đoàn Hamas tới Ai Cập để thảo luận về kế hoạch ngừng bắn ở Gaza

Một phái đoàn cấp cao của tổ chức Palestine Hamas tới Cairo vào hôm nay 29/12/2023 để thảo luận về kế hoạch do Ai Cập đề xuất nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần 12 tuần với Israel, khiến dải Gaza bị tàn phá.

 
Một trại tị nạn của người Palestine ở cực nam dải Gaza, giáp biên giới Ai Cập. Ảnh chụp ngày 07/12/2023. AFP - MAHMUD HAMS
Phan Minh
Cuộc họp ở Cairo diễn ra khi giao tranh vẫn diễn ra ác liệt ở phía nam và ở khu vực trung tâm Gaza.

Theo AFP, Ai Cập đề xuất với các quan chức Hamas một kế hoạch bao gồm ba giai đoạn : các lệnh ngừng bắn có thể gia hạn, thả các con tin bị Hamas bắt giữ để đổi lấy các tù nhân Palestine ở Israel, và cuối cùng là một lệnh ngừng bắn, chấm dứt xung đột vũ trang với Israel ở Gaza.

Đồng thời, Cairo cũng đề cập đến việc thành lập một chính quyền kỹ trị Palestine với sự tham gia của « tất cả các phe phái ở Palestine », chịu trách nhiệm quản lý và tái thiết Gaza sau chiến tranh.

Về phần mình, đại diện phía Hamas chia sẻ với Ai Cập về « phản ứng của các phe phái Palestine, bao gồm một số quan điểm đối với kế hoạch của họ », chủ yếu tập trung vào « các phương thức trao đổi và số lượng tù nhân Palestine được trả tự do, cũng như đạt được sự bảo đảm về việc quân đội Israel rút toàn bộ khỏi dải Gaza ».

Trong lĩnh vực nhân đạo, bộ Ngoại Giao Israel, hôm qua 28/12, cho biết đã đồng ý « về nguyên tắc » với Chypre về việc mở hành lang hàng hải giữa hòn đảo này và dải Gaza, nơi thảm họa nhân đạo đang ở mức báo động, và có đến 40% người dân tại đây có nguy cơ bị đói, theo thống kê của cơ quan của Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA)

Venezuela tập trận ở biên giới Guyana vào lúc chiến hạm Anh đến Guyana

Tranh chấp chủ quyền đối với vùng Essequibo giầu dầu lửa đẩy quan hệ Venezuela với Anh Quốc và Guyana căng thẳng thêm một nấc. Ngày 28/12/2023, tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã điều 5.600 quân nhân đến tập trận « phòng thủ » - theo Caracas, ngay tại biên giới với Guyana, trong bối cảnh tầu chiến của Anh dự kiến đến ngoài khơi Guyana hôm nay 29/12 để « hỗ trợ » đồng minh và là thuộc địa cũ của Anh.


Bản đồ vùng Essequibo tranh chấp nằm giữa Venezuela và Guyana (Nam Mỹ). © Suriname Central via Wikimedia Commons
Thu Hằng
Phát biểu trên truyền hình, tổng thống Venezuela chỉ trích gay gắt việc chiến hạm Anh xuất hiện trong khu vực là « vô cùng nghiêm trọng ». Cuộc tập trận là nhằm « đáp trả khiêu khích » của Luân Đôn. Ông yêu cầu Guyana ngừng lôi kéo các cường quốc quân sự vào tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Trước đó, phó tổng thống Guyana khẳng định nước ông không « hề có ý đồ tấn công nhắm vào Venezuela ».

Ngày 29/12, Luân Đôn lên tiếng chỉ trích và yêu cầu Caracas « phải ngừng » những hành động « vô lý » đối với Guyana. Một người phát ngôn của chính phủ Anh khẳng định Luân Đôn « hợp tác với các đối tác ở trong vùng để tránh leo thang căng thẳng và tiếp tục theo dõi sát sao tình hình ».

Venezuela và Guyana tranh chấp chủ quyền đối với vùng Essequibo giầu khí đốt và dầu lửa từ nhiều thập niên qua. Venezuela muốn dùng dòng sông Essequibo làm biên giới tự nhiên, như đã được ấn định năm 1777 dười thời Tây Ban Nha chiếm đóng. Phía Guyana lập luận rằng đường biên giới có từ thời thuộc địa Anh đã được một tòa trọng tài ở Paris ấn định năm 1899.

Hai phần ba diện tích vùng Essequibo nằm trên lãnh thổ Guyana và là nơi sinh sống của 1/5 dân số Guyana. AFP nhắc lại là căng thẳng giữa Caracas và Georgetown gia tăng sau khi Guyana mời thầu khai thác dầu lửa ở Essequibo vào tháng 09. Ngay sau đó, Venezuela tổ chức trưng cầu dân ý sáp nhập vùng đất giầu khí đốt và dầu lửa rộng 160.000 km do Georgetown quản lý.

Trung Quốc kêu gọi châu Á cảnh giác việc Mỹ gia tăng sức mạnh quân sự trong khu vực

Bộ Quốc Phòng Trung Quốc ngày 28/12/2023 đã lên tiếng kêu gọi các nước trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương đề cao cảnh giác trước việc Hoa Kỳ tăng cường tiềm lực quân sự trong khu vực. Lời kêu gọi được đưa ra sau khi Mỹ tiết lộ kế hoạch khôi phục một sân bay ở Thái Bình Dương, từng là căn cứ xuất phát của oanh tạc cơ đã thả bom nguyên tử xuống Nhật Bản vào năm 1945.


Phát ngôn viên Ngô Khiêm (Wu Qian) bộ Quốc Phòng Trung Quốc, trong một cuộc trả lời họp báo. Ảnh chụp tháng 9/2023. © 路透社视频截图
Trọng Nghĩa
Trong một cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (Wu Qian) cho biết là Quân Đội Trung Quốc đang hết sức chú ý đến các động thái của Hoa Kỳ và sẽ “bảo vệ vững chắc các quyền trên biển, an ninh và chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực”. Theo phát ngôn viên Trung Quốc, Mỹ vẫn mang nặng tư duy Chiến Tranh Lạnh và tiếp tục tăng cường việc triển khai lực lượng quân sự tại vùng Châu Á - Thái Bình Dương chỉ vì “những lợi ích ích kỷ và để duy trì quyền bá chủ”.

Theo hãng tin Anh Reuters, hồi đầu tháng 12 này, tư lệnh lực lượng Không Quân Mỹ tại vùng Thái Bình Dương đã tiết lộ với tờ báo Nhật Nikkei Asia rằng quân đội Mỹ sẽ đạt được “bước tiến đáng kể” trong việc tu bổ sân bay North Tinian trên đảo Tinian, thuộc Quần Đảo Bắc Mariana, một vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ, cách đảo Guam khoảng 200 km về phía bắc. Mục tiêu là biến nơi này một căn cứ cho các chiến đấu cơ Mỹ được triển khai khắp vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương vào lúc mối đe dọa tên lửa từ Trung Quốc ngày một gia tăng.

Từng là một căn cứ rất bận rộn trong Thế Chiến Thứ II, là nơi xuất phát của oanh tạc cơ đã ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản vào năm 1945, sân bay Bắc Tinian sau đó đã bị bỏ hoang và bị rừng rậm xâm lấn.

Trung Quốc đe dọa Philippines về Biển Đông
Trong cuộc họp báo nói trên, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Quốc cũng một lần nữa tố cáo Washington gây rối tại Biển Đông và hỗ trợ Philippines khiêu khích Trung Quốc, cho rằng: “Mỹ, vì những tính toán ích kỷ, đã thông đồng và khuyến khích Philippines tìm cách ép buộc và đe dọa Trung Quốc”.

Nhân vật này vừa kêu gọi Mỹ dừng ngay lập tức việc xen vào vấn đề Biển Đông, ngừng hậu thuẫn cho Philippines, vừa đe dọa Manila rằng Bắc Kinh sẽ không "làm ngơ" trước những hành động “khiêu khích và quấy rối” liên tục từ Philippines.

Về Đài Loan, phát ngôn viên bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng tố cáo Mỹ là “đang thao túng vấn đề Đài Loan dưới nhiều hình thức khác nhau” và cảnh báo Mỹ là không nên can thiệp vào các vấn đề của Đài Loan, bao gồm cả việc bán vũ khí cho hòn đảo này.

Bình Nhưỡng có thể ‘khiêu khích quân sự’ trước kỳ bầu cử ở Hàn Quốc và Mỹ

Có rất nhiều khả năng Bắc Triều Tiên tiến hành nhiều hoạt động gây hấn quân sự vào đầu năm 2024 trong bối cảnh Hàn Quốc và Hoa Kỳ sẽ tổ chức bầu cử. Ngày 28/12/2023, Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) đánh giá trên, đồng thời nhắc lại rằng Bình Nhưỡng từng làm như vậy trong quá khứ.


Ảnh lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un, con gái và một quan chức thị sát một vụ thử vũ khí, do Bình Nhưỡng công bố ngày 18/12/2023. © AP
Thu Hằng
Hàn Quốc bầu Quốc Hội vào tháng 04/2024, Hoa Kỳ bầu tổng thống vào tháng 11. Do đó, Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc, được Yonhap trích dẫn, nhấn mạnh, « có nhiều khả năng Bắc Triều Tiên bất ngờ tiến hành những hoạt động khiêu khích quân sự hoặc tấn công mạng (nhắm vào Hàn Quốc) trong năm 2024 khi tình hình chính trị có thể thay đổi với các cuộc bầu cử ».

NIS nhắc lại ví dụ trước kỳ bầu cử Quốc Hội Hàn Quốc năm 2016, Bình Nhưỡng đã tiến hành thử hạt nhân lần thứ tư vào tháng 01, bắn tên lửa tầm xa vào tháng 02. Năm 2020, Bắc Triều Tiên cũng bắn 4 tên lửa đạn đạo tầm ngắn chỉ riêng trong tháng 03 và ngay trước kỳ bầu cử Quốc Hội Hàn Quốc vài tuần. Song song với những hoạt động « khiêu khích quân sự », NIS cũng ghi nhận sự tái xuất hiện của ba quan chức quan trọng liên quan đến các kế hoạch gây hấn chống miền nam.

Đánh giá của NIS được đưa ra chỉ vài ngày sau khi lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố rằng Bắc Triều Tiên sẽ không do dự tấn công nguyên tử trong trường hợp kẻ thù khiêu khích hạt nhân. Tại cuộc họp toàn thể cuối năm của đảng Lao Động hôm 27/12, ông cũng kêu gọi quân đội « đẩy mạnh » chuẩn bị chiến tranh. Theo quan sát của NIS, ba nhân vật quan trọng của Bắc Triều Tiên có lẽ đứng sau kế hoạch khiêu khích của Bình Nhưỡng nhắm vào Hàn Quốc.

Nếu như giới quân sự là khách mời danh dự trong ngày lễ mừng năm mới 2023, lãnh đạo Kim Jong Un đã gửi thư mời đến những doanh nhân đã giúp đất nước đạt được mục tiêu kinh tế trong khuôn khổ 12 dự án kinh tế chính. Theo KCNA, nhiều hoạt động lễ hội đang được chuẩn bị ở thủ đô Bình Nhưỡng, trong đó có bắn pháo hoa và các buổi trình diễn đón năm mới 2024.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét