Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 25 tháng 12, 2023

Lãng đãng gió đông về – Ara Phat


Ngoài balcon, những cơn gió cuối thu mang theo hơi lạnh đầu đông, có hôm xuống đến độ âm, hôm nay lại có tuyết bay phủ kín bầu trời, đàn bồ câu chui rúc vào những mái hiên, hốc nhà thờ ngủ vùi , làm thèm những ngày nắng ấm . Một chút cay cay nồng nồng vẫn chưa xua tan cái lạnh, với tay khoác thêm chiếc áo ấm, ở đây gần 40 năm, vẫn không chịu được giá lạnh lúc đông về, không giỏi bằng người đàn bà bên cạnh đang làm bếp; nồi canh chua, cá trê vàng kho thơm ngát, thoang thoảng hành tỏi tiêu ớt, ấm cả căn phòng . Ừ, mà hình như những món ăn này mà giao cho Ara làm, mùi vị chẳng ra đâu vào đâu, lại không có được cái thứ nước đậm đà sền sệt của cá kho bằng vợ hắn, được trộn lộn từ những gia vị tiêu, hành, tỏi, nước mắm được đường bao phủ, cũng bấy nhiêu mà tạo nên chất sauce độc đáo mà hắn không kiên nhẫn tỉ mỉ để làm . 
<!>
Người miền nam, họ được trời phú cho chiếc lưỡi đặc biệt để nêm nếm món truyền thống miền nam này. Chỉ chút nữa thôi lại có cảnh chồng chan vợ húp, gật đầu khen ngon cho mà xem !
Trong bữa ăn hay kể cho vợ nghe cái thuở hoang đàng, khi vừa bước vào đời . Khỉ gió! đang hưởng không khí ấm áp mà nhắc lại cái thuở thích lãng đãng bên gót chân lãng du. Hắn nhớ lại lúc lang thang … có lần đọc được, hình như là tập thơ của một nhà sư bụi đời » Động nam có gã thiền sư/đem kinh đổi rượu tâm thư uống tràn » , chịu thầy!!! thi ca của thầy lại phóng khoáng đến thế là cùng, lại còn « lãng đãng » phiêu bồng đáng để cho Ara lấy đấy mà học theo.

Đáp xe đò nhỏ
Về vùng chợ xa
Tìm một quán cóc
Ngồi nhậu khề khà
Tối về phòng ngủ
Thở khói phì phà
Mai đón xe sớm
Dẫn thây về nhà
Gặp mẹ trách hỏi
“À, à hôm qua…”
…….
Đời nhiều ràng buộc
Đòi chi những là…
Thôi thì thây kệ
Ề, à cho qua!

Vậy đó, mà hắn ghiền những quán cóc ven đường, lai rai « xị nước mắt quê hương » hay chai « băm ba », dù tửu lượng chỉ là tầm thường , mồi thì có gì ngoài ba miếng khô cá, khô mực hoặc thêm cái « hột vịt lộn », sang một chút thì đĩa « giả cầy ». Hắn thích « xạo đía » nên chẳng bao giờ chịu ngồi một mình, ít ra thì cũng cùng « đối ẩm » còn thường thì « quần anh hội », chưa có cái « xì tin » ngồi một mình như kẻ thất tình, cô đơn .

Lúc thì cùng tên bạn, dạy toán tại trường Văn hóa quân đội Quang Trung, chiều ghé trường lôi bằng được thầy ra quán nhậu, thế là hai thằng ngồi khề khà đến tối mịt mới ra về ; Có lần cùng với một đám « tuyệt phích » vào trường đua, đánh một độ ngựa; tổ đãi, ngựa về ngược ; thế là rủng rỉnh xu hào, ra ngoài bờ tường trường đua Phú Thọ mà « dô » cho đến gần giờ giới nghiêm. Thần lưu linh hay độ mạng cho thằng nhậu, chạy xe về đến nhà mà không lạc đường, hình như có lúc vừa chạy vừa gật.

Tiếng máy nổ của chiếc Suzuki vang lên trong ngõ, mẹ hắn ngồi chờ mở cửa sau cho, hắn chỉ kịp đẩy chiếc xe vào nhà sau là nhào lên giường ngáy không biết trời trăng, bà cụ phải đóng cửa và sáng hôm sau nghe cụ mắng . Cụ tài lắm, mắng có đầu đuôi, câu kệ nghe phiêu bồng như nghe cụ đang tụng bộ kinh « lăng nghiêm » vậy 

.

Chiếc Suzuki M12, giống hệt của hắn từ nước sơn đến kiểu dáng, theo hắn rong ruổi khắp nơi, lên đến tận Phước Long, đường đi chưa đến 200km, nhưng hắn gởi xe đò đem lên để đi lại. Theo hắn khắp nơi ở Phước Long, từ làng xã sóc Thượng đến cả quận Bù Đăng. Khi tình nguyện nhập ngũ, hắn chạy theo sau xe đò về đến Saigon.

Lúc khác, ghé Cần Giuộc, ngồi quán bên hông chợ Trường Bình cùng người bạn là địa phương quân đóng nơi cầu Cần Giuộc, cầu ngày trước còn lót ván, chạy xe ngang nghe lọc cọc, có hai đường ván dọc hai bên thành cầu và hàng ván ngang ở giữa, mỗi lần xe đò chạy ngang, xe phải quay cửa kính lên, lơ xe luôn miệng « yêu cầu quý khách qua cầu, nhai trầu nuốt xác », ngoài việc vệ sinh cầu còn ngăn ngừa Việt cộng quăng lựu đạn. Địa phương quân gác cầu thường nả súng xuống đám lục bình trôi lình bình gần chân cầu ngăn ngừa đặc công lặn dưới đám lục bình đặt chất nổ phá cầu . Dòng sông cùng tên cầu lững lờ trôi, ngồi đây nhậu mà nhớ đến bài « văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc » của cụ Nguyễn đình Chiểu, một thời hắn tung hứng.
…….
« Đoái sông Cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng;
Nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng luỵ nhỏ. » ….

Lúc ở Thủ Thừa lai rai nói chuyện thế thái nhân tình với ông bạn đồng nghiệp, lè nhè bảo anh ta đưa đi quận Tầm Vu chơi để biết tại sao có câu » Gái Tầm Vu một xu không cưới/ Trai Thủ Thừa cưỡi ngựa đi xem », mà ông giáo Thủ Thừa không chịu, bảo là Ara tới bến, đưa về nhà ngủ. Trời vùa hừng sáng đã leo lên xe trở về .

Các trang mạng ngày nay, ngay cả bách khoa toàn thư cững ghi linh tinh nguồn gốc tên Thủ Thừa là do một người tên Mai tự Thừa đến khai phá đất hoang, dựng nhà, mở hàng ăn quán rượu nên vùng đất có tên Thủ Thừa . Nhưng khi Ara lang thang khu vực này, nghe các cụ già ngồi nhấm nháp ly « xây chừng » ở quán cóc café nơi bến xe, kể lại vùng đất này do một người trẻ tuổi ở đây, tên Thừa học cao, đỗ thủ khoa nên được gọi là » Thủ khoa Thừa »; phò Nguyễn Ánh, đánh Tây Sơn và bị mất mạng . Khi vua Gia Long lên ngôi, để tưởng nhớ công lao, gọi tên vùng đất này là « Thủ khoa Thừa », nhưng dân miền nam đơn giản muốn nói cho gọn nên gọi là Thủ Thừa, mà vùng Thủ Thừa cũng là vùng đất văn học, nơi đó có trường sư phạm Long An tại xã Khánh Hậu, lại còn xây dựng thêm đại học cộng đồng Long An vào trước năm 75, một quận mà có đại học là danh giá lắm vào thời đệ nhị cộng hòa, đâu phải tầm thường . Vì là vùng đất văn học nên các cô gái quận Tầm Vu bên cạnh mến mộ tài trai Thủ Thừa, làm các anh lên mặt mới đẻ ra hai câu « Gái Tầm Vu một xu không cưới/ Trai Thủ Thừa cưỡi ngựa đi xem ». Sách vở tài liệu Ara có xem qua ngày trước cũng giống như các cụ Thủ Thừa khề khà diễn giảng bên chung rượu . Ngày nay, tại ngay huyện Thủ Thừa cũng có một trường trung học mang tên « Trường Thủ Khoa Thừa », là chính mắt hắn thấy khi đi qua vùng này

.

Cũng tại vùng Tân An, thế hệ sau có ông Nguyễn hữu Huân, cũng đỗ Thủ khoa được gọi là Thủ khoa Huân, là một nghĩa sĩ hưởng ứng hịch Cần vương chống Pháp .

vùng Tân An lại có thủ khoa Huân
Hợp dân chúng vùng Hốc Môn, Bà Điểm

Cái tên nhà buôn » Mai tự Thừa » nghe chẳng có chút nền nã nào cho vùng đất địa linh nhân kiệt này ! Không biết ngày nay còn có gạo » Nàng Hương,Chợ Đào » thổi cơm thơm từ đầu trên xóm dưới, ăn cùng với cá kèo kho tộ, tuyệt vời của vùng đất Thủ Khoa Huân
 .

Núi Bà Rá

Dưới chân núi Bà Rá
uống chút rượu với « Vinh lựu đạn »,
cùng vài anh em biệt kích
chẳng có gì ngoài ba con cá rô non
một đĩa dưa chua ,vài xị đế…đủ rộn ràng câu chuyện .

Đấy là nơi hắn dạy học ở Phước Long, vùng nước độc lại thường xảy ra chiến cuộc ác liệt, nhiều khi sáng thức dậy biết mình hãy còn sống sau một trận pháo kích, những tiếng nổ kinh hoàng của kho đạn bị bốc cháy . Có lúc trường bị pháo kích hư hỏng, phải đóng cửa, sửa chữa nên cũng được du di cho về thăm nhà, thường khi có giấy phép được cấp vé máy bay quân sự như C123 cho về, còn hắn nhờ có thêm « ô dù » với một phi đoàn trực thăng ở Biên Hòa nên hay bám đuôi trực thăng lên tiếp tế, về đến Biên Hòa hay đồng Ông Cộ; khi lên cũng vậy. Về đến nhà vài ba câu chuyện làm quà với mẹ xong, ngày hôm sau là hắn biến. Mấy tháng nghỉ hè là hắn biệt tăm.

Cũng có lần về đến Saigon, lần này đi phi cơ của Mỹ cùng vài ba người bạn, xuống phi trường Tân sơn Nhứt là cả đám 5 người vào Chợ Lớn theo chân một tên bạn thưởng thức món lẩu dê, cứ vui anh vui em rồi chui vào khách sạn mà không về nhà.
Sáng ra, khi ngồi ăn điểm tâm , thằng Nhuận rủ về Cà Mau ăn lễ khai trương một cơ sở kinh doanh của gia đình. Hứng chí cả bọn ra bến xe đò về thẳng Cà Mau.
Đến thị xã Quản Long, nó bảo là « từ đây đi bộ về nhà tao khoảng 20 phút » tụi mình tà tà về, mà tao đố tụi mày về đến nhà tao trước 10 giờ đêm; lúc đó gần 5 giờ chiều. Chẳng ai hiểu được lời nó nói, chỉ đi thêm độ 200m thì có tiếng gọi vang lên » Cậu Nhuận mới về hả! vô sương sương một cái rồi hãy về. Hai chữ « sương sương » nghe thật mời gọi. Thế là tắp vào….
Trên bộ ván, người vừa gọi cậu Nhuận làm « chủ xị », chỉ thấy 1 chai đế đặt trên ván, chung quanh cũng có thêm 4 người khác, ai cũng vồn vã chào hỏi « cậu út », thì ra cậu Út Nhuận thuộc vai vế lớn trong họ.
Một tay nhìn tưởng như « hắc toàn phong Lý Quỳ » trong Thủy Hử, thò tay vào khạp nước cạnh đó, trong khạp này nghe tiếng dãy đùi đụi của những con cá lóc bị rộng(nhốt), nhẹ nhàng anh ta nắm ngay hai mang cá, đem ra khỏi nơi trú ẩn, một cái « bốp » vang lên, con lóc dãy đành đạch, một cây tre đâm thẳng từ miệng cá đến cuối bụng cá, sau đó ghim chặt xuống nền đất, rơm khô được quấn chung quanh và lửa nổi lên, như cuộc hỏa thiêu tháp Vạn An tự trong Cô gái Đồ Long.


Cây lụi cá lóc đuọc cắm chặt xuống đất, rơm khô quấn chung quanh và dưới đất, lủa cháy phừng phừng, ước chùng cá chín rơm được khều ra còn trơ lại cá đã nướng chín, trông như cháy khét, nhưng khi cạo phần vảy bị cháy ra, cá bốc mùi thơm
 lừng

.
Một trong những cách rỉa thịt cá ra mâm, chỉ với một cành tre là xong mọi chuyện .

Một lúc sau tàn rơm được lấy ra, như một bài bản có sẵn, một chiếc que tre cạo chung quanh cá để nhũng tro bám thân cá rời ra, cá được chủ xị dùng hai ngón tay kẹp vào mang cá, tay còn lại với đôi đũa tre vuốt thịt cá trắng phau ra mâm đã được bày biện rau sống,khế, chuối chát, những lát điều đỏ, vàng trông bắt mắt đi theo tô mắm nêm cùng những khoanh ớt đỏ thật hấp dẫn lại kèm thêm xấp bánh tráng, nhìn tổng thể như một bức tranh ẩm thực hài hòa

 .

Các quán nhậu ngày nay làm cá nướng trui! Phải gọi là cá nướng vỉ than mới đúng, thiếu cái mùi hoang dã của rơm, cái mùi này mới tạo ra được đúng nghĩa « cá lóc nướng trui », cũng theo kiểu ruộng đồng bày biện trên chiếc mẹt và trang hoàng đẹp mắt kiểu nhà hàng thành thị .

Cái tôi gọi là mâm thực chất chỉ là chiếc sàng gạo hàng ngày, hôm nay được lót thêm lá chuối làm thành đĩa, phải nói nhậu kiểu lục lâm đồng ruộng như thế này mới đúng điệu và lý thú. Bộ xương cứu chúa được anh ta quăng vào một cái rọ bắt cá và nói dùng thứ này nhử lươn, chút nữa có cháo lươn lót bụng.
Đâu phải chỉ 1 chai rượu, chai vừa cạn là lôi từ dưới bộ ván lên một chiếc bong bóng trâu chứa rượu, có chừng chục lít, rượu được nấu và ủ ngay tại nhà, không pha chế thêm, vừa mở nắp hương rượu tỏa ngạt ngào . Ara không biết lăn ra bộ ván từ lúc nào và cũng chẳng biết đã uống bao nhiêu nữa, chỉ biết cứ đến tua thì « ực một cái chót » đủ 100%, cũng may chưa cho chó ăn chè, đỡ mang tiếng dân Saigon « bết bát » . Đâu có về được đến nhà tên Nhuận đường hoàng, mà được kè về đến tận chỗ ngủ; nào có biết đến món cháo lươn ngon như thế nào. Phí của!
Năm ngày ở Cà Mau, ăn sáng xong là có người đến kiếm « cậu Út » và lại đến tối mịt được kè về.
Có một người bạn An Lộc của hắn, lão Báng Dùi, khi nghe hắn kể chuyện ăn cá lóc nướng trui, bảo với hắn là « bây giờ cỡ đại gia, tiền ngập cũng không có được bữa cá lóc nướng trui từ 5 giờ chiều đến khuya như mày ». Cuộc đời có mấy khi gặp được thú vị như những ngày ở Cà Mau.

Nổi trôi theo vận nước, sau thời gian tù cải tạo hắn lại lang thang nơi các tỉnh miền tây, cũng có một nhóm học viên thích nghe hắn kể chuyện nơi các quán cóc trong nhà lòng chợ Tà Niên.
Chắc vì lung tung như vậy nên có lần hắn bị thủng bao tử, phải vào bịnh viện Bình Dân mổ cấp cứu, rồi cũng tai qua nạn khỏi, nhưng cũng từ đó bao tử hắn luôn luôn kiếm chuyện, có lúc bị chảy máu, lại vào cấp cứu . Giờ thì không được đưa cay nữa, mỗi ngày phải có 1 viên thuốc ngăn ngừa, lâu lâu có vui anh vui em hoặc những dịp lễ tết cùng vợ con, cũng chỉ nhấm nháp chút đỉnh độ một hai ly rượu vang hay một chai bia cho hồng đôi má mà bắt chuyện cho trơn.
Hết rồi cái thuở ngồi lai rai, nhớ có lần nghe tiếng rao « Aiii… dịch lộn gà dửa hôn « , Ara hỏi đám nhậu là rao cái gì vậy, họ trả lời là « hột vịt lộn gà dữa » hắn bảo là tụi mày nghe không rõ, bà ta rao là « ai vật lộn đè ngửa hôn » cả đám cười ầm vang, lúc đó có người khác rao » Thịt bò, bánh hỏi bún không »; cô bán rượu hỏi hắn « vậy chớ bà ta rao món gì ». Không ngần ngại hắn cất giọng rao « em mò, anh hỏi hứng không » thế là từ cô bán quán đến đám nhậu cười nghiêng ngả, đổ cả rượu, cô bán quán liếc xéo hắn rồi phán « đồ quỷ! ».
Cám ơn bài thơ « lãng đãng » của chủ động hoa vàng …đã cho hắn cái hứng viết bài này khi lãng đãng gió đông về, ngồi chết dí trong khung cửa sổ nhìn hoa tuyết giăng giăng bay, e ngại ngã vêu mõm khi ra đường, chờ bữa cơm chiều của Ara vợ, ngồi mà thèm nắng hanh vàng chiều tà nơi quán cóc. Cũng cám ơn những bạn An Lộc như Ngô nhựt Tân (tức nhà sư Huệ Quang) trụ trì ở Canada và « hoa lan công tử » Doãn Ngọc có lúc xúi khôn xúi dại bảo hắn viết blog để anh em đọc cho vui lúc về già.
Bữa cơm chiều nay vừa dọn lên, cơm nóng canh sốt, có đến hai bát canh, biết hắn không thích canh khổ qua nghe sao cay đắng quá, cho hắn bát canh củ cải kèm thịt kho trứng, cá cơm kho khô và những món ăn kèm khác.

Ngày hôm qua canh chua cá trê kho tộ, tép rang, hôm nay đổi món cho Ara ăn thịt kho trứng, cá cơm kho khô và canh hai loại cộng thêm đậu bắp luộc và món xu làm chua

 .

Bà chủ của những bữa cơm, nuôi hắn cho béo mầm để hắn linh tinh khắp nơi đến bữa cơm về vờ loanh quanh giúp một ta


Lại còn thêm món chè khoai tráng miệng cho ngọt giọng mà xạo đía

Ấm cúng khi gió đông về, trong căn phòng nhỏ của hai vợ chồng già , cám ơn em cho anh bữa tối ấm cúng, moi thêm hai câu của thiền sư để tán tỉnh người chung chăn gối « Em là hoa hiện dáng người/ Còn anh cánh bướm tung trời về say » .

Hắn nói thiệt mà vợ hắn trề môi bảo « ba xạo ! » Để xem hắn xạo hay thiệt ./.
Bruxelles, ngày 13/12/2021

Ara Phat

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét