Giữa lúc tình hình nước Mỹ chẳng có gì lạc quan. Về kinh tế, xứ sở được coi là giầu mạnh nhất hành tinh đang mang nợ ngập đầu - lên đến $33 ngàn tỷ [1]. Về đối nội: Chưa khi nào thấy có sự chia rẽ trầm trọng giữa cánh tả và cánh hữu như hiện tại. Đối ngoại cũng không khá gì vì đang gián tiếp dính dáng vào hai cuộc chiến tại Ukraine và Gaza [2]. Tại tiểu bang nhà California cũng chẳng khá hơn. Nào là sưu cao thuế nặng, tội ác tràn lan, vô gia cư đầy dẫy, chi tiêu bừa bãi, lo áp dụng trào lưu WOKE thay vì khuyến khích thương nghiệp. Mới hôm qua tờ báo thiên tả địa phương (SJ Mercury News) đưa tin “Tiểu Bang Vàng (Golden State) Còn Không? Thâm Hụt Ngân Sách California Lên Đến $68 tỷ.” [3] Chẳng biết Thống đốc Newsom và Quốc hội cánh tả làm ăn thế quái nào mà mới hai năm trước còn thặng dư $100 tỷ, năm nay quay ra thiếu hụt nhiều như vậy?!
<!>
Thôi để quên đi những băn khoăn bực dọc của những tin xấu, nhân lễ Noel thường được coi như dịp lễ hội vui của thế giới không phân biệt tôn giáo, tôi viết ra đây vài đoạn văn vui để chính mình khuây khỏa và hy vọng cung cấp cho những người đọc mấy phút thư giãn.
Cuộc Chiến Chưa Kết Thúc
Sau khi bị tù “cải tạo” đúng 975 ngày (2 năm 8 tháng 3 ngày) tôi được thả về. Lúc đó ba tôi đã “biết thân biết phận” lặng lẽ dọn nhà về vùng quê Long Hải. Hằng ngày tôi đạp xe lên Miếu Ba Cô, ngồi chênh vênh trên mỏm đá nhìn đại dương bao la, ước mơ một ngày thoát ra khỏi quê hương đọa đầy. Tuy được thả về nhưng tôi không có quyền công dân cũng chẳng có hộ khẩu nơi đâu. Quê nội Long Hải là vùng vượt biên, quê ngoại Saigòn lại càng không được ở! Chỗ nào cũng chỉ cho tạm cư một tháng rồi phải xin gia hạn. Tuy về nhà đã mấy tháng nhưng tôi chẳng làm được việc gì ngoài vụ … cưới vợ! (trả nợ ân tình gần 3 năm thăm nuôi). Hằng đêm tôi vẫn thường có những giấc mơ phá hoại trại cải tạo để phản kháng, từ lén đốt nhà cai tù, chôm gà bộ đội đến phá đồi mì, chặt ruộng mía, …
Bảng Bán Nhà
Về Saigon tôi càng phẫn uất, nhà vợ thực ra cũng chỉ kha khá vậy mà bị đánh tư sản te tua. Tuy ông già vợ đã thức thời, những gì thấy hơi gồ gề như xế hộp đã tự động “hiến” cho nhà nước (viện ĐH Cần Thơ), vậy mà vẫn bị tịch thu tài sản (gồm hai căn đường Phan Đình Phùng) và đuổi đi “kinh tế mới” vùng Đồng Tháp, từ chợ Cao Lãnh phải đi ghe “tác ráng” hai giờ mới tới! May mà ông già vợ và thằng em đã trốn và vượt biên thoát.
Nhờ bà xã là “công nhân viên” (ngành ngân hàng), qua môi giới và nhất là 15 cây vàng “biết điều” với Sở Nhà đất Quận Ba, chúng tôi đã xin lại được một căn để ở. Một ngày tôi đứng trước căn nhà bị chiếm nhìn vào nơi hai gia đình cán bộ VC đang chia nhau ở. Một mụ đàn bà ra thấy tôi quắc mắt gắt: “Muốn gì?” rồi quay vào đóng cửa sắt cái rầm. Tôi bực mình, tối hôm đó về nhà kiếm hơn chục tấm cạc tông, lấy sơn viết:
Nhà Bán: Đi xa bán gấp phố lầu mặt tiền/ Số 3XX đường Nguyễn Đình Chiểu (Phan Đình Phùng cũ), Q. 3/ Liên lạc buổi tối.
Sau đó tôi mang những tấm biển bán nhà đi treo hết các ngã tư, ngã ba chung quanh khu Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Cao Thắng, Lê Văn Duyệt …
Buổi tối đứng trên lan can căn nhà mới được trả lại tôi có thể nghe những tiếng cãi vả, la lối và tiếng đóng cửa sắt rầm rầm bên căn nhà bị chiếm. Tuy chẳng làm gì được ai nhưng ít ra sự khó chịu của những tay chiếm nhà cũng cho tôi một niềm vui nho nhỏ.
Rồi một tuần sau, trước cửa căn nhà bị chiếm bỗng thấy dán tấm giấy bìa lớn trên viết: “Nhà Này Không Bán/ Đừng Làm Phiền”. Tôi khoái quá, hôm sau đợi vắng người tôi đến viết thêm chữ “Thiếu” thành ra tấm bìa đề: “Nhà Này Không Bán Thiếu/ Đừng Làm Phiền”. Tôi đoán những tay cưỡng chiếm được thêm mấy ngày phiền phức.
Gậy Ông Đập Lưng Ông
Bắt đầu từ năm 1977 nhiều người dân miền Nam được những thân nhân may mắn di tản năm 1975 gởi quà về cứu tế. Chúng tôi may mắn nhận được khá nhiều quà nhờ bà, bác, cậu, dì, ba vợ, hơn ba chục anh em họ và đặc biệt những bạn bè thân thiết trong nhóm “LK Thiện Chí”. Tháng nào chúng tôi cũng nhận được dăm ba thùng quà. Điều đáng giận là thường thùng quà nào cũng có mấy cây thuốc lá nhưng VC chỉ cho nhận 1 cây, số còn lại phải bán lại cho nhà nước với giá $25/cây (trong khi giá thị trường $180, gần bằng 1 chỉ vàng). Tôi giận lắm thấy không thể để VC cướp tay trên như vậy được.
Bước đầu tiên tôi tìm cách làm quen và mua chuộc đám an ninh tại phi trường Tân Sơn Nhất. Mỗi lần qua cổng gác tôi đều ngừng lại cho mỗi tên có khi một gói thuốc, có khi cục xà bông Camay/ Dove hay một lọ dầu con ó. Sau vài tuần tên bộ đội nào tại cổng cũng quen mặt anh Tuấn tự “Ba Giỏi” (tên tôi tự nhận), ra vào đều giơ tay chào thân thiết.
Bước kế tiếp tôi đi kiếm mua thuốc lá dổm. Tuy hàng giả nhưng không khác chi hàng thật vì vỏ carton thật, bao thật (những người bán lẻ giữ lại bao), chỉ có thuốc lá ở trong là giả. Trừ khi nào thực sự hút, không ai biết được đó là đồ dổm. Tôi mua $12 đồng một cây thuốc giả.
Ra tay:
Dịp đó mùa hè, Saigon không mấy ngày không mưa, tôi thường trùm áo mưa mang theo hai túi sách (để đựng quà). Qua cổng gác TSN tuy đã rất quen tôi vẫn giơ tấm giấy “báo nhận quà” có đóng dấu đỏ lòe loẹt, dĩ nhiên có giấy thật có giấy dổm nhưng chưa lần nào mấy tay gác cổng thèm coi giấy của tôi.
Đến chỗ nhận quà tôi mau mắn kiếm mấy người bị buộc mang thuốc lá đi bán lại cho nhà nước. Nói với họ rằng nhờ quen biết và muốn giúp đỡ họ, tôi sẽ giúp mang thuốc đi bán và trả tiền tươi ngay cho họ. Ai cũng mừng vì không phải xếp hàng chầu chực cả tiếng, có khi còn bị hạch sách la lối, họ mau chóng đưa “lệnh bán” (ghi số thuốc phải bán) và những cây thuốc thiệt cho tôi. Mỗi lần như vậy tôi cũng kiếm được vài ba cây (lượng). [4]
Tôi áp dụng chiêu “gậy ông đập lưng ông” này khoảng nửa tháng, kiếm được hơn hai chục cây, tôi quyết định ngưng mặt trận tiêu cực này, ngại rằng số thuốc dổm sẽ bị phát hiện và quay lại báo cho bọn kiểm kê tại phi trường. Ghì chứ phải đi cải tạo lần nữa chỉ vì mấy tuýp thuốc lá dổm thì thật không đáng!
Tiếng Gào Giữa Phố
Đối diện với nhà chúng tôi ở Saigon là trụ sở Công an Phường, hằng ngày vừa mở cửa ra thấy lá cờ máu phất phới, những chú bò vàng đi ra đi vào trong căn nhà của người quen mới bị chiếm, lòng tôi quặn đau. Mấy tên công an chắc cũng biết lý lịch của tôi nên hay chống nạnh hầm hầm nhìn qua, có thể do mấy tên này xúi khiến tên thiếu úy công an khu vực tối ngày đến gặp tôi giục tôi đi kinh tế mới! Tôi cự: “Vợ tôi ở đây sao các anh đuổi tôi đi?” Tên CA khu vực khinh khỉnh: “Vì anh không có tiêu chuẩn ở thành phố. Không có công ăn việc làm tại đây.” Tôi hỏi lại: “Vậy nếu tôi có việc ở đây thì sao?” “À! Thì anh được ở lại. Nhưng …” Rồi hắn nhìn tôi cười chế giễu: “Với lý lịch của anh í à … Ha! Ha!”
Tên CA khu vực nói đúng, vào thời điểm 1978 tôi không thể xin việc để ở lại Saigon. Tuy quen biết nhiều, em tôi và bạn nó mới ra trường Phú Thọ (niên khóa 1974-1978) tôi dễ dàng xin cho làm ở hãng rượu Bình Tây và hãng Pin Con Ó, nhưng tuyệt nhiên không ai dám rước tôi, một người đã chẳng có hộ khẩu mà chứng minh nhân dân cũng không có nốt, vỏn vẹn chỉ có mỗi cái giấy … ra trại!
Hằng ngày tôi chạy lang thang tính kế. Hồi đó Saigon người dân tự động lập ra rất nhiều ngành nghề thủ công như những tổ hợp thêu, sản xuất đồ nhôm, đồ gốm, mành trúc, chổi lau, quạt tre, xà bông, tim đèn, … Đang thất vọng vì thấy ngành nghề quái nào tôi cũng không có chút kinh nghiệm hay kiến thức về nó, một ngày tôi chạy xe lên Thủ Đức, qua khu Tam Hà bỗng tôi nghe tiếng “Rầm… rập! Rầm … rập!” của những máy dệt. Tôi khoái quá vì thấy đây rồi! Đáp số đây rồi.
Tôi lân la hỏi thăm dân trong xóm, nói là tìm mua máy dệt về làm. Cuối cùng tôi được chỉ đến tổ hợp dệt Toàn Thắng, người chủ - cụ Toàn dân trong xóm gọi “cố Toàn” - ân cần tiếp tôi và cho biết tổ hợp cụ có cả chục máy dệt nhưng chỉ dùng một nửa, sẵn sàng để lại cho tôi với giá rẻ (hai cây một máy), cụ còn nói sẽ dạy tôi học dệt mấy ngày. Tôi mừng rỡ về nhà lên Phòng công doanh nghiệp Quận Ba xin giấy giới thiệu rồi lên Sở Công nghiệp Thành phố xin giấy phép mở “Tổ hợp Thêu Dệt Đồng Ban”. Tôi dễ dàng xin được giấy phép nhờ “bôi trơn”.
Ngày cụ Toàn giúp chở máy đến ráp, tôi mở banh cửa sắt. Căn phòng trước đây là tiệm bán sách vở, dụng cụ học sinh và văn phòng nay hai cái máy dệt, lớn hơn hai con trâu điên đen thui chiếm gần hết. Mấy tên công an phường đứng chống nạnh tò mò nhìn qua.
Sau buổi trưa giữa lúc hàng xóm và đám công an có lẽ đang ngủ tôi cho nổ máy. Những tiếng “Rầm … rập!” vang động hết khu phố. Chính tôi cũng không ngờ tiếng máy lớn đến vậy. Trên Tam Hà có lẽ nhà thưa và thoáng nên tuy tiếng máy lớn đi ngoài đường đều nghe, nhưng ở giữa phố Phan Đình Phùng tiếng máy lớn gấp mấy lần. Vì nhà phố chen chúc sát vách nhau nên khi máy chạy cả khu phố náo động. Từ ngã tư Cao Thắng xuống đến tiệm chè Hiển Khánh cách đó 5, 7 căn nhiều người túa ra đường ngó dáo dác.
Người nhà cán bộ bên cạnh và đám công an phường cũng ra đường đứng dòm qua. Bên này tôi và thằng em (vừa tốt nghiệp cơ khí Phú Thọ) cởi trần người lem luốc, tay cầm mỏ lết gõ “Coong! Coong” vào sườn máy. Hai tên công an mặt hầm hầm đi qua hất hàm hỏi: “Ai cho phép anh mang máy dệt vào giữa phố chạy ồn ào mất trật tự như vầy?” Tôi làm bộ sợ sệt từ giọng nói đến điệu bộ: “Dạ! Dạ! Chẳng giấu gì đồng chí, em được Sở Công Nghiệp thành phố cho phép đấy ạ.” Rồi tôi móc tờ giấy bọc plastic có đóng dấu đỏ lòm cho hắn coi. Tên công an cầm tờ giấy liếc qua rồi đập nó xuống chiếc bàn bên cạnh, miệng chửi đổng: “Mẹ! Mấy thằng thành phố đéo có biết cái gì.” Tôi làm bộ xuýt xoa: “Ấy! Ấy! Cái giấy đó quý lắm xin đừng làm nó trầy.” Tên công an quay lại chỉ mặt tôi: “Chỉ được chạy máy trong giờ làm việc thôi.” Tôi lại xoa tay: “Dạ! Thì em cũng định vậy, trừ khi phải đạt chi tiêu thì em mới phải tranh thủ chạy đêm ạ.” Tên công an hét lớn: “Không được chạy ban đêm! Nghe chửa?” …
Tiếng gào giữa phố kéo dài được hơn tuần, một chiều sư cụ chùa Kỳ Viên chống gậy lọc cọc đến, cụ than phiền tiếng máy làm cản trở sinh hoạt của chùa và mong tôi ngưng chạy máy vào 2 lần công quả. Thực tình tôi chỉ muốn chọc tức và ngầm trả thù đám chiếm nhà cũng như tụi công an phường, chứ không hề muốn gây trở ngại cho sinh hoạt của ai. Tôi hứa sẽ không làm chia trí sư cụ và đệ tử chùa nữa. Sau một đêm trằn trọc, hôm sau tôi lên gặp cụ Toàn nói với cụ tôi muốn bán máy lại, thiệt hại bao nhiêu tôi cũng chịu. Cụ Toàn cười xòa, hôm sau cụ cho người đến gỡ máy chở về, không chịu lấy đồng nào bồi thường. Chẳng trách dân trong xóm gọi cụ là cụ cố.
(Xong đoạn 1)
Phạm Mạnh Tuấn – Mùa Noel 2023
--- --- ---
[1] Nợ của chính phủ Hoa Kỳ phần lớn từ công chúng và các quỹ ủy thác liên bang nhưng các chính phủ ngoại quốc cũng giữ khoảng $7.2 ngàn tỷ công khố phiếu Mỹ.
[2] Về cuộc chiến tại Ukraine, tuy ai cũng đồng ý rằng phải giúp nước này tự vệ chống lại con gấu Nga tham tàn hung hãn, nhưng đây là phần đất Âu châu. Trước nhất trách nhiệm và nghĩa vụ là của các nước này Mỹ chỉ nên giữ vai trò hỗ trợ thứ yếu. Các nước này quen thói ỷ lại, bắt Mỹ cáng đáng quá nhiều. Ngoại trừ những nước Đông Âu từng có kinh nghiệm Cộng sản (như Balan, Tiệp, Nam Tư, …) sẵn sàng đóng đủ 2% GDP cho quỹ phòng thủ chung NATO, những nước khác giầu hơn nhiều như Đức, Anh , Pháp, Ý, … vẫn không đóng đủ như thỏa thuận. Một thí dụ về sự thiếu trách nhiệm của châu Âu, hai tháng gần đây Nam Hàn đã gởi cho Ukraine 330,000 đạn đại bác 155mm – nhiều hơn tất cả các nước Âu châu cộng lại!
Cuộc chiến Israel – Hamas, Israel quá mạnh so với Hamas. Khó khăn của Do Thái bây giờ là giải cứu con tin và tiêu diệt Hamas, trong khi tổ chức khủng bố này luôn mang thường dân ra làm lá chắn. Con tim nhân loại sẽ nhói đau khi quá nhiều người dân vô tội bị chết oan!
Mỹ không cần giúp gì ngoại trừ trấn quân vòng ngoài, chỉ can thiệp khi Iran, Syria, Lebanon (Hezbollah), … nhập trận. Nếu Iran dại dột tham chiến, đó là cơ hội bằng vàng cho Mỹ một “license to kill”, mau chóng biến mọi tầu nổi của Iran thành tầu ngầm, mọi bệ phóng của nước này thành những ổ sắt vụn. Cái cần làm bây giờ có lẽ chỉ là Mỹ đứng ra trực tiếp viện trợ nhân đạo cho dân Palestine - chớ đừng qua trung gian nào hết, ngay cả LHQ - vì sẽ vào tay Hamas phần lớn.
[3] Tình trạng thiếu hụt ngân sách của California: Golden State no more? California budget deficit balloons to $68 billion
[4] Nhờ số vốn “gậy ông đập lưng ông” tôi công khai đóng tầu vượt biên, đăng ký hợp pháp vào tổ hợp đánh cá Nhà Bè, tự do ra vào hai cửa Cần Giờ và Soài Rạp. Ngày ra đi cũng vào ban ngày và giữa Saigon (cầu Rạch Ông).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét