Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 25 tháng 10, 2023

Sau Hơn 3 Tuần Bế Tắc, Hôm Nay Mỹ Có Tân Chủ Tịch Hạ Viện và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Tin Vui: Cuối cùng sau 22 ngày bầu bán bế tắc, Dân Biểu Johnson được bầu làm Tân Chủ tịch Hạ Viện Mỹ! Kêu gọi đoàn kết và nêu các ưu tiên hành động, ngay sau khi nhậm chức! (Ảnh: Dân biểu Mike Johnson (giữa) phát biểu sau khi được đề cử là ứng cử viên của đảng Cộng hòa cho chức Chủ tịch Hạ viện Mỹ, tại Washington, D.C., ngày 24/10/2023) -Trưa Thứ Tư hôm nay, 25 Tháng Mười, người dân Mỹ Thở phào, vỉ Đảng Cộng Hòa đã bầu lên Dân Biểu Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) làm Chủ Tịch Hạ Viện, sau ba tuần ghế bỏ trống, không có chủ!Với 220 phiếu thuận so với 209 dành cho ứng cử viên Lãnh Tụ Khối Thiểu Số Hakeem Jeffries (Dân Chủ-New York), DB Johnson đã nắm chắc quyền lãnh đạo Hạ Viện, kế thừa chiếc ghế của Kevin McCarthy (CH-California), nhà lãnh đạo bị phe cực hữu truất phế.
<!>
Trước cuộc bỏ phiếu, trong đại sảnh Hạ Viện, các vị dân cử Cộng Hòa đến ôm, chúc mừng DB Johnson, chụp hình chung với ông, không khí có vẻ đỡ căng thẳng hơn ba kỳ đề cử vừa qua.


(Hình: Dân biểu Cộng Hòa vỗ tay mừng Mike Johnson (CH-Louisiana) (giữa) đắc cử Chủ Tịch Hạ Viện ở Washington, DC, hôm 25 Tháng Mười, 2023)

DB Elise Stefanik (CH-New York), Chủ Tịch Nhóm Dân Biểu Cộng Hòa Hạ Viện, đọc diễn văn đề cử DB Mike Johnson cho chức Chủ Tịch Hạ Viện. “Thay mặt nghị hội Cộng Hòa Hạ Viện, tôi đứng đây hôm nay để đề cử quý ông từ Louisiana, Mike Johnson, làm Chủ Tịch cho viện của người dân,” Stefanik phát biểu, theo sau là những tràng pháo tay nồng nhiệt.

DB Johnson, 51 tuổi, là phó chủ tịch nhóm dân biểu Cộng Hòa Hạ Viện, từ năm 2021.

Johnson từng đắc cử không đối thủ vào Hạ Viện Tiểu Bang Louisiana, phục vụ từ năm 2015 đến 2017. Tại đây, Johnson đệ trình dự luật năm 2015 mang tên “Đạo Luật Hôn Nhân và Lương Tâm” mà một số cho rằng kỳ thị cộng đồng LGBTQ, theo tờ The Shreveport Times.

Tháng Mười Hai, 2016, Johnson được bầu vào Quốc Hội Liên Bang, đại diện Địa Hạt 4 của Louisiana. Năm 2018, Johnson dự phần vào nỗ lực của Đảng Cộng Hòa muốn cải tổ Đạo Luật Bảo Vệ Các Loài Có Nguy Cơ Tuyệt Chủng (ESA). Năm 2020, Johnson ký tên chung với 100 dân biểu Cộng Hòa ủng hộ một vụ kiện của Texas nhằm lật ngược kết quả bầu cử tổng thống 2020 ở Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin, khi Donald Trump thua cuộc trước Joe Biden.

Johnson được Trump ủng hộ trong kỳ tranh chức lãnh đạo Hạ Viện lần này.

Sau khi DB Johnson được đề cử, DB Pete Aguilar (Dân Chủ-California) lên tiếng đề cử DB Jeffries (DC-New York) cho chức Chủ Tịch Hạ Viện.


(Hình: Hạ Viện Hoa Kỳ nhóm họp tại Điện Capitol, Washington, DC hôm 25 Tháng Mười, 2023 để bầu Chủ Tịch Hạ Viện)

Tiến trình bầu Chủ Tịch Hạ Viện bắt đầu. Dân biểu được điểm danh công bố chọn ai làm Chủ Tịch Hạ Viện hoặc chỉ nói “Có Mặt.”

Tất cả những dân biểu Cộng Hòa hôm qua chưa chịu quyết định thì hôm nay đã dồn phiếu cho Johnson.

Vào lúc 13:50 giờ địa phương, Johnson được 220 phiếu thuận và Jeffries được 209 phiếu, kết thúc tiến trình bầu Chủ Tịch Hạ Viện.

Như vậy, DB Johnson đã trở thành Chủ Tịch Hạ Viện thứ 56 của Quốc Hội Hoa Kỳ.

“Dân chủ đôi khi cũng bầy hầy,” Johnson nói với các phóng viên sau khi được đề cử khuya Thứ Ba, vây quanh bởi các dân biểu Cộng Hòa. “Thành phần đa số Cộng Hòa Hạ Viện nay đã đoàn kết,” ông tuyên bố.


Tin Quốc Tế Đó Đây

Do Thái Tiếp Tục Oanh Kích Gaza: Ít Nhất 140 Người Chết!


(Hình: Khói bốc lên ở Dải Gaza sau một cuộc oanh kích của Do Thái, ngày 23/10/2023.)

-Đêm 23, rạng sáng 24/10/2023, quân đội Do Thái tiếp tục oanh kích dải Gaza. Theo tổ chức Hamas, ít nhất 140 người chết. Liên Hiệp Quốc kêu gọi “ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức” tại Gaza.

-Theo tổ chức Hamas cầm quyền ở Gaza, ngoài số người chết nói trên, “còn hàng trăm người bị thương”, và “hàng chục nhà ở bị phá hủy”. Tính đến ngày 23/10, hơn 5.000 người, trong đó có hơn 2.000 trẻ em bị giết tại Gaza, kể từ đầu cuộc chiến tranh, ngày 7/10/2023.

Hôm 23/10, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền, Volker Turk, kêu gọi các lãnh đạo thế giới hãy có “một lựa chọn dũng cảm”, ngừng bắn ngay lập tức để viện trợ nhân đạo vào Gaza thuận lợi. Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi “ngừng bắn ngay lập tức”.

Ngược lại cũng ngày 23/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh các thảo luận về ngừng bắn sẽ chỉ có thể tiến hành chừng nào Hamas “thả toàn bộ con tin”.

Hiện tại, theo chính quyền Do Thái, Hamas đang cầm giữ khoảng 220 con tin, bao gồm người Do Thái, người ngoại quốc, hoặc song tịch. Tối hôm qua, thêm hai con tin được trả tự do. Hai phụ nữ người Do Thái hơn 80 tuổi này đã được đưa sang lãnh thổ Ai Cập. Đây là vụ trả con tin thứ hai tiếp theo vụ thả hai con tin đầu tiên, là công dân Mỹ cách nay ba ngày.

Trả lời Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI), tướng Pháp Dominique Trinquand, một chuyên gia về quan hệ quốc tế, nhận định việc giữ con tin là một trong các chiến thuật của Hamas nhằm “kiềm chế” quân đội Do Thái.

Về viễn cảnh quân đội Do Thái can thiệp trên bộ, tướng Dominique Trinquand, dự báo: “Nhiều khả năng sẽ không có một cuộc tấn công lớn trên bộ với sự tham gia của tất cả các lực lượng quân đội Do Thái tại dải Gaza. Do Thái lo ngại sẽ có nhiều tổn thất. Hamas đã chuẩn bị từ lâu để đối phó với cuộc tấn công dự kiến này. Họ biết rõ địa hình tại Gaza. Hamas chuẩn bị sẵn các hệ thống mìn, chướng ngại vật. Điều này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho quân đội Do Thái. Như vậy, Do Thái sẽ phải chuẩn bị các phương án khác nhau, cân đối giữa những lợi thế có thể đạt được với những bất lợi, và nguy cơ.

Theo tôi, phương án tối ưu với Do Thái sẽ là tiến hành tấn công các mục tiêu có chọn lọc, để sao cho không phải hứng chịu nhiều tổn thất, không để lại ấn tượng bị sa lầy, có nghĩa là không đạt được các mục tiêu xứng tầm. Và đặc biệt là tổn thất gia tăng của phía Do Thái trên thực tế sẽ trở thành lý do để Hamas tuyên bố giành thắng lợi”.


Tổng Thống Pháp Macron Đến Do Thái Nhằm Thuyết Phục “Hưu Chiến Nhân Đạo”


(Hình: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) bắt tay đồng nhiệm Do Thái Isaac Herzog trong cuộc gặp ở Jerusalem, Do Thái, ngày 24/10/2023.)

-Phải chờ đến 2 tuần sau vụ tấn công khủng bố của Hamas nhắm vào thường dân Do Thái và sau các chuyến công du của nhiều nhà lãnh đạo thế giới, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đến Tel Aviv ngày 24/10/2023 để thể hiện “đoàn kết” với người dân và chính phủ Do Thái. Theo dự kiến, chiều cùng ngày, nguyên thủ Pháp đến Ramallah gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.

Trong buổi làm việc với Tổng thống Do Thái Isaac Herzog, được thông tấn xã AFP trích dẫn, nguyên thủ Pháp “bày tỏ sự ủng hộ và đoàn kết, chia sẻ nỗi đau” với Do Thái trước “cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng nhắm vào người dân và Nhà nước” Do Thái. Tuy nhiên, ông Macron kêu gọi không “mở rộng cuộc xung đột” giữa Do Thái và phong trào Hồi giáo Palestine Hamas.

“Mục tiên trước tiên” là trả tự do cho tất cả các con tin đang bị giữ ở Gaza. Pháp có vài chục công dân bị Hamas bắt làm con tin, trong đó có “nhiều trẻ em”, nhưng hiện vẫn chưa xác định được con số chính xác. Có 30 người song tịch Pháp-Do Thái đã bị sát hại trong tổng số hơn 1.400 chết trong vụ tấn công của Hamas. Ngay khi đến phi trường David-Ben-Gourion ở Tel Aviv, Tổng thống Macron đã dành một tiếng để gặp người thân của nhiều nạn nhân Pháp trong vụ tấn công và bị bắt làm con tin.

Ngoài ra, theo đặc phái viên Valérie Gas của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ Tel Aviv, nguyên thủ Pháp còn đặt ra nhiều cao vọng khác trong chuyến đi này:

Ông Emmanuel Macron từng tuyên bố là sẽ đến Do Thái khi chuyến công du của ông có thể mang lại “những giải pháp hữu ích”. Theo điện Elysée, thời khắc dường như đã đến sau nhiều ngày được nguyên thủ Pháp dành để giải quyết hậu quả của vụ tấn công khủng bố ở Arras (một kẻ theo Hồi giáo cực đoan đâm dao giết chết một giáo viên). Trong suốt thời gian đó, ông Macron cố duy trì “đoàn kết dân tộc” ở trong nước.

Theo những cộng sự thân cận, ông Macron hiện “hoàn toàn sẵn sàng” để đến vùng Trung Đông với nhiều mục tiêu. Trước tiên là gửi thông điệp “đoàn kết” đến người dân Do Thái và những nạn nhân trong vụ tấn công của Hamas mà ông gặp gia đình họ. Đó là điều tiên quyết theo quan điểm của điện Elysée.

Nhưng sau đó, nguyên thủ Pháp sẽ đưa ra nhiều đề xuất hành động để ngăn tình trạng “leo thang” ở trong vùng và mở ra một viễn cảnh chính trị cho hòa bình mà theo Paris, sẽ phải thông qua việc thành lập một Nhà nước Palestine. Rất nhiều cao vọng mà ông Macron sẽ trình bày với chính quyền Do Thái và các nhà lãnh đạo các nước trong vùng với hy vọng đạt được “hưu chiến nhân đạo”. Nhưng ưu tiên trước mắt đối với ông Macron, đó là cố đưa tất cả các con tin bị Hamas bắt giữ ra khỏi Gaza.

Tình hình căng thẳng Do Thái-Hamas sẽ được đưa ra thảo luận trong phiên họp khẩn sáng 26/10 của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York. Theo trang NHK, Jordan và nhiều nước Ả Rập đã yêu cầu phiên họp bất thường này sau khi vào tuần trước, Hội Đồng Bảo An không thông qua được Nghị quyết kêu gọi hưu chiến nhân đạo. Các quốc gia Ả Rập muốn gây sức ép đối với Do Thái trong khi nước này chuẩn bị một cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn vào Gaza. Đây sẽ là cuộc họp đầu tiên trong vòng 5 năm qua của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc về tình hình Palestine.


Giải Cứu Con Tin ở Gaza: Thái Lan Tiếp Xúc Với Các Nước Hồi giáo


(Ảnh: Một lao động Thái Lan tại Do Thái, bị thương trong vụ Hamas tấn công Do Thái ngày 7/10/2023, được hồi hương về đến phi trường Suvarnabhumi (Vọng Các, thủ đô của Thái Lan), ngày 12/10/2023.)

-Chính phủ Thái Lan gia tăng các nỗ lực đàm phán nhằm giải thoát 19 con tin đang bị cầm giữ ở dải Gaza.

Thủ tướng Srettha Thavisin dựa vào lập trường trung lập của Vọng Các trong xung đột Do Thái và Palestine, cũng như việc xích lại gần một số nước Hồi giáo có sức ảnh hưởng mạnh trong vùng. Từ thủ đô Vọng Các của Thái Lan, thông tín viên Carole Isoux của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm:

Để giải thoát các con tin của mình, Thái Lan trước hết đặt cược vào việc xích lại gần với nhiều nước trung gian, đi đầu là Iran. Trong cuộc họp báo, Ðại sứ Iran ở Thái Lan khẳng định rằng những con tin người Thái vẫn bình yên vô sự ở dải Gaza, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cách nay vài ngày đã gặp lãnh đạo phe Hamas, ông Ismael Haniyeh ở Qatar, và nhân vật này dường như đã chấp thuận thả những con tin người Thái và Phi Luật Tân.

Đại sứ Iran giải thích: “Ông ấy đã chấp thuận về mặt nguyên tắc và đã có những cố gắng nhưng vấn đề là họ không thể nào đưa số con tin đó ra khỏi dải Gaza. Cứ mỗi lần họ tìm cách di chuyển các con tin, là họ bị dội bom. Đã đến lúc chính phủ Thái Lan và người dân trên toàn thế giới đòi chính phủ Do Thái phải ngưng hành động diệt chủng ở Palestine để các con tin có thể về nhà bình an”.

Giới chức Thái Lan tránh đưa ra các tuyên bố chính trị, ủng hộ hay lên án. Thủ tướng Thái Lan khẳng định rằng “các mối quan hệ cá nhân” đều được dùng đến để giải thoát những con tin này. Ông cũng trông cậy vào sự hậu thuẫn của Ả Rập Saudi, quốc gia mà ông vừa ghé thăm vài ngày để dự một hội nghị cấp cao về kinh tế.


Kyiv Khẳng Định Nga Khai Triển Đến 400 Ngàn Quân Tại Các Vùng Chiếm Đóng ở Ukraine


(Ảnh: Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đến thămmột cơ sở huấn luyện tân binh hợp đồng và tình nguyện tại một địa điểm không xác định. Ảnh được công bố ngày 5/10/2023.)

-Theo tình báo Ukraine, quân đội Nga khai triển đến hơn 400 ngàn lính tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng.

Trả lời kênh truyền hình Kyiv 24, ngày 23/10/2023, phát ngôn viên cơ quan tình báo Ukraine, ông Andrii Yusov, cho biết, mục tiêu của Nga là không nhằm mở một cuộc phản công quy mô lớn như hồi tháng 2/2022, mà đúng hơn là để “tiến hành các chiến dịch tấn công tách biệt” như ở cấp độ chiến sự vùng Avdiivka hay Bakhmut.

Vẫn theo viên chức này, các chiến dịch tuyển quân lớn của Nga có lẽ sẽ giảm nhịp độ càng gần đến ngày diễn ra bầu cử Tổng thống, dự kiến vào tháng 3/2024 nhằm tránh sự phẫn nộ của người dân, một thời điểm thuận tiện, “mầu mỡ” cho các cuộc nổi dậy.

Còn theo trang thông tin độc lập Nga iStories, được NHK dẫn lại, tiểu đoàn Borz, thuộc một tập đoàn quân sự tư nhân Redut của Nga, đang tuyển thêm phụ nữ đến chiến đấu tại mặt trận Ukraine. Họ sẽ được đào tạo để trở thành những xạ thủ hay điều khiển drone.

Thông báo trên mạng xã hội Vkontakte ghi rõ hợp đồng tuyển dụng kéo dài sáu tháng với mức lương hàng tháng là 2.200 Euro, kèm theo với một khoản đền bù từ 10 đến 30 ngàn Euro trong trường hợp bị thương tích.

Trang mạng thông tin Nhật Bản NHK còn trích dẫn các nguồn tin tình báo Estonia đưa ra hôm thứ Sáu (20/10) cho rằng Nga vẫn còn khoảng bốn triệu đạn pháo có thể sử dụng cho cuộc chiến xâm lược Ukraine.

Theo thông tấn xã AFP, những cuộc oanh kích của Nga hôm 24/10, nhằm vào nhiều vùng Kherson (Nam) và Kharkiv (Đông-Bắc) của Ukraine đã làm 4 người bị thương, trong đó có một trẻ 12 tuổi và một cơ sở năng lượng bị hư hại. Trong khi đó, lực lượng phòng không Ukraine thông báo đã bắn hạ sáu drone tự sát Shahed của Nga được phóng đi từ bán đảo Cirimée trong đêm qua.

Còn phía Nga tuyên bố đã vô hiệu hóa được cuộc tấn công của ba tàu tự hành ngoài khơi phía Bắc Hắc Hải, được cho là có ý định nhắm vào cảng Sebastopol.


Quốc Hội Thổ Nhĩ Kỳ Xem Xét Việc Phê Chuẩn Đơn Xin Gia Nhập NATO của Thụy Điển


(Ảnh:Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 29/06/2022.)

-Sau 17 tháng cản trở, ngày 23/10/2023, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ký và trình Quốc hội phê chuẩn đơn xin gia nhập Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển. Ba tháng sau khi dỡ bỏ phản đối tại thượng đỉnh của NATO ở Vilnius (Lithuania), ông Erdogan mới đưa ra quyết định này.

Thông tín viên Céline Pierre-Magnani của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình từ thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ:

Thông báo của phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã thúc đẩy Stockholm phản ứng ngay lập tức. Thủ tướng Thụy Điển hoan nghênh “một tin tốt đẹp” trên tài khoản X của ông.

Vấn đề Thụy Điển gia nhập NATO khiến mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác trong Tổ chức Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) trở nên phức tạp từ gần 1 năm rưỡi nay. Ankara cáo buộc chính quyền Stockholm chứa chấp nhiều thành viên PKK, tổ chức vũ trang Kurdistan vẫn bị Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước đồng minh p hương Tây coi là khủng bố. Vụ tấn công ở Ankara hồi đầu tháng 10 vừa qua cho thấy tổ chức này vẫn hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Một chủ đề khác gây căng thẳng trong những tháng gần đây là vụ kinh Coran bị đốt trong nhiều cuộc biểu tình ở Thụy Điển, khiến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kịch liệt phản ứng. Tuy nhiên, một số nguồn tin ngoại giao cho rằng Ankara dường như sử dụng vụ này để gây sức ép với Hoa Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ muốn được giao chiến đấu cơ F-16 mà họ yêu cầu từ nhiều tháng qua.

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động như kiểu phòng công chứng, thông qua những quyết định của Tổng thống. Do đó, các Dân biểu có lẽ sẽ sớm phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có lịch trình cụ thể.


Biển Đông: Phi Luật Tân Gia Tăng Tuần Tra Hàng Hải Sau Các Hành Động “Hung Hăng” của Trung Quốc


(Hình: Tàu Hải cảnh Trung Quốc (màu trắng) chặn một chiếc thuyền mang cờ Phi Luật Tân dẫn đến sự việc va chạm ở vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Ảnh chụp màn hình từ video phát ngày 22/10/2023.)

-Căng thẳng Phi Luật Tân và Trung Quốc gia tăng những ngày gần đây. Hôm 24/10/2023, một viên chức Phi Luật Tân cho biết Manila sẽ gia tăng các cuộc tuần tra hàng hải, và bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Tây Phi Luật Tân (tức Biển Đông) với”quy mô hạn chế”, sau các hành động hung hăng của Trung Quốc nhằm vào một đoàn tàu tiếp tế cho đơn vị đồn trú ở Bãi Cỏ Mây, quần đảo Trường Sa hôm 23/10.

Trang mạng ABS-CBN news dẫn lời ông Jonathan Malaya, Phụ tá Tổng Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Phi Luật Tân, cho biết quyết định nói trên được đưa ra khi Phi Luật Tân ghi nhận “một số lượng lớn tàu dân quân biển Trung Quốc” đang hoạt động không chỉ gần Bãi Cỏ Mây (tức Second Thomas Shoal), mà còn tại Bãi cạn Scarborough và Bãi Sabin (Sabina). Phía Phi Luật Tân kêu gọi Trung Quốc “hành động có trách nhiệm”, tuân thủ luật pháp quốc tế, lưu ý rằng Bắc Kinh là một bên ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và người đồng cấp Phi Luật Tân Eduardo M. Año có cuộc điện đàm hôm 23/10, về tình hình Biển Đông. Sau cuộc điện đàm, Hoa Thịnh Ðốn ra thông báo “tái khẳng định ủng hộ của Hoa Kỳ đối với đồng minh Phi Luật Tân sau các hành động nguy hiểm và bất hợp pháp của Lực lượng tuần duyên Trung Quốc và lực lượng dân quân biển Trung Quốc vào ngày 22/10, nhằm cản trở hoạt động tiếp tế thường lệ của Phi Luật Tân cho Bãi cạn Second Thomas”. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ nhấn mạnh là theo Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Phi Luật Tân, Hoa Kỳ có nghĩa vụ bảo vệ đồng minh, “nếu các tàu công vụ, chiến đấu cơ và lực lượng vũ trang của Phi Luật Tân, bao gồm cả lực lượng cảnh sát biển của Phi Luật Tân bị tấn công”.

Về phía Bắc Kinh, theo nhật báo Anh ngữ China Daily của đảng Cộng sản Trung Quốc, trong cuộc họp báo hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã lên án “các nỗ lực nham hiểm” của Hoa Kỳ nhằm bảo vệ các hành vi khiêu khích của Phi Luật Tân tại Đá Nhân Ái (Ren’ai), tên Trung Quốc dùng để chỉ Bãi Cỏ Mây, và khẳng định Trung Quốc có chủ quyền tại vùng biển này. Báo Hồng Kông South China Morning Post hôm nay dẫn lời Ding Duo, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Biển Nam Hải (tức Biển Đông), thuộc đảo Hải Nam (Trung Quốc), cảnh báo “các khẩu chiến Trung Quốc, Phi Luật Tân về va chạm ở Biển Đông” có thể làm gia tăng nguy cơ “xung đột”.


Mỹ và Nam Dương Lần Đầu Tiên Đối Thoại Ngoại Giao-Quốc Phòng


(Ảnh: Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ, tướng James McConville (trái), được Bộ trưởng Quốc phòng Nam Dương Prabowo Subianto (phải), và Tham mưu trưởng Quân đội Nam Dương, Tướng Dudung Abdurachman đón tiếp tại Jakarta, thủ đô của Nam Dương, ngày 12/5/2023.)

-Hôm 23/10/2023, Hoa Kỳ và Nam Dương lần đầu tiên tổ chức đối thoại cấp cao về Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng. Cuộc họp diễn ra tại Hoa Thịnh Ðốn, thủ đô Hoa Kỳ.

Sau cuộc họp, hai bên ra một tuyên bố chung tái khẳng định chủ trương của lãnh đạo hai bên trong việc nâng cấp quan hệ Hoa Kỳ - Nam Dương thành “Đối tác chiến lược toàn diện”, nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Cuộc đối thoại Ngoại giao-Quốc phòng nói trên được coi là “cơ hội để thúc đẩy các ưu tiên song phương trong chuyến công du của Tổng thống Joko Widodo tới Hoa Thịnh Ðốn vào tháng 11 tới”, theo Phụ tá Ngoại trưởng Mỹ, Daniel Kritenbrink, phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương.

Thông cáo tái khẳng định việc Mỹ đánh giá cao vai trò của Nam Dương với tư cách là quốc gia điều phối quan hệ đối thoại Mỹ-ASEAN và hoan nghênh vai trò lãnh đạo ASEAN của Nam Dương với tư cách Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2023. Các viên chức Mỹ khẳng định Hoa Thịnh Ðốn tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và Tầm nhìn của ASEAN về khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, vai trò của ASEAN trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Phía Mỹ cũng đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Nam Dương trong việc xây dựng lòng tin hướng tới một giải pháp toàn diện, hòa bình và dân chủ cho cuộc khủng hoảng ở Miến Điện. Hoa Kỳ và Nam Dương kêu gọi chính quyền quân sự “có hành động cụ thể để chấm dứt ngay bạo lực và tạo môi trường thuận lợi cho việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo”. Các viên chức hai nước cũng nhắc lại tầm quan trọng của việc đạt được tiến bộ trong Đồng thuận 5 điểm của ASEAN về khủng hoảng Miến Điện.

Với tư cách là đối tác quân sự lớn nhất của Nam Dương, Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết “hỗ trợ hiện đại hóa lực lượng phòng thủ của Nam Dương”. Viên chức của cả hai nước thỏa thuận tìm cách gia tăng hợp tác trong các lĩnh vực an ninh hàng hải, quân y, gìn giữ hòa bình, giáo dục quân sự chuyên nghiệp, cũng như các diễn tập quân sự song phương và đa phương.

Phụ tá Ngoại trưởng Mỹ là đồng trưởng phái đoàn Mỹ cùng Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề An ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Tiến sĩ Ely Ratner. Dẫn đầu phái đoàn Nam Dương là tổng vụ trưởng Bộ Ngoại giao, phụ trách Mỹ và Âu Châu Umar Hadi, và tổng vụ trưởng vụ Chiến Lược Quốc Phòng, thiếu tướng Bambang Trisnohadi.


Ngoại Trưởng Trung Quốc Đi Mỹ


(Hình: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến dự lễ khai mạc hội thảo chuyên đề ngoại giao tại Nhà khách Điếu Ngư, Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 24/10/2023.)

-Chính quyền Mỹ thông báo Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) công du Hoa Kỳ từ ngày 26/10 đến 28/10/2023. Phía Trung Quốc xác nhận thông tin trên.

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning), Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ “có trao đổi sâu với các lãnh đạo Mỹ về quan hệ Mỹ-Trung và về các vấn đề quốc tế và khu vực nằm trong lợi ích chung” và Bắc Kinh hy vọng Hoa Thịnh Ðốn sẽ phối hợp để “tăng cường trao đổi, đối thoại, đẩy mạnh hợp tác, giải quyết các khác biệt, và đặt các quan hệ Mỹ-Trung trở lại con đường đúng”.

Hãng tin Pháp AFP dẫn lời một viên chức Mỹ xin ẩn danh, theo đó chuyến đi này là dịp để Bắc Kinh “đưa ra một tiếp cận mang tính xây dựng hơn” đặc biệt về hai cuộc xung đột Nga-Ukraine, và Do Thái-Gaza, và nhiều hồ sơ bất đồng song phương khác.

Hiện tại, chưa có bất cứ thông tin chi tiết về chương trình làm việc của Ngoại trưởng Trung Quốc. Không rõ Tổng thống Joe Biden có kế hoạch tiếp lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc hay không.

Theo giới quan sát, chuyến đi Mỹ tuần này của ông Vương Nghị có thể nhằm chuẩn bị cho chuyến công du Mỹ dự kiến của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào giữa tháng 11 tới nhân dịp thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco. Tổng thống Mỹ đã nhiều lần bày tỏ “hy vọng” hội kiến với lãnh đạo Trung Quốc trước cuối năm nay.

Ngoài cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine, và xung đột Do Thái-Hamas, Mỹ và Trung Quốc đối đầu trong hàng loạt hồ sơ, từ Đài Loan đến Biển Đông, nơi căng thẳng gia tăng thời gian gần đây, đặc biệt với các va chạm giữa tàu thuyền Trung Quốc và Phi Luật Tân tại quần đảo Trường Sa.

Trước thềm chuyến công du của Ngoại trưởng Trung Quốc, lần đầu tiên tổ công tác kinh tế song phương Mỹ-Trung, được thành lập theo một thỏa thuận giữa hai bên vào tháng 7/2023, có buổi họp trực tuyến hôm qua. Các viên chức cao cấp Bộ Tài chánh hai nước chủ trì buổi làm việc này. Bộ Tài chánh Mỹ ra thông cáo cho biết buổi họp diễn ra trong hơn 2 tiếng đồng hồ có nội dung chính là “các vấn đề kinh tế vĩ mô của hai quốc gia và toàn cầu”. Phía Mỹ đã bày tỏ thẳng thắn các quan ngại. Theo đài truyền hình trung ương Trung Quốc, phía Trung Quốc mong muốn “duy trì kênh liên lạc này”. Hôm 24/10, các viên chức cao cấp Bộ Tài chánh Mỹ và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có buổi làm việc thứ hai.


Tòa Bạch Ốc Cáo Buộc Iran ‘Tích Cực Tiếp Tay’ Vài Vụ Tấn Công Căn Cứ Quân Sự Mỹ


(Hình: Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby, phát biểu tại cuộc họp báo ở Tòa Bạch Ốc vào ngày 23/10/2023.)

-Hôm thứ Hai (23/10/2023), Tòa Bạch Ốc nói rằng Iran có vài lần “tích cực tiếp tay” cho các cuộc tấn công bằng rocket và máy bay không người lái của các nhóm ủy nhiệm được Iran hậu thuẫn nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq và Syria, và Tổng thống Biden đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng phải chuẩn bị nhiều hơn nữa và ứng phó một cách thích hợp.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết các cuộc tấn công như vậy đã gia tăng trong tuần qua, đặc biệt là trong vài ngày qua, nhưng Mỹ sẽ không ngồi yên để cho các mối đe dọa đối với lợi ích của mình trong khu vực xảy ra.

Ông nói Hoa Kỳ tin rằng các nhóm này được Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và chính phủ Iran hỗ trợ. Iran vẫn đang tiếp tục hỗ trợ cho các nhóm chiến binh Hamas và Hezbollah.

“Chúng tôi biết rằng Iran đang theo dõi chặt chẽ những sự kiện này và trong một số trường hợp, còn tích cực tạo điều kiện cho các cuộc tấn công này và thúc đẩy những bên khác có thể muốn khai thác cuộc xung đột vì lợi ích của riêng họ hoặc vì lợi ích của Iran”, phát ngôn viên Kirby nói thêm.

Các cuộc tấn công vào lực lượng Hoa Kỳ đã gia tăng kể từ khi xung đột ở Do Thái leo thang vào ngày 7/10 khi các phần tử thuộc nhóm Hamas của Palestine tấn công miền Nam Do Thái.

“Chúng tôi quan ngại sâu sắc về khả năng leo thang đáng kể của các cuộc tấn công này trong những ngày tới”, ông Kirby nói.

Tổng thống Biden đã điều lực lượng Hải quân tới Trung Đông trong hai tuần qua, bao gồm hai hàng không mẫu hạm, các chiến hạm và khoảng 2.000 lính Thủy quân Lục chiến.

“Chúng tôi biết mục tiêu của Iran là duy trì sự chống đối ở mức độ nào đó, nhưng chúng tôi sẽ không cho phép họ làm điều đó”, ông Kirby nói. “Chúng tôi cũng sẽ không ngồi yên để mặc cho bất kỳ mối đe dọa nào đối với lợi ích của chúng tôi trong khu vực cứ thể xảy ra”.


Khí Hậu: Nhu Cầu Năng Lượng Hóa Thạch “Quá Cao” Đe Dọa Các Mục Tiêu của Liên Hiệp Quốc


(Hình: Hơi nước và khói bốc lên từ nhà máy nhiệt điện Gelsenkirchen, Đức. Ảnh tư liệu chụp ngày 16/12/2009.)

-Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), khó thể duy trì tham vọng hạn chế hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu do nhu cầu về năng lượng hóa thạch vẫn còn “quá cao”.

Trong một bản báo cáo dài 354 trang, được công bố hôm 24/10/2023, một tháng trước khi diễn ra Hội nghị Khí hậu Liên Hiệp Quốc COP 28, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo vẫn có thể thực hiện được mục tiêu “đảo chiều đường cong tăng phát khí thải để có thể kềm hãm mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5°C, nhưng con đường đi đến mục tiêu dự báo là rất khó khăn”.

Các chuyên gia IEA nhận định, bất chấp đà tăng trưởng của nhiều nguồn năng lượng sạch nhờ vào một số chính sách hiện nay, lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn còn cao, đủ để làm tăng thêm nhiệt độ trung bình trên thế giới khoảng 2,4°C trong thế kỷ này.

Theo giải thích của Giám đốc điều hành IEA, Fatih Birol, các chính phủ, doanh nghiệp và các nhà đầu tư hiện có xu hướng cho rằng dầu hỏa và khí đốt vẫn là những nguồn năng lượng cần thiết do những căng thẳng và các biến động trên thị trường năng lượng truyền thống và đó là những nhận định “vô căn cứ”.

Báo cáo của IEA cảnh báo, “cái giá phải trả cho sự thụ động có thể sẽ rất lớn”, đồng thời đưa ra dự phóng từ đây đến năm 2030, lượng xe hơi điện trên thế giới sẽ phải tăng thêm 10 lần, trong khi tỷ trọng năng lượng tái tạo trong gói năng lượng hỗn hợp sẽ phải tiệm cận đến mức 50% (so với tỷ lệ 30% như hiện nay).

Hội nghị Khí hậu Liên Hiệp Quốc COP 28 sẽ được tổ chức ở Dubai, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, từ ngày 30/11 đến 12/12/2023.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét