Mình có một người bạn blog khá thân là giáo viên dạy văn cấp 3. Mình từng đọc những bài viết về văn học trong blog bạn, và rất thành thực khi công nhận: mình gặp ở đó nhiều bài viết hay, công phu, súc tích. Nhưng rồi cũng một lần như vậy vào năm 2007, mình đọc một bài viết về chủ đề dạy văn trong nhà trường ở blog người bạn mình…, thế rồi cứ phân vân, và rốt cuộc viết đôi dòng Nghĩ vặt như một sự trao đổi nhỏ về quan niệm học văn với bạn. Vừa rồi đọc blog bạn thấy bạn có kể một câu chuyện về dạy văn trẻ em. Đọc xong cũng vui, nhưng riêng cái nhận định của bạn, thú thực, làm mình hơi phân vân.
Trích một đoạn blog của bạn nhé:
"Có một câu chuyện vui vui mà thoạt nghe tôi cứ ngỡ chuyện khôi hài :
Cô giáo ra đề làm văn “ Hãy tả con vật mà em yêu quý", một học sinh lớp 4 chọn con rận để tả . Cô giáo bực lắm, làm sao có thể yêu quý một con vật bẩn thỉu thế kia ! văn chương mà , phải luôn hướng đến những gì thanh tao, cao đẹp chứ ! Cô bèn đổi đề: “ hãy tả con chó hoặc con mèo nhà em”. Cậu học trò kia viết : “ Con chó nhà em có một bộ lông rất day, và vì bộ lông dày nên sinh ra rận, sau đây em xin tả con rận ….”. Cô giáo tức quá, lại đổi đề : “ Hãy tả một con cá hoặc một con ếch” ( cô đắc thắng với ý nghĩ , phen này thì đừng hòng tả rận nhé ! ). Cậu học trò lại bắt đầu : “ Con cá sống dưới nước và có vảy, con ếch vừa sống dưới nước vừa sống trên cạn và có da, chúng không có lông nhưng nếu có lông thì sẽ sinh ra rận. Sau đây, em xin tả con rận….”. Cô giáo điên người, vừa nghiến răng trèo trẹo vừa ra một đề khác : “ Hãy tả ngừoi bạn ngồi cạnh em” . Cậu học trò cắn bút một hồi rồi viết : “ Cạnh em là bạn Tí Ti, tóc bạn ấy ngắn ngủn, tóc đấy không phải là lông, nếu là lông thì sẽ sinh ra rận. Sau đây em xin tả con rận….”.
Ồ, cười xong tôi chợt ngộ ra, đây không phải là một chuyện khôi hài mà châm biếm. Đối tượng châm biếm là cả cô giáo lẫn cậu học trò, nhưng vì cô giáo ấy là đồng nghiệp nên tôi tạm lờ, chỉ hướng cái nhìn về phía cậu học trò thôi - Một nụ cười mỉa mai cho cách tư duy cứng nhắc của học sinh thời nay"
Mình đã từng biết những bài văn cấp 1 ngô nghê, kiểu như: Nhà em nuôi một ông nội. Da ông mầu trắng, chân ông ngắn, ông béo và ăn nhiều, nhưng mẹ em bảo nuôi ông rất có ích vì ông ít ngủ nên canh được trộm; hay tả: cô giáo em chiều rộng là sáu mươi phân, chiều cao là một mét sáu…
Chuyện này lướt qua có vẻ na ná như những chuyện kia. Nhưng đọc kĩ, lại thấy không hẳn vậy!
Vì tại sao nhỉ, tại sao cậu bé lại không có quyền yêu con rận? Và tại sao vội nghĩ rằng văn tả con rận thì sẽ không hay? Tại sao không để một cậu bé được viết điều nó thực sự muốn? Tại sao lại quan niệm rằng chỉ khi tả một con vật quen quen như con mèo, con chó, con cá, con ếch… thì mới có thể có bài văn hay???...
Khi đọc những mẩu dẫn chuyện của cậu học trò nhỏ cốt sao để tả bằng được con rận, thấy thú vị lắm. Ngoài óc tưởng tượng không hề tồi ra còn gặp ở cậu ta sự kiên định và một tình yêu chung thủy. Nên nếu bạn nhận định rằng “…mỉa mai cho cách tư duy cứng nhắc của học sinh thời nay” e là chưa thỏa đáng.
Có lẽ trong câu chuyện này, người đáng suy nghĩ không phải là cậu học trò. Chính cách quan niệm “thanh tao, cao đẹp” chẳng thể có ở con rận mới là “cứng nhắc”!
Cậu bé yêu con rận vì lẽ gì? Thú thực, mình vẫn tò mò. Nhưng ai mà biết được, giả dụ trong đời cậu từng có một đêm mưa nào đấy, bên cạnh cậu là một cô bé, hai đứa bắt rận rồi cắn tí tách như hạt dưa... rồi hôn nhau, thì con rận với cậu học trò ấy sẽ có ý nghĩa đặc biệt lắm chứ.
Tí ta tí tách...
Tiếng nào cắn rận?
Tiếng nào tiếng mưa?
Đừng vội nghĩ là mình đùa! Trẻ con bây giờ yêu sớm lắm! ./.
Đinh Vũ Hoàng Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét