Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 30 tháng 10, 2023

Những ngày đầu ra đơn vị - Nguyễn Ngọc Ấn


Ngay hôm sau, 3 đứa trong khóa Tấn ra Biệt động Quân, Lê văn Vinh (LĐ7) Phạm đăng Hương (LĐ4) và Tấn (LĐ5), đã hẹn nhau tới Khu Dân Sinh để tìm mua mỗi đứa một bộ Quân phục BĐQ đầy đủ trừ Béret nâu phải tới tiệm Phước Thành, chuyên bán quân phục để mua bằng được cái mũ Béret “đúc” của “Tây” đàng hoàng cho ngon lành để còn đi trình diện Bộ Chỉ huy BĐQ ở trại Đào Bá Phước. Hai bạn Tấn thì sao không biết, riêng Tấn, việc ra đơn vị kể ra không có sợ mà chỉ có lo mà thôi. Mà cái lo nầy không phải là xa nhà lần đầu tiên để đi vào vùng lửa đạn mà chỉ lo vì cái vụ thi clinique ra trường chưa hoàn tất !! Vì thế, ở trại Đào Bá Phước, Tấn có xin phép là hễ thi clinique xong là anh sẽ ra trình diện đơn vị liền lập tức.
<!>
Cái vụ thi clinique nầy cũng thiệt là vô duyên, kể ra học hành đàng hoàng, hễ thi thì thi đâu có gì phải sợ, có điều Tấn “nằm vùng” ở khu Sản Khoa Nguyễn văn Học suốt 2 năm chót nên ngoài Sản Khoa, 3 món kia Nội, Ngoại và Nhi anh đều không cảm thấy vững bụng... Vậy mà, khi vào thi hồi tháng 6, tháng 7, chính 3 món Tấn nghĩ là không ngon lành lại đậu cái một, còn cái anh cảm thấy vững nhất, chắc ăn như bắp và là nghề của chàng thì chỉ qua câu hỏi đầu tiên của GS Nguyễn văn Hồng ở Từ Dũ là Tấn đã được thầy “cám ơn, hẹn kỳ sau !” liền.

Tưởng tượng câu hỏi của thầy Hồng là câu gì mà chỉ một câu là Tấn đã “tiêu tán đường” không ? Thầy Hồng đã hỏi Tấn : “Anh ở Nguyễn văn Học 2 năm với anh Giệp hả ?” Tấn đã trả lời: “Dạ”. Vậy là xong !! Bởi vậy, khi ra trường ở Quân Y, Tấn vẫn còn nợ cái món vấn đáp Sản Phụ khoa (Obstétrique & Gynécologie) chưa xong và trong bụng lo là nếu kỳ nầy (sắp tới rồi !!) anh lại gặp thầy Hồng nữa thì sao ? Anh nhỏ lớn có bao giờ dám chọc ghẹo gì ổng đâu mà chỉ có cái tội là đệ tử của thầy Giệp ở Nguyễn văn Học, vậy nếu cứ gặp thầy Hồng hoài mình phải làm sao ? Lo thì lo như vậy nhưng có làm gì khác hơn được nên trước mắt, Tấn phải thu xếp gia đình định bụng hễ thi xong là Tấn sẽ kiếm đường lên hậu cứ đơn vị liền (lúc đó, hậu cứ LĐ5BĐQ còn đóng ở căn cứ Củ Chi chung chỗ với SĐ25BB) (Còn nhớ cả tháng sau trong bận trở về hậu cứ từ Quảng Trị, Tấn mới có dịp trở vào BV Từ Dũ để “đánh” clinique lần thứ hai. Lần nầy, may cho Tấn không gặp thầy Hồng nữa mà là Tấn bắt thăm đi thi gặp GS Đặng Trần Hoàng nên Tấn qua phà dễ dàng (nghề của chàng mà lỵ !)

Khi Tấn ăn xong, mặc vào bộ đồ trận, xách cái sac marin leo lên xe Jeep ở đơn vị về đón thì cũng hơn 1 giờ trưa. Lần đầu tiên ngồi xe Jeep ở ghế trưởng xa bên cạnh tài xế, lòng tự nhiên thấy hãnh diện cho mình hết sức mà không biết hãnh diện về cái gì nữa!! Nhỏ lớn mới lên tới căn cứ Củ Chi lần đầu tiên và chạy xe vòng vòng trong căn cứ nầy, hồi trước do quân đội Mỹ xây dựng bây giờ giao lại cho VN thấy nó mênh mông hết sức, giá mà tự Tấn đi lên đây trình diện, Tấn không biết đi bằng cái gì và làm cách nào tìm ra hậu cứ của Liên đoàn chỗ nào nữa...

Giấy tờ thủ tục ở Ban 1 LĐ diễn ra trong vòng 15 phút là xong, Tấn chỉ ký tên vào một số giấy tờ đánh máy sẳn, đưa cho họ căn cước Quân nhân và Chứng chỉ tại ngũ (đi hành quân không nên đem theo) rồi họ đưa cho Tấn khẩu Colt 45, vài băng đạn với giây ba chạc “đeo cho oai” chớ Bác sĩ lo chữa bệnh chớ có bắn ai bao giờ ? (Họ nói mà Tấn cũng nghĩ vậy) Tấn không nhìn thấy cả QY hậu cứ mặt ngang mũi dọc ra làm sao nữa thì đã leo lên xe Jeep ngồi để chạy ra phi trường là một cái sân trống trãi trong căn cứ, nơi đó có chiếc trực thăng duy nhất đang đậu với vài sĩ quan mặc quân phục BĐQ đang đứng hút thuốc nói chuyện vòng vòng quanh đó. Thấy xe jeep chở Tấn ra là cánh quạt trực thăng bắt đầu nhúc nhích với tiếng động cơ từ u u nhỏ nhỏ tới gầm thét vang trời và cánh quạt quay tít trên đầu càng lúc càng mạnh. Mấy Sĩ quan kia cũng leo lên trực thăng với Tấn và hai cái càng bắt đầu nhốm khỏi mặt đất...

Tấn thì không biết hướng Đông tây gì cả, chỉ biết đi hướng nào do đoán nhờ nhìn xuống cảnh vật trôi đi bên dưới chiếc trực thăng đang lướt ào ào... Qua bao nhiêu là ruộng đồng xanh ngát với nhà cửa thưa thớt, xơ xác vì bom đạn chiến tranh thì bên dưới Tấn là những khoảng trống ngút ngàn với thuần một màu đỏ ối của đất (hay đá ?) Anh Sĩ quan ngồi kế bên nói vào tai Tấn : “Qua tới Miên rồi đó Bác sĩ.” Mà quả là Miên thật vì Tấn không còn thấy những căn nhà lá “tiêu biểu” của ruộng đồng miền Nam mình mà là toàn đất trống đầy vẻ khô cằn, ruộng vườn gì không thấy đâu và thiếu hẳn bóng cây dừa hay ruộng lúa... Bù lại đó thỉnh thoảng chen vào đất đỏ là bóng trơ trọi của một vài cây thốt nốt. Không biết đứng gần ra sao nhưng từ trực thăng nhìn xuống thì ngay cả cây thốt nốt hình như cũng có vẻ nóng bức và cô đơn vô cùng.

Chừng gần 3 giờ chiều, trên phi cơ nhìn xuống đất đang trống vắng nhất là từ nảy giờ không thấy một bóng người hay sinh vật gì khác bổng Tấn thấy có một đám người lố nhố đứng rải rác bên cạnh một số Thiết vận xa M113 ở giữa trời nắng chang chang và tiếng động cơ trực thăng bắt đầu đổi giọng nhỏ đi như có vẻ sắp hạ cánh xuống chỗ đó. Nghĩ lại, mới hồi 12 giờ trưa, Tấn còn ở trong BV Từ Dũ mà 3 giờ chiều, khi trực thăng đáp xuống thì anh đã ở bên Kampuchia với một khung cảnh hoàn toàn xa lạ như ở một thế giới khác. Trên đầu Tấn là trời nắng đổ lửa, dưới đất là đất đỏ với đá sỏi lụn vụn và lơ thơ có vài cây thốt nốt không cho ai tí bóng mát nào cả.

Thì ra nơi trực thăng đáp xuống là Bộ Chỉ huy Liên đoàn 5 đang trên đường hành quân với bóng dáng bao nhiêu chiến sĩ BĐQ đứng rải rác cũng như bao nhiêu người bu tới chung quanh chiếc trực thăng. Tấn vác chiếc sac marin nhảy xuống đất vào giữa vòng “đón tiếp” của các chiến sĩ cùng đơn vị, giữa những bộ mặt đen đúa, dày dạn phong trần bổng có một gương mặt “ít đen hơn” và lại có vẻ quen thuộc, thì ra đó là anh Huỳnh Kim Chung, đương kim Y sĩ trưởng Liên đoàn, người mà Tấn được đưa ra đơn vị để làm phụ tá cho anh. Hai người bắt tay nhau thân thiện (tuy là hồi trong trường Y khoa thì anh và Tấn tuy biết nhau nhưng chả có thân thiện bao nhiêu) Anh quay sang một người lính và nói giọng ngắn gọn (đầy vẻ uy quyền rất lạ đối với Tấn): Mầy xách đồ BS Tấn về chỗ QY cho tao đi. Anh lính BĐQ chỉ dạ, tay đưa ra cầm lấy cái Sac marin của Tấn và biến ra khỏi đám đông. Anh Chung quay sang nói với Tấn, cũng là giọng nói của một người mà từ anh lính sang Tấn, giọng anh đã đổi khác hoàn toàn : Toi đi với moi một vòng cho biết mặt Liên đoàn đi. Tấn nói Dạ rồi đi theo anh.

Người đầu tiên anh Chung đưa Tấn tới gặp là hai ông Trung tá đang ngồi trên hai cái thùng đạn để trên đất, ngồi xa ra khỏi đám đông. Quen theo lề lối trong Trường với lại Tấn nghĩ, không gì mình cũng là dân Hiện Dịch nên Tấn đứng nghiêm và làm thủ tục chào kính để trình diện đàng hoàng rồi được anh Chung giới thiệu cho Tấn biết, đó là Trung tá Ngô Minh Hồng, Liên đoàn trưởng và Trung tá Lê văn Hoà, Liên đoàn phó.

Trung tá Hoà thì không nói gì, chỉ có Trung tá Hồng nói với Tấn : Sao ông trẻ quá vậy ? Nếu không có BS Chung biết ông thì tôi không thể nào tin ông là Bác sĩ mới về đơn vị của tôi hết, ĐM, cỡ thằng VC nào xấu xấu lượm được cái Sự vụ lệnh của ông rồi giả dạng ra đây làm sao ? Rồi ông ta hỏi Tấn, giọng nửa đùa nửa thiệt : Ông cho tôi coi căn cước Sĩ quan được không ? Tấn trả lời, Tôi đã học các lề luật từ ở trong trường và người Quân nhân, nhất là Sĩ quan đi tác chiến không mang theo căn cước hay giấy tờ gì hết để lỡ có chết (hay bị VC bắt được), VC cũng không có thể lấy giấy tờ gì của mình để xài được và Tấn nghĩ, có khi ông ta muốn thử coi Tấn có thuộc bài không không chừng.

Nhưng thú thiệt, cái cách hỏi han của ông ta không làm Tấn thiện cảm chút nào nhất là ông ta hỏi câu thứ nhì (mà Tấn không bao giờ quên) : Đm, anh có biết nhảy đầm không vậy ? Ở BĐQ mà không biết nhảy đầm là coi như không đạt yêu cầu rồi đó nha... Tấn chưa biết trả lời sao cho “hợp tình hợp lý” thì may sao anh Chung chen lời: Học Y khoa ra bác sĩ mà ai không biết nhảy đầm hả Trung tá ? Vậy là qua phà... Chỉ tiếc là sau đó, Tấn nghe xếp nói thoáng khi anh Chung với Tấn rời xa 2 ông xếp : Đm, tưởng hổng biết nhảy đầm thì phải tốn mấy ngày phép cho chả về Saigon học khóa cấp tốc rồi hãy lên đơn vị... Làm Tấn tiếc hùi hụi, phải chi hồi nảy mình nói không biết nhảy đầm để có cơ hội kiếm thêm mấy ngày nữa ở Saigon với gia đình !

Có điều Tấn nhận xét ngầm (chớ không nói với ai vì biết ai đâu mà nói ?) là cái ông Trung tá xếp nầy sao xài tiếng Đan Mạch ghê quá, mỗi câu mở đầu là một tiếng Đan Mạch, không biết ổng lúc theo tán vợ ổng hay mấy bà bồ của ổng, ổng ăn nói ra sao ? (Lời bàn thêm : Tấn đâu có ngờ việc xài tiếng Đan Mạch của ông trung tá nầy là nguyên nhân việc Tấn mang lon Trung úy muôn năm nhưng đó là việc khác ở một bài viết khác. Có điều Tấn lưỡng lự mãi không biết có nên viết ra hay không vì ông Trung tá nầy giờ đã tiêu diêu thế giới khác, chắc là quê hương của ổng. Nghĩa tử là nghĩa tận, Tấn nghĩ có khi Tấn nên xù quá !!)

Nói chuyện mấy câu là anh Chung cáo từ rồi đưa Tấn đi vòng vòng các ban ngành của Liên đoàn trên Hành quân. Ban 1 thì Tấn đã trình diện hồi trưa ở Củ Chi, giờ đi theo hành quân chỉ có một Thiếu úy tên Hải đại diện cho ban 1, ban 2 thì có Đại uý Đông, ban 3 Đại úy Thọ, Đại úy Xê truyền tin, Đại đội trưởng trinh sát 5 Đại úy Thu và Đại đội Công binh Liên đoàn có Trung úy Thắm chớ không có Đại đội trưởng CB. Ai nấy mặt mũi tuy “ngầu” nhưng đều tỏ ra vui vẻ với Tấn trừ Đại úy Thu, chắc là bệnh trĩ hay sao đó mà cái mặt chằm vằm không cười không nói...

Sau một vòng đi cho biết các ban ngành, Tấn trở về ban QY để được anh Chung giới thiệu với các quân y tá của Liên đoàn tức là các “đệ tử” của mình. QY có chưa tới 10 Y tá và Tấn không nhớ ai hơn Chuẩn úy Hải, người Bắc, mập mạp và theo sách tướng thì là tay khó chơi và khó hiểu tuy bên ngoài, ông cười nói tỏ ra rất chảo lãi và thân thiện. Ngoài ra còn có Trung sĩ nhất Hải mà anh em gọi là Hải “nẫu” để phân biệt với Chuẩn úy Hải là Y tá trưởng, rồi Long “mập”, theo thời trang thì là một con kiến càng với toàn bắp thịt cuồn cuộn để phân biệt với Long “đại liên” là một Hạ sĩ nhất lớn tuổi, chết tên Long “đại liên” không phải vì anh ta chuyên bắn đại liên mà vì anh chàng có cái tích khi VC pháo xối xả, anh đã mắc đi cầu nhưng không dám ra khỏi hố cá nhân nên anh chàng đã chơi đại trong một thùng đạn đại liên nằm trong hố cá nhân.

Còn mấy người nữa không có gì đặc biệt nên Tấn không nhớ tên. Anh Chung còn giới thiệu với đám đệ tử rằng Tấn là tay tứ chiếng giang hồ trong trường nên tất cả phải coi chừng vì Tấn sẽ không “hiền” như anh. Rồi anh nói với Tấn, vấn đề ở đơn vị tác chiến cần phải du côn, lựu đạn một chút mà các Bác sĩ thông thường không có mà Tấn có “hơi nhiều” nên bảo đảm, tương lai trong cuộc sống chung đụng ở tuyến đầu, Tấn sẽ thích nghi không mấy khó khăn. Ngoài việc giới thiệu tên tuổi, tính tình mọi người, anh Chung lo bàn giao cho Tấn các thuốc men, y cụ cũng như nói sơ qua về các thủ tục giấy tờ cần thiết ở hành quân Còn đời sống hành quân hàng ngày như cả ngày, Liên đoàn sẽ di chuyển bằng cách ngồi vắt vẻo trên mui các xe M113 rồi đêm tối, khi dừng quân sẽ chia ra ngủ chung quanh các xe đó. Mỗi Quân nhân sẽ đào một cái hố cá nhân để khi VC pháo kích thì có mà lăn xuống để tránh miểng và việc pháo kích nầy coi như hàng đêm rất thường xuyên.

Bị thương nhẹ thì QY lo cứu chữa, còn bị thương nặng hơn thì Bác sĩ sẽ lo việc sơ cứu (premier soin) xong sẽ gởi về tuyến sau bằng chiếc trực thăng lên xuống mỗi ngày như chiếc đã đưa Tấn tới đơn vị.

Chiếc trực thăng hồi trưa mang Tấn ra đơn vị là chuyến liên lạc thường xuyên hàng ngày của Liên đoàn với hậu cứ ngoài việc có nhiệm vụ câu hai khẩu 105 li đi theo Liên đoàn hành quân và khi có tản thương thì cũng chiếc trực thăng đó sẽ kiêm nhiệm luôn nhiệm vụ cao quý và cần thiết kia. Câu nói của anh Chung mà Tấn nhớ đời là Tất cả sự dị biệt của tụi mình khi còn đi học coi như chấm dứt ở đơn vị vì ở đây, có hàng mấy ngàn lính BĐQ nhưng chỉ có 2 thằng Bác sĩ, nếu tụi mình không biết thương yêu, che chở cho nhau thì còn ai thương yêu và che chở cho tụi mình ?

Bữa đầu ở đơn vị, Tấn mới thấy cái tài gia chánh nội trợ của các Y tá của QY vì trong bữa ăn chiều đầu tiên ở đơn vị cũng là bữa ăn xa nhà đầu tiên trong đời lính, Tấn đã được ăn ngon như chưa bao giờ được ăn ngon như vậy mà chất liệu nấu ăn thì có gì đâu ? Đừng nói những món như tiêu hành tỏi ớt, ngay cả cái tối cần thiết như nước lạnh cũng đã không thấy vậy mà bữa cơm dọn ra cũng nóng sốt ngon lành... Thầy trò QY quây quần ăn cơm bên hông chiếc M113, lính Thiết giáp thì có mâm ăn riêng của họ nhưng bữa cơm đơn sơ và ấm cúng làm sao...

Ăn cơm chiều xong, Tấn móc điếu thuốc ra hút như thường lệ và ngay sau đó là hàng chục anh lính bu quanh Tấn ngay để xin Tấn có thể chia cho họ một điếu. Bởi vậy, gói Salem mới khui chỉ có một buổi đầu tiên ra đơn vị đã trở thành cái gói giấy không !! Nói chuyện với lính thật vui vì Tấn thấy ở họ không phải là những anh chàng mình thấy ở hậu phương là những người đầu trâu mặt ngựa, chằn ăn trăn quấn mà ở đây là những anh trai trẻ, những người nông dân ngây thơ, chơn chất, bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh mà họ không muốn cũng như không biết gì về cái gọi là ý thức hệ hay chính trị xa vời. Họ chỉ muốn sống còn, tồn tại cho qua ngày tháng, cho gia đình có thêm chút đỉnh họ có thể để dành được trong những ngày gian khổ để tăng thêm một chút lợi nhuận cho gia đình.

Hầu hết đều trẻ hơn cả Tấn (tuy Tấn cũng còn rất trẻ, mới 26 tuổi lúc ra đơn vị) đa số họ đều có số quân nhỏ hơn Tấn vài ba tuổi và trên gương mặt rám nắng là một ánh mắt ngây thơ, hiền lành... Có chàng lính trẻ đi hành quân mà mang theo được cây đàn guitare, anh ta lấy ra đàn những bản nhạc buồn của lính xa nhà làm Tấn nghe rất cảm động. Tâm trí Tấn chưa gì đã có ước mơ cho một quê hương thanh bình, cho những người lính Tấn biết hôm nay sẽ không bao giờ phải bị bó Poncho và không gia đình nào sẽ đón con về trong cái quan tài phủ lá cờ vàng...

Rồi các đơn vị trưởng của các ban ngành trong Liên đoàn tập họp lính tráng lo chia cắt việc canh gác, phòng thủ cho Bộ Chỉ huy Liên đoàn (trừ QY khỏi phải canh gác). Phải nói thêm, BCH/LĐ được bảo vệ và phòng thủ bởi đại đội trinh sát và trung đội cận vệ. Đại đội trinh sát nếu không có chuyến đi vào lòng địch thì phối hợp với trung đội cận vệ là trung đội lo an ninh cho hai ông trung tá và hai đơn vị nầy chia nhau trong việc canh gác và phòng thủ các cái ở chung quanh BCH. Còn Tấn, trở về cái xe M113 chở QY để tìm chỗ ngủ và chỗ ngủ của Tấn là một cái băng ca xếp được mở ra sắp dài bên cạnh cái của BS Chung ở ngay bên cạnh lườn xe Thiết giáp. Có lẽ mệt thì không mệt gì nhưng qua một ngày nhiều biến cố nên Tấn vừa nằm dài lưng trên băng ca là anh đã đi vào giấc ngủ một cách dễ dàng tuy mơ hồ, Tấn biết anh Chung nằm kế bên còn thao thức vì nôn nao cho chuyến trở về ngày mai với ánh sáng văn minh, khi chiếc trực thăng tiếp tế trở lên với Liên đoàn.

Và... giữa cơn ngủ say nồng, đạn pháo kích của VC chợt bắn ào ào qua đầu của BCH tuy không trái nào rơi gần Liên đoàn cả nhưng chưa quen nên Tấn đã lăn người vào chiếc hố cá nhân ngay bên cạnh băng ca cho chắc ăn. Tiếng nổ pháo kích là cái gì hoàn toàn xa lạ đối với Tấn. Có ai chưa từng nghe đạn pháo kích nổ gần bao giờ ắt sẽ thông cảm cho hành động của Tấn trong lúc nầy. Tiếng đề pa của viên đạn ra khỏi nòng súng rồi tiếng nổ khi viên đạn chạm đất, cái tiếng như lụa xé, như trời gầm, như bứt tung lồng ngực. Tấn tưởng nếu tiếng nổ liên tiếp chắc con người sẽ khó mà thở cho nổi vì không khí như bị dồn nén thật chặt, đè ép lồng ngực, làm mụ trí óc và tê liệt con người...

Cứ thế, tiếng đề pa rồi tiếng nổ, liên tiếp, nhịp nhàng như tiếng đánh trống hay Tambourine của một dàn nhạc chơi liên tiếp và đều đặn... Tấn nhìn quanh, các chiến sĩ BĐQ, ngay cả anh Chung vẫn ngủ say như không có gì xảy ra, ngó quanh ngó quất thấy mà buồn cười cho chính mình vì trước sau, Tấn thấy mình là người duy nhất ngồi ở dưới hố cá nhân và còn thức !! Có tiếng nói đâu đây, dĩ nhiên của mấy người còn thức, không thức vì đạn bắn làm họ lo như Tấn mà chỉ vì tiếng nổ “ồn ào” làm họ mất giấc ngủ và nổi giận : Đm, mấy thằng nầy bộ hổng ngủ sao ta, bắn có trúng con mẹ gì đâu mà đêm nào cũng chịu khó bắn hoài ? Có tiếng khác, Bộ mầy muốn nó bắn trúng hả ? Anh khác, có vẻ “sành điệu” hơn, ĐM, nó bắn bằng 122 li nên bắn xa hơn mình, cây của mình có 105 thì có trả đủa đéo gì được ?

Hay thiệt, nghe nổ tung trời như vậy mà họ biết viên đạn nầy là của hỏa tiễn 122 li của VC chớ còn Tấn, quả thực, nghe hai chữ pháo kích nhiều lần trên đài phát thanh cũng như coi qua báo chí nhưng ở cái cảnh nổ tung trời như thế nầy thì quả thực, cho tiền Tấn cũng thua, không thể nào phân biệt được đạn gì là gì...

Và nghĩ đâu xa xôi, cái kiếp sống của một anh lính mới tò te là như vậy, cái gì cũng không biết và cái gì cũng phải học hỏi, một bê trễ hay chậm tiêu là sẽ trả giá bằng chính mạng sống của chính mình... Biết Tấn có sống qua cuộc chiến nầy không khi con đường binh nghiệp của một Bác sĩ hiện dịch mới bắt đầu chưa được 24 giờ ? Nói thì nói vậy chớ rồi giấc ngủ cũng trở lại với Tấn sau vài tràng pháo kích, có khi tiếng đạn nổ từng nhịp xen lẫn tiếng đề pa cũng là một loại tiếng động đều đặn dỗ giấc ngủ cho hiệu quả không chừng...

Rồi chiến tranh hay không thì mặt trời vẫn mọc sáng hôm sau. Ánh sáng đầu ngày trả lại sinh khí cho cái tập thể nhỏ xíu trên mặt đất là Bộ Chỉ huy LĐ5 BĐQ đang ở bên Kampuchia. Mọi người cơ hồ ai cũng bận rộn với công việc của họ (trừ Tấn, không biết việc gì phải làm ngoài việc ngồi ở mép băng ca nhìn quanh quất) nhất là về phía anh Chung đang tom góp đồ “tế nhuyển” để sẳn sàng tháp tùng chuyến trực thăng liên lạc hậu cứ ngay khi nó lên tới. Rõ ràng có cái thái độ nôn nóng trở về với ánh sáng văn minh trong những hành động của anh và nhìn anh, Tấn không khỏi thấy mình cũng nôn nao trong bụng, Chừng nào tới phiên mình đây ?

Theo lời anh Chung nói với Tấn thì mỗi người sẽ luân phiên đi theo hành quân nửa tháng và làm việc ở hậu cứ nửa tháng nhưng lần nầy về hậu cứ, anh Chung có cho Tấn biết anh có chút việc riêng nên có thể anh sẽ trở ra hành quân thay Tấn hơi trễ một chút nên Tấn có thể đi một chuyến khoảng 20 ngày.

Thôi cũng được, 20 ngày so với bao nhiêu người lính chiến, họ đi hàng năm hàng tháng là thường, có ai thấy mặt Saigon mỗi tháng một lần như mình đâu mà buồn, mà lo ? Sau đó, anh Chung đi tới chỗ hai ông xếp để loan báo (hay xin phép ?) rằng anh sẽ theo trực thăng liên lạc trở về trong ngày hôm nay vì QY hiện đã có Tấn thay thế (trông người lại ngẫm đến ta... và nôn trong bụng !)

Bữa sáng đầu tiên của Tấn ở đơn vị thiệt là tức cười vì nhiều cái đơn giản mà rắc rối tới mức Tấn chưa biết tính sao... Tấn có thói quen đi cầu vào buổi sáng mới vừa thức dậy nhưng hôm nay, thức dậy rồi thì bụng Tấn đã lên tiếng kêu gào cho công tác thường lệ nhưng nhìn quanh quất, Tấn vẫn chưa biết cái gì sẽ là cầu tiêu của mình (cho dù là dã chiến) nhất là đã sáng trắng và lính trong đơn vị thì đã có mặt khắp nơi trong hiện trường... Nhìn ra xa xa hơn vòng phòng thủ của đơn vị một chút, Tấn thấy có những anh chàng chậm chạp trở về vòng đai Liên đoàn, trên tay họ còn cầm chiếc xẻng cá nhân, thì ra thế !

Vậy thì Tấn sẽ phải cố dậy sớm hơn nữa rồi sẽ mang theo chiếc xẻng nhà binh, sẽ... đi dạo quanh đây một vòng, sẽ... lựa chỗ khuất một chút rồi đào một mini - hố cá nhân để có chỗ gài mìn cá nhân và sau đó sẽ lấp trở lại, nhiều cái “sẽ” quá nhưng hôm nay thì đã trễ tràng hết rồi. Mấy quân y tá không biết thức dậy hồi nào và sửa soạn hồi nào mà giờ đã lên tiếng mời Tấn uống cà phê sáng. Lại còn điệu nghệ hỏi Tấn muốn uống cà phê đen hay cà phê sữa nữa chớ !!

Tấn kể ra cũng gọn, buổi sáng, Tấn chỉ cần ly cà phê sữa với một điếu thuốc lá đầu ngày là coi như đủ sống cho ngày đó. Bởi vậy, chỉ trong chớp mắt là Tấn đã thong thả ngồi đong đưa trên miệng hố cá nhân của Tấn (không biết ai trong mấy Quân Y tá đã đào cho Tấn chiều qua) miệng phì phèo khói thuốc và suy nghĩ miên man về cuộc sống sắp tới của mình.

Anh Chung, sau khi đi thăm và chào tạm biệt các Sĩ quan trong Liên đoàn giờ cũng đã trở về “xóm” QY và anh cũng có khẩu phần là một tô mì gói (không biết đệ tử ai đã làm sẵn cho anh) và anh đã vẽ kế hoạch cho 15 ngày sắp tới của anh ở hậu cứ. Ôi, cái chữ hậu phương nghe sao quá xa vời...

Đời sống của QY nói riêng và LĐ BĐQ nói chung trong những ngày Tấn mới ra đơn vị thật là bình yên. Buổi trưa, đệ tử QY đã hỏi ý Tấn muốn ăn gà Rôti hay gà xé phai. Tấn thực tình không hiểu giữa nơi đồng không mông quạnh như thế nầy thì vật liệu đâu mà nấu cái gì, chỉ có gà là Tấn biết là “chiến lợi phẩm” của anh em đã thu hoạch được trong mấy ngày qua, hiện vẫn còn 5, 6 con bỏ trong những chiếc lồng tre treo hai bên hông chiếc xe M113 mà có y tá đã giải thích cho Tấn biết, giỏ nào của QY, giỏ nào là của mấy anh thiết giáp nhưng thật ra cũng là của QY chia cho vì khi bắt gà dưới đất, QY (hay nói chung là BĐQ tùng thiết, ngồi trên trần chiếc xe) thì có cơ hội “bay” xuống bắt nhanh hơn rồi sau đó chia cho thiết giáp chớ mấy anh mũ đen ngồi trong xe thì làm cách gì bắt được con gà nào ?

Bữa ăn tuy ở mặt trận sao cũng ngon lành với đầy đủ muỗng, dao, đủa, dĩa các cái như ở nhà... (Nói ra thì sợ mấy bà xã ở nhà buồn chớ thực tình mà nói, cho mấy bà ở cái cảnh nầy, không cách gì bà nào nấu ăn ngon và nhanh bằng mấy ông thần đệ tử QY được...)

Ăn trưa xong chưa bao lâu thì tiếng xạch xạch của chiếc trực thăng đã vang lên tới chỗ Liên đoàn đóng quân và sau khi các quân nhân ra hành quân hay về hậu cứ lên xuống máy bay thì nó đã cất cánh bay trở về mang theo anh Chung sau khi anh nói lời cuối của anh hôm nay có tính cách như gởi gắm Tấn lại cho các quân y tá : Tao về hậu cứ đây, tụi bây ở lại có Bác sĩ Tấn thì không có gì phải lo, tụi bây phải coi Bác sĩ Tấn như thấy tao, riêng tao nhắc tụi bây là đừng lạng quạng với Bác sĩ Tấn gì hết vì tao báo tụi bây tin buồn là Bác sĩ Tấn đánh nhau hay lắm đó, tụi bây chọc tao không sao mà chọc Bác sĩ Tấn là ổng đánh tụi bây hộc máu luôn đó... Bác sĩ là nghề tay trái, nghề chánh của ổng là đánh người ta đó, liệu mà coi chừng ...

Rồi những ngày sau đó, câu chuyện về đời sống của những ngày đầu tiên thực sự trong Quân ngũ của Tấn là những ngày ngồi vắt vẻo trên M113, đầu chịu cái nắng chang chang, nắng đổ lửa đi qua những vùng mà Tấn không biết đâu là đâu. Không có việc làm gì liên quan tới nghề Y của Tấn cả. Không hiểu ở đây thì mưa ra sao và mưa mấy giờ, mấy phút trong một năm ? Đất khô cằn, sỏi đá, cái loại đất đỏ chỉ cần ngó là đã thấy nóng bàn chân rồi... (cũng may khi nhìn lại để xem xét, chân Tấn vẫn còn mang đôi Botte de saut !)

Tưởng tượng những người dân Miên mà Tấn thỉnh thoảng gặp trên đường di chuyển, họ toàn đi chân đất mà sao không thấy họ có vẻ bị nóng chân gì cả !! Giờ ăn thì như đồng hồ, hễ có Y tá nào rống họng lên đói bụng, thế nào lát sau cũng cơm nước sẳn sàng và mỗi bữa ăn, tuy không thịnh soạn theo tiêu chuẩn nhà hàng nhưng có thể nói, đó là những bữa tiệc nho nhỏ mà ở cái gia đình nhỏ của Tấn chỉ có thể xảy ra chừng vài lần mỗi năm. Hễ ngày thì như thế, còn đêm thì đêm nào như đêm nấy, cũng ngủ trên băng ca để sát vào gầm chiếc xe Thiết giáp, cũng chiếc M113 một bên và cái hố cá nhân bên kia.

Giấc ngủ thì yên lành, tuy chỉ qua mấy ngày nhưng Tấn như đã quen với trận địa nên hễ Tấn nằm xuống là ngủ, bất kể ai nói năng gì xin miễn không liên quan tới Tấn là Tấn cứ ngủ. Nhớ có Y tá nói lén Tấn (chắc là hắn ta tưởng Tấn đã ngủ say nên không nghe chăng) Ông Tấn chắc ở nhà không được ngủ hay sao ra đây mà ổng ngủ bạo quá !! Bạo chỉ ở tiếng người ta nói thì nhằm gì, Tấn còn ngủ qua luôn các cú pháo của VC vì cái tụi nầy, có bao giờ chịu ngủ một đêm thẳng giấc ? Đêm nào làm gì cũng phải rót vài tràng pháo như nhắc nhở : Đây là chiến trường chớ không phải khách sạn Majestic !!

Chiến trường hay khách sạn Majestic thì tính sau, Tấn ngủ là Tấn cứ ngủ, chừng nào có lính bị thương hay VC pháo gần quá sẽ hay ! Nói lính bị thương mới nhớ, suốt bao nhiêu ngày Tấn ở chiến trường bên Miên, VC pháo lia lịa hàng đêm mà đơn vị Tấn không dính một con nào hết, chắc thánh nhân cũng đãi kẻ khù khờ là Tấn, không cho lính bị thương lúc Tấn chưa quen chiến trường hay sao đó. Mỗi buổi sáng sớm, Bộ chỉ huy Liên đoàn đầy cả hình ảnh những anh chàng BĐQ, tay cầm xẻng cá nhân, mắt láo liên nhìn chung quanh để dò địa thế mà làm như xem cảnh vật, đi rảo vòng vòng để rồi nhanh như cắt, đã đào chớp nhoáng một cái lổ để sau đó rải mìn cá nhân xuống, xong chùi đít và lấp hố cá nhân đó lại, sau đó lại nhìn trời hiu quạnh, xách xẻng trở về nhiệm sở. Nhìn mà mắc tức cười nhưng cười không được vì trước sau gì, mình cũng là một trong những người yêu cảnh vật đó nên thế nào cũng có mình mắt nhìn quanh quất tưởng chừng như ngắm cảnh thiên nhiên ban mai mà trên tay cầm xẻng !!

Một bữa nọ, Tấn nhớ hoài vì đây là “ca” đầu tiên của Tấn ở đơn vị mà cũng là ca đầu tay của Tấn ở chiến trường.

Một hôm, đang trên đường di chuyển (mà Tấn cũng không biết đi từ đâu để đến đâu?) đoàn xe M113 bỗng đột ngột dừng lại rồi từ chiếc chạy tuốt phía trước chiếc của QY, tiếng mấy anh lính truyền miệng về tới chiếc xe chở Tấn : 78 muốn gặp BS Tấn. (78 là tên gọi trên máy của Trung tá Hồng, Liên đoàn trưởng, xếp của Tấn) Thế là Tấn nhảy xuống xe M113 để đi lên phía trước và trình diện xếp.

Đứng quanh quẩn chung quanh chiếc xe M113 của Trung tá Hồng là một đám người lố nhố, lính BĐQ của đơn vị Tấn cũng có mà còn có một số người vận sà rông, da đen thui và mốc cời. Khi thấy Tấn bước đến, một anh lính đã hô hoán lên : Kìa, Bác sĩ đến rồi đó ! Lúc đó thì Trung tá Hồng quay lại thấy Tấn, ông ta gọi Tấn tới gần rồi chỉ tay về phía những người Miên : Đm, không biết họ có vấn đề gì mà tới đây, chận đoàn quân của mình để kiếm Bác sĩ. Đm, cũng may mình có thằng đệ tử nói được tiếng Miên mới hiểu nó nói cái gì. Đâu, Đm, để tôi biểu nó làm Thông dịch viên cho anh nghe.

Rồi ông ta bảo một anh Hạ sĩ trong toán cận vệ của ông ta, bảo anh nầy làm thông dịch viên cho Tấn và qua anh Hạ sĩ nầy, Tấn được biết vợ của một anh Miên trong đoàn người nầy bị băng huyết chắc cũng nặng nên cả sóc Miên quýnh quáng cả lên, rồi do họ biết có đoàn quân VN trên đường hành quân ngang nên họ chận lại, với hy vọng biết đâu trong đoàn quân VN đó có Bác sĩ để cứu cho người đàn bà Miên nọ. Vấn đề là người đàn bà Miên không có mặt trong đoàn người Miên đi tìm người cứu chữa mà vẫn còn nằm trong sóc mà cái sóc đó cách đây, theo lời những người Miên nói, thì cũng vài cây số. Khi nghe Tấn trình bày câu chuyện lại cho ông Liên đoàn trưởng thì Trung tá Hồng bảo với Tấn là Tùy Bác sĩ, muốn đi cứu con mẹ Miên đó thì đi nhưng vấn đề an ninh thì ra xa Liên đoàn quá có thể không bảo đảm.

Nghe Trung tá Hồng nói, Tấn cũng hơi ớn vì thiệt tình, Tấn có biết đâu là đâu đâu, lỡ đi theo mấy người Miên nầy mà sa vào bẩy của VC dàn cảnh có phải Tấn sẽ bị VC bắt dễ dàng không ? Rồi suy đi nghĩ lại, phần thì ngó gương mặt hớt ha hớt hãi của người chồng Miên mà Tấn cảm động, bụng nghĩ : Vợ bị băng huyết như thế nào mà cả sóc hốt hỏang, nay gặp Bác sĩ vì sợ chết nên không đi cứu được !! Tại Tấn nghĩ vậy nên Tấn mới đề nghị với Trung tá Hồng : Sống chết ai cũng có số, nếu Trung tá nghĩ tới tình trạng an ninh của tôi và sinh mạng của vợ anh Miên nầy thì xin Trung tá cứ cho một toán lính đi theo tôi, tôi sợ thì cũng có sợ thiệt nhưng nghĩ tới sinh mạng của người đàn bà nào đó mà làm ngơ đúng là không yên tâm.

Kết cuộc thì Trung tá Liên đoàn trưởng cho một Tiểu đội cận vệ của ông ta đi theo Tấn, còn Tấn dắt theo quân y tá là Hải nẫu để phụ việc (Tấn chọn Hải nẫu vì thấy cái lon Trung sĩ nhất hy vọng anh ta biết kha khá về y khoa để có thể ứng biến giúp Tấn vì mới quen với đơn vị, Tấn có biết ai giỏi ai dở thế nào đâu ?)

Thế là đoàn người lên đường. Đám người Miên xí xô xí xào đi trước, Tấn với hơn một Tiểu đội Biệt động Quân lầm lũi theo sau mà mục tiêu thiệt tình đám lính tráng có ai biết là đâu nhất là Tấn, vừa là lính mới vừa cái quang cảnh trên đất Miên thiệt khó lòng nhận được vị trí của mình. Trên trời cứ nắng đổ lửa, dưới đất không cảnh vật gì đặc biệt, chỉ có đất đỏ và vài cây thốt nốt đó đây.

Nhìn 4 phía thiệt giống hệt nhau, cho vàng Tấn cũng chịu thua, không thể nào định hướng được mình ở đâu tuy nhờ mặt trời Tấn còn có thể nói hướng Đông Tây Nam Bắc ! (Nói mặt trời để định hướng Đông Tây Nam Bắc là lý thuyết chớ ở nơi nắng nóng đổ lửa như bên Miên, sao Tấn thấy mặt trời hình như lúc nào cũng ở trên đỉnh đầu ?) Giả sữ đi chừng 15, 20 phút rồi bảo Tấn quay trở lại chỗ đóng quân Liên đoàn hồi sáng một mình, Tấn cũng đành chịu thua. Nói vậy chớ Tấn cũng lẳng lặng đi theo đoàn người, trong trí thì ráng hết sức mà nhớ đường quay lại nếu cần.

Không biết xa gần, chỉ biết đường đi tới cái sóc trơ trọi giữa cánh đồng đá đỏ lổn ngổn kéo dài chừng 2 tiếng đồng hồ đi bộ (và để cho các độc giả biết cái sóc là gì, cái sóc không là thôn, là làng gì cả mà chỉ là tập họp một xóm gồm một nhóm nhà sống hiu quạnh, hoang sơ giữa đồng trơ trọi bên Miên) Ở đây, cái sóc gồm chừng dưới hai chục cái chòi đất, gọi là chòi đất vì cách cấu trúc đều giống nhau, cái nào cũng hình tròn - không tròn - hay chữ nhật nhỏ xíu, kể ra giống như cái nhà kho chứa dụng cụ để sau sân nhà bên Mỹ, nóc thì lợp lá (đủ loại lá chớ không phải lá dừa như ở thôn quê VN) và vách thì bằng đất ướt, trét lên cái sườn nhà (bằng cây gì Tấn cũng không biết vì ở cái sóc Tấn đến, có thấy cái cây nào đâu để làm sườn nhà ?) và cái chòi Tấn đến khám bệnh có vẻ là cái chòi duy nhất trong sóc thấy có sinh hoạt một chút vì có người ra, kẻ vô, người đứng trước cửa, còn bao nhiêu cái chòi khác thì im ỉm, không biết có người ở hay không nữa ?

Cái cảm tưởng đầu tiên của Tấn khi bước chân vào cái chòi có người bệnh (tuy chưa thấy người bệnh là ai, nằm ở đâu cả) là Tấn đã thấy muốn bệnh !! Trời bên ngoài đã nóng và khô thấy sợ, bên trong chòi còn nóng, khô và “hầm” nữa vì không khí có vẻ như bị “ú” lại bên trong, không di chuyển được chút nào. Mấy người trong chòi đứng cả dậy, tránh ra nhường đường cho Tấn và Hải nẫu và nhờ đó, Tấn thấy trên sàn nhà (tức là mặt đất giống như bên ngoài, chỉ khác là bên trong cái vách chòi) là một người đàn bà Miên, đen đúa, xấu xí thêm cái nhăn nhó vì đau đớn, cái xanh mướt vì mất máu nên mức độ xấu xí của bà ta càng tăng lên gấp bội.

Một anh Miên trong đoàn người ra đón đoàn xe BĐQ nói một tràng tiếng Miên (dĩ nhiên Tấn không hiểu gì cả) và Hải nẫu phiên dịch rằng : Người đàn bà đó là vợ anh ta, có bầu tính ra mấy trăng rồi và hiện ra máu cũng đã 3, 4 ngày nay. Chắc không cần làm nội trú ở Sản Phụ Khoa, ai trong lớp Tấn cũng dư đoán ra được ngay là bà nầy một là hư thai, hai là biến chứng sao đó do cái thai mà ra... Tấn lập tức nghĩ tới khám thai bà ta nhưng tự nghĩ mình cũng dơ dáy, nhớp nhúa tuy ngồi trên nóc Thiết vận xa nhưng mấy bữa nay có tắm rửa gì đâu lại mồ hôi, mồ kê nhễ nhại do trời nắng nóng phủ lên bộ đồ trận mặc lia lịa không cởi từ bữa ở nhà thương Từ Dũ ra đi lên đơn vị tới giờ.

Tuy nhiên, Tấn bằng một giọng bình tỉnh, biểu Hải nẫu thông dịch là trước hết, chỉ cho Tấn chỗ nào để có thể rửa tay sạch sẽ được, có xà phòng càng tốt với một cái khăn sạch để lau tay, thứ nữa là mọi người sẽ phải ra ngoài căn chòi hết, chỉ để lại anh chồng cho Tấn hỏi han những chi tiết cần thiết về vợ anh ta.

Trong khi chờ đợi, Tấn soạn cái túi đựng đồ cấp cứu của Hải nẫu mang theo coi có cái gì có thể “sẽ” cần đến và “có thể dùng được”. Tuy những y cụ trong túi cấp cứu của Hải đem theo toàn đồ “sạch”, đã hấp sẳn từ trước nhưng trong bụng Tấn vẫn lo là làm gì đi hành quân của Biệt động Quân lại có dụng cụ để nạo thai ? Đúng là về phương diện Y khoa thì Tấn thấy không có gì phải lo nhưng thực tế, bữa đó ở bên Kampuchia, Tấn đã vái van luôn miệng cho trong túi cứu thương của y tá Hải nẫu có bất cứ cái gì coi như “tạm thời” xài được trong trường hợp nầy.

Trời không nỡ phụ lòng người hay thánh nhân đãi kẻ khù khờ ? Trong túi cứu thương của Hải có được cái sonde kim loại để dùng cho đàn ông, ít ra còn hơn là không có gì ! Tấn bắt đầu khám bà Miên, chỉ chừa phần khám chính là TV thì Tấn để đó, đợi rửa tay đàng hoàng mới dám làm. Nói chung, những dấu hiệu lâm sàng coi như Tấn khám kỷ tất cả nhưng tới đây, Tấn cũng chẳng thấy gì ngoài triệu chứng mất máu nhiều và, qua lời khai “chập chờn” của ông chồng Miên không biết tiếng Việt cũng như sự “thông thạo đáng ngờ” tiếng Miên của Hải nẫu, bà bệnh nhân của Tấn hiện có thai khoảng hơn 2 tháng (dựa vào ngày thấy kinh lần chót không bảo đảm là bả nhớ đúng hay ông chồng dịch đúng) Tấn bèn đi tới cái kết luận tạm thời, chắc là bả mới có thai và hư thai, nhưng vấn đề là nếu phải nạo thai, Tấn sẽ phải nạo bằng cái gì ? Dụng cụ cho Biệt động Quân đi hành quân thì làm gì có cái để nạo thai chớ ? Tấn thiệt là lùng bùng... nhưng trong khi chờ đợi, để câu giờ, Tấn liền ra sau chòi để rửa tay cho sạch sẽ. Trước bao nhiêu cặp mắt nhìn Tấn như chờ đợi, như tin tưởng, Tấn thấy mình thật yếu đuối và... bất lực. Giả sử ca nầy gặp Tấn trong BV Nguyễn văn Học nửa năm trước thì có ra gì, tại sao con người lại gặp chuyện rắc rối ở hoàn cảnh khốn cùng như vầy chớ ?

Nói vậy chớ Trời thương rồi cái gì cũng qua. Chắc là Trời thương bà Miên thì đúng hơn vì theo Tấn nghĩ, bả có gặp đơn vị Tấn đi ngang rồi ra lôi Tấn thì bả mới sống sót chớ còn tài cán thì Tấn có bao nhiêu và nhất là dụng cụ thì có ra gì ? Chỉ khám âm đạo sau khi rửa tay sạch sẻ và mời hết mọi người ra bên ngoài chỉ trừ ông chồng và Hãi nẫu của Tấn để phụ Tấn lỡ có cần gì. Khi khám âm đạo, nói nào ngay, âm đạo bà nầy cũng rộng và do cái process hư thai cũng làm cổ tử cung mở to hơn bình thường và mềm nên Tấn cố hết sức dùng một ngón tay với sự phụ giúp của cái sonde nước tiểu đàn ông Hải nẫu đem theo để “ngoéo”, để móc, để cào, để làm đủ kiểu cho cái mục đích là lôi cái thai đã hư ra được càng nhiều càng tốt và cái nầy là Trời thương Tấn nên cái thai cũng nhỏ và đã “tự giác” nhào ra gần hết rồi nên chỉ sau chừng nửa giờ vật lộn với nó, Tấn coi như không biết làm gì hơn và cái thai coi như đã được “nạo” sạch rồi.

Khi Tấn đứng lên, tháo bỏ đôi găng tay để ra phía sau chòi rửa tay thì Trung sĩ Hải bắt đầu tóm thu đồ đạc và lúc Tấn trở vào thì anh chàng đang đứng tán “láo” với đám cận vệ ngoài trước sân. Thiệt tình nghe anh chàng “ca” về mình mà Tấn mắc cở, khi nghe mấy anh lính Biệt động kia hỏi han về tình trạng bệnh cũng như của bệnh nhân, anh chàng đã nói Có cái gì mà bác sĩ của tao không làm được hả mậy ? Hễ gặp ổng là ngon lành liền !! Bà nội nó, cứ ca Bác sĩ giỏi ! cở như còn sót thai hay sót chút máu đông lại trong đó chưa ra thì vài bữa nữa, bà người Miên sẽ lên cơn sốt mà chết được chưa nói số lượng máu bị mất đã làm sức khỏe của bả cũng đã yếu đi quá nhiều... Tấn ra lệnh cho Hải chích cho bả một mũi Vit K (cho gọi là có chích choác cho yên về tâm lý bệnh nhân chớ cầm máu được khỉ gì!) một mũi coramine để trợ tim cho bả nghe khoẻ hơn và để lại cho bả một đống thuốc bổ, dặn dò anh chồng Miên bằng cái loại tiếng nói, chỉ dặn có mấy thứ thuốc sinh tố để uống mà mỏi cả tay !

Thầy trò lẽo đẽo theo toán cận vệ của ông Trung tá cho đi theo lên đường trở về nơi Liên đoàn đóng đêm nay. Tấn thật tình mà nói, giả sử cái toán đó dẫn đi lạc Tấn cũng không thể biết được vì khung cảnh địa dư thật khó lòng nhận diện vì cây cối không có chỉ trừ vào ngọn thốt nốt xa xa và rời rạc, không sông, không núi, không đường đi. Tuy là Tấn sinh hoạt Hướng đạo từ năm 6 tuổi nhưng đứng trước khung cảnh nầy, Tấn thật chịu thua không cách chi tìm ra phương hướng. Cái ngộ nhất là mặt trời đi từ Đông sang Tây nhưng ở bên Miên, hình như mặt trời lúc nào cũng ở trên đỉnh đầu vì nắng nóng sao quá chừng và cái bóng của mình sao không ngã dài mà như “dồn cục” dưới chân ?

Thì ra sau khi hai thầy trò QY được tiểu đội cận vệ yểm trợ đi khỏi, Trung tá LĐT đã ra lệnh cho LĐ dừng lại ngay chỗ đó để cắm quân qua đêm, nói gì thì nói, mới đi có mấy tiếng đồng hồ mà khi trở về, thấy bóng những người lính rằn ri xa xa với hình dáng của những chiếc M113 lù lù ra đó là lòng Tấn thấy như ấm lại và vui kể gì...

Đêm đó, như để thưởng công cho Tấn, ông Trời đã biểu tụi VC ngủ thẳng giấc một đêm để Liên đoàn cũng được hưởng một đêm an bình không có bị pháo kích. Kể ra, cuộc đời hành quân của Tấn ở Kampuchia tuy kéo dài không lâu, chỉ trên dưới nửa tháng nhưng không có nét gì đặc biệt ngoài chuyện ban ngày thì thầy trò QY phơi đầu dưới cái nắng đổ lửa, chung quanh là những trãng, tức là những khoảng đất trống rộng lớn nhưng không phải là ruộng bỏ hoang mà chỉ là những đồng cát đỏ với loại đá nhỏ rải đầy. Đất xấu như vậy chẳng trách gì người dân Kampuchia nghèo là phải vì với cái đất nầy, thiệt tình muốn trồng cái gì cho có cái ăn cũng thiệt không sao được...

Một buổi chiều tối nọ, đoàn xe ngừng lại ở một xóm nghèo với hình thù của bao nhiêu là quán bên đường và như thông lệ, lính tráng từ trên các trần xe M113 tràn xuống để kiếm ăn kiếm uống gì đó và giây phút sau thì quán nào cũng toàn lính BĐQ. Tấn biết làm gì hơn nên cũng thả bước vào một chiếc quán lá, bày biện thô sơ với một cái tủ nhỏ đựng bao nhiêu chai nước ngọt của BGI Saigon, trong quán thì lính BĐQ ngồi đầy.

Mới đi hành quân chẳng bao lâu, Tấn thấy lại những chai xá xị Con cọp, nước cam đỏ, bạc hà xanh thắm sắp đầy sau tấm kính của cái quầy làm Tấn mê quá nên... lựng khựng, không biết diễn tả tiếng Miên làm sao để mua một chai xá xị. Ai ngờ cô bé bán hàng hỏi Tấn bằng tiếng Việt : Mua gì đó chú ?

Tấn mừng rỡ thực sự, nói với những người lính chung quanh : Ê, cô bé nầy biết nói tiếng Việt đó anh em ! Cô bé nhìn Tấn như một con quái vật cô mới thấy lần đầu :
- Chú nầy ăn nói vô duyên dữ hông ? Người Việt không nói tiếng Việt thì nói tiếng gì ? Bộ chú tưởng tui nói tiếng Chệt hả ?

Tấn trả lời cho cô bé :
- Xin lỗi cô bé, tại tui tưởng tui còn ở bên Miên nên nảy giờ tui muốn mua chai Xá xị mà... không biết nói làm sao...
- Người Việt nam ở Việt nam mà chú tưởng tui chỉ nói tiếng Miên thôi sao ?
- Cô bé nói ở Việt nam, tại hổm nay tui ở bên Miên nên đâu biết ở đây là Việt nam...
- Ở đây không là Việt nam chớ ở đâu ?
- Tui đâu có biết ! Đây là đâu vậy cô bé ?
- Đây là xã Phước Tân thuộc tỉnh Tây ninh nè ông nội... Chú nầy chưa thấy già mà sao lẩm cẩm quá trời đi...

Nói thật, Tấn nghe mình về tới Việt nam rồi sao lòng mừng hết sức mừng. Đọc truyện thấy người đi xa về tới nước nhà, có người đã quỳ xuống hôn lên mặt đất và thực sự, Tấn cũng muốn làm như vậy có điều Tấn tự thấy mừng sao quá mừng mà làm vậy thì có hơi quá đà nên Tấn chỉ vui vẻ hết sức, trả tiền cho cô bán hàng và cầm chai Xá xị con cọp ra khỏi quán mà lòng tưởng như mình mới gặp lại một người yêu xưa cũ đã xa tới những... hơn 10 ngày !!

Đó là những cảm nghĩ của một con người ngây thơ trước đời sống mới, lần đầu tiên xa gia đình để đi vào vùng lửa đạn ở quê người khác không phải trên quê hương mình và bất ngờ trở lại quê hương trong một hoàn cảnh hoàn toàn bất ngờ... Mấy mươi năm sau, nghĩ tới câu chuyện với cô bé bán hàng ở chợ xã Phước Tân, Tây ninh, Tấn vẫn cười cho mình... và cười một mình...

Mấy ngày liên tiếp sau đó, đoàn quân tiếp tục rút về sâu trong nội địa VN. Tấn được dịp đi ngang những vùng mà anh nghĩ nếu không có đi lính, thật không bao giờ có dịp biết được. Những quán, làng, thôn xóm với những đồng ruộng xanh ngát và những vườn cây xanh um trông thật tốt tươi thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh. Đêm nọ, BCH LĐ đóng lại trong một cái làng nhỏ ở vùng chân núi Bà đen và QY được chia cho cái sân nhà trong vườn xoài.

Tới trưa, Tấn mở cái cáng cứu thương ra để nằm dưới gốc cây xoài, gió hiu hiu thật dễ chịu. Nhìn lên trên đầu toàn xoài và xoài, Tấn chưa thấy trái nào chín cả nên không hái trong khi mấy quân y tá đề nghị trưa nay mình kho thịt ăn với xoài sống bằm nghe thật hấp dẫn và Tấn nhắc nhở có hái xoài nhớ mua đàng hoàng chớ không được hái ngang, nếu anh biết được sẽ có chuyện với anh. Đám y tá nhìn anh tỏ ra ngạc nhiên hết sức vì có lẽ đây là cái lệnh đầu tiên không giống bất cứ lệnh nào của các Sĩ quan ban ra từ trước đến giờ.

Tuy nhiên, họ cũng không dám làm ngược lại ý muốn của anh nhưng anh là người trả tiền vì cũng như những người lính tác chiến, lính QY cũng thuộc loại tiền lính tính liền !! Buổi chiều, Tấn được tắm rửa thỏa thích ở sàn nước trong sân rồi thả dài theo con lộ đất nơi anh đóng quân và thấy lính đơn vị anh ở trãi dài suốt cả đoạn đường, cuộc sống có vẻ thanh bình thế nào với những mái nhà tranh vách đất và khói lam của bữa cơm chiều quyện trên nóc nhà dân.

Đóng ở vườn xoài dưới chân núi Bà Đen một đêm rồi ngày hôm sau cả đoàn quân lại lọc tọc lên xe M-113 đi tiếp. Tấn rất vui vì buổi sáng hôm đó trước khi nhổ trại, anh được ăn điểm tâm xôi cuốn bánh phồng thật ngon vì đây là một món thuần túy ở thôn quê miền Nam mới có cũng như mấy ngày nay đi theo hành quân, tuy đệ tử nấu ăn cũng ngon lành nhưng thiếu chất hơi nhiều nên chỉ xôi trát đậu xanh, rắc chút đường và dừa bào là đã thấy tác dụng ngay !!

Trưa hôm đó, đoàn xe chạy ngang tỉnh lỵ Tây Ninh, ngồi vắt vẻo lúc chạy ngang trường Trung học Tỉnh lỵ với bóng học sinh, trai thì quần xanh áo trắng, gái thì áo dài trắng tấp nập trong sân trường bóng mát, Tấn nhớ lại mới hôm nào anh cũng là một học sinh quần xanh áo trắng ngày hai buổi đến trường như họ. Và anh liên tưởng mới hôm nào, cũng có một nữ sinh mặc áo dài trắng đến tìm anh trong BV Nguyễn văn Học, anh chỉ biết thở dài...

Ngẫm lại như chuyện cổ tích tự thuở nào. LĐ đóng ở ấp Trà Võ nằm nửa đường từ Gò Dầu Hạ tới Tây Ninh. Tới đây thì các Thiết vận xa chia tay cùng LĐ5 BĐQ rồi đi đâu không biết. Riêng LĐ chia ra đóng rãi rác dọc theo con lộ. BCH thì đóng quân ngay cạnh chợ Trà Võ và QY thì ở trong một nhà dân. Lính tráng tíu tít lo chuyện phòng thủ. Tấn được Trung tá LĐT gọi lên cho biết LĐ sẽ nghĩ dưỡng quân ở đây cho tới khi có lệnh hành quân mới.

Tấn đề nghị cùng ông ta là QY nếu ở lâu một chút sẽ mở trạm khám bệnh Dân sự vụ nghĩa là khám bệnh luôn cho dân địa phương và ông ta bằng lòng. Thế là trong thời gian ở Trà Võ, ngày ngày buổi sáng QY lo khám bệnh cho lính ở các Tiểu đoàn cũng như dân chúng trong vùng, buổi chiều nhàn hạ, ngủ trưa, đi vòng vòng chợ, có khi Tấn theo các Sĩ quan trong BCH chạy xuống Gò Dầu Hạ hay chợ Tây Ninh chơi cho biết.Ở Gò Dầu Hạ có chợ trời mua bán hàng lên xuống từ Kampuchia.

Có một hôm, Tấn táo bạo lái xe Jeep chạy thẳng về Saigon thăm gia đình trong mấy tiếng đồng hồ ! Cũng thời gian ở Trà Võ, nhờ dự một cuộc họp Sĩ quan toàn Liên đoàn nên Tấn biết mặt được các Sĩ quan Tiểu đoàn trưởng là các Thiếu tá Thủy của TĐ 30 (tên gọi trên máy là Thủy Tiên) Danh, TĐ 33 (Trí Dũng) và Khang của TĐ 38 (Alpha). Các TĐT nầy cũng mới gặp Tấn lần đầu và ai cũng vui vẻ niềm nở chào mừng Bác sĩ mới của đơn vị.

Riêng Thủy Tiên thì Tấn không gọi bằng cấp bậc như các ông kia mà gọi là anh và xưng em với ông ta vì Thủy Tiên tình cờ lại là anh ruột của Vân là bạn học hồi Trung học của Tấn và Tấn biết anh Thủy từ khi anh còn trong trường Võ Bị Dalat) (Trí Dũng khoá 18 và Alpha khóa 19 Võ bị Đalat cùng khóa với anh Thủy) Nhớ hồi vừa xong Tú tài 2, Tấn cũng đã nhấp nhổm muốn vào Võ bị Dalat nhưng Mẹ cản lại, nếu không Tấn cũng là Võ bị Khóa 21 như các bạn của anh. Cũng vì vậy, Tấn lúc nào cũng coi các Sĩ quan Võ Bị trên khóa 21 như đàn anh của mình. Có người cho Bác sĩ không là đàn em của ai hết, nhưng Tấn nghĩ khác, anh nghĩ mỗi người có một nghề riêng, có kẻ đi lính tác chiến, thì mới có người đi học, do đó, anh không bao giờ kiêu ngạo, mà lúc nào cũng khiêm tốn, nhất là đối với những người lớn tuổi, hơn cấp hay có một cái gì xứng đáng là đàn anh của mình. Cũng nhờ vậy, tuy chưa ở lâu trong đơn vị, nhưng các Sĩ quan trẻ có vẻ thích Tấn và lính cũng tỏ ra thích anh do sự siêng năng làm việc của anh.

Nguyễn Ngọc Ấn
Share Người Lính Già TQ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét