Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2023

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :27/10/2023 - Duke Nguyên


Mỹ : Nhà Trắng tố cáo Nga hành quyết các binh sĩ không tuân lệnh trên chiến trường Ukraina Hoa Kỳ ngày 26/10/2023 cho biết là đã có được những thông tin theo đó quân đội Nga đang thực hiện chủ trương xử tử những binh sĩ không tuân theo các mệnh lệnh liên quan đến cuộc chiến với Ukraina. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington, ngày 26/10/2023. AP - Susan Walsh Trọng Nghĩa Phát biểu với báo giới, phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby khẳng định : “Chúng tôi có thông tin theo đó Quân Đội Nga đã thực sự cho hành quyết những binh sĩ không chịu tuân theo mệnh lệnh”. Phát ngôn viên Mỹ còn cho biết thêm là nắm được tin tức về việc các tư lệnh Nga trên chiến trường cũng “đe dọa hành quyết toàn bộ đơn vị nào dám tìm cách rút lui trước hỏa lực của pháo binh Ukraina”.
<!>
Đối với ông John Kirby, các đơn vị lính nghĩa vụ của Nga chưa được huấn luyện bài bản, thiếu trang bị và không được chuẩn bị cho chiến đấu. Theo ông, quân đội Nga đang sử dụng “chiến thuật biển người” khi ném các nhóm binh sĩ được huấn luyện kém vào cuộc chiến. Phát ngôn viên Nhà Trắng cho rằng việc đe dọa hành quyết những người lính là một điều dã man.

Điện Kremlin, bộ Quốc Phòng Nga và đại sứ quán Nga tại Hoa Kỳ đã không trả lời ngay lập tức các câu hỏi hãng tin Anh Reuters về cáo buộc của Hoa Kỳ.

Trong một bình luận trên mạng Telegram, đại sứ Nga tại Washington, Anatoly Antonov, đã đả kích gói viện trợ quân sự mới nhất trị giá 150 triệu đô la mà Hoa Kỳ dành cho Ukraina, nhưng không hề đề cập đến các cáo buộc của Nhà Trắng.

Các quan chức Ukraina hôm thứ Tư 25/10 cho biết lực lượng Nga đã bất chấp tổn thất nặng nề để cố gắng chiếm thị trấn Avdiivka ở miền đông Ukraina. Theo phía Kiev, trong không đầy một tuần lễ, đã có đến 2.500 lính Nga bị chết hay bị thương trên chiến trường này.

Philippines từ bỏ ba dự án đường sắt với Trung Quốc, tìm nhà tài trợ khác
Philippines sẽ không vay vốn Trung Quốc để tài trợ cho ba dự án đường sắt trị giá hơn 5 tỉ đô la. Trả lời phỏng vấn Bloomberg ngày 27/10/2023, bộ trưởng Giao Thông Jaime Bautista cho biết Manila đang đàm phán với nhiều nước châu Á khác để tìm giải pháp thay thế.


Ảnh minh họa : Một tuyến tàu điện ở Manila, Philippines, ngày 11/08/2015. AP - Aaron Favila
Thu Hằng
Dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte, Trung Quốc chấp nhận tài trợ cho ba dự án đường sắt : dự án đường sắt dài 100 km ở miền nam đảo Mindanao, quê hương của ông Duterte, được thẩm định trị giá 81,7 tỉ peso ; dự án thứ hai là tuyến đường vận tải Subic-Clark dài 71 km trị giá 50 tỉ peso nối hai căn cứ quân sự của Mỹ trước đây và hiện là vùng thương mại ; dự án thứ ba, trị giá 175,3 tỉ peso, là tuyến đường sắt ngoại thành miền nam Manila, dài 380 km nối tỉnh Laguna với tỉnh Bicol (cực nam đảo Luçon).

Chính phủ của tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã xem lại các thỏa thuận do một số dự án bị đình trệ vì hồ sơ vay vốn không được phê duyệt. Bộ trưởng Giao Thông Philippines cho rằng « Trung Quốc dường như không còn quan tâm, cho nên chúng tôi sẽ tìm các đối tác khác ». « Ít nhất có hai nước châu Á » quan tâm đến dự án thứ hai và ba, nhưng ông Bautista từ chối nêu tên vì mới chỉ bắt đầu đàm phán. Chính phủ muốn đi vay để tài trợ cả ba dự án hoặc huy động vốn từ các đối tác đa phương và công ty tư nhân.

Quyết định hủy vay tiền Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Manila và Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, bộ trưởng Giao Thông Philippines nhấn mạnh « các cuộc đàm phán đã không có tiến triển trước cả khi xảy ra căng thẳng hiện nay ». Theo trang The Straits Times của Singapore, việc Manila chuyển hướng sang các nguồn tài chính khác có thể làm chậm tiến độ các dự án cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy nền kinh tế Philippines trong khi nhiều dự án nằm trong số dự kiến hoàn thiện trong năm 2023.

Nga tiếp phái đoàn của Hamas và Iran thảo luận về tình hình Gaza
Nga thông báo đã thảo luận với đại diện của Hamas và Iran tại Matxcơva ngày 26/10/2023. Người phát ngôn bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova khẳng định « các đại diện của phong trào Hồi Giáo Palestine (Hamas) đã có mặt ở Matxcơva », do Mussa Abu Marzuk dẫn đầu. Còn thứ trưởng Ngoại Giao Iran Ali Bagheri Kan đã hội đàm với đồng nhiệm Nga Mikhail Bogdanov về « tình trạng leo thang căng thẳng chưa từng có trong cuộc xung đột Israel-Palestine ».


Thứ trưởng Ngoại Giao Nga Mikhail Bogdanov tại Matxcơva, Nga, ngày 10/07/2023. AP - Natalia Kolesnikova
Thu Hằng
Thông tín viên RFI Anissa El Jabri tường trình từ Matxcơva :

« Truyền thông chính thức Nga rất kín tiếng, không nói một từ nào về những chủ đề được đề cập với nhà ngoại giao Iran. Không một thông tin chính thức nào trên lịch làm việc, cũng như nội dung, được công bố. Thông báo này chỉ được các hãng thông tấn Nga đưa ra. Một nguồn tin chính thức cho biết là cuộc thảo luận tập trung vào vấn đề các con tin đang bị tổ chức Hồi Giáo Palestine bắt giữ.

Thứ trưởng Ngoại Giao kiêm đặc sứ của điện Kremlin về vấn đề Cận Đông từng thông báo cách đây hai tuần rằng « vấn đề này cần hoạt động ngoại giao kín đáo hơn là những tuyên bố rầm rộ ».

Từ vài ngày nay, báo chí tại Nga nhắc đến việc chính quyền nghiêm khắc đối với Hamas, phong trào mà Kremlin không coi là khủng bố. Thứ Ba vừa qua (24/10), khi được hỏi về vấn đề con tin hiện nằm trong tay Hamas, người phát ngôn của điện Kremlin đã kêu gọi trả tự do cho họ ngay lập tức mà không phân biệt quốc tịch ». Ông Dmitri Peskov nhấn mạnh : « Đó là lập trường kiên quyết của chúng tôi » ».

Israel cáo buộc Nga tiếp tay cho Hamas
Một nguồn tin ngoại giao Nga, được AFP trích dẫn, cho biết « Matxcơva và Teheran duy trì phối hợp chặt chẽ nhằm bình ổn tình hình ở Cận Đông » và nhắc lại « cần chấm dứt hoạt động thù nghịch bên trong và xung quanh dải Gaza, khẩn trương cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Palestine bị tác động ».

Phía Israel đã kịch liệt lên án Matxcơva tiếp phái đoàn Hamas, coi đó là « một hành động thô bỉ, ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và hợp pháp hóa Hamas ». Lực lượng Hồi Giáo Palestine vẫn bị Israel cáo buộc là « tổ chức khủng bố kinh khủng hơn cả Daesh ». Trong thông điệp ngày 27/10 gửi đến điện Kremlin, được thông tín viên RFI tại Jerusalem trích dẫn, bộ Ngoại Giao Israel nhắc lại rằng những nhà lãnh đạo Hamas đó « nhúng tay » bắt cóc 220 con tin, trong đó có nhiều trẻ em và người cao tuổi.

Nga tiến gần Avdiivka,Ukraina sơ tán trẻ em ở 10 địa phương gần Kupiansk

Miền đông Ukraina vẫn bị quân Nga gây sức ép. Chính quyền quân sự vùng Kharkiv (đông bắc Ukraina) « dự kiến sơ tán bắt buộc 275 trẻ em của 10 địa phương trong khu vực Kupiansk » nơi quân Nga phản công từ tháng 8. Còn ở vùng Donetsk (đông nam Ukraina), quân Nga tiếp tục tiến ở Krasnohorivka, chỉ cách Avdiivka 5 km về phía tây bắc.


Ảnh tư liệu : Một binh sĩ Ukraina tại Avdiivka, vùng Donetsk, Ukraina, ngày 18/08/2023. AP - LIBKOS
Thu Hằng
Ngày 26/10/2023, lãnh đạo quân sự Avdiivka thừa nhận « tình hình không dễ dàng » do Nga tấn công « 24 trên 24 giờ » vào các tiền đồn của Ukraina và thành phố. Tuy nhiên, theo bộ Tổng tham mưu Ukraina, quân Nga cũng thất bại ở gần bốn địa phương gần Avdiivka là Stepove, Tonenke, Sieverne và Nevelske.

Trong bản tin ngày 26/10, Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh (ISW) tại Washington đánh giá những thiệt hại nặng nề về thiết bị quân sự có thể tác động về lâu dài đến khả năng phản công của quân Nga. Theo thống kê ngày 25/10 của đại tá Oleksandr Shtupun, người phát ngôn của Nhóm Lực lượng Tavriisk Ukraina (Ukrainian Tavriisk Group of Forces), từ ngày 10/10, phía Nga đã mất 5.000 quân và 400 xe bọc thép bị phá hủy trong các khu vực Avdiivka và Marinka. Dựa vào hình ảnh chụp từ vệ tinh, Viện ISW xác nhận được 109 xe quân sự Nga bị phá hủy gần Avdiivka từ ngày 10 đến 20/10.

Ngày 27/10, phía Matxcơva cáo buộc Ukraina dùng drone tấn công một nhà máy điện hạt nhân của Nga ở vùng biên giới Kursk, nhưng không gây thiệt hại. Trên mạng Telegram, cơ quan quản lý nhà máy điện cho biết « sự kiện (hôm 16/10) không gây ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy ».

Để tiếp tục cuộc chiến ở Ukraina, Hạ Viện Nga đã thông qua dự thảo ngân sách 2024-2026 trong lần xem xét đầu tiên. Theo dự kiến, ngân sách quốc phòng sẽ tăng 70% ngay trong năm 2024, chiếm đến 6% GDP, nhằm « hướng đến mục tiêu chính : bảo đảm chiến thắng của chúng ta », theo phát biểu của bộ trưởng Tài Chính Nga trước Hạ Viện.

Cùng ngày, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng thông báo viện trợ thêm 150 triệu đô lacho Ukraina, tập trung chủ yếu vào hệ thống phòng không, đạn dược và vũ khí chống tăng. Trong tuần này, « một nhóm nhỏ » phi công Ukraina đã bắt đầu khóa huấn luyện lái chiến đấu cơ F-16 tại căn cứ Không Quân Vệ binh Quốc gia Morris ở Tucson, bang Arizona. Theo AFP, Đan Mạch cũng thông báo viện trợ vũ khí thêm gần 500 triệu euro cho chính quyền Kiev nhằm khẳng định « sự ủng hộ không lay chuyển » của chính quyền Copenhagen.

Con gái ông Thaksin trở thành lãnh đạo đảng cầm quyền Thái Lan


Cô Paetongtarn Shinawatra, con gái út của ông Thaksin, đắc cử trong cuộc đua không có đối thủ để trở thành lãnh đạo mới của đảng Pheu Thai, 2 năm sau khi tham gia chính trường.

Cụ thể, cô Paetongtarn giành được 289 phiếu bầu với 1 phiếu trắng trong cuộc họp chung của đảng vào sáng 27/10.

Ông Thaksin, chính trị gia có ảnh hưởng lớn trong lịch sử Thái Lan gần đây, đã trở lại nước này vào tháng 8, kết thúc 15 năm ông sống lưu vong sau khi bị lật đổ trong cuộc chính biến năm 2006.

"Bộ máy hành chính mới của Pheu Thai phải tự cải thiện mình để dẫn dắt đảng một lần nữa trở thành số một trong lòng người dân", cô Paetongtarn - trong trang phục bộ vest đỏ, màu đặc trưng của đảng - nói với các đảng viên và phóng viên.

Cô Paetongtarn, 37 tuổi, là người đứng đầu chiến dịch tranh cử của đảng Pheu Thai cho cuộc tổng tuyển cử tháng 5 và có kế hoạch hiện đại hóa đảng.

Pheu Thai là hiện thân mới nhất của phong trào chính trị do ông Thaksin thành lập. Đảng này đã bị đảng Tiến lên (Move Forward) có chủ trương cấp tiến mới nổi đánh bại và chỉ giành vị trí thứ hai trong cuộc bỏ phiếu hồi tháng 5.

Kết quả này là cú sốc đối với phong trào mà trước đây từng giành được hầu hết ghế trong mọi cuộc bầu cử ở Thái Lan kể từ năm 2001. Dù vậy, đảng Tiến lên không thể thành lập liên minh chính phủ và phải nhường lại cơ hội cho đảng Pheu Thai.

Một số ý kiến cho rằng việc cô Paetongtarn làm lãnh đạo Pheu Thai thể hiện đảng vẫn thuộc về gia tộc Shinawatra.

Tuy nhiên, phó lãnh đạo Pheu Thai, ông Phumtham Wechayachai, bảo vệ động thái này, khẳng định rằng cô Paetongtarn xứng đáng với vai trò lãnh đạo.

"Không phải vì họ của cô ấy. Chúng tôi chọn người hoàn toàn dựa trên trình độ", ông nói với các phóng viên

Tòa Bạch Ốc: Nga xử tử binh sĩ không tuân lệnh

Ngày 26/10, Tòa Bạch Ốc cho biết, Hoa Kỳ có thông tin rằng quân đội Nga đang hành quyết những binh sĩ không tuân theo mệnh lệnh liên quan đến cuộc chiến với Ukraina.

Người phát ngôn Tòa Bạch Ốc John Kirby nói với các phóng viên: “Chúng tôi có thông tin rằng quân đội Nga đã thực sự hành quyết những binh sĩ không chịu tuân theo mệnh lệnh”.

“Chúng tôi cũng có thông tin rằng các chỉ huy Nga đang đe dọa hành quyết toàn bộ các đơn vị nếu họ tìm cách rút lui trước hỏa lực pháo binh của Ukraina”.

Ông Kirby cho biết các lực lượng được huy động của Nga chưa được huấn luyện bài bản, thiếu trang bị và không được chuẩn bị cho chiến đấu. Ông nói thêm rằng, quân đội Nga đang sử dụng “chiến thuật làn sóng người” bằng cách ném các nhóm binh sĩ được huấn luyện kém vào cuộc chiến.

Ông Kirby bình luận, những lời đe dọa hành quyết binh lính là dã man.

Ông nói: “Tôi nghĩ đó là dấu hiệu cho thấy… các nhà lãnh đạo quân sự Nga biết họ đang làm kém đến mức nào và họ đã xử lý vấn đề này tệ đến mức nào từ góc độ quân sự”.
Nga chưa bình luận về những thông tin trên.

Israel tuyên bố đã giết chết ba chỉ huy cấp cao của Hamas


Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết, họ đã giết chết ba chỉ huy cấp cao của Tiểu đoàn Daraj-Tuffah thuộc nhóm Hamas trong một cuộc không kích ở Dải Gaza vào ngày 26/10.

Phía Israel nói rằng, cuộc tấn công của họ đã giết chết chỉ huy tiểu đoàn, Rifaat Abbas; phó chỉ huy Ibrahim Jadba; và chỉ huy hỗ trợ chiến đấu, Tarek Maarouf.

Theo Lực lượng Phòng vệ Israel, Tiểu đoàn Daraj-Tuffah là một phần của Lữ đoàn thành phố Gaza của Hamas. Tiểu đoàn này “được coi là lữ đoàn quan trọng nhất của tổ chức khủng bố Hamas”.

Lực lượng phòng vệ Israel cho biết thêm: “Các đặc nhiệm của tiểu đoàn đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc xâm lược và tấn công giết người nhằm vào Israel ngày 7 tháng 10”.

Phái đoàn Hamas thăm Nga, Israel chỉ trích


Từ trái sang. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri Kani, Thứ trưởng Ngoại giao Nga kiêm Đặc phái viên của Tổng thống Nga Putin tại Trung Đông Mikhail Bogdanov và trưởng văn phòng quan hệ quốc tế của Hamas Musa Abu Marzouk trong cuộc gặp tại Matxcơva ngày 26/10. (Ảnh: TELEGRAM).

“Hamas là một tổ chức khủng bố còn tệ hơn cả IS. Bàn tay của các quan chức cấp cao Hamas vấy máu của hơn 1.400 người Israel đã bị tàn sát, hành quyết và đốt cháy, họ phải chịu trách nhiệm về vụ bắt cóc hơn 220 người Israel bao gồm trẻ sơ sinh, trẻ em, phụ nữ và người già”. “Israel coi việc mời các quan chức cấp cao của Hamas tới Matxcova là một hành động tục tĩu nhằm hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố và hợp pháp hóa hành động tàn bạo của những kẻ khủng bố Hamas”, người phát ngôn Bộ Nội vụ Lior Haiat của Israel viết trên Twitter.

Hãng tin RIA Novosti dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 26/10 cho biết, một phái đoàn của Hamas đang ở thăm Nga. Tuy nhiên, bà không nêu thêm chi tiết liên quan đến chuyến thăm.

Theo nguồn tin của RIA Novosti, trong phái đoàn của Hamas của thủ lĩnh cấp cao Abu Marzook.

Bà Zakharova cho biết, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ali Baghiri Kani cũng đang ở thăm Nga và hội đàm với người đồng cấp Mikhail Galuzin. Ông Baghiri Kani cũng là trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran.

Nga có quan hệ với nhiều quốc gia ở Trung Đông, trong đó có Israel, Iran, Palestine và cả Hamas – lực lượng vũ trang hiện kiểm soát Dải Gaza.

Chuyến thăm của phái đoàn Hamas diễn ra trong bối cảnh xung đột với Israel chuẩn bị bước sang tuần thứ 4 và tiếp tục leo thang.
Bộ Ngoại giao Israel đã chỉ trích Nga vì đã tiếp đón các nhà lãnh đạo Hamas.

Người phát ngôn Bộ Nội vụ Lior Haiat viết trên Twitter: “Hamas là một tổ chức khủng bố còn tệ hơn cả IS. Bàn tay của các quan chức cấp cao Hamas vấy máu của hơn 1.400 người Israel đã bị tàn sát, hành quyết và đốt cháy, họ phải chịu trách nhiệm về vụ bắt cóc hơn 220 người Israel bao gồm trẻ sơ sinh, trẻ em, phụ nữ và người già”.
“Israel coi việc mời các quan chức cấp cao của Hamas tới Matxcova là một hành động tục tĩu nhằm hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố và hợp pháp hóa hành động tàn bạo của những kẻ khủng bố Hamas”.
Vị quan chức Israel cũng kêu gọi Matxcova trục xuất ngay lập tức các thủ lĩnh Hamas.

Cựu thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã qua đời


Sáng 27/10, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, cựu thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vừa qua đời do lên cơn đau tim, thọ 68 tuổi.

Ông Lý Khắc Cường lên cơn đau tim ngày 26/10 và qua đời lúc 0h10 ngày 27/10 (23h10 ngày 26/10 giờ Hà Nội) tại Thượng Hải, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin.

Ông Lý sinh năm 1955, quê ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường là người đứng đầu nội các Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, trong một thập kỷ kể từ năm 2013 đến khi nghỉ hưu vào tháng 3 vừa qua. Sau khi về hưu, ông sống tại Thượng Hải.

Kế nhiệm ông trên cương vị thủ tướng Trung Quốc là ông Lý Cường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét