“Bà ấy luôn cáu kỉnh”, Yu Inoue đã tự thú sau khi gây án với mẹ vào đêm 23/12/2021 tại đồn cảnh sát, sau trận cãi lộn. Yu Inoue, 57 tuổi, khai đã hành hung người mẹ 82 tuổi, cho đến khi bà nằm bất động trên sàn, tại nhà riêng ở phường Kita, Sapporo, miền bắc Nhật Bản. "Tôi đã mất bình tĩnh trước cách nói chuyện của mẹ", Yu khai nhận. Đây không phải vụ án hi hữu về tình trạng lạm dụng, ngược đãi người cao tuổi ở Nhật Bản. Cuộc khảo sát cuối tháng 12/2021 của Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản cho thấy 17.281 trường hợp người cao tuổi bị chính thành viên trong gia đình hành hung trong năm 2020, với 25 người chết. Đây được coi là mức cao kỷ lục. Ước tính đến năm 2100, khoảng 40% dân số Nhật Bản trên 65 tuổi. Ảnh: Bloomberg.
<!>
Theo các nhà quan sát, bạo lực với nhóm người dễ bị tổn thương ngày càng trở nên phổ biến do sự thất vọng và lo sợ dịch bệnh. Tình trạng dụng trẻ em, bạo hành gia đình cũng tăng đột biến.
Dân số Nhật Bản đạt đỉnh vào năm 2010 với 127,32 triệu người và bắt đầu giảm dần. Ước tính đến năm 2100, khoảng 40% dân số nước này trên 65 tuổi. Già hoá dân số cũng là tình trạng nhiều nước châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc phải đối mặt. Tình trạng ngược đãi người cao tuổi ngày càng tăng, không chỉ ở Nhật Bản.
Ngày 22/12/2021, Hiroshi Usui bị bắt do bị tình nghi sát hại người cha 79 tuổi tại nhà riêng ở Hitachinaka, tỉnh Ibaraki. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện gần nhà nhưng đã tử vong sau hai tiếng. Con trai ông từ chối trả lời các câu hỏi của cảnh sát.
Trước đó 10 ngày, cảnh sát tỉnh Hyogo cũng bắt giữ một người đàn ông 49 tuổi vì sát hại mẹ 88 tuổi tại nhà riêng. Nghi phạm khai với cảnh sát "không nhớ gì về cái chết của mẹ mình".
Ngày 11/12, cảnh sát phường Ota, Tokyo từng nhận điện thoại của người đàn ông khoảng 60 tuổi đe dọa "sẽ tự sát sau khi gây án". Không lâu sau, cảnh sát tình thấy người mẹ ngoài 90 tuổi bị thương nặng tại nhà riêng. Còn thi thể của người con trai được tìm thấy ở gần đường sắt.
"Chúng tôi nhận thấy xu hướng rất đáng lo ngại của tình trạng lạm dụng bạo lực với người già, trẻ em. Mọi người đã quá căng thẳng, kiệt sức và bị cô lập trong hai năm dịch bệnh", Vickie Skorji, Giám đốc dịch vụ tư vấn Tell ở Tokyo, nói.
Dịch bệnh khiến con người không thể làm những việc bình thường như gặp gỡ bạn bè, gia đình hoặc đơn giản là nói chuyện với đồng nghiệp tại văn phòng. Bởi vậy, sự khoan dung của nhiều người đã biến mất.
Để đối phó với thực trạng này, dịch vụ tư vấn Tell đang chuyển trọng tâm hỗ trợ xây dựng khả năng phục hồi và quản lý mức độ căng thẳng tăng cao ở những người cảm thấy bế tắc.
Makoto Watanabe, giáo sư truyền thông tại Đại học Hokkaido Bunkyo nhận định bạo lực gia tăng với người yếu thế và dễ bị tổn thương tại Nhật Bản, là dấu hiệu cho thấy những thay đổi tiêu cực trong những năm gần đây.
"Trước đây người già là cốt lõi của cộng đồng, đặc biệt là vùng nông thôn do những hiểu biết về mùa màng và khu vực sinh sống. Nhưng khi mọi người đều tự tìm kiếm được thông tin trên Google, giá trị của người già với cộng đồng bị giảm sút", Watanabe nói.
Bên cạnh đó, đại dịch càng làm mọi vấn đề trở nên tồi tệ. Nhiều người căng thẳng do mất việc làm, không đủ tiền chi trả các hoá đơn và nhiễm bệnh. Thậm chí nhu cầu giải toả lo âu với bạn bè cũng không được đáp ứng.
Theo giáo sư, sự thất vọng còn nằm ở sự sứt mẻ giá trị văn hóa, truyền thống về lòng hiếu thảo với cha mẹ hay tôn trọng người lớn tuổi đã ăn sâu vào các nền văn hoá Đông Á như Nhật Bản.
"Tôi sợ rằng khi xã hội Nhật Bản đạt được nhiều thành tựu từ công nghệ, con người sẽ dần mất đi sự đồng cảm của chính mình", ông Watanabe nói.
Minh Phương (Theo SCMP)
Cho người già chuyện trò với trẻ em để bớt cô đơn.
Trong trung tâm chăm sóc người cao tuổi, tám mái đầu bạc chụm quanh một chiếc bàn, mỗi người ôm chặt một đoạn ống nhựa.
"Các bác chuyền bóng từ ống nhựa của mình sang người bên cạnh nào. Ai không bắt và không chuyền bóng sẽ bị phạt đấy ạ", nữ nhân viên hướng dẫn nhóm, cười nói. Đây là một trong nhiều hoạt động các nhân viên trung tâm chăm sóc người cao tuổi tích hợp Huayang (ở Thượng Hải) tổ chức cho người cao tuổi trong khu phố. Căn phòng có vẻ giống đang tổ chức tiệc cho một đứa trẻ: có dụng cụ vẽ tranh cát, bộ trò chơi ném vòng, chồng thẻ luyện trí nhớ. Nhưng các trò vui này đều có mục tiêu nghiêm túc là tăng cường sức khỏe tinh thần và thể chất cho hội viên cao tuổi.
Shi Junjie, giám đốc cơ sở của Huayang ở quận Trường Ninh, Thượng Hải cho biết: "Người cao tuổi cô đơn khi phải ở nhà một mình. Tương tác với nhân viên và những người cao tuổi khác khiến họ rất vui". Huayang là một trong nhiều tổ chức của Trung Quốc đang góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng cô đơn, tạo niềm vui cho người già.
Cô đơn là vấn đề lớn của người già trên khắp thế giới và đặc biệt nghiêm trọng ở Trung Quốc. Nhiều thập kỷ di cư trong nước với quy mô lớn (di chuyển khắp nơi để chăm sóc con cháu) khiến hàng triệu người về hưu trở thành "người già trôi dạt". Nhiều người phải vật lộn để thích nghi với cuộc sống mới ở thành phố, nơi họ thường không quen biết ai ngoài con.
Theo các nghiên cứu, nỗi cô đơn ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, là tác nhân của lo lắng và trầm cảm, góp phần suy giảm nhận thức và gây tử vong sớm. Nhận thức được mối nguy, ngành công nghiệp chăm sóc Trung Quốc đẩy mạnh hơn cung cấp đồ chơi và trò chơi cho người già.
Họ kỳ vọng chơi nhiều giúp người về hưu vui vẻ và dễ kết bạn hơn. Con cái cũng bắt đầu ý thức được điều này, nên mua đồ chơi cho cha mẹ. Tuy nhiên, điều người cao tuổi cần không phải là "ném cho họ túi đồ chơi", mà cần sự đồng hành.
Wang Fuqing, một thành viên hội Lão khoa Trung Quốc, cho biết tổ chức này đang khuyến khích các cơ sở chăm sóc người cao tuổi trên toàn quốc thử nghiệm buổi chơi đùa. Ông ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng này sau cuộc thử nghiệm tại viện dưỡng lão ở Bắc Kinh.
Nơi đây tổ chức hai buổi vui chơi cho người già mỗi tuần, mỗi buổi khoảng hai giờ. Tỷ lệ người tham dự là 98%. Sau ba tháng tham gia, nhân viên viện dưỡng lão thấy các thành viên cao tuổi cải thiện rõ rệt khả năng nhận thức và cảm xúc. "Một số người nói vì được chơi trò chơi mà họ sẵn lòng ra hỏi phòng và làm quen với người khác. Trí nhớ của họ cũng được cải thiện đáng kể", Wang Fuqing nói.
Tại Huayang, hoạt động yêu thích của các cao niên là vẽ tranh cát và tô màu. Ngoài ra, các nhân viên bày thêm hoạt động thể chất khác như tung vòng để các cụ tập luyện. "Người lớn tuổi không thể dục sẽ nhanh già. Đồ chơi và các trò chơi có thể trì hoãn quá trình lão hóa", Shi Junjie nói.
Trong trò chơi bắt bóng giúp kết bạn, ông Zhong Zhixiang, 98 tuổi, làm rơi quả bóng khỏi ống nhựa nên bị phạt hát một bài. Ông đứng khỏi ghế, hát một giai điệu bằng tiếng Anh.
Ông cụ là công nhân về hưu cho biết, rất thích vui chơi ở Huayang và mê nhất trò tung vòng. Tiếc nuối của ông là trung tâm không có trò búng bi, đó là trò ông cụ yêu thích ngày bé.
Bên cạnh những người mở lòng với các "trò trẻ con" dành cho người già, nhiều người khác cho rằng người cao tuổi chỉ nên gắn bó với hoạt động nghiêm túc như nấu ăn, chăm trẻ và viết thư pháp.
Những định kiến này khiến thị trường đồ chơi cho người già dù có tiềm năng lớn vẫn chỉ ở giai đoạn sơ khai. Hiện tại, thị trường nội địa chưa có công ty hay tổ chức nào của Trung Quốc chuyên sản xuất đồ chơi cho người cao tuổi. Trong khi hiện tại, đây là quốc gia có hơn 260 triệu người từ 60 tuổi trở lên, dự kiến năm 2040 sẽ vượt 400 triệu.
Vì hiếm đồ chơi chuyên dụng cho người già, một số cơ sở đành phải tự sản xuất thủ công.
Nhật Minh (Theo Sixthtone).
Cô Đơn- Nốt Nhạc Trầm Của Người Cao Tuổi?
“Hãy để tuổi của bạn ngày một già đi, nhưng đừng để điều này xảy ra với trái tim của bạn.”
Đây là một cách sống mà chúng ta cần phải có, bởi sống lạc quan yêu đời thì cho dù ở độ tuổi nào chúng ta cũng vẫn cảm thấy vui vẻ và cuộc sống này đáng quý biết bao. Đừng để chúng ta phải sống trong nỗi cô đơn u sầu khi đã vào tuổi xế chiều, đừng để điều đó có thể quật ngã được chúng ta.
Nhưng với thực trạng hiện nay, một thực trạng mà ta có thể được xem như là “người trẻ bôn ba, người già cô đơn”. Thì điều đáng sợ nhất khi chúng ta bước vào độ tuổi "bước qua con dốc cuộc đời" đó là Cô Đơn. Tôi xin được nói phóng đại một chút khi gọi đây là một đại dịch. Đúng vậy, đó là "Đại dịch cô đơn" ở người cao tuổi: họ sống hiện đại, nhưng họ chết trong cô đơn. Và Cô đơn đang là căn bệnh nguy hiểm đối với loài người. Bằng cách này hay cách khác nó đang hủy hoại sức khỏe con người. Với người cao tuổi thì sự cô đơn như những đòn tra tấn cực hình đang tác động trực tiếp đến sức khỏe của họ mỗi giờ, mỗi ngày.
Theo một nghiên cứu xã hội thì nước Mỹ đang trong cơn “đại dịch” cô đơn với hơn 60 triệu người có câu trả lời giống nhau: “tôi cảm thấy dường như là mình vô hình trong cuộc sống này”. Một báo cáo nữa cho biết về số lượng người lớn tuổi sống trong cô đơn đã tăng gấp đôi kể từ năm 1980 đến năm 2018, từ 20% lên đến 40%.
Và một nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra rằng, 9 triệu người trưởng thành bị tổn thương về cả “thể xác" và “tinh thần” bởi chính sự cô độc của bản thân gây ra. Nghiên cứu này cũng nói thêm rằng, cô đơn thực sự là một “đại dịch” của xã hội, khi mà hiện nay nó không chỉ ảnh hưởng đến người cao tuổi mà nó còn có tác động rất lớn đối với người trưởng thành ở mọi lứa tuổi.
Không những thế, vào năm 2010, các nhà nghiên cứu tại Đại học Brigham Young ở Provo, bang Utah (Mỹ) cũng đã chỉ ra rằng nguy cơ tử vong do cô đơn có tác hại tương đương việc hút 15 điếu thuốc lá mỗi ngày, điều này cho thấy tính sát thương của sự cô đơn được đặt lên tầm mức báo động đỏ.
Chăm sóc sức khoẻ tuổi già là một điều hết sức quan trọng và thiết yếu, nhưng chăm sóc sức khỏe thì không chỉ cần quan tâm đến thể chất mà còn phải chăm lo cả về tinh thần nữa. Người già hay suy nghĩ và có những nỗi lo sợ vô hình, những cảm giác không phải là bệnh nhưng lại ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe. Đặc biệt ở những người cao tuổi đang bị bệnh thì những cảm giác này cũng sẽ gây cản trở cho quá trình hồi phục sức khỏe của họ rất nhiều.
Khi về già, người cao tuổi thường ít tiếp xúc, ít được giao lưu do bị hạn chế về đi lại nên cảm giác cô đơn buồn phiền từ đó sinh ra sự trách móc con cháu không đủ lo lắng, không đủ quan tâm, và hay có những suy nghĩ tiêu cực như: lỡ mình có đau bệnh, hay có bị làm sao thì chắc gì “chúng nó đã biết”, hay là: mình bị bệnh thì làm gì có tiền mà chữa trị, đôi khi lại tự mình làm hoảng hốt mình, khi có những triệu chứng xảy ra với cơ thể và tự làm quan trọng hóa vấn đề lên …. Những suy nghĩ tiêu cực kéo dài sẽ làm gây ra tình trạng mệt mỏi, chán ăn, và càng làm cho tình trạng sức khỏe bị suy giảm nhanh chóng.
Và đó là khoảng cách giữa hai thế hệ. Cô đơn và khoảng cách thế hệ dường như là hai nỗi lo thường trực nhất của người già. Trên thực tế có rất nhiều gia đình tuy sống chung nhà nhưng luôn tồn tại một khoảng trống vô hình giữa các thành viên. Thế hệ trẻ mỗi sáng sớm là hối hả ra khỏi nhà với guồng quay của cuộc sống và tối đến lại mải miết với những thiết bị điện tử hoặc tách mình trong một thế giới riêng. Cũng có khi do ngại va chạm bởi lối suy nghĩ khác biệt giữa các thế hệ mà cha mẹ già và con cái ít tìm được tiếng nói chung. Và người già, đặc biệt là những người sinh sống tại nhà phố thường chỉ thu mình trong bốn bức tường vắng lặng, có chăng thì vài ba tiếng thăm hỏi hàng xóm mỗi buổi chiều hay thú vui “sang” nhất cũng chỉ là là ván cờ nơi cuối ngõ. Và ngày qua ngày, dường như người già sẽ cảm thấy một sự lạc lõng, cô đơn tại chính ngôi nhà, không gian sống của mình.
Đó là nói đến những bậc cao tuổi thông thường, với những người cao tuổi sống ở Mỹ thì cuộc sống cô lẻ còn tệ hai hơn, họ từ nơi ở với tình nghĩa láng giềng sớm tối có nhau, giao tiếp với ngôn ngữ mẹ đẻ, bước ra khỏi cửa là có thể chào hỏi nhau. Nhưng khi qua Mỹ sinh sống, thì họ bị sốc với cách sinh hoạt mới mẻ này. Con cái thì đi làm tối ngày, mỗi ngày đối diện với 4 bức tường lạnh lẽo, ra ngoài thì không biết tiếng, không thể giao tiếp, khi tối con cháu về thì ăn qua quýt cho xong bữa rồi nghĩ ngơi, hay làm bài tập để ngày mai bước vào một ngày học mới, một chuỗi mưu sin mới. Đó là cái may mắn của những bậc cao niên khi vẫn còn có thể sống chung với con cháu, còn những người mà con cháu sống riêng, chỉ về thăm nhà vào những ngày cuối tuần, hay vài lần trong một tháng, đôi khi vài lần trong một năm, thì niềm cô đơn của họ càng mạnh mẽ đến nhường nào.
Hơn thế nữa, khi bắt đầu bước vào tuổi cao niên, con cái đã thành gia lập thất rời xa khỏi mái ấm thì cha mẹ lại bắt đầu luôn trông ngóng từng ngày lễ để được thấy các con cháu trở về. Đôi khi họ chỉ bị chút vấn đề về sức khỏe như đau nhức mình mẩy những khi trái gió trở trời, thì họ luôn phóng đại lên, làm tình hình bệnh trở nên trầm trọng, với mong muốn là gây được sự chú ý và quan tâm với con cháu. Khi lớn tuổi thì người già lại bắt đầu trở thành trẻ con, dễ hờn, dễ giận, muốn được con cái quay quần bênh mình như thuở nào. Nhưng chính điều đó lại ngày càng đào sâu khoảng cách giữa hai thế hệ hơn. Bởi cuộc sống mà, khi con cái trưởng thành thì nó đã có mối lo riêng, bận tâm riêng của nó. Cơm áo gạo tiền, chăm sóc con cái… đã lấy hết quỹ thời gian của các con nên khi thấy cha mẹ hờn trách, hay làm “nũng” như thế, thì đôi khi khiến các con lại bực mình và từ đó sẽ làm cho khoảng cách ngày càng xa hơn. Cho nên tôi hy vọng rằng, nếu quý vị là người lớn tuổi, xin hãy cảm thông cho các con, bởi không phải là chúng không thương mình, mà là vì cuộc sống và kế sinh nhai nên họ không có thời gian.
Trở lại với vấn đề khoảng cách giữa hai thế hệ, thì đừng nói đến khoảng cách giữa người cao tuổi và con cái, mà chính bản thân của tôi đây, có hai cô con gái đang ở vào tuổi vị thành niên thì cách sống và suy nghĩ của ba mẹ con cũng có nhiều điểm khác nhau và đôi khi không tránh khỏi sự tranh luận của cả ba mẹ con. Và tôi cũng phải bỏ ra rất nhiều thời gian để tìm hiểu và sống theo cách sống con mình để mẹ con có thể hòa hợp hơn. Đó là tôi vẫn còn đang ở độ tuổi trên 30 mà cách sống đã riêng biệt như thế, huống hồ chi trong một gia đình có thể được gọi là tam đại đồng đường, có nghĩa là ba thế hệ sống chung với nhau, thì những cách biệt nó còn lớn đến mức nào, và người cao tuổi sẽ cảm thấy lạc lỏng và cô đơn đến nhường nào.
Nhưng nói như thế không có nghĩa là người lớn tuổi có quyền trách cứ con cháu với những suy nghĩ là con cháu chưa chu toàn với mình. Mà hãy đặt bản thân mình vào vị trí của chúng. Chúng cũng có cuộc sống riêng, cũng phải lo mưu sinh bương chải với cuộc sống mỗi ngày. Nào cơm áo gạo tiền, nào con cái học hành, nào công việc…chúng đang quay cuồng trong guồng máy gọi là “kế sinh nhai”, nên người cha mẹ, người lớn tuổi phải cảm thông cho chúng. Hãy đừng đòi hỏi nhiều quá vào chúng mà hãy tự tạo cho mình một thú vui riêng, tản bộ, tập thể dục, tham gia vào một số sinh hoạt cộng đồng, chăm sóc vườn cây cảnh hay trồng rau, nuôi một con vật cưng như chó mèo chẳng hạng. Hay có thể tìm kiếm niềm vui trong việc đọc sách báo, nghe nhạc…v.v nhiều rất nhiều điều mà người cao tuổi chúng ta có thể làm được. Đừng để mình là áp lực cho con cháu khiến ghánh nặng cuộc sống của chúng nặng nề hơn.
Các nhà khoa học xác nhận rằng trong não bộ con người có một khu vực được gọi là “vùng cô đơn” – chịu trách nhiệm cho trạng thái trầm cảm. Khi cô đơn, thì hormone stress cortisol sẽ tăng cao. Quá trình này sẽ đẩy nhanh huyết áp, nhưng đồng thời làm giảm lưu lượng máu tới các bộ phận quan trọng của cơ thể, và làm suy nhược hệ miễn dịch của chúng ta. Hơn thế nữa, sự Cô đơn không chỉ là vấn đề về tinh thần, mà còn là tiền đề cho những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, nó nguy hiểm không khác gì những căn bệnh mãn tính khác.
Khi tuổi già ập đến, bạn bè và nhiều người thân lần lượt ra đi, những người già dễ lâm vào cảnh muốn thu mình lại, ít tiếp xúc với thế giới xung quanh. Việc thính lực và sự vận động trở nên khó khăn hơn càng khiến họ khó giao tiếp với xã hội hơn. Những người già cũng có xu hướng không muốn kết bạn mới. Chính điều này khiến cho tỉ lệ người cao tuổi cô đơn có xu hướng cao hơn những lứa tuổi khác.
Theo tổ chức phi lợi nhuận Người cao tuổi ở Anh, thì nước này đang có khoảng 1,2 triệu người cao tuổi phải sống trong cảnh cô đơn “kinh niên”. Tình trạng này ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cả về thể chất và tinh thần của những người cao tuổi này rất nhiều.
Bà Caroline Abrahams – Giám đốc tổ chức Người cao tuổi Anh – cho biết. “Sự cô đơn có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự hạnh phúc của người già. Điều này có thể nhìn thấy rõ về mặt tinh thần khi tình trạng trầm cảm ở người già thường trở nên nghiêm trọng hơn vì cô đơn”.
Và không chỉ dẫn tới những nguy cơ về sức khỏe tinh thần, tình trạng cô đơn còn liên quan chặt chẽ đến bệnh tật, thậm chí là tử vong ở người cao tuổi. Các nghiên cứu gần đây đã cho thấy những người già sống tách biệt với xã hội thường có sức khỏe kém hơn và tử vong sớm hơn so với những người duy trì được sự gắn kết chặt chẽ với xã hội. Theo các nhà nghiên cứu của trường Đại học Lancaster, thì sự cô đơn có thể làm tăng nguy cơ tử vong thêm 26%.
Cũng theo nghiên cứu của trường Đại học Lancaster, có một điều trớ trêu là khi liên lạc trở nên dễ dàng hơn thì sự cô lập và cô đơn cũng gia tăng nhanh chóng hơn, đặc biệt là ở người cao tuổi. Bởi vì sao? Thì xin thưa, khi mà cuộc sống ngày càng hiện đại, các thiết bị liên lạc với nhau ngày càng nhiều và tân tiến hơn, thì sẽ tạo cho những người trẻ có thói suy nghĩ là “không cần thiết phải chạy về thăm để mất thời gian, cứ nhấc máy lên làm một cú điện thoại là có thể thấy được mặt nhau. Đâu cần phải rườm rà”. Nhưng đó không phải là những điều mà người cao tuổi họ cần, điều họ cần là có thể gặp được để nấu cho con cháu một món ăn ngon mà lúc nhỏ chúng thường xuýt xoa khen ngợi mỗi khi được mẹ nấu cho, hay có thể chỉ là một buổi đi dạo ngoài vườn, và đơn giản hơn nữa là có thể gặp được con cháu mình bằng xương bằng thịt, được ôm chúng trong vòng tay để thỏa niềm nhớ mong, chứ không phải là qua hình ảnh video chat, facetime hay điện thoại đường dài vài câu hỏi thăm rồi cúp máy.
Thưa quý vị, khi nói đến tuổi già và sự cô đơn, thì tôi chực nhớ đến một câu chuyện mà tôi được đọc qua, đó là hồi ký của một cụ già đã chết hơn 6 tháng mà không ai hay biết.
Hồi ký của cụ bà 89 tuổi chết lạnh lẽo trên sàn bếp này và chỉ được phát hiện sau sáu tháng trong tình trạng thối rữa đã bộc lộ cái nhìn sâu sắc về nỗi cô đơn mà người già phải gánh chịu. Cụ già kém may mắn này sống tại Sydney, Úc, đã viết hàng ngàn trang nhật ký bày tỏ nỗi cô đơn khi sống một mình trong bốn bức tường tại nhà của mình.
Trong nhật ký, bà viết: “Trở về nhà từ cửa hàng trong tình trạng nặng nề, cả thân thể chỉ dựa trên cây gậy của mình, tôi tự hỏi liệu tuổi già là phước lành hay một lời nguyền? Cuối cùng, cái chết sẽ là một phước lành cho chúng tôi, nhưng hình như không ai nhìn nhận điều này cả”.
Bà từng theo học ngành y, lấy chồng người Ai Cập, làm công việc dịch thuật tại Morocco trước khi cùng chồng di cư đến Úc vào năm 1957. Hai người không có con. Vào năm 2001, người chồng qua đời, chấm dứt những ngày hạnh phúc và mở ra giai đoạn cô đơn cùng cực trong cuộc đời bà. Cụ bà chia sẻ “Bắt gặp một nụ cười và lời chúc một ngày tốt lành, hay một bàn tay giúp đỡ là điều hiếm hoi và nó đặc biệt như được nhìn thấy một con cá voi trắng”.
Hay một câu chuyện của cụ ông tên Roy sống ở nước Anh. Vào năm 2015, bà Phyllis, vợ của ông, qua đời. Trong vài tuần đầu tiên sau khi vợ mất, cụ ông 85 tuổi này vẫn được an ủi phần nào khi người thân, bạn bè thi thoảng lại ghé thăm, động viên. Ấy thế nhưng, ít tuần sau, khi những cuộc điện thoại hay những chuyến ghé thăm ít dần đi, ông càng thấm hơn nỗi cô đơn.
Ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhiều người bạn của ông cũng đã qua đời. Hai ông bà không có con, còn người thân lại sống ở xa nên không có điều kiện tới chơi thường xuyên. Càng ngày, ông cụ càng sống khép kín hơn. “Càng lâu không nói chuyện với người khác thì việc bắt đầu câu chuyện lại càng trở nên khó hơn”, cụ ông kể về lý do ít chuyện trò với hàng xóm. Dần dần, nỗi trống vắng trong ông Roy lớn đến mức khiến ông cảm thấy rằng cô đơn mới là thử thách lớn nhất mà ông phải đối mặt trong suốt cuộc đời mình.
Mãi sau, ông Roy tình cờ đọc được trên một tạp chí địa phương nói về một tổ chức từ thiện dành cho người già với các dịch vụ như cử người chuyện trò qua điện thoại hoặc trực tiếp tới thăm. Cụ ông quyết định nhấc máy gọi tới nơi cung cấp dịch vụ và được giới thiệu cho một người tình nguyện.
“Cuộc điện thoại đó đã mở ra một cánh cửa mới cho tôi. Cảm giác có người lắng nghe và chuyện trò, thông cảm cho mình thật sự rất hữu ích”, cụ ông kể về lần đầu nói chuyện với người tình nguyện chia sẻ qua điện thoại với ông.
Kể từ sau lần đó, đều đặn mỗi tuần, ông Roy lại gọi điện để chuyện trò với hỗ trợ. Mối quan hệ giữa họ tốt đến mức ông ngỡ cô gái đó là “cô con gái mà tôi chưa từng có”. Ngoài ra, tổ chức từ thiện cũng cử một người tình nguyện khác lui tới thăm nom ông. Ông Roy nói rằng, những sự giúp đỡ đó thực sự vô cùng hữu ích đối với ông, “giống như đang ở sa mạc thì gặp được ốc đảo”. Có được người chuyện trò, chia sẻ dần giúp ông vượt qua được cảm giác cô đơn, trống trải và lấy lại được sự yêu đời.
Một thời gian sau, ông gia nhập dàn hợp xướng của địa phương. Cùng với đó, ông cũng được chỉ dẫn cách dùng máy tính bảng và dần lần ra được cách truy cập kho dữ liệu khổng lồ này. Càng mở rộng giao tiếp, ông càng lấy lại được sự tự tin và cảm thấy dễ chịu hơn trước thực tại. Cuộc sống tuổi già đơn chiếc của ông kể từ đó cũng đã trở nên dễ thở hơn rất nhiều. Qua điều này có thể thấy tuổi già chúng ta không hề đáng sợ có phải không nào? Cô đơn hay không là do chúng ta tạo ra. Chú tôi cũng thế, ở vào độ tuổi của ông, độ tuổi thất thập cổ lai hy, ông vẫn đi làm, vẫn viết bài gởi báo hàng tuần, vẫn đi hát karaoke với bạn bè, vẫn lái xe sport đi vi vu chở bà xã dạo chơi. Vẫn lên mạng xã hội và internet để biết thêm những tin tức mới nhất…Có rất nhiều điều mà chú tôi đang làm để hưởng thụ cuộc sống tuổi già của mình. Cho nên, nhớ đừng để cô đơn hạ gục chúng ta, hãy cố gắng năng động lên, ăn những thực phẩm lành mạnh, bổ sung cho cơ thể một số vitamins hay thực phẩm chức năng mà cơ thể cần. Chúng ta không hề né tránh tuổi già, mà chúng ta hãy vui vẻ đón nhận nó và sống sao cho những năm tháng của tuổi già chúng ta hạnh phúc và có ý nghĩa hơn.
Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, đó là sinh hoạt của những người vẫn còn khỏe mạnh, và không bệnh tật, nhưng còn với những các cụ cao niên già yếu, không thể ra khỏi nhà vì bệnh thì phải làm sao? Đương nhiên là họ rất cần những sự quan tâm, chia sẻ và động viên từ gia đình, người thân và cộng đồng. Bởi ông bà hay cha mẹ mình mà sống được trên độ tuổi 70 thì đó là một điều may mắn nhất đời, là một phước báu trời ban không phải dễ mà có được. Nên chúng ta phải trân trọng và nâng niu điều đó. Hãy chăm sóc để tuổi già của họ được viên mãn hơn và đó cũng là một trong các đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục.
Và các cách chăm sóc sức khoẻ tuổi già để họ có được tâm lý thoải mái hơn, thì chúng ta nên làm những điều sau:
Đó là tìm cách nâng cao sức khỏe thể chất lẫn tinh thần cho các cụ bằng cách tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia các hoạt động, sự kiện văn hóa và thể dục thể thao ở địa phương. Để các cụ tham gia giao lưu, tiếp xúc với nhiều người để giảm bớt cảm giác cô đơn.
Sự thường xuyên thăm hỏi, chăm sóc của các con cháu là liều thuốc tuyệt nhất dành cho người già. Dành thời gian nói chuyện, đưa đi lễ, về quê, đi chơi…sẽ giúp các cụ cảm thấy vui vẻ, yêu đời hơn
Khi chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi thì điều dễ thấy là họ hay thường xuyên kể những chuyện ngày xưa, kể chuyện gia đình. Do đó, người chăm sóc phải chịu khó lắng nghe, tham gia câu chuyện chứ không được chê bai, bình phẩm hay tranh luận với người già. Chấp nhận “thua” trong các bình luận nếu nó không quá nghiêm trọng.
Không nhắc nhiều hay bày tỏ sự bi quan về tình trạng bệnh của người già trước mặt họ. Không nhắc đến các vấn đề về hậu sự hay tài sản trong quá trình chăm sóc người bệnh.
Thường xuyên thể hiện sự quan tâm, chăm sóc đến người già bằng các hành động như xoa bóp, massage những chỗ đau, cung cấp chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Nói ít, nghe nhiều khi tiếp xúc với người già. Thể hiện sự quan tâm đến điều họ nói, nhẫn nại khi trả lời hay giải thích các vấn đề mà họ quan tâm.
Thường xuyên tiến hành các kỳ kiểm tra sức khỏe để nhanh chóng phát hiện bệnh tật và cách chữa trị sớm nhất nếu đã mắc bệnh
Nhìn chung, khi chăm sóc sức khoẻ tuổi già thì người chăm sóc hãy cố gắng thỏa mãn tất cả nhu cầu tâm sinh lý của họ một cách tốt nhất và chấp nhận những sự “khó tính” do tuổi già đem lại như một lẽ tự nhiên.
Và nói thêm đôi chút về sinh học, năng lượng là điều thiết yếu cho cơ thể chúng ta, không có năng lượng thì chúng ta không thể thực hiện được những gì mà chúng ta mong muốn. Phải có năng lượng chúng ta mới thực hiện được chế độ sinh hoạt bình thường, mới cảm thấy yêu đời, mới ra ngoài giao tiếp với mọi người xung quanh, từ đó chúng ta mới đánh bại được sự cô đơn của tuổi già, mới kéo dài được cuộc sống tươi đẹp này, mới có thể không làm ghánh nặng cho con cháu cũng như cho người thân của mình,
Cho nên tôi xin được một lần nữa phóng đại hóa vấn đề lên một chút, đó là tôi xin được gọi Năng lượng là sức khỏe, là một khởi đầu cho những thành công sau này của tất cả chúng ta, già cũng như trẻ. Bởi không có sức khỏe thì chúng ta không thể làm gì được cả, Sức khỏe còn quý hơn vàng. Vàng bạc tiền tài mất rồi còn có thể làm ra được, sức khỏe mất rồi thì vĩnh viễn không quay lại bao giờ.
Cho nên hãy làm một người trẻ năng nổ, nhiệt huyết đầy thiện lương, hãy làm một người già “mạnh khỏe toàn diện”, mạnh khỏe toàn diện tức là khỏe về thể chất, tâm lý lẫn đạo đức. Mạnh khỏe về tâm lý tức là sức chịu đựng cao, sức kiềm chế tốt và có năng lực giao tiếp thân thiện. Mạnh khỏe về đạo đức tức là luôn có lòng yêu thương, vui vẻ giúp đỡ người khác, tính tình điềm đạm, lòng dạ rộng rãi, thiện tâm tất sẽ thọ lâu.
Hãy thanh thản đối diện sự thật: Sinh lão bệnh tử, quy luật muôn đời, ai người tránh được. Khi tuổi già sẽ không buông tha ta, thì tại sao ta lại không bình thản đối diện với nó, mỉm cười một cách ngạo nghễ trước sự đe dọa của nó mà sống sao cho chẳng uổng phí làm người. Hãy là người sống cương trực, không hổ thẹn lương tâm, để có thể bình an thanh thản, để sau cùng khi đi đến đọan cuối cùng thì dấu chấm hết sẽ là một chấm thật tròn vẹn vô khuyết.
Và xin hãy “Hãy đếm tuổi của bạn bằng số bạn bè chứ không phải số năm. Hãy đếm cuộc đời bạn bằng nụ cười chứ không phải bằng nước mắt.” …Xin đừng để Cô đơn là nốt nhạc trầm của người cao tuổi!
Jenny Phan-Vo
Holistic Nutritionist
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét