Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 28 tháng 12, 2023

ĐIỂM TIN 28/12/2023 - Long Đỗ

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên kêu gọi đẩy mạnh chuẩn bị cho chiến tranh
Kênh truyền thông Nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA hôm nay 28/12/2023 đưa tin, lãnh đạo nước này, ông Kim Jong Un đã kêu gọi đất nước “đẩy mạnh chuẩn bị cho chiến tranh”, trong đó bao gồm cả chương trình vũ khí hạt nhân, vì theo ông, “tình hình chính trị quân sự nghiêm trọng” do các “mưu đồ đối đầu” của Hoa Kỳ và các đồng minh của họ gây nên. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un phát biểu tại cuộc họp thường niên của đảng Lao Động, Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, ngày 27/12/2023. © APKorean Central News Agency/Korea News Service - Anh Vũ
<!>
AFP trích dẫn thông tin từ KCNA cho biết, trong ngày họp thứ 2 của Hội nghị Trung ương 9, Ban chấp hành đảng Lao Động Triều Tiên, ông Kim Jong Un đã ra lệnh cho “quân đội và ngành sản xuất đạn dược, vũ khí hạt nhân cũng như phòng vệ dân sự đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuẩn bị chiến tranh”.

Theo Kim Jong Un, tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên đã trở nên cực kỳ nghiêm trọng do các hành động đối đầu chống Bắc Triều Tiên chưa từng có của Mỹ và các nước đồng minh.

Trong năm nay, Bắc Triều Tiên đã tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo vi phạm nhiều nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc với số lượng kỷ lục. Cũng trong năm 2023, chế độ Bình Nhưỡng đã chính thức đưa vào Hiến Pháp điều khoản khẳng định Bắc Triều Tiên là cường quốc hạt nhân, coi đây là điểm cốt lõi bảo đảm sự tồn vong của đất nước. Bắc Triều Tiên cũng đã phóng thành công vệ tinh do thám quân sự, thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mạnh nhất trong kho vũ khí của mình, có khả năng bay tới Hoa Kỳ.

Trước các động thái căng thẳng như vậy, Hoa Kỳ và các đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đẩy mạnh hợp tác quân sự, kích hoạt hệ thống chia sẻ dữ liệu tức thời về các vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên cũng như liên tục tiến hành các cuộc tập trận chung trong khu vực bán đảo Triều Tiên.

Luôn coi các cuộc tập trận ở cửa ngõ nước mình như là các cuộc tập dượt chuẩn bị xâm lược Bắc Triều Tiên, Bình Nhưỡng thường xuyên đáp trả lại các hoạt động như vậy bằng các vụ bắn thử tên lửa.

Về đối ngoại, ngoài sự ủng hộ vốn có của Trung Quốc, Bắc Triều Tiên gần đây đã xích lại quan hệ nhiều mặt với Nga. Theo KCNA, trong hội nghị Trung ương lần này, ông Kim Jong Un kêu gọi “mở rộng phát triển hợp tác chiến lược với các nước độc lập và chống đế quốc”.

Gaza : Iran chỉ trích Hoa Kỳ ủng hộ quân sự Israel

Hôm 27/12/2023, ngoại trưởng Iran Amir Abdollahian đã lên tiếng đòi Hoa Kỳ chấm dứt ngay lập tức ủng hộ quân sự Israel. Cuộc chiến tại dải Gaza đã làm leo thang căng thẳng giữa hai nước đồng thời làm xung đột lan rộng ra khu vực.


Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian phát biểu tại cuộc họp thường niên của các ngoại trưởng các quốc gia ven biển Caspi ở Matxcơva, Nga, ngày 05/12/2023. AP - Yuri Kochetkov
Minh Phương
Từ Teheran, thông tín viên RFI Siavosh Ghazi cho biết cụ thể :

Trong khi chiến tranh sa lầy tại dải Gaza và các đồng minh của Teheran vẫn gia tăng các cuộc tấn công nhắm vào Israel trong suốt 24 giờ qua, ngoại trưởng Iran đã đưa ra lời cảnh báo : "Hoa Kỳ phải chấm dứt ngay lập tức hỗ trợ quân sự cho Israel. Họ không nên mảy may hy vọng rằng Israel có thể chiến thắng ở Gaza" .

Cảnh báo này được đưa ra hai ngày sau vụ Israel ám sát một chỉ huy cấp cao của Iran ở Damas, người chịu trách nhiệm giúp đỡ Hezbollah, Hamas và phong trào Thánh chiến Hồi giáo từ hơn 20 năm qua. Iran đã thề sẽ trả thù Israel.

Cũng trong bối cảnh đó, phiến quân Hezbollah ở Liban đang tăng cường các hoạt động chống lại Israel ở phía bắc còn lực lượng Houthi thì tiến hành các cuộc tấn công vào các tàu hàng muốn đi qua các cảng của Israel ở Hồng Hải.

Cuộc xung đột bắt đầu từ hơn 80 ngày trước ở dải Gaza đang ngày càng lan rộng ra khu vực, nhất là khi lực lượng thân Iran cũng tấn công các căn cứ của Mỹ ở Irak.

Tổ Chức Y Tế Thế Giới báo động tình trạng y tế « nguy hiểm nghiêm trọng » tại dải Gaza

Tối 27/12/2023 lãnh đạo Tổ Chức Y Tế Thế Giới báo động người dân dải Gaza đang gặp « nguy hiểm nghiêm trọng » vì 21 trong số 36 bệnh viện ở Gaza đã ngưng toàn bộ hoạt động, nạn đói lan rộng, trẻ em ngày càng chịu tổn thương do chiến tranh, một số nơi thiếu nước uống... Ngay cả các binh sĩ Israel cũng nhiễm bệnh do tiếp xúc nước bẩn, thậm chí có người đã chết do vết thương nhiễm khuẩn không thể cứu chữa nổi, điều đó càng làm dấy lên mối lo ngại cho sức khỏe thường dân Palestine.


Nhà bảo sanh bệnh viện Nasser Khan Younis, miền nam Gaza ngày 17/12/2023, sau khi bị Israel oanh kích. AP - Mohammed Dahman
Thùy Dương
Từ Jérusalem, đặc phái viên HajeraMohammad gửi về bài tường trình :

« Fusarium hay aspergillus, đó là 1 trong 2 loại nấm có thể đã giết chết binh sĩ Israel này, theo giáo sư Cyrille Cohen, người đứng đầu đơn vị nghiên cứu về liệu pháp miễn dịch tại Đại học Bar Illan gần Tel Aviv.

Giáo sư Cyrille Cohen nói : « Về điều đã xảy ra, chúng tôi nói đến tình trạng nhiễm khuẩn khi tiếp xúc với nước thải, cống rãnh hoặc dĩ nhiên là cả bùn đất ngay gần dòng nước thải, đôi khi người đó có vết thương hở và vết thương có thể bị nhiễm trùng. Loại nấm đó có thể xâm nhập vào cơ thể và sinh sôi, có thể phá hủy đường hô hấp, nhiều cơ quan và vô hiệu hóa hệ thống miễn dịch ».

Đây là bệnh nhiễm trùng không lây lan, có thể điều trị được và có phương pháp điều trị, nhưng trong trường hợp này, người lính bị thương nặng nên phương pháp điều trị không có tác dụng. Giáo sư Cyrille Cohen giải thích thêm : « Không chỉ là các phương pháp điều trị không hiệu quả mà một số phương pháp điều trị thử nghiệm được áp dụng cũng không mang lại kết quả. Rất tiếc là không còn khả năng cứu sống người lính đã bị thương rất nặng này ».

Khoảng chục binh sĩ khác cũng bị nhiễm trùng tương tự. Tạm thời quân đội Israel chưa đưa ra bình luận, họ không muốn gây rối loạn tinh thần. Nhưng nếu có một loại nấm khiến binh lính ở Gaza bị bệnh thì chắc chắn nó cũng khiến người Palestine bị bệnh, mà người Palestine thì rất khó tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế, nếu không nói là không thể được chăm sóc y tế, tính từ khi chiến tranh nổ ra ».

Liên quan đến vùng lãnh thổ Cisjordanie của người Palestine (Khu Bờ Tây Jordanie), theo AFP, Liên Hiệp Quốc hôm nay 28/12/2023 kêu gọi Israel chấm dứt các « vụ giết người phi pháp » và tố cáo tình trạng nhân quyền xuống cấp nghiêm trọng. Cao ủy Nhân quyền LHQ Volker Türk tuyên bố việc Israel « sử dụng các chiến thuật quân sự và vũ khí để duy trì trật tự, sử dụng vũ lực không cần thiết và không cân xứng, tùy tiện … đối với người Palestine ở Cisjordanie là vô cùng đáng lo ngại » và « cường độ bạo lực và trấn áp là chưa từng có tính từ nhiều năm nay ».

Mỹ tháo khoán 250 triệu đô la, gói viện trợ cuối cùng trong năm 2023 cho Ukraina

Hôm qua 27/12/2023, Hoa Kỳ thông báo viện trợ 250 triệu đô la cho Ukraina. Đây là khoản viện trợ quân sự cuối cùng trong năm 2023 sẵn có mà Washington có thể chi và không cần bỏ phiếu tại Quốc Hội.


Lính Ukraina dỡ các kiện hàng do Hoa Kỳ viện trợ tại sân bay Quốc tế Boryspil, Kiev, Ukraina, ngày 13/12/2022. REUTERS - SERHIY TAKHMAZOV
Minh Phương
Cho đến nay, các cuộc đàm phán căng thẳng vẫn đang diễn ra giữa các dân biểu đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ về khoản viện trợ 61 tỷ đô la mà tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky mong đợi.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, được AFP trích dẫn, khẳng định Quốc Hội phải hành động càng sớm càng tốt để bảo đảm lợi ích an ninh quốc gia “thông qua việc hỗ trợ Ukraina tự vệ”. Gói viện trợ sẽ bao gồm đạn dược cho các hệ thống phòng không và vũ khí chống tăng. Trên mạng X, chánh văn phòng phủ tổng thống Ukraina, Andriy Yermak cũng đã lên tiếng cảm ơn và khẳng định Kiev “sẽ giành chiến thắng”.

Trước đó, Nhà Trắng đã cảnh báo nguồn viện trợ cho Ukraina sẽ “cạn kiệt” vào cuối năm nay. “Chúng tôi chỉ còn lại một gói viện trợ duy nhất” trước khi quỹ dành cho Ukraina “cạn kiệt”, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby tuyên bố hôm 18/12/2023.

Cũng liên quan tới việc chuyển giao vũ khí cho Ukraina, chính quyền thành phố Troisdorf, phía tây nước Đức, đã phản đối dự án mở rộng sản xuất vũ khí cho Kiev tại thành phố này.

Cơ sở sản xuất ở Troisdorf là mắt xích quan trọng để châu Âu hỗ trợ vũ khí Ukraina trong bối cảnh châu Âu nói chung và nước Đức nói riêng khó đáp ứng nhu cầu của Ukraina.

Vẫn về vấn đề tài chính, Hoa Kỳ ngày hôm nay đã đề xuất G7 tìm cách tịch thu 300 tỷ đô la tài sản của Nga. Đây là khoản dự trữ ngoại hối của Nga đã bị phương Tây “đóng băng” theo các lệnh trừng phạt mà Mỹ và đồng minh áp đặt sau khi Nga xâm lược Ukraina.

Nga gia tăng sức ép trên nhiều mặt trận miền đông Ukraina

Trong những ngày qua, quân đội Nga liên tục gia tăng sức ép trên nhiều mặt trận ở miền đông Ukraina. Theo báo Pháp Le Monde ngày 27/12/2023, chỉ huy lục quân Ukraina, Oleksandr Syrsky, đã nói đến tình hình « khó khăn » ở miền đông đất nước, và viết trên mạng Telegram rằng Nga đang « tiếp tục các cuộc tấn công cường độ cao theo các hướng Kupiansk, Lyman, Siversk và Bakhmut ».


Lính Ukraina tham gia huấn luyện gần chiến tuyến ở vùng Donetsk, 25/12/2023. REUTERS - THOMAS PETER
Thùy Dương
Đồng thời, các vụ tấn công bằng drone Shahed của Nga vẫn tiếp diễn. Theo Reuters, hôm nay 28/12 lực lượng phòng không Ukraina cho biết đã bắn hạ 7 trong số 8 drone Shahed mà Nga phóng vào miền trung và miền nam Ukraina trong đêm hôm qua rạng sáng hôm nay, nhưng không nói rõ liệu các drone có nhắm trúng mục tiêu hay không. Về phía Nga, bộ Quốc Phòng loan báo đêm qua đã ngăn chặn được một cuộc tấn công bằng drone của Ukraina nhắm đến bán đảo Crimée.

Tuyển thêm quân
Trong bối cảnh mặt trận miền đông đang gặp nhiều sức ép, chính quyền Ukraina phải tính đến việc động thêm binh sĩ. Một đại tá có uy tín tại Ukraina lưu ý là nếu không đủ quân thì muộn nhất đến cuối năm 2024 Ukraina sẽ thất bại về quân sự.

Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan giải thích :

« Thứ Tư (27/12), đại tá Yevhen Mejevikin, một sĩ quan có uy tín, đã tuyên bố là nếu Ukraina không huy động đủ quân thì đương nhiên, muộn nhất đến cuối năm 2024 sẽ có nguy cơ thất bại về quân sự.

Đại tá Mejevikin kêu gọi là việc huy động binh lính cần đạt mức thời điểm bắt đầu chiến tranh, hồi năm 2022, cho dù ông nói là hiểu được nỗi lo sợ của người dân về việc phải tòng quân, và thách thức đối với chính phủ là giành được lòng tin của người dân bằng cách nói ra sự thật.

Thế nhưng, chính phủ Zelensky lại đang làm điều ngược lại. Họ đã đệ trình lên Quốc Hội một đạo luật sửa đổi các điều kiện về nghĩa vụ quân sự, vào đúng ngày Giáng Sinh 25/12 để tránh mọi cuộc thảo luận công khai.

Toàn văn dự luật không được đưa lên trên trang web Rada. Mọi người chỉ có thể đọc những điều ngắn gọn về ý tưởng hạ tuổi nhập ngũ bắt buộc từ 27 tuổi xuống còn 25 tuổi, về việc đóng cửa các văn phòng tuyển quân vốn dĩ đã bị phản đối và về việc gửi thư điện tử để thông báo lệnh động viên nhập quân ngũ.

Điều mơ hồ liên quan đến việc tòng quân của phụ nữ. Tuần trước, cho dù bộ trưởng Quốc Phòng Rustem Umerov đã nói đến việc huy động nhập ngũ người Ukraina đang sống ở nước ngoài, nhưng các tùy viên báo chí của chính phủ đã tránh đề cập đến chủ đề này và đưa ra các tín hiệu trái ngược nhau …

Báo chí Ukraina biết được rằng đảng « Người phục vụ nhân dân » của tổng thống đã yêu cầu tất cả các dân biểu của đảng không bình luận trên các phương tiện truyền thông về luật huy động binh sĩ mà gửi mọi câu hỏi đến ban chỉ huy quân sự ».

Về sản xuất vũ khí, thiết bị quân sự, vẫn theo báo Pháp Le Monde, trong cuộc gặp với các đại diện ngành công nghiệp quốc phòng, tổng thống Zelensky ngày 27/12 thông báo là Ukraina trong năm 2023 đã tăng gấp 3 sản lượng vũ khí và trang thiết bị quân sự. Sản xuất đạn dược, nhất là đạn pháo cũng tăng nhiều đáng kể. Tổng thống Ukraina nhấn mạnh năm 2024 sẽ đặc biệt chú ý đến sản xuất chất nổ và thuốc súng, mà hiện thế giới đang khan hiếm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét