Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 21 tháng 11, 2023

Người đồng hương ở bến đò Ba Bến - Lê Quang Thông


Tôi gặp anh Lâm, người đồng hương ở bến đò Ba Bến, vào ngày đầu tiên đặt chân đến Pháp, cách đây non nửa thế kỷ. Chuyến máy bay Air France từ Sài Gòn đi Paris xuống phi trường Orly sáng sớm. Sau giấc ngủ chập chờn suốt thời gian từ Karachi về Pháp, tôi tỉnh táo nhìn qua cửa máy bay. Quá sức đẹp, ngoài trí tưởng tượng. Chưa biết rõ đâu là đâu, nhưng toàn cảnh Paris nhìn từ trên cao với dòng sông Seine, tháp chuông nhà thờ…và các sân lâu đài, công viên tuyệt đẹp khiến tôi dán mắt suốt vào vuông kính máy bay, cho đến lúc bánh chạm phi đạo.
<!>
Ở phi trường Tân Sơn Nhất, không biết vì lý do gì, máy bay trễ cả 2 tiếng đồng hồ. Tôi thắc thỏm lo sợ, không biết còn rủi ro gì nữa, mồ hôi toát ướt áo chemise. Nghe nói đã có những chuyến bay đi ngoại quốc, bị kiểm soát vào giờ phút cuối, và một hành khách được áp giải xuống trước giờ cất cánh, vì một lý do gì đó. Thời chiến mà.

Chúng tôi gồm ba đứa cùng lớp ở Đại học Sư phạm Huế, đều là du học sinh học bỗng Pháp, đi đợt đầu, tu nghiệp về Giáo Dục Toán, liền sau khi tốt nghiệp Đại học Sư Phạm ở Việt Nam, và đều mới xuất ngoại lần đầu.

Lúng túng hiện rõ ra nơi mỗi đứa. Từ xúng xính trong những bộ vest mới tinh, cho đến dáng bước đi bỡ ngỡ khi tới trước cửa ra vào, mở ra tự động, sau tiếng xì giật mình. Hệ thống cửa những năm 70 sử dụng pneumatique đối với bên nhà vẫn rất lạ lẫm. Ngớ ngẩn như chú Mán trên rừng về phố, khi ngồi vào bàn ăn, kín đáo nhìn thiên hạ để bắt chước. Mọi thứ đều mới mẻ, lần đầu trong đời mới thấy mới dùng, nhất là cách đón tiếp của cơ quan học bỗng chưa hề gặp trong giao tiếp ở bên nhà : lịch sự, ân cần, rõ ràng.

Cơ quan học bỗng đón chúng tôi ở phi trường và đưa về Hôtel Fiap ở khu Nation Paris. Họ lấy phòng riêng cho mỗi đứa. Hướng dẫn sơ các đồ dùng trong phòng, đưa các thông tin về cơ quan học bỗng và hẹn sẽ đón chúng tôi sáng mai lúc 10giờ, chở đến cơ quan để làm các thủ tục. Chiều mai chúng tôi tự do, có thể dùng Métro đi coi qua nơi sẽ theo học, Đại học Sorbonne Paris VII Jussieu, hay phố phường Paris. Ngày kế tiếp chúng tôi lo thu dọn hành lý, trả phòng. Xe sẽ tới đón lúc 11giờ và đưa chúng tôi tới nơi sẽ ở trong thời gian tu nghiệp.

Ngày đầu tiên ở Paris trôi qua dễ chịu. Chúng tôi loanh quanh trong Hôtel và ngủ bù sau một chuyến bay dài. Tôi lo điện thoại cho một người quen ghé lấy quà gia đình mà tôi đã mang qua. Đây là một gia đình quen với mẹ tôi, tôi gọi là Dì Nghĩa Thái, cửa hàng rất lớn ở góc Ngã Giữa và đường Hàng Bè Huế. Cả nhà rất tử tế, lo việc mua bán hối đoái, giúp tôi bỏ túi vài trăm franc, ngược lại tôi mang một va li đầy nhóc lạp xưởng, bò khô, hạt sen…cho cậu con trai dì đang du học ở Pháp. Liên lạc xong, cậu ta tới ngay và mang cái va li to tổ bố đi. Tôi nhẹ gánh, tản bộ mấy đường quanh Hôtel, hiếu kỳ nhìn sinh hoạt các tiệm ăn Nhật, với ông đầu bếp nấu món ăn ngay trên bàn trước mặt thực khách ngồi quanh. Hiếu kỳ nhìn thiên hạ lên xuống ở các trạm xe điện hầm…

Buổi tối, chúng tôi ăn trong đại sảnh của Hôtel. Tất cả phí tổn ăn ở được cơ quan học bỗng lo. Chúng tôi ăn tối với đầy đủ Soupe, steak, tráng miệng có Fromage, còn thêm một Quart Rouge nữa. Rượu đỏ làm chúng tôi cao hứng nói năng lớn dần và 3 người đàn ông người Á châu bàn bên nhìn. Chắc họ nghe tiếng Việt, nhận ra đồng hương và ngoắc tay chào. Không khí thân thiện tới rất nhanh. Xong bữa chúng tôi kéo nhau ra uống cà phê ngoài vườn của Hôtel.

Chúng tôi hỏi nhau đến Paris hôm nào, và ngạc nhiên nghe đến cùng giờ với chuyến chúng tôi sáng nay. Hỏi thêm mới biết họ đến Paris ở phi trường Le Bourget. Chuyện đến phi trường nào chúng tôi cũng mới biết hôm rũ nhau đi nhận vé máy bay ở Air France Sài Gòn. Vì trên vé ghi Sài Gòn- Paris Orly, tôi vui miệng hỏi cô nhân viên đẹp, vậy thì còn Paris nào khác nữa. Cô bảo đúng, còn Paris Le Bourget, phi trường dành cho các nước Cộng sản hạ cánh. Ba đứa tôi thú vị biết thêm điều mới mẻ đó. Vậy thì, ba ông này đi từ miền Bắc. Chúng tôi đá chân nhau và chừng như 3 người đó cũng cảm nhận sự khác biệt giữa chúng tôi, nên chuyện trò trở nên lúng túng.

Chúng tôi nói về chuyện học hành, và chỉ biết họ sẽ theo học ở ba đại học khác nhau, những ngành khác nhau ở tuốt dưới miền nam Pháp. Trong ba người có một anh, tên Lâm, nói tiếng Huế và gốc ở Kim Long Hậu thôn gần bến đò Ba Bến. Đây là một bến đò đặc biệt, nơi hai sông Bạch Yến và Kẻ Vạn nhập vào nhau cùng chảy ra An hoà, vì thế có đến 3 bến sông: một phía đường Quốc lộ 1 cửa Chánh Tây, một phía Kim Long Hậu thôn, một phía cuối đường Vạn Xuân. Chừng như vui miệng đã nói lộ ra xuất xứ nên anh ta vội ngưng, sau khi nghe tôi cho biết quê ngoại tôi là Kim Long Hậu thôn, và tôi thường dùng đò Ba Bến để lên làng. Coi bộ anh xúc động khi nhắc tới quê cũ, nên thúc hai ông kia về phòng nghỉ ngơi, vì mai về miền nam Pháp sớm. Chúng tôi chia tay nhau. Anh Lâm còn hỏi nhỏ số phòng tôi khi đi ngang qua.

Rượu đỏ làm chúng tôi buồn ngủ. Về đến phòng tôi nằm lăn ra thiêm thiếp. Chợt nghe tiếng gõ cửa. Té ra ông bạn tìm không ra mền đắp, chắc hồi sáng lơ đãng lúc chỉ dẫn. Tôi phải đi cùng qua phòng hắn và lật couverture chỉ mọi thứ nằm ở dưới. Hai đứa được một dịp cười thỏa thích cho cái cục quê của mình. Tôi trở về phòng nằm được một lúc, lại có tiếng gõ cửa. Tưởng ông bạn gặp trở ngại nào khác, tôi nhỏm dậy. Lần này là anh Lâm, người Huế, trong nhóm 3 người xuống phi trường Le Bourget.

Anh lách vào phòng rất nhanh, khi tôi vừa mở cửa chào. Anh nói hồi xưa nhà ở gần bến đò Ba Bến, làm ruộng, cha mất sớm, anh em đông, mẹ anh là bà Bộ Chất. Anh ra Bắc cùng với người anh cả năm 1954, từ đó đến nay không được tin tức gia đình. Khi đi mẹ anh khoảng 60 tuổi. Bây giờ,19 năm sau, không biết thế nào ? Tới đó anh bắt đầu thút thít khóc. Tôi rất bất ngờ, đè nén xúc động bằng cách mở chai nước rót mời anh, và ngồi yên nghe tiếp. Anh xin tôi giúp, hỏi tin tức cho anh. Bà mẹ còn hay mất, gia đình anh chị em bây giờ ra sao ?

Tôi cho anh biết tôi sinh ở làng An ninh hạ. Mẹ tôi, người Kim long Hậu thôn, ở xóm có nhà thờ họ Mai, gia tộc của bà phi lấy vua Duy Tân. Khi tôi còn nhỏ, gia đình tôi dọn về Phú thạnh, gần Cửa Hữu. Mỗi lần lên ngoại giỗ chạp, tôi hay đi với mệ Ngoại, mẹ tôi và các em ra cửa Chánh Tây, xuống bến đò Ba Bến qua sông Bạch Yến và đi thêm một đoạn nữa là đến xóm nhà mệ Ngoại hồi xưa.

Một vùng dài từ các làng Trúc Lâm, An ninh thượng, An ninh hạ, Kim long Hậu thôn, phía tả ngạn sông Bạch Yến là nơi hai gia đình nội, ngoại tôi sống suốt thời gian chiến tranh. Ba tôi bỏ kháng chiến về thành sau vụ người con trưởng ông Giáo Bàng, về ngồi làm Chánh án xử tử hình cha. Sau khi kêu án anh ta bỏ đi, để mặc đám dân quân Việt minh bắn và bó chiếu chôn cha mình ngoài cồn Mồ, làng An ninh hạ. Chừng như chuyện này là nguyên do bỏ kháng chiến về thành, chịu suốt mấy năm tù tội, nên ba tôi hay kể cho tôi nghe.

Tôi nhắc chuyện ông giáo Bàng nhưng anh không biết, vì khi theo người anh ra Bắc, anh mới 10 tuổi. Trong một trận Tây càn, anh theo gia đình chạy lên phía rú Bắp và bị thất lạc trong bom đạn. Mấy người quen biết đưa tới cho người anh cả, đang chỉ huy một đơn vị gần đó. Thời gian ngắn sau, cả vùng dọc theo sông Bạch Yến từ Trúc Lâm về tới Kim Long Hậu thôn được bình định. Pháp và quân đội Quốc gia đóng quân dày bảo vệ. Người anh không có cách nào đưa em về với gia đình, và khi có lệnh rút, anh đem em ra Bắc luôn. Người anh cả sau đó, chết trong một trận bom dọc đường. Anh thành con liệt sĩ miền Nam và được nuôi dưỡng học hành rất tốt. Anh xong Đại học ngành Nông nghiệp và được học bỗng tu nghiệp chuyên ngành ở Pháp.

Tôi há hốc miệng, ngồi nghe câu chuyện ly kỳ của anh và quan sát kỹ vóc dáng nhân vật ngồi trước mặt mình. Anh chỉ hơn tôi vài tuổi, cao ráo, vạm vỡ. Mặt rất nông dân, nhưng đôi mắt sáng quắc. Bộ điệu hơi quê nhưng toát vẻ thành thật, dễ thân thiện sau khi thố lộ tâm tình.

Anh còn nhớ đến khúc nhà anh hồi xưa bị lở hàng năm sau lụt, ăn vô cả nương vườn trong xóm, chạy nhảy nô đùa thường bị la, không cho tới gần bợt lỡ, sợ té xuống sông Bạch Yến. Trong khi đó phía bên hữu ngạn ngược lại đất bồi thành bãi biền màu mỡ, hàng năm chạy dài những vồng bắp trái lớn, tươi tốt. Anh hỏi tôi bây giờ thế nào.

Những năm gần đây tôi lên làng ngoại phía đường Kim long, quẹo phải vô Đường Mới, qua cầu An ninh hạ, rẽ phải về Hậu thôn. Bên ngoại tôi ở quanh trong một xóm, từ đường xóm bên nhà thờ họ Mai đến hai, ba đường xóm song song nữa nhưng còn xa bến đò Ba Bến, nên tôi không biết dưới đó ra sao.

Tôi chỉ biết trong vài năm trở lại đây, dân làm ruộng giàu lên. Cả xóm Hậu thôn nhà nào cũng xây, không còn vách phên mái lá. Nhà nào cũng có xe gắn máy Honda, Suzuki…để di chuyển. Làm ruộng, mỗi nhà ngoài một hai con trâu, còn mua được máy cày Kubota, máy bơm nước vào ruộng…Con cái học hành lên tới Đại học. Nói chung mỗi lần lên làng, kỵ giỗ, đám cưới con cái các Cậu Mợ, Dì Dượng…tôi thấy Kim long Hậu thôn là một làng quê trù phú, ở đó ai cũng rộng rãi, đối xử với nhau đầy tình nghĩa.

Tôi nói một hồi và anh lặng yên ngồi lắng nghe, ra chiều suy nghĩ. Tôi xin lỗi, đổ thừa cho tác dụng của rượu đỏ và hứa sẽ viết thư về bên nhà hỏi chuyện nhà anh. Liên lạc tạm thời dùng địa chỉ của cơ quan học bỗng nơi sẽ theo học, nhờ chuyển.

Ham nói chuyện, chúng tôi giật mình khi thấy đêm đã khuya. Anh cáo từ về phòng và đưa tôi một miếng giấy nhỏ, ghi tên và địa chỉ cơ quan học bỗng vùng sẽ tới. Tôi hứa sẽ viết về nhà liền sau ngày mai, khi tới nơi có địa chỉ ổn định. Ba tôi sẽ lo hỏi chuyện gia đình anh. Chừng nào nhận được thư ba tôi, tôi sẽ gởi thư anh biết. Anh xin đừng nói với bất cứ ai chuyện này, vì lộ ra sẽ rất nguy hiểm cho cả hai.

Anh tần ngần lâu trước khi ra khỏi phòng. Tôi phải nói để anh yên tâm.- Anh Lâm ! chuyện này chỉ có anh và tôi biết. Phần tôi, chẳng ngại ngùng gì cả khi giúp anh, nhưng tôi biết phía anh nhiều phiền lụy, nếu như câu chuyện lộ ra. Anh tin tôi đi. Tôi sẽ giữ kín cho anh.

Anh lau mắt và siết chặt tay tôi từ giã.

Chúng tôi có một ngày kế tiếp rất nhiều việc. Hướng dẫn mở trương mục ở một ngân hàng BNP gần bên Trung tâm sinh viên ngoại quốc học bỗng chính phủ Pháp. Công việc giải quyết chừng một tiếng đồng hồ cho khoảng 25 sinh viên, đen có, vàng có…Chúng tôi mỗi người đều có thẻ ngân hàng, sổ tiết kiệm, và hàng tháng học bỗng vào thẳng trương mục.

Xong, trở lại Trung tâm, chúng tôi làm thẻ CROUS ( Centre régional des oeuvres universitaires et scolaires). Đây là một cơ sở giúp các sinh viên chổ ở, nơi ăn, các hoạt động thể thao, văn hoá…với thẻ CROUS chúng tôi mua phiếu ăn, giá mỗi bửa trong các quán ăn sinh viên là 2,5 franc. Hệ thống các quán ăn này đều khắp các Đại học, và chúng tôi được hướng dẫn để dùng một cuốn ghi rõ thực đơn hàng tuần của mỗi Restaurant universitaire, giá đâu chưa tới 1 franc.

Trưa đó chúng tôi được hướng dẫn đi ăn ở một Quán ăn Sinh viên, gọi tắt là Restau.U, gần đó. Chúng tôi sắp hàng, bưng khay đợi múc dĩa chính, lấy bánh mì, món tráng miệng và nước uống. Lần đầu tiên được ăn Coucous mouton saucisse rất ngon, nhất là hạt couscous vàng vàng, nho nhỏ như kê Huế, hay ăn vào dịp Tết Đoan Ngọ, chè kê thịt vịt.

Chia tay người hướng dẫn, chúng tôi dùng Métro tìm đường về Quartier Latin coi qua Đại học Sorbonne Paris VII, nơi có IREM (Institut de Recherche pour l‘Enseignement des Mathematiques), Viện Nghiên cứu Giáo Dục Toán học, chổ chúng tôi sẽ theo học.

Sau đó ba đứa ra Saint Germain des Prés uống cà phê Les deux Magots. Ngồi sát vỉa hè, nhìn người qua kẻ lại thật thú vị. Cà phê ngon, những garçon bồi bàn vui vẻ làm quên chuyện nhìn quanh coi mặt mày Jean Paul Sartres ra sao. Les deux magots là nơi lui tới của Camus, Picasso, Hemingway, Brecht…và lui về trước những Rimbaud, Verlaine, Wilde…làm ngồi uống cũng thấy khoái theo tâm trạng “ ngã kim nhật tại tọa chi địa, cổ chi nhân tằng tiên ngã tọa chi” như bài thơ của Nguyễn công Trứ đã học hồi xưa.

Chúng tôi lấy métro về lại Hôtel lúc Paris đã lên đèn. Chúng tôi ăn chiều, ngủ Hôtel thêm một đêm nữa và mai sẽ về vùng Épinay sur Seine, một ngoại ô phía Tây Bắc Paris.

Thời gian dần trôi. Bỡ ngỡ lúc mới về chổ ở mới cũng qua đi. Đây là một Foyer des Jeunes Travailleurs. Sinh hoạt khá ồn ào những buổi sáng ở phòng ăn, vì đông đúc các bạn trẻ, ăn sáng để đi làm. Cuối tuần yên lặng hơn, họ về nhà hay đi chơi, Foyer vắng vẽ, im lặng và chỉ náo nhiệt, vào chiều chủ nhật khi các người trẻ kéo nhau trở lại, chơi thể thao, nghe nhạc…Nhưng cũng chỉ kéo dài vài giờ thôi. Họ phải lo ngủ sớm để sáng mai đi làm ngày đầu tuần mới.

Chổ ở hơi ồn ào nhưng chúng tôi không thấy trở ngại gì lắm. Ăn sáng ở Cantine đông, thì chúng tôi đi chợ mua bánh mì, cà phê…ăn sáng trong phòng trước khi lên Paris. Chỉ có lên về Paris hơi xa. Đổi Métro, xe lửa… hôm nào về đến nhà cũng tối mịt. Mai chúng tôi lại đi, mà hầu như suốt tuần như thế, nhiều khi cả chủ nhật. Môi trường quen biết rộng ra. Ở Épinay/Seine có một phim trường, thường hay cho coi miễn phí những phim khi quây xong. Chúng tôi có kéo nhau đi vài lần cuối tuần. Nhưng sau đó lang thang ở Paris hấp dẫn hơn.

Nhờ đi nhiều, gặp nhiều người, chúng tôi kiếm ra chổ ở mới : một cư xá Việt nam ở quận 5, Hôtel Lutèce, quá thuận tiện cho việc đi học, đi ăn, và khoái nhất đi chơi…đêm. Có thể đi bộ tới IREM Jussieu, nhiều Restau U ở quanh có thể chọn lựa ăn chổ nào mình thích trong tuần, và chổ đi chơi, ciné, café,…không thiếu. Chúng tôi dọn nhà ngay vì đồ đạc chỉ có áo quần, sách vở đơn giản. Ngày rời Épinay/Seine tôi nhận được thư nhà, và ba tôi dành một trang dài viết về gia đình bà Bộ Chất ở bến đò Ba Bến, như lời yêu cầu của tôi viết trong thư đầu tiên kể chuyện tới Paris.

Ở nhà mới, tôi nhận một căn phòng nhỏ, đủ chổ cho giường, bàn viết và một góc có cửa sổ, bên ngoài một cây Thầu- đâu từ trong sân sau của Hôtel vượt lên, cành lá ngang với tầm nhìn ra. Rồi đây mở mắt là đã thấy sầu đông khó tránh. Người sinh viên ở trước tôi để lại tấm tranh Op Art có cả đèn chiếu sáng, hình một ban nhạc trình diễn, lớn bằng bức tường dọc theo chiều dài phòng, làm căn phòng nhỏ trở nên ấm cúng.

Tôi định viết thư cho anh Lâm, người đồng hương xuống phi trường Le Bourget đã gặp hôm mới tới Paris, nhưng chưa kịp viết thì một trưa đi ăn ở Restau.U Châtelet gần nhà, chúng tôi gặp nhau. Chúng tôi nhận ra nhau ngay, dù mỗi người đẫy đà hơn một chút, dáng dấp coi bộ Tây hơn ngày mới đến. Chúng tôi kéo nhau vào bàn ngồi. Ở đây cứ đủ 8 người một bàn, là được dọn soupe, xà lách trước và sau đó thức ăn chính, tự lấy cho mình và rất lịch sự, thân mật như trong một nhà.

Anh cho biết đã đổi chổ học từ miền Nam lên Paris, và hiện tại ở Cité Internatinale Universitaire de Paris, chung phòng một người, đang học y khoa. Đó là một người bạn thân từ nhỏ, cũng mồ côi, ở chung với nhau trong nhà tập thể con liệt sĩ ở Hà Nội. Người bạn qua Pháp trước 2 năm và sau khi liên lạc bắt anh Lâm gởi gấp hồ sơ lên. Anh ta xin trường tương ứng, trực tiếp với cơ quan học bỗng và giải quyết mọi chuyện chỉ trong một thời gian ngắn.

Cité Internationale Universitaire de Paris là một cư xá sinh viên lớn nhất Paris. Riêng Restau.U có 2 cái, mỗi cái dọn ăn hằng ngày cho cả ngàn sinh viên. Sân chơi bóng tròn, bóng chuyền, Tennis, khu Pique- Nique đầy đủ. Có chừng 40 nhà lớn, như Maison de l’Indochine, Maison du Brésil…và các gia đình các giáo sư đại học thích sống mãi lối sống đời sinh viên không rời Cité. Toàn bộ cơ sở ở quận 14 Paris, sống trên 10.000 sinh viên từ cả hơn 120 nước tới Pháp du học.

Tôi đã đến đây ăn nhiều lần. Thích nhất là sau khi ăn, băng qua đại lộ Jordan, uống cà phê ở Parc Montsouris. Ở đây có cà phê đá, kêu tiếng Việt cà phê đá như ở bên nhà, và chú bồi trẻ biết chào tiếng Việt, do ông mít nghịch tặc nào đó bày. Tuỳ theo người gặp phái nào, hắn sẽ chào bằng sinh thực khí tương ứng, rồi đem xào dấm. Đại loại : Bonjour Mademoiselle L.xào dấm…Ban đầu nghe cũng lạ tai và vui. Nhưng khi có người lạ, thì kẹt, nhất là với các cô mới bên nhà qua.

Ăn xong, kéo anh Lâm đi uống cà phê tôi kể những gì ba tôi viết về gia đình anh. Mẹ anh, bà Bộ Chất, mất trước đây hai năm, sau một hai hôm đau nhẹ vì trái gió, trở trời. Bà thọ 80 tuổi. Các anh, chị của anh lo đám tang mẹ rất lớn, nhờ làm ăn ra, và nhờ các cháu nội, cháu ngoại thành đạt nên khách khứa đông đúc. Bà được đưa lên Trúc Lâm, là quê quán của bà để chôn cất. Các cháu ngoại là sĩ quan, nên mượn được xe cộ của đơn vị. Các cháu nội đứa đi dạy, đứa làm ở đại học nên người ta đi trướng liễn trang trí đầy 4 chiếc xe camion chở bà con, và 2 chiếc dodge chở quan tài và các thầy tụng niệm. Nói chung, theo ba tôi viết, đó là một đám tang ở Hậu thôn lớn nhất từ trước đến nay. Ba tôi còn viết nhiều, nhưng tôi không nhớ hết. Tôi hẹn sẽ làm copie trang thư và gởi cho anh.

Anh Lâm ngồi lặng yên, mắt đỏ hoe. Tôi hiểu tâm trạng của người con xa mẹ đã 19 năm và bây giờ nghe tin mẹ chết. Tất cả hình thức linh đình của tang lễ không biết anh có hình dung ra, có làm anh xúc động không, chỉ riêng mất mẹ là một mất mát to lớn, không gì bù đắp được. Tôi ngồi lặng yên, tôn trọng giây phút xúc cảm sâu xa của anh Lâm. Không khí buồn, im lặng kéo dài khoảng hút xong ba, bốn điếu thuốc. Tôi rũ anh ghé phòng, đọc thư nếu anh không ngại. Dù đây là một cư xá Việt nam nhưng chẳng ai biết ai. Anh Lâm suy nghĩ một chút và nhận lời.

Chúng tôi tà tà xuống chợ Mouffetard. Ở đây có một bác già đứng bán một mẹt chả giò rất ngon. Chỉ chả giò thôi, không rau, không nước chấm, nhưng rất đắt hàng. Đám sinh viên chúng tôi, mỗi đứa 5, 10 cuốn, chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ là hết. Tôi thường mua ít cuốn, nấu nồi cơm nhỏ…hôm nào nhác không muốn đi Restau.U. Tôi mua gà quay, chả giò và một chai rượu vang…xong kéo anh Lâm về Hôtel Lutèce.

Anh Lâm đọc xong trang thư ba tôi viết về gia đình bà Bộ Chất. Không đến nỗi bi thảm lắm. Ba tôi viết về đám mẹ anh Lâm rất được làng trên xóm dưới khen gợi, các cháu con các anh và các chị anh Lâm thành đạt. Anh Lâm xa nhà từ hồi 10 tuổi, trãi qua nhiều biến cố, lớn lên mồ côi trong bom đạn dưới miền Bắc, nên coi bộ cứng rắn. Chỉ có nhớ mẹ vì là con út được cưng chiều, nên đọc xong anh khóc nức nở. Thư cho ba tôi, tôi nói sơ, có người Huế ở Paris hỏi thăm người bà con tên là bà Bộ Chất ở gần bến đò Ba Bến, nên ba tôi chỉ viết về tang lễ, ngoài ra ông chẳng viết gì nhiều.

Chừng cảm xúc trôi qua, cơm vừa chín. Chúng tôi ăn chiều và uống hết chai rượu đỏ. Cao hứng, anh Lâm muốn chạy xuống kiếm thêm chai nữa. Tôi can vì giờ này có đá banh, dân ghiền bóng tròn ngồi đầy trước tivi trong phòng khách Hôtel. Đi vô ra ồn ào lắm. Tôi còn hơn nửa chai Cognac đủ tì tì.

Anh Lâm nói chuyện rất có duyên. Chuyện hồi sơ tán cả trường Đại học Nông nghiệp về vùng quê, trong những năm Mỹ dội bom miền Bắc. Chuyện bồ bịch với mấy cô trong lớp. Chuyện về người bạn đang ở chung ở Cité. Tôi cũng tò mò chút chút về người bạn, chắc phải thân tình đặc biệt lắm mới bỏ công xin cho anh Lâm về Paris.

Theo anh Lâm, không biết gọi Đội là bạn, hay là em, hay cả hai. Đội là đứa bé khoảng chưa đầy năm, khi người ta nhặt ngay trước cửa khu tập thể con liệt sĩ. Người bỏ có ý nói thằng nhỏ cũng là con liệt sĩ, và không thêm một chi tiết nào đặc biệt ngoài miếng giấy viết nguệch ngoạc : cháu Đội, 1 tuổi. Hôm đó gặp lúc Lâm trực nhà bếp. Anh lấy nước cơm đút cho thằng nhỏ vài muỗng và hắn nhoẻn miệng cười. Nụ cười của Đội như một sợi dây định mệnh, nối kết hai cuộc đời mồ côi với nhau.

Anh Lâm chăm sóc Đội từ những ngày còn chập chững, đến khi học Đại học cùng ở chung trong khu tập thể Đại học Nông nghiệp. Đội học rất giỏi và được học bỗng đi Pháp trước đây 2 năm. Khi nghe tin Lâm sẽ qua tu nghiệp, Đội nhất quyết phải đem ông anh mình về Paris. Người duy nhất đùm bọc Đội từ tấm bé, không thể cách xa. Huống gì Đội đã hỏi qua cơ quan học bổng, điều này có thể thực hiện.

Những năm 70, trí thức ở Pháp hay Âu châu nói chung có cảm tình với miền Bắc Việt nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Cộng với câu chuyện đời thật của Lâm của Đội, nghe qua những người Âu châu không tưởng tượng được. Những người Pháp cảm thấy họ có bồn phận giúp đở, như chuộc những lỗi lầm mà cha ông họ đã gây ra cho Việt nam.

Lan man đến chuyện hiện tại, chuyện đi học của anh. Anh thú nhận là gặp rất nhiều khó khăn, từ tiếng Pháp cho đến lổ hổng kiến thức. Trung học cho đến Đại học là những năm chiến tranh ác liệt. Học cho có, còn thực lực thì không. Rồi do là học sinh từ miền Nam được nâng đở, lên lớp, tốt nghiệp. Qua đây học điều gì cũng mới lạ. Hiểu cho trọn vẹn qua một thứ tiếng Pháp, mà mình đang có, đã thấy khó khăn. Rồi trình độ, nhận xét về nông nghiệp, mình không được trang bị cập nhật, nắm bắt cho kịp những bước tiến của nông nghiệp hiện đại cũng không dễ lắm.

Nhưng dẫu sao đây chỉ là một khoá tu nghiệp sau Đại học, nên đòi hỏi khả năng không nặng nề lắm. Mối lo chính là sau một năm phải về miền Bắc, phải trở lại với một đời sống mà anh không muốn. Làm sao đây, đó là câu hỏi thường trực trong đầu từ lúc mới đặt chân xuống Le Bourget. Cứ uống vô một ly Cognac, anh tuôn ra một tấc lòng. Tôi ngồi cho anh trút tâm sự, chẳng biết an ủi anh thế nào, cứ mong anh sau chuyến đổi lên Paris, ổn định được nơi ăn chốn ở, hy vọng tìm ra cách giải quyết.

Từ hôm đó chúng tôi liên lạc với nhau đều. Anh Lâm muốn gặp tôi, điện thoại tới Reception của Hôtel Lutèce, để lại Message. Tôi muốn gặp anh, đi ăn trưa ở Cité Uni. để vài chữ vô thùng thư, nếu lên phòng không gặp.

Chúng tôi thân thiết nhau và chuyện gì anh cũng tâm sự. Mươi ngày nửa tháng, thế nào cũng uống với nhau vài chai bia, rồi ngủ lại, thường ở phòng tôi, nói chuyện đời cho đã. Anh thật ra hơn tôi cả trên 10 tuổi, nhưng thời buổi loạn lạc, rồi ra ngoài Bắc phải khai trụt tuổi để đi học, nên về giấy tờ chỉ hơn có 1,2. Chúng tôi hiểu nhau, và có mối liên kết từ Kim Long Hậu thôn, nên coi nhau như anh em.

Khoảng gần Tết, anh báo trước sẽ đi Aubagne, gần Marseille thăm người bà con. Sau vài ly Cognac tôi hỏi riết chuyện anh gặp bà con lúc nào, anh thú thật đã muốn giấu tôi một chuyện quan trọng : anh đăng lính vào La Légion Étrangère, đã được nhận và nhập huấn luyện đầu tháng 3 năm tới.

Tôi choáng váng trước chuyện khó tin : Một thanh niên lớn lên ở miền Bắc Việt nam đi lính Lê dương, đạo quân viễn chinh thiện chiến của Pháp. Anh nói, anh không còn chọn lựa nào khác vì anh dứt khoát không trở về miền Bắc Việt nam. Anh đã được xét hồ sơ và khám sức khỏe tại Fort de Nogent ở Fontenay sous Bois, sát Paris.

Mọi chuyện xảy ra do tình cờ đi thăm một ông già người Bắc, bà con với một trong 2 ông bạn cùng chuyến đi Pháp, khi anh Lâm còn ở dưới miền nam. Ông già là cựu binh ONS (Ouvriers non spécialisés) hồi trước 1935. Sau đó ở lại Pháp lấy một bà đầm, và một trong hai người con trai đi lính Légion Étrangère. Ông già nói chuyện về đời sống của người con trong binh chủng Lê dương, anh thấy thích nên tìm hiểu, nạp đơn và may mắn được nhận. Anh Lâm khoái ông cựu binh ONS này lắm. Anh kể say sưa.

Ông là một người từng trãi, qua đời sống lăn lộn, tù tội trong thời Thế giới Đại chiến lần thứ 2, nên ngồi uống rượu với ông thật thích thú. Bao nhiêu rượu cũng hết, theo câu chuyện ông ở tù bên Đức lúc khuân vác đạn dược cho quân Pháp, đóng bên bờ sông Rhin. Đơn vị bị quân Đức đánh ập, bắt trọn lúc Thế chiến bắt đầu.

Tính ra suốt 7 năm tù, là 7 năm sung sướng nhất trong cuộc đời ông. Hầu như tháng nào cũng được Đức lấy khỏi trại giam, giao cho những làng quê trong vùng, hết nông trại nầy qua nông trại khác, làm việc đồng áng, vì đàn ông trai tráng Đức ra mặt trận hết trơn. Ông làm nghề nông ở quê, trước khi đi ONS, nên công việc không lạ lùng gì, chỉ có để ý tập sử dụng các máy móc. Ông vốn sáng dạ nên rất nhanh. Được hướng dẫn một hai hôm là sử dụng ngon lành. Chăn nuôi bò, ngựa đầu lạ sau quen, chăm sóc khéo tay, rành rõi rồi kiêm luôn chăm sóc các bà trong nông trại, những chinh phụ…ngâm trong xa cách vì chiến tranh hơi lâu, không gần gũi chinh phu.

Ngày đình chiến, trả tù binh về Pháp ai cũng buồn, cũng tiếc. Cả làng khóc như mưa. Ôi chao cuộc đời. Thù hận vắng bóng nơi làng thôn nầy, e càng kéo dài chiến tranh, càng êm đều cho bao nhiêu người. Ai thắng, ai thua mà chi.

Ông mới trên 60 rất minh mẫn, nói chuyện thu hút. Nhất là khi nhắc đến Emma, Eva, Gertrude…và một lô tên các bà bên Đức trước đây chưa đầy 30 năm. Bà nào tính tình ra sao, yêu thương ông ra sao…Đối với các bà, Der LAM ist der beste, nói theo kiểu Đức, ông Lâm là người tốt nhất. Cách ông diễn tả làm mấy cậu đàn ông mê mẫn…nên hầu như cuối tuần nào cũng kéo về thăm ông.

Mới lạ nhất là ông đưa những báo chí Pháp mà ông sưu tập về cuộc đời của Lãnh tụ Việt nam kính yêu. Những điều mà anh Lâm và hai ông kia chưa được nghe bao giờ. Ông không gay gắt phê bình gì cả mà chỉ nói đơn giản với cả 3 người.

– Các cậu chỉ nên tin vào chính mình, vào đầu mình, vào hai bàn tay mình, và vào cả thằng nhỏ mình. Chẳng có lãnh tụ, lý thuyết gì ráo. Mọi chuyện không ngoài cơ hội cho bản thân sống còn và sống sướng. Đi cho nhiều, đọc cho nhiều…mới thấy cuộc đời toàn là ngẫu nhiên và cơ hội. Nhất là cuộc đời của những người Việt nam chúng ta.

Chừng như mấy tháng ở dưới Marseille làm anh ngộ ra hơn cả hai mươi năm lớn lên trên miền Bắc. Chừng như từ đó anh đầu quân vào Légion Étrangère. Anh Lâm gặp may mắn.

May mắn, vì chỉ khoảng 1/10 hồ sơ được tuyển, mà anh có mặt. Nhập vào đội ngũ Légion étrangère anh sẽ mang quốc tịch Pháp sau 5 năm phục vụ, và khi về hưu hoàn toàn được bảo đảm về cư trú, sức khỏe và sinh sống bất cứ nơi đâu. Chỉ không được lấy vợ trong 5 năm phục vụ đầu. Sau đó tự do, kể cả việc lấy lại tên họ cũ.

Khi được nhận vào Légion Étrangère, quá khứ mỗi người không xét tới, quá khứ được cất đi. Mỗi người mang một lý lịch mới từ tên, họ, tên cha mẹ, cho đến ngày sinh, nơi sinh…

Anh quyết định phải cho tôi biết vì quý tôi, vì thời gian tới ít nhất trong vòng 5 năm đầu liên lạc sẽ khó khăn. Sau đó khi có điều kiện anh sẽ tìm tôi. Dù có đổi địa chỉ cứ để lại chổ mới và bưu điện sẽ chuyển.

Cuối tháng 2 chúng tôi uống với nhau một trận túy lúy. Anh và tôi đều tin những người đối xử tốt với nhau sẽ có duyên gặp lại. Tôi tính nhẩm thời hạn 5 năm của anh, thì sớm nhất đến 1979 hay 1980 chúng tôi mới có tin tức nhau. Anh có thể sẽ đóng quân đâu đó ở Mali hay Djibouti…Thôi đến đâu hay đó. Như việc chọn vô Légion étrangère của anh hoàn toàn do ngẫu nhiên, qua một bác cựu ONS, vì mới chân ướt, chân ráo đến Pháp lảm sao anh Lâm biết đơn vị thiện chiến này, huống chi cái tên Lính Lê dương không tốt đẹp gì trong ký ức người Việt.

Tôi về nước mấy tháng trước cuộc thay đổi lớn 1975. Dự định dành một ngày lên thăm mộ ông bà ngoại, thắp hương nhà thờ bên ngoại, sau đó hỏi thăm những người con bà Bộ Chất, rồi tuỳ theo diễn biến, cho họ biết về đứa em út và ông anh cả, ra đi từ 1954. Nhưng rồi chiến sự lan tràn, đến khi tạm yên lại dồn dập những tình huống mới mẻ, việc thăm lại Hậu thôn không thực hiện được. Sau nầy anh Lâm chắc chắn sẽ tìm về Kim Long Hậu thôn, tìm thăm các O, các Chú, thắp hương cho Mẹ, và kể chuyện anh cả mình đã mất như thế nào trên đường ra Bắc. Biết sớm hay muộn không quan trọng với một câu chuyện đã trên dưới 20 năm.

Người đồng hương ở bến đò Ba Bến, người lớn lên trên ở miền Bắc Việt nam, qua du học ở Pháp, rồi gia nhập vào đoàn quân viễn chinh Pháp, một thời là hung thần cho dân Việt Nam. Cuộc đời có những chuyện oái ăm, chuyện anh Lâm nằm trong số đó.

Mai đây, ai biết anh Lâm sẽ chỉ huy toán quân mũ képi trắng, tạp dề da, vác rìu…diễn hành mở đầu buổi duyệt binh như truyền thống của Légion Étrangère vào ngày 14.7 hằng năm, ở đại lộ Champs Élysées. Chuyện cũng chẳng có chi lạ.

Tôi viết đoản văn này lúc trở lại Paris sau 8 năm cách xa. May mắn là mọi chuyện suông sẻ. Tôi quản lý Trung tâm Phân phối sách của người cha nuôi và đang trông đợi đoàn tụ với vợ và hai con. Tôi không bầm dập lắm ở quê nhà, dù mất một thời gian xuôi ngược dưới sông nước miền nam. Tôi không chết giữa biển khơi. Nghĩ lại cuộc đời như một cơn ác mộng, nhưng tôi vẫn sống và cùng với vợ con sẽ sống như những con người.

Những lúc rãnh rỗi tôi ngồi viết lại những khoảng đời cũ. Những năm 80 người Việt tứ tán khắp năm châu và báo giấy từ các hội đoàn, nhà thờ, chùa chiền rất phổ biến…như một phương tiện để kiếm tin tức nhau, ai mất ai còn. Tôi viết chuyện này gởi cùng các báo, hy vọng một ngày nào đó tôi nhận được tin tức anh Lâm, người đồng hương ở bến đò Ba Bến.

Nguồn: Lê Quang Thông
Frankfurt, Germany Share Lại Người Lính Già TQLC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét