Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 23 tháng 11, 2023

Hôm Nay, Mừng Ngày Lễ Tạ Ơn 2023! Happy Thanksgiving Day! - Lê Văn Hải


Hôm Nay, Mừng Ngày Lễ Tạ Ơn 2023! Happy Thanksgiving Day!
Lời Chúc - Xin được Trân Trọng Kính Chúc:
Tất cả Quý Vị, Niên Trưởng, Chiến Hữu, Gia Đình, Bạn Bè, Thân Hữu:
Một Ngày Lễ Tạ Ơn, với những gì tốt đẹp nhất. Nhiều ơn lành từ Trời cao, an lành, vui vẻ, khỏe mạnh, chan hòa hạnh phúc, đến với tất cả Quý Vị và Gia Quyến.
Có những giây phút yêu thương, tình mến, bên cạnh Gia Đình, Bạn Bè và Người Thân, trong suốt Mùa Lễ Tạ Ơn 2023, năm nay.
Chúc Mừng Lễ Tạ Ơn!
Happy Thanksgiving Day 2023!
<!>

Hôm Nay: Người Mỹ và Những Hoạt Động Mừng Truyền Thống Trong Ngày Lễ Tạ Ơn
Dưới đây là một số hoạt động truyền thống phổ biến trong ngày lễ Tạ Ơn:
•Ăn tối cùng gia đình: Lễ Tạ Ơn là ngày lễ của gia đình, vậy nên mọi người thường về nhà cùng nhau chế biến các món ăn truyền thống, ăn uống và chia sẻ những điều đã qua trong một năm.
•Xem bóng bầu dục: Bóng bầu dục Mỹ là một phần không thể thiếu của lễ Tạ Ơn. Gia đình thường xem trận bóng trên TV, cổ vũ cho đội bóng yêu thích của mình.
•Mua sắm vào Black Friday: Thứ Sáu đen tối (Black Friday) diễn ra ngay sau lễ Tạ Ơn, là dịp giảm giá lớn trong năm, thu hút lượng người mua sắm đông đảo.
•Làm từ thiện: Nhiều người dân tham gia vào các hoạt động từ thiện vào Lễ Tạ Ơn. Họ thường tình nguyện tại các bếp ăn xã hội để phục vụ thực phẩm cho người vô gia cư và người kém may mắn.
•Diễn hành Macy's ở New York: Cuộc diễu hành nổi tiếng của Macy's ở New York là một phần không thể thiếu của Lễ Tạ Ơn. Cuộc diễu hành với các bóng bay khổng lồ và tiết mục biểu diễn thu hút sự chú ý của hàng triệu người trên khắp thế giới.

Chúc Mừng Lễ Tạ Ơn!
Happy Thanksgiving Day 2023!



Không phải chỉ có Hoa Kỳ, phong tục mừng Lễ Tạ Ơn trên khắp thế giới!

-Năm nay, lễ Tạ ơn được tổ chức ngày 23/11 tại Mỹ và nhiều quốc gia với phong tục khác nhau.

Lễ Tạ ơn (hay còn gọi là Thanksgiving) là ngày lễ hàng năm được tổ chức chủ yếu tại Mỹ, Canada, một số đảo ở Caribe và Liberia với ý nghĩa mừng mùa màng bội thu, tạ ơn Chúa đã ban cuộc sống no đủ, an lành. Đây cũng là dịp nghỉ lễ chính thức cho người lao động tại Mỹ và Canada. Ngày lễ này được cho là có nguồn gốc châu Âu từ thế kỷ 16-17 nhưng dần trở nên phổ biến hơn ở Mỹ, được tổ chức vào ngày thứ Năm, tuần thứ tư của tháng 11, nhưng không cố định ở mỗi quốc gia.

•1. Mỹ

Lễ Tạ ơn được Tổng thống Franklin D.Roosevelt thiết lập thành luật năm 1939, sau đó được Quốc hội Mỹ phê chuẩn ngày 26/11/1941. Nếu như người dân Mỹ coi trọng lễ Tạ ơn như lễ Noel, thậm chí còn ăn mừng lớn hơn thì ở Anh - nơi được coi là quê hương của Thanksgiving, lễ Tạ ơn chỉ là dịp khởi động mùa Giáng sinh.

Đây được xem là ngày lễ quan trọng để gia đình sum họp, người ở xa trở về đoàn tụ. Thông thường, người dân được nghỉ 4 ngày. Bữa tiệc lễ Tạ ơn được tổ chức vào buổi tối tại nhà với món ăn không thể thiếu là gà tây. Tại Mỹ, ước tính hơn 50 triệu con gà tây được đưa lên bàn ăn mỗi năm và hầu hết phục vụ cho lễ Tạ Ơn. Sau ngày này, họ sẽ tổ chức ngày thứ Sáu đen tối (Black Friday) là lễ hội mua sắm lớn nhất trong năm.

(ảnh: Các món ăn truyền thống ngày lễ Tạ ơn ở Bắc Mỹ.)

•2. Canada

Trên thực tế, lễ Tạ ơn ở Canada được tổ chức sớm hơn ở Mỹ khoảng 40 năm. Năm 1578, một đoàn thám hiểm do nhà hàng hải người Anh Martin Frobisher dẫn đầu đã tổ chức một buổi lễ tại Nunavut để tạ ơn vì hạm đội của họ đã đến nơi an toàn. Đây được coi là lễ Tạ ơn đầu tiên ở Bắc Mỹ.

Quốc hội Canada chính thức ghi nhận ngày lễ Tạ ơn quốc gia (6/11) năm 1879. Từ năm 1957, ngày được đổi thành thứ Hai, tuần thứ hai tháng 10, khác với ở Mỹ do mùa thu hoạch ở quốc gia này diễn ra sớm hơn nước láng giềng. Tuy nhiên, truyền thống lễ Tạ ơn ở Canada vẫn khá giống Mỹ, bao gồm ăn gà tây và xem bóng đá cùng gia đình. Liên đoàn bóng đá Canada thường tổ chức giải thi đấu hàng năm dịp này.

•3. Đức

Lễ tạ ơn trong tiếng Đức gọi là "Erntedankfest", có nghĩa "Lễ hội thu hoạch tạ ơn". Ngày này thường được tổ chức vào Chủ nhật đầu tiên của tháng 10. Mỗi địa phương lại có một ngày khác nhau nhưng đều trong tháng 9 và 10. Bên cạnh các nghi thức truyền thống ở nông thôn mừng mùa màng, lễ Tạ ơn ở Đức được tổ chức ở các nhà thờ. Người dân tham gia Erntedankfest, trong đó có đám rước Erntekrone (vương miện thu hoạch) gồm ngũ cốc, trái cây, hoa đến nhà thờ và tổ chức bữa tiệc thịnh soạn gồm món Masthähnchen hoặc Kapaun, đều là các món thịt gà.

Lễ Tạ ơn kiểu Bavaria (Đức).

•4. Liberia

Nước cộng hòa Tây Phi này có mối liên hệ với nước Mỹ do những người nô lệ được trả tự đo, trở về vào đầu những năm 1820 và thành lập quốc gia này. Đầu những năm 1880, chính phủ Liberia thông qua đạo luật tuyên bố ngày thứ Năm đầu tiên của tháng 11 là ngày lễ Tạ ơn quốc gia. Ngày nay, đây là dịp lễ chủ yếu của người Thiên Chúa giáo tại Liberia. Các nhà thờ bán đấu giá những giỏ đựng đầy trái cây như đu đủ và xoài sau buổi lễ và các gia đình đều rất hào hứng tham gia vì tin rằng chúng sẽ đem lại may mắn. Thay vì gà tây và bí ngô như ở Mỹ, bàn tiệc lễ Tạ ơn ở Liberia có các món như gà nướng cay và sắn nghiền. Ngoài ra, lễ hội luôn có nhạc sống và khiêu vũ.

•5. Nhật Bản

Người Nhật tổ chức lễ hội Kinro Kansha no Hi (ngày lễ Tạ ơn Lao động) phát triển từ một lễ hội thu hoạch lúa cổ xưa mang tên Niinamesai, có nguồn gốc từ thế kỷ thứ bảy sau Công nguyên. Trong thời đại Meiji (1868-1912), ngày này được ấn định là 23/11 và trở nên phổ biến hơn vào năm 1948.

Ngày nay, người Nhật coi đây là ngày lễ trên cả nước nhưng không tổ chức các bữa tiệc lớn như ở Mỹ. Thay vào đó, các tổ chức lao động làm sự kiện tôn vinh nét đẹp lao động, sự chăm chỉ và đoàn kết cộng đồng. Trẻ em thường làm thiệp cảm ơn lực lượng cảnh sát, lính cứu hỏa hoặc các nhân viên công ích.

(Ảnh: Lễ Tạ ơn ở Nhật là dịp tôn vinh nét đẹp lao động.)

•6. Đảo Norfolk

Hòn đảo xa xôi ở Thái Bình Dương này từng là thuộc địa của Anh và hiện là lãnh thổ thuộc Australia. Lễ Tạ ơn ở đây bắt đầu từ giữa những năm 1890, khi thương nhân người Mỹ Isaac Robinson quyết định tổ chức lễ Tạ ơn kiểu Mỹ tại nhà thờ All Saints ở Kingston để thu hút một số thợ săn cá voi Mỹ đến tham dự. Từ đó, ngày lễ trở nên quen thuộc hơn. Các giáo dân mang trái cây, rau và thân cây ngô đến trang trí nhà thờ và hát những bài thánh ca Mỹ vào thứ Tư cuối cùng của tháng 11 hàng năm.

•7. Grenada

Ngày 25/10 hàng năm, người dân trên hòn đảo phía Tây Ấn Độ này tổ chức ngày lễ Tạ ơn của riêng mình, đánh dấu sự xuất hiện của quân đội Caribe và Mỹ vào Grenada năm 1983, lập lại trật tự sau cuộc đảo chính. Khi đóng quân trên hòn đảo này, lính Mỹ mang ngày lễ truyền thống của quê hương mình tới đây. Người dân địa phương cũng mang nhiều sản vật, tổ chức tiệc tiếp đón và không thể thiếu các món truyền thống Thanksgiving ở Mỹ như gà tây, nam việt quất và khoai tây.

•8. Puerto Rico

Sau khi Puerto Rico trở thành lãnh thổ của Mỹ vào cuối thế kỷ 19, cư dân ở đây đã được truyền bá nhiều lễ hội của người Mỹ. Họ ăn mừng lễ Tạ ơn cùng ngày với ở Mỹ và cũng tổ chức ngày thứ Sáu đen tối (Black Friday) tương tự ngày hôm sau. Tuy nhiên, người Puerto Rico đã tạo ra phong cách riêng trong bữa tiệc như có thịt lợn nướng, gạo và đậu, bên cạnh các món gà tây nướng tẩm gia vị hay gà tây nhồi chuối nghiền.

Chúc Mừng Lễ Tạ Ơn!

Happy Thanksgiving Day 2023!


Du lịch bằng xe hơi, máy bay trong ngày Lễ: Bất chấp nhiều trở ngại, dân Nam California, xa lộ chật cứng, nườm nượp đi chơi Lễ Tạ Ơn 2023!

-Bất chấp nhiều trở ngại, như giá cả cao, đường đông nghẹt hoặc hàng loạt cuộc biểu tình của người lao động, cư dân California vẫn nườm nượp đi chơi lễ Tạ Ơn năm nay, theo nhật báo San Gabriel Valley Tribune hôm Thứ Hai, 20 Tháng Mười Một.

Theo Câu Lạc Bộ Xe Hơi Nam California (ACSC) ước tính, cư dân vùng này sẽ đi chơi lễ Tạ Ơn đông nhất từ trước tới nay.'


(Hình: Hành khách xếp hàng chờ gửi hành lý tại phi trường quốc tế Los Angeles ở Los Angeles, California, hôm 21 Tháng Mười Một.)

Phần lớn cư dân – khoảng 4.6 triệu người – đi xe hơi, 566,000 người đi phi cơ, và 120,000 người đi xe buýt, xe lửa hoặc du thuyền, ACSC dự đoán.

Theo kết quả thăm dò không chính thức các bà mẹ ở Nam California trên một nhóm Facebook nổi tiếng, nơi cư dân vùng này thích đi chơi là Utah, Nevada và Bắc California.

Giá xăng dịp lễ Tạ Ơn năm nay dù vẫn cao nhưng thấp hơn năm ngoái trung bình 30 cent một gallon, ACSC cho hay. Giá xăng giảm đều đặn từ Tháng Mười qua, giá xăng trung bình ở California hiện chỉ trên $5 một gallon đôi chút.

Giá xăng tuần này giảm đáng kể tại một số trạm xăng, như Sam’s Club ở Long Beach chỉ bán $4.29 một gallon, theo LosAngelesGasPrices.com.

Bà Marie Montgomery, phát ngôn viên ACSC, cho biết cư dân Nam California giờ đã quen với giá xăng cao.

“Tôi nghĩ sức chịu đựng của người ta đã tăng,” bà Montgomery nói.

Theo dữ liệu của công ty phân tích giao thông vận tải INRIX, khoảng thời gian xa lộ Nam California đông xe nhất là trưa và chiều tối Thứ Tư, 22 Tháng Mười Một, một ngày trước lễ Tạ Ơn. Chẳng hạn, thời gian chạy xa lộ 5 từ Los Angeles tới Bakersfield có thể lâu hơn bình thường 88%, trung bình ba tiếng.

Giá thuê xe trung bình hiện tại là $590, giảm 20% so với năm 2022, và giá trung bình đi chơi du thuyền ở Mỹ là $1,507, giảm 12% so với năm ngoái, theo Hiệp Hội Xe Hơi Hoa Kỳ (AAA).

Bà Montgomery cho hay giá thuê xe giảm vì có nhiều xe hơi.

“Năm ngoái, có nhiều vấn đề về sản xuất, như thiếu chip điện tử cho xe hơi, nên thiếu xe cho thuê,” bà nói.

Cũng theo AAA, giá vé máy bay nội địa Tháng Mười Một và Tháng Mười Hai là $681, tăng 5% so với năm 2022. Nhưng giá vé máy bay đi ngoại quốc trung bình $1,231, giảm 5.7% so với năm ngoái.

Người nào dự tính đi phi cơ cũng nên chuẩn bị đối phó với tình trạng đông đúc ở phi trường.


(Hình: Xe cộ đông đúc trên xa lộ I-5 ở Los Angeles, California.)

Giới chức phi trường quốc tế Los Angeles (LAX) dự trù đón tới 2.5 triệu hành khách từ ngày 16 tới 27 Tháng Mười Một, tăng gần 300,000 người so với năm ngoái.

Cần lưu ý rằng AAA coi thời gian đi chơi lễ Tạ Ơn là từ ngày 22 tới 26 Tháng Mười Một.

“Số lượng hành khách ở LAX hiện bằng khoảng 91.5% của năm 2019,” bà Victoria Spilabotte, phát ngôn viên LAX, cho hay Thứ Tư tuần trước. “Chúng tôi dự trù ngày đông nhất dịp lễ này là 17 Tháng Mười Một với khoảng 226,900 hành khách, ngày 19 Tháng Mười Một với khoảng 230,000 hành khách, và ngày 26 Tháng Mười Một với khoảng 225,000 hành khách.”

Giới chức phi trường John Wayne ở Santa Ana và phi trường Hollywood Burbank cũng dự đoán sẽ có rất đông hành khách.

“Chúng tôi muốn thông báo với mọi người rằng cả năm nay rất đông đúc,” bà AnnaSophia Servin, phát ngôn viên John Wayne, cho biết. “Chúng tôi khuyên hành khách kiểm tra tình trạng chuyến bay trước khi ra phi trường và cũng nên để ý chỗ đậu xe.”

John Wayne không dự đoán sẽ đón bao nhiêu hành khách dịp lễ Tạ Ơn năm nay, nhưng theo dữ liệu năm 2022, phi trường này đón 411,000 hành khách từ Thứ Sáu trước lễ Tạ Ơn tới Thứ Ba sau lễ, tăng gần 100,000 so với năm 2019, trước khi có đại dịch COVID-19.

Hành khách nên tới phi trường trước giờ bay một tiếng rưỡi tới hai tiếng nếu đi nội địa và trước ba tiếng nếu đi ngoại quốc, để tìm chỗ đậu xe, gửi hành lý và đi qua cổng an ninh.

Theo phúc trình mới đây của Upgraded Points, thời gian đi qua cổng an ninh ở LAX mùa lễ mất trung bình 4.3 phút, ở John Wayne mất 6.8 phút, còn ở Hollywood Burbank mất 5 phút.

Airlines for America, hiệp hội đại diện American Airlines, United Airlines Delta Airlines và nhiều hãng hàng không khác, dự đoán sẽ có 29.9 triệu người đi phi cơ từ ngày 17 tới 27 Tháng Mười Một, nhiều nhất từ trước tới nay và tăng 9% so với 27.5 triệu người đi phi cơ cùng thời gian này năm ngoái, và tăng 1.7 triệu người so với trước đại dịch COVID-19.

Chúc Mừng Lễ Tạ Ơn!

Happy Thanksgiving Day 2023!


Cẩn thận! Cảnh Sát Tiểu Bang California (CHP), mở nhiều nút chặn xe kiểm tra, gia tăng tuần tiễu chặn tài xế say xỉn dịp lễ Tạ Ơn 2023!

(Th.Long)

-Cảnh Sát Tiểu Bang California (CHP) gia tăng tuần tra tuần tiễu khắp tiểu bang trong năm ngày dịp lễ Tạ Ơn để chặn tài xế say xỉn và lái ẩu, theo City News Service.

Trong “giai đoạn thi hành luật tối đa,” từ 6 giờ 1 phút chiều Thứ Tư, 22 Tháng Mười Một, tới 11 giờ 59 phút tối Chủ Nhật, 26 Tháng Mười Một, toàn bộ cảnh sát viên CHP sẽ tuần tiễu xa lộ và đường nội thành để chặn tài xế vi phạm luật giao thông, CHP loan báo.

Cảnh Sát Tiểu Bang California chặn xe kiểm tra.



(Hình minh họa: CHP)

“Lễ Tạ Ơn là dịp tạ ơn và vui chơi, nhưng vào kỳ lễ này, xe cộ thường đông đúc nên rủi ro tai nạn tăng,” ông Sean Duryee, người đứng đầu CHP, cảnh báo.

“Cảnh sát viên của chúng tôi sẽ tuần tiễu để thi hành luật nếu cần thiết và để giúp đỡ tài xế mắc kẹt hoặc cần hỗ trợ bên lề đường,” ông Duryee cho hay.

Trong năm ngày này năm ngoái, 37 người thiệt mạng do tai nạn xe cộ khắp California, và CHP bắt giữ 1,016 người bị nghi say rượu lái xe, đồng thời ghi hơn 8,600 giấy phạt lái quá tốc độ cho phép và không cài dây an toàn.

“Hãy nhớ ưu tiên an toàn khi lái xe mùa lễ,” ông Duryee khuyên. “Tuân thủ tốc độ cho phép, tránh sao lãng, và bảo đảm mọi người trên xe đều cài dây an toàn. Lái xe có trách nhiệm góp phần giúp ngày lễ được vui vẻ và an toàn.”

Chúc Mừng Lễ Tạ Ơn!
Happy Thanksgiving Day 2023!


Nhớ Về Một Mùa Tạ Ơn…
(Nguyên Nhung)



-Tôi đến Mỹ vào một chiều mùa Đông năm 1992. Đối với tôi lúc ấy, cảm giác lạnh lùng trống vắng khi nhìn thấy những rừng cây trơ trụi hai bên xa lộ nằm thiếp ngủ, thành phố về đêm nhấp nháy ánh đèn xanh đỏ dưới cơn mưa phùn mùa đông rét mướt.

Buồn, cảm giác buồn thay cho bao háo hức thường ẩn hiện trong những giấc mơ khi còn ở Việt Nam, hiện tại một nước Mỹ buốt lạnh và buồn rầu khi chiếc xe chạy qua những đoạn đường ướt át. Lúc ấy đã gần nửa đêm, người bảo trợ đưa cả nhà về căn chung cư một phòng ngủ, ngổn ngang vài món cần thiết xin được của hội từ thiện. Nhà hàng xóm người Kampuchia đêm khuya vẫn còn thức, nghe có tiếng xê dịch ngoài hành lang vội mở cửa nhìn ra, rồi biết có người mới qua cũng tíu tít chạy ra hỏi thăm, bưng cho ngay thùng mì gói và hộp sữa.

Đối với chúng tôi lúc ấy tình người quý biết bao, nỗi nhớ quê còn đầy nhưng sự chia xẻ ấy khiến lòng tôi ấm lại. Phải đến năm sau, một năm dài làm quen với khí hậu và phong tục của nuớc Mỹ, tôi mới hưởng được không khí ấm áp cuả mùa lễ Tạ Ơn vào tháng 11 năm 1993.

Đẩy lùi vào quá khứ những ngày vất vả khó khăn ở quê nhà, chỉ một năm thôi cơ hội đã mở toang cánh cửa đón gia đình tôi hòa nhập vào đất nước tự do. Hình như quanh tôi có một điều khó diễn tả được khi cảm nhận được hai chữ tự do, những ngày đầu tôi vẫn tưởng mình đang nằm mơ, nhưng giấc mơ ấy đã thành sự thật, bước ban đầu còn lạc lõng, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ của nước Mỹ, mặc dù chưa đóng góp được gì cho xứ sở này.

Mỗi ngày, điều thích thú nhất với tôi là được đi học, ở cái tuổi ngoại tứ tuần mà còn cắp sách đến trường, tung tăng như một nữ sinh trung học làm tôi sống lại cảm giác thời thanh xuân mà tôi đánh mất từ lâu. Dù đấy chỉ là lớp học dạy ESL, dành cho những người chân ướt chân ráo mới được định cư tại Hoa Kỳ, nhưng không khí của một lớp học thì dường như ở đâu cũng vậy. Một, hai bác cao niên dở dang sự nghiệp, vài người trung niên, cùng những bạn trẻ từ nhiều quốc gia học chung một lớp. Chúng tôi đã thật sự đến gần với nhau qua những tâm sự bằng thứ tiếng Anh bập bẹ, kể cho nhau nghe về xứ sở của mình và lý do đến được xứ sở này, cảm thông với nhau về hoàn cảnh hiện tại, và niềm hy vọng tốt đẹp ở tương lai

Khi chuẩn bị mùa lễ Tạ Ơn, ông thầy trẻ đã dạy cho chúng tôi học bài học mùa Tạ Ơn, để hiểu tại sao xứ sở này người ta duy trì ngày Lễ Tạ Ơn hằng năm. Bài học “The First Thanksgiving” ngày hôm ấy là một đề tài hấp dẫn cho cả lớp, và tôi đã cố học thuộc lòng như cháo vài câu cảm ơn cho bữa tiệc trước ngày lễ Tạ Ơn năm đó.

“Theo câu chuyện kể lại. Một ngày, những người Pilgrims đầu tiên sống ở nước Anh, họ là những người bị bắt buộc theo giáo phái của nhà Vua, gọi là King’s Church, nhưng họ lại chỉ muốn được tự do cầu nguyện theo truyền thống thờ phượng riêng của họ mà thôi.

Những người Pilgrims này đã tìm cách rời nước Anh, và họ tìm đến một quốc gia nhỏ có tên là Holland, họ đã hòa nhập vào sinh hoạt tôn giáo của người địa phương, sự tư do của tôn giáo chỉ đúng nghĩa nhất khi mỗi người được thực sự cầu nguyện theo con đường mà họ thích. Người Holland được gọi là người Dutch, ngôn ngữ riêng của họ là tiếng Dutch. Thế là một lần nữa, những người Pilgrims lại lên đường tìm về miền đất mới, đó là Châu Mỹ xa xôi.

Tại xứ sở này, họ có được sự tự do tôn giáo, con cháu họ được nói tiếng Anh. Năm 1620, năm đánh dấu 102 người Pilgrims, những người đầu tiên đi tìm đất mới, rời Holland và con tàu mang tên Mayflower đã mang họ đi trong thời tiết khắc nghiệt với những cơn mưa và khí hậu lạnh lẽo, nhiều người đã nhiễm bệnh nên con tàu không thể tiếp tục lênh đênh trên biển.

Sau hai lần thất bại, trong mùa đông đầy bão tố để đến Virginia, các hành khách ở lại thuyền này qua mùa đông tại vịnh Cape Cod. Vì chỗ ở chật chội và tình trạng vệ sinh rất kém nhiều người đã chết vì bị sưng phổi hay bị bệnh lao, trong số người chết có nhiều trẻ em. Vào ngày 31 tháng 3 năm 1621 người ta bắt đầu định cư tại vùng biển mà bây giờ gọi là Plymouth.

Cuộc hành trình của tàu Mayflower là một trong những thí dụ nổi tiếng cho những cuộc di dân tới Hoa Kỳ từ Âu Châu, tuy nhiên đó là một lầm lẫn khi cho đó là một khởi đầu. Thật ra việc thuộc địa hóa Bắc Mỹ đã bắt đầu vào giữa thế kỷ 16, với việc di dân tới Newfoundland. Thành phố St. John's với sự chiếm đóng của vương quốc Anh vào năm 1583 được xem là thuộc địa của đế quốc Anh lâu đời nhất.

Nhưng mùa đông năm đó, khí hậu nơi này cũng vô cùng khắc nghiệt, nhiều người đã chết, họ sống lây lất bằng ít lương thực thật nhỏ nhoi, cầm cự mãi nếu không có sự giúp đỡ của những người địa phương, đó là những người da đỏ được gọi là người Indians.

Những người dân địa phương tốt bụng này đã hướng dẫn cho họ hòa nhập vào đời sống mới, dạy cho họ cách trồng trọt và bắt cá để làm thức ăn, chỉ cho họ cách trồng bắp, một loại ngũ cốc dễ ăn và dễ cất giữ để làm lương thực trong đời sống hằng ngày. Bắt đầu từ đấy, người di dân xây được nhà thờ của họ, bắt đầu xây dựng nhà cửa, và họ đã rất hạnh phúc khi có một đời sống no ấm trong một xứ sở tự do.

Tháng 11 năm 1620 là ngày lễ Tạ Ơn đầu tiên được hình thành cho cộng đồng người da đỏ bản xứ và người di dân đến từ nước Anh. Họ tổ chức một buổi tiệc Tạ Ơn để người Pilgrims có dịp bày tỏ lòng tri ơn của họ, cảm ơn Thượng Đế đã cho họ được gặp những người địa phương đầy lòng từ tâm, đã giúp họ một cuộc sống mới nơi mà họ đã phải đánh đổi bao nhiêu gian nan để tìm kiếm."

Bài học về ngày Lễ Tạ Ơn cũng chấm dứt, tiếp theo đó mỗi người trong lớp đã bày tỏ lòng biết ơn của mình với những người xung quanh, mở đầu cho một party mang nhiều màu sắc dân tộc. Trước mấy ngày, giờ ra chơi những học sinh đã hỏi nhau về những món ăn mà mọi người mang đến lớp học mừng lễ Tạ Ơn, đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi được làm quen với những món ăn truyền thống của từng dân tộc.

Martha người Mễ Tây Cơ còn trẻ và rất vui tính, trên tay cô là một khay thức ăn đậm đà hương vị Mễ Tây Cơ, bánh bột bắp cuộn món bò hầm với rau đậu ăn lạ miệng và khá ngon. Cô đến lớp đỏm dáng với chiếc váy hoa sặc sỡ, đôi chân như nhảy nhót theo điệu nhạc. Martha là người đã dạy tôi hát bản “Besame Mucho” bằng tiếng Spanish, mỗi dân tộc đều thể hiện dân tộc tính của mình qua các món ăn hay cách sinh hoạt, người Mễ Tây Cơ thích âm nhạc, thích hưởng thụ khác với tính chuyên cần, chăm chỉ và kín đáo cuả người Việt. Vốn tính trung thực, Martha giản dị chỉ cho những người mắt kém đi chọn một cái kính đeo mắt tương đối trong cửa hàng Walgreen, cô hóm hỉnh nói:

“Mình chưa đủ tiền đến bác sĩ đo mắt và mua một cái kính đắt tiền, đến đó (ý cô nói là cửa hàng Walgreen) có vô khối các loại kính đeo mắt cho mình chọn lựa. Tạm thời thôi, mai mốt khi nói giỏi tiếng Anh, có việc làm tốt, các bạn tha hồ đi khám mắt và mua một cái kính hoàn hảo.”

À thì ra trong câu chuyện nhỏ, Martha đã đem đến cho mọi người ý nghĩa cuả sự tương đối, trong khi tôi biết một vài người quen diện tỵ nạn, sau khi thoát khỏi cảnh nghèo ở quê hương, sang đây vẫn hay ta thán bất mãn cho rằng cuộc sống của họ vẫn chưa được những điều vừa ý. Đó là sự đòi hỏi một cách quá đáng,khi chính bản thân họ vẫn đang sống nhờ vào cộng đồng xã hội. Đáng lẽ thế này, đáng lẽ thế nọ, toàn những đáng lẽ để phàn nàn mà không nghĩ mình đang chịu ơn những người chả hề mắc nợ mình, họ cũng phải một nắng hai sương đi làm đóng thuế, và nhờ sự đóng góp của họ mà mình được san xẻ.

Trong bữa tiệc, bác Bích Huệ người Việt cao niên nhất của lớp học, đã làm nguyên một ổ bánh kem thật lớn, với hàng chữ Tạ Ơn viết thật nắn nót. Bác tiêu biểu cho một cụ già VN mà còn hiếu học, tinh thần Tạ Ơn và luôn nghĩ đến người khác đã được thể hiện dài dài trong đời bác. Gần 80 tuổi, bác vẫn mở lớp dạy làm bánh tại nhà, không hề nhận một đồng thù lao để dạy cho các người Việt trẻ tuổi thích trổ tài nội trợ khi có dịp họp mặt trong gia đình, hoặc cho những người cần học một nghề để làm cần câu cơm. Ai cũng ái ngại cho việc tuổi già vác ngà voi của bác, nhưng bác nói:

“Tôi già rồi, không đóng góp được gì với đời. Bao nhiêu năm kể từ năm 75, dẫn cả nhà sang đây tỵ nạn, gia đình tôi đã làm lại từ đầu nhờ xứ sở này rộng rãi mở cửa cho chúng tôi vào. Nay con cháu đã thành đạt, tôi chịu ơn xứ sở này và của cuộc đời cũng nhiều, không biết cách gì để trả ơn, thôi thì đây cũng là một cách giúp chị em phụ nữ như tôi biết thêm nghề gì hay nghề nấy. Đó cũng là lý do làm cho tôi cảm thấy hạnh phúc.”

Bác thật hạnh phúc, tôi luôn nhớ đến những gì bác làm cho mọi người và từ đó tôi nghiệm ra hai chữ tri ơn cuộc đời của bác. Tháng Chín năm trước, bác đã thênh thang đi về bên kia thế giới, hành trang mang theo là những gì bác đã làm cho mọi người khi còn sống. Ngày tang lễ của bác thật đông người đến đưa tiễn, trong tấm ảnh, khuôn mặt hiền từ, đôn hậu của một cụ già suốt đời chỉ thích làm việc thiện vẫn nở nụ cười nhân từ với những bông huệ trắng muốt.

Những người Mỹ tôi quen còn dạy cho tôi một bài học về sự tự tin và lạc quan trong cuộc sống của họ. Khi về già, họ không ngồi ta thán sự hẩm hiu của mình trong bốn bức tường, không bi quan sầu luỵ quá về bệnh tật. Viết đến đây tôi lại nhớ đến bà Naomi, một phụ nữ da trắng khuôn mặt tròn, da nhăn nheo xếp lớp với thời gian, tuổi già đã làm cho bà nhỏ bé lại nhưng toàn khuôn mặt toát lên thần sắc yêu đời tha thiết. Thế mà bà đang bị ung thư thời kỳ cuối cùng đấy, nhưng tôi không thể nào biết được người đàn bà cao niên ấy đang phải chống chỏi với căn bệnh trầm kha này như thế nào.

Bữa ăn cuối cùng với bà NaoMi cũng vào dịp lễ Tạ Ơn, bác Huệ và tôi được mời khi cùng đi với nhóm bạn già của bà NaoMi đến thăm một nhà dưỡng lão. Viện Dưỡng Lão vào một ngày mùa đông buồn ảm đạm, một cụ gìa ú ớ gọi tên hết người này đến người khác, bà đang lẫn lộn dĩ vãng với hiện tại. Một cụ ông đẩy chiếc xe lăn cho bà vợ tóc xoã rũ rượi, ông nói:

“Mỗi ngày, tôi đi bộ 3 miles từ nhà đến đây để gần gũi vợ tôi, dù bà không nhớ tôi là ai, nhưng tôi thì nhớ bà là vợ mình.”

Một câu nói thật hay mà đâu cần phải tìm trong những lời hay ý đẹp của các vĩ nhân trên thế giới. Vật lộn với thần chết đến giây phút cuối cùng, lạc quan yêu đời để lướt qua những cơn đau là tính lạc quan của bà NaoMi. Một ngày thứ bảy cùng năm đó, tôi lại đến dự tang lễ tiễn bà NaoMi trong ngôi thánh đường êm ả, nhìn tấm ảnh nụ cười bà thật rạng rỡ.

Những người bạn cao niên này còn dạy cho tôi tinh thần tự nguyện làm công tác xã hội, không rụt rè vì khác biệt ngôn ngữ và văn hoá. Bà Linda gầy gò ngày ngày lái xe đến trường tiểu học để sắp xếp những cuốn sách của các em học sinh bừa bãi trên bàn vào các kệ sách của thư viện, dạy cho các em học tính ngăn nắp và biết cách giữ gìn những cuốn sách. Một hôm đang lơn tơn tìm gặp cô giáo của con tôi thì bất ngờ bị chận lại bởi một giọng trẻ con thật dễ thương:

“May I help you?”

Ôi chao! Chắc chỉ có xứ sở này trường học mới dạy cho trẻ con câu hỏi ấy, nó đơn sơ và đầy tình người, được thốt ra từ đôi môi hồng của một cô bé 7, 8 tuổi trong ngôi trường tiểu học, khiến tôi phải suy nghĩ và cảm động rồi tự hỏi, đến khi nào tôi mới biết hỏi ai đó câu này mà giúp đỡ họ.

Đâu cần phải tìm ở đâu xa mới thấy được tình yêu thương. Trên mảnh vườn nho nhỏ của tôi, vài con chim cu gọi đàn kêu gù gù nghe buồn da diết, xen lẫn là vài chú chim sẻ nhỏ nhít nhảy xung quanh, chúng sống chung một cách hòa bình và tương trợ lẫn nhau, một con sẻ nhỏ đã giúp cho con sáo non lạc bầy ăn những mẩu bánh vụn một sớm mai sau cơn bão. Ở một trạm xe bus giờ đông người, ông già da màu đã luống tuổi khi qua đường đã ngồi thụp xuống đất cột sợi dây giày cho một anh chàng tàn tật người da trắng, họ có quen nhau đâu. Một người khác không nề hà khi dắt một người mù lên xe rồi vội vã trở lại con đường đi bộ của ông ta. Tôi không nghe được lời “Cảm Ơn” nho nhỏ họ dành cho nhau, nhưng chắc chắn đã hiểu được sự cảm động trong đáy lòng người được giúp đỡ.

Mỗi năm khi đến mùa Tạ Ơn, tôi lại để lòng mình chìm đắm trong tưởng nhớ để nghĩ về những khuôn mặt thân quen mà tôi gặp gỡ trong dòng đời. Như một cuộn phim tình cảm ấm áp đang quay lại để tôi nhớ đến họ, loại trừ đi những đoạn phim buồn, tôi có nguyên một cuốn phim đầy tình người, mang theo biết bao nhiêu kỷ niệm.

Mùa Tạ Ơn năm nay mưa nhiều, đã hơn hai mươi năm tôi đón mùa Tạ Ơn trên đất nước Hoa Kỳ, cùng hoà nhập vào cuộc sống nơi xứ sở mà ngày xưa đối với tôi nghe như chuyện huyền thoại. Bước chân nào đã đưa gia đình tôi tới đây, cùng chia xẻ với biết bao thăng trầm của một đất nước, nơi tôi đã sống và xem như quê hương thứ hai của mình.

Nhìn tấm ảnh gia đình chụp mùa Giáng Sinh năm ngoái, từ con số vỏn vẹn 5 người nay đã nhân lên thành một đại gia đình đầm ấm có thêm những đứa cháu ngoan, đem tiếng khóc tiếng cười cho không khí mùa Tạ Ơn được ấm áp hơn. Mưa vẫn rơi đều trên mảnh sân ướt át, đàn chim sẻ và bồ câu mỗi ngày về đây nhặt hạt cỏ nuôi thân, hôm nay cũng vắng bóng. Có lẽ lũ chim cũng đang ủ ấm cho nhau trên một mái hiên nào đó. Cảm ơn Trời đã cho tôi một đời sống bình lặng và êm ả qua hình ảnh tổ chim chiu chít gọi đàn.

Ngoài kia, trời vẫn đang mưa và đang trở lạnh, có lẽ sau vài cơn mưa lút đầu ngọn cỏ, những cây ngò non sẽ cùng nhau vươn lên mang màu xanh hy vọng trong mảnh vườn mùa đông tàn tạ.

Chúc Mừng Lễ Tạ Ơn!
Happy Thanksgiving Day 2023!



Chuyện thường xảy ra, làm mất vui: Cách ‘né’ tránh gây xung đột trong những bữa tiệc tùng mùa lễ
(Sam Nguyễn)

(Ảnh: Một bữa tiệc gia đình trong ngày lễ Tạ Ơn.

-Thanksgiving và các ngày lễ sắp tới là dịp để các gia đình tụ họp, ăn uống, vui chơi, nhưng không phải nhà nào cũng có được không khí vui vẻ.

“Tui hận, tui căm thù lão ấy, dù tui thương chị tui lắm, nhưng với lão anh rể đó, tui thề không bao giờ gặp mặt,” chị Kimberly Phạm, cư dân thành phố Anaheim, CA., nói với giọng bực tức. Không biết lý do gì gây ra thù hằn này, chỉ thấy trước mắt, nếu trong gia đình dịp tụ họp, sẽ một là không có chị, hoặc không có mặt người anh rể.

Những kỳ nghỉ lễ có lẽ là khoảng thời gian vui vẻ nhất, nhưng cũng có khi là khó khăn đối với một số người, đặc biệt là nếu họ có những thành viên trong gia đình không hòa hợp, như chị Kimberly, và mặc dù cũng có giải pháp né tránh, nhưng không phải lúc nào cũng đơn giản.

Có nhiều lý do khiến mọi người chọn cách chịu đựng những thành viên khó tính trong gia đình, cho dù đó là ở bên nhà chồng hay nhà bố mẹ ruột.

Vậy, bạn sẽ làm gì nếu không thể dành thời gian cho những thành viên trong gia đình mà bạn không thoải mái khi nói chuyện, hoặc “thề không gặp mặt”?

Theo một cuộc thăm dò gần đây của USA Today, gần 85% người dân tránh tụ tập gia đình trong kỳ nghỉ lễ. Đó chắc chắn là một trong những cách để tránh xảy ra những chuyện không hay, nhưng điều đó không phải ai cũng làm được.

Vì vậy, đối với những người phải tiếp xúc với những thành viên trong gia đình mà họ không đặc biệt yêu thích, có ba điều đơn giản mà bạn nên làm để giữ bình tĩnh và vui vẻ trong ngày họp mặt gia đình.

Không ai thích bị mắc kẹt ở một nơi nào đó để phải chịu đựng khó chịu suốt cả một buổi. Vì vậy, nếu bạn có người đi cùng, hãy bảo đảm rằng cả hai đều biết rõ mình sẽ ở lại trong bao lâu.

Vì những ngày nghỉ lễ thường được coi là ngày dài dành cho gia đình, nên sẽ có ai đó hỏi tại sao bạn về sớm thế. Hãy chuẩn bị cho tình huống đó bằng cách nghĩ ra một nơi nào để đi. Hãy lên lịch cho chuyến thăm kế tiếp đó trước, để bạn có thể vừa tận dụng thời gian dành cho gia đình, vừa “được” ra về một cách lịch sự.

Điều này không có gì là phức tạp, chỉ cần bạn cảm thấy hợp lý. Nếu không có người yêu, vợ hoặc chồng và con cái đi cùng, bạn luôn cần lên kế hoạch để ghé thăm nhà một người bạn sau thời gian dành cho gia đình.

(Hình: minh họa)

Bạn chỉ cần thông báo một câu: “Xin lỗi cả nhà, tụi em phải đến thăm bạn đang bị bệnh lúc 2 giờ trưa nay. Hôm nay vui quá, cám ơn mọi người!” và thế là… chuồn.

Ngoài ra bạn cũng có thể thỏa thuận trước dấu hiệu bí mật để người đi cùng biết đã đến lúc họ phải chuồn. Điều này về cơ bản cũng giống như dùng cửa thoát hiểm. Ví dụ, bạn như chợt nhớ ra: “Ối, mình quên đóng cửa garage rồi, để mình chạy đi tí nhe, sẽ quay lại.” Mọi người sẽ hiểu, nếu garage mở toang hoác sẽ nguy hiểm như thế nào, và thông cảm cho bạn. Còn việc bạn có quay lại hay không, lại là chuyện khác.

Nếu bạn thấy mình tham dự một buổi họp mặt gia đình có một hoặc hai người mà bạn không ưa, hãy né đi nơi khác để tránh chạm mặt. Sau những chào hỏi ban đầu, hãy chuyển sang một phòng khác trong nhà, hoặc ra ngoài sân ngắm cây ngắm cảnh với các thành viên khác. Không ai buộc bạn phải “giả vờ” vui vẻ khi lòng không vui chút nào.

Nếu bạn chưa chuẩn bị sẵn sàng để đối phó về mặt cảm xúc và tinh thần với những tình huống trớ trêu có thể xảy đến, hãy giữ mức xã giao với người mà bạn không thích. Nếu ai đó cố gắng làm bạn nóng lên, hãy chuyển hướng bằng cách nói rằng bạn đã nghe về điều đó nhưng chưa thực sự hiểu, sau đó đổi chủ đề.

Có nhiều cách mà một số người sử dụng để điều khiển cuộc trò chuyện, nhưng hãy nhớ rằng, bạn luôn có khả năng tạo khoảng cách giữa bản thân và người mình không ưa, nếu cần.

Nói tóm lại, các chuyên gia tâm lý khuyên bạn nên kiểm soát cảm xúc của mình, đừng để những ngày họp mặt gia đình, bạn bè trở nên tệ hơn, vì những cảm xúc bốc đồng khác không muốn có.

Chúc Mừng Lễ Tạ Ơn!
Happy Thanksgiving Day 2023!




Mùa Tạ Ơn Viết Về Nước Mỹ!

Cám Ơn, Không Phải Dễ!
(Xuân Nguyễn)

-Cám ơn là bày tỏ sự biết ơn bằng lời nói hay bằng chữ viết qua những lá thư và cánh thiệp.

Hằng ngày bước chân ra khỏi nhà là chúng ta nghe người Mỹ chào hỏi nhau (greet), cám ơn (thank you) và xin lỗi (apology, sorry) gần như lạm dụng trong đời sống. Không phải đợi đến mùa Tạ Ơn vào tháng 11 người ta mới tỏ lòng biết ơn. Cám ơn được diễn tả bằng nhiều thành ngữ như thank you, thanks, thanks a lot, thanks a million hay thank you very much... Khi được một ai đó giúp cho một việc gì dù nhỏ hay lớn như đưa một quyển sách, mở hộ một cái cửa, nhường một lối đi, nhận một lời khen hay lời mời thì người Mỹ nói cám ơn bằng một giọng nói đầy chân tình với những cử chỉ ân cần đi kèm với một nụ cười xã giao. Người nhận được lời cám ơn không thể im lặng mà còn phải trả lời bằng một câu ngắn gọn như: you are welcome (không có chi), it's my pleasure (đó là niềm vui của tôi), don't mention it (xin đừng quan tâm), think nothing of it (xin đừng nghĩ gì cả) mà người Việt mình thường dịch chung là: không có chi.

Ngoài việc cám ơn trực tiếp bằng miệng hay qua điện thoại, người Mỹ còn có hình thức cám ơn trân trọng bằng thư hay thiệp như trường hợp nhận quà sinh nhật, quà cưới, quà kỷ niệm thành hôn, quà Giáng Sinh... mà người gửi là thân nhân hay bạn bè ở xa không tiện gặp nhau và cũng không tiện nói chuyện qua điện thoại.

Theo phép xã giao ở Mỹ thì thư hay thiệp cám ơn nên viết tay, chỉ đánh máy trong trường hợp chữ viết của bạn khó đọc. Nội dung cám ơn ngắn gọn nhưng đủ ý và chứa đựng tình cảm thành thực. Khổ giấy thư cám ơn (note paper) chỉ bằng nửa khổ giấy viết thư thường (letter size). Chúng ta có thể mua giấy viết thư và thiệp cám ơn ở chợ, ở các cửa hàng tiết kiệm hay các tiệm chuyên bán thiệp như Hallmark hay B. Dalton vv...

Cám ơn coi vậy mà không phải dễ. Nội dung một thư cám ơn thường gồm ba phần: Lời cám ơn, lời chú thích ngắn về món quà nhận được và cuối cùng là một lời phát biểu chân thành. Không nên cám ơn suông như thank you for your gift (cám ơn về món quà của bạn) chứng tỏ mình không quan tâm đến món quà mà người bạn đã mất công lựa chọn khi nghĩ đến mình và mua cho mình. Do đó chúng ta nên bày tỏ sự thích thú đối với món quà và cho nó một lời khen. Nhưng chúng ta cũng không thể khen nếu chưa biết nó là cái gì. Vì vậy mà khi nhận được món quà sinh nhật hay Giáng Sinh người nhận thường xin phép mở quà để nói lên những lời cám ơn chân thành, sự quan tâm thích thú về món quà đó nhưng cũng không phải quá thích đến nổi phải nói: thank you again như có ý mong quà lần tới.

Cũng vì lạm dụng từ ngữ cám ơn, sử dụng như một thói quen mà nhiều người khi nhận một giấy phạt về luật lệ giao thông của Cảnh Sát vẫn cám ơn mặc dầu không cần thiết. Người Mỹ còn cám ơn ngay cả những người thiếu bổn phận hay không làm gì cho họ bằng thành ngữ: Thanks anyway (dù sao cũng cám ơn) hay thanks for doing nothing (cám ơn dù không làm được gì). Dù sao đi nữa thì việc cám ơn đối với người Mỹ cũng dễ vì ngôn ngữ của họ là ngôn ngữ nói (verbal language). Nhưng đối với người Việt chúng ta thật không dễ chút nào mặc dầu chúng ta ai cũng biết:

Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Do ngôn ngữ Việt là một ngôn ngữ không diễn đạt (non-verbal) nên người Việt mình nhất là những người ít chịu ảnh hưởng của văn hóa Tây Phương thường diễn đạt tư tưởng tình cảm bằng ký hiệu như bằng nụ cười và sự im lặng để người đối diện tự hiểu ngầm. Vì vậy mà chúng ta không lấy làm lạ khi đưa một quyển sách, mở hộ cái cửa cho một người Việt, khen một phụ nữ Việt mặc chiếc áo đẹp thì họ không cám ơn mà chỉ nở một nụ cười. Nụ cười có thể mang nhiều ý nghĩa: nhận lời khen, từ chối lời khen, là chuyện nhỏ không đáng nói lời cám ơn. Thái độ của người Việt mình đã làm cho người bản xứ hiểu lầm cho là chúng ta kém xã giao, thậm chí thiếu tư cách và thô lổ. Người mình chỉ cám ơn và xin lỗi khi nhận được một ân huệ lớn, một cảm xúc hay một ấn tượng mãnh liệt.

Nhiều người Việt ở Mỹ thường phàn nàn bà con bên nhà về việc nhận quà. Nếu món quà mà người nhận cho là không có ữgiá trị kinh tếữ thì người gửi thường chỉ nhận sự im lặng rồi có thể đi lần đến ch ữnghỉ chơiữ. Chúng ta, người gửi, có thể hiểu ngầm sự im lặng có nghĩa là quà đã đến tay nhưng ít quá không cần thiết phải cám ơn. Bên nhà đâu có hiểu là bên này phải ữcày sâu, cuốc bẩmữ mới có tiền gửi về và không biết gửi bao nhiêu mới vừa lòng người nhận.

Một người bạn thân của tôi mới gọi điện thoại hỏi thăm: sống ở Mỹ gần một thập niên, đã hội nhập cái văn hóa Mỹ đến đâu rồi" Tôi thành thật trả lời ngày nào mà tôi chẳng chào hỏi, cám ơn, xin lỗi cứ nhặng cả lên như là một phản xạ tự nhiên nhưng chỉ đối với người Mỹ thôi chứ với người Việt tôi thú nhận là chưa làm được.

Hằng ngày vào chổ làm tôi không chào đồng nghiệp Việt bằng từ ngữ Good morning, Good afternoon, Good evening như khi gặp các đồng nghiệp Mỹ hay Mễ.

Một người bạn Việt mời tôi một cái bánh, một cục kẹo, có khi cho tôi quá giang xe về nhà thì tôi ăn tự nhiên, lên xe đi mà quên cám ơn thì người bạn ấy cũng không giận. Họ khen tôi mặc chiếc áo làm cho thân hình thon gọn tôi mỉm cười hưởng ứng chứ bảo tôi nói thank you for your compliment hay cám ơn bạn đã khen thì tôi không nói được.

Hình như cái phong tục tập quán nước tôi đã dạy tôi rằng nói như vậy thì có cái gì khách sáo giả tạo vì đó là "õchuyện nhỏư" mặc dầu tôi chưa biết "chuyện lớn" là chuyện gì để tôi nói cám ơn. Tối đến trước khi vào giường ngủ tôi cũng xem con cái đã vào chưa nhưng không đợi chúng nói: "I love you, Mom" để trả lời "We love you, honey" và chờ chúng cám ơn và chúc good night.

Thật cám ơn mới xem qua tưởng dễ mà thật không dễ đối với tôi.

Bạn tôi, một người bạn thân qua Mỹ từ năm 75 hiện là một giáo sư khải đạo (counselor) cho một Đại Học Cộng Đồng ở Bắc Cali thấy gần đến mùa Tạ Ơn, gọi điện thoại nhắc nhở tôi:
- Sắp đến mùa Tạ Ơn, đã mua thiệp để tạ ơn "ai" chưa"

Tôi đáp: Tạ ơn là một lễ của người Mỹ nên mình đã mua mấy tấm thiệp sale để cám ơn bà "thủ trưởng" (boss), bà giáo dạy Anh ngữ và mấy đồng nghiệp Mỹ chứ không gửi thiệp cho bạn Việt Nam.

Bạn tôi cười: như vậy vẫn còn thiếu sót lắm. Bây giờ là công dân Mỹ rồi thì phải biết thanks anyway, thanks for doing nothing hay thanks for doing something chứ!

Tôi chợt hiểu bà ta định ám chỉ gì rồi nhưng cứ giả vờ như bí vận. Thì bạn tôi với suy nghĩ nhạy bén cộng thêm với kinh nghiệm nghề nghiệp đã mau miệng:
- Gần 10 năm rồi, hận tình nên cho qua đi, nên suy nghĩ một cách tích cực lạc quan để sống, nên cám ơn người tình phụ.

Rồi bà ta phân tích bốn trường hợp "xuất khẩu" chồng:

* Có bảo lãnh và có nuôi vợ con
* Có bảo lãnh mà không nuôi
* Không bảo lãnh và không nuôi
* Ông xã đi nhưng mất tích

Bà bảo tôi ở vào trường hợp thứ hai vẫn còn khá, không nên cầu toàn trách bị mà nên mua tấm thiệp gửi để tạ ơn ổng vì dù sao cũng nhờ ổng con cái được sang Mỹ du học miễn phí, mẹ còn được đi theo để lo cho con từng miếng ăn giấc ngủ. Giá như ông không lãnh thì giờ này còn ở bên nhà với đồng lương chết đói, 20 đô một tháng ăn chưa đủ 10 ngày nói chi chuyện du học là không tưởng.

Chà, bà này đi 75 nên đã Americanized (Mỹ hóa) quá rồi! Tôi nghĩ thầm.

Thấy tôi có vẻ lừng khừng chưa chấp nhận cái lý luận đó, bà bồi thêm:
- Nên viết thư hay thiệp để cám ơn "người ta" đi vì kể ra "õngười ấy" cũng làm được "õchuyện lớn" đó chứ! Hơn nữa cũng nhờ "đem con bỏ chợ", mấy mẹ con bà tức giận tình đời đen bạc, kẻ cố làm, người cố học mới có một cuộc sống tự lập như ngày hôm nay. Theo mình thì phúc đức không có nghĩa đi ra khỏi nhà một bước có chồng con đưa đón để rồi về nhà làm chủ cái bếp, làm những việc không tên nhưng không lương, không bảo hiểm.
- Cám ơn Kim đã phân tích một cách hợp lý về hoàn cảnh ái ngại của mình và an ủi mình.

Rồi chúng tôi cúp điện thoại.

Thế là mùa Tạ ơn năm nay tôi phải mua thêm hai tấm thiệp để tặng và nhớ ơn bạn vàng cùng người tình phụ.

Đêm nằm tôi suy nghĩ và vẫn cảm thấy cám ơn không phải dễ đối với tôi.

Tôi không muốn sử dụng ngôn từ cám ơn một cách lạm phát, bừa bãi mà phải thận trọng. Nếu phải chọn quà, mua thiệp, nói hay viết vài lời cám ơn bằng Anh ngữ với những người bạn bản xứ thì tôi vẫn còn "dị ứng" vì Anh ngữ là một ngôn ngữ thứ hai của tôi.

Tôi cũng chưa "giác ngộ" hay Mỹ hóa đến độ xem người tình phụ là bạn là người ân mà những người đàn bà Mỹ có thể làm sau bản án ly dị.

Trước sau tôi vẫn là một người mẹ Việt Nam thuần túy với đầy đủ những đức tính rộng lượng, biết tha thứ nhưng cũng biết ghen tuông và ích kỷ.

Xuân Nguyễn


Đất nước Hoa Kỳ trong tôi: Vẻ Đẹp Đất Nước Hoa Kỳ

(Tố Yên)

-Ở Mỹ càng lâu, tôi càng nhận ra rằng đất nước này quả không hổ danh với hai chữ “cường quốc”. Không phải tôi mang một ý nghĩ phiến diện hay phủ nhận sự văn minh cũng như sự phát triển đang ngày một lớn mạnh của quê hương tôi, nhưng phải công nhận một sự thật hiển nhiên rằng – Việt Nam mình còn cách rất xa Mỹ trên con đường chinh phục sự văn minh của loài người (xét về cả hai phương diện vật chất và nhận thức).

Thứ nhất, người Mỹ có ý thức rất cao trong việc tuân thủ quy tắc giao thông. Sống ở đây cũng đã 10 tháng hơn, chưa bao giờ tôi thấy một chiếc xe nào vượt đèn đỏ. Ở Mỹ, hầu như chưa bao giờ thấy bóng cảnh sát giao thông ở các cột đèn, vậy mà đôi lúc trời mưa tầm tã, trên đường chỉ có một chiếc xe, họ vẫn dừng khi có tín hiệu. Người Mỹ rất hay nhường nhau khi lưu thông và người đi bộ bao giờ cũng được ưu tiên nhất. Cứ như ở Việt Nam là mạnh ai nấy chạy, tai nạn cứ nườm nượp là do thế.

Thứ hai, ở xứ này không hề có những việc như hối lộ, đút lót. Tất cả mọi thủ tục giấy tờ đều được giải quyết như nhau cho tất cả mọi người, cứ theo thứ tự mà làm, xứ tự do là vậy. Kể cả tổng thống chạy xe vượt quá tốc độ cũng bị phạt như thường, không phân biệt. Tôi có dùng dịch vụ Triple: Wifi, Cable và Home Phone tại nhà, cứ có vấn đề, lại điện thoại nhân viên đến tận nhà sửa chữa. Họ luôn vui và nhiệt tình, đến đúng giờ và cũng chẵng hề có chuyện “bồi dưỡng” ở xứ này, đó là cái hay.

Thứ ba, ở Mỹ, cái qui tắc xếp hàng là một bài học thuộc lòng lòng ở bất kì nơi nào bạn đến. Từ tiệm thuốc tây, siêu thị, cho đến các tiệm ăn nhanh như KFC, Burgerking – đâu đâu cũng phải xếp hàng. Nhớ lúc mới qua, tôi chưa quen với việc đó nên cứ đi đứng loạn xạ cả lên. Có lần bị nhắc nhở, quê quá trời. Từ đó trở đi tôi đã chú ý hơn.

Thứ tư, tôi rất thích đi mua sắm khi có thời gian. Nhân viên ở Mỹ không khi nào không thấy nụ cười trên môi, mua hàng rồi nếu không vừa ý có thể hoàn trả sau 30 ngày (tuỳ cửa hàng). Có lần, tôi để lạc mất chiếc máy ảnh đúng dịp rất cần có nó. Vậy là, a-lê-hấp, “mượn xài tạm” chiếc camera của cửa hàng gần nhà, xong việc đem trả lại không quên kèm thêm 4 chữ “Thank you so much”, người bán vẫn vui vẻ cười tươi như hoa. Tôi cũng rất thích mua hàng online ở Mỹ, chỉ cần lập 1 tài khoản online, bạn có thể shopping một cách thoải mái. Ở Mỹ hay có chương trình trả góp nên chuyện mua sắm thường không thành vấn đề đối với những cô nàng không có sẵn nhiều tiền. Thanh toán thường bằng credit/debit cards và hàng sẽ được gửi đến tận nhà. Cái hay là gói hàng đươc đặt ngay trước cửa nhà nhưng chẳng bao giờ bị mất. Ý thức cao của người Mỹ là ở đó.

Thứ năm, xứ này là xứ tôn trọng phụ nữ (cái này văn minh trong mắt tôi). Mỗi lần vào siêu thị, đàn ông đôi lúc nhiều hơn phụ nữ bởi ở đây chuyện nội trợ chưa bao giờ là của riêng ai. Nhớ có lần tôi vào tiệm bánh, thấy có ông cụ đi sau, tôi mở cửa và nhường cụ vào trước, đằng này, cụ lại giữ cửa và cười tỏ vẻ “cháu vào trước đi”. Nghĩ cũng hài, ở nước này, quan niệm “Kính lão đắc thọ” lại nhẹ ký hơn 2 chữ “Lady first”.

Cuối cùng, bạn chắc chắn sẽ thích nếu có cơ hội học tâp tại Hoa Kỳ. Giáo dục ở Mỹ luôn đưa ra một tiêu chí hàng đầu, đó là khuyến khích học tập cho tất cả mọi người. Tôi có một người quen ở Mỹ khoảng 50 tuổi, bác ấy đăng ký học ESL (English as Second Language – Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai). Mang tiếng là đi học nhưng lại nhận được 2000USD mỗi khoá (3 tháng) là tiền trợ cấp của chính phủ để mua sách vở, đóng học phí. Nếu bạn là thường trú nhân hay công dân Hoa Kỳ, bạn sẽ được hưởng giáo dục miễn phí cho đến hết trung học phổ thông (tiền học phí trích từ thuế của dân). Học lên đại học, học phí hơi cao, tuy nhiên, bạn lại có thể làm đơn xin trợ cấp tài chính từ chính phủ. Có 3 hình thức:

1- Chính phủ sẽ tài trợ toàn phần học phí của bạn
2- Chính phủ sẽ cho bạn vay tiền nộp học phí với lãi suất 0%
3- Vay Chính phủ với lãi suất thấp.

Tất cả còn phụ thuộc vào hoàn cảnh của bạn. Điều này để nói lên sự quan tâm của Chính phủ Mỹ trong việc tạo điều kiện tối đa và cơ hội học tập ở đây. Cuối cùng, nói một cách chân thật, Mỹ không phải là thiên đường như mọi người vẫn thường mường tượng (trong mắt tôi, Việt Nam mãi là thiên đường – ít nhất là trong việc ăn uống), nhưng tôi vẫn yêu thích đó đơn giản vì đất nước này đầy mới lạ và tôi thích khám phá. Sẽ có một ngày, tôi kể cho các bạn nghe vì sao Mỹ không hắn là thiên đường, nhưng bây giờ chưa phải lúc, vậy hãy yêu trước đã nhé!

(Tố Yên, là học sinh ngành Advanced English tại Union County College tại New Jersey.)



Quê Hương Của Tôi!
(Phước An Thy)

Tác giả là cư dân Garden Grove, California. Ông qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử.

**
Mười lăm tuổi, tôi mới được đặt chân đến thủ đô Sài Gòn của Việt Nam Cộng Hoà. Tiếc là khi ấy, chế độ Việt Nam Cộng Hoà đã mất, nên tôi chẳng biết gì về sự giàu sang, đẹp đẽ của “hòn ngọc viễn đông”. Năm 1975, gia đình chúng tôi chạy giặc từ miền Trung qua các tỉnh vào đến Sài Gòn, cũng là lúc Sài Gòn “được giải phóng”. Gia đình chúng tôi vào sống tạm trong một căn nhà bỏ hoang của khu gia binh, gần phi trường Tân Sơn Nhất.

Sau 30/4/1975, cha tôi bị đi tù “cải tạo” không biết nơi nào vì ông là sĩ quan An Ninh Quân Đội của chế độ Việt Nam Cộng Hoà. Bơ vơ giữa Sài Gòn xa lạ, bạc tiền không có, mẹ tôi rối bời và lo lắng đến gầy tọp hẳn đi. Tối nào mẹ và bảy anh em chúng tôi, đứa em út chưa đầy một tuổi, cũng khóc sướt mướt. Đói quá, tôi bỏ qua sự xấu hổ, dắt các em lớn hơn đi làm nghề ăn xin. Hằng ngày tôi dắt các em đi xin ăn khắp nơi, từ sáng sớm cho tới tối mịt. Khi chân tay mỏi nhừ, cả người ê ẩm, anh em mới kéo nhau về. Sài Gòn lúc ấy thật tang thương, hoang tàn và mọi người ai cũng đói khổ. Tuy vậy, người dân Sài Gòn vẫn thương cho anh em chúng tôi ít gạo, chút tiền, đơn giản có nhà cho cái bánh, cây kẹo hoặc mấy trái chuối chín vàng.

Về sau, thấy các em tôi khóc mỗi sáng vì không muốn đi ăn xin, mẹ tôi đến một tiệm bánh của người Tàu, lấy bánh bao chỉ cho tôi và đứa em gái kế đi bán. Ngày đầu đi bán, hai anh em đón xe buýt đi lên Sài Gòn. Chúng tôi chia ra hai hướng đi bán, hẹn khi bán xong, gặp nhau tại bùng binh chợ Bến Thành để cùng về.

Đến trưa bán hết bánh, tôi đi đến bùng binh chợ Bến Thành tìm em. Tôi sợ hãi khi thấy em gái tôi ngồi khóc tức tưởi dưới tượng đài Quách Thị Trang. Em kể, có một chị tới mua bánh, nói em qua tiệm may của mẹ chị bên kia đường lấy tiền. Em đi qua tiệm may họ nói, không có đứa con nào. Em về lại bên này thì chị ấy trốn mất cùng với thau bánh. Kể xong em tôi càng khóc nức nở hơn. Tôi nói với em, mất rồi thì thôi, về chứ ngồi khóc được gì. Em nhất định không chịu về, bắt tôi phải đưa em đi tìm chị kia đòi lại thau bánh.

Mấy chú xích lô, xe thồ và những cô bán hàng rong quanh bùng binh thấy em tôi khóc dữ quá, nên đến bao quanh hỏi chuyện. Sau khi biết em tôi bị mất thau bánh, họ gom góp tiền lại cho hai anh em chúng tôi. Có chú còn đến gặp những người đi dạo quanh đó để xin tiền giùm cho chúng tôi. Em tôi mừng rỡ khi thấy các cô chú cho tiền còn nhiều hơn cả số vốn đã mất. Anh em tôi vòng tay, cám ơn từng cô chú trước khi về. Khi ấy tôi chưa nhận ra sự giúp đỡ tuy giản dị, nhưng lại lớn lao như thế nào, chỉ biết cám ơn như đã được dạy là phải cám ơn những ai giúp đỡ mình.

Mẹ con chúng tôi không phải là dân sống ở Sài Gòn, không có nghề nghiệp gì nên chính quyền “cách mạng” buộc chúng tôi phải đi kinh tế mới.

Lên vùng kinh tế mới chưa được một năm thì mẹ tôi qua đời vì bị bịnh sốt rét cấp tính. Anh em chúng tôi bơ vơ trong cảnh khó nghèo, tay chân mọc đầy u nần vì phải đào bới đất đá nơi vùng rừng núi để sống qua ngày. Chính quyền địa phương không cho chúng tôi tham gia vào các sinh hoạt hay hội đoàn vì có cha là “thành phần ác ôn đang cải tạo”, nên chúng tôi chẳng là gì trong xã hội.

Đến năm 1984, cha chúng tôi được thả về sống lây lất cùng với chúng tôi. Mấy năm sau, thấy nhiều người lo thủ tục giấy tờ đi Mỹ diện HO, cha tôi chạy đến anh em, bà con họ hàng xin xỏ, vay mượn tiền để làm hồ sơ đi Mỹ. Chờ đợi mấy năm, chúng tôi nhận được giấy báo đi phỏng vấn, cả nhà rất mừng. Cha tôi lại chạy vay tiền bạc để vào Sài Gòn phỏng vấn, khám sức khoẻ. Chúng tôi hồi hộp, lo lắng từng ngày, chỉ sợ có điều gì trục trặc hay thay đổi.

Một trong những điều may mắn và hạnh phúc nhất trong cuộc sống của gia đình chúng tôi là ngày được đi Mỹ. Tháng 6 năm 1994, cha con chúng tôi mới được đi Mỹ. Ngày đi, mỗi người chúng tôi chỉ có vài bộ quần áo sờn rách làm hành trang để đi từ vùng rừng núi hoang dã đến một thế giới văn minh tiến bộ. Tâm trạng chúng tôi thật háo hức, vui mừng, nhưng cũng đầy âu lo.

Sau khi làm xong thủ tục giấy tờ, chúng tôi bước ra khỏi phi trường Los Angeles. Ánh nắng vàng rực rỡ của tháng Sáu trên đất California là điều mới lạ đầu tiên làm chúng tôi bối rối, vì lúc đó đã tám giờ tối. Ông bác, người bảo trợ, lái chiếc xe Van chạy trên đường cao tốc, qua các phố xá, làm cả gia đình chúng tôi choáng ngợp trước sự giàu sang của nước Mỹ. Tôi thầm nghĩ, không biết bao giờ mình mới có xe để lái đi làm như những người dân bản xứ. Bác chở gia đình chúng tôi đến một căn nhà mà ông đã mướn sẵn cho gia đình. Trước khi về, ông còn chu đáo hướng dẫn cho chúng tôi cách sử dụng các tiện nghi trong nhà. Mấy tháng đầu, mỗi người trong gia đình nhận được gần ba trăm đô la của chính phủ trợ cấp để sinh sống và tìm việc làm trong thời gian hội nhập.

Gia đình chúng tôi định cư ở quận Orange, nơi khí hậu có phần giống ở Việt Nam. Người Việt tại đây tụ họp lại thành một cộng đồng đông đúc. Tuy đang sống tại nước Mỹ, nhưng chúng tôi có thể nói tiếng Việt mọi nơi, như khi đi chợ, đến văn phòng bác sĩ, nhà thương, luật sư, ngay cả ở các công sở của chính quyền thành phố, sở cảnh sát, toà án cũng có nhân viên người Việt thông dịch. Nhưng điều tôi thích nhất ở Mỹ là không còn lo vấn đề hộ khẩu, không bị ai phân biệt và mình muốn sống ở đâu thì sống.

Chúng tôi đến nhà thờ Saint Anselm, Hội thánh Tin Lành ở đường Galway, thuộc thành phố Garden Grove, gần khu trung tâm Little Sài Gòn, để làm giấy tờ và ghi danh học Anh Văn. Tuy bỡ ngỡ vì môi trường và ngôn ngữ, nhưng nhờ sự giúp đỡ của nhân viên trong trường, chúng tôi cũng làm xong những giấy tờ cần thiết. Sau khi thử trình độ tiếng Anh, cả gia đình chúng tôi đều được xếp vào học chung một lớp có trình độ thấp nhất.

Mỗi sáng, cha con, anh em chúng tôi và những người Việt mới qua Mỹ, ăn mặc chỉnh tề, xách cặp đi học đúng giờ như những học trò ngoan. Mọi người kéo nhau từng đoàn đi bộ thong dong bên đường, khiến nhiều người Mỹ đang bận rộn lái xe phải ngạc nhiên. Vào lớp, già trẻ lớn bé ngồi bên nhau, thi đua học tiếng Anh, học phong tục, văn hoá Mỹ và học cách phỏng vấn để xin việc làm.

Sau ba tháng học hành, nhà trường chở chúng tôi đến một hãng điện tử ở thành phố Irvine để phỏng vấn xin việc làm. Tôi làm bài thi viết tiếng Anh và toán một dễ dàng. Đến lượt tôi được gọi tên vào phỏng vấn, người phụ trách phỏng vấn là một phụ nữ Mỹ trắng, khoảng bốn mươi tuổi. Tôi học tiếng Anh cũng không tệ, vậy mà tôi như người vừa điếc vừa câm khi nghe bà ta nói với tôi. Ở trường, tôi được các thầy cô dạy, đã tập dượt phỏng vấn nhiều lần, nhưng vì hồi hộp và bà ấy nói nhanh nên tôi chẳng hiểu gì.

Thấy ánh mắt bà ấy nhìn về phía cánh cửa, tôi đoán có lẽ là bảo khép cửa phòng lại. Tôi khép cửa lại và đứng chờ. Bà ta nói tiếp, tôi chỉ nghe chữ sit down nên vội ngồi xuống chiếc ghế trước bàn. Bà ấy nhìn vào bảng tóm tắt lý lịch của tôi và liên tiếp hỏi nhiều câu. Đầu óc choáng váng, tôi cứ nhìn mắt, miệng của bà ấy để đoán và trả lời đại. Tôi trả lời hú họa, khi yes khi no sau mỗi câu hỏi. Suốt buổi phỏng vấn, tôi chỉ trả lời được đúng hai từ yes và no. Bỗng dưng bà ta ngửa mặt lên, bật cười ha hả, rồi khua tay lia lịa ý bảo tôi đi ra. Tôi đỏ mặt, xấu hổ bước ra. Khép cửa phòng lại rồi mà tôi vẫn còn nghe tiếng cười, có lẽ bà ấy không còn kìm nén nổi cơn cười của mình vì những câu trả lời yes no chẳng đâu vào đâu của tôi.

Vậy mà bà ấy cho tôi đậu cuộc phỏng vấn, được vào làm việc trong hãng. Tôi mừng quá, tôi đã có việc làm và không cần ăn tiền trợ cấp của chính phủ nữa. Các em tôi không qua được cuộc thi nên đứa thì đi làm hãng may áo quần, đứa thì học làm nghề móng tay, móng chân.

Tôi không có xe, nhưng may có một anh làm ở hãng đó giúp chở tôi đi. Sáng sớm, tôi xách hộp cơm ra đường đứng chờ anh ấy đến đón đi làm. Công việc đầu tiên của tôi là lau chùi những máy móc điện tử, việc này rất nặng nhọc, làm tôi hơi chán nản. Những ngày kế tiếp, làm quen việc nên tôi thấy cũng không vất vả mấy nữa.

Tôi nói và nghe tiếng Anh không giỏi, nên tôi cố gắng làm việc chăm chỉ. Thấy vậy, người quản lý trong hãng thương và thường đến nói chuyện với tôi để giúp tôi học nghe nói tiếng Anh. Mấy tháng sau, tôi được cho lên làm ở khâu đóng thùng.

Đi làm về đến nhà, toàn thân mỏi nhừ, ăn uống không thấy ngon, nhưng tôi phải ráng ăn để có sức ngày mai đi làm. Trong thời gian này, tôi chi tiêu hết sức tiết kiệm vì tôi thực sự hiểu được giá trị của đồng tiền mồ hôi nước mắt mà mình làm ra. Tôi đến nhờ bác tôi giúp làm người bảo trợ để tôi mua xe trả góp, nhưng bác có việc riêng không giúp được. Lúc đó có một cô lớn tuổi, bạn của bác đang đến chơi, không cần lời nhờ giúp mà cô đã đứng ra chịu làm người bảo trợ cho tôi mua xe. Cô đã bỏ thời giờ đưa tôi ra nơi bán xe, bỏ công kì kèo trả giá hết cả nửa ngày trời để tôi mua được xe. Tôi rất ngạc nhiên về lòng tốt của cô, mới lần đầu gặp mặt, chẳng biết tôi thế nào, làm gì, nhưng cô đã tin tưởng, tận tình giúp tôi như vậy. Tôi thật không biết làm thế nào để tỏ lòng biết ơn cô một cách phải phép để cô không giận.

Mỗi ngày, sau khi làm những công việc cực khổ, chân tay rã rời, tôi lại đến trường học tiếng Anh và học thêm nghề điện tử vào ban đêm. Mấy năm sau, tôi vào học trường cao đẳng cộng đồng. Tôi biết tôi thiếu kiến thức tối thiểu, không có trình độ hay bằng cấp gì, nên tôi quyết tâm phải học. Vì không đúng tuổi đi học, tôi được chính phủ cho tiền khuyến khích hoàn tất chương trình đại học. Không như bạn bè cùng trang lứa, tôi phải mất nhiều năm hơn họ mới tốt nghiệp được. Nhờ được hưởng những lợi ích xã hội cùng với mơ ước được học hành đến nơi đến chốn, muốn thăng tiến, tôi đã vượt qua khó khăn và hoàn tất chương trình học. Tôi chăm chỉ việc học và tham gia vào nhiều hoạt động xã hội nên tôi cũng đã hoà nhập được với cuộc sống mới nơi đất khách quê người.

Từ một người không biết tiếng Anh, công việc ban đầu là lau chùi máy móc với đồng lương tối thiểu, tôi được cất nhắc lên làm kỹ thuật viên, rồi làm quản lý trông coi một bộ phận trong hãng khi tôi tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Bước đầu đến Mỹ, tôi chẳng có gì ngoài những kinh nghiệm khổ đau ở Việt Nam, nhưng cũng nhờ những sự nhọc nhằn đó mà tôi càng cố gắng hơn khi có cơ hội làm lại cuộc đời. Giai đoạn khó khăn ban đầu của tôi trên đất Mỹ đã qua. Tôi đã vượt qua những trở ngại về văn hoá, ngôn ngữ, thích nghi và hoà nhập với cuộc sống ở quê hương mới này.

Bây giờ có công việc ổn định hợp sở thích và vật chất tạm đủ nên cuộc sống của tôi thoải mái hơn. Vâng, tôi cảm thấy đầy đủ, vì so với khi còn ở Việt Nam thì tôi đã giàu có quá rồi. Tuy vậy, tôi vẫn phải nỗ lực hơn, vì cuộc sống ở nước Mỹ đòi hỏi sự học luôn mãi để không bị tụt hậu. Đã từng là gánh nặng cho chính phủ trong những tháng đầu tới Mỹ, nay tôi có thể đóng góp một phần công sức, của cải lại cho quê hương thứ hai của tôi. Lúc này tôi cảm thấy sung sướng vì đã đi qua những khó khăn.

Nhiều năm sau, cha tôi bị ung thư đã đến giai đoạn cuối. Bác sĩ phải giải phẫu một lỗ ngay cuống họng, đặt ống dây vào cho ông thở. Nằm nhà thương điều trị hơn một năm, như cây đèn cạn dầu, cha tôi yếu dần, thân người chỉ còn da bọc xương, nhỏ thó như một đứa con nít thiếu ăn. Vì ung thư đã lan tới phổi, nên bác sĩ không dùng phương pháp điều trị tia xạ hay phẫu thuật được, mà phải dùng hoá trị cho ông. Ông thở, ăn uống và chuyền thuốc đều phải qua những ống dây. Muốn nói chuyện ông phải dùng giấy viết.

Trước ngày chết, cha tôi lấy giấy bút ra viết, “Ba có ba ngàn đô trong ngân hàng, con lấy tiền đó để hoả thiêu, đưa tro cốt ba về Việt Nam chôn cạnh mộ mẹ con”. Tôi biết cha mình sắp chết, nhưng lại viết, “Ba chưa chết đâu, đừng lo lắng, hãy cố sức để bác sĩ chạy chữa”. “Ba biết bệnh tình của ba, ba muốn nằm bên cạnh mộ mẹ con khi từ giã cõi đời. Con hãy ráng lo cho nguyện ước cuối cùng của ba”. Câu cuối cùng cha viết cho tôi, “Thế là hết một kiếp người”.

Vì tất cả anh em chúng tôi đều ở Mỹ và nơi chôn cất xác mẹ ở vùng kinh tế mới heo hút, nên anh em bàn đem tro cốt của mẹ qua Mỹ, đặt bên tro cốt của cha trong nghĩa trang. Như vậy cũng thực hiện được ước muốn của cha là được nằm cạnh bên mẹ khi chết và chúng tôi cùng con cháu cũng được đến viếng thăm, thắp nhang cầu nguyện thường xuyên hơn.

Con đường đến nghĩa trang, nơi chôn cất mẹ tôi, đầy hoa cỏ dại, quanh co và gập ghềnh đầy rảnh bánh xe trâu bò. Anh em chúng tôi nhờ bà con họ hàng đến giúp bốc mộ, hốt cốt mẹ để chúng tôi đưa qua Mỹ. Anh em chúng tôi đốt nhang cắm trước mộ mẹ, quỳ xuống vái lạy xin mẹ cho anh em được cải táng đưa mẹ qua Mỹ. Một ông cậu đưa cho tôi cái búa tạ để đập nhát búa đầu tiên. Khi tôi đập búa vào mộ mẹ, nghe tiếng vang khô khốc của nhát đập, lòng tôi bỗng rung lên một cảm giác vừa buồn vừa sợ. Tôi buồn sợ vì đã đánh động, làm mẹ tỉnh giấc sau ba mươi mấy năm yên ngủ dưới mộ sâu.

Mọi người bắt đầu đọc kinh cầu nguyện, anh em chúng tôi vừa đọc vừa thổn thức khóc bên mộ mẹ. Việc bốc mộ thật không dễ dàng, vì đã lâu năm nên hài cốt bị lệch vị trí nơi chôn trước đây. Sau nhiều tiếng đồng hồ mới chạm đến phần đất có lớp ván đã mục, cậu tôi gạt những phần đất đó qua một bên thì lộ ra bộ hài cốt trắng sáng của mẹ. Mẹ vẫn nằm ngay ngắn, nhiều sợi tóc chưa mục bao quanh hộp sọ chứa đầy đất đá và rể cây bên trong.

Cậu tôi cẩn thận nhặt từng cái xương, rũ cho bớt đất, rửa sạch bằng rượu, sắp xếp gọn gàng theo thứ tự từng chiếc xương vào một chiếc hòm nhỏ để đưa đến nơi hoả thiêu.

Sau bao nhiêu khê của thủ tục xin phép thôn xã, các cơ quan công quyền, phòng kiểm dịch, nhân viên phi trường, anh em tôi mới đưa được tro cốt mẹ qua Mỹ. Khi đặt hộp tro cốt của mẹ bên cạnh hộp tro cốt của cha, tôi nghĩ chỗ thật sự cha mẹ nằm là trong trái tim của chúng tôi. Cuộc đời cha mẹ đã hy sinh, chịu nhiều đau khổ vì chúng tôi, nên chúng tôi phải dành chỗ gần nhất, cao quý nhất trong tim mình cho cha mẹ.

Gia đình anh em chúng tôi thường đưa các con của mình ra nghĩa trang đọc kinh, cầu nguyện cho vong linh cha mẹ chúng tôi. Chúng tôi muốn các con biết cội nguồn đã sinh ra mình để nhờ đó mà anh em, con cháu được nối kết tình thân ái trong gia đình hơn. Tôi ước mong các con tôi sẽ tiếp tục gìn giữ lòng biết ơn tổ tiên và nhớ đến dòng chảy sướng khổ đầy vơi của gia đình trôi trong dòng đời vô biên, bao la của đất trời.

Tôi cũng không quên cầu nguyện cho các ân nhân và những người đã bỏ công của làm ra chương trình HO, nhờ họ mà tôi mới có ngày được sống cuộc đời đầy đủ, tự do. Tôi biết ơn nước Mỹ đã cho tôi có cơ hội để thực hiện những ước mơ của mình, để sống một cuộc đời ý nghĩa và có ích cho xã hội.

Tôi đã bỏ lại sau lưng đoạn đời tủi nhục, khốn khổ ở quê hương thứ nhất để bước tiếp quãng đường tương lai tươi sáng trên quê hương thứ hai. Trải qua bao khốn khó, thăng trầm trong đời, điều đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tim tôi là sự ban ơn của các ân nhân. Mang ơn nhiều người, nhưng có lẽ tôi không cách nào đền đáp cho đủ được tình thâm sâu của các ân nhân, tôi chỉ còn có thể chia xẻ các món nợ ân nghĩa đó với những thế hệ sau.

Tôi mang ơn những ân nhân trên đất Mỹ đã giúp tôi có ngày hôm nay, nhưng tôi cũng không quên những ân nhân nghèo khổ của tôi ở Việt Nam. Giữa lúc cuộc sống đầy khó khăn, dù thân mình không hề yên ấm, nhưng họ vẫn quan tâm trước mất mát của anh em chúng tôi. Lòng thương hại chân thành của họ cho tôi thấy, nhiều người dù đang có những thống khổ của riêng mình, nhưng vẫn không nhắm mắt làm ngơ với những khổ đau của người chung quanh. Tôi khó mà quên được những người tuy nghèo khó, nhưng vẫn cảm thông được với nỗi khổ và sẵn sàng giúp đỡ người khác như một hành động bình thường, một thói quen tự nhiên. Tôi may mắn có nhiều ân nhân, được họ ban cho nhiều niềm vui lớn và những tình thương yêu, tuy giản dị mà cao quý.

Bây giờ có ai hỏi, điều gì còn làm tôi khắc khoải? Vâng, đó là tôi vẫn luôn nhớ quê hương xa cả nửa vòng trái đất của tôi. Dù có quốc tịch Mỹ, đã hoà nhập với quê hương mới, nhưng vì tôi sinh ra lớn lên tại Việt Nam và qua Mỹ khi tuổi đã lớn, nên tôi không sao quên được quê hương Việt Nam. Tôi không chỉ nhớ những vùng đất tôi đã sống, đã đi qua, mà tôi còn nhớ cả những con người sinh sống ở trên những vùng đất đó. Đa số những kỷ niệm của tôi ở Việt Nam là những kỷ niệm buồn, còn những kỷ niệm trên đất Mỹ thì ngược lại. Mặc dầu vậy, tôi lại thường nhớ đến những kỷ niệm ở Việt Nam hơn, có lẽ chúng đã có đủ thời gian để thấm nhập, để bám chặt vào ký ức của tôi.

(Phước An Thy)


Thêm Một Lần Cảm Ơn.
(Song Lam)

***
-Buổi sáng Chúa Nhật, bên ngoài chỉ 21oF. Nhiệt độ rớt xuống nhanh dù chưa phải mùa Đông, chúng ta còn đang ở mùa Thu hoa Cúc. Lùa tấm màn che cửa, xin chút nắng của đất trời, tôi thoáng thấy một búp Hồng lẻ loi dưới chân tường sát bên cửa sổ. Chao ôi !, thật là vui rộn trong lòng. Bây giờ, ngoài công việc ở nhà, ở nơi sở làm, tôi tìm vui bên những luống hoa trồng trước sân nhà. Này là hoa Cúc đủ mầu, hoa Mimosa, và đặc biệt mấy cây Hồng già cỗi như tôi. Cắt vội cành hoa còn sót lại đem chưng bên bàn viết, vì thương hoa lạnh lẽo bên ngoài, tôi chợt nhớ câu thơ "Cảm ơn hoa đã vì ta nở" của cố thi sĩ Tô Thùy Yên.

"Cảm ơn hoa đã vì ta nở", chỉ có tâm hồn tinh tế của người nghệ sĩ mới thốt ra câu nói ân tình đó. Còn tôi, gần ba mươi năm ở đất nước này, tôi phải nói tiếng "cảm ơn" bao nhiêu lần với Người, và việc quanh tôi?

Tình yêu thương đối với cha mẹ, anh em đã đành ai cũng có, và tiếng "cảm ơn" trong lòng ta là sự rung cảm âm thầm; từng năm, từng tháng, từng ngày.

Những ngày đầu tiên ở đất nước Hoa Kỳ này, ngoài hai gia đình của người em họ ở Brooklyn - New York chúng tôi còn phải cảm nhận tình yêu thương của người đồng hương đầu tiên, mà cho đến bây giờ chúng tôi vẫn mang nặng ân sâu. Đó là Bác Lại, ông già hơn bảy mươi tuổi lúc ấy, ở cách chúng tôi vài blocks đường. Ông người miền Bắc, hàng ngày đẩy cái xe nhỏ đi lượm lon quanh vùng Brighton Beach. Mỗi cái lon Coca, hay lon bia, ông đổi được năm cents. Cơ cực là vậy, nhưng lúc nào ông cũng lạc quan, yêu đời, được mọi người chung quanh quí mến.

Ông nói:
-Coi vậy, chứ mỗi tháng cũng kiếm được trăm bạc, bù vào tiền già. Mấy người Mỹ còn cẩn thận, bỏ mấy cái lon vào túi nylon treo sẵn trước cửa cho tui đó cô!.

Biết chúng tôi mới đến, mọi sự thiếu thốn, nên ông muốn giúp một chút. Thỉnh thoảng, ông đến cho vật dụng nhà bếp, cái ghế ngồi, hay tấm chăn bông còn mới người ta cho mà ông dư dùng. Lần đầu đến nhà, ông vừa kéo chuông, vừa nói lớn :-Mở cửa cho tôi cô, chú ơi, tôi là bạn của anh Hoàng, anh Hạc đây. Tôi là người Việt nam đây!

Quí bạn đọc có thấy lòng rưng rưng không !!?? Ông nói tiếng Việt lại xưng mình là người Việt, thương quí là ở chỗ đó.

Sau một tuần ở nhà người em họ, chúng tôi ra thuê apartment có hai phòng ngủ cũ xì ở đường Neptune, chủ nhà người Ấn độ. Đêm đầu tiên, chúng tôi phải trải giấy báo mà nằm, gối kê đầu là bao quần áo cũ của Hội Từ Thiện VACO (New York City) đem cho. Sau đó, giường chõng, chăn màn có được cũng từ Bác Lại "môi giới chỉ điểm" chỗ người ta bỏ ra đường.

Bây giờ, tôi vẫn nhớ như in dáng người cao to, nhưng khắc khổ của Bác trai, và bác gái đang vướng vào căn bệnh nan y thời kỳ cuối. Bác gái bị ung-thư vú (breast cancer), và bác sĩ cho biết chỉ sống được không quá sáu tháng. Chúng tôi đến thăm bà, và não lòng thay khi biết được tâm nguyện của người sắp giã từ trần thế :
-Tôi muốn được về Việt nam. Về bên ấy, tôi có chết đi cũng được rẻ vì... bên này đắt đỏ quá.

Tôi rơi nước mắt, người đàn bà tội nghiệp, mà con gái mới bảo lãnh cha mẹ qua Mỹ được vài năm, tuổi già nghèo khó, lại thêm bệnh tật, neo đơn, vì con gái cũng ở xa, có gia đình, con cái riêng tư.

Đám tang của bà Lại ở nhà thờ Coney Island vỏn vẹn chỉ mười người gồm cả cha xứ, và hai cháu trai giúp việc tông đồ. Tôi nhớ bà đi cũng vào mùa này, mùa ThanksGiving, mà bà nói là mùa Lễ Gà Tây.

Bây giờ, bác trai chắc cũng đã "đi xa" rồi. Chúng tôi chưa kịp nói lời từ giã, chưa kịp nói lời cảm ơn Bác khi phải rời New York vì công việc mưu sinh. Bác Lại ơi! ở nơi nào đó, ở thế giới nào khác, Bác hãy nhận cho gia đình cháu lời cảm ơn chân tình nha Bác, cảm ơn tấm lòng hào hiệp, ưu ái của Bác, người đồng hương nghèo khó, nhưng tình người lại giàu có vô biên!

Chắc cả triệu lần hơn, người Việt chúng ta đã nói lời cảm ơn nước Mỹ, người Mỹ. Và cũng cả triệu lần hơn, người Việt chúng ta cũng tâm niệm rằng đây là quê hương thứ hai của mình, sẽ "sống gửi, thác về", đã đến đây rồi sẽ ở lại đây, sẽ gửi xương, gửi thịt này bằng cách này, hay cách khác.

Theo thống kê của Sở Di Trú năm 2010, có một triệu bảy trăm ba mươi bảy ngàn bốn trăm ba mươi ba (1.737.433) người Việt cư trú trên thế giới. Bây giờ sau mười năm, con số này chắc trên cả hai triệu người. Chúng ta là những "Người Di Tản Buồn" (Tựa bài hát của nhạc sĩ Nam Lộc), và xem đất nước này là nơi "ở tạm", là tạm dung. Nhưng đã gần nửa thế kỷ rồi, có bao nhiêu người Việt trở lại đất nước "thiên đường"? "...Em có mơ ngày hát câu hồi hương..." (Em Còn Nhớ Mùa Xuân - Ngô Thụy Miên).

Với tôi, quê hương Việt nam, Saigon của tôi chỉ còn là quê hương trong trí nhớ. Hy vọng quí bạn đọc sẽ đồng ý với tôi, vì còn quê đâu nữa mà về?

Người Việt giàu có ân tình, thủy chung, chân chất nay đâu rồi, mà thay vào đó những "Chí Phèo" gian trá, lừa lọc! "Ai cho tôi lương thiện"? Câu hỏi đó của nhân vật Chí Phèo xoáy sâu vào tim óc của mỗi người Việt lưu vong : xã hội Việt nam đã tha hóa con người Việt nam từ rất lâu rồi. Văn hóa, nhân bản, tình người Việt nam đã chìm sâu đáy vực chỉ vì một chủ nghĩa điên rồ.

Chúng ta phải nói lời cảm ơn nước Mỹ, người Mỹ này bao nhiêu lần cho vừa, cho đủ khi đất nước này đã tạo cơ hội cho con cháu chúng ta ngẩng cao đầu, được sống trọn vẹn ý nghĩa cuộc sống, và đặc biệt là sự tự do? Dĩ nhiên, mọi người chúng ta không phải hưởng lợi, há miệng chờ sung, cướp công, cướp của dân nghèo để có được những biệt phủ dát vàng, nghìn tỷ, hay những bữa tiệc thừa mứa, cầu kỳ mặc cho nhiều người nghèo quanh ta đói rét.

"Cảm ơn" không chỉ ở đầu môi mà xuất phát từ quyết tâm "đền ơn đáp nghĩa" bằng từng bước học tập, vượt khó hướng tới tri thức về khoa học, kỹ thuật hiện đại, tạo dựng đời sống bình đẳng, nhân ái, và tự do.

Chúng ta vẫn mang nặng ân tình người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã "ở lại Charlie" đã bỏ mình nơi rừng thiêng nước độc. Bây giờ, một số anh em thương tật vẫn còn ở Việt nam trong tuổi già cơ cực, thiếu thốn. Điều này đã thể hiện rõ ràng trong chương trình "Cám Ơn Anh" được tổ chức hàng năm ở Hoa Kỳ của đồng hương hải ngoại. Chúng ta tri ân người dang rộng cánh tay cứu giúp mình không chỉ bằng lời, mà còn là hành động cụ thể. Thế hệ thứ hai, hậu duệ của người lính Việt Nam Cộng Hòa đã cảm ơn nước Mỹ bằng chính cuộc đời binh nghiệp của mình để bảo vệ hòa bình, và thế giới tự do.

Tháng Mười, có ngày mười, đó là ngày vinh danh Phó Đề đốc Nguyễn Từ Huấn. Ông đã nói lời cảm ơn nước Mỹ thật sự, đã cưu mang ông từ lúc nhỏ. Đứa trẻ mới chín tuổi đầu -1968- biến cố Tết Mậu Thân, phải chứng kiến cảnh cha mẹ anh em bị thảm sát một cách bi thương, phút chốc trở thành mồ côi. Đau đớn này bút mực nào nói hết?

Và không chỉ có tướng Nguyễn Từ Huấn, chúng ta cũng hãnh diện khi có thêm những vị tướng Mỹ gốc Việt tài năng như : Châu Lập Thể (Army), Lương Xuân Việt (Army), William H. Seely II (USMC), và Danielle J. Ngo (Lục Quân). Họ đã trả ơn nước Mỹ bằng tài trí của chính mình, vượt qua gian khổ, học tập, chiến đấu cho lý tưởng tự do,cho nền dân chủ Mỹ.

Chúng tôi những người tị nạn, những đồng hương của quí vị, xin gửi đến quí vị lời tri ân chân thành.

Trong mùa Lễ Tạ Ơn năm nay, xin quí bạn đọc, quí bạn văn cho tôi được nói lời cảm ơn đến những vị mà tôi rất kính trọng, rất trân quí. Người đầu tiên chúng tôi muốn thưa chuyện cùng quí vị là người thầy đáng kính của thời sinh viên chúng tôi của năm mươi năm trước. Đó là Giáo sư Lê Hữu Mục, giáo sư hướng dẫn của lớp chúng tôi ở Đại học Sư phạm Saigon năm 1969. Ông là người đỗ Tiến sĩ Quốc gia năm 1973, ưu hạng, là Thủ khoa của khóa thi duy nhất; và Á khoa là Giáo sư Nguyễn Văn Sâm, hiện đang ở Victorville, California.

Chúng tôi vẫn còn mang nặng trong lòng niềm hối tiếc, đó là không có dịp thăm lại Thầy Mục, dù Thầy mới ra đi vài năm trở lại đây thôi. Niềm ân hận đó khiến tôi trăn trở, ưu tư, và hay tự trách mình. Tôi còn nhớ mãi lần gặp gỡ thầy trò ở quán cơm Thanh Bạch trước chợ Saigon năm 1973.

Thầy nói :
-Lam à ! mi đừng lấy chồng nghe, học tiếp cao học rồi trở lại trường làm việc với thầy.

Lúc đó tôi chỉ cười trừ, và nói :
-Bi nhiêu đây là ế chỏng gọng rồi thầy, học thêm nữa chắc em ở giá.

Thầy cười ha hả:
-Ta biết mi có thể học lên, "hữu mục" là "có mắt". Ta có con mắt tinh đời; không dễ gì có được một đứa học trò như mi.

Thầy Mục ơi! SL xin cảm ơn Thầy, và nơi thiên đường chắc Thầy nghe được tiếng lòng con..?

Nhớ Thầy, SL xin gửi lời cảm ơn Thầy qua người bạn "tri âm" của Thầy, là Giáo sư Nguyễn Văn Sâm ; ông đồ già trên đất Mỹ.

Kế tiếp, chúng tôi thêm một lần cảm ơn Tòa soạn Việt Báo (California) mà chúng tôi đã lui tới sinh hoạt, giao lưu với các bạn trong chương mục "Viết Về Nước Mỹ" được tổ chức phát giải thưởng, và ra mắt Tuyển tập sách hàng năm. Ở đó, người viết, và người đọc là một, để chia xẻ, an ủi, cảm thông. Tôi đã vui sống với những trang viết, những mảnh đời đâu đó của những cây bút không chuyên, để thoát ra khỏi căn bệnh trầm cảm kéo dài từ nhiều năm, nhiều tháng.

Và sau cùng, xin một lần cảm ơn người bạn đường đã đi cùng tôi quảng đường bốn mươi lăm năm lao nhọc để các con có được cuộc sống an vui, sung túc như hôm nay. Chúng tôi không phải là "thanh mai, trúc mã" cũng không là bạn học, bạn tình, không có một "tình yêu sấm chớp", hẹn hò lãng mạn, mà chỉ có đời sống vợ chồng bình lặng, tình ít nghĩa nhiều.

Cảm ơn "ba sấp nhỏ" đã chịu đựng một phụ nữ nóng vội, ồn ào như tôi trong khi ông lúc nào cũng trầm tĩnh, ít nói. Có thể nói chúng tôi là hai "nghịch lý" của cuộc đời này. Chúng tôi không có sự ngọt ngào săn đuổi lúc ban đầu, nhưng có được sự tôn trọng, biết thương nhau,và chia xẻ những thăng trầm của cuộc đời dâu bể trong giai đoạn khổ đau nhất của "phận người, vận nước" từ sau 1975.

Bây giờ chúng tôi đã già hom hem, bệnh tật. Những di chấn của tháng ngày lao khổ, đói lạnh đó ở biên giới Việt Trung làm cho ông mang nhiều căn bệnh khó chữa. Xin ông hãy cố gắng vượt qua. May mà có các con làm việc trong ngành y-tế, nên nhà tôi cũng được an ủi phần nào.

Cuộc đời là giấc mộng dài, và hạnh phúc như bóng ma chờn vờn, mờ ảo. Tôi biết vậy, và đã bằng lòng với hiện tại, với hạnh phúc nhỏ nhoi mình có được trong tuổi già "bóng xế đầu non".

Đã nhiều lần nói về mình, tôi chẳng có gì ưu điểm đâu, chỉ có sự ân cần nghĩ đến người bất hạnh hơn mình, biết lắng nghe, và chia xẻ.

Cành Hồng mong manh còn sót lại ở sân nhà đang bên tôi. Đó là hạnh phúc, là niềm vui ngày Chúa Nhật đời thường khi bên ngoài đất trời buồn thiu, lạnh giá. Cho tôi xin chút hơi ấm của tình người, và chúng ta hãy trao nhau nụ cười phát xuất từ nhịp đập của trái tim để nói tiếng "Cảm ơn"

Cảm ơn các bạn văn, cảm ơn quí bạn đọc đã theo tôi qua bài viết này. Thân chúc hết thảy mọi người mùa Lễ Tạ Ơn đầm ấm, hạnh phúc, để chúng ta cùng nhau cảm ơn cuộc đời.

"...Dù đến rồi đi
Tôi cũng xin tạ ơn người,
Tạ ơn đời, tạ ơn ai
Đã cho tôi còn những ngày
Quên kiếp sống lẻ loi.

Dù đến rồi đi
Tôi cũng xin tạ ơn người,
Tạ ơn đời, tạ ơn ai
Đã cho tôi tình sáng ngời
Như sao xuống từ Trời."

(Song Lam.Thanks Giving – 2019).




Tạ Ơn Đời Tạ Ơn Người

(Thảo Lan)

Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia.

***
-Một mùa thu nữa lại đến với chúng ta. Lá trên cây đã bắt đầu đổi màu để biến những hàng cây xanh lá ngày nào thành một bức tranh hỗn hợp nhiều sắc màu. Vài cơn gió lành lạnh lại bắt đầu thổi về để các nghệ sĩ bỗng cảm thấy rạo rực niềm cảm hứng sáng tác. Chả mấy chốc chúng ta sẽ đón mừng ngày lễ Tạ Ơn với món gà tây truyền thống của người dân Mỹ. Ngày lễ Tạ Ơn có truyền thống rất lâu đời từ các năm tháng những người di dân châu Âu đầu tiên đến lập nghiệp tại vùng đất mới. Có lẽ tôi cũng không cần thiết viết nhiều về truyền thống và lịch sử của ngày lễ Tạ Ơn này vì hầu hết chúng ta, những nguời sống tha hương tại Hoa Kỳ, hay cả những người sống ở quê nhà hoặc ở bất cứ nơi nào trên thế giới ít nhiều đều đã biết đến. Những nguời đến đây lập nghiệp từ năm 1975 đã từng đuợc đón tiếp hơn 43 cái lễ Tạ Ơn. Đối với những đồng bào đến định cư tại đây theo diện ODP, con lai hay HO thì cũng đuợc trải qua rất nhiều mùa lễ. Số người đến sau này thì ít nhiều cũng được biết đến truyền thống ngày lễ qua người thân của mình.

Theo văn hóa Việt Nam từ ngàn xưa chúng ta có truyền thống nhớ ơn công lao những bậc tiền nhân. Điều này được thể hiện qua các câu ca dao tục ngữ như: "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", "Uống nước nhớ nguồn". Đối với các đấng sinh thành thì "Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Chúng ta coi trọng các ngày giỗ kỵ vì đó là dịp để con cháu bày tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ đến các bậc cha mẹ, ông bà, tổ tiên, cùng tất cả những người đã khuất. Đối với Trời đất thì chúng ta lập bàn thờ thiên mà về sau này do cuộc sống được đô thị hóa nên chỉ còn thấy ở một số nhà ở miền quê hay vùng ngoại ô. Tuy nhiên có lẽ không người Việt nào không biết đến phong tục cúng Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp và mâm cơm cúng giao thừa hằng năm. Đây không những là dịp cho chúng ta cầu mong một năm mới tốt lành mà còn là lúc để chúng ta tạ ơn trời đất đã che chở phù hộ cho chúng ta trong suốt năm vừa qua.

Nói đến lễ Trời đất thì không thể không đề cập đến lễ tế Nam Giao của các vị vua ngày xưa. Lễ tế Nam Giao là nghi lễ quan trọng bậc nhất thời xưa của nước ta vì chỉ nhà vua mới có quyền làm lễ tế. Mục đích của lễ tế Nam Giao là nhằm cầu cho quốc thái, dân an, thiên hạ thái bình. Tuy nhiên lễ tế này còn nhằm khẳng định vị thế và tính chính thống của nhà vua tuân theo mệnh Trời cai trị thần dân và cầu xin Trời đất gia ân, gieo mưa thuận gió hòa, tránh các thiên tai để mọi người đều được bình an, hạnh phúc

Ngoài truyền thống tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân và Trời đất ra, người Việt chúng ta cũng thường còn biết ơn nghĩa phân minh như lời người xưa từng dạy "Làm ơn chớ nên nhớ. Chịu ơn chớ nên quên". Tuy nhiên, phải nói là chúng ta rất hà tiện khi xử dụng tiếng nói cám ơn trong đời sống hàng ngày nhất là đối với những người thân trong gia đình. Không như người Mỹ thường xuyên nói câu thank you, chúng ta ít khi nào nói cám ơn với cha mẹ, vợ chồng, anh chị em. Đặc biệt là rất hiếm trường hợp cha mẹ nói cám ơn với con cái. Tôi còn nhớ ngày xưa khi các con tôi đến tuổi đi học có lẽ các cháu được thầy cô dạy cách ứng xử (manner) nên đã áp dụng ngay khi về nhà. Mỗi lần khi có dịp làm cho tôi một việc gì các cháu thường thắc mắc với tôi rằng, "Tại sao bố không nói cám ơn". Điều này cũng làm tôi suy nghĩ ít nhiều. Mình thường dạy dỗ cho các con biết nói tiếng Việt và cố gắng giữ gìn được bản chất văn hóa Việt Nam, nhưng lại không biết dung hòa cái hay của văn hóa Tây Phương thì sẽ khó thuyết phục được thế hệ con em sinh sau đẻ muộn ở đây. Không khéo lại đẩy chúng đến gần với văn hóa Tây phương hơn thì hỏng mất.

Nói đến sự khác biệt về văn hóa trong cách ứng xử thì cũng phải nói đến sự phân biệt trong cách đối xử của một số người Việt chúng ta ở đây. Trong khi đa số chúng ta hòa nhập với xã hội Mỹ và đối xử với người bản xứ một cách thật lịch thiệp thì chúng ta lại không áp dụng được cách đối xử đó với những người đồng hương. Vài năm về trước có một lần tôi ghé vào tiệm thực phẩm Á đông quen thuộc của người Việt ở đây. Phía trước tôi là một anh thanh niên Việt Nam đang mở cửa tiệm bước vào. Ngay sau anh là một người Mỹ da trắng. Mặc dù chỉ đứng đến vai ông ta, anh thanh niên đã lịch sự đứng giữ cửa mời người Mỹ vào trước và cúi rạp đầu nói, "You're welcome" khi được cám ơn. Khi đó tôi cũng vừa bước tới. Báo hại cho tôi cứ tưởng bở rằng mình cũng có quốc tịch Mỹ nên cũng sẽ được đối xử bình đẳng như người Mỹ da trắng kia nhưng không ngờ anh thanh niên thản nhiên quay lưng hất cửa bỏ đi làm tôi xém tí nữa bị cánh cửa đập vào mặt.

Để khỏi bị lạc đề cho phép tôi được trở lại với ý chính. Xin bỏ qua vấn đề tín ngưỡng vì tùy theo mỗi tôn giáo mà mỗi người chúng ta có một đấng thiêng liêng khác nhau để thờ phụng và tạ ơn, cũng như có các triết lý khác nhau để lý giải sự việc. Trong cuộc sống hàng ngày có vô khối lý do để ta cảm thấy cần phải tạ ơn cuộc đời và tạ ơn con người. Vài năm về trước tôi có nhiều dịp đi công tác thăm các hãng xưởng ở Trung Quốc. Nhiệt độ giữa mùa hè ở thành phố Shenzhen thuộc tỉnh Quảng Đông thường xê dịch vào khoảng 90-100 độ F. Bên trong các xưởng máy chỉ có hệ thống quạt gió chứ không có máy điều hòa không khí như ở các nước Tây phương. Nhiệt độ nóng tự nhiên ngoài trời cộng với hơi nóng từ các máy đúc nhựa phát ra và độ ẩm cao đã khiến cho nhiệt độ trong xưởng có thể vọt lên trên 110 độ F. Thông thường chúng tôi chỉ làm việc dưới xưởng 1, 2 tiếng là phải quay về khu văn phòng có máy lạnh để họp và cũng để nghỉ giải lao tránh nóng. Nhìn những công nhân mà đa số là phụ nữ phải làm việc liên tục từ 8 đến 12 tiếng dưới môi trường như vậy đã khiến tôi liên tưởng đến bản thân tôi khi còn làm thợ cơ khí ở Việt Nam của hơn 30 năm về trước. Và mỗi lần như thế tôi lại thầm cám ơn cuộc đời, cám ơn Trời đất đã khiến tôi không phải ở vào hoàn cảnh như những người phụ nữ Trung Hoa kia hoặc ít ra không phải tiếp tục kéo dài cuộc sống của tôi như trước kia ở Việt Nam. Tất nhiên đã cám ơn cuộc đời tôi phải cám ơn cả con người. Có lẽ nếu ông bà tổ tiên không để lại phúc đức cho con cháu thì dễ gì cuộc đời tôi được như ngày nay. Nếu hai đấng sinh thành không dạy dỗ hướng dẫn và làm gương sáng thì cũng dễ gì tôi được như thế này. Mặc dù nhìn lên thấy mình chẳng bằng ai nhưng ít ra trong cuộc sống này còn vô khối người lầm than khổ cực hơn mình rất nhiều.

Nơi tôi ở tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia hàng năm vẫn có những cơn bão thổi qua. Nhẹ thì chỉ là những cơn mưa dầm dề ảnh hưởng bão rớt. Nặng thì có thể phải bỏ tiền sửa chữa nhà cửa hoặc thậm chí bị bắt buộc di tản. Cuối tháng 8 năm 2011, cơn bão Irene đi qua khiến tôi mất một món tiền nhỏ để mướn thợ lắp lại những miếng ngói (shingle) trên nóc nhà bị bão thổi bay mất. Do hướng gió cũng như căn nhà ở vị trí cul de sac trống trải, nhà tôi là căn duy nhất trong khu bị thiệt hại bởi cơn bão này. Buổi sáng hôm sau ngay khi cơn bão đi qua, lúc đi quanh nhà nhặt những mảnh ngói rơi rụng khắp vườn trong khi các nhà hàng xóm đều lành lặn trong lòng tôi đã nhen nhúm một chút ganh tị. Nhưng ý nghĩ này chỉ thoáng qua trong chốc lát vì tôi chợt nhớ ngay đến bản tin buổi chiều hôm trước khi đài truyền hình đưa tin một em bé 11 tuổi ở thành phố lân cận đã thiệt mạng khi một cây đổ đè vào căn apartment nơi em đang ở. So với sự mất mát của người cha, người mẹ khóc con mình cùng những mất mát khác do cơn bão gây ra thì một vài miếng ngói của tôi chỉ như một hạt cát trong số cát của sông Hằng. Và một lần nữa tôi lại cảm ơn cuộc đời, cảm ơn đất Trời, cảm ơn ân đức tổ tiên và những người đã khuất.

Có lẽ chẳng cần chờ đến ngày lễ Tạ Ơn hàng năm, nếu để ý ta sẽ thấy trong cuộc sống mỗi ngày có vô khối lý do để chúng ta phải cảm ơn cuộc đời, cảm ơn con người. Hàng ngày khi ta thức giấc mở mắt đón chào một ngày mới, hãy cám ơn cuộc đời đã cho ta được vui sống thêm một ngày. Khi đọc tin tức về 39 người mất mạng trong container trên đường đến Anh, hãy cám ơn cuộc đời ta không nằm trong con số 39 người đó. Để rồi khi nghĩ đến bao nhiêu người khác đã thiệt mạng trên con đường đi tìm tự do trước kia, tôi lại tạ ơn trời đất vì mình may mắn không cùng chung so phận với họ để còn được hít thở bầu không khí tự do.

Xin cám ơn ông hàng xóm đã chào "good morning" khi tôi mở cửa xe chuẩn bị lái đi làm sáng nay. Lời chào của ông đã khiến tôi phấn khởi liên tưởng đến một ngày làm việc may mắn nhiều thuận lợi vì niềm tin xa xưa "ra ngõ gặp trai". Xin cám ơn cấp trên đã chia sẻ những vấn đề trong công việc của ông khiến tôi biết được ai cũng có những khó khăn không riêng gì bản thân mình. Cám ơn các nhân viên đã có lời hỏi thăm gia đình tôi, nhờ vậy tôi cảm thấy không khí làm việc trở nên ấm cúng hơn. Cám ơn các con đã vui mừng chạy ùa ra đón tôi trở về nhà khiến một ngày làm việc căng thẳng bỗng trở nên nhẹ tênh. Cám ơn vợ tôi đã cơm nước chu đáo cho tôi được một bữa cơm nóng sau giờ làm việc và đưa đón các con tôi đi học để tôi có thể yên tâm làm việc. Cám ơn các bạn bè cũ đã cho tôi những giây phút sống lại một thời của tuổi ấu thơ. Cám ơn các nhà văn, nhà báo đã cho tôi những áng văn, bài viết hay, những lời khuyên vàng ngọc. Cám ơn các nhà thơ đã cho đời những lời thơ trải chuốt lãng mạn. Cám ơn các họa sĩ đã cho tôi các bức tranh đẹp nhiều màu sắc. Cám ơn các nhạc sĩ đã cho tôi những tuyệt tác âm nhạc và cám ơn các ca sĩ đã truyền tải những tuyệt tác đó đến tai tôi. Cám ơn các vị lương y đã chăm sóc sức khỏe cho tôi và người thân chúng tôi. Xin cám ơn tất cả các độc giả đã chịu khó bỏ chút thời gian ra đọc những bài viết của tôi. Xin cám ơn cả những ai đã phê bình, chỉ trích tôi. Chính nhờ vậy mà tôi có thể thấy được khuyết điểm của mình. Cám ơn các anh chị em tôi về mọi thứ. Nhờ có họ tôi mới thấy mình được hạnh phúc hơn bao nhiêu người khác trong gia đình con một. Tất nhiên không thể nào quên được cám ơn cha mẹ tôi. Công đức dạy dỗ cũng như tấm gương đạo đức của ba mẹ đã ảnh hưởng rất nhiều đến thành công của chúng con sau này. Và cũng xin cám ơn đấng sinh thành ra vợ tôi do đã tin tưởng trao gửi cho tôi cô con gái cưng. Cuối cùng tôi xin được chấm dứt bài viết này bằng lời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. "Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời, tạ ơn ai đã cho tôi tình sáng ngời như sao xuống từ trời".

(Thảo Lan)



Đời sống: Một nét đẹp văn hóa Mỹ “Cám ơn” và “xin lỗi”

-Có lẽ hai cụm từ mà mọi người được nghe nhiều nhất hàng ngày ở Mỹ là “cám ơn” và “xin lỗi”. Người Mỹ nói lời cám ơn bất cứ chuyện lớn, chuyện nhỏ, mỗi khi ai đó làm điều gì giúp mình. Vợ cám ơn chồng vì ông ấy đi lấy giúp mình ly nước, chồng cám ơn vợ vì pha cho mình ly café buổi sáng, hay nấu cho mình bữa ăn tối, mẹ cám ơn con vì đã giúp mẹ dọn dẹp sau bữa ăn tối…

Trong gia đình, các thành viên không “take things for granted”, cho rằng “đó là nhiệm vụ của bà ấy, của ông ấy, của con mình” phải làm. Mọi người trong gia đình mình luôn đón nhận những điều người khác làm cho nhau với sự trân trọng và lòng biết ơn.

Không riêng gì trong gia đình, mà đối với cha mẹ, anh chị em ở xa, hoặc bạn bè ở chỗ làm, hay hàng xóm… khi ai đó làm gì giúp mình, hoặc cho hay tặng cái gì đó… người ta thường gọi điện thoại cám ơn, hoặc trang trọng hơn thì viết vài dòng “thank you” để gửi, bày tỏ lòng biết ơn. Trang trọng thì mua thiệp “Thank You card”, một tấm thiệp nhỏ, viết vài dòng để gửi, thân mật thì có thể viết trong một tấm note card rồi cho vào phong bì và gửi đi.

Khoảng một tháng trước, cô S. là hàng xóm của mình mới sinh em bé (hình 2). Thấy vợ chồng nó lu bu nên mình nấu bữa ăn tối cho cả gia đình, để vợ chồng S. rảnh rỗi, có thì giờ chăm sóc em bé. Mình nấu trước ở nhà, trưa trưa thì mang qua để nó biết mà không phải lo chuẩn bị nấu buổi ăn tối. S cám ơn rối rít khi nhận đồ ăn, mấy ngày sau S mang đồ qua trả kèm theo tấm thiệp cám ơn (thiệp màu tím trên đầu – nó luôn viết sai tên mình là “Tu” thay vì “Thu”).

Phía dưới là thiệp cám ơn của bà chị chồng của mình, chị Chris. Hè vừa rồi, chị bay qua châu Âu, dự định nghỉ hè ở đó 6 tháng, nhưng mới đi được hơn 1 tháng thì hay tin bố chồng mình bị bệnh. Chị ở Đức, nhưng trong lúc nhận được tin thì đang đi chơi ở Anh, nên từ Anh chị bay thẳng về nhà ông bố mà không kịp quay lại Đức để lấy đồ đạc, nên không mang theo laptop. Chị ở chăm sóc bố thời gian dài mà không có laptop, ông xã mình qua thăm cụ, có mang theo laptop nên để lại cái laptop của ổng cho chị ấy xài. Sau khi chị về nhà và nhận được laptop của người bạn bên Đức gửi qua, chị gửi laptop trả lại cho ông xã mình, kèm theo cái thiệp cám ơn. Câu cuối là: Em là người em và (chị hy vọng) là người bạn tuyệt vời. Yêu em nhiều – “You are [a] wonderful brother and (I hope) friend. I love you mucho.” (Mucho là tiếng Spanish).

Những lời cảm ơn của cô hàng xóm gửi cho mình, sau khi mình nấu ăn

cho gia đình cô. Phía dưới là những dòng cám ơn của chị chồng mình, gửi cho ông xã, cảm ơn ông ấy đã cho chị mượn laptop.

Thường khi tổ chức đám cưới cũng vậy, sau khi đám cưới xong, đôi vợ chồng mới cưới viết thiệp gửi tới từng gia đình để cám ơn bạn bè và người thân đã bỏ thì giờ tới dự đám cưới của mình.

Tương tự như “cám ơn”, “xin lỗi” cũng được người Mỹ dùng khá nhiều trong ngày. Đôi khi người ta xin lỗi mặc dù thật sự chẳng phải lỗi, chẳng hạn như khi đi mua sắm, vô tình đi trước mặt ai đó, làm cản đường đi của họ, thì dừng lại nói “I’m sorry. Am I in your way?” Nghĩa là: Xin lỗi, tôi cản đường của bạn phải không? Hoặc cả 2 người đi mua sắm ở siêu thị, đi từ 2 hướng khác nhau, vô tình đối mặt nhau, thì cả hai đều nói lời xin lỗi nhau, rồi cười và tiếp tục đi mua sắm.

(Hình: con bé Travis lúc 2 ngày tuổi. Mẹ bé là cô bạn hàng xóm, đã viết những dòng chữ cảm ơn mình.)

Khi lái xe bị đụng nhau, người Mỹ thường xuống xe rồi đôi bên xin lỗi nhau, sau đó trao đổi bảo hiểm. Nếu chỉ bị trầy sướt nhẹ, không có thương vong, người ta thường gọi cho hãng bảo hiểm, để bảo hiểm 2 bên điều tra tìm xem lỗi của ai để quyết định bảo hiểm bên nào sẽ bồi thường. Nếu lỗi của mình thì bảo hiểm của mình bồi thường cho người kia, nên không việc gì phải cãi nhau.

Những ứng xử, xã giao thông thường (common courtesy) trong văn hóa Mỹ như “cám ơn” hay “xin lỗi”, xem ra nhỏ nhưng có tác dụng rất lớn, có thể giúp tránh làm phiền lòng những người xung quanh hay người thân của mình, tránh những cãi vả không cần thiết, cũng như giúp ngăn chặn những hành động khác có thể dẫn đến bạo lực.



Chúc Mừng Lễ Tạ Ơn!
Happy Thanksgiving 2023!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét