Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 28 tháng 12, 2023

ĐIỂM BÁO PHÁP QUỐC NGÀY 25/12/2023 - Duke Nguyên

2023 : Năm của rất nhiều thăng trầm
Trong ngày lễ Giáng Sinh, hôm nay 25/12/2023, chỉ có các báo Le Monde và Libération ra số mới. Tờ Libération dành trang nhất và bài xã luận để tổng kết năm 2023, một năm nhiều thăng trầm đã làm rung chuyển nước Pháp ngay từ những ngày đầu tiên. Ảnh minh họa : Các nhà hoạt động biểu tình phản đối chiến tranh ở dải Gaza tại điện Capitol, Washington, Hoa Kỳ, ngày 19/12/2023. AP - J. Scott Applewhite Phan Minh Những cuộc biểu tình quy mô, dữ dội và kéo dài để phản đối cải cách hưu trí trên đường phố Pháp từ tháng Giêng đến mùa hè dường như là điều đã được báo trước ; tỷ lệ lạm phát (đặc biệt là lạm phát lương thực) cao ngất ngưởng ; nhiệt độ tăng chóng mặt (và những hệ lụy đi kèm) khiến năm 2023 trở thành năm nóng nhất từng được ghi nhận, điều mà các nhà khí hậu học đã lo ngại từ trước, chưa kể đến những hiện tượng thời tiết đặc biệt khiến nước Pháp khốn đốn, như ở vùng Bretagne hay Pas-de-Calais.
<!>
Do vậy, nhật báo thiên tả nhấn mạnh mọi thứ đều tăng vào năm 2023 : tuổi về hưu, giá cả, nhiệt độ, hay bạo lực. Tuy nhiên, nhân chuyến thăm thành phố Pau hồi tháng 7, tổng thống Emmanuel Macron đã từng than thở « không ai có thể ngờ bạo lực sẽ lan rộng sang những khu vực thường không bao giờ xảy ra sự cố đặc biệt ». Bởi bạo lực gia tăng và ngập tràn trong năm 2023 tại các khu vực ngoại ô : cái chết của thanh niên Nahel, bị cảnh sát bắn chết vào cuối tháng 6 ở Nanterre, đã châm ngòi cho sự gia tăng đột biến của tư tưởng chống lực lượng bảo vệ an ninh, cho thấy ở Pháp có sự chia rẽ rõ rệt giữa người dân và một bộ phận thanh niên, những người đến từ vùng ngoại ô.

Trong khi Pháp, vừa phải thông qua cải cách hưu trí, vừa đối mặt với bạo loạn, đang tập trung vào các vấn đề nội bộ, thì chiến tranh vẫn hoành hành ở Đông Âu. Vào tháng 02/2023, một năm kể từ khi Nga xua quân xâm lược Ukraina, Libération nhận thấy cuộc chiến dường như bị « đóng băng » và dần đi vào quên lãng, cho đến khi mọi sự chú ý hoàn toàn đổ dồn về dải Gaza từ hôm 07/10 càng khiến cuộc chiến ở Đông Âu bị « lu mờ ».

Nhìn lại năm 2023, ngày 07/10 đã thực sự làm đảo lộn mọi thứ. Cuộc tấn công của tổ chức Palestine Hamas vào Israel với mức độ bạo lực và tàn ác kinh khủng đã khiến toàn thế giới bàng hoàng, sợ hãi và ngạc nhiên. Hình ảnh đẫm máu và kinh hoàng của những ngôi làng Do Thái bị tàn phá tương ứng với sự đau khổ của người dân Gaza phải hứng chịu hàng loạt các cơn mưa bom của quân đội Israel, giết chết hàng nghìn thường dân bị giam trong « một nhà tù ngoài trời » và quét sạch mọi thứ. Do đó, phong trào bài Do Thái ở Pháp cũng tăng đột biến, khiến liên minh cánh tả NUPES bị rạn nứt và mất đoàn kết hơn bao giờ hết.

Bài xã luận tiếp tục liệt kê những biến động còn lại của thế giới trong năm nay, như những rắc rối pháp lý của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, hiện vẫn là ứng viên sáng giá nhất cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 ; cuộc nổi loạn của Yevgeny Prigozhin và nhóm lính đánh thuê Wagner chống lại điện Kremlin, sau đó là vụ tai nạn máy bay khiến Prigozhin thiệt mạng ; những cuộc đảo chính liên tiếp ở Niger và Gabon; khinh khí cầu do thám của Trung Quốc xuất hiện trên không phận Hoa Kỳ một cách bí ẩn ; nước cờ thành công của thủ tướng Pedro Sánchez ở Tây Ban Nha ?

Tờ báo thiên tả kết luận năm 2023 đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Mặc dù là một năm có nhiều biến động, song Libération nhận định rằng so với năm 2020-2021 chứng kiến sự hoành hành của đại dịch Covid-19, hay năm 2022 với sự bùng nổ của cuộc chiến tranh Ukraina, có thể nói rằng năm 2023 có đôi phần « bớt kịch tính hơn ». Mọi người cũng đã tranh cãi rất nhiều về ứng dụng ChatGPT và cuộc chiến chống rận rệp trong năm nay. Những sự kiện đáng chú ý khác bao gồm lễ đăng quang của vua Anh Charles III, hay sinh nhật 50 năm của Libération. Nhiều nhân vật nổi tiếng khác cũng khiến nhật báo thiên tả tốn nhiều giấy mực như nghệ sĩ Pierre Palmade hay ca sĩ Jane Birkin, đã từ trần hồi tháng 7.

Nạn đói hoành hành ở Gaza


Nhìn sang Trung Đông, trang nhất của nhật báo Le Monde chú ý đến nạn đói đang hoành hành ở dải Gaza. Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), hơn 90% người dân Gaza đang trong tình trạng « mất an ninh lương thực trầm trọng ». Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm 22/12 đã ra nghị quyết yêu cầu cung cấp viện trợ nhân đạo « quy mô lớn » cho dải Gaza.

Vào cuối tháng 9, Steve Sosebee, người sáng lập và chủ tịch Quỹ cứu trợ trẻ em Palestine, đã nhận được một email cámơn từ dải Gaza. Thuốc và hệ thống sản xuất năng lượng mặt trời do tổ chức của ông Sosebee gửi đến Yaser Al-Maqadma đã giúp cải thiện cuộc sống của con trai Yaser là Khalil, mắc bệnh bại não. Vào ngày 15/12, Yasser lại gửi một email khác cho Steve Sosebee, thông báo rằng Khalil đã chết sau một thời gian chống chọi với bệnh tật. Yasser đã cố gắng tìm kiếm các loại thực phẩm bổ sung mà con trai ông cần, nhưng những thực phẩm này không thể tìm thấy ở Gaza nữa, sau khi dải đất này bị Israel bao vây và bắn phá trong gần hai tháng rưỡi.

Trong nhiều tuần, các tổ chức quốc tế đã báo động về thảm họa nhân đạo ở Gaza, với hy vọng Israel sẽ giảm bớt cường độ các trận oanh kích. Tuy nhiên, nạn đói vẫn hoành hành ở nơi này. Theo báo cáo mới nhất mà Chương trình Lương thực Thế giới công bố hôm 21/12, 93% người dân Gaza « mất an ninh lương thực trầm trọng ». Khoảng một nửa dân số đang ở trong tình trạng « nguy cấp » như suy dinh dưỡng cấp tính và tỷ lệ tử vong tăng mạnh.

Le Monde cũng chú ý đến Adel Kaddum, người đứng đầu tổ chức Secours Islamique France tại Gaza, đang có mặt ở Ai Cập sau khi rời được khỏi dải Gaza vào ngày 07/12 nhờ cuốn hộ chiếu Mỹ. Vào ngày ông ra đi, một bao gạo 25 kg được bán với giá 500 shekel (126 euro), đắt gấp 10 lần so với thời kỳ trước chiến tranh. Vợ chồng ông phải nhịn ăn để con cái họ có đủ lương thực. Ông giải thích : « Có năm người lớn và ba đứa nhỏ, nhưng chúng tôi chỉ có 6 lít nước để dùng mỗi ngày. »

Ở những khu vực lân cận, việc tìm kiếm thực phẩm là một thách thức không nhỏ đối với người dân, và thường khiến họ phải liều mạng. Adel Kaddum cho biết : « Ai đi ra ngoài đường cũng đều có nguy cơ trở thành mục tiêu của lính bắn tỉa và xe tăng, hoặc bị trúng đạn pháo. » Adel cũng than thở rằng chỉ còn rất ít tiệm bánh còn làm việc, và người xếp hàng dài đến vài trăm mét.

Trong khi đó, các viện trợ nhân đạo hiện nay hoàn toàn không đủ để đáp ứng những nhu cầu cơ bản của người dân. UNRWA, cơ quan của Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine, hỗ trợ phần lớn trong số 1,9 triệu người đã di dời, chỉ tập trung hoạt động tại Rafah ở phía nam Gaza. UNRWA mới chỉ đến được thành phố Gaza ở phía bắc « một vài lần » kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn kết thúc vào đầu tháng 12, trong bối cảnh cả miền trung dải Gaza và thị trấn Khan Younès ở phía nam cũng rất khó tiếp cận.

Le Monde tổng kết rằng trước khi xung đột nổ ra, đã có 2/3 người dân Gaza sống nhờ vào viện trợ nhân đạo, bởi lệnh phong tỏa do Israel áp đặt từ năm 2007 đã làm trầm trọng thêm tình trạng đói kém, với hơn 60% dân số bị mất an ninh lương thực.

Cuộc chiến Ukraina đi vào quên lãng

 
Về tình hình Ukraina, tờ Libération lo ngại về việc thế giới dường như không còn quan tâm đến số phận của nước này trong cuộc chiến chống lại Nga. Hàng chục nghìn người thiệt mạng trong một cuộc chiến bị lu mờ bởi cuộc xung đột ở Trung Đông, năm 2023 chứng kiến cuộc phản công của Ukraina không mang lại kết quả và Kiev lo ngại hỗ trợ của phương Tây sẽ cạn kiệt.

Trong khi thế giới đang hướng về Gaza, thì Ukraina lại rơi vào một cuộc chiến tạm gọi là « vô vọng ». Tuyến phòng thủ của Nga dưới sự lãnh đạo của tướng Surovikin đã đứng vững và dập tắt mọi hy vọng của Kiev. Cuộc phản công được phát động vào tháng 6, mà Kiev và các đồng minh đã từng rất kỳ vọng, đã không mang lại kết quả khả quan như cuộc phản công mùa thu năm 2022. Hiện nay, Nga vẫn kiểm soát hơn 100.000 km2 lãnh thổ Ukraina, tức gần 18% diện tích nước này.

Tờ báo thiên tả nhận định đây là một vố đau đối với Kiev, khi quân đội Ukraina đã có những thành công nhất định hồi đầu năm nay tại những trận đánh mang tính biểu tượng như ở Soledar hay Bakhmut và nhận được sự hỗ trợ của phương Tây như xe bọc thép Bradley của Mỹ, Marder và Leopard của Đức và AMX-10RC của Pháp. Về phần mình, Matxcơva dường như có dấu hiệu « xuống sức », và đã nhiều lần cơ cấu lại bộ tổng tham mưu.

Vào tháng 3, Tòa án Hình sự Quốc tế đã ban hành lệnh bắt giữ Vladimir Putin, bị cáo buộc « phạm tội ác chiến tranh » và «di dời bất hợp pháp dân cư từ một số khu vực của Ukraina bị Matxcơva kiểm soát sang Liên Bang Nga ». Vốn bị cô lập trên trường quốc tế, Putin hầu như không rời khỏi nước, và chỉ đến các nước láng giềng Kyrgyzstan và Trung Quốc, đối tác quan trọng mới đối với nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, xung đột ở dải Gaza nổ ra hôm 07/10 đã mang lại cho chủ nhân điện Kremlin một lợi thế không nhỏ. Cuộc chiến này không chỉ chuyển hướng sự chú ý và viện trợ quốc tế về Gaza mà còn cho phép Putin, người đã chọn phe ủng hộ Hamas ngay từ những ngày đầu tiên, tự khẳng định mình là « nhà lãnh đạo » những quốc gia không liên kết với phương Tây và được tiếp đón nồng hậu ở Riyadh và Abu Dhabi vào đầu tháng 12.

Ngoài ra, mặc dù các đồng minh phương Tây của Hoa Kỳ vẫn không ngừng cung cấp vũ khí và viện trợ nhân đạo cho Ukraina trong suốt cả năm, thì dư luận tại Mỹ giờ đây không còn muốn hỗ trợ Kiev. Nhà Trắng thậm chí hồi đầu tháng 12 tuyên bố « hết tiền và không còn thời gian » để tiếp tục tài trợ cho cuộc chiến, nếu Quốc Hội không đạt được thỏa thuận ngân sách.

Libération kết luận rằng 2024 sẽ là năm của rất nhiều sự kiện lớn : Hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc tấn công Ukraina, kỷ niệm 10 năm cuộc cách mạng Maidan đi kèm với sự kiện bán đảo Crimée bị Nga sáp nhập và nổ ra cuộc chiến ở Donbass. Cuộc bầu cử tổng thống ở Nga, Hoa Kỳ, và có thể cả ở Ukraina cũng là những sự kiện sẽ rất được chú ý. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét