Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 25 tháng 12, 2023

Mùa Noel Cũ - Hoàng Thị Thanh Nga


Sau ngày mất nước 30/4/1975, chồng tôi ra trình diện theo lệnh triệu tập của “cách mạng”. Trước khi đi anh ân cần dặn dò, em ở nhà ráng chịu cực khổ thiếu thốn một thời gian ngắn, vì theo lời của “cán bộ”, các anh chỉ đi “học tập có 15 ngày". Anh lo lắng như vậy vì biết tôi sẽ chẳng làm được gì để nuôi con. Thể trạng tôi yếu đuối. Tôi là con một, sống sung sướng từ thuở mới lọt lòng, chưa bao giờ phải lo toan miếng cơm manh áo, giữa sự thay đổi nghiệt ngã của thời thế, tôi không thể thích nghi. Anh đi rồi,15,30 ngày, 3 tháng, rồi 3 năm...vẫn biệt tăm. Hàng ngày và mỗi lần đi họp tổ dân phố, cán bộ phường tuyên truyền, thúc ép người dân đi kinh tế mới, lao động, sản xuất với khẩu hiệu “lao động là vinh quang”. 
<!>
Gia đình sỹ quan “ngụy quân, ngụy quyền” càng phải đi trước làm gương, để chồng, con mau sớm được “khoan hồng”, trở về sum họp…
Quên mất ngày xưa TTVNCH nói một câu bất hủ:
"Đừng nghe những gì cs nói".
Tôi bàn với mẹ về quê sinh sống. “Quê” thuộc tỉnh Bình Dương nhưng chỉ cách lằn ranh phân chia “thành phố HCM” có mấy trăm mét. Gom góp hết tiền bạc còn lại, tôi mua 1 căn nhà nhỏ của người đi “kinh tế mới” xa. Sống nơi này, tôi mới thấy khó khăn nan giải hơn trong cuộc mưu sinh. Ở đây nửa quê nửa tỉnh. Không có đất để trồng cấy, cũng chẳng buôn bán gì được cho ai. Đã vậy, bên kia lằn ranh là “thành phố”, hàng tháng mỗi hộ gia đình được mua lương thực theo giá “nhà nước”, dù là gạo hẩm, bo bo hay bột mì mốc, cũng qua ngày dễ dàng hơn là phải mua với giá “chợ đen”.
Tôi loay hoay bối rối tìm kế sinh nhai. Ra chợ trời buôn bán đồ cũ. Không được. Không cạnh tranh lại những người lọc lõi tinh khôn, mua bán bao giờ cũng lỗ. Đi Vũng Tàu buôn cá về chợ bán, cũng không được. Cá ế, đem về phơi khô ăn dần, hết vốn.

Lên Sàigòn ngồi vỉa hè bán cơm tấm. Những gánh hàng khác, mỗi buổi sáng bán đắt rôm rả, chồng con xúm xít phụ giúp, một gánh hàng rong nuôi sống cả gia đình. Còn tôi, bán cơm vẫn ế, không biết vì nấu không ngon, hay vì không có “giang” buôn bán... Ngày nào cũng ế, đem cơm về cho nhà người quen nơi tôi ở đậu. Nhìn con họ ăn ngon lành, nghĩ đến mẹ và đám con thiếu đói ở nhà, xót lòng, nhưng không thể leo xe đò đem về, vì còn phải chuẩn bị cho gánh hàng hôm sau và dậy sớm đi bán. Vốn liếng cạn dần theo những ngày ế ẩm.
Buôn bán không xong, tôi lên rừng làm rẫy mướn. Từ thuở lọt lòng đến nay, tôi chưa bao giờ phải làm việc nặng nhọc, bàn tay nhỏ nhắn chưa biết cầm đến cái cuốc, cái liềm, nhổ cỏ, trồng cây. Chịu đựng cái nắng như đổ lửa giữa đồng trống vài ngày, tôi lăn ra bịnh, mình mẩy sưng tấy vì bị côn trùng cắn đốt, sau đó được chủ cho... nghỉ việc.
Có đợt tuyển công nhân lên núi phụ thợ điện bắt đường dây cáp, tôi “đăng ký” xin làm. Lúc lên, chẳng những không mang vác được gì, kể cả túi cơm chai nước của mình, tôi còn phải có người... dìu đi. Lúc về, gặp cơn mưa rừng tôi trợt chân, suýt bị cuốn trôi tuột xuống khe núi, lại có 2 người...xốc nách đem về. Vắt rừng đeo đầy ống chân, lên cả đùi, con nào cũng đen bóng, tròn lẵn, tôi được một phen kinh khiếp hãi hùng.

Bỏ rẫy về thành phố vào công trường làm phụ hồ. Làm không lâu chủ công trình thấy sắc vóc tôi quá thảm hại, vả lại cũng không đạt năng suất công việc nên thương tình cho vào làm bếp. Làm “chị nuôi” tuy không nặng nhọc dầm dãi nắng mưa, nhưng thức khuya dậy sớm lo 3 bữa ăn cho công nhân, khi mọi người chưa thức giấc hoặc đã đi ngủ rồi thì “chị nuôi” vẫn lục đục nấu nướng, dọn dẹp. Đã vậy còn bị chê bai nấu không ngon, bị nghi kỵ bớt xén tiền chợ….
Cuộc mưu sinh đối với tôi thật vô cùng khó khăn, nan giải. May có người bạn thương tình dắt tôi đi buôn....
Những năm đầu mới “giải phóng” miền Nam, “nhà nước” dùng chính sách ngăn sông, cấm chợ để quản lý dân. Sản phẩm nơi nào làm ra thì nơi đó dùng, không được giao thương, buôn bán. Miền Tây có lúa gạo, tôm sông, cá biển, sau khi thu hoạch về, nộp sản phẩm cho hợp tác xã, còn lại cũng tạm no đủ. Nhưng nếu muốn uống ly cà phê hay nhấm nháp tách trà, thì phải lên tận cao nguyên mới được thưởng thức những món “xa xỉ” đó. Ngược lại, cao nguyên cũng vậy, nếu chỉ sản xuất ra trà, cà phê thôi thì cứ uống... trừ cơm. Vì thế phát sinh ra nghề buôn lậu.
Tất cả mọi thứ đều “lậu”, từ lúa gạo, ngô khoai, đường đậu,tôm cá,mắm muối...bị nhà nước “quản lý” chặt chẽ. Mọi nẻo đường mọc lên những trạm kiểm soát gắt gao. Cà phê và trà bị liệt vào hàng “quốc cấm”. Đi “buôn lậu” nếu qua trạm trót lọt thì một vốn bốn lời, nên ai nấy đổ xô đi buôn, nhiều nhất là các chị có chồng đi “học tập” như tôi, bất chấp vất vả gian khổ, nằm đường ngủ bụi, vốn liếng mất trắng như chơi. Đi buôn mà như đi đánh bạc, một ăn một thua và còn bị “người đời” khinh bỉ rẻ rúng gọi là “con buôn”.

Tôi không có vốn, cũng chẳng có ai thân thuộc ở Ban mê Thuột, nhưng bạn tôi thì khác. Bà con họ hàng cô ở đó rất đông, lần về mỗi người cho một ít nông sản cũng đủ một chuyến hàng đem về thành phố, không sợ “đứt” vốn khi bị bắt. Mùa thu hoạch cà phê vào cuối năm. Liên xin cho tôi ở nhờ nhà dì và đi hái cà phê tính công.
Mỗi ngày, từ rất sớm, cao nguyên mùa đông trời lạnh buốt. Tôi khoác thêm chiếc áo lính cũ, gọi là “đồ đi làm” dì cho mượn, co ro cùng với đám công nhân người sắc tộc ra vườn hái cà phê. “Nghề” này tôi làm được, chỉ cần nhanh tay và khéo léo. Những cành cà phê nặng trĩu trái chín, tuốt rơi rào rào xuống tấm bạt trải rộng dưới gốc cây. Nhánh nào trên cao thì vin xuống nhẹ nhàng để không gãy cành, năm sau hoa còn trổ ra nơi đó. Làm một lúc người cũng ấm lên. Tôi hăng say chăm chỉ làm việc, để không bị “đuổi” như những lần trước.
Chiều về. Những buổi chiều mưa. Đất đỏ dính lên quần áo bê bết mỗi khi trợt chân té, đôi giày bố quệt đất dẻo quẹo cao nửa gang tay, mất thêm ít thời gian ngồi chặt đất như chặt... thịt gà, để sáng có đôi giày nhẹ đi làm sớm.Về đến,tôi còn giặt 1 thau to “đồ đi làm” của những người trong nhà. Nước quay từ giếng sâu lên, cánh tay tôi gầy guộc khẳng khiu, cố sức giặt vắt những chiếc áo lính thấm nước và đất nặng trĩu. Mưa rừng hiu hắt, cày sâu thêm nỗi buồn và nỗi nhọc nhằn cho người. Vừa mệt vừa lạnh, tôi đi ngủ luôn dù người đầy bụi bặm.

Ngày chủ nhật được nghỉ, tôi theo mấy người quen bò vào vườn của hợp tác xã nhặt cà phê “cứt chồn”. Chim, chồn là loài hoang dã rất tinh khôn, chúng chỉ ăn những trái chín mọng rồi nhả hột ra, nên những hột cà phê này vàng ươm, đều rặt, giá cao gấp hai lần cà phê thường. Đi mót thế này cũng như đi ăn trộm. Vừa cắm cúi nhặt, vừa giỏng tai lên cố nghe tiếng bước chân của du kích xã đi rảo gác trong vườn. Xui xẻo để bị tóm, vừa mất hết túi “cà” nhặt được, vừa bị “ăn” vài cú đấm cú đá, gặp người ác thì bị nhốt ở xã vài ngày. Nguy hiểm là thế, nhưng hột cà phê “cứt chồn” luôn có sức hấp dẫn mạnh mẽ mọi người, vì chất lượng “ngoại hình” và cái giá cao của nó. Những khi rảnh rỗi, tôi có cách tiêu khiển thú vị, bốc một nắm “cứt chồn” ra ngồi nhìn, mê mẩn như người ta ngắm nghía chiếc nhẫn hột xoàn.
Mùa thu hoạch cà phê rốt ráo trong vòng 1 tháng. Một tháng xa nhà, xa con.Tuy nhớ chúng vô cùng, nhưng hy vọng với số tiền công khiêm tốn cùng với nắm cà phê đi nhặt, tôi mua được ít “hàng lậu” cố giấu diếm mang về được đến thành phố, là sẽ có số vốn nhỏ đi buôn như người ta, không phải ở làm công biền biệt tháng ngày.
Ngồi co ro bên bếp lửa, suy nghĩ miên man. Cám cảnh thân phận mình, thương nhớ mấy đứa con và mẹ. Tôi vừa ra bưu điện gởi tiền về. Vài hôm nữa nhận được, mẹ tôi sẽ vui mừng lắm, có thể mua chút thịt cho mấy đứa cháu ăn mừng ngày lễ. Giáng Sinh năm nay tôi không có ở nhà cùng các con đi Lễ đêm. Dù nghèo túng thiếu thốn, nhưng năm nào tôi cũng nấu nồi xôi đậu, sau khi Lễ về cả nhà quây quần ăn mừng Chúa sinh ra đời.
Nhớ đến con là tôi thấy an ủi phấn chấn vô cùng. Chúng là nguồn động lực mạnh mẽ, giúp tôi vượt qua mọi gian nan vất vả. Quỳ trong giáo đường trên cao nguyên vào đêm Giáng Sinh, tôi thầm nguyện cầu ơn trên ban cho tôi mạnh khỏe, để có sức nuôi dưỡng đàn con trên đường đời muôn vàn khó khăn chồng chất.
Với số vốn ít ỏi tích góp được tôi bắt đầu đi buôn. Chuyến đi tôi mua ít quần áo cũ, tôm cá khô, ít vật dụng cho nhu cầu thiết yếu của đời sống, đem lên bán cho người sắc tộc. Chuyến về lại lận bọc vài ký cà phê, chục ký gạo bắp, đậu mè các loại. Có chuyến qua trạm mất ít. Có chuyến mất nhiều. Có chuyến mất trắng. Nhưng mẹ và các con tôi cũng tạm no đủ trong đạm bạc.

Cũng từ đó, tôi luôn sống trong tâm trạng phập phồng hồi hộp. Mỗi lần tới trạm, mọi người trên xe phải xuống hết để thuế vụ khám xét. Tim tôi nhảy ngược lên trong lồng ngực, sự sợ hãi cộng với giá lạnh cao nguyên làm hai hàm răng tôi đánh vào nhau lập cập liên hồi không dừng. Những giây phút đó dường như vô tận, tôi nín thở theo dõi từng bàn tay chuyển động bới móc của thuế vụ trên mui xe. Kẹp chặt trong người cái giỏ có vài dúm cà phê, cố lẩn tránh những con mắt cú vọ. Ngủ cũng mơ thấy bị rượt bắt, bị “tuôn” hàng, bị đưa đi “lao động”, bị nhốt vào “cô nét”. Tỉnh dậy người ướt đẫm mồ hôi.
Vào những tháng hoa cà phê nở, xe vừa qua khỏi đỉnh đèo đã thấy mùi hương ngào ngạt không gian, thơm nồng ngọt gắt. Hoa trắng nhỏ chi chít ôm cành dày đặc trong những rẫy cà phê bạt ngàn hứa hẹn bội thu, khiến lòng tôi dâng trào cảm xúc. Nhưng tôi không còn tâm trí nào để thưởng thức hương hoa nồng nàn quyến rũ, ngắm nhìn núi rừng hoang dã thâm u. Đầu óc còn mải suy nghĩ tìm ra phương cách giấu diếm cà phê kín đáo hữu hiệu hơn, để không bị “đứt” vốn.
Tôi quá chán ngán cảnh đi buôn đầy gian nan bất trắc này, nên quyết định không đi nữa, lại loanh quanh ở Saigòn kiếm việc khác làm.

Thời gian đi buôn, tôi quen Lan và kết bạn đi chung với nhau. Nhà Lan trước ở Sàigòn, sau “giải phóng” bị đi "kinh tế mới trên Ban Mê Thuột. Lan còn người cô ruột ở Thị Nghè, mỗi chuyến về, Lan hay đưa tôi đến nhà cô chơi. Cô của Lan là người trí thức, trước kia làm thông ngôn sở Mỹ, xã hội mới này không thâu dụng cô. Gia đình sa sút, cô kiếm sống bằng nghề bán bánh mì dạo, tính cô rộng rãi phóng khoáng và thương người. Cô có chiếc xe đạp cà tàng, mỗi buổi sáng dậy sớm, qua lò lấy bánh rồi đạp vào trong xóm bán rong, vậy mà đủ cơm gạo cho một gia đình 5 người. Cô cho tôi ở nhờ và chỉ cách đi bán.
Tôi không có xe đạp,đi bộ ngày 2 buổi sớm tối bán rong trong xóm và còn phải đi những xóm xa hơn, tránh “địa bàn” quen của cô. Ngày đầu tiên cắp sọt bánh mì bên hông, trời tờ mờ sáng, mọi người còn đang say giấc trong nhà, tôi cất tiếng rao: Ai... Câu “ai...” vừa thoát ra khỏi cổ họng, bỗng nghẹn lại, tắt lịm. Tiếng rao nghe sượng sần, quái đản. Tôi cười sằng sặc một mình, may không ai thấy...
Tôi phải tập rao... trên sân khấu... ngoài đường, một mình diễn và một mình cười. Trời sáng trắng, tôi đi gõ cửa từng nhà mời mọc.
Khoảng 7 giờ chiều, tôi bắt đầu cho cữ tối. Ngày ấy, Thị Nghè còn là ngoại ô vắng với nhiều xóm nhỏ lầy lội bên dòng kênh. Những hôm nước dâng lên ngập nửa ống chân, tôi lội bì bõm trong bóng đêm, chỉ nhờ chút ánh sáng điện mờ mờ hắt ra từ trong nhà.

Vài nhà trong xóm còn có cái mả ngoài sân. Thỉnh thoảng cơn gió đùa bụi tre nghiến kẽo kẹt. Tiếng sột soạt bên rào giậu. Con chồn chạy vụt qua. Đom đóm lập lòe như ma trơi. Những “hoạt cảnh” ấy khiến tôi sợ hãi rụng rời, mấy lần suýt đánh rơi sọt bánh mì xuống nước. Tiếng rao run run nghe càng kỳ quái, nhão nhoẹt hơn, nhưng mọi người trong xóm đã quen với thanh âm “đặc trưng” đó. Buổi tối bán được nhiều, vì chỉ có mình tôi lặn hụp nơi xóm nhỏ tối tăm lầy lội này.
Nhiều sáng thức dậy, đứng không vững trên đôi chân tê buốt nhức nhối của mình, bởi đi bộ mỗi ngày nhiều cây số và thường xuyên ngâm trong nước lạnh. Nhưng tôi nhủ lòng, phải cố gắng, phải vững bước bền bỉ, để các con tôi được lớn lên mà đi trên đường đời với đôi chân khoẻ mạnh.
Mỗi ngày chỉ bán có mấy tiếng buổi sáng và buổi tối, nhưng tôi phải ở đậu lại nhà cô của Lan. Một tuần về thăm con một lần, hôm nào đem về vài ổ bánh mì ế, nhìn các con ăn ngấu nghiến ngon lành, tôi ứa nước mắt! Bánh mì ế ngày nào cũng có, không nhiều thì ít... Tôi tự trách mình quay quắt vì quyết định về “quê” ngu xuẩn.Cứ bám lại Sàigòn mà sống sẽ đỡ khổ hơn nhiều, không phải ăn nhờ ở đậu, không phải xa con, giao hết trách nhiệm cho mẹ. Mẹ tôi già yếu, trông coi chăm sóc 3 đứa trẻ đang tuổi nghịch ngợm phá phách tung trời, thật là vất vả. Vậy mà mẹ vẫn còn tự trách mình chẳng giúp gì được cho tôi.Tôi xa nhà đâu phải để làm công việc trọng đại to tát gì cho cam,chỉ buôn gánh bán bưng thôi, những thứ ế ẩm còn lại bà cháu không được ăn no lòng, cho qua đi ngày tháng!
*****
Còn vài ngày nữa là đến Noel, phố phường nhộn nhịp, mọi người tất tả mua sắm. Trong sân nhà thờ Thị Nghè hang đá đã làm xong, Chúa Hài đồng nằm hồn nhiên trong máng cỏ, giữa 3 vua và mục đồng vây quanh. Đèn sao giăng mắc từ trên nóc nhà thờ tỏa xuống. Không khí ngày lễ xôn xao rộn ràng.
Năm nay tôi lại không được ở nhà cùng gia đình mừng lễ, dù chỉ cách 20 cây số. Đêm Noel tôi vẫn đi bán. Tôi độ rằng hôm đó sẽ bán được nhiều hơn ngày thường gấp bội.
Từ khi “giải phóng” đến nay từ SàiGòn về “kinh tế mới”, tôi chưa bao giờ cho con lên lại thành đô dù là ngày lễ Tết, để chúng được vui chơi thỏa thích trước sự nhộn nhịp của phố phường hoa lệ. Dù nơi tôi đang ở là xóm đạo, cũng có đèn ngôi sao giăng mắc rực rỡ, cũng không khí tưng bừng rộn ràng của ngày lễ, nhưng làm sao so sánh được với sự tráng lệ, nhộn nhịp nơi thành phố phồn hoa. Nhìn những đứa trẻ hớn hở, tung tăng bên cha mẹ, tôi chạnh lòng thương con quay quắt, bèn nảy ra ý định đưa các con lên đây, sau khi bán hết sẽ dẫn chúng đi lễ, đi chơi, để chúng được hưởng một đêm Noel vui vẻ.
Mẹ tôi quen sống với những đứa cháu, không thể xa chúng dù chỉ một ngày, dù đôi khi chúng làm bà giận đến phát điên. Có dịp cháu được đi chơi thành phố với mẹ, bà đâu nỡ không cho đi, nhưng phải để một đứa ở nhà với bà cho đỡ buồn.Đứa nào sẽ hy sinh ở nhà đây!

Mẹ tôi hiếm hoi, muộn mằn mới có tôi. Ngày tôi sinh thằng con đầu lòng, bà mừng đến nỗi đôi chân bủn rủn khuỵu xuống đất, khi nhìn thấy mẹ con tôi vuông tròn, đang được đẩy ra từ phòng sanh. Một tay bà chăm sóc ẵm bồng từ thuở lọt lòng. Vì thế, bà cưng yêu chiều chuộng nó nhất nhà, không bao giờ từ chối nó điều gì. Thằng con út lại là đứa tôi xót xa nhất. Khi “giải phóng” nó mới vừa hơn 1 tuổi, chịu cảnh thiếu thốn triền miên. Vả lại, nó là út, hay mè nheo nhõng nhẽo, có dịp này nó đâu thể không đi. Cuối cùng con gái phải ở nhà, nó luôn là đứa chịu thiệt thòi, vì biết thương và nhường nhịn anh, em.
Nhà tôi chỉ có 1 cái giường, tôi ngủ dưới đất để 3 đứa con ngủ trên giường với ngoại. Giường chật, 4 bà cháu thì chỉ 3 người có thể nằm xuôi bên trên, một phải nằm ngang dưới chân. Mẹ tôi "lên lịch" phân chia chỗ nằm mỗi đêm. 2 đứa nằm 2 bên với ngoại, 1 đứa nằm dưới, hôm sau đổi đứa khác lên, nhưng 2 thằng con trai không thèm chấp hành theo “luật”. Rốt cuộc đêm nào con gái cũng phải nằm dưới chân, đêm nào bà ngoại cũng dỗ dành rồi hứa đêm mai, nhưng không bao giờ thực hiện được lời hứa đó. Mỗi lần mấy bà cháu nằm trên thả... bom hơi, nó nằm dưới chân hít thở “khí độc” đến chóng mặt. Tội nghiệp con gái tôi.
2 thằng hân hoan hớn hở theo lên Sàigòn. Tôi định bụng bán xong sẽ dẫn con ra nhà thờ Đức Bà đi lễ, để con tận hưởng một đêm Noel vui vẻ tuyệt vời nơi Vương Cung Thánh Đường.

Cho mỗi đứa 1 ổ bánh mì vừa đi vừa gặm, tôi dẫn con loanh quanh trong xóm nhỏ lầy lội cố hữu. Một tay cắp sọt bánh mì, một tay dắt thằng con nhỏ mới 3 tuổi, sợ nó vấp té vì đường gập ghềnh tối tăm, 3 mẹ con đi hết xóm này sang xóm khác. Đêm dần khuya, 2 đứa trẻ mệt nhoài, những gót chân nhỏ bước thấp bước cao loạng choạng, sọt bánh mì vẫn còn nhiều... Lúc đầu tụi nhỏ hăm hở háo hức bao nhiêu thì bây giờ ỉu xìu, thiểu não như 2 con mèo ướt.
Không may, tôi đã đã tính sai. Ngày lễ người ta không ở nhà để mua bánh mì nhiều như tôi tưởng. Họ đổ xô đi chơi, vui vẻ ăn uống nơi nhà hàng, quán xá. Ai ăn mừng lễ ở nhà thì đã chuẩn bị đầy đủ, không phải mua thêm gì nữa.
Tôi không thực hiện được dự định của mình, không còn sức để 3 mẹ con lội bộ ra nhà thờ Đức Bà. Nhà thờ Thị Nghè đã xong lễ từ sớm!

Trải miếng nylon trên lề cầu dành cho người đi bộ, để 2 đứa con nằm. Hai tay tôi luôn phe phẩy, xoa xuýt xua đuổi bầy muỗi đói bu lại trên mình con. Chúng tôi như những kẻ hành khất lang thang, buồn bã trong Đêm Đông Chúa Sinh Ra Đời nhìn dòng người qua lại đã thưa thớt.
Tưởng rằng cho con đi chơi, cho con hưởng một đêm Noel vui vẻ hạnh phúc, ai ngờ đem con đi đày. Mai sau trong ký ức con tôi có còn nhớ đêm Noel này? Nhất là với thằng bé 3 tuổi. Riêng tôi, tôi sẽ nhớ đến ngày cuối cùng của cuộc đời, cả khi đã ở thế giới bên kia.

Hoàng Thị Thanh Nga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét