Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 21 tháng 11, 2023

Chiều Nhạc “Tình Khúc Cảm Tạ” Do VTLV Tổ Chức, Thành Công Rực Rỡ! và Kính Chuyển Vài Tin Đáng Chú Ý & Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Cám Ơn Chưa Đủ, Phải Hơn Một Lời Cảm Tạ!
-Văn Thơ Lạc Việt, xin gởi lời Cảm Tạ đến với tất cả Quý Khách, Quý Anh Chị Em thành viên của VTLV, nhất là Quý Anh Chị Em nghệ sĩ Nhóm “Sài Gòn Nhớ” & Nhóm “Tuổi Trẻ Hải Ngoại” đã tham dự, cộng tác, để Chiều Nhạc “Tình Khúc Cảm Tạ” diễn ra chiều Chủ Nhật hôm qua, thành công tuyệt vời, hơn sự mong đợi của BTC. Với những đặc điểm, gây nhiều ấn tượng, nhiều hình ảnh đẹp, để lại trong tim người tham dự: -Với số khách tham dự kỷ lục! quán thông báo gần 200 quan khách, quán không còn một chỗ trống, phải lấy thêm ghế từ ngoài sân vào.
<!>


-Chương trình văn nghệ sáng tạo, độc đáo, đặc sắc. Ngoài những giọng ca hay nhất Miền Thung Lũng Hoa Vàng, còn có sự trình diễn của trên 20 ca sĩ tí hon, tất cả các nhạc phẩm của các Bé trình diễn, đều hát bằng tiếng…Việt! gây rất nhiều ngạc nhiên, thích thú.


-3 tác phẩm của Nhà văn Chinh Nguyên, trong vài phút giới thiệu, đã thu được trên cả ngàn đô! mà Tác giả muốn dành số tiền này, giúp Cha Lý đang bị bịnh.


-Giây phút mừng Sinh nhật vui nhộn, ấm áp như người trong gia đình, nhưng ít có gia đình nào, có trên 20 người, mừng sinh nhật, cùng một lúc!

Còn nhiều đặc điểm khác nữa, như cách trang trí đậm mầu sắc Lễ Tạ Ơn, chưa có chiều nhạc nào, người dự được tặng quà tưng bừng như thế…vv…

Có được sự tháng công này, một lần nữa, BTC, xin được gởi lời Chân Thành Cảm Tạ đến với tất cả Quý Vị.


Kính chúc Quý Vị và Gia Đình một Ngày Lễ Tạ Ơn vui vẻ, an lành, hạnh phúc.

VTLV

*Buổi sinh hoạt sẽ được chiếu trên Hệ thống truyền hình VNA



Vài Tin Đáng Chú Ý:

Mối Tình Chung Thủy 77 Năm! Cựu Đệ Nhất Phu Nhân Rosalynn Carter qua đời ở tuổi 96!


-Cựu Đệ Nhất Phu Nhân Rosalynn Carter, người cố vấn gần gũi nhất của cựu tổng thống Jimmy Carter trong giai đoạn một nhiệm kỳ tổng thống Hoa Kỳ của ông, cũng như giai đoạn 4 thập kỷ cùng nhau thực hiện các công việc nhân đạo toàn cầu, qua đời ở tuổi 96.

Trung Tâm Carter nói cựu Đệ Nhất Phu Nhân qua đời hôm Chủ Nhật sau một giai đoạn bị chứng mất trí nhớ và nhiều tháng sức khoẻ suy sụp. Bản thông cáo về sự qua đời của Rosalynn Carter viết rằng bà “ra đi trong thanh thản, cùng gia đình tề tựu xung quanh”, lúc 2:10 chiều tại tư gia ở vùng nông thôn Plains, bang Georgia.

“Rosalynn là đồng sự ngang bằng với tôi trong mọi thành tựu của tôi,” cựu Tổng Thống Carter nói trong thông cáo. “Bà ấy cho tôi những hướng dẫn thông thái và sự khuyến khích khi tôi cần đến. Chừng nào Rosalynn còn ở trong thế giới này, tôi luôn biết là có một ai đó yêu và ủng hộ tôi.”

Tổng thống Joe Biden gọi ông bà Carter là một “gia đình tuyệt vời vì họ đã mang được thật nhiều điều tốt lành đến cho Toà Bạch Ốc.”

“Ông ấy có sự liêm chính vĩ đại, ngay bây giờ cũng vẫn đang có đức tính ấy. Và cả bà Carter nữa.” Tổng thống Biden nói với các phóng viên khi lên Air Force One rời Norfolk, Virginia, hôm Chủ Nhật. “Thượng Đề phù hộ cho họ.” Ông Biden nói thêm, và cho biết đã nói chuyện với gia đình Carter và được biết cựu tổng thống Jimmy Carter có đầy đủ các con, cháu, tề tựu xung quanh.

Ông bà Carter thành vợ chồng hơn 77 năm qua, và không giống như nhiều đệ nhất phu nhất khác, bà Rosalynn thường ngồi trong các buổi họp nội các, lên tiếng công khai về nhiều vấn đề tranh cãi, đồng thời đại diện chồng trong các chuyến công du quốc ngoại. Những cố vấn của tổng thống Carter trong chỗ riêng tư hay gọi bà Rosalynn là “đồng tổng thống.”

“Rosalynn là người bạn tốt nhất của tôi… là phần mở rộng hoàn hảo của tôi, và chắc chắn là người ảnh hưởng nhất lên đời tôi.” Jimmy Carter nói với các nhân viên về giai đoạn làm tổng thống từ 1977 – 1981. Vị cựu tổng thống nay cũng đã 99 tuổi, đang sống tại tư gia của hai vợ chồng ở Plains sau khi trải qua giai đoạn “hospice” ở bệnh viện hồi tháng Hai.

Trung thành, đầy lòng trắc ẩn, và sắc sảo chính trị, Rosalynn Carter tự hào là một đệ nhất phu nhân tích cực tham gia vận động, và không ai nghi ngờ ảnh hưởng hậu trường của bà. Khi vai trò của bà trong nội các trở thành chuyện nhiều người biết, bà bắt buộc phải lên tiếng: “Tôi không phải là người vận hành chính phủ.”

Nhiều cố vấn tổng thống thừa nhận trực giác chính trị của bà Rosalynn còn tốt hơn cả tổng thống Carter. Và nhiều khi, họ xin sự ủng hộ của bà cho một dự án nào đó trước khi mang ra thảo luận với tổng thống.

Về sau này, cả ông và bà Carter đều thừa nhận rằng Rosalynn luôn có khuynh hướng chính trị hơn chồng. Sau thất bại của tổng thống Jimmy Carter năm 1980, chính bà Rosalynn là người hoạch định để chồng trở lại tái tranh cử. Và nhiều năm sau đó, bà thú nhận là bà nhớ cuộc sống ở Washington.

Eleanor Rosalynn Smith sinh ngày 18 tháng Tám, năm 1927 tại Plaines; là trưởng nữ trong số 4 người con. Thân phụ bà mất khi bà còn trẻ, vì thế chính bà là người chăm sóc các em trong khi người mẹ đi làm.

Bà cũng thường đóng góp thêm cho thu nhập gia đình bằng công việc đi làm trong một tiệm làm đẹp sau giờ học. “Chúng tôi rất nghèo và làm việc cật lực”, có lần bà kể lại thời quá khứ. Nhưng bà vẫn chăm chỉ học hành, tốt nghiệp thủ khoa trung học.

Rồi bà bị “tiếng sét ái tình” với người anh trai của một trong những người bạn thân nhất của mình. Jimmy và Rosalynn quen và biết nhau từ nhỏ, có thể nói là cả cuộc đời của hai người. Mẹ của Jimmy, một y tá, chính là người đỡ đẻ khi bé Rosalynn chào đời. Rồi Jimmy vào Học Viện Hải Quân ở Annapolis, Maryland, khi Rosalynn còn ở trung học.

Sau cuộc hẹn hò do một người thứ ba sắp xếp, Jimmy nói với thân mẫu mình: “Đó chính là người con muốn cưới làm vợ.” Họ đám cưới năm 1946, ngay sau khi Jimmy Carter tốt nghiệp Hải quân và Rosalynn tốt nghiệp Georgia Southwestern College.

Các con trai của hai ông bà được sinh ra khi Jimmy Carter đang tại ngũ, bao gồm: John William (Jack) sinh tại Portsmouth, Virginia, năm 1947; James Earl III (Chip) tại Honolulu năm 1950; và Donnel Jeffery (Jeff) tại New London, Connecticut, năm 1952. Người con gái, Amy, sinh tại Plains năm 1967, khi ông Carter đang là thượng nghị sĩ tiểu bang.


Dân biểu Jim Jordan cáo buộc Nhà Trắng ‘cản trở’ cuộc điều tra gia đình Biden
(Anh Nguyễn)


(Ảnh: Dân biểu Jim Jordan tại Hạ viện trong cuộc họp bầu Chủ tịch Hạ viện mới tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ hôm 17/10/2023 ở Washington, DC.)

-Đảng Cộng hòa tại Hạ viện vào thứ Sáu (17/11) cáo buộc Nhà Trắng “cản trở” việc họ theo đuổi các cuộc điều tra về Tổng thống Joe Biden. Cuộc điều tra tập trung vào cáo buộc xử lý sai tài liệu mật và các giao dịch kinh doanh của gia đình Biden.

Luật sư cấp cao của Nhà Trắng Richard Sauber đã viết thư cho Ủy ban Tư pháp và Giám sát Hạ viện do Đảng Cộng hòa đứng đầu vào thứ Sáu (17/11), kêu gọi rút lại nhiều trát đòi hầu tòa được cấp cho nhân viên và thành viên gia đình Biden. Hơn 20 người đã nhận được trát đòi hầu tòa này, trong đó Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện, Dân biểu Jim Jordan (Đảng Cộng hoà, Ohio) nói rằng “sẽ còn nhiều điều nữa đang tới”.

Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện, Dân biểu James Comer (Đảng Cộng hòa, Kentucky) cho biết hai ủy ban đầy quyền lực này đã tìm thấy dấu hiệu các thành viên gia đình tổng thống “bán sức ảnh hưởng” trong các giao dịch kinh doanh của họ.

Ông Comer đã trả lời bức thư của ông Richard Sauber, cố vấn đặc biệt của tổng thống, bày tỏ quan điểm cho rằng Nhà Trắng có ý định cản trở cuộc điều tra của họ.

“Chúng tôi vừa nhận được một lá thư từ Luật sư đặc biệt tổng thống, và đã nói rõ rằng Nhà Trắng có ý định tiếp tục cản trở cuộc điều tra của chúng tôi”, ông Comer viết trong một tuyên bố trên mạng xã hội X.

Thách thức chính quyền, ông Comer nói rằng nếu tổng thống không có gì phải che giấu, các trợ lý của ông nên sẵn sàng tham gia cuộc phỏng vấn của ủy ban liên quan đến cuộc điều tra tài liệu mật.

Tuy nhiên, Nhà Trắng đã bác bỏ các tuyên bố của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện trong một bức thư dài bốn trang, trong đó ông Sauber cáo buộc họ trình bày sai sự thật và coi thường “bằng chứng áp đảo”, mà theo ông là mâu thuẫn với cáo buộc của họ.

Ông Sauber viết trong thư gửi ông Comer và ông Jordan: “Sự xuyên tạc và sai sự thật này cho thấy rằng không có lời khai trung thực hoặc tài liệu nào có thể làm ông hài lòng và vạch trần những nỗ lực không đúng đắn trong Ủy ban của ông”.

Ông Sauber mô tả trát đòi hầu tòa là một hành động “quấy rối” và chỉ trích nỗ lực của Đảng Cộng hoà là “ghi điểm chính trị”, nói rằng đây “là kiểu hành vi mà Hiến pháp và sự phân chia quyền lực của nó muốn ngăn chặn”.

Bức thư cũng lưu ý rằng một số trát đòi hầu tòa nhắm vào các thường dân, như bà Hallie Biden, góa phụ của con trai tổng thống, và bà Sara Biden, em dâu của tổng thống.

Cựu cố vấn Nhà Trắng Dana Remus và các trợ lý khác của Nhà Trắng cũng được triệu tập vào đầu tuần này để nói chuyện với Ủy ban về việc liệu Tổng thống Biden có xử lý sai thông tin mật hay không. Vấn đề đó đang được công tố viên đặc biệt Robert Hur điều tra.

Ông Comer cáo buộc rằng Nhà Trắng đang giữ lại hơn 82.000 trang email mà trong đó Tổng thống Biden sử dụng bí danh khi còn là phó tổng thống. Và Nhà Trắng đã ngăn gia đình Biden, các cộng sự của gia đình Biden, cũng như các nhân viên hiện tại và trước đây của Nhà Trắng ra làm chứng trước Quốc hội.

Ông Comer nói: “Sự cản trở này không thể ngăn chúng tôi, và chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sự thật và buộc Tổng thống Biden phải chịu trách nhiệm trước người dân Mỹ”.

Luật sư Nhà Trắng, ông Sauber, bác bỏ theo đuổi của Đảng Cộng hòa vì cho rằng đây là một cuộc điều tra luận tội bất hợp pháp và thiếu bằng chứng. Ông lập luận rằng Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đang “vũ khí hóa quyền giám sát của Quốc hội” vì lợi ích chính trị.

Trong khi các đại diện của ông Hunter Biden bác bỏ trát đòi hầu tòa, bày tỏ sẵn sàng để ông Hunter trình bày công khai với Ủy ban Giám sát vào thời điểm thích hợp.

Tương tự, luật sư của ông James Biden lập luận rằng Ủy ban đã xem xét hồ sơ ngân hàng tư nhân có liên quan liên quan đến giao dịch giữa anh em nhà Biden.


Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn muốn Biden thúc ép CSVN về nhân quyền


(Hình: Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn)

-“Khi Hoa Kỳ đăng cai tổ chức kỳ thượng đỉnh APEC 2023, đó là một cơ hội bằng vàng để soi rọi về những vi phạm của Chính phủ Việt Nam đối với chính công dân nước họ,” bà Janet cho hay.

Bà Janet Nguyễn, Thượng nghị sĩ gốc Việt tại bang California, gửi thư cho Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thúc giục ông này cần thúc ép Chính phủ Việt Nam về thành tích nhân quyền trong dịp diễn ra thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco vào tuần này.

Trong bức thư gửi Biden đề ngày 13/11, bà Janet Nguyễn ghi rõ bà được sinh ra ở Việt Nam và phải cùng gia đình chạy khỏi Sài Gòn sau biến cố 30/4/1975. Trong thư bà bày tỏ những quan ngại sâu sắc về các vi phạm nhân quyền và quyền tự do tôn giáo đang diễn ra tại Việt Nam.

Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn của bang California, nơi có cộng đồng người Việt đông nhất Hoa Kỳ, cho rằng khi Hoa Kỳ đăng cai tổ chức kỳ thượng đỉnh APEC 2023, đó là một cơ hội bằng vàng để soi rọi về những vi phạm của Chính phủ Việt Nam đối với chính công dân nước họ. Đây cũng là cơ hội để tăng tiến công tác bảo vệ những quyền con người cơ bản tại Việt Nam như quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, và tự do hội họp…

Trong thư gửi Biden, bà Janet Nguyễn nêu hai trường hợp đang bị đàn áp tại Việt Nam. Một là trường hợp tù chính trị Lê Trọng Hùng đang phải thụ án bị án năm năm tù do từng có kêu gọi ứng cử độc lập vào Quốc hội đối trọng với đảng cầm quyền; hai là ông Y Krech Bya, một tín đồ Tin Lành độc lập bị bắt vào dịp lễ Phục Sinh.

Võ Văn Thưởng đang có mặt tại Hoa Kỳ để tham dự kỳ thượng đỉnh APEC 2023 do Hoa Kỳ tổ chức.


Thượng viện Mỹ thông qua ngân sách tạm thời, tránh việc chính phủ bị đóng cửa


(Hình: Các dân biểu rời Điện Capitol ở thủ đô của Mỹ tối 14/11/2023.)

-Thượng viện Hoa Kỳ loại bỏ nguy cơ chính phủ bị đóng cửa một phần khi thông qua dự luật về ngân sách tạm thời hôm thứ Tư 15/11 và chuyển đến Tổng thống Joe Biden để ông ký thành luật trước thời hạn chót vào cuối tuần này.

Cuộc bỏ phiếu với kết quả 87 phiếu thuận-11 phiếu chống đã chấm dứt cuộc đối đầu lần thứ ba trong năm nay về vấn đề tài chính ở Quốc hội Mỹ. Trong những lần đối đầu này, các nhà lập pháp đẩy Washington đến bờ vực vỡ nợ với khoản nợ hơn 31 nghìn tỷ đô la hồi mùa xuân và hai lần chỉ chậm vài ngày là chính phủ có nguy cơ bị đóng cửa một phần, có thể làm gián đoạn việc trả lương cho khoảng 4 triệu nhân viên liên bang.

Lần gần đây nhất suýt xảy ra việc đóng cửa đã dẫn đến sự kiện Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy thuộc đảng Cộng hòa bị phế truất hôm 3/10, khiến hạ viện không có người lãnh đạo trong 3 tuần.

Nhưng với dự luật mới nhất, các nhà lập pháp đã thu xếp được khoảng thời gian dài hơn hai tháng để thương lượng với nhau. Thời hạn chót tiếp theo dành cho Thượng viện có đảng Dân chủ chiếm đa số và Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát là ngày 19/1, chỉ vài ngày sau khi các hội nghị của các đảng ở bang Iowa loan báo bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024.

Người kế nhiệm ông McCarthy, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, đã đưa ra một dự luật ngân sách tạm thời thu hút được sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng, một điều hiếm thấy trong nền chính trị hiện đại của Hoa Kỳ. Đảng Dân chủ cho hay họ rất vui vì nó vẫn giữ nguyên mức chi tiêu đã được đặt ra trong thỏa thuận hồi tháng 5 với ông Biden và không bao gồm các điều khoản “khó nhằn” nói về phá thai cũng như các vấn đề xã hội nóng bỏng khác.

Phía đảng Cộng hòa nói họ mong muốn tránh nguy cơ đóng cửa chính phủ, một tình trạng có thể khiến các công viên quốc gia phải đóng cửa và làm gián đoạn nhiều công việc, từ nghiên cứu khoa học cho đến các quy định tài chính.

Nhưng các nghị sĩ theo đường lối cứng rắn trong đảng Cộng hòa của ông Johnson có thế đa số 221-213 đã bày tỏ tức giận trước sự thỏa hiệp hiện nay, nói rằng họ sẽ tiếp tục cố gắng kiềm chế chi tiêu liên bang khi ngân sách hiện nay hết hiệu lực.

Luật ngân sách vừa đạt được này sẽ gia hạn mức chi tiêu cho xây dựng quân đội, phúc lợi cho cựu chiến binh, giao thông, nhà ở, phát triển đô thị, nông nghiệp, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, cũng như các chương trình năng lượng và nước cho đến ngày 19/1. Ngân sách dành cho tất cả các hoạt động liên bang khác - bao gồm cả quốc phòng - sẽ hết hạn vào ngày 2/2.

Các cuộc tranh cãi, đối đầu lặp đi lặp lại về việc cấp ngân sách cho chính phủ hoạt động - chức năng thiết yếu nhất của Quốc hội - đã làm cho các nhà lập pháp không giải quyết được các đề xuất khác, bao gồm cả yêu cầu của ông Biden về cấp viện trợ 106 tỷ đô la cho Israel, Ukraine và an ninh biên giới Hoa Kỳ.


Trung Cộng chặn máy bay quân sự của Mỹ 180 lần! trong 2 năm qua
(Anh Nguyễn)


(Ảnh: Máy bay chiến đấu phản lực F-16)

-Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã hung hăng ngăn chặn hơn 180 máy bay quân sự của Mỹ trong hai năm qua, con số này nhiều hơn tất cả các vụ ngăn chặn thù địch trong thập kỷ trước cộng lại.

Theo ông Ely Ratner, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, “hành vi cưỡng chế và nguy hiểm” của chính quyền Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có nguy cơ gây ra xung đột “vô ý” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ông Ratner cho biết, nếu tính cả những hành động ngăn chặn quyết liệt với các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ, số vụ việc do ĐCSTQ khởi xướng trong hai năm qua sẽ tăng lên hơn 300 vụ.

Hành vi “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp” của chính quyền Trung Quốc có nguy cơ làm suy yếu một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Ông Ratner nói thêm rằng Hoa Kỳ sẽ duy trì hiện diện quân sự hợp pháp trong khu vực, như điều đã diễn ra trước sự tồn tại gần 100 năm của ĐCSTQ gần.

“Lực lượng của chúng tôi đã giúp duy trì hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ và sẽ tiếp tục làm như vậy mỗi ngày”, ông Ratner nói.

Bộ Quốc phòng cho rằng chiến dịch quân sự cưỡng chế của Bắc Kinh là một phần trong nỗ lực nhằm phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Sự xâm lược của ĐCSTQ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang được cộng đồng quốc tế quan tâm, khi các phi công chiến đấu của Trung Quốc tìm cách đuổi máy bay của đồng minh ra khỏi bầu trời và thậm chí còn phóng các mảnh kim loại vào động cơ của họ.

Vấn đề càng phức tạp hơn khi ĐCSTQ, dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, đã cắt đứt mọi liên lạc với quân đội Hoa Kỳ trong khu vực một cách có hệ thống.

Đô đốc John Aquilino nói với các phóng viên vào ngày 17 tháng 10 rằng ông đã gửi vô số yêu cầu liên lạc tới những người đồng cấp Trung Quốc trong suốt 2 năm rưỡi làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.

“Tôi vẫn chưa thấy yêu cầu nào trong số đó được chấp nhận”, Đô đốc John Aquilino nói.

Chính quyền Biden cho rằng việc cắt đứt liên lạc trong khu vực của ĐCSTQ liên quan đến chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện lúc đó là bà Nancy Pelosi tới Đài Loan. Tuy nhiên, theo như tuyên bố của Đô đốc Aquilino có nghĩa hoạt động liên lạc đã bị cắt từ hơn một năm trước đó.

Đô đốc cho biết, sự kết hợp giữa việc gây hấn của ĐCSTQ và sự cố mất liên lạc có nghĩa là Hoa Kỳ và Trung Quốc có nhiều khả năng dẫn đến xung đột mở.

“Là người chỉ huy lực lượng chung, tôi lo ngại nhất về khả năng xảy ra tai nạn. Khu vực này ngày càng trở nên nguy hiểm hơn và chúng tôi đang theo dõi rất chặt chẽ”, Đô đốc John Aquilino nói tiếp.

Đô đốc Aquilino cho biết ông có hai nhiệm vụ quan trọng cần hoàn thành ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đầu tiên là ngăn chặn một cuộc chiến tranh với Trung Quốc và thứ hai là duy trì hòa bình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ông nói thêm: “Nếu nhiệm vụ thứ nhất thất bại, chúng ta phải sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng. Điều đó có nghĩa là, lực lượng của tôi đã sẵn sàng chiến đấu và giành chiến thắng ngay hôm nay.”


Trung Cộng, Iran đang nhắm mục tiêu vào các cá nhân trên đất Mỹ
(Gia Huy)

-Theo các quan chức chính quyền Biden, Trung Quốc và Iran đang nhắm mục tiêu vào những người trên đất Mỹ mà họ coi là mối đe dọa đối với chế độ chuyên chế của họ.

Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas cảnh báo, chế độ độc tài của cả hai quốc này có thể sẽ tiếp tục tỏ ra hung hăng hơn và thực hiện các hành động thù địch chống lại người Mỹ và người nước ngoài trên đất Mỹ.

Trong lời chứng được chuẩn bị sẵn tại phiên điều trần hôm 15/11 trước Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện Mỹ, Bộ trưởng Mayorka cho biết: “Trung Quốc và Iran có thể sẽ vẫn là những tác nhân [nước ngoài] hung hăng nhân nhất bên trong Hoa Kỳ.”

“Những kẻ thù này đã nhắm mục tiêu vào những cá nhân ở Hoa Kỳ mà họ coi là mối đe dọa đối với chế độ của họ, bao gồm những nhóm người dân tộc thiểu số và tôn giáo, những người bất đồng chính kiến, và các nhà báo.”

Ông tiết lộ, “những đặc vụ của các chế độ này” đã tham gia vào vụ tấn công thân thể, đe dọa, quấy rối, phỉ báng, cưỡng bức mất tích, và thậm chí cả những nỗ lực ám sát những cá nhân cư ngụ tại Hoa Kỳ.

Cũng làm chứng tại phiên điều trần, Giám đốc FBI Christopher Wray lưu ý, Iran đã thuê các sát thủ để sát hại các quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ.

Trong lời chứng được chuẩn bị sẵn, ông Wray cáo buộc: “Iran, quốc gia tài trợ khủng bố lớn nhất thế giới, đã trực tiếp hoặc bằng cách thuê các tội phạm thực hiện các vụ ám sát những người bất đồng chính kiến, cũng như các cựu quan chức cấp cao và các quan chức cấp cao hiện tại của Hoa Kỳ, kể cả ngay tại đây trên đất Mỹ.”

Ông cảnh báo: “Các quốc gia như Trung Quốc, Nga, và Iran ngày càng trở nên hung hăng hơn và có năng lực hơn bao giờ hết.”

Ông Wray trước đó đã đưa ra nhận xét tương tự khi đề cập đến việc phát hiện ra âm mưu của Iran trong đó một công dân Iran đã thuê các sát thủ ở Mỹ để thực hiện việc ám sát các quan chức cấp cao thời Trump.

Vào tháng 8/2022, Bộ Tư pháp Mỹ đã buộc tội một công dân Iran âm mưu thuê kẻ giết người để sát hại ông John Bolton, người từng giữ chức vụ cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Donald Trump. Bộ Tư pháp Mỹ tiết lộ, người đàn ông này đã được trả 300.000 đô la để thực hiện vụ tấn công ông Bolton và được đề nghị 1 triệu đô la cho một mục tiêu khác chưa được tiết lộ danh tính.

Tương tự như vậy, Bộ trưởng Mayorkas nhấn mạnh, một số cư dân ở Hoa Kỳ đóng vai trò là các đặc vụ bất hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cố gắng ép buộc những người phản đối Bắc Kinh hồi hương về Trung Quốc.

Ông cho biết, cộng đồng tình báo quốc gia Mỹ dự đoán rằng những nỗ lực như vậy sẽ tiếp tục phát triển trong những năm sắp tới.

Bộ trưởng Mayorka cảnh báo:

“Để tăng thêm nhiều nỗ lực của họ trong không gian công, Trung Quốc, Iran, và Nga có thể sẽ tiếp tục theo đuổi các hoạt động đàn áp xuyên quốc gia trong nội địa [Hoa Kỳ], phá hoại luật pháp, chuẩn mực, và các quyền cá nhân của Hoa Kỳ.” Không gian công là một thuật ngữ ám chỉ nơi mọi người có thể thảo luận công khai các vấn đề xã hội, qua đó gây ảnh hưởng đến các hành động chính trị.

Hơn 2.000 cuộc điều tra về tội phạm liên quan đến Trung Quốc

Ông Wray mô tả các chính phủ độc tài của Trung Quốc, Iran, và Nga là mối đe dọa an ninh quốc gia sâu rộng và dai dẳng đối với Hoa Kỳ. Ông nhấn mạnh, đặc biệt là chế độ cộng sản Trung Quốc đang làm việc không ngừng nghỉ để phá hoại an ninh quốc gia Hoa Kỳ và khai thác các điểm yếu của nước Mỹ.

Giám đốc FBI cáo buộc: “Những tên tội phạm và các quốc gia nhà nước này tin rằng chúng có thể xâm nhập mạng của chúng ta, đánh cắp tài sản của chúng ta, tống tiền chúng ta, và khiến cơ sở hạ tầng của chúng ta gặp rủi ro mà bản thân chúng không phải gánh chịu bất kỳ rủi ro nào.”

“Cùng với nhau, chúng [Trung Quốc, Iran và Nga] gây ra mối đe dọa liên tục đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ và nền kinh tế của chúng ta bằng cách nhắm mục tiêu vào các công nghệ, ngành công nghiệp, và lĩnh vực mang tính chiến lược, cũng như cơ sở hạ tầng quan trọng [của Hoa Kỳ].”

Để phản ứng đối với vấn đề này, ông Wray cho hay, các văn phòng hiện trường của FBI trên khắp nước Mỹ hiện đang tiến hành hơn 2.000 cuộc điều tra về hoạt động tội phạm liên quan đến Trung Quốc tại Hoa Kỳ.

Chế độ cộng sản Trung Quốc đã nỗ lực thực hiện hoặc thuê người khác tiến hành các hoạt động tình báo phức tạp bằng cách sử dụng các biện pháp cưỡng ép, phá hoại, gây ảnh hưởng xấu, gián điệp kinh tế và mạng, gián điệp truyền thống và các phương pháp thu thập thông tin tình báo phi truyền thống.


Một ông Việt Nam bị bắn chết ở Texas khi mới qua Mỹ một năm


(Hình: Ông Đoàn Dũng)

-Ông Dũng qua đời “bỏ lại vợ và hai người con cùng một đại gia đình luôn quan tâm đến ông.”

Ông Đoàn Dũng, 62 tuổi, bị bắn chết trong một vụ nổ súng ngẫu nhiên khó hiểu tại chợ Walmart trên đường Preston Road và Hickory Street, thành phố Frisco, theo đài NBC 5 DFW hôm 17 Tháng Mười Một.

Cảnh sát hiện đang truy lùng nghi can trong vụ nổ súng bắn hai người vào tối Thứ Tư làm một người thiệt mạng là ông Dũng, một di dân từ Việt Nam đến định cư tại thành phố Frisco khoảng một năm, theo lời cô Kaitlin Nguyễn, cháu gái của nạn nhân.

Ông Dũng được đưa đi cấp cứu nhưng vết thương quá nặng khiến ông không qua khỏi tại bệnh viện, theo thông báo của cảnh sát.

Nạn nhân sống cùng vợ ngay đối diện chợ Walmart, nơi xảy ra vụ nổ súng. Ông Dũng thường xuyên đi bộ đến chợ Walmart này như để tập thể dục hoặc mua sắm.

Cô Kaitlin mô tả ông Dũng là một người đàn ông yêu thương gia đình và làm việc chăm chỉ, ông đến Mỹ để có cuộc sống tốt hơn và an toàn hơn.

Hai vợ chồng Dũng không biết tiếng Anh nhưng đã tìm được việc làm ở một tiệm bánh kiếm thu nhập để trang trải các hóa đơn và lo cho con trai vào đại học, theo người cháu gái.

Ông Dũng qua đời “bỏ lại vợ và hai người con cùng một đại gia đình luôn quan tâm đến ông,” cô Kaitlin cho biết.

Hiện tại cảnh sát chưa thực hiện bất kỳ vụ bắt giữ nào nhưng kiểm tra video giám sát để điều tra truy tìm hung thủ.

Gia đình kêu gọi quyên góp trên GoFundMe để hỗ trợ các chi phí tang lễ.

Sở Cảnh Sát Frisco PD đang yêu cầu bất kỳ ai có thông tin liên quan đến vụ bắn này gọi điện thoại ở số 972-292-6010.


Quân đội Nhật tập trận trên hòn đảo được coi là dễ bị Trung Quốc tấn công


(Hình: Binh sĩ ARDB của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tập trận đổ bộ lên đảo Tokunoshima.

-Thủy quân lục chiến Nhật Bản trên các chiến xa lội nước đổ bộ lên bãi biển của một hòn đảo ở rìa Biển Hoa Đông hôm Chủ nhật trong một cuộc tấn công mô phỏng nhằm đánh bật những kẻ xâm lược khỏi lãnh thổ mà Tokyo lo ngại là dễ bị tấn công từ Trung Quốc.

Giữa lúc căng thẳng gia tăng với các nước láng giềng Trung Quốc, Nga và Triều Tiên, cuộc tập trận trên đảo Tokunoshima phía tây nam đã kết thúc chuỗi cuộc tập trận kéo dài 11 ngày trên toàn quốc mang tên 05JX, nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không để bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản và hạ tầng, trong đó có các nhà máy điện hạt nhân.

Tướng Yoshihide Yoshida, tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, cho biết: “Mục tiêu của cuộc tập trận JX là để trong tình huống khẩn cấp do bị tấn công, chúng tôi có thể hợp đồng tác chiến”.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc không thể liên lạc được vào Chủ nhật để xin bình luận về cuộc tập trận của Nhật Bản.

Các chiến xa lội nước của Thủy quân Lục chiến được triển khai từ hai tàu đổ bộ của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản neo đậu ngoài khơi. Các nhóm binh sĩ tiến vào bờ trên những chiếc xuồng cao su bơm hơi, và các thiết bị hạng nặng được chở vào bờ bằng ca-nô đệm khí.

Quy mô và tốc độ của các cuộc tập trận quân sự ở Nhật Bản có thể sẽ tăng lên trong vài năm tới, bao gồm cả với lực lượng Mỹ, sau khi Thủ tướng Fumio Kishida vào tháng 12 công bố kế hoạch tăng cường quân sự lớn nhất của nước này kể từ Thế chiến thứ hai, với cam kết tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong 5 năm.

Thủ tướng Kishida cảnh báo rằng Đông Á có thể là Ukraine tiếp theo nếu Trung Quốc, được khuyến khích bởi cuộc xâm lược Ukraine của Nga, tấn công Đài Loan.

Khoản chi tiêu dự kiến trị giá 43,5 nghìn tỷ yên (290 tỷ đôla) sẽ dành cho các loại vũ khí mới như tên lửa tầm xa cũng như tăng dự trữ phụ tùng và đạn dược để chống lại một cuộc xung đột kéo dài.

Tuy nhiên, sự sụt giảm mạnh của đồng yên trong năm nay đã buộc Nhật Bản phải cắt giảm một số kế hoạch mua hàng, bao gồm cả các mẫu trực thăng Chinook mới do Mỹ sản xuất mà quân đội Nhật Bản đã sử dụng trong cuộc tập trận Tokunoshima.


Thủ tướng Úc: Tàu hải quân Trung Cộng va chạm khiến thợ lặn bị thương


(Hình: Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bắc Kinh, ngày 6/11/2023.)


-Thủ tướng Australia Anthony Albanese nói rằng một tàu chiến Trung Quốc đã hành động nguy hiểm trong vụ va chạm với tàu hải quân Australia khiến một thợ lặn quân sự bị thương. Đây là những phát biểu đầu tiên của ông về vấn đề mà ông cho rằng đã làm tổn hại đến mối quan hệ.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles hôm 18/11 cho hay tàu khu trục tầm xa HMAS Toowoomba đang tiến hành hoạt động lặn trong Vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản hôm 14/11 để tháo lưới đánh cá vướng vào chân vịt tàu thì sự cố xảy ra.

Ông Albanese, người có cuộc gặp ngắn với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở San Francisco vào tuần trước, phải chịu áp lực chính trị trong nước về việc ông đã nêu vấn đề này với nhà lãnh đạo Trung Quốc hay không.

Trong một cuộc phỏng vấn hôm 20/11 với đài Sky News Australia, ông Albanese nói rằng vụ việc đã gây thương tích cho một người và cho thấy cần phải có “đường dây liên lạc có tác dụng như dải hộ lan” giữa hai quân đội.

Ông phát biểu: “Sự việc thật là nguy hiểm, phía tàu chiến Trung Quốc đã không an toàn và thiếu chuyên nghiệp”.

Ông Albanese cho hay vụ việc được nêu ra thông qua “tất cả các kênh thông thường” nhưng không tiết lộ liệu nó có được thảo luận trong cuộc gặp riêng với ông Tập tại APEC hay không.

“Hậu quả của những sự kiện này là chúng làm tổn hại đến mối quan hệ. Và đây chắc chắn là một sự kiện gây thiệt hại. Và chúng tôi đã nói rõ điều đó với Trung Quốc”, ông nói thêm.

Bộ trưởng Quốc phòng Ông Marles trước đây nói rằng một tàu khu trục của Hải quân thuộc Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc đã tiến về phía tàu HMAS Toowoomba, bất chấp tàu Úc thông báo cho tàu chiến Trung Quốc về hoạt động lặn, và tàu Trung Quốc đã vận hành thiết bị định vị thủy âm (sonar) gắn trên thân tàu một cách không an toàn.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia cho biết thêm rằng các đánh giá y tế cho thấy các thợ lặn bị thương nhẹ có thể do thiết bị thủy âm của tàu khu trục Trung Quốc gây ra.

Ông Albanese đã đến thăm Trung Quốc trong tháng này, là nhà lãnh đạo Australia đầu tiên thăm Bắc Kinh sau 7 năm, đồng ý khởi động lại cuộc đối thoại hàng năm giữa các nhà lãnh đạo hai nước.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia dẫn lại bình luận của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh hôm 20/11 nói rằng quân đội Trung Quốc “luôn có tính kỷ luật cao và tiến hành các hoạt động chuyên nghiệp phù hợp với luật pháp quốc tế và thông lệ quốc tế”.

Bà Mao nói thêm: “Chúng tôi hy vọng các bên liên quan sẽ ngừng khuấy động rắc rối ngay trước cửa Trung Quốc và hợp tác với chúng tôi để cùng duy trì động lực cải thiện và phát triển quan hệ Trung Quốc-Australia”.


Tin Quốc Tế Đó Đây

Quân Do Thái Ra Lệnh Di Tản Khỏi Bệnh Viện al-Shifa ở Dải Gaza


(Hình: Ảnh cắt từ video do Lực lượng Phòng vệ Do Thái cung cấp ngày 15/11/2023 cho thấy áo chống đạn với phù hiệu của Hamas được Do Thái khẳng định là tìm thấy cùng với nhiều vũ khí trong tủ thuốc của trung tâm chụp phim của bệnh viện al-Shifa ở thành phố Gaza.)

-Hôm 18/11/2023, ngày thứ tư liên tiếp quân đội Do Thái tấn công vào bệnh viện al-Shifa, bệnh viện lớn nhất ở dải Gaza, binh lính Do Thái đã ra lệnh mọi người di tản “trong vòng một tiếng” khỏi bệnh viện mà họ cho là được tổ chức Hamas sử dụng làm căn cứ quân sự.

Theo hãng tin AFP, trước mắt, hàng trăm người đã rời khỏi bệnh viện để đi về phía miền Nam Gaza, nhưng theo Bộ trưởng Y tế của chính quyền Hamas, 120 bệnh nhân vẫn còn ở lại vì không thể di chuyển được, trong đó có những trẻ sinh thiếu tháng.

Theo Liên Hiệp Quốc, trong bệnh viện al-Shifa hiện có khoảng hơn 2.000 người, bao gồm bệnh nhân, nhân viên y tế và dân tản cư. Cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại về số phận của những người này.

Từ mấy ngày qua, trong lúc xe tăng bao vây bên ngoài, binh lính Do Thái đã vào các khoa của bệnh viện al-Shifa để thẩm vấn những người có mặt tại đây, đồng thời lục soát từng tòa nhà một trong khu bệnh viện.

Trong tuần này, Giám đốc của bệnh viện đã từ chối thi hành lệnh di tản mà quân đội Do Thái đã đưa ra trước đó, với lý do đây là một việc hết sức phức tạp.

Từ nhiều ngày qua, bệnh viện al-Shifa bị cúp điện và hàng chục bệnh nhân đã chết vì các thiết bị y tế cần thiết không còn hoạt động nữa do bị cúp điện. Đa số các bệnh viện ở Gaza nay không còn nhiên liệu để chạy máy phát điện.

Hôm qua, theo yêu cầu của Hoa Kỳ, Nội các chiến tranh của Do Thái mới cho phép mỗi ngày hai xe bồn chở xăng dầu được vào dải Gaza. Theo lời Giám đốc một bệnh viện tại đây, đợt nhiên liệu đầu tiên đã được giao hôm nay 18/11 để cho chạy lại các máy phát điện và khởi động lại mạng viễn thông tại vùng lãnh thổ Palestine hiện đang bị phong tỏa.

Cũng do thiếu xăng dầu nên viện trợ nhân đạo vẫn chưa được đưa đến Gaza, theo Liên Hiệp Quốc. Định chế quốc tế này lo ngại về nguy cơ xảy ra nạn đói đối với 2,4 triệu dân ở dải Gaza.

Còn tại miền Nam Gaza, Giám đốc một bệnh viện sáng 18/11 cho biết đã có 26 người thiệt mạng trong một vụ oanh kích của Do Thái vào 3 chung cư của thành phố Khan Younes. Còn tại vùng Cisjordan, theo tin từ Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine và phong trào Fatah của Palestine, 5 chiến binh của phong trào này đã chết trong một vụ không kích của Do Thái vào thành phố Naplouse.


Gia Đình Các Con Tin Yêu Cầu Chính Phủ Do Thái Khẩn Cấp Có Giải Pháp


(Hình: Cuộc tuần hành ngày 18/11/2023 ở Jerusalem, thủ đô của Do Thái của gia đình và những người ủng hộ khoảng 240 con tin bị Hamas giam giữ tại Gaza.)

-Hoa Kỳ khẳng định “đang cố gắng hết sức” để đạt được thỏa thuận về các con tin đang bị Hamas giam giữ ở dải Gaza, trong đó có khả năng khoảng vài chục phụ nữ và trẻ em sẽ được trả tự do để đổi lấy 5 ngày ngừng bắn. Sau hơn 7 tuần không có tin tức người thân, gia đình của các con tin đã tổ chức tuần hành từ Tel Aviv đến Jerusalem để gây áp lực với chính quyền Thủ tướng Nentanyahu.

Cuộc tuần hành 4 ngày, được đông đảo người dân Do Thái ủng hộ, kết thúc ngày 18/11/2023 trước văn phòng của Thủ tướng Nentanyahu ở Jerusalem. Gia đình các con tin có thể được chính phủ tiếp ngày 20/11. Phóng sự của đặc phái viên Murielle Paradon và Boris Vichith của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Jerusalem:

“Giương cao chân dung các con tin và quốc kỳ Do Thái, hàng ngàn người đã tập trung trước văn phòng của Thủ tướng. Rất nhiều người trong số này đã đi bộ suốt 4 ngày cùng với gia đình các nạn nhân vì họ cảm thấy liên quan đến thảm kịch này.

Ông Marc, khoảng 60 tuổi, nói: “Mọi người đều biết ai đó có một thành viên trong gia đình hoặc bị sát hại, bị thương hoặc bị bắt cóc. Thảm kịch đó tác động đến tất cả mọi người. Dù là cánh tả hay cánh hữu thì đó là cuộc đấu tranh của đất nước chúng tôi”.

Shelly bày tỏ tình đoàn kết với các gia đình nạn nhân. Tương tự với hầu hết mọi người, bà yêu cầu trao đổi tù nhân, càng sớm càng tốt. Bà khẳng định: “Chúng tôi có thể sẽ trao bất kỳ điều gì để họ được trở về. Tôi không thấy phiền nếu họ thả tù nhân Hamas, nếu họ trao đổi con tin”.

Micha thì cho rằng chính phủ chưa cố gắng hết sức và yếu kém trong cuộc khủng hoảng này. Bà chỉ trích: “Từ khi xảy ra những sự kiện đó, chính phủ chẳng làm gì cả. Mọi hoạt động là nhờ xã hội dân sự. Chính phủ chỉ quan tâm đến lợi ích riêng của họ và đó là bi kịch cho Do Thái”.

Gia đình các con tin cảm thấy được người dân Do Thái ủng hộ, nhưng yêu cầu chính phủ nỗ lực hơn để người thân của họ được trả tự do sớm nhất có thể”.

Cùng ngày với đoàn tuần hành của gia đình các con tin bị Hamas giam giữ ở Gaza, vài trăm người đã tham gia một cuộc tuần hành phản chiến ở Tel Aviv tối 18/11. Theo thông tấn xã AFP, đây là cuộc tập hợp đầu tiên kêu gọi rõ ràng chấm dứt các hành động thù nghịch, bùng lên kể từ khi Hamas tấn công sát hại thường dân tại Do Thái hôm 7/10.

Tại Pháp, khoảng 45.000 người, theo số liệu của Bộ Nội vụ, đã tuần hành ở nhiều thành phố lớn Paris, Marseille, Lyon, Rennes, Montpellier... trong ngày 18/11 để kêu gọi “ngừng bắn ngay lập tức” ở Cận Đông. Đây là tuần thứ ba liên tiếp các cuộc tuần hành ủng hộ Palestine được tổ chức tại Pháp sau thời gian đầu bị cấm.


Do Thái Nói Tìm Thấy Một Đường Hầm Kiên Cố Dài 55 Mét Dưới Bệnh Viện Shifa ở Gaza


(Ảnh: Chụp màn hình từ một video của Lực lượng Phòng vệ Do Thái công bố ngày 19/11/ 2023 mà quân đội Do Thái nói là lối mở vào một đường hầm được các chiến binh Hamas sử dụng trong bệnh viện Al Shifa ở Dải Gaza.)

-Hôm Chủ Nhật (19/11/2023), Do Thái công bố đoạn video mà họ mô tả là một đường hầm của Hamas nằm bên dưới bệnh viện lớn nhất Dải Gaza -- trọng tâm của chiến dịch truy lùng và tiêu diệt Hamas trong cuộc chiến hiện đã bước sang tuần thứ bảy.

Trong khi thừa nhận rằng họ có một mạng lưới hàng trăm cây số đường hầm, hầm trú ẩn và đường hầm bí mật khắp Dải Gaza, Hamas phủ nhận rằng những đường hầm này nằm trong các cơ sở hạ tầng dân sự như bệnh viện.

Trong bản cập nhật về cuộc hành quân tại Bệnh viện Al Shifa ở thành phố Gaza, quân đội Do Thái cho biết các Kỹ sư của họ đã phát giác ra một đường hầm sâu 10 mét và chạy dài 55 mét tới một cánh cửa chống nổ.

“Loại cửa này được tổ chức khủng bố Hamas sử dụng để chặn lực lượng Do Thái tiến vào các trung tâm chỉ huy và cơ sở ngầm của Hamas”, một tuyên bố của quân đội kèm theo video cho thấy một lối đi hẹp có mái bê tông hình vòm, và cuối lối đi là một cái cửa màu xám.

Tuyên bố không nói có gì ở đằng sau cánh cửa. Đường hầm này nối với một đường hầm được phát giác trong một nhà kho chứa đạn dược bên trong khu nhà của bệnh viện Shifa.


Thượng Đỉnh APEC Bất Đồng Về Gaza và Ukraine


(Hình: Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva, Tổng thống Peru, bà Dina Ercilia Boluarte Zegarra, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Úc Ðại Lợi Anthony Albanese và Quốc vương Brunei, ông Hassanal Bolkiah, tại hội nghị thượng đỉnh APEC, San Francisco, Mỹ, ngày 17/11/2023.)

-Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco (Hoa Kỳ) đã kết thúc hôm 17/11/2023, sau khi đưa ra những lời hứa về hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, các lãnh đạo trong khối này cũng đã thể hiện những bất đồng về xung đột ở Gaza và chiến tranh Ukraine.

Theo hãng tin AFP, lãnh đạo các quốc gia thành viên APEC đã ra một thông cáo riêng về các hồ sơ nóng hiện nay. Về “khủng hoảng ở Gaza”, một số nước ủng hộ tuyên bố của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo lên án các hành động “man rợ” của quân đội Do Thái ở dải Gaza. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn khẳng định sự ủng hộ đối với Nhà nước Do Thái. Về tình hình Ukraine, đa số các nước thành viên APEC cực lực lên án cuộc xâm lược của Nga.

Thông cáo nói trên được đưa ra theo yêu cầu của một số nước thành viên, vì theo họ APEC không phải là một diễn đàn thích hợp để thảo luận về các hồ sơ địa chính trị.

Thượng đỉnh APEC hôm 17/11 cũng đã thông qua “Tuyên bố Golden Gate”, lấy tên cây cầu biểu tượng của thành phố San Francisco. Trong tuyên bố này, lãnh đạo các quốc gia thành viên cam kết “thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng vẫn đối phó với các thách thức về môi trường, như biến đổi khí hậu”.

APEC, hiện quy tụ 21 quốc gia Á Châu-Thái Bình Dương, được thành lập năm 1989, để tạo điều kiện cho các trao đổi mậu dịch trong khu vực. Đây là một trong những tổ chức hiếm hoi mà cả Trung Quốc và Đài Loan đều có đại diện.

Hội nghị thượng đỉnh APEC thường là dịp để lãnh đạo các nước thành viên gặp nhau để giải quyết các vấn đề song phương, chẳng hạn như giữa Trung Quốc và Úc Ðại Lợi mà quan hệ trong mấy năm qua đã trở nên căng thẳng.

Sau khi thăm Bắc Kinh vào đầu tháng 11, Thủ tướng Úc Ðại Lợi Anthony Albanese đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần thứ hai trong tháng này bên lề thượng đỉnh APEC. Tại San Francisco hôm 17/1, Thủ tướng Albanese cho biết ông đã mời Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đến thăm nước Úc nhằm tiếp tục cải thiện bang giao giữa hai nước.

Cũng tại San Francisco hôm 17/11, Bộ Thương mại Mỹ thông báo Hoa Kỳ và Trung Quốc cam kết sẽ mở cuộc đàm phán thương mại mới vào năm tới. Thông báo được đưa ra sau cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 15/11 bên lề thượng đỉnh APEC.


Đêm Thứ Hai Liên Tiếp Quân Đội Nga Tấn Công Kyiv Bằng Drone


(Hình: Phòng không Ukraine bắn chặn các cuộc oanh kích của Nga vào thủ đô Kyiv đêm 30/5/2023.)

-Trong đêm 18 rạng sáng 19/11/2023, cả Kyiv và Mạc Tư Khoa đều bị đối phương dùng drone tấn công, nhưng các lực lượng phòng không của cả hai bên tuyên bố đều bắn chặn được đa phần drone. Chính quyền hai nước đều không ghi nhận nạn nhân. Đêm qua là đêm thứ hai liên tiếp Kyiv bị quân đội Nga dồn dập tấn công bằng drone mang theo chất nổ.

Theo Kyiv, đó là loại drone Shahed do Iran chế tạo. Trên Telegram, lãnh đạo chính quyền thành phố Kyiv, Serguiï Popko, giải thích là các drone được phóng đi theo từng cụm, từ nhiều hướng và thành nhiều đợt. Quân đội Ukraine đã bắn hạ được 15 trong tổng số 20 drone của kẻ thù. Kyiv không ghi nhận thiệt hại nào đáng kể.

Vào đêm trước đó, lực lượng phòng không Ukraine khẳng định hạ được 29 trong tổng số 38 drone Shahed Nga phóng đến nhiều nơi khắp Ukraine. Đây được xem là đợt oanh kích bằng drone lớn nhất của quân Nga tính từ cuối tháng 9/2023 đến nay.

Về phần mình, Bộ Quốc phòng Nga ra một thông báo nhấn mạnh “một mưu đồ tấn công khủng bố của chế độ Kyiv với drone nhắm vào các cơ sở trên lãnh thổ Liên bang Nga đã bị phá vỡ”. Theo Bộ Quốc phòng Nga, drone của Ukraine đã bị thiết bị phòng không của Nga bắn hạ trên bầu trời quận Bogorodskii, thuộc vùng Mạc Tư Khoa. Trên Telegram, đô trưởng Mạc Tư Khoa, Sergueï Sobianine, cho biết cuộc tấn công không gây thiệt hại nhân mạng và vật chất.

Thông tấn xã AFP hôm 19/11 nhắc lại là các vụ tấn công bằng drone của Ukraine nhắm vào Mạc Tư Khoa diễn ra đặc biệt thường xuyên hồi mùa Xuân năm nay, giai đoạn trước phản công và đầu đợt phản công bắt đầu từ tháng 6/2023. Trong những tuần gần đây, các vụ tấn công bằng drone của Ukraine đã trở nên hiếm hoi.

Liên quan đến miền Đông-Nam Ukraine, quân đội nước này hôm 9/11 thông báo đã đẩy lui quân Nga từ 3 đến 8 cây số xa khỏi bờ sông Dnipro, tại khu vực do quân Nga chiếm giữ. Đây là lần đầu tiên Ukraine đưa ra con số cụ thể về bước tiến của các lực lượng trong vùng này sau nhiều tháng phản công không mấy kết quả.

Phát biểu trên truyền hình, phát ngôn viên quân đội Ukraine, Natalia Goumeniouk, giải thích: số liệu sơ bộ dao động từ 3 đến 8 cây số, tùy thuộc vào các đặc thù, địa lý và địa hình phía tả ngạn sông Dnipro. Tuy nhiên, bà không cho biết liệu lực lượng Ukraine đã hoàn toàn kiểm soát khu vực này hay quân đội Nga đã rút lui. Trước đó hai ngày, hôm 17/11, dù khẳng định đã giành lại được các vị trí trên bờ sông Dnipro mà Nga chiếm đóng, nhưng Ukraine cũng thừa nhận là giao tranh vẫn diễn ra “ác liệt” tại khu vực này.

Thông tấn xã Reuters cho biết trong video thường nhật tối 18/11, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky thông báo trừng phạt 37 nhóm và 108 người Nga, trong đó có một cựu Thủ tướng và một cựu Bộ trưởng Giáo dục. Theo thông tấn xã Reuters, đây là “những người liên quan đến nạn bắt cóc và trục xuất trẻ em Ukraine khỏi lãnh thổ bị chiếm đóng” và những cá nhân “bằng nhiều cách khác nhau giúp khủng bố Nga chống lại Ukraine”.


Hung Gia Lợi Hỗ Trợ Chad Duy Trì “Ổn Định” Để Ngăn Tận Gốc Làn Sóng Di Dân


(Hình: Cộng hòa Chad, Phi Châu.)

-Hôm 17/10/2023, Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban đã quyết định, từ nay đến tháng 3/2024, sẽ khai triển một lực lượng khoảng 200 quân nhân tới Chad, đất nước thuộc nhóm các nước nghèo nhất thế giới và được coi là “quốc gia ổn định duy nhất” tại khu vực, để hỗ trợ nước này về kinh tế, nhằm ngăn ngừa từ gốc các làn sóng di dân, tị nạn.

Chính quyền Budapest vốn dĩ luôn phản đối gay gắt chính sách của Liên Hiệp Âu Châu về tiếp nhận di dân và người tị nạn, khẳng định cần phải hỗ trợ việc quản lý các vấn đề ngay tại nơi nảy sinh, để hạn chế người dân những nước đó phải bỏ xứ ra đi. “Chương trình hỗ trợ ngay tại nguồn” của Hung Gia Lợi sẽ kéo dài trong vòng 2 năm.

Từ thủ đô Budapest của Hung Gia Lợi, thông tín viên Florence La Bruyère của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI), hôm 19/11/2023, cho biết thêm chi tiết:

“Thay vì tiếp nhận người tị nạn đến Hung Gia Lợi, chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban muốn hỗ trợ người dân Phi Châu ngay từ đất nước họ: Hung Gia Lợi sẽ gửi từ 200 đến 400 binh sĩ đến Chad. Bộ trưởng Quốc phòng Hung Gia Lợi nêu chi tiết mục tiêu của chương trình. Ông Kristof Szalay giải thích: “Với sự hợp tác của các lực lượng vũ trang Chad, đội quân của chúng tôi sẽ có nhiệm vụ góp phần ngăn chặn làn sóng di cư, hỗ trợ các nỗ lực chống khủng bố và bảo đảm an toàn để thực hiện chương trình hỗ trợ nhân đạo và kinh tế tại chỗ”.

Hung Gia Lợi cũng sẽ điều các Bác sĩ, Cố vấn Kinh tế và nhà Nông học đến Chad. Đây không phải là lần đầu tiên Hung Gia Lợi điều lực lượng tới Chad, nhưng lần này Budapest sẽ lập một trung tâm thường trực về viện trợ nhân đạo và kinh tế tại Ndjamena. Đối với ông Tristan Azbej, Ngoại trưởng Hung Gia Lợi, phụ trách chương trình viện trợ ngoại quốc, Chad là quốc gia duy nhất ở vùng Sahel còn ổn định, nên phải hành động để tránh sự sụp đổ của quốc gia này.

Người quản lý chương trình hỗ trợ Chad nói: “Người xin tị nạn và di dân đổ xô đến Chad, trong khi đây là 1 trong 10 nước nghèo nhất thế giới. Vì thế, điều quan trọng là chúng ta giúp đỡ quốc gia này duy trì sự ổn định”.

Thông qua chương trình “Hung Gia Lợi trợ giúp” này, được khai triển từ năm 2019 nhằm giảm nạn di dân sang Âu Châu, Budapest cũng hiện diện ở một số quốc gia Phi Châu khác, đặc biệt là Kenya, Mozambique và Ethiopia”.


Pháp Thử Phi Đạn-Đạn Đạo Tầm Xa Nhằm Tăng Cường Răn Đe Nguyên Tử


(Ảnh: Một vụ phóng thử phi đạn-đạn đạo Minuteman III không mang đầu đạn (ICBM) từ Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg ở California.)

-Pháp bắn thử thành công phi đạn-đạn đạo tầm xa M51.3, nâng cao khả năng răn đe nguyên tử, Bộ Quốc phòng nước này cho biết hôm Chủ Nhật (19/11/2023).

Bộ này nói rằng phi đạn không mang vũ khí nguyên tử đã được bắn từ bãi thử phi đạn Biscarosse của quân đội Pháp ở miền Tây-Nam và rơi xuống Bắc Đại Tây Dương, “cách bờ biển hàng trăm cây số” và không cung cấp thêm chi tiết.

“Vụ bắn thử này xác nhận sự cải tiến lớn của phi đạn, góp phần nâng cao uy tín lâu dài cho khả năng răn đe trên biển của Pháp trong những thập kỷ tới”, Bộ này nêu trong một tuyên bố hôm Chủ Nhật.

Sau khi Nga xua quân xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022, Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần cảnh báo phương Tây rằng ông sẽ sẵn sàng sử dụng vũ khí nguyên tử để bảo vệ Nga.

Phi đạn M51.3 là phiên bản nâng cấp của M51, phi đạn-đạn đạo chiến lược đất liền ba giai đoạn được thiết kế để phóng từ tàu ngầm. M51 được bắn thử lần đầu tiên từ căn cứ trên mặt đất vào năm 2006 và từ tàu ngầm vào năm 2010, năm nó được đưa vào vận hành.

Phi đạn M51.3, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào khoảng năm 2025, do công ty hàng không không gian ArianeGroup, một liên doanh giữa Airbus AIR.PA và tập đoàn quốc phòng Pháp Safran SAF.PA, chế tạo.

Phi đạn-đạn đạo bay theo quỹ đạo hình elip sau khi phóng, thường rời khỏi bầu khí lên không gian thấp, không giống như phi đạn liên lục địa, thường đi theo quỹ đạo thẳng ở độ cao thấp, được hỗ trợ bởi lực đẩy liên tục cho đến khi chúng chạm tới mục tiêu.


Á Căn Ðình Bầu Tổng Thống Vòng II: Lá Phiếu “Quyết Định” của Cử Tri Nữ


(Hình: Bầu Tổng thống Á Căn Ðình - áp-phích tranh cử của hai ứng viên Javier Milei và Sergio Massa, Buenos Aires, ngày 15/11/2023.)

-Hơn 35 triệu cử tri Á Căn Ðình được kêu gọi đi bỏ phiếu ngày 19/11/2023, để bầu Tổng thống mới. Hơn 52% cử tri Á Căn Ðình là phụ nữ, lá phiếu của họ có tính quyết định.

Ứng viên cánh trung tả Sergio Massa, hiện là Bộ trưởng Kinh tế, được cho là có thể tranh thủ những lá phiếu này do đối thủ của ông, ứng viên của phong trào cực hữu Javier Milei bị cáo buộc có những phát biểu bài phụ nữ. Thông tín viên Théo Conscience của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) gặp một số nữ cử tri tại thủ đô Buenos Aires:

“Hủy quyền phá thai đã được thông qua cuối năm 2020, xóa bỏ bộ Phụ Nữ, Giới Tính và Đa Dạng, đối với Ivana, một kế toán 29 tuổi, chương trình hành động của Javier Milei thể hiện quan điểm ghét phụ nữ của ứng cử viên này. Cô cho biết: “Ông ta chống phá thai nhưng điều này cũng cho thấy là ông ta coi phụ nữ là ở tầng lớp thấp kém hơn. Đối với tôi, nói chung là ông ấy chống lại tất cả các quyền của phụ nữ”.

Đây cũng là tâm trạng của nhiều phụ nữ Á Căn Ðình mà ứng viên Sergio Massa muốn tận dụng. Trong khi ông Javier Milei phủ nhận là có tình trạng bất bình đẳng về lương giữa hai giới, thì ứng cử viên của liên minh cầm quyền đã hứa sẽ giảm bớt khoảng cách này.

Theo Ivana, người sẽ đi bỏ phiếu Chủ Nhật này, chủ trương đó phần nào mang tính cơ hội. Bà cho biết: “Trước hết, đó sẽ là lá phiếu chống Milei và cuối cùng sẽ là lá phiếu bầu cho Massa. Dù đó không phải là ứng viên lý tưởng, nhưng tôi sẽ không chần chừ bầu cho ông ấy”.

Manuela, 24 tuổi là sinh viên ngành tâm lý, cho rằng phụ nữ đóng vai trò quyết định để Javier Milei, mà cô coi là thuộc phe cực hữu, không được bầu vào Chủ Nhật này. Cô tin rằng “vì là phụ nữ, chúng tôi nhanh chóng thấy được kiểu chương trình đó dẫn đến đâu, bởi vì những quyền đầu tiên bị tấn công chính là những quyền của chúng tôi”.

Theo một cuộc điều tra của văn phòng Zuban Cordoba, lập trường của Javier Milei về các vấn đề liên quan đến giới đã bị 70% phụ nữ bác bỏ, trong đó có cả các cử tri nữ ủng hộ ông. Tuy nhiên, những người này chọn cách gác sang một bên những vấn đề đó, để ưu tiên những thách thức về kinh tế mà họ coi là cấp bách hơn”.


Ngày “Công Nghiệp Phi Đạn” Bắc Hàn: Báo Chí Lặng Im, Kim Jong Un Vắng Bóng


(Ảnh AP, minh họa: Phi đạn siêu thanh được Bắc Hàn bắn thử ngày 5/1/2022.)

-Hôm 18/11/2023 là ngày “Công nghiệp phi đạn”, một ngày nghỉ lễ mới của Bắc Hàn. Tuy nhiên, truyền thông khu vực chú ý đến việc không có thông tin nào về lãnh đạo Kim Jong Un và về ngày lễ mới, được lập ra để kỷ niệm 1 năm ngày Bắc Triêu Tiên phóng thành công phi đạn-đạn đạo liên lục địa Hỏa Tinh-17 (Hwasong-17).

Đài Nhật NHK hôm 19/11 cho biết các phương tiện truyền thông Bắc Hàn cho đến giờ vẫn không đề cập đến lễ kỷ niệm mới. Chẳng hạn, trên trang nhất số ra hôm nay của Rodong Sinmun, tờ báo của Đảng Lao Động cầm quyền, có bài viết kêu gọi việc phải đạt được các mục tiêu kinh tế chính đã đề ra cho năm nay, nhưng không đăng một bài viết nào về “Ngày công nghiệp phi đạn”.

Báo chí cũng không nhắc đến nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un, người đã vắng bóng gần một tháng nay trên truyền thông. Lần gần đây nhất truyền thông Bắc Hàn nói đến lãnh đạo Kim là thông báo về cuộc gặp giữa ông với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 20/10. Nếu đến thứ Bảy tuần tới (25/11), ông Kim Jong Un vẫn vắng mặt trên các phương tiện truyền thông trong nước thì đây sẽ là khoảng thời gian vắng mặt dài thứ hai kể từ khi Kim Jong Un nhậm chức.

Các động thái của Bình Nhưỡng đang được một số nước theo dõi chặt chẽ, bởi vì Bình Nhưỡng đã cảnh báo sẽ phóng vệ tinh do thám quân sự lần thứ ba. Mới đây, Bắc Hàn thông báo thử nghiệm thành công động cơ lửa đạn đạo tầm trung mới chạy bằng nhiên liệu rắn, được xem là dễ sử dụng và an toàn hơn.

Cũng trong ngày 19/11, hãng tin Nam Hàn Yonhap trích dẫn Bộ trưởng Quốc phòng cho biết Bình Nhưỡng có thể sẽ phóng thử vệ tinh do thám, nhưng sớm nhất là vào tuần tới. Bộ trưởng Shin Won Sik tuyên bố vụ phóng của Bắc Hàn có thể sẽ diễn ra trước khi Nam Hàn phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên từ phi đạn đẩy Falcon 9 của công ty Mỹ SpaceX, dự kiến diễn ra từ trung tâm hàng không-không gian Vandenberg, tiểu bang California, ngày 30/11/2023.

Bắc Hàn đã hai lần phóng thử một vệ tinh do thám lên quỹ đạo, hồi tháng 5 và tháng 8/2023 nhưng đều thất bại. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn, Bình Nhưỡng dường như đã hoàn tất việc chỉnh sửa động cơ với sự trợ giúp của Nga.


Quân Đội Nhật Tập Trận Trên Hòn Đảo Được Coi Là Dễ Bị Trung Quốc Tấn Công


(Hình: Binh sĩ ARDB của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tập trận đổ bộ lên đảo Tokunoshima.)

-Hôm Chủ Nhật (19/11/2023), Thủy quân Lục chiến Nhật Bản trên các chiến xa lội nước đổ bộ lên bãi biển của một hòn đảo ở rìa Biển Hoa Đông, trong một cuộc tấn công mô phỏng nhằm đánh bật những kẻ xâm lược khỏi lãnh thổ mà Tokyo lo ngại là dễ bị tấn công từ Trung Quốc.

Giữa lúc căng thẳng gia tăng với các nước láng giềng Trung Quốc, Nga và Bắc Hàn, cuộc tập trận trên đảo Tokunoshima phía Tây-Nam đã kết thúc chuỗi cuộc tập trận kéo dài 11 ngày trên toàn quốc mang tên 05JX, nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không để bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản và hạ tầng, trong đó có các nhà máy điện nguyên tử.

Tướng Yoshihide Yoshida, Tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, cho biết: “Mục tiêu của cuộc tập trận JX là để trong tình huống khẩn cấp do bị tấn công, chúng tôi có thể hợp đồng tác chiến”.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc không thể liên lạc được vào Chủ Nhật để xin bình luận về cuộc tập trận của Nhật Bản.

Các chiến xa lội nước của Thủy quân Lục chiến được khai triển từ 2 tàu đổ bộ của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản neo đậu ngoài khơi. Các nhóm binh sĩ tiến vào bờ trên những chiếc xuồng cao-su bơm hơi, và các thiết bị hạng nặng được chở vào bờ bằng ca-nô đệm khí.

Quy mô và tốc độ của các cuộc tập trận quân sự ở Nhật Bản có thể sẽ tăng lên trong vài năm tới, bao gồm cả với lực lượng Mỹ, sau khi Thủ tướng Fumio Kishida vào tháng 12 công bố kế hoạch tăng cường quân sự lớn nhất của nước này kể từ Ðệ nhị Thế chiến, với cam kết tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong 5 năm.

Thủ tướng Kishida cảnh báo rằng Đông Á có thể là Ukraine tiếp theo nếu Trung Quốc, được khuyến khích bởi cuộc xâm lược Ukraine của Nga, tấn công Đài Loan.

Khoản chi tiêu dự kiến trị giá 43,5 ngàn tỉ Yen (290 tỉ Mỹ kim) sẽ dành cho các loại vũ khí mới như phi đạn tầm xa cũng như tăng dự trữ phụ tùng và đạn dược để chống lại một cuộc xung đột kéo dài.

Tuy nhiên, sự sụt giảm mạnh của đồng yên trong năm nay đã buộc Nhật Bản phải cắt giảm một số kế hoạch mua hàng, bao gồm cả các mẫu trực thăng Chinook mới do Mỹ sản xuất mà quân đội Nhật Bản đã sử dụng trong cuộc tập trận Tokunoshima.


Hoa Kỳ Bán 400 Phi Đạn Tomahawk Cho Nhật Bản


(Hình: Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (phải), Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) và Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol chụp ảnh chung nhân cuộc họp 3 bên nhân thượng đỉnh APEC, San Francisco, Hoa Kỳ, ngày 16/10/2023.)

-Ngày 17/11/2023, Hoa Kỳ cho biết đồng ý bán 400 phi đạn liên lục địa Tomahawk cho Nhật Bản để nước này tăng cường năng lực phòng thủ. Cùng ngày, Mỹ cũng đúc kết một thỏa thuận với Nam Hàn ưu tiên cung cấp cho nhau các loại thiết bị và sản phẩm liên quan đến quốc phòng nhằm tăng cường khả năng phục hồi các chuỗi cung ứng của hai nước trong lĩnh vực này.

Theo thông tấn xã AFP, hợp đồng bán phi đạn cho Nhật Bản có tổng trị giá là 2,35 tỉ Mỹ kim, bao gồm hai loại phi đạn Tomahawk, có tầm bắn đến 1.600 cây số, cùng với các thiết bị liên quan.

Trong thông cáo, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thương vụ này nhằm”hỗ trợ an ninh cho một đồng minh quan trọng, một sức mạnh giúp ổn định chính trị và tiến bộ kinh tế trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương”.

Hợp đồng vũ khí này sẽ giúp Nhật Bản “cải thiện năng lực đáp trả các mối đe dọa hiện tại và trong tương lai qua việc cung cấp các loại phi đạn quy ước địa đối địa tầm xa”.

Thỏa thuận vũ khí này được đúc kết vào lúc Nhật Bản ngày càng lo lắng trước việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự và tiến hành nhiều cuộc tập trận xung quanh đảo Đài Loan, cũng như mối đe dọa từ Bắc Hàn với nhiều cuộc bắn thử phi đạn-đạn đạo trong những năm gần đây.

Điểm đặc biệt là thỏa thuận được đúc kết cho dù Hoa Kỳ và Nhật Bản vừa nối lại đối thoại với Trung Quốc nhân thượng đỉnh APEC tại San Francisco, Mỹ.


Hơn 800 Người Rohingya Vượt Biển Đến Nam Dương Chỉ Trong Một Tuần


(Hình: Tàu của người Rohingya cập vào bãi biển Ulee Madon, Bắc tỉnh Aceh, Nam Dương, ngày 16/11/2023.)

-Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần đã có hơn 800 người Rohingya đã đến tỉnh Aceh của Nam Dương, trong đó có hơn 500 người trên 3 chiếc tàu cập bờ ngày 19/11/2023.

Chiếc thuyền đầu tiên chở khoảng 256 người, trong đó có 110 phụ nữ và 60 trẻ em, đã cập bờ ở Bireuen, tỉnh Aceh, phía Bắc đảo Sumatra. Chiếc tàu này từng bị người dân địa phương xua đuổi hôm 16/11 và “được xác định có mặt ở một số địa điểm khác nhau”, theo Faisal Rahmah, cộng tác viên của Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR).

Hai chiếc tàu khác chở 239 và 36 người tị nạn được cập bờ ở tỉnh Pidie và phía Đông tỉnh Aceh. Theo phóng viên của thông tấn xã AFP, sức khỏe của những người này ổn định, họ được đưa đến một trung tâm tạm giữ trong lúc chờ quyết định của chính quyền.

Vào đầu tuần, đã có 196 người Rohingya đến Nam Dương trong ngày 14/11 và 147 người vào hôm sau. Hàng năm, hàng ngàn người Rohingya vẫn mạo hiểm mạng sống vượt biển trên những chiếc tàu thô sơ để đến Mã Lai Á hoặc Nam Dương, ví dụ trong năm 2022 có hơn 2.000 người, theo thống kê của Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc.

Tại Bangladesh, hiện giờ có hơn một triệu người Rohingya vô tổ quốc tị nạn, trong đó khoảng 750.000 người trốn khỏi nước láng giềng Miến Điện năm 2017.


Ông Trump Thề Sẽ Hủy Bỏ Thỏa Thuận Thương Mại Á Châu Nếu Đắc Cử


(Hình: Ông Donald Trump.)

-Ông Donald Trump, người đang dẫn đầu cho đề cử Tổng thống của Đảng Cộng hòa, nói hôm 18/11/2023 rằng nếu ông đắc cử năm 2024 và trở lại Tòa Bạch Ốc, ông sẽ hủy bỏ một Hiệp định Thương mại Thái Bình Dương đang được Tổng thống Joe Biden thúc đẩy.

Phát biểu với những người ủng hộ ở tiểu bang Iowa, ông Trump nói rằng ông phản đối Thỏa thuận Thương mại Khu vực đang được chính quyền Biden đàm phán với 13 quốc gia khác, vì cho rằng nó sẽ làm suy yếu hoạt động sản xuất của Mỹ và gây ra tình trạng mất việc làm.

Các cuộc đàm phán về các lĩnh vực thương mại của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), nhằm tạo ra cho khu vực một giải pháp thay thế cho sức ảnh hưởng thương mại ngày càng tăng của Trung Quốc, đã gặp trở ngại trong những ngày gần đây sau khi một số quốc gia, bao gồm cả Việt Nam và Nam Dương, từ chối cam kết áp dụng các tiêu chuẩn cao về môi trường và lao động.

Cựu Tổng thống Trump, người đã rút khỏi Hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết với nhiều quốc gia sau khi nhậm chức vào tháng 1 năm 2017, nói ông sẽ “loại bỏ” cái mà ông gọi là “TPP Hai” ngay lập tức khi ông nhậm chức.

“Dưới chính quyền tiếp theo... kế hoạch ‘TPP Hai’ của Biden sẽ chết ngay từ ngày đầu tiên”, ông Trump nói tại một cuộc vận động tranh cử ở Fort Dodge, cách Des Moines khoảng 150 cây số về phía Bắc.

“Nó còn tệ hơn cái đầu tiên, đe dọa phá hoại nông dân và nhà sản xuất bằng một thứ quái dị theo chủ nghĩa toàn cầu hóa khổng lồ khác được thiết kế để tăng tốc gia công sang Á Châu”.

Chính quyền Biden hy vọng hoàn thành các chương quan trọng của sáng kiến thương mại IPEF trước thời điểm diễn ra hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương (APEC) trong tuần qua. Các chuyên gia thương mại và các nhóm kinh doanh cho biết họ đã tuyên bố sẽ tiếp tục đàm phán thỏa thuận đầy tham vọng này, nhưng áp lực của năm bầu cử và sự phản đối các cam kết cứng rắn từ một số quốc gia khiến thỏa thuận khó có thể đạt được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét