Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 20 tháng 11, 2023

NGÔI NHÀ CÓ CỔNG - Quỳnh Chi (dịch)


Vào khoảng 5 giờ chiều, một thanh niên đang thất thểu đi tới bỗng dừng chân lại. Người thanh niên tuổi chừng 30, tên Junichi, đang trên đường từ sở làm về nhà. Nói đúng hơn là trên đường về nhà anh đã ghé lại nhà ông chú, và vừa mới ở chỗ nhà ông chú ra. Tối hôm trước anh vừa mới cùng chúng bạn đi ăn nhậu tưng bừng nơi quán rượu. Vì thế mà hầu bao đã gần cạn. Còn những mấy ngày nữa mới đến ngày lĩnh lương, nhưng nếu đến sở xin lĩnh lương sớm thì có thể bị cho là người bê bối về tiền bạc. Thực sự thì thỉnh thoảng anh cũng đã làm như thế rồi. Vì vậy mới phải ghé vào nhà ông chú.
<!>
Thế nhưng, chẳng những chạy tiền đã không được, mà trái lại còn bị ông chú khiển trách:
-Junichi, không được, cháu nghĩ sao mà làm như thế? Khi còn trẻ thì đã đành, nhưng nay đã tới tuổi tam thập nhi lập, mà còn như thế ư? Cháu cứ sống độc thân ở nhà trọ như thế là không được đâu.
-Dạ…
-Đã đến lúc cháu phải yên bề gia thất rồi. Cũng vì còn độc thân nên mới ném tiền vào những trò vớ vẩn. Từ nay cháu phải để tâm vào mà tính chuyện xây dựng tương lai cho mình.
-Vâng, cháu sẽ làm theo lời chú ạ.

Rốt cuộc Junichi không mượn được tiền. Tuy trời hãy còn sáng nhưng đành phải đi về nhà trọ

Không gì chán ngấy bằng phải nghe giáo huấn về những điều mà mình đã biết thừa đi rồi. Vì không được cãi lại nên trong bụng ấm ức, khó chịu. Chỉ muốn tạt vào đâu đấy uống một chén rượu giải khuây, nhưng làm gì còn tiền chứ. Chẳng còn cách nào khác là lầu bầu trong miệng.

Không biết có phải vì lòng dạ đang ngổn ngang như thế, mà khi rẽ ra ga, anh đã nhầm đường.

Quanh đấy là khu dân cư. Một khu nhà ở thật cao cấp. Những người sống ở những khu nhà như thế này có lẽ là không mấy khi giao du với hàng xóm láng giềng, nhà nào nhà nấy sống biệt lập với cuộc sống phong lưu của họ. Trên thế gian này chắc là cũng có những người có cuộc sống như thế.

Nghĩ tới đó, Junichi thấy hơi ấm ức, nhưng đi dạo trong dãy phố như thế này thích thật. Dãy phố yên tĩnh, không có chỗ nào nhếch nhác bề bộn, khiến cho trí tưởng tượng tha hồ bay bổng. Trong chung cư, có lẽ vì cuộc sống của cư dân ở đấy bị phơi bày trần trụi quá, khiến người ta chẳng còn muốn biết rõ hơn nữa sự tình bên trong. Nhưng ở khu phố thượng lưu thì hoàn toàn không thể nào biết được cuộc sống trong nhà người ta. Một điều vô cùng bí ẩn.

Thế rồi anh ta đã dừng chân lại trước một ngôi nhà trong dãy phố ấy. Ngôi nhà ấy đáng để anh phải dừng chân lại. Phải như thế mới đúng là một ngôi biệt thự. Không phải là nguy nga đồ sộ, mà là cổ kính và đường bệ, như một cây cổ thụ vững chãi, rễ bám chặt vào lòng đất. Ngôi biệt thự hai tầng xây theo kiểu tây phương.

Đó là một tòa kiến trúc được xây cất từ thời mà người ta có thể tha hồ chọn vật liệu xây cất theo ý muốn và đủ sức bỏ hết công của tô đắp vào đấy. Ngôi nhà ấy khác hẳn với những nhà kiểu mới chỉ nhằm mục đích thực dụng, được xây bằng các vật liệu hóa học lắp ghép. Không biết phải diễn tả sự chênh lệch ấy như thế nào cho đúng. Thôi thì cứ tạm gọi là sự khác biệt về phong cách.

Tường rào của ngôi nhà tuy không cao lắm, hơn nữa người thanh niên cũng khá cao, nên anh ta có thể nhìn thấy khu vườn bên trong thật rộng với nhiều cây cao.Trong đó có một cây rất to, cành lá xum xuê che nắng khiến cho ngôi nhà lọt vào dưới bóng cây. Năm tháng trôi qua đã khiến cho tòa kiến trúc với cây đại thụ ấy kết hợp lại làm một, rất hài hòa. Cây cao to đủ để có thể đứng ở đấy, và ngôi nhà với kiểu cách như thế thì phải ở đấy mới hợp. Ai nhìn vào cũng phải nghĩ thế.

Trên cột cổng nhà có gắn bảng đề tên gia chủ là Nishi. Cánh cổng đúc bằng sắt có chấn song. Nhờ vậy mà nhìn qua chấn song có thể thấy rõ bên trong, hơn là nhìn qua tường rào. Khu vườn được quét dọn sạch sẽ chu đáo. Một con mèo đen thong thả bước đi bên hông nhà. Không nghe có tiếng người trong nhà.

Cánh cửa chấn song sắt khép hờ hơi hé mở. Dường như nhà này không nuôi chó. Vì nếu có nuôi chó mà không đóng cổng thế này, chó sẽ chạy ra đường mất. Hơn nữa nếu có nuôi chó thì con mèo kia làm sao dám thong thả tản bộ như thế. Người thanh niên vừa nghĩ ngợi lan man vừa thử bước một bước vào trong cánh cổng. Anh muốn có cảm giác thực sự đang ở bên trong một ngôi nhà như thế này. Có cái gì đó lôi cuốn mời gọi.

Bỗng nhiên có hương thơm tỏa ra. Hình như đấy là mùi hương của những bông hoa trắng trên cây hoa nhỏ gần đấy. Lần theo mùi hương ấy, người thanh niên bước thêm chừng ba bước nữa, thì có giọng nói của phụ nữ.
- Ơ kìa…
Người thanh niên quay nhìn về phía ấy, thì đó là một cô gái chừng 25 tuổi. Cô gái mặc y phục thường ngày nhã nhặn. Bộ trang phục không lòe loẹt hạ cấp, hoàn toàn không có vẻ gì kệch cỡm, thật là phù hợp với tòa nhà. Gương mặt nhỏ nhắn, làn da trắng trẻo lộ vẻ thân thiện.

Người thanh niên dừng lại đứng yên. Không được cuống cả lên. Hấp tấp bỏ chạy chỉ khiến người ta sinh nghi. Cứ bình tĩnh cất tiếng trò chuyện. Người thanh niên cảm thấy là ở trong khung cảnh này, anh ta cũng có thể nói năng lịch sự, tỏ ra là con nhà có giáo dục. Nhưng không nghĩ ra được là phải cất tiếng chào như thế nào. Thì đúng lúc ấy, cô gái lên tiếng trước:
- Anh đi đâu vậy?
- Ơ, số là, đây là...

Trước tình huống bất ngờ, người thanh niên đâm ra lúng túng. Cô gái lại cười tinh nghịch.
- Có phải là anh không biết tìm lời nào giải thích cho khéo phải không ạ?

Cô đi như hơi chạy lại gần, nắm lấy tay người thanh niên, dẫn vào trong nhà.
- Kìa, anh đi dép vào đi, anh Shinjiro.

Hành lang rộng thênh thang cũng được lau chùi sạch bóng.
- Nào, anh thay áo đi…

Người thanh niên được cởi áo ngoài và mặc vào cho chiếc áo len.
- Anh hãy ngồi đây nghỉ cho khỏe…

Ghế ngồi trong phòng khách bài trí theo kiểu tây phương thật êm, đỡ lấy toàn thân. Anh ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế ấy. Cứ như thể là mình đã sống ở đây lâu rồi. Cái ý nghĩ ấy từ từ giải tỏa cảm giác căng thẳng lúc ban đầu nơi anh.
- Em pha trà đen rồi đây ạ.

Cô gái đặt chén trà lên chiếc bàn trước mặt anh, rồi cô cũng uống trà của mình. Cử chỉ lời nói tất cả đều rất thuần thục. Cô gái cứ lặng yên mà nhoẻn miệng cười ra chiều sung sướng. Xem ra không có vẻ gì là cô đang đóng kịch. Đôi mắt cô cũng không có vẻ gì là bị cận thị hay khiến ta cảm thấy có gì điên dại. Sau đó cô lại đem rượu tây ra.
- Anh vẫn uống rượu trước bữa cơm chiều đấy nhỉ. Hay là em cũng uống nhé. Nhưng mà anh đã đi đâu thế…?
- Số là, thật ra là..

Biết trả lời thế nào bây giờ. Thế nhưng cô gái đã rút lời lại ngay.
- Thôi được ạ, anh không nói cũng chẳng sao. Em không định làm khó anh đâu ạ. Chỉ cần anh quay về là được rồi..

Trên mặt bàn có để sẵn cả thuốc lá ra chiều như bảo cứ hút một điếu đi. Người thanh niên bèn cầm lên hút thật tự nhiên như thể chính anh đã sai đem ra cho mình.
- Xin mời ông vào dùng cơm.

Bà giúp việc đến thưa gửi thật lễ phép rồi quay đi. Người thanh niên theo bà ta đi qua hành lang để vào phòng ăn bày biện theo kiểu tây phương. Trần nhà có treo chùm đèn pha lê kiểu cổ. Chùm đèn không sáng quá cũng không đến nỗi tù mù, vừa đủ để chiếu sáng căn phòng. Một bà độ tuổi lục tuần đã ngồi ở bàn ăn nẫy giờ. Cô gái ngồi đối diện với bà, nói:
- Thưa mẹ, anh Shinjiro đã trở về rồi ạ.
- Thế thì tốt.

Bà có tuổi gật đầu rồi bảo người thanh niên:
- Nhưng mà cậu Shinjiro này, cậu tự tung tự tác thái quá là không được đâu. Bề nào thì cậu cũng đã kết hôn với Yuko và vào ở rể nhà Nishi chúng tôi rồi. Hẳn là thâm tâm cũng có đôi điều không được như ý. Không phải là chúng tôi không biết. Nhưng mong rằng cậu có làm gì cũng trong chừng mực vừa phải thôi.
- Vâng ạ.

Người thanh niên vừa đáp vừa hiểu ra vai trò của mình. Xem ra thì người phụ nữ còn trẻ này tên là Yuko, người đàn bà có tuổi là mẹ cô. Người đã kết hôn với Yuko và vào ở rể dòng họ Nishi này là Shinjiro. Và hình như mình đang ở vào vị trí này.

Người thanh niên cùng dùng bữa với họ. Chén bát đều sang trọng. Các món ăn tuy không phải là cao lương mỹ vị nhưng món nào món nấy đều có hương vị tự nhiên, không khiến người ta phải vì cả nể mới phải đưa vào miệng. Họ không nói gì nhiều. Ở trong phòng này nói chuyện trong khi ăn là vô phép, là điều không thích hợp.

Tuy nhiên, bầu không khí cũng không có vẻ gì là cứng nhắc, người thanh niên cảm thấy mình không phải là một phần tử dị biệt, mà như là một thành viên trong gia đình này. Có thể là điều đó cũng thể hiện sự mong mỏi của anh.

Bề nào thì hôm nay có về nhà cũng không có tiền, không biết phải xoay sở làm sao. Còn ở lại đây thì có cơm có rượu, và hơn nữa có cái gợi sự tò mò hiếu kỳ.

Sau bữa cơm, người thanh niên trở lại phòng khách, bảo Yuko:
- Tôi muốn uống thêm rượu có được không?
- Anh cứ uống tùy thích. Chắc là anh muốn có men say thêm nữa, để em đem nước đá lên.

Yuko vừa rót rượu vừa nói:
- Vừa nẫy mẹ có nói ra miệng điều ấy, nhưng anh cũng đừng bận tâm nhé. Đấy là vì mẹ lo cho anh như thể anh thực sự là con ruột của mẹ. Anh là trưởng tộc nhà này mà lại. Vì vậy, nên mẹ…
- Tôi hiểu chứ.

Người thanh niên uống thêm vài ly rượu nữa. Thật ra là anh chẳng hiểu gì cả. Anh chỉ biết là cứ càng lúc anh càng cảm thấy ở đây thật thoải mái dễ chịu. Có cái gì ấy không biết, giống như là một sức mạnh ma quái.

Đó có phải là cái bẫy khéo giăng ra không? Nhưng làm gì có kẻ nào mất công đi cài bẫy mình như thế chứ. Mình nào có cái gì đáng giá cho họ trấn lột đâu. Như vậy thì hay là họ định lợi dụng mình vào việc gì chăng. Nếu thế thì có thể nói là cho đến khi họ xong việc, mình vẫn được an toàn. Tuy nhiên anh không cảm thấy là Yuko và bà cụ đang sắp đặt một kế hoạch gì cả.

Người thanh niên muốn cứ ở lại đây mãi. Và vẫn chẳng hiểu gì cả, anh cứ uống mãi cho đến lúc say vùi. Yuko dìu anh đi.
- Nào, mình vào phòng ngủ thôi.

Sự việc cứ diễn ra một cách tự nhiên. Hai người đã cùng lên giường. Họ đã kết hôn với nhau nên cũng có sao đâu. Có vẻ là như vậy. Sau đó, người thanh niên ngủ thiếp đi. Ngủ say bình thản không chút lo âu.

Sáng hôm sau người thanh niên tỉnh giấc. Nhìn đồng hồ, anh vội vùng dậy, Yuko nói:
- Anh làm gì mà cuống lên thế?
- Phải đi ngay thôi..
- Sao lại thế chứ. Anh mới về nhà hôm qua là gì. Hẵng ở lại nhà ít lâu. Anh Shinjiro là ông trưởng tộc, việc đi ra đường phải rất thận trọng. Trừ phi là có việc gì không đi không được, thì không nói làm gì.

Nét mặt Yuko lộ vẻ khẩn khoản mong anh đừng đi. Người thanh niên gật đầu. Có việc gì không đi không được ư? Ra là thế, anh chợt nhận ra là chẳng có việc gì như vậy cả. Nếu so sánh ở công ty với ở nhà này, thì ở đây thích hơn chứ. Anh thấy mình nên ở lại đây. Ý nghĩ ấy cứ mỗi lúc một lớn dần, lan tỏa ra khắp châu thân.
- Ừ nhỉ, tạm thời tôi sẽ không đi đâu cả.
- Thế thì vui quá…

Và thế là người thanh niên trở thành người nhà ấy. Trong nhà có máy vô tuyến truyền hình, nhưng anh cũng chẳng buồn mở ra xem, vì không hợp với bầu không khí trong nhà. Mở máy hát nghe những khúc nhạc du dương có phần thích hợp hơn.

Trên kệ có rất nhiều sách. Lấy một cuốn xuống đem ra chiếc bàn rộng thật đường bệ trong thư phòng ngồi đọc cũng hay. Đó là cuốn trường thiên tiểu thuyết loại cổ điển của tác giả ngoại quốc, nhưng người đọc cứ thế tự nhiên mà đắm chim vào thế giới trong truyện. Nếu muốn cho đầu óc nghỉ ngơi, có thể nằm dài trên chiếc trường kỷ mềm mại. Thời gian cứ thế lặng lẽ trôi đi.

Nếu muốn thay đổi không khí, chỉ việc đi tản bộ trong vườn. Khu vườn tuy chẳng phải là rộng bao la, nhưng được bài trí nào hồ nước, nào hòn núi giả, nào cây cối khiến cho ta cảm thấy không gian như rộng mở.

Chầm chậm bước đi thì bỗng một nhánh cây rơi xuống bên cạnh. Anh khẽ lên kêu nho nhỏ, nghiêng mình tránh sang một bên, thì trên đầu có bóng người. Một người đàn ông tuổi trạc ngũ tuần từ trên chiếc thang gỗ được bắc vào cành cây ấy bước xuống, cúi chào anh và nói:
- Xin ông chủ thứ lỗi. Tôi mải tỉa cành trên cây nên không để ý nhìn xuống dưới đất…
- Không sao, không lỗi phải gì đâu.

Người thanh niên toan bước vào trong nhà, thì bà giúp việc hỏi:
- Bác người làm Shimakichi làm gì vô lễ với ông chủ thế ạ?
- Không có gì quan trọng đâu..

Người thanh niên vừa đáp vừa nghĩ thầm à ra đó là bác người làm. Thế mới biết là ngôi nhà này lớn dường nào. Nếu không thường xuyên chăm sóc thì chắc là chẳng mấy chốc mà hư hỏng. Thế nhưng thời buổi này mà có nuôi người làm ở luôn trong nhà, quả là một cuộc sống xa hoa. Hơn nữa, sao lại có người đàn ông chịu làm người ăn người làm ở luôn trong nhà thế nhỉ. Bà giúp việc nói như thể đã đọc được ý nghĩ của người thanh niên:
- Cha của bác Shimakichi này là người thợ ngày trước xây ngôi nhà này, do có mối duyên ấy nên bác ấy vào ở luôn trong nhà. Bác ấy thường nói là trong nhà này vẫn còn phảng phất hình bóng cha của bác, và rất chịu khó làm lụng chăm chỉ. Bác ấy còn bảo là vừa làm việc vừa viết tiểu thuyết nữa, nhưng hình như việc viết lách không xuôn sẻ lắm. Có những lúc bác ấy ngồi thừ người ra, chắc là mải suy nghĩ về cốt truyện định viết…
- Ừ, hẳn là cũng có những lúc như thế.

Người thanh niên nghĩ mình có thể hiểu được tâm trạng của Shimakichi. Ngôi nhà này có sức khiến người ta gắn bó với nó. Ở đời cũng có nhiều người bỏ phố lên rừng hay xuống biển. Nhưng nếu nơi mà họ tìm đến cũng ô tạp thì nên khôn khéo tìm ra một lối thoát khác.

Ví dụ như ở đây. Không phải là lối thoát về mặt không gian, mà về thời gian. Ồ không, thật ra thì cũng không hẳn là thế. Có thể nói nơi đây là một vũ trụ nho nhỏ thật dễ chịu cho ta ẩn náu.

Lối sống của Shimakichi khiến người thanh niên cảm thấy hơn bao giờ hết sự cao thượng trong đó. Sau này nghe Shimakichi kể, anh còn biết thêm rằng bà giúp việc vào ở đây cũng là có nguyên do. Rút cuộc là cũng vì thích khung cảnh ở đây.

Phải chăng đó cũng là duyên cớ cho phép mình ở lại đây. Người thanh niên coi cuộc sống ở đây là một niềm vui. Nào ngắm tuyển tập những họa phẩm trong thư phòng, hay giở đọc những bài cổ thi của Trung Hoa. Chịu bỏ thì giờ ra thì sẽ cảm nhận được cái hay của những tuyệt tác mà không cần giải thích. Mà thì giờ ở đây thì nhiều, nhiều lắm.

Cô vợ Yuko cũng khả ái. Người thanh niên biết cương vị của mình chỉ là người đi ở rể, nên không hề tỏ ra hống hách. Dường như cũng hiểu được tâm trạng đó của anh ta nên Yuko có thái độ nhu mì, phục tùng. Hai người đối với nhau rất mực hòa hợp thuận thảo. Tình cảm giữa họ không phải như vũ bão mà là như mưa xuân thánh thót hòa quyện vào nhau.

Hòa nhập vào một nơi mình cảm thấy dễ chịu là điều dễ dàng thôi. Người thanh niên ở lại đây. Có cảm tưởng như mình đã vào đây ở rể từ lâu lắm rồi. Càng ngày càng có nhiều lúc anh nghĩ mình là Shinjiro trong gia đình Nishi chứ không phải là Junichi. Có lý do nào khiến mình không được nghĩ như thế đâu nhỉ. Nên cũng chẳng cần phải chú ý để đừng có sơ suất. Anh ta vào vai Shinjiro thật là tự nhiên.
Dần dà anh biết được gia đình này là một dòng họ danh giá, nên không phải làm lụng vất vả vẫn sống được. Hơn nữa, họ cũng không mấy khi tiêu tiền. Người ta không cần đi du lịch đâu cả. Cuộc sống ở đây thật êm đềm. Họ không phải chạy theo thời trang mới lạ sắm sửa gì. Tất cả đều đã rất hài hòa không phải mua cái gì thay thế nữa. Cũng không phải tiêu tiền vì sĩ diện. Vì ở đây thì cũng chẳng phải gặp ai. Nhà này có giao du với ai nữa đâu ngoài những chỗ thâm giao.
Ngày tháng cứ êm đềm trôi đi, chẳng có chuyện gì gọi là xào xáo xảy ra.

Một hôm bà mẹ bảo:
- Mẹ đi viếng mộ cha. Mọi việc ở nhà nhờ các con đấy.
- Vâng, thưa mẹ, mẹ cứ yên tâm đi ạ.

Người thanh niên tiễn bà ra cửa. Thế là bà ra khỏi nhà. Nhưng mãi đến tối ngày hôm ấy bà vẫn không về. Sáng ngày hôm sau cũng thế. Đến sáng ngày thứ ba, người thanh niên lo lắng bảo Yuko:
- Sao mãi mà mẹ chưa về, không biết có làm sao không? Tôi thấy lo làm sao ấy.
- Nhưng trước đây, mẹ cũng đã từng đi như thế này, rồi mẹ cũng về thôi.
- Ừ nhỉ!

Người thanh niên nghe nói thì cũng có cảm tưởng như thế. Nhưng anh vẫn thắc thỏm không yên. Trong nhà này không thể không có Yuko và bà mẹ. Sự hiện diện của họ đã thành một điều đương nhiên phải thế. Sự vắng mặt của bà khiến anh bồn chồn lo lắng. Giống như nền nhà trống trải không có các đồ trang hoàng, hay hồ nước không có cá chép cá vàng.

Mãi cho đến vào khoảng buổi chiều ngày thứ năm, có tiếng Yuko ở ngoài cửa:
- Thưa mẹ, mẹ đã về.

Rồi có tiếng Yuko gọi:
- … Anh ơi, mẹ về rồi anh ạ.

Người thanh niên liền ra cửa đón. Bà mẹ đã ở đấy. Yuko đưa tay ra đỡ như dìu bà vào phòng. So với trước khi đi thăm mộ, mái tóc bạc của bà thưa hơn, bà thấp đi vài ba phần, nét mặt cũng khác hẳn đi. Đó là một người khác với người đi thăm mộ.

Nhưng dù có là người khác thì cũng chẳng sao. Người thanh niên đã phải trải qua tâm trạng lo âu lúc bà vắng nhà. Anh nói với bà:
- Thưa mẹ con xin phép phải thưa với mẹ rằng, chúng con đã lo lắng suốt mấy ngày qua. Mẹ có đi đâu ở lại thì ít nhất cũng liên lạc về nhà cho chúng con biết chứ.. Không thì lo lắm ạ.
- Nhưng tôi cũng có việc nọ việc kia…

Bà mẹ còn đang lắp bắp nói thì Yuko liền bảo:
- Con biết ạ. Mẹ muốn làm gì tùy ý, không sao đâu ạ. Nhưng xin mẹ nghĩ đến chúng con ở nhà lo lắng.
- Từ nay tôi sẽ làm như vậy.

Sau đó ít lâu bà đã tỏ ra nhũn nhặn. Chắc là bà cảm thấy hối hận vì mình đã cư xử không nên không phải. Nhưng ngày lại ngày, dần dà bà đã lấy lại phong thái đường bệ. Phải như thế mới được chứ.

Một hôm nhà có khách. Một quý ông đã luống tuổi. Đó là người bạn thân với chồng bà, tức là người cha đã quá cố của Yuko, khi ông còn sinh tiền. Ông khách nhắc lại những chuyện trong kỷ niệm với ba người trong nhà này:
- Ông nhà là một người kiệt xuất. Vừa là doanh nhân thành đạt, vừa là một nhà văn hóa. Tính tình khẳng khái trước sau như một. Sau cái vẻ trầm tĩnh là một con người cương nghị. Ngôi nhà này làm tôi lại nhớ lại biết bao nhiêu là kỷ niệm. Ấy quên, tôi mới đi du lịch về có mua chút bánh này làm quà…
Ông ta đưa gói quà ra, lại nói thao thao một hồi rồi ra về. Sau đó Yuko mới nói với người thanh niên rằng;
- Ông ấy là người đàng hoàng tử tế, nhưng mỗi lần đến chơi, ông cứ kể đi kể lại mãi vẫn những chuyện ấy.
- Vậy ư. Mình ăn bánh đi nào.

Ngày tháng vẫn êm ả trôi đi. Bà cụ là mẹ hiền. Yuko là con ngoan. Người thanh niên là rể quý và là người chồng tốt của Yuko. Bà giúp việc lẫn bác người làm đều siêng năng chăm chỉ, tất cả tạo nên một nền nếp gia phong thật gương mẫu. Mà cũng có thể nói rằng nền nếp gia phong mẫu mực ấy đã khiến tất cả thành như thế. Ai cũng yêu mến nhà này.

Một hôm Yuko hỏi người thanh niên:
- Ngày mai em đi đằng này được không. Có buổi họp mặt của các bạn học cũ thời trung học đệ nhị cấp. Nhưng nếu anh bảo đừng đi thì em sẽ không đi..
- Nếu em muốn đi thì anh không cản đâu. Nhưng nhớ đi cẩn thận. Nhớ đừng quên nhà này..
- Anh nói gì thể, đừng đùa nhảm như thế chứ....
- Ừ, nói thế thật là không phải. Anh xin lỗi đấy. Nếu phải về trễ thì nhớ liên lạc về nhà nhé.

Thế là Yuko ra khỏi nhà. Nỗi lo âu của người thanh niên đã thành sự thực. Đến giờ cơm chiều, Yuko vẫn không trở về. Chỉ có hai người, người thanh niên và bà mẹ cùng ăn cơm với nhau. Anh nói:
- Có vẻ như Yuko về trễ. Không biết có việc gì không ..
- Thế nào rồi Yuko cũng về thôi. Con bé này hơi có phần tự tung tự tác, quen muốn gì được nấy. Con gái ở nhà mình có chồng vào làm rể mà. Cậu Shinjiro à, chắc là nó đã làm cậu buồn lòng. Nếu có thế nào thì tôi là mẹ Yuko, tôi xin lỗi cậu đấy.
- Không sao đâu ạ. Không có chuyện ấy đâu ạ.
- Dù sao thì Yuko cũng tự tung tự tác quá. Khi nào Yuko về tới, cậu hãy tỏ ra nghiêm khắc hơn với nó ..
- Nhưng mà..
- Cậu cứ thế là không được đâu. Thỉnh thoảng cậu cũng phải nói nặng lời với nó. Ngần ấy tuổi đầu rồi, không lẽ để cha mẹ vẫn còn phải nhắc nhở nữa thì không hay ho gì.
- Vâng, con xin làm theo lời mẹ.

Người thanh niên và bà mẹ cùng cười với nhau. Tối hôm ấy người thanh niên chỉ có một mình. Anh cảm thấy buồn. Yuko là người không thể thiếu ở nhà này.

Sang ngày hôm sau Yuko vẫn không về. Không thể chịu dựng được sự trống vắng, mới chiều tối anh đã uống rượu. Tối hôm ấy anh nằm mơ. Một giấc mơ không đâu vào đâu. Rồi anh tỉnh dậy. Chợt nhận ra là không có Yuko anh lại uống tiếp.

Vì thế, đến ngày hôm sau anh hơi bị váng vất. Đến chiều, ở ngoài cửa có bóng người. Người thanh niên lơ đãng trông thấy một cô gái ra chiều ngơ ngác bước vào, thì ngay sau đó có tiếng bà mẹ.

- Thế này là thế nào? Thân là đàn bà có chồng mà tự tiện đi vắng nhà như thế ư? Người nhà nào khác mà làm thế thì đã đành, chứ người nhà Nishi này mà làm thế là không thể tha thứ được.
- Dạ, con xin lỗi, con trót lỡ..
- Không thể nói trót lỡ rồi cho qua mà được. Cô hãy mau vào xin lỗi anh Shinjiro đi..
- Vâng, từ nay con sẽ không làm như thế nữa.

Cô gái tới chỗ người thanh niên nói:
- Em xin lỗi đã về trễ.

Người thanh niên đón cô vào. Mái tóc cô dài hơn, khi cười trên má không còn có lúm đồng tiền, đuôi mắt giờ có thêm nốt ruồi nho nhỏ. Cô gái khác hẳn với Yuko trước khi đi họp mặt với bạn học cùng lớp.

Thế nhưng có khác cũng chẳng sao. Chỉ cần Yuko quay trở về là đủ. Một khi đã trở về nhà này thì đó là Yuko.
- Em không cần phải xin lỗi. Tuy là anh cũng định trách móc đủ điều đấy, nhưng thấy em trở về bình yên vô sự thì chẳng còn nói gì được nữa.

Tối hôm ấy người thanh niên và Yuko lại ngủ chung giường.

Được vài ngày sau bầu không khí ngượng ngịu giữa họ vẫn còn lại đôi chút. Vợ vắng nhà mà không cho chồng biết là mình đi đâu, nay mới về, thì có như thế cũng là đương nhiên. Tuy thế, chuyện ấy rồi cũng nguôi ngoai dần, những ngày tháng êm đềm lại trở về với bà mẹ, Yuko và người thanh niên.

Thế rồi áng chừng một tháng trôi qua. Thì có một người khách đến nhà. Một gã đàn ông chạc 30 tuổi, mặt mày hốc hác. Bà giúp việc vào báo cho chủ biết:
- Thưa ông chủ, đấy là ông Hanagoro là người họ hàng của nhà ta đấy ạ. Ông ấy lại đến hỏi vay tiền. Thật là rầy rà.
- Vậy ư, nói thế thì tôi cũng có nghe qua chuyện này. Đâu như là người em họ, con trai người cô của Yuko.
-Vâng.
-Gia đình nào thì cũng có người họ hàng đến quấy rầy như thế. Chuyện này phải làm cho dứt khoát đâu vào đấy mới được. Để tôi bảo anh ta…

Người thanh niên bước ra cửa nói:
- Anh có liên hệ ruột thịt với chồng người cô của Yuko phải không. Mới đây tôi đã đem giấy tờ cũ ra xem thì thấy là khi cha Yuko qua đời, một phần tài sản của ông đã được chia cho người em gái tức là cô của Yuko, cho nên hẳn là mọi chuyện đã được giải quyết xong xuôi rồi. Sau đó cô của Yuko cũng đã qua đời, nghe đâu cha của anh đã dùng món tiền ấy làm vốn kinh doanh thì phải …
- Vâng, chuyện làm ăn ấy đã sinh ra lắm chuyện ạ…
- Có lẽ là việc gì thì cũng có những khó khăn, nhưng vì thế mà anh đến đây khóc lóc ..là rầy rà cho chúng tôi lắm. Anh không có liên hệ ruột thịt gì với nhà Nishi chúng tôi. Anh đã hiểu chưa? Tôi vào làm rể nhà này nên bây giờ tôi là trưởng tộc của dòng họ Nishi. Tôi ở vào cương vị phải có bổn phận duy trì dòng họ. Nếu mỗi lần anh có chuyện gì mà chúng tôi lại phải giúp anh, thì nhà Nishi này cũng sẽ xiêu đổ mất. Nếu anh có căn cứ gì để đòi chúng tôi phải giúp thì lại là chuyện khác….
- Dạ không, tôi không có ý định ấy. Nhưng vì không biết xoay sở thế nào, và cũng không biết chạy đâu ra tiền.

Người thanh niên bèn hạ giọng nói nhỏ với người đàn ông tên Hanagoro rằng:
- Nẫy giờ là tôi nói về lý thì như thế, Nhưng nếu hất hủi, lạnh nhạt đuổi anh đi thì mang tiếng cho dòng họ Nishi. Thôi thì tôi sẽ lấy từ tiền bỏ túi riêng của tôi để cho anh một chút đây. Chuyện này không cho vợ và mẹ tôi biết. Mong là anh hãy cầm lấy rồi ra về cho.

Người thanh niên gói một ít tiền đưa cho Hanagoro. Hanagoro cúi gập người xuống mà nói;
- Xin cảm ơn anh. Anh thật là một người đàng hoàng. Thế này thì nhà Nishi sẽ vững như bàn thạch. Tôi thực tình cũng không muốn đem chuyện này đến đây quấy rầy, nhưng bất đắc dĩ chẳng biết làm sao..

Hanagoro thì thụp cảm ơn năm lần bẩy lượt dai dẳng mãi rồi mới chịu ra về. Sau đó người thanh niên báo lại cho Yuko và bà mẹ biết là đã giải quyết xong xuôi vụ Hanagoro. Hai người đàn bà thấy lòng nhẹ nhõm, cứ ngây người ra mà nhìn anh với ánh mắt nể phục và tin tưởng, cậy nhờ. Khoảng cách còn sót lại vì chuyện Yuko vắng nhà mấy hôm như được hàn gắn, tình cảm giữa họ lại càng thêm thắm thiết.

Người thanh niên không hề ra khỏi nhà. Không cần và anh cũng không muốn đi. Các món ăn do bà giúp việc nấu vừa miệng anh, bác người làm luôn tay chăm sóc vườn tược cửa nhà giữ cho cuộc sống ở đây lúc nào cũng dễ chịu.

Ánh sáng từ bên ngoài chiếu vào vừa đủ sáng, rất thích hợp với nội thất. Sách muốn đọc bao nhiêu cũng có. Nếu cảm thấy thiếu vận động thì đi ra vườn khua cây gậy đánh gôn là thư giãn được ngay.

Cứ cách vài tháng lại có người quản lý tài sản đến nhà. Đó là người luật sư sống gần nhà, một ông trạc lục tuần. Ông ta vừa trình bản báo cáo, vừa nói với người thanh niên:
- Tình trạng hiện nay là như thế này. Số tiền có thể chi tiêu được còn có từng này.
- Tôi không rành về chuyện này, chắc là sẽ còn phải học hỏi thật nhiều, nhưng chỉ việc nhờ tiên sinh trông coi giúp là yên tâm được rồi, thành ra cũng chẳng còn nghĩ đến chuyện học hỏi nữa...
- Đương nhiên là chúng tôi phải đáp lại sự tin tưởng của quý thân chủ. Tôi được có quan hệ với gia tộc nhà ta đã lâu, từ thời cụ ông cơ ạ. Tôi vẫn thường căn dặn con trai tôi như thế. Con trai tôi cũng đã lấy bằng luật sư, dạo này cũng làm được nhiều việc. Vâng, tôi xin trao ông món tiền này, xin ông đóng dấu vào đây cho.
- Con dấu à. Không biết để đâu rồi nhỉ. À, ở trong ngăn kéo bàn này. Vâng, thế này được chưa ạ.
- Vâng tốt lắm. Tôi xin cáo từ, và xin hẹn lần sau lại đến.

Ông ta ra về. Người thanh niên lấy một phần trong số tiền ông ta trao cho cất vào ngăn kéo, rồi đưa số tiền còn lại cho Yuko. Vợ là người lo việc chi tiêu trong nhà. Món tiền cất vào ngăn kéo là để phòng khi có việc, như vụ Hanagoro chẳng hạn. Tuy gọi là tiền tiêu vặt, nhưng kỳ thực vì không đi đâu nên hầu như là không cần đến.

Người thanh niên nhìn vào bản báo cáo. Giả sử đem bán các cổ phiếu và những bất động sản này, sẽ có được một món tiền lớn. Nhưng đó chỉ là giả sử, chứ anh ta không có ý định ấy. Chẳng có việc gì cấp bách để phải dùng tới món tiền lớn. Cho dù có từ bỏ cuộc sống này để đánh đổi lấy món tiền lớn, thì cũng không biết dùng tiền bằng cách nào để có được hơn những thứ hiện đang có. Hiện tại chính là mẫu mực tốt nhất về tài sản mà anh có được.

Bà giúp việc đi ra ngoài rồi không trở về. Yuko phải làm cơm hai hôm. Cùng với bà mẹ, hai người cùng làm rất vui vẻ. Đó là món ăn gia truyền của nhà Nishi.Thế rồi bà giúp việc trở về. Tuy là một người khác hẳn với lúc đi, nhưng vẫn là bà giúp việc đã ở nhà này từ xưa.

Bác người làm cũng có lần đi ra ngoài rồi không trở về. Nhưng chỉ độ ba hôm sau, lại trở về vào lúc cánh cổng hơi hé mở. Đương nhiên là mặt mũi lẫn dáng dấp khác hẳn với trước khi đi, nhưng vẫn không có gì khác ở chỗ bác ta là Shimakichi, con trai của người thợ mộc đã xây ngôi nhà này, với tình cảm quyến luyến không ngớt dành cho khu vườn lẫn ngôi nhà.
Đó là những ngày tháng êm đềm phong nhã. Cứ như thế này mãi có sao không nhỉ? Ý nghĩ ấy có lúc chợt thoảng qua trong tâm trí người thanh niên.

Một hôm, anh kê lại chiếc bàn trong thư phòng, để hơi nhích sang một bên. Vì anh thích chiếc bàn ở vị trí như thế hơn. Yuko thấy vậy thì liền nói:
- Ồ, không được. Phải kê lại vào chỗ cũ.
- Anh nghĩ là kê thế này hay hơn.
- Không được. Phải giữ theo đúng phong cách của nhà này.
- Nhưng… chỉ có thế thôi mà không được sao!
- Chỉ có thế, nhưng một khi đã đổi khác rồi, là mọi thứ sẽ bắt đầu cứ thay đổi mãi không ngừng. Phải xác định cho rõ ràng cái phong cách phải theo.

Đôi bên lời qua tiếng lại, không ai chịu nhường ai. Chuyện gì Yuko cũng tỏ ra ngoan ngoãn, nhưng về chuyện này thì Yuko có thái độ rất quyết liệt:
- Anh Shinjiro đã thành người nhà Nishi rồi, mà không theo phong cách của nhà này thì...
- … Vô lý! Tôi đi ra ngoài uống rượu đây.

Bị đụng chạm đến chuyện ở rể, nên anh muốn cưỡng lại, muốn đi tìm cái gì để giải khuây. Thế là người thanh niên ra khỏi nhà, quả là lâu lắm rồi anh mới ra khỏi nhà.
Nhưng đáng tiếc là quanh đó chỉ là khu dân cư. Không có quán rượu nào cả. Anh đi mãi qua phố buôn. Ngoảnh nhìn lại thì không còn thấy nhà cửa hay cây cối nữa. Đi mãi mới tìm thấy một quán rượu. Uống hết một chén rượu, người thanh niên mới chợt nhận ra rằng mình không phải là Shinjiro ở nhà Nishi, mà là anh chàng độc thân tên Junichi làm việc trong một công ty chán chết với đồng lương quèn. Anh chợt hiểu ra rằng mình đã lọt ra ngoài sức mạnh vô hình của ngôi nhà ấy.
Từ ngày hôm sau đó, người thanh niên trở về với cuộc sống trước đây của Junichi. Tuy bị khiển trách vì đã vô cớ nghỉ việc một thời gian dài, nhưng anh khai rằng mình bị mất trí nhớ, nên không bị hạch hỏi gì thêm. Đúng lúc công ty đang thiếu người, lại thêm anh cũng chẳng gây thiệt hại gì cho công ty, nên được trở lại làm công việc cũ. Nhưng hẳn là sẽ chậm lên lương, và bị giảm bớt tiền thưởng hàng năm.

Thỉnh thoảng anh nhớ lại cuộc sống trong ngôi nhà ấy. Không biết tại sao lại như thế. Chỉ có thể là một giấc mơ. Hay là anh đã bị cái gì ám vào người chăng. Nhưng anh lại cảm thấy nếp sống ấy mới thực sự là theo lẽ thường phải thế.

Ở đấy mọi thứ đều có quy củ. Tất cả mọi thứ tồn tại đều có giá trị và cần thiết. Ngôi nhà, khu vườn, cả cây cối trong vườn, và cả đến bàn ghế giường tủ trong nhà. Những người sống trong nhà ấy cũng thế, mỗi người đều có vị trí của mình, đều biết mình phải như thế nào. Chính vì vậy mà mọi việc mới xuôn sẻ tốt đẹp.

Có danh giá, có nề nếp, có lễ nghĩa. Mọi thứ đều kết hợp thật hài hòa đến có thể diễn tả là một vẻ đẹp hoàn mỹ. Một tập hợp của toàn là những thành tố tất nhiên phải có.

Đó là điều mà lâu nay người thanh niên không nghĩ tới. Giờ đây tất cả chỉ còn là hoài niệm. Dường như ở đấy anh đã đọc rất nhiều sách, nghe rất nhiều nhạc, nhưng bây giờ anh đã quên hết. Những cái có vẻ như là kiến thức ấy đã đi đâu mất hết, như thể chiếc áo đã bị cởi ra. Chỉ còn lại là sự nuối tiếc. Có thể nào trở lại cuộc sống ấy không? Không cần giải thích, anh cũng biết là không thể. Chỉ việc quay trở lại khu phố buôn trông thấy nhà cửa cây cối là có thể trở lại cũng không chừng. Thế nhưng, nay anh đã xa rời chốn ấy và nhận ra mình là Junichi mất rồi, thôi thế là hết.

Người thanh niên vẫn còn lưu luyến cảnh cũ người xưa, mỗi khi thấy nhớ quá, anh lại đến trước ngôi nhà ấy xem thử. Nhưng lúc nào ngôi nhà cũng cửa đóng then cài. Như thể không muốn cho ai vào. Sau nhiều lần như thế, người thanh niên hiểu ra rằng đành phải thôi vậy..

Được vài tháng sau người thanh niên lâm vào tình cảnh không còn một đồng một chữ. Anh đã đến nhà ông chú nhưng bị từ chối. Tuy biết chắc là không được, nhưng vô tình chân anh vẫn bước về phía ngôi nhà ấy. Hãy cố thử nhờ họ giúp cho vậy. Không biết là Yuko có còn nhớ chút nào về mình không nhỉ. Dù có phải trèo qua tường, hãy cứ thử tìm cách vào trong nhà.

Hôm ấy, cánh cổng hơi khép hờ như đã từng có lần như thế. Thế là anh ta vào được. Bước tới cửa ra vào, anh đánh tiếng:
- Có ai ở nhà không ạ?

Bà giúp việc bước ra. Đó là một khuôn mặt không có trong ký ức của anh.
- Xin ông đợi cho một lát.

Anh đợi một lát thì có một người đàn ông hiện ra. Anh ta tuổi chừng 30, trông có vẻ điềm đạm. Người đàn ông nói:
- Anh Hanagoro đấy phải không? Nghe đâu anh là người họ hàng bên nhà người cô của Yuko. Tôi là Shinjiro…

Nghe anh ta nói, người thanh niên có cảm giác như mình đã trở thành nhân vật Hanagoro. Người đàn ông nói năng hòa nhã. Thế là tự nhiên anh cúi đầu xuống mà thốt lên rằng:
- Xin lỗi ông, nhưng tôi không còn cách nào khác là đến đây..
- Tôi sẽ lấy một ít từ tiền bỏ túi riêng của tôi cho anh…

Nhận tiền xong đi ra khỏi cửa, mãi một lát sau đó người thanh niên vẫn còn là Hanagoro. Nhưng khi về đến chỗ trọ, anh lại trở thành Junichi. Món tiền cầm trong tay không đi đâu mất mà vẫn còn nguyên. Nhờ thế mà cuối cùng anh cũng trả xong món nợ đã không biết xoay sở làm sao.

Một năm sau người thanh niên đính hôn. Anh đã từ bỏ tham vọng ngoài tầm tay với, để an phận với cuộc sống bình dị. Vị hôn thê của anh là một cô gái trông có thiện cảm. Hy vọng là họ sẽ ăn đời ở kiếp với nhau được. Anh kể lại cho vị hôn thê nghe trải nghiệm khó bề giải thích ấy.
- Bây giờ anh vẫn tưởng chừng đó là chuyện trong mơ.
- Lạ lùng thật đấy. Khó tin quá. Biết đâu đấy chỉ là ảo giác? Con người ta có những điều mình không hề làm nhưng vẫn có cảm giác là mình đã làm, và nghĩ tới như là nhớ lại một kỷ niệm. Em cũng có cảm giác như thể là ngày bé đã sống gần sông nước, nhưng thực ra không phải vậy.
- Trường hợp của anh lại khác, không phải thế đâu. Anh đã thực sự sống ở đấy. Vì vậy cho đến bây giờ anh vẫn cảm thấy thật là kỳ lạ.
- Ngôi nhà ấy ở đâu thế? Anh dẫn em tới đấy cho em xem thử nào. Em tò mò muốn biết quá.

Người thanh niên bèn cùng với vị hôn thê đi đến ngôi nhà ấy. Ngôi nhà vẫn ở đấy, không khác chút nào so với dạo ấy. Hết thảy đều vẫn y hệt như xưa.
- Ngôi nhà ấy đấy. Kia là chỗ cửa ra vào, còn kia là phòng ăn. Đằng sau cái cây ấy có hòn núi giả..

Người thanh niên giải thích cặn kẽ, rồi nói thêm:
- ... Nhưng bây giờ không vào trong nhà được nữa.
- Ơ, vào được anh ạ. Chỗ kia kìa. Để em thò đầu vào xem thử một tí nhé.

Cánh cổng chấn song hơi hé mở. Cô gái đẩy cánh cổng cho mở ra và bước vào.

Người thanh niên cũng nối gót theo sau.
Bà giúp việc từ cửa sổ tầng hai nhìn xuống nói:- Ơ, cô chủ.
Rồi cửa mở và một bà lớn tuổi bước ra nói:
- Cô làm sao thế hả Yuko? Cô bảo đi dự buổi họp với bạn cùng lớp, mà đã hai ngày rồi không về. Đã thế còn dắt cả bạn trai về theo là điều không thể tha thứ được. Cô đã có chồng là Shinjiro…
Thế rồi bà cụ dắt cô gái đi vào trong nhà. Người thanh niên định theo vào thì cánh cửa ra vào đã đóng sập lại. Anh cố đẩy cửa để vào nhà, thì bác người làm từ trong vườn đi ra. Bác người làm rất trung thành với ngôi nhà và gia đình này. Đó là một khuôn mặt mà người thanh niên không hề biết. Nhưng bác ta chính là con trai của người thợ mộc đã xây cất ngôi nhà này, mà bác rất yêu mến gắn bó với nó, để giữ gìn quy củ phép tắc của gia đình này bác có thể làm bất cứ điều gì, người thanh niên hiểu rất rõ điều ấy.
Người thanh niên bước ra khỏi cổng nhà, và cánh cổng có chấn song đã đóng lại, dù có hết sức đẩy, chắc là không còn mở ra nữa.

Nguyên tác Mon no aru ie của Hoshi Shinichi

Quỳnh Chi dịch (15/10/2023)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét