Top tips for planning and booking a cruise Mình đã đi cruise 2 chuyến, 1 chuyến 4 ngày ở biển Baltic Bắc Âu mùa hè vừa rồi, và chuyến gần đây 12 ngày ở Mỹ và vùng biển Caribe. Mình thấy thích mê những ngày trên tàu này. Có thể bởi năm nay mình đi du lịch bụi và vác ba lô đi di chuyển khá nhiều ở bến tàu xe, sân bay tại hơn 30 quốc gia, trong khi những ngày đi cruise, mình vẫn được đi khám phá các nước khác nhau nhưng lại ở “lâu đài nổi” trên tàu, không phải di chuyển hành lý, lại nhàn và tha hồ giao lưu với nhiều người trên tàu.
<!>
Một số anh chị em bạn bè nhờ mình viết review nên mình chia sẻ ở đây một số tips, hy vọng cung cấp thêm thông tin và gợi ý cho mọi người gì đó để anh em có động lực xách hành lý lên tàu đi khám phá các thành phố cảng xinh đẹp trên thế giới. Nếu không đi thì cũng đọc cho vui, đọc để hiểu Thảo hâm của các bạn hơn hoặc lưu lại và... chờ thời tới.
1. Web để đặt cruise
Mình search các tour mình muốn đi ở trang web của WorldWideCruises:
Trên web này có đa dạng các điểm đến muốn đi, có thể là Africa, Europe, Alaska, Antartica…vùng nào trên thế giới cũng có. Mọi người vào chọn destinations, sau đó là chọn thời gian muốn đi vào tháng nào (càng mua sớm càng rẻ), đi trong bao lâu, ngắn ngày 3-5 ngày hay dài ngày 12-15 ngày, hay cả tháng hoặc vài tháng thì chọn nhiều trips. Có rất nhiều hãng tàu cruise line để lựa chọn. Có thể mình sống ở UK nên các web có đuôi là UK, mọi người nếu ở VN hoặc nước khác thì thử search xem có ra các lựa chọn tương tự không.
Còn đây là web của 2 hãng tàu mà mình đã đi. Mình đều rất ưng 2 con tàu là MSC Poesia và Regal Princess. Tàu MSC Poesia chặng của mình đi cuối tháng 6/2023 qua Stockholm, Copenhagen & Rostock Đức (đi 4 ngày giá tour khoảng 11 triệu). Và tàu Regal Princess thì xuất phát từ Florida Mỹ cuối tháng 10, đi British Virgin Islands, Antigua, Curacao, Aruba và Cozumel Mexico, và sau 12 ngày kết thúc tại cảng ở Texas Mỹ (giá tour khoảng 27 triệu). Tàu Regal Princess thì có vẻ chương trình thú vị hơn và ăn ngon hơn. Thấy bảo có những con tàu khác còn mới hơn, to và đẹp hơn nữa. Sống giữa lòng biển mà cảm giác như đang trong một khu resort siêu bự với nhiều tiện ích khác nhau. Nếu thích hãng tàu nào mình anh em có thể đặt được trực tiếp trên web của hãng. Đây là web của 2 hãng mình đã đi:
Nói chung cứ search tứ tung xem chỗ nào giá hợp lý và hành trình hợp lý là đặt. Nhờ thích đi chơi và chịu khó Google, ngốn khá nhiều thời gian, mình tự tìm được các deal và đi 2 trip trên, chứ cũng không ai chỉ cho mình cả. Nếu có chỉ là có 2 con bạn thân của mình đang sống ở Los Angeles và Paris, lúc mình đến chơi và gặp các bạn thì các bạn bảo: đi cruise thích lắm, Thảo nhất định nên đặt một chuyến cruise đại dương. Và giờ mình đã đi được 2 chuyến rồi. Tương lai mình còn muốn đi nhiều chuyến nữa. Có bác mình gặp trên tàu đã đi được hơn 50 chuyến, dã man nhiều!
2. Lựa chọn du thuyền
Khi lựa chọn du thuyền thì search xem con thuyền đó được đóng năm nào, mới không, to không, có những tiện ích gì. Nếu gia đình mang thêm trẻ con thì con thuyền đó có kid club không. Có thuyền Disney Cruise Line có nhiều không gian rất hấp dẫn các bạn nhỏ. Có thuyền thì có cả khu đi bộ chạy bộ trên boong tàu rộng, sân tennis, công viên nước với ống trượt các kiểu. Nói chung đa dạng lắm, tuỳ nhu cầu và lứa tuổi.
3. Lựa chọn cabin/phòng
Khi đặt thì thường 2 người sẽ ở một phòng và có nhiều hạng phòng khác nhau, diện tích khác nhau, phòng 1 giường lớn hoặc 2 giường đôi tuỳ chọn với giá khác nhau:
- cabin không có cửa sổ (Inside)
- cabin có góc nhìn ra biển (Seaview)
- phòng suite với ban công riêng (Balcony/Suite).
Giá phòng: Giá hiển thị trên web là giá cho 1 người, nhưng cabin/phòng nào cũng là phòng đôi nên bạn cần tìm thêm được 1 người nữa là roommate để share phòng cùng mới có giá đó. Nếu mình bạn 1 phòng thì sẽ phải trả gấp đôi. Cả 2 lần mình đi cruise đều là mình chủ động tìm được deal trước, sau đó tìm đồng đội đi cùng. Lần 2 đi Caribe mình hỏi bạn bè mãi không có ai có thời gian dài như vậy, hoặc chưa có visa Mỹ để đi. Mình là đứa ít chịu bỏ cuộc bao giờ, nên nghĩ đủ mọi cách. Đi Caribe và Nam Mỹ đi cruise sẽ tiện và thuận lợi hơn với con gái và người đi solo travel như mình. Chứ mình thử tra vé máy bay từ Mỹ đi đến các vùng đó đắt lắm luôn, lại không an toàn và đi lại phức tạp. May quá mình đánh liều lên hội Sinh viên VN tại Anh SVUK đăng tìm đồng đội đi cùng, và chỉ phút sau có em Phương đồng ý đi Caribbean cruise cùng chị và hôm sau đóng tiền luôn.
Giá hiển thị đó cũng là giá trọn gói rồi, bao gồm phòng khép kín, có giường tủ, máy sấy, tivi và toilet bên trong, giống hệt như 1 phòng khách sạn, và gồm các bữa ăn buffet, nhà hàng trong gói, các loại thuế phí, hoạt động vui chơi giải trí, bể bơi. Tóm lại, đó là giá cơ bản trọn gói và mình cũng chỉ dùng gói này là đủ. Sau khi đăng ký hãng tàu thường xuyên gửi mail gợi ý nâng hạng phòng và bảo mày mua gói này gói kia đi sẽ được miễn phí Internet này, được uống cocktail miễn phí này, nhưng mình không có nhu cầu nên không đăng ký. Các bác có điều kiện thì cứ nâng cấp lên đi cho VIP.
2 lần mình đi thì mình đều ở phòng Balcony để có ban công ra ngắm bình minh, hoàng hôn mỗi ngày, cho những ngày trên biển thêm thú vị. Cũng tuỳ từng con tàu khi đặt. Ví dụ với MSC Poesia, lần đầu mình đi nên không biết gì, đặt phòng standard thôi, nhưng không ngờ đến lúc đến Stockholm và lên tàu, bước vào phòng thấy có ban công thì mình và em Thục Anh thấy sướng lắm. Ý là ko cần phải nâng hạng phòng cũng có balcony sẵn. Có thể vì con tàu đó bé nên không có inside cabin. Còn với tàu Regal Princess thì mình và em Phương quyết định trả thêm tiền và upgrade lên hạng phòng có balcony để ngắm biển cho sướng.
Thường đi cruise không sợ say sóng đâu vì thuyền to, đi êm ru. Chỉ trừ những ngày biển động, gió quá to thì có thể có sự chênh vênh. Nếu là người lần đầu đi du thuyền và bị say sóng, bạn nên đặt các cabin ở tầng thấp nhằm hạn chế thấp nhất sự rung lắc.
4. Tìm hiểu kỹ thông tin về hộ chiếu và visa
Du thuyền đi khắp thế giới, dừng lại tại rất nhiều quốc gia. Tùy theo quy định của từng nước mà bạn có thể lên bờ khi du thuyền ghé thành phố nào đó mà không cần visa nhập cảnh. Với hộ chiếu của công dân Việt Nam, các quốc gia châu Mỹ và châu Âu đều cần visa để bạn có thể lên bờ vui chơi. Vài du thuyền cũng có thể hỗ trợ đảm bảo cho bạn nhận được một “tấm visa” (thực chất là một loại giấy rời cho phép nhập cảnh trong thời gian ngắn).
Tốt nhất bạn nên đọc kỹ những quy định và đề nghị được nhân viên của hãng cho biết thông tin trước khi trả tiền mua tour. Với tàu đi Baltic thì mình chỉ cần Schengen visa là đủ, còn tàu đi Mỹ và Caribe vừa rồi thì mình có Visa Mỹ là đủ. Với một số nước Caribe, mình đọc được thông tin là nếu người Việt mình mà đi máy bay và lưu trú tại nước đó thì phải xin visa, còn nếu đi với cruise ship, tức là sáng xuống tàu đi khám phá, tối về lại tàu ngủ thì không cần xin visa.
5. Ăn uống trên tàu
Hầu hết những du thuyền lớn đều có khu vực nhà hàng phục vụ các bữa ăn kiểu buffet hoặc nhà hàng sang trọng à la carte chọn món, đã bao gồm trong giá tour. Nhưng trên tàu cũng có những nhà hàng, quán bar đặc biệt do các đầu bếp đẳng cấp chuẩn bị. Chị em mình thì sinh viên nghèo nên chỉ cần ăn buffet và nhà hàng gọi món miễn phí đã đủ no quá trời no và ngon quá rồi. Quyết không chi tiền để trả thêm cho các dịch vụ khác. Khi đi ăn thay vì gọi rượu (trả thêm phí) thì bọn mình chỉ uống nước lọc. Các bác nào giàu thì cứ chi thoải mái nha.
6. Tìm hiểu thông tin về cảng mà du thuyền cập bến
Tự Google trước khi lên thuyền để biết các điểm thú vị và mình sẽ đến. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tham gia những buổi thuyết trình của các nhân viên và chuyên gia tư vấn trên thuyền trước khi cập bến. Ví dụ chuyến đi 12 ngày của mình có đi qua 2 thành phố cảng của Mỹ và qua 5 quốc đảo ở Caribe. Trước chuyến đi mình ngồi xem các video giới thiệu về các nơi đó trên Youtube và đã thấy háo hức lắm rồi. Hiểu biết hơn về văn hoá, lịch sử và con người ở vùng đất đó sẽ giúp chuyến đi thêm phần hấp dẫn.
7. Trò chuyện cùng thủy thủ đoàn và khách trên tàu
Đừng ngại ngùng trò chuyện với tất cả những thủy thủ đoàn mà bạn gặp. Họ sẽ sẵn sàng chia sẻ những thông tin mà bạn muốn tìm hiểu. Ngoài ra, mỗi người trong họ đều có những câu chuyện rất thú vị trên từng hành trình đã đi qua. Chắc chắn bạn sẽ có những thông tin vừa hữu ích vừa hấp dẫn để tích lũy kinh nghiệm cho riêng mình.
Các khách trên tàu thì rất nhiều người thú vị, có thể họ là solo traveler hoặc là người đã nắm giữ các chức vụ quan trọng ở công ty nào đó, họ đi nhiều, nhiều kinh nghiệm, nhiều trải nghiệm, và giàu kiến thức. Nói chuyện với những người đang đi nghỉ dưỡng, đi du lịch thì đương nhiên là vui, họ tập trung đi chơi thì đa phần là có gì mà phiền lòng cau có đâu. Nói chung ở trên ở trên tàu đa phần là ai cũng happy vui vẻ, cứ gặp nhau ở thang máy là chào nhau toét toe và chúc nhau buổi sáng/trưa/chiều tốt lành, nhiều khi rất hài hước và cười nói với nhau khúc khích trong thang máy, ngoài hành lang, quán bar.
8. Một số thông tin hay ho
8.1. Wifi Internet trên tàu
Mình đi 2 chuyến tàu đều không mua Internet vì giá khá đắt, tầm 10-20$/ngày tuỳ mua gói dài ngày hay ngắn ngày, càng mua dài càng rẻ hơn chút. Mình thấy dịp đi này cũng là những ngày “cai” Internet và tạm xa kết nối online cũng là điều tốt. Để mình có khoảng thời gian dành riêng cho bản thân và enjoy các hoạt động trên tàu.
Bao giờ cũng có những ngày xuống cảng đi chơi cả ngày và những ngày at sea trên biển hoàn toàn, những ngày xuống cảng thì thường ở cảng sẽ có wifi miễn phí, hoặc không thì vào quán pub, quán cafe nào đó uống gì đó là có wife ngồi tranh thủ kết ngấu nghiến ngồi kết nối với thế giới được chút trước khi đi chơi.
Nếu là đi Cruise ở châu Âu thì sim châu Âu có 5G thoải mái, tàu đi quanh gần gần bờ là cũng có mạng, ko đến nỗi mất hẳn sóng. Nhưng ở Caribe là tịt luôn vì Sim ở Mỹ của mình chả có tín hiệu gì ở đây. Còn nếu dùng roaming và trả tiền roaming thì có thể cũng ok có 5G.
8.2. Mua tour thăm các điểm đến trong hành trình
Thường trên cruise bao giờ cũng bán các tour đi thăm quan các địa điểm trong hành trình. Có thể tour của cruise xịn, xe đi êm mông hơn, nhưng đương nhiên là giá khá cao. Bọn mình sinh viên nghèo (again :)) nên không mua tour của tàu bán, mà xuống dưới cảng rồi mua của người local/công ty du lịch bán ở ngay cảng. Rẻ khoảng 1 nửa. Có những nơi còn mặc cả được ý. Mình ngại mặc cả lắm, nhưng con em đi cùng nó giỏi đàm phán nên mình chỉ việc đi theo con em, rồi lên xe nghe hướng dẫn viên giới thiệu, mắt nhìn ngắm và tay cầm máy ảnh để chụp những tấm ảnh đẹp. Nếu ở châu Âu thì có xe Hop on hop off bán vé dưới cảng. Xuống đó mua hoặc tự mua online rồi nhẩy lên xe đi khám phá các điểm trong thành phố.
8.3. Trang phục
Thường cruise nào cũng có bể bơi trên tầng thượng của con tàu và đến các thành phố cảng/biển nên anh em nhớ mang đồ bơi, một vài bộ để đổi cho rực rỡ càng thích. Nhớ mang theo cả váy đầm dạ hội lấp lánh hoặc đồ quần áo formal vì trên tàu có những tối có dresscode và mọi người đều mặc như quý ông, quý bà, xinh gái đẹp trai lắm. Đồ bình thường thì cảng bán cũng nhiều, cứ có nhiều tiền thì mua gì cũng được.
8.4. Tiền tip
Hồi đi MSC Poesia đi Bắc Âu mình không thấy tàu thu khoản này, nhưng vừa rồi đi Regal Princess thì thấy mỗi ngày họ trừ tự động trong tài khoản của mình 16 USD. Mình cũng tự thắc mắc là thế quái nào lại có khoản này, sao mình không thấy ai nói đến khi mua vé. Hoá ra đây là khoản “Crew appreciation”, tức là tip cho các nhân viên trên tàu, là một khoản không bắt buộc. Nếu vì bất kì lý do gì mà bạn không muốn đóng khoản đó thì cứ đến quầy Dịch vụ khách hàng Customer service của con tàu và bảo loại bỏ khoản này ra.
8.5. Tuổi khách đi trên tàu
Đa phần khách đi trên tàu là lứa tuổi các bác nghỉ hưu, già rồi mới có thời gian và có tiền để đi dài ngày trên cruise. Nên phải nói là người trẻ có, nhưng khá ít. Thế nên mình cũng đặc biệt hơn, thuộc nhóm trẻ nhất nhì con tàu trừ các em nhỏ đi theo gia đình. Có những con tàu như tàu Carnival giá cruise rẻ hơn thì dân số trẻ hơn, các bạn trẻ đi nhiều thì cũng có kiểu vui hơn nhưng nhộn nhạo hơn.
8.6. Ngày dọn phòng 2 lần
Ở Regal Princess điều mình rất bất ngờ là nhân viên ngày nào cũng vào gấp chăn hộ và dọn phòng 2 lần. Như kiểu có anh nhân viên chỉ chờ mình đi ra ngoài chơi phát là vào phòng dọn ngay. Rất tỉ mỉ và chu đáo. Cảm thấy như mình được chăm sóc rất tốt. Cũng sướng.
8.7. Đi cruise rẻ hơn trại dưỡng lão
Mình đọc được thông tin này và qua chia sẻ của các bác trên tàu nữa thì mình cũng thấy khá thú vị. Nếu ở trại dưỡng lão ở các nước Âu Mỹ mà phòng sang hoặc diện chăm sóc đặc biệt thì cũng tốn kém. Đi cruise có vẻ giá rẻ hơn với nhiều bác, nên có những bác đi xe lăn hoặc chân đi tập tễnh vẫn đi cruise và lên tàu sống vài tháng. Có bác còn mua hơn 50 chuyến đi liên tiếp, tức là đi cruise cả năm đi khắp các châu lục luôn.
Ví dụ trong bài báo này (https://vnexpress.net/mua-51-chuyen-du-lich-vi-re-hon...) nói rằng: một chuyến đi du thuyền từ Brisbane đến New Zealand kéo dài 14 ngày có giá gần 1.500 AUD mỗi khách (khoảng 107 AUD một ngày). Trong khi chi phí cơ bản viện dưỡng lão ở Australia có thể lên đến 200 AUD mỗi ngày, chăm sóc chuyên biệt hoặc cao cấp từ 250 AUD mỗi ngày và phí cho các dịch vụ và tiện nghi bổ sung dao động từ 10 đến 100 AUD mỗi ngày, tùy thuộc vào cơ sở và dịch vụ được cung cấp.
Chưa kể ở trên tàu không phải nấu cơm, ko phải giặt giũ, ko dọn phòng, chỉ việc đi chơi các games, xem show, chơi thể thao và giải trí. Lại sướng quá. Nhưng nói chung vẫn phải là những người có tiền tiết kiệm khá nhiều hoặc có khoản này khoản kia mới đi được như vậy.
Trên đây là một số kinh nghiệm thực tế của mình. Nói chung, tuỳ quan điểm từng người mà thích đi cruise hay không. Như mình thì mình thích, mà mấy cô em đi cùng mình cũng bảo thích, vậy có nghĩa là cứ có tiền mua tour đi cruise thì về cơ bản là thích cả kkk. Mua càng sớm càng rẻ và giá cũng đa dạng khác nhau. Mình mắt cú vọ và chịu khó lần mò đi chơi khám phá nên mua được 2 tour khá hời. Mọi người chịu khó search là cũng ra đầy tour giá cực ngon. Người Việt mình thiệt nhất là passport của mình yếu, tiền Việt cũng yếu, đi chơi thì đa phần phải xin Visa, ngốn thời gian và công sức hơn rất nhiều. Mình biết vậy, nên mình đang đi đi chơi như này là mình cũng thấy mình thật may mắn.
Đời này nhất định đi cruise đại dương ít nhất một lần, bạn mình bảo vậy. Giờ mình được đi 2 lần rồi thấy vẫn muốn đi tiếp. Sắp tới ai mà có deal hay hay thử rủ mình xem, nếu mình sắp xếp được sẽ đi cùng anh em.
————
Dưới đây là một số bài khác mình chia sẻ về chủ đề du lịch và khám phá. Những bài post nho nhỏ thì nhiều. Xem trên tường Facebook của mình năm nay toàn thấy về du lịch, mọi người lại cứ hỏi mình là năm nay sang Anh để đi du học hay đi du lịch đấy haha. Mình trích ra phía dưới một số bài dài dài với thông tin cũng khá hữu ích. Mình viết vì mình thích viết, vì mình thích có thời gian để ngồi ôn lại kỉ niệm, và cũng vì mình muốn chia sẻ với mọi người, nhất là những người có cùng sở thích với mình hoặc những người yêu quý mình, gia đình mình, học trò mình biết mình đang đi đâu, làm gì và dõi theo mình. Cuộc đời mình ý nghĩa là nhờ sống trong những đam mê như vậy.
Các bạn đọc đi nhé để có động lực đi du lịch. Nếu giờ không có tiền đi mấy thì cũng chả sao, học chăm và làm việc tiếp đi, 36 năm trước mình cũng thế, chỉ đi quanh quẩn Việt Nam. Rồi đến năm vừa rồi khi thời tới thì cản không được: đi liên tục, đi khắp các nước, các châu lục, đi để thực hiện ước mơ của hơn 30 năm qua. Các chuyến đi này đã xuất hiện đâu đó trong tưởng tượng của mình khi mình cố gắng học chăm và làm chăm trong quá khứ.
- Tỉ lý do nên yêu 1 cô gái thích đi du lịch:
- 30 ngày vòng quanh châu Âu & Kinh nghiệm vác ba lô đi bụi:
- 12 ngày liền lượn quanh châu Âu và kinh nghiệm chả mua hành lý tí hành lý nào:
- LỊCH TRÌNH VÀ KINH NGHIỆM ĐI MAROC 6 NGÀY:
- Kinh nghiệm xin visa Mỹ và phỏng vấn:
- Kinh nghiệm xin làm hồ sơ online visa Canada:
Khi sắp xếp được thời gian mình sẽ viết nhiều hơn. Với mình được viết cũng chính là được sống, dù sở thích này hơi ngốn thời gian, mỏi tay, toét mắt và tốn nơ ron thần kinh. Chả sao! Vì mình yêu mọi người, yêu các vùng đất và yêu cuộc sống này đó. Chúc các bạn có nhiều chuyến đi đáng nhớ đến nhiều vùng đất trên thế giới!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét