Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 20 tháng 11, 2023

Mắng Yêu - Phan Hạnh



Không biết kể từ lúc nào, tôi trở thành một cố vấn gia đình nghiệp dư. Có mấy đứa cháu (toàn là cháu vợ mới ngộ) cứ nghĩ rằng người già thì có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống chồng vợ và gia đình nên khi gặp khó khăn, chúng đi vấn kế tôi. Chúng đâu có biết rằng tuy tôi tóc bạc da mồi nhưng vẫn còn rất khờ khạo trong chuyện tình cảm. Chính thân tôi còn lo chưa xong, mấy phen hú vía tưởng đâu gia đình tan vỡ vì mãi mãi tôi vẫn là một đứa con trai khờ khạo với con tim không bao giờ trưởng thành và là một người chồng cù lần, theo như lời vợ tôi nhận xét.
<!>
Vừa mới đây lại có thêm một thằng cháu vợ từ một thành phố khác của xứ Mỹ rộng mênh mông này nhào vô Yahoo! Messenger, chít chát để tâm sự với tôi về chuyện gia đình nó. Nó ở miền Trung Tây xứ Cờ Hoa, cách chỗ tôi ở 2 múi giờ. Do đó, giờ tôi phải lên chuồng mỗi tối thì nó lại lò mò lên mạng réo tôi:
- Chú ơi con muốn nói chuyện với chú được không?
Tôi đáp, không sốt sắng lắm, vì tôi rất dở đóng kịch:
- Ðược... Chuyện gì con cứ nói đi.
Nó than thở:
- Má con làm cho con muốn điên luôn đó chú à!
- Má con làm gì mà con muốn điên?
Tôi hơi tỉnh ngủ.
- Má con xía vô đời tư của con nhiều quá. Má con không cho con một chút tự do nào hết. Má con xen vô công việc làm của con nữa. Bạn gái nào con chọn Má con cũng chê hết. Con quyết định dọn ra ở riêng đây.
Nó nói một hơi. Tôi ngẫm nghĩ, thằng nầy lạ chưa, 33 tuổi rồi mà vẫn còn ở chung với ba má nó; tới nước nầy chưa dọn ra riêng thì còn đợi tới chừng nào nữa đây. Tôi liều đóng vai thằng què dắt thằng mù, nghiêm giọng nói với nó:
- Con dọn ra ở riêng là phải rồi.
- Vậy chú nói với Má con giùm nha chú?

Trời ơi, hóa ra thằng mù nầy định chặt luôn cái giò còn lại của thằng què hay sao chớ. Nó xúi dại tôi rồi. Tôi khờ khạo thật. Má nó dữ như bà chằng, dữ hơn vợ tôi nhiều. Mức độ dữ của vợ tôi không thôi...đã đủ làm cho tôi bầm dập; tôi đụng tới Má nó nữa thì chỉ có nước sớm đi về cõi không tên. Cái điệu nầy là tối nay tôi sẽ mất ngủ nữa rồi, mặc sức chơi trò nướng bánh đa, bánh tráng mè, bánh phồng, nằm trên giường trở mình qua trở mình lại cho tới sáng.
Thật tôi không thể hiểu tại sao nó lại sợ Má nó quá trời như vậy nữa. Nó là một đứa bé tuy là người Việt nhưng lớn lên trong một môi trường xã hội Âu Mỹ, hấp thụ văn hóa và học vấn phương Tây, tốt nghiệp đại học và là một nha sĩ có phòng mạch riêng, thành đạt trong công việc kinh doanh; vậy mà sợ Má.
- Chú Hoàng còn đó hôn chú?
- Hả? Ờ... còn.
- Nảy giờ chú có nghe con nói hôn?
- Ờ... có.
- Vậy chú nói giùm với Má con nha!
- Ờ... Ðể chú nói.
- Chừng nào chú nói?
- Ðể chú hỏi lại cô đã.
- Chú hỏi gấp giùm nha chú. Con chịu Má con hết nổi rồi. Tối mai con gọi lại chú nha. Bye chú.
- Bye con.
Tắt máy xong, tôi tự tức mình bởi cái tánh yếu mềm cả nể để rồi đêm nay sẽ trằn trọc suy nghĩ và mất ngủ. Mà sao lạ ghê. Nó là cháu họ của vợ tôi. Vợ tôi với Má nó là từng là bạn thân với nhau; nếu có bà con họ hàng thì cũng xa lắc xa lơ súng cà nông bắn không tới. Ba nó với tôi lạ hoắc. Vậy mà nó kêu tôi bằng chú, kêu vợ tôi bằng cô theo kiểu người Bắc. Cái nầy tôi chịu thua, không biết tại sao, do đâu mà ra. Nó bảo nó cảm thấy nói chuyện thổ lộ tâm tình với tôi dễ hơn là với ba nó vì theo lời nó, ba nó nghe biết bất cứ chuyện gì cũng báo cáo lại với Má nó.
Tôi lên lầu nói với vợ:
- Thằng Khoa mới gọi. Nó nói nó chịu đựng má nó hết nổi rồi. Nó nhờ anh xin giùm với má nó cho nó dọn ra ở riêng.
Vợ hỏi:
- Rồi anh trả lời sao?
- Anh hứa chịu nói với chị Hương sau khi bàn lại với em.
- Anh hứa thì anh phải giữ lời đó chớ em nói rồi mà chị cũng không nghe.
- Vậy thì sáng mai em gọi nói chuyện với chị rồi đưa điện thoại cho anh nói.

Tôi về phòng mình nằm nghĩ ngợi tơ lơ mơ về chuyện của Khoa. Nó là con độc đinh. Ba nó ngày xưa làm công chức trưởng phòng, trưởng ty gì đó nhưng hiền khô, có khi còn khờ khạo hơn tôi. Người khôn con mắt đen xì; kẻ dại con mắt nửa chì nửa than. Ca dao xưa nói vậy. Mắt tôi có màu nâu nâu, chì than gì cũng không tới phân nửa. Mắt của anh Bình, cha của Khoa, chắc còn lợt màu hơn mắt tôi. Tôi hạt dẻ; anh hạt đậu phọng. Anh Bình lấy vợ trễ. Chị Hương trẻ hơn anh cũng 5-6 tuổi. Chị Hương, mẹ của Khoa, lanh lẻo còn hơn kịch sĩ Hồng Ðào, ăn nói hồn nhiên quá sức, bạ đâu nói đó, đốp chát ào ào, không ngán đám đông và cũng không ngán đàn ông.
Bình lù đù thụ động bao nhiêu thì Hương hoạt bát xốc vác bấy nhiêu. Hương là cấp chỉ huy và Bình là tà lọt trong nhà. Hai vợ chồng chỉ có một mụn con là Khoa cho nên cưng yêu quá chừng.
Qua tới Mỹ năm 1982, Bình đã 40, Hương băm mấy, và Khoa 6 tuổi. Vợ chồng Bình Hương đi làm hãng xưởng chế tạo đồ nhựa dành dụm tiền nuôi con ăn học. Hương rất khéo dạy con, biết tùy lúc mà dịu ngọt khuyên bảo hoặc hăm dọa, biết dùng tình thương và nước mắt để thúc đẩy con đi theo con đường mình muốn. Dù phương cách đào tạo con của Hương có khi hơi cay nghiệt nhưng bằng nghị lực và hy sinh bền bỉ, Hương đã đạt ý nguyện có một đứa con nha sĩ làm nở mặt nở mày với bạn bè và cộng đồng. Khoa đối với Hương như một báu vật. Hương đang ra sức bảo vệ và muốn gìn giữ nó cho riêng mình.

Kể từ ngày nha sĩ Khoa Nguyễn khai trương phòng mạch mới, khu phố thương mãi nầy bỗng nhiên khởi sắc. Các cửa tiệm lân cận dường như cũng trở nên đông khách hơn. Phòng mạch khang trang sáng sủa, ông nha sĩ trẻ măng linh hoạt, lúc nào cũng tỏ ra ân cần nhã nhặn với thân chủ, bất luận là thân chủ trẻ hay già, nam hay nữ. Tuy đến xứ nầy từ tấm bé, Khoa vẫn nói được tiếng mẹ đẻ một cách sành sõi, nhất là biết cách xưng hô với thân chủ đồng hương tùy theo tuổi tác, lúc con lúc em nghe ngọt xớt chứ không như một vài nha sĩ bác sĩ trẻ khác cứ xưng hô với bịnh nhân là "Hả miệng lớn ra cho nha sĩ coi" hay "Hôm nay đến đây gặp bác sĩ để làm gì, nói cho bác sĩ biết đi". Thân chủ của Khoa không những chỉ là người Việt mà còn là người thuộc nhiều gốc gác di dân khác. Sự hoạt bát và cách trò chuyện có duyên kèm với ánh mắt, nụ cười, Khoa có thể chinh phục cảm tình của mọi người. Công việc làm ăn của phòng mạch cứ đều đặn tăng triển một cách tốt đẹp.
33 tuổi, Khoa vẫn chưa lập gia đình. Một thanh niên khỏe mạnh bảnh trai với nước da trắng hồng tươi mát kèm với một hàm răng đều như hàng mẫu, Khoa là niềm hãnh diện của cha mẹ, nhất là mẹ. Hương xem Khoa như là một thứ tuyệt tác của riêng nàng, một tác phẩm mà nàng phải dày công tạo dựng qua nhiều năm tháng miệt mài. Nàng muốn mãi mãi giữ nó để làm của riêng. Tình mẹ của nàng đối với Khoa là thứ tình chiếm hữu không nhượng giao cho bất cứ một ai khác. Và đó chính là nỗi khổ tâm thầm kín của Khoa.
Nằm trằn trọc nướng bánh đa, bánh tráng, bánh phồng, tôi bắt liên tưởng tới hoàn cảnh vợ chồng tôi. 3 đứa con đã có gia đình riêng hết cả và đã cao bay xa chạy đến những khung trời xa lạ đầy tự do và hứa hẹn. Mọi chuyện trên đời nầy muốn có được thì phải trả bằng một cái giá nào đó. Ðược nầy mất kia. Tôi không xúi mà cũng không cản, cứ để cho mọi chuyện tự nhiên trôi theo dòng đời.
Sáng hôm sau, vợ tôi gọi cho Hương, giả vờ như chỉ lâu lâu gọi hỏi thăm nhau vậy thôi. Tôi hồi hộp sắp sửa tới phiên mình phải đối đáp với một bà La Sát vì dám xía vô chuyện riêng của gia đình bà. Tôi đi rót cho mình một ly rượu chát, ực một hơi rồi ra dấu bảo vợ đưa điện thoại cho tôi.
Vợ tôi nói:
- Ông Hoàng có chuyện gì muốn nói với bà nè.
Tôi chụp điện thoại nói ngay, nóng mặt vì ly rượu chát mới uống:
- Chị Hương ơi, bộ chị không muốn sớm có cháu để bồng để nựng sao?
- Ủa? Sao bữa nay bỗng dưng anh hỏi tôi cái chi mà lạ vậy? Mới sáng mà đã Johnny Walker say rồi sao? Bộ anh có đứa cháu nào anh muốn làm mai hả?
- Không. Tôi không muốn ăn đầu heo quay đâu, cho dù là heo sữa. Mỡ không hà! Tôi hỏi là vì tôi biết cháu Khoa muốn tự lập để cho anh chị khỏi phải bận tâm lo lắng quá cho cháu nữa. Nó muốn dọn ra ở riêng để khỏi làm phiền anh chị đó. Vậy chị cũng nên để cho cháu được tự lập vì nó cũng quá 30 tuổi rồi.
- Anh nói vậy có nghĩa là từ trước tới giờ tôi kềm kẹp nó đó hả?

Tôi muốn nói là "Ðúng vậy!" hết sức nhưng tôi sợ nghe chửi. Tôi chỉ giải thích là tôi e rằng nó có thể bị mặc cảm phải lệ thuộc nương tựa cha mẹ khiến cho nó không được thoải mái giao tiếp với bạn bè trang lứa và điều đó có hại cho sức khỏe tâm thần của nó. Tưởng sao, Hương phản bác:
- Thôi đi anh ơi! Làm sao anh hiểu nó bằng tôi. Tôi là mẹ của nó, tôi hiểu rõ nó hơn bất cứ ai khác. Chưa chắc là nó hiểu nó bằng tôi hiểu nó. Nó giống y như ba nó về cái tánh lờ khờ. Tôi mà không theo sát nó để dòm ngó thì thế nào nó cũng bị người ta dụ. Con gái bây giờ tụi nó ghê lắm. Cỡ như thằng Khoa nhà tôi bỏ hở ra là tụi nó xỏ mũi cái rụp!
- Bộ chị định bắt nó ở nhà với anh chị suốt đời nó hả?
- Ðúng vậy! Tôi đang kiếm vợ cho nó. Nó có cưới vợ rồi thì cũng phải ở chung với vợ chồng tôi để tôi còn bảo vệ nó.
- Chị làm quá coi chừng nó chịu không nổi nó mang bịnh đó.
- Trời đất ơi! Bộ anh trù cho con tôi bịnh hả?
- Tôi không có trù ẻo gì hết. Chính cháu Khoa khổ sở than thở với tôi đó. Vì thương cháu, tôi chỉ muốn báo động cho anh chị biết thôi. Hiện giờ nó chỉ muốn ra ở riêng cũng quanh quẩn gần chỗ anh chị thôi chớ nó có bỏ đi tiểu bang khác đâu mà chị cấm. Nó nhờ tôi nói vô với chị giùm nó. Tôi giữ lời hứa với nó rồi. Anh chị bằng lòng theo ý nó đi cho nó vui. Bây giờ chị nói chuyện tiếp với vợ tôi nha.

Tôi đưa điện thoại lại cho vợ. Cám ơn ly rượu chát. Tôi đã làm xong bổn phận.
Xế chiều, tôi nằm nơi ghế sô pha ở phòng khách làm một giấc để lấy sức tối đóng vai Dr. Phil với Khoa. Tôi nhớ lại mấy lần tôi qua thăm vợ chồng Bình Hương hơn 10 năm về trước. Lúc đó Khoa đã 20 tuổi mà Hương còn ôm con vào lòng hôn chùn chụt làm thằng bé ngượng đỏ mặt trước mặt khách. Trong bữa ăn, Hương dành ngồi cạnh con, gắp bỏ vào chén của nó miếng nạc ngon, gỡ xương cá cho con vì sợ con mắc cổ, nhắc con uống sữa cho tốt xương. Ngược lại, Hương sai chồng làm đủ thứ việc vặt trong nhà, kể cả giặt ủi quần áo cho con. Bình cười hiền hòa răm rắp làm theo lời vợ; đôi khi chỉ phản đối một cách nhỏ nhẹ lấy lệ rồi thôi. Hương luôn luôn có một lý do rất chính đáng: để cho con có thì giờ dốc tâm vào việc học.
Lúc nào máy điện toán của tôi cũng mở sẵn Yahoo! Messenger với lượng âm thanh ở mức tối đa; mỗi khi có ai gọi thì dù đang ở tầng trên tôi cũng sẽ nghe tiếng chuông reo và chạy xuống.
Tối nay Khoa gọi sớm hơn đêm trước. Tôi mang "headphone" và nói "Hello Khoa" nhưng không nghe tiếng nó trả lời. Thay vào đó, nó gõ chữ bằng Anh ngữ vì nó không biết viết chữ Việt. Thế là chú nói tiếng Việt, cháu gõ chữ Anh để liên lạc với nhau. Nó bảo nó phải làm như vậy vì bà má công an của nó đang lẩn quẩn một bên; nó không thể ong óng phát ngôn bừa bãi như những lần khác. Nó bảo má nó đã miễn cưỡng đồng ý cho nó ra riêng. Nó kể má nó lúc nào cũng coi nó như một đứa con nít làm cho nó cảm thấy bị ngượng ngùng trước mặt người lạ. Nó biết là ba má nó rất cần sự giúp đỡ của nó trong công việc giao tiếp với thế giới bên ngoài vì khả năng sinh ngữ giới hạn của họ.
Nỗi khổ tâm lớn nhất của nó là má nó xen vô chuyện tình cảm riêng tư của nó. Nó kể:
- Chú Hoàng ơi, con nói cái nầy chú khó có thể tin được. Chú nhớ Katie con của cô Phượng chớ gì? Má con muốn con “date” (coi bộ nó quên chữ “hẹn hò” rồi đó) với Katie cho nên cứ tìm cách cho con gặp Katie hoài. Có một lần con với Katie đi dự “party” (lại quên nữa, “tiệc” ông ơi, đi party là đi dự tiệc chớ không phải đi theo đảng nào hết á) ở nhà một người bạn tới khuya con mới về tới nhà. Chú biết sao hôn? Con mở cửa vô nhà thì má con vẫn còn thức ngồi phòng khách chờ con. Má con hỏi tại sao má con gọi phôn tay của con mấy lần mà con không bắt phôn trả lời, con nói tại chỗ “party” đông người và ồn ào quá. Má con có vẻ không tin và nghi ngờ con không nói sự thật và con muốn giấu má con cái gì đó. Má con bắt con đi tắm ngay và thay quần áo khác để má con đem đi giặt. Sáng hôm sau con vừa thức dậy thì đã thấy má con đứng chận ở trước cửa phòng con và hỏi tại sao quần lót của con dính dơ. Con vừa xấu hổ vừa giận. Con không ngờ má con kiểm soát con từng ly từng chút. Con đâu phải là con gái mà má con sợ con hư. Má con nói con trai con gái gì chưa làm đám cưới mà “have sex” (chữ này thì trong tiếng Việt hổng có) thì cũng là hư hết.
Tôi nghe Khoa kể chuyện của nó thôi mà tôi cũng đã cảm thấy như mặt mình nóng lên vì ngượng. Thật đúng là hết nước nói với cái bà Hương nầy. Chắc là có hồn ma nào của thế kỷ thứ 17 nhập vô bà rồi cho nên bà mới có đầu óc suy nghĩ cổ lỗ sĩ như vậy.
Tôi nói an ủi nó:
- Chú không ngờ má con quá quắc như vậy.
Khoa kể tiếp:
- Chưa hết đâu chú ơi. Má con còn nằng nặc hỏi con làm chuyện đó mấy lần rồi, với ai và với ai, con có mang "condom" không, cứ làm như là cảnh sát hỏi cung người tình nghi phạm tội ác vậy. (Thì tui đã nói bả là công an mà!) Con không chịu khai; con nói là sắp trễ giờ đi làm. Đúng ra con với Katie cũng mến nhau trong mấy năm nhưng rồi Katie cũng sợ cái tánh má con hay dòm ngó vô đời tư của người khác quá nên Katie không muốn tiến tới. Má con muốn cho con lấy vợ người Việt và phải là bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ. Mấy người má con kiếm cho con thì con không hạp nên con không thích. Còn người của con chọn con thích thì họ lại không phải là bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ nên má con nói họ không xứng với con và má con nghi họ nhào vô con vì lợi chớ không phải vì yêu con chân thật. Cái kiểu nầy chắc con ế vợ cả đời quá chú ơi.
Mấy tuần lễ sau Khoa gọi than nữa:
- Chú ơi, con khổ với má con quá!
Tôi vừa tội nghiệp nó vừa tự hỏi tại sao nó lại nhè tôi mà trút bầu tâm sự. Tôi đâu có phải là một Ann Landers hay một bà Tùng Long phụ trách mục Gỡ Rối Tơ Lòng. Tại sao nó không tâm sự với ai khác. Chắc tại tôi chịu nghe, tôi sẵn sàng cho nó mượn một cái lỗ tai, thế thôi.
Tôi hỏi:
- Chuyện gì nữa vậy Khoa?

Nó kể:
- Má con tới phòng mạch của con quậy tùm lum lên khiến cho mấy người nhân viên làm chung họ than với con quá trời. Má con làm như là “boss” của họ, hạch sách họ chuyện tiền bạc sổ sách, đòi coi hồ sơ bịnh nhân, nhứt là theo dõi cô “hygienist” mới vô làm.

Tôi hỏi:
- Cô đó làm sao mà má con theo dõi?
Khoa đáp:
- Cô đó người Tàu tên Yen, nhỏ hơn con 1 tuổi, đẹp, tánh tình vui vẻ ăn nói rất có duyên. Cô làm việc rất giỏi. Con rất thích.
Tôi hỏi:
- Như vậy tại sao má con theo dõi?
Khoa đáp:
- Tại vì con thích cô. Má con sợ con yêu cô.
- Vậy con có yêu cô Tàu đó không?
- Con không biết. Bây giờ còn mới quá nên con chưa biết.
- Còn thái độ của má con đối với cô ấy thế nào?
- Má con có vẻ không ưa cô vì bất đồng ngôn ngữ không biết chuyện gì để nói. Má con hùa theo phe với cô Betty thư ký người Việt để tìm cách chê Yen. Con thấy làm như vậy không công bằng. Kể từ khi có Yen vô làm việc, má con hay ra phòng mạch hơn, dường như là để dòm ngó theo dỏi con với Yen. Con để ý thấy má con hay nói chuyện rù rì với Betty vừa chỉ chỏ con với Yen. Con thương và tội nghiệp má con lắm nhưng cũng có khi con thấy tức giận má con. Con có đời sống riêng của con, phải không chú? Chẳng lẽ con phải nghe theo ý của má con hoài?
- Con đã dọn ra riêng chưa?
- Con làm giấy tờ mua một cái condo gần bờ sông dưới downtown rồi chú nhưng con không có cho ba má con biết. Con nhứt định rồi là con sẽ không để cho má con phá cuộc sống riêng của con nữa.

Tôi nói vuốt đuôi:
- Con làm như vậy là phải. Chú rất đồng ý.
Khoa dặn tôi:
- Chú đừng nói lại cho cô biết nha. Con sợ cô lại nói với má con thì chết con.
Tôi hỏi:
- Nhưng con có nói cho ba con biết không? Giữa hai cha con nói chuyện với nhau dễ hơn.
Khoa đáp:
- Không được đâu chú ơi. Ba con như là nô lệ của má con vậy đó. Con mới mua cho ổng một chiếc Nissan Altima để ổng chở má con đi vòng vòng chơi đó.
Cái thằng thiệt ngộ, dầu gì cũng là một ông nha sĩ ngon lành và đã 33 tuổi, vậy mà đôi khi tôi nghe nó nói chuyện thật thà dễ thương như con nít!
******
Bẵng đi mấy tháng sau, Khoa cho biết đã dọn vô nhà mới. Đó là một condo thuộc hạng sang có nhân viên an ninh gác cửa thường trực. Khoa cho mẹ biết địa chỉ chỗ ở mới nhưng Hương chưa tới đó lần nào vì không biết mã số và vì không có thẻ an ninh ra vào.

Tôi hỏi:
- Còn chuyện tình cảm của con đi tới đâu rồi?
Khoa đáp:
- Tốt lắm chú. Chắc hè năm tới con sẽ cưới vợ. Con mời cô chú trước. Cô chú nhớ thu xếp qua đây chung vui với con nha.
- Con kiếm được người vừa ý rồi hả? Ai vậy?
- Chú đoán thử coi.
- Yen phải không?
- Gần đúng.
- Tại sao là gần đúng?
- Tại vì người cháu yêu và sắp cưới là Lin em của Yen chớ không phải Yen.
Khoa kể, vì Hương soi mói quá cho nên Yen cũng bỏ phòng mạch của Khoa mà đi làm chỗ khác. Nhưng Khoa và Yen vẫn còn giữ tình đồng nghiệp và tình bạn tốt. Thế rồi qua những lần trò chuyện, Khoa được biết Yen có một người em gái chơi dương cầm rất giỏi và đang là giáo viên dạy môn âm nhạc tại một trường trung học đệ nhứt cấp. Một lần Khoa tới nhà Yen và gặp Lin, Khoa bị tiếng sét ái tình. Lin vừa có nét đẹp giống chị lại vừa dịu dàng và có nhiều nữ tính hơn. Lin khác hẳn cá tính thích chỉ huy người khác của Hương khiến cho Khoa tìm thấy ở đó một nét quyến rũ đặc biệt.
Khoa kể:
- Cuối tuần 4 đứa tụi con hay đi chơi chung với nhau gồm có con, Lin, Yen và bạn trai của Yen là Fred cũng người Tàu nhưng không biết nói tiếng Tàu. Tụi con chỉ nói tiếng Mỹ. Con đã tới nhà Yen nhiều lần rồi. Ba má Yen rất cởi mở và tử tế với con lắm. Họ sống cuộc sống phóng khoáng và tôn trọng tự do của con cái như là người Mỹ vậy. Nếu ba má con được phân nửa của họ thôi cũng đỡ.
Tôi hỏi:
- Con có hình 4 đứa đi chơi chung không?
- Dạ có.
- Gởi cho cô chú coi.
- Dạ chú chờ chút.

Chỉ một phút sau, tôi nhận được mấy tấm hình của Khoa gởi, trông ai cũng xinh đẹp. Sự trẻ trung tươi mát của họ gọi nhớ trong tôi những tháng năm thanh xuân xa xưa của đời mình trên quê hương. Kỷ niệm đáng yêu làm sao khiến lòng không khỏi nao nao mỗi lần nghĩ đến. Cha mẹ nào nỡ lòng dựng lên bức tường quan niệm cổ hủ ngăn cấm con hưởng nhận sức sống kỳ diệu của tình yêu và tuổi trẻ. Vui sướng lây với những gương mặt tinh anh đầy hứa hẹn tương lai đó, tôi buộc miệng khen:
- Tụi con xứng đôi vừa lứa lắm. Cố gắng gìn giữ hạnh phúc của con.

Nhận được thiệp cưới, vợ chồng tôi mừng cho Khoa. Vợ tôi nhấc điện thoại gọi Hương:
- A lô. Tụi nầy mới nhận được thiệp cưới của Khoa đây. Mừng cho bồ sắp làm bà sui."
Tiếng của Hương bên kia đầu dây:
- Sui gì! Xui thì có.
- Sao lại xui?
- Công mang nặng đẻ đau, nuôi nó mấy chục năm, lo cho nó ăn học thành tài rồi bây giờ có con Tàu nào ở đâu tới xớt nó như diều hâu xớt gà con đi mất. Thiệt tức.
- Bồ ơi. Nó tìm được người bạn đời tâm đầu ý hiệp con nhà tử tế thì bồ nên mừng cho nó chớ bồ nói xui là xui làm sao!
- Tôi mất đứa con tôi yêu quí nhứt đời.
- Mất đâu mà mất Hương ơi. Nó còn sờ sờ ra đó và ở kế một bên. Mai mốt vợ chồng nó sanh cho bà cháu nội mà bồng. Như vậy là hên cho bồ. Tụi nầy có 3 đứa con đi ở xa hết cả 3. Nếu bồ nói bồ xui thì tụi nầy còn xui tới bực nào nữa.
- Nhưng nó không cho tôi tới nhà nó.
- Tại nó không muốn cho bồ phải phiền đi lại mất công. Miễn là nó thường xuyên về nhà thăm vợ chồng bồ là được rồi. Tôi thấy thằng Khoa là đứa con ngoan và có hiếu. Vợ chồng bồ may mắn lắm mà không biết.
- Nhưng tôi coi bộ nó cưng con bồ Tàu của nó quá đi và dường như nó quên con gái mẹ nầy nè. Chưa cưới mà nó đã tới nhà con nhỏ đó làm rể.
- Ai nói bồ biết?
- Chính nó nói với tôi mới làm cho tôi lộn ruột chớ!
Tuần lễ sau đó, khi Khoa lên liên mạng gọi nói chuyện,
tôi hỏi:
- Dạo nầy má con có bớt làm phiền con chưa?
Khoa đáp:
- Con học được cách đối phó mới với má con rồi chú ơi. Con cứ lờ đi. Con không cãi lại, không đôi co. Con cứ im lặng làm những gì con cảm thấy cần phải làm. Coi bộ má con gần đầu hàng rồi đó.
- Con thấy má con thay đổi ra sao mà con nhận xét như vậy?
- Hôm trước con với Lin về nhà ba má con để bàn tính chuyện đám cưới. Lin tới nắm tay má con và thình lình nói: Con là dâu của ba má. Con thương ba má làm cho má con trợn mắt hết hồn luôn.
Tôi hỏi:
- Lin nói tiếng gì?
Khoa đáp:
- Tiếng Việt đàng hoàng đó chú.
- Sao Lin biết nói tiếng Việt à?
- Con dạy. Rồi Lin mở gói quà và đưa cho má con một cái xách tay hàng hiệu và nói thêm, "Con cho má". Má con ngạc nhiên thấy rõ và có vẻ cảm động nữa.
- Rồi sao nữa?
- Rồi Lin ôm má con và hun lên mặt má con một cái. Má con ôm Lin, vuốt tóc Lin và nói “Má cám ơn con”. Con biết tâm lý má con thèm có một đứa con gái hoặc một con dâu Việt hiền ngoan. Con có nói với Lin điều đó và Lin hứa sẽ cố gắng học tiếng Việt để nói chuyện với má con cho má con vui. Khi Lin vô bếp để phụ ba con dọn bữa ăn, má con nhéo cánh tay con và nói mà hai hàm răng mím lại. Má nói con là thứ đồ con làm phản, biết vậy thà nuôi chó sướng hơn. Má con mắng con xong rồi cười. Cái đó tiếng Việt gọi là mắng yêu phải hôn chú?

Phan Hạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét