Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 1 tháng 11, 2023

Người Việt Trên Đất Mỹ - Bao Mai


Hiệp Chủng Quốc Mỹ là đất hứa đối với nhiều triệu con người trên khắp thế giới khi họ bắt buộc phải rời bỏ quê hương chôn nhau cắt rốn của họ. Họ ra đi để tránh sự đàn áp khủng bố chính trị, giới hạn tôn giáo, tước bỏ quyền tự do căn bản của con người, áp đặt bởi các chế độ độc tài, độc đảng toàn trị. Từ năm 1975, nước Mỹ đã mở rộng cửa đón tiếp cả triệu người tỵ nạn chính trị từ miền Nam Việt Nam. Đây là số lượng cao nhất của những người tị nạn thuộc cùng một sắc dân được tiếp nhận vào Hoa Kỳ, một quốc gia mà dân chúng đa số được du nhập từ khắp nơi trên trái đất.
<!>
Trong số trên một triệu người Việt tại Mỹ, người cao tuổi chiếm một tỷ lệ khá cao. Họ đã cố hòa nhập với xã hội mới và cũng có nhiều vấn đề như những người già khác ở đây. Nhưng người cao tuổi mình đến Hoa kỳ từ một nền văn hóa, một nếp sống khác biệt, trong những hoàn cảnh bất lợi nên việc thích nghi có phần khó khăn hơn.

I- Các hoàn cảnh đưa đến việc Người Việt Nam di tản tới Hoa Kỳ


Kể từ ngày 30 tháng Tư năm 1975, con số người Việt từ miền Nam Việt Nam tới định cư tại Hoa Kỳ tăng rất mau (tới 150%) nhất là trong các thập niên 1980 và 1990.
Theo kết quả cuộc thống kê dân số thực hiện năm 2007, số người Việt Nam hiện có trên đất Mỹ là 1,642,950 người, đứng hàng thứ ba sau người Trung Hoa, Phi Luật Tân. Đây là một con số nhẩy vọt khá nhanh. Quá phân nửa số trên một triệu người Việt tập trung ở các tiểu bang California, Texas. Trước năm 1975, chỉ có dăm ngàn người Việt sống trên đất Mỹ, mà hầu hết là vợ con các quân dân chính người Mỹ đã từng phục vụ ở miền Nam Việt Nam, hoặc du học sinh, nhân viên ngoại giao đoàn Việt Nam Cộng Hòa.

Người Việt tới Mỹ theo nhiều đợt khác nhau

Khi miền Nam Việt Nam sắp thất thủ thì một số người có liên hệ với chính quyền Hoa Kỳ được ưu tiên di tản, cộng thêm quân cán chánh Việt Nam Cộng Hòa có quen biết với tòa Đại sứ hoặc Bộ Tư Lệnh quân đội Mỹ tại Sài Gòn. Họ ra đi bằng máy bay. Sau đó một số khác chạy thoát bằng đường biển và được hạm đội đồng minh đón vớt ngoài hải phận Việt Nam. Với lo ngại sẽ có một cuộc tắm máu, trả thù bởi quân đội chiến thắng Cộng Sản, dân chúng đều tìm đủ mọi phương tiện ra đi. Đó là thời gian từ năm 1975 tới 1978.


Từ 1978 đến 1982, tại Việt Nam có phong trào chống kiều dân người Trung Hoa nên một đợt di tản khác lại xẩy ra gồm cả người Việt lẫn người Hoa. Họ ra đi bằng những chiếc thuyền lớn nhỏ đủ loại và được mệnh danh là “Boat People”. Người ta tìm cách vượt biên, vượt biển ra đi, tới các quốc gia lân cận Việt Nam như Phi Luật Tân, Mã Lai, Hồng Kông, Thái Lan, Tân Gia Ba.

Họ đi tìm sự sống trong cái chết, chỉ mong tới được bất cứ mảnh đất nào có tự do, dân chủ. Nhiều người, có khi cả gia đình, thiệt mạng trên biển cả vì bão tố, làm mồi cho cá mập, hoặc bị hải tặc cướp hiếp ngoài khơi.


Tới đất liền, những người sống sót được đưa vào trong các trại tị nạn, sống trong lo âu, thiếu thốn chờ đợi ngày được nhận vào các quốc gia đệ tam.

Cảnh vượt biển với nhiều chết chóc thảm thương đã khiến quốc tế lưu tâm tìm cách giải quyết. Cho nên sau nhiều điều đình, thảo luận, những chương trình nhân đạo ra đi có trật tự được thực hiện. Người Việt tới Mỹ bằng diện đoàn tụ gia đình, diện con lai mang dòng máu người Mỹ và diện tù nhân chính trị.

Diện cuối này còn được gọi là diện HO. Năm 1988, đích thân Tổng Thống Ronald Reagan đã ký ban hành Đạo luật giúp đỡ những cựu tù nhân cải tạo từ ba năm trở lên tới định cư tại Mỹ.


Họ gồm quân dân chính các cấp của chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã bị chính quyền Cộng sản tập trung, đưa đi cải tạo. Người dăm ba tháng, người vài ba năm, hầu hết mươi mười lăm năm, họ bị cô lập trong các trại tập trung rải rác khắp nước Việt Nam. Các phương thức kiềm chế, hành xác khắc nghiệt được mang ra áp dụng đối với tù nhân. Họ phải lao động chân tay ban ngày để tự sinh tự tồn, học tập về lý thuyết Mác, Lê ban đêm để “gột bỏ tàn tích đế quốc”. Nhiều người bỏ xác trong tù. Đa số có sức khỏe kém cả về thể xác lẫn tâm hồn khi được thả về với gia đình.

Về tới nhà, họ tiếp tục bị chính quyền quản thúc, theo dõi từng hành động. Họ không thể kiếm được việc làm vì là ngụy quân ngụy quyền, thẻ căn cước được đóng con dấu oan nghiệt phân loại đỏ chói. Con cái của họ không được học cao vì thuộc thành phần cha mẹ có “lý lịch xấu”.

Họ chịu nhiều cay đắng vì đã bị người bạn đồng minh bỏ rơi một thành trì bảo vệ tự do trước đây, rồi lại bị đối xử tàn tệ bởi chế độc độc tài, độc đảng. Họ cũng buồn lòng với những đồng ngũ, những cấp lãnh đạo đã bỏ chạy trước khi cuộc chiến chấm dứt. Một số khi trở về nhà, thì người bạn tao khang đã ôm thuyền bến khác hoặc đã rời khỏi quê hương, tìm đời sống mới.


Nghe nói hậu quả của thảm cảnh hành hạ tù đầy này đã được một số lãnh đạo đảng cộng sản cho là quá đáng, không nhân đạo.

II- Những khó khăn khi hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ

1- Khó khăn về ngôn ngữ, việc làm
Ngôn ngữ xứ người là bước cản trở lớn nhất cho người tị nạn, từ kiếm việc tới mọi giao dịch. Đã có nhiều giai thoại tức cười cũng như đáng buồn xẩy ra vì sự không diễn tả được ý nghĩ bằng ngôn ngữ địa phương mới tới.


Vốn được đào tạo trong nền văn hóa Pháp rồi chuyển sang chương trình tiếng Việt, nên nhiều người chỉ có một vốn liếng rất giới hạn về Anh Ngữ. Họ gặp nhiều khó khăn trong việc đối thoại với người bảo trợ, với hàng xóm mới, khi đi tìm xin việc cũng như giao tế hàng ngày. Chỉ vì không biết tiếng Anh. Mà Anh ngữ là chiếc chìa khóa vạn năng giúp di dân hội nhập vào xã hội Mỹ nhanh chóng hơn.

Ngoài vấn đề ngôn ngữ, đa số người tị nạn đều không có một nghề nào khả dĩ có thể dùng ngay trong xã hội mới, ngoài việc làm lao động chân tay tại các nông trại, tiệm ăn, tiệm tạp hóa... Một số theo học các lớp Anh ngữ căn bản rồi học những nghề chỉ cần huấn luyện ngắn hạn. Mục đích của họ là làm bất cứ việc gì để có thể nuôi sống gia đình, khỏi trở thành cây chùm gửi trên đất Mỹ.


Trong gia đình tỵ nạn Việt Nam, mọi người đều làm việc. Lợi tức thu hoạch được góp chung với nhau rồi chi tiêu dè sẻn, để dành. Cha mẹ nhiều khi làm hai, ba công việc, hết ngày lại đêm. Con cái đi học về là đi rửa chén bát, làm bồi bàn tại các tiệm ăn. Với sự lao động tối đa, chi tiêu tối thiểu, chỉ dăm năm sau là họ đã dành dụm được một số vốn đủ để mua nhà hoặc mở cơ sở thương mại. Họ đã nghiêm chỉnh áp dụng câu ngạn ngữ “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” vào đời sống thực tiễn ở miền đất mà khi đó họ coi chỉ là tạm cư. Họ vẫn nghĩ đến một ngày có thể trở về quê hương trong hoàn cảnh thuận tiện, tự do, dân chủ.


2- Khó khăn trong đời sống mới:
Vào một xã hội hoàn toàn xa lạ, từ cách ăn uống, khí hậu, địa dư, đối xử, giao tế, sức khỏe, dịch vụ y tế, cho nên người tỵ nạn hoàn toàn lạc lõng. Chính quyền Mỹ, các cơ quan thiện nguyện đã phải kiên nhẫn lắm mới giúp họ làm quen với nếp sống này. Họ cố gắng hội nhập, đôi khi hầu như phải cắn răng nhẫn nhục, vì đâu đây vẫn phảng phất một phân biệt, một cái nhìn khác lạ tới mầu da của con người. Nhiều di dân đến trước đã có cảm nghĩ là Tượng Thần Tự Do quay mặt về Âu châu và xoay lưng về phía Á Châu, ám chỉ sự kỳ thị với người Mỹ gốc Á. Mỹ Trắng thì gọi là dân Mỹ, Mỹ Phi Châu gọi là Mỹ đen, còn các sắc dân khác thì là “công dân hạng hai”.

3- Khó khăn trong nếp sống gia đình
Đa số gia đình Việt nam vẫn còn giữ được truyền thống tốt đẹp cũ. Tuy nhiên vài vấn vấn đề đã được nêu ra ở một số không nhỏ gia đình.
Khi hội nhập vào nước Mỹ, người Việt bị đặt vào môi trường trong đó họ phải đối diện với hai nền văn hóa khác biệt: Hoa kỳ với khuynh hướng tự do, cởi mở giữa con cái với cha mẹ; còn truyền thống Việt Nam thì dành cho cha mẹ quyền uy tối thượng, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó.


Trẻ con dù sinh ra ở Việt Nam, nhưng lớn lên ở Mỹ, chơi với bạn Mỹ, giáo dục theo lối Mỹ, yêu thích tự do nên đã mau chóng sống với nếp sống mới. Còn một số các bậc làm cha mẹ thì vẫn giữ quan niệm xưa, luôn luôn cho mình là đúng, rồi ra lệnh và sắp đặt. Cho nên sự mâu thuẫn giữa hai thế hệ là điều không thể nào tránh được, nếu không có sự tương nhượng, thông cảm.

Đã có trường hợp con cái kêu cảnh sát can thiệp vì cho là bị cha mẹ lạm dụng, hành hạ; những cảnh con cái bỏ cha mẹ vào nhà người già. Lại cũng có trường hợp, cha mẹ hy sinh vốn liếng, tài sản để các con vượt biên, đến các nước tự do. Sau vài năm, con cái làm ăn khá vững vàng bèn bảo lãnh cha mẹ già sang với mục đích phụng dưỡng, đền ơn sinh thành, dưỡng dục. Nhưng các cụ ở được một thời gian ngắn, niềm vui chưa trọn vẹn thì chuyện buồn đã đến nên muốn bỏ về. Lý do hoặc vì các con thay lòng đổi dạ, hoặc các cụ nhớ nhà, hoặc nghịch cảnh dâu, rể không sống chung với nhau được. Rồi lại những hôn nhân dị chủng, ly hôn ly dị của các con làm các cụ đau lòng.


Bình tâm mà nói, nếu nhiều người già coi đất Mỹ như đất tạm dụng, thì với giới trẻ có ý chí vươn lên, có nghị lực thắng vượt khó khăn và quyết tâm đạt đến mục tiêu đã đặt ra, nước Mỹ là mảnh đất tốt lành đã mang đến cho họ những cơ hội để phát triển khả năng. Đây là một cơ hội ít có nếu họ còn ở Việt Nam. Nước Mỹ luôn luôn tạo hoàn cảnh thuận tiện để mọi người, nhất là giới trẻ vươn lên, miễn là đừng quá biếng nhác

Rồi giữa vợ chồng với nhau, cũng có vài trục trặc đối xử. Tương quan vợ chồng bình đẳng hơn. Nhiều người nữ dễ hòa nhập nên thành công mau lẹ. Một số người nam gặp khó khăn thích ứng vì quá suy yếu trong thời gian cải tạo, quá vất vả trong những năm chiến tranh. Những so bì, bất đồng xẩy ra khiến một số gia đình đi vào tan vỡ, chia cách.

4- Thành công hội nhập vào xã hội mới
Trong hơn một phần ba thế kỷ, hơn một triệu người Việt này đã hình thành một khối thiểu số có những sắc thái đặc biệt vừa làm phong phú và vừa thay đổi một phần nào cấu trúc căn bản của Hiệp Chủng Quốc Mỹ.

Tới Mỹ không sửa soạn với hai bàn tay trắng. Họ tức tưởi rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn trong hoang mang, vội vàng, không kịp suy nghĩ, nói chi đến sửa soạn. Họ không biết là sẽ đi đâu, không biết tương lai sẽ ra sao miễn là xa lánh hiểm họa cộng sản. Họ vào nước Mỹ đa số không nói được tiếng Anh, hầu hết không có một Mỹ kim trong túi. Họ đến từ một văn hóa với nhiều khép kín, ràng buộc vào một nếp sống phóng khoáng, tự do. Họ lạc vào rừng người có cái nhìn khác biệt về chủng tộc, giống tính. Họ chóng mặt trước sự tiến bộ, phồn thịnh của một quốc gia mới chỉ có hơn hai trăm năm lập quốc.


Họ khởi sự lập nghiệp từ số không, không có một nền tảng có sẵn như người Trung Hoa hoặc di dân từ các quốc gia Âu Châu tới Mỹ từ cả trăm năm trước. Ho vật lộn với nhiều khó khăn để sinh tồn, để thích nghi với nếp sống mới và để tạo dựng một tương lai vững chắc cho thế hệ con cháu. Họ âm thầm làm việc, chịu đựng mọi thử thách, kỳ thị trong những năm đầu. Nếu đa số dân chúng Mỹ không muốn quay lưng trước hoàn cảnh tuyệt vọng của con dân một quốc gia đồng minh với họ trước đây, thì cũng có một thiểu số lạnh nhạt với lớp di dân này. Trong những năm đầu, họ được phân tán khắp 50 tiểu bang để sự cứu giúp được dễ dàng cũng như tránh sự tụ nhập quá đông người Việt ở một địa phương. Nhưng rồi dần dà, sau khi đã có lông có cánh, họ cũng tìm về với nhau, trong những tụ điểm thích hợp để tương trợ, dìu nhau mà đi lên. Dù sao thì “một giọt máu đào cũng hơn ao nước lã”. Và “Một cây làm chẳng nên non; Ba cây chụm lại lên hòn núi cao”.


Với bản tính nhẫn nhục, cần cù, thực tế, dễ thích nghi, có nhiều sáng kiến nhỏ, họ đã tham gia vào nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống Mỹ quốc. Họ đã tạo dựng nên những cơ sở kinh tế, thương mại vững chắc, củng cố và phổ biến văn hóa Việt Nam vào nền đa văn hóa địa phương. Hầu hết lớp người tỵ nạn tới Mỹ vào thập niên 70 đã ổn định đời sống mật cách thỏa đáng.

Các thế hệ Việt Nam thứ hai đã mau lẹ tiến tới để thu nhập tinh hoa kiến thức qua nền giáo dục đa diện của nước Mỹ. Họ đã có nhiều đóng góp khoa học, kỹ thuật đáng khen ngợi cũng như cung hiến cho nền hành chánh tiểu bang và liên bang nhiều chuyên gia có khả năng điều hành, lãnh đạo.


Chúng ta đã có những đại diện dân cử cấp liên bang cũng như tiểu bang, thành phố. Đã có người giữ chức vụ cao trong hành pháp Hoa Kỳ, những vị chánh án liên bang. Con số các khoa học gia, khoa bảng bác sĩ kỹ sư nổi danh cũng không phải là ít. Đã có người phát minh ra khí giới có thể truy tìm địch thủ dễ dàng thì cũng có những phẫu thuật gia nổi danh ghép cơ quan nội tạng, cứu nhân độ thế, những khoa học gia không gian vũ trụ, những nhà toán học trẻ tuổi Việt Nam. Bằng sáng chế khoa học của người Mỹ gốc Việt có thể nói là nhiều vô kể. Sự thành công của thế hệ này đã tạo ra nhiều ngạc nhiên cho con dân bản xứ.

5- Kết luận


Người Mỹ gốc Việt Nam tỵ nạn là một nhóm thiểu số có vận tốc hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ khá nhanh và rất thành công. Họ đã đóng góp nhiều cho quê hương thứ hai và trong tương lai chắc chắn sẽ dự phần quan trọng vào việc tạo dựng một Quốc Gia hùng mạnh, tự do dân chủ tại quê hương nguồn gốc Việt Nam.

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức.
Texas-Hoa Kỳ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét