Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 24 tháng 10, 2023

Kính Chuyển Việt Nam Hôm Nay & Vài Tin Đáng Chú Ý! - Lê Văn Hải


(Hình: Công an đang làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân cho người dân.)
Không còn tự do cá nhân, dưới chế độ độc tài: Bộ Công an đề xuất thu thập số điện thoại vào cơ sở dữ liệu dân cư! (Minh Long) -Bộ Công an đề xuất thu thập, cập nhật thông tin về nhóm máu, số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử… vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ Công an đang chủ trì xây dựng luật Căn cước nhằm sửa đổi, bổ sung cho luật Căn cước công dân năm 2014 đang có hiệu lực. Theo quy định hiện hành, có 15 trường thông tin được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gồm: họ tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh, quê quán, nhóm máu, tình trạng hôn nhân…
<!>
Trong dự thảo, Bộ Công an đề xuất tăng lên 26 trường thông tin được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Một số nhóm thông tin mới gồm: số định danh cá nhân, họ tên khác, nơi sinh, số chứng minh nhân dân 9 số, số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử…

Bộ Công an cho biết các thông tin được chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là thông tin của công dân bắt buộc phải thu thập gồm: họ tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh… Các thông tin này dùng để tạo lập số định danh cá nhân, giúp phân biệt người này với người khác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ công tác quản lý dân cư.

Nhóm thứ hai là các thông tin còn lại, gồm nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại… là những thông tin cần thiết phải có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương; đáp ứng các mục tiêu chuyển đổi số của Đề án số 06.

Công dân có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan nhà nước khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công và được bảo đảm quyền lợi của công dân khi sử dụng các tiện ích, giá trị do Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mang lại.

Trước đề xuất trên, nhiều người cho rằng việc thu thập dữ liệu thông tin là nhóm máu và số điện thoại di động làm tăng nguy cơ lộ lọt thông tin, dù cho Bộ Công an khẳng định là chặt chẽ, nhanh chóng, an toàn, thuận lợi…


Võ Văn Thưởng mời đồ tể Putin thăm Việt Nam, thách thức tòa quốc tế (ICC)


(Hình: Võ Văn Thưởng và Putin)

-Với việc đưa ra mời Putin thăm Việt Nam, Võ Văn Thưởng công khai thách thức trát bắt ông này của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) hồi tháng 3/2023.

Báo đảng hôm 17/10 cho hay, khi cùng đến Bắc Kinh dự họp Vành đai-Con đường, Võ Văn Thưởng mời Putin thăm Hà Nội và nhấn mạnh Việt Nam “luôn coi Nga là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu” và “mong muốn cùng Nga phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trên mọi lĩnh vực vì lợi ích của người dân mỗi nước.”

Putin được ghi nhận “vui vẻ nhận lời” nhưng không rõ thời điểm ông này thăm Hà Nội.

Putin, Thưởng và Taliban được coi là “bộ ba” tại “hội nghị bất hảo” do Tập Cận Bình làm chủ xị tại Bắc Kinh.

Hồi tháng 3/2023, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ đối với Vladimir Putin và thuộc cấp, Maria Alekseyevna Lvova-Belova, Ủy viên về Quyền Trẻ em tại Văn phòng Tổng thống Liên bang Nga, vì trục xuất và chuyển giao bất hợp pháp trẻ em từ các khu vực của Ukraine sang Nga trong lúc xâm lược Ukraine.

Đây là lệnh bắt giam đầu tiên chống lại nhà lãnh đạo của một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

123 quốc gia thành viên của ICC có nghĩa vụ giam giữ và giao Putin cho tòa án nếu ông ta đặt chân lên lãnh thổ của họ.

Cũng vì lệnh này mà Putin không dám công du ở nước nào khác ngoài một số đồng minh “bất hảo” như Trung Quốc. (Đất Việt _ October 17, 2023)


Việt Nam tôi đâu? Tàu cá Trung Cộng ngang nhiên đến Phú Quý, Việt Cộng thì câm nín!


(Hình: Tàu cá Việt Nam bị tàu Hải Cảnh Trung Quốc đâm chìm được kéo về bến)

-Tin về tàu Trung Quốc ngang nhiên hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam được xác nhận chỉ hai ngày trước khi Võ Văn Thưởng đến Bắc Kinh dự cuộc họp ca ngợi kế hoạch kết nối “Vành Đai – Con Đường” bành trướng thế lực kinh tế và chính trị trên thế giới của Trung Quốc.

Nhiều tàu đánh cá Trung Quốc ngang nhiên hoạt động gần đảo Phú Quý của Việt Nam, nhưng nhà cầm quyền CSVN vẫn nín lặng.

Ông Ray Powell, người đứng đầu dự án Project Myoushu theo dõi tình hình thời sự Biển Đông tại đại học Stanford, California, viết trên mạng X (trước đây là Twitter) rằng, “Ngày 18 Tháng Mười, một đoàn tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động ở phía Đông của đảo Phú Quý, giữa khoảng 50 đến 100 hải lý,” tức là hoàn toàn nằm trong phạm vi vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Ông Powell chỉ đưa tin vắn tắt như trên, không xác định bao nhiêu tàu Trung Quốc xâm phạm và cũng không nói gì về sự có mặt hay không của lực lượng Cảnh Sát Biển hoặc Kiểm Ngư của Việt Nam.

Ông chỉ nêu ra sự kiện các tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển đặc quyến kinh tế 200 hải lý của Việt Nam mà không thấy có phản ứng gì của Bộ Ngoại Giao CSVN.

Đảo Phú Quý là một huyện đảo, gồm 12 đảo lớn nhỏ, thuộc tỉnh Bình Thuận có 28,000 dân hầu hết sống về nghề biển, cách thành phố Phan Thiết 56 hải lý (104 km) về hướng Đông Nam.

Mới ngày 21 Tháng Chín, tướng Bùi Quốc Oai, chính ủy Cảnh Sát Biển, đến đảo Phú Quý “tuyên truyền chống khai thác thủy sản bất hợp pháp cho ngư dân huyện đảo Phú Quý.”

Trong khi đó, không thấy tướng Cảnh Sát Biển vừa kể có một lời nhắc nhở nào liên quan tới việc đề phòng tàu đánh cá nước ngoài khai thác thủy sản bất hợp pháp trong vùng biển đặc quyền kinh tế của nước mình. Nơi đây Việt Nam đặt một đài radar theo dõi các hoạt động trên không và trên biển ở khu vực, được khoe là “mắt thần” canh giữ biển trời quê hương.

Hiện nhà cầm quyền CSVN đang cố gắng ngăn chặn ngư dân đánh cá bất hợp pháp ở vùng biển các nước khác để gỡ “thẻ vàng” bị Liên Âu đe dọa cấm xuất cảng thủy sản.

Mấy năm trước, báo chí trong nước thỉnh thoảng đưa tin chận bắt một vài chiếc tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển Việt Nam.

Như hồi Tháng Tám 2020, một tàu đánh cá Trung Quốc vào đánh cá sâu trong vùng biển Việt Nam chỉ cách đảo Cồn Cỏ của tỉnh Quảng Trị có 11 hải lý hướng Đông Bắc. Tàu này chỉ bị cảnh cáo rồi đuổi đi trong khi rất nhiều tàu đánh cá của Việt Nam đã bị tàu Hải Cảnh Trung Quốc đâm chìm khi hoạt động trong vùng biển quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền.

Tin về tàu Trung Quốc ngang nhiên hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam được xác nhận chỉ hai ngày trước khi Võ Văn Thưởng đến Bắc Kinh dự cuộc họp ca ngợi kế hoạch kết nối “Vành Đai – Con Đường” bành trướng thế lực kinh tế và chính trị trên thế giới của Trung Quốc.

Guồng máy tuyên truyền của CSVN thuật lời ông Thưởng “đề nghị hai bên nỗ lực tạo không khí thuận lợi cho tổng thể quan hệ song phương đang tiến triển tốt đẹp, tăng cường tuyên truyền hữu nghị, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động giao lưu nhân dân, thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực hợp tác thực chất…” đi kèm những lời kêu gọi “tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau…” dù trên thực tế hoàn toàn ngược lại.


Việt Nam chờ đợi kết quả gỡ ‘thẻ vàng’ IUU sau lần kiểm tra thứ 4
(Tuấn Minh)


(Ảnh: EC dự kiến kiểm tra Việt Nam lần thứ 5 vào giữa năm 2024.)

-Việt Nam vừa trải qua lần thanh tra lần thứ 4 của việc gỡ ‘thẻ vàng’ chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), được thực hiện bởi Ủy ban châu Âu (EC).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Phùng Đức Tiến cho biết sau đợt kiểm tra lần thứ 4, đoàn thanh tra phải báo cáo với Tổng vụ các vấn đề biển và thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC), việc gỡ ‘thẻ vàng’ của Việt Nam lúc đó mới có kết luận chính thức, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Theo ông Tiến, vấn đề mấu chốt là kết quả tổ chức thực hiện trên thực tế tại địa phương đến nay vẫn còn hạn chế trong việc theo dõi, kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá, xử phạt vi phạm khai thác IUU, chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp gian lận chưa đủ.

Đoàn thanh tra cũng đề nghị kiểm soát, không để tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Không để tàu mất kết nối 10 ngày, không để tàu “3 không” như không đăng kiểm, không đăng ký, không giấy phép.

Lãnh đạo Bộ này cũng cho hay dự kiến tháng 5 hoặc tháng 6/2024, EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ 5. Do đó, Việt Nam cần phải có hệ thống kết nối với thiết bị VMS trực 24/24 để phát hiện sớm tàu vượt ranh giới, mất kết nối.

Về khung pháp lý, Đoàn cơ bản thống nhất với dự thảo 2 nghị định sửa đổi, bổ sung đối với: Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.


Việt Nam bắt hàng loạt lãnh đạo ngành đất hiếm, gây lo ngại về kế hoạch cạnh tranh với Trung Cộng


(Hình: Bảng chỉ đường đến Đông Pao, mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam. Công an Việt Nam vừa bắt giữ 6 người trong ngành đất hiếm, bao gồm cả chủ tịch một công ty tham gia đấu giá khai thác mỏ Đông Pao.)

-Công an Việt Nam vừa bắt giữ sáu người bị cáo buộc vi phạm các quy định về khai thác mỏ, trong đó có chủ tịch của một công ty đi đầu trong nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp đất hiếm để có thể cạnh tranh với sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực này, Reuters và truyền thông trong nước dẫn thông tin từ Bộ Công an cho biết hôm 20/10.

Trước đó, Việt Nam cho biết đang có kế hoạch bán đấu giá các nhượng quyền khai thác đất hiếm mới vào cuối năm nay.

Trong số những người bị bắt có lãnh đạo của ít nhất một công ty tham gia đấu thầu là Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE).

Chủ tịch của VTRE, ông Lưu Anh Tuấn, đã bị buộc tội giả mạo biên lai thuế giá trị gia tăng khi mua bán đất hiếm với Tập đoàn Thái Dương, công ty điều hành một mỏ ở tỉnh Yên Bái, miền bắc Việt Nam.

Hồi đầu tháng này, ông Lưu Anh Tuấn cho báo giới Việt Nam biết về kế hoạch đấu giá khai thác mỏ đất hiếm lớn nhất trong nước là mỏ Đông Pao ở tỉnh Lai Châu, giữa bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực tham gia vào chuỗi cung ứng đất hiếm, trong lúc các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ, đang muốn giảm bớt sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực này.

VTRE đã hợp tác với các công ty khai thác mỏ của Úc là Australian Strategic Materials (ASM) và Blackstone Minerals (đơn vị đàm phán đấu thầu các mỏ đất hiếm với Việt Nam). Các công ty này không có tên trong cuộc điều tra của cơ quan chức năng Việt Nam.

Hãng tin Reuters đã gọi cho ông Tuấn hôm 20/10 nhưng không được trả lời. Một người có mặt tại tòa nhà cho hãng tin của Anh biết văn phòng của VTRE tại Hà Nội đã đóng cửa nhiều ngày qua.

Blackstone cho biết vào tháng 9 rằng họ đã đồng ý hợp tác với VTRE để giành được quyền nhượng quyền tại mỏ Đông Pao. Một giám đốc điều hành của Blackstone nói với Reuters rằng khoản đầu tư của họ vào dự án sẽ lên tới khoảng 100 triệu USD nếu giành được nhượng quyền.

ASM đã ký thỏa thuận ràng buộc vào tháng 4 với VTRE về việc mua 100 tấn đất hiếm đã qua chế biến trong năm nay và cam kết đàm phán một thỏa thuận cung cấp dài hạn hơn.

Cả Blackstone và ASM đều không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về việc liệu các thỏa thuận của họ với VTRE có bị ảnh hưởng bởi vụ bắt giữ chủ tịch công ty hay không.

Cổ phiếu Blackstone đã giảm hơn 8% vào thứ Sáu, trong khi giá trị cổ phiếu ASM vẫn ổn định. Nguyên nhân khiến cổ phiếu Blackstone sụt giảm vẫn chưa rõ.

Theo ước tính của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm (loại khoáng sản đặc biệt dành cho việc sản xuất các sản phẩm công nghệ kỹ thuật cao) lớn thứ hai trên thế giới với 22 triệu tấn. Trung Quốc có trữ lượng đất hiếm lớn nhất với 44 triệu tấn, đứng thứ ba là Brazil với 21 triệu tấn.

Tuy nhiên, phần lớn đất hiếm ở Việt Nam vẫn chưa được khai thác, đầu tư không được khuyến khích vì giá thấp do Trung Quốc ấn định và do nước này gần như độc quyền trên thị trường toàn cầu.

TIÊU THỤ BẤT HỢP PHÁP

Ngoài ông Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Thái Dương, ông Đoàn Văn Huân, cũng bị bắt với cáo buộc kiếm 632 tỷ đồng (25,80 triệu USD) từ việc bán trái phép quặng khai thác từ mỏ mà công ty ông điều hành ở tỉnh Yên Bái.

Trước đó, vào ngày 9/10, cảnh sát điều tra đã khám xét khẩn cấp 21 địa điểm khai thác, tập kết và kinh doanh đất hiếm ở Yên Bái và đã tạm giữ 13.715 tấn quặng đất hiếm và hơn 1.400 tấn quặng sắt, Tiền Phong dẫn thông tin của Bộ Công an cho biết hôm 20/10.

Phía công an nói ông Đoàn Văn Huấn và ông Nguyễn Văn Chính, Phó tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng của Tập đoàn Thái Dương đã tổ chức khai thác và tiêu thụ trái phép hơn 11.000 tấn quặng đất hiếm và gần 153 triệu kg quặng sắt, với tổng giá trị khoảng 632 tỷ đồng.


Tuyên bố của chính phủ không nói rõ vì sao việc mua bán quặng đất hiếm của các lãnh đạo và công ty trên lại trở nên bất hợp pháp, nhưng Reuters dẫn lời một người biết trực tiếp về vấn đề này nói rằng quặng thô ở mỏ Yên Bái đã được xuất khẩu sang Trung Quốc do chi phí tinh luyện trong nước đối với loại quặng này không có lãi.

Theo quy định của Việt Nam, việc xuất khẩu quặng thô phần lớn bị hạn chế vì Việt Nam đang muốn tăng cường khả năng tinh chế.

Chính quyền gần đây cũng đã tăng cường trấn áp hoạt động khai thác đất hiếm bất hợp pháp từ các mỏ bị bỏ quên hoặc bỏ hoang, vẫn theo Reuters.

Ngoài các lãnh đạo trên, còn có Giám đốc Đặng Trần Chí, Kế toán Phạm Thị Hà của Công ty Hợp Thành Phát, Kế toán Nguyễn Thị Hiền của Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam cũng tbị bắt trong cùng ngày với cáo buộc “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.


Vì sao cuối cùng đảng ‘lật kèo’, cho bắt Phương Hằng, Ngọc Trinh?
(Nguyễn Anh Tuấn)


(Hình: Nguyễn Phương Hằng và Ngọc Trinh bỗng nhiên trở thành dân oan, dù không quan tâm chính trị)

-Với Ngọc Trinh, dù nghe thật khó tin rằng Ngọc Trinh có thể làm điều gì đó nguy hiểm cho chế độ và Bộ Công an chắc cũng chẳng tin vào điều đó, song như đã nói, bộ máy an ninh đã được cấp đủ động lực và quyền lực để tiến hành những vụ bắt giữ như vậy, nhân danh bảo vệ những nề nếp của xã hội, cũng có nghĩa là để bảo vệ chế độ.

“Chính trị” có thể là từ cuối cùng mà một người muốn dùng để mô tả về Ngọc Trinh. Là một nhân vật giải trí điển hình, hình ảnh Ngọc Trinh trên truyền thông gắn với hàng hiệu đắt tiền, những bữa tiệc xa hoa và vô số scandals – những thứ tạo nên giới showbiz ở khắp mọi nơi, và xa lạ với chính trị.

Nhưng chính bởi thế mà việc bắt giữ Ngọc Trinh, với lý do thiếu thuyết phục về mặt pháp lý, lại mang một hàm ý chính trị sâu sắc.

Hãy bắt đầu từ một giao kèo bất thành văn mà Ngọc Trinh là một bên liên quan.

Có một dấu mốc quan trọng trong lịch sử đương đại Việt Nam đã thay đổi diện mạo của quốc gia cộng sản này: Đổi mới năm 1986.

Kể từ thời điểm này trở đi, những người kinh doanh không còn bị gọi là con buôn mà được trang trọng gọi là doanh nhân. Một ngày đặc biệt đã được dành để tôn vinh họ; và Đảng Cộng sản, như để trấn an những ai còn đang do dự trước lời hiệu triệu làm giàu, đã dang tay chào mời doanh nhân gia nhập hàng ngũ của mình.

Câu chuyện lâu đời về một cuộc xung đột không thể hòa giải giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, hoặc giữa kẻ bóc lột và kẻ bóc lột, dần dần trở nên lỗi thời trước một xã hội cuống cuồng kiếm tiền.

Kinh tế thị trường kéo theo xã hội tiêu thụ. Cũng từ lúc này, người ta không còn phải giấu diếm khi tiêu xài hay cảm thấy mặc cảm tội lỗi khi hưởng thụ vật chất, như những gì bộ máy tuyên truyền và xã hội thiếu thốn bấy giờ đòi hỏi nơi họ. Trái lại, từ lúc này, họ chỉ cảm thấy tội lỗi khi không kiếm đủ tiền để tiêu xài và hưởng thụ.

Các chuẩn mực văn hóa cũng biến đổi theo. Giới showbiz ra đời và phát triển thay thế những đoàn văn công quốc doanh, sản phẩm giải trí của họ khiến nền văn nghệ cách mạng trở nên lạc lõng giữa công chúng. Nếu các cán bộ văn hóa cộng sản từng dán nhãn đồi trụy những ai để tóc dài, mặc quần ống loe, không rõ họ sẽ dán nhãn gì khi chứng kiến những hình tượng giải trí hiện nay?

Đã có một giao kèo bất thành văn giữa đảng và dân chúng hàng chục năm qua: miễn sao đừng dính tới chính trị, anh chị sẽ được an toàn để mà mặc sức kiếm tiền và hưởng thụ.

Ngọc Trinh là kết quả không thể điển hình hơn của giao kèo này. Giỏi kiếm tiền, biết hưởng thụ, lại lánh xa chính trị, Ngọc Trinh đã từng rất an toàn, cho đến một ngày.

Thật khó để xác định chính xác đâu là lúc đảng bắt đầu xem xét lại giao kèo này, nhưng thời điểm Đại hội Đảng lần thứ XII năm 2016 khi Nguyễn Phú Trọng loại bỏ đối thủ chính trị quan trọng nhất của mình là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chắc chắn là một mốc quan trọng.

Là cây lý luận mác-xít lão làng của đảng và luôn lo lắng đất nước “chệch hướng” hơn là “tụt hậu”, sự thắng thế của Nguyễn Phú Trọng đã phả hơi nóng ý thức hệ ngột ngạt vào bầu không khí chính trị Việt Nam.

Ủng hộ nhiệt thành cho công hữu, Nguyễn Phú Trọng luôn dè chừng kinh tế tư nhân và những biểu hiện phái sinh của nó. Khi phát biểu chỉ đạo Hội nghị Trung ương 8 đầu tháng này, ông Trọng không ngần ngại cảnh báo về nguy cơ Việt Nam chuyển đổi sang tư bản chủ nghĩa.

Bầu không khí chính trị ngột ngạt ý thức hệ kích hoạt những động lực mới trong hệ thống chính trị. Những ai trung thành với các nguyên tắc ý thức hệ sẽ được tưởng thưởng, trái lại, những ai phớt lờ có thể bị coi là tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Xu hướng này biểu hiện rõ không đâu bằng ở bộ máy công an vốn có một nỗi ám ảnh kinh niên về kẻ thù tiềm ẩn. Bộ máy này lại đang trở nên quyền lực hơn bao giờ hết khi trở thành công cụ đắc lực cho một cuộc chiến quan trọng khác của Trọng: đốt lò.

Một cách công bằng, động thái này không chỉ đến từ cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng, mà còn thể hiện sự bất an của đảng trong một môi trường quốc tế đang thay đổi nhanh chóng.

Đồng nhiệm của Trọng ở Trung Quốc là Tập Cận Bình cũng đã phát động những chiến dịch chính trị tương tự với những mục tiêu tương tự như kiềm chế kinh tế tư nhân, trừng phạt xã hội dân sự, chấn chỉnh sinh hoạt văn hóa, loại bỏ ảnh hưởng tư tưởng ngoại lai, nhằm mục đích giữ cho đất nước không bị chệch hướng ra khỏi khuôn mẫu đồng phục của ý thức hệ cộng sản.

Phiên bản Tập Cận Bình ở Việt Nam cũng hành động tương tự, chỉ là với một độ trễ vài năm.

Vì sao lại là Ngọc Trinh?

Nạn nhân đầu tiên của giao kèo bị phá vỡ có lẽ là bà Nguyễn Phương Hằng, chứ không phải Ngọc Trinh, dù rằng quá nhiều tình tiết xung quanh vụ việc của bà Hằng đã khiến công chúng có thể bị phân tâm.

Cả Nguyễn Phương Hằng và Ngọc Trinh không chỉ thành công về tiền bạc mà còn có sức ảnh hưởng với công chúng nữa, nhờ sự trỗi dậy của Internet và mạng xã hội. Nếu như trước đây đảng có thể quyết định ai xuất hiện trước công chúng thông qua độc quyền báo chí và truyền hình, thì giờ đây với Internet và mạng xã hội, đảng không còn quyền lực độc tôn đó nữa. Sự thành công về tiền bạc bởi vậy có thể giúp một người thỏa mãn được khao khát được chú ý và có sức ảnh hưởng.

Trong một xã hội mà các lãnh đạo chính trị thường bị công chúng phớt lờ vì sự đơn điệu buồn chán của họ, những người có sức ảnh hưởng với công chúng, mỗi lần livestream có cả triệu người theo dõi, có thể đã bị diễn giải thành mối đe dọa trước mắt hoặc tiềm ẩn đối với chế độ qua nhãn quan cảnh giác cách mạng của công an.

Bất luận có thực sự tin vào điều đó hay không, bộ máy an ninh vẫn muốn nhắc nhở công chúng rằng ai mới là người quyền lực nhất của đất nước.

Với Nguyễn Phương Hằng, đảng đã không giấu diếm lý do thực sự của việc bắt giữ là “thách thức dư luận”, “thách thức chủ trương của Đảng”.

Với Ngọc Trinh, dù nghe thật khó tin rằng Ngọc Trinh có thể làm điều gì đó nguy hiểm cho chế độ và Bộ Công an chắc cũng chẳng tin vào điều đó, song như đã nói, bộ máy an ninh đã được cấp đủ động lực và quyền lực để tiến hành những vụ bắt giữ như vậy, nhân danh bảo vệ những nề nếp của xã hội, cũng có nghĩa là để bảo vệ chế độ.

Sau Ngọc Trinh là ai?

Nhiều người hoặc không tin rằng đảng đã phá vỡ giao kèo hoặc chưa chuẩn bị cho điều này vẫn cứ đi tìm các thuyết âm mưu và bám víu vào hy vọng rằng họ có thể tránh được số phận tương tự như Ngọc Trinh.

Tuy nhiên, dù lý do bắt giữ Ngọc Trinh có là gì đi chăng nữa, cuối cùng thì họ phải đối mặt với một thực tế phũ phàng: lấy gì đảm bảo cho tự do và tài sản của họ nếu họ bị bắt giữ vì một lý do mù mờ ở Việt Nam?

Hay cụ thể hơn, ai sẽ giúp bảo vệ tự do và tài sản của họ trước một vụ bắt giữ tùy tiện của một Bộ Công an siêu quyền lực? Một Viện Kiểm sát đóng vai trò như cấp dưới của công an? Một tòa án vốn luôn đồng thuận với mọi cáo trạng từ Viện Kiểm sát, từ công an đưa sang? Một hệ thống báo chí quốc doanh công cụ chỉ ưa minh họa hơn là phản biện quyết định bắt người của công an?

Hay một cộng đồng mạng đầy rẫy những kẻ phù thịnh, tự nguyện trở thành lá bài dư luận của công an, hả hê khi bất kỳ người nổi tiếng nào bị bắt giữ mà chẳng màng lý do có chính đáng hay không, chỉ để thỏa mãn những ẩn ức sâu kín của mình?

Khi suy nghĩ như vậy họ sẽ nhận ra hóa ra lâu nay tất cả những gì lấy làm bảo đảm cho tự do và tài sản của họ chỉ là một giao kèo bất thành văn giữa đảng và dân chúng, mà họ chẳng có quyền để đàm phán nếu đảng muốn lật kèo.

Đó cũng là lúc họ nên tự đưa ra quyết định cho mình.


Giá cổ phiếu VinFast tuột dốc không phanh, rơi xuống đáy vực mới, dưới 6 đô la; hãng lỗ 5,9 tỷ đô la từ 2020
(An Tôn)


(Hình: Cổng nhà máy Vinfast ở Hải Phòng, hiện doanh số bán xe đang thấp hơn nhiều so với công suất của nhà máy.)

-Giá cổ phiếu của hãng ô tô điện Việt Nam VinFast - mã VFS - lao dốc trong 1 tháng 3 tuần và xuống mức đáy mới chưa đến 6 đô la khi thị trường Nasdaq của Mỹ đóng cửa hôm 18/10. Ở thời điểm 11h sáng 19/10, VFS có giá khoảng 5,7 đô la. Tình trạng giá trị cổ phiếu bay hơi diễn ra trong bối cảnh hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lỗ 5,9 tỷ đô la từ năm 2020 đến hết quý 3 năm 2023.

Dữ liệu của sàn Nasdaq cho thấy trong phiên giao dịch hôm 18/10, mã cổ phiếu VFS của VinFast có lúc chỉ còn 5,81 đô la và chốt phiên ở mức 5,97 đô la. Chỉ riêng trong 3 ngày giao dịch của tuần này, VFS đã giảm 25%. So với mức giá khi mới lên sàn hồi giữa tháng 8, VFS đã mất giá hơn 40%.

Cổ phiếu của hãng xe ra đời năm 2017 đã có 2 tuần tăng giá ngoạn mục ngay sau khi lên sàn, cất cánh từ mức 10,45 đô la hôm 14/8 rồi vọt lên 82,35 đô la khi thị trường đóng cửa hôm 28/8. Nhưng kể từ lúc lập đỉnh này đến nay, VFS đã rơi tự do và bốc hơi 93% giá trị.

Tình trạng giá cổ phiếu mỗi tuần lại xuống thấp hơn diễn ra cùng với việc hãng xe của người giàu nhất Việt Nam công bố số liệu với báo chí trong nước cho thấy rất khó có thể hoàn thành kế hoạch bán hàng của năm nay.

Đến hết 9 tháng đầu năm 2023, hãng đã giao 21.342 xe ô tô điện, chưa bằng một nửa mục tiêu đặt ra là bán được 50.000 xe trong cả năm.

Theo một cáo bạch của VinFast đăng trên trang web của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ hồi đầu tháng 10, trong số xe đã giao, có ít nhất hơn 7.000 xe được bán cho hãng taxi GSM mới ra đời, cũng thuộc sở hữu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Một số báo mạng nước ngoài, trong đó có trang Jalopnik, gọi đó là động thái “VinFast bán xe cho chính mình”.

Doanh số bán của VinFast hiện chưa bằng 1/10 công suất của nhà máy được hãng đặt ở Hải Phòng.

Nói với báo chí trong các dịp khác nhau, hãng cho hay nhà máy có thể sản xuất 250.000 xe/năm trong giai đoạn 1 và nâng lên 950.000 xe/năm trong tương lai.

Lượng bán xe thấp xa so với công suất chế tạo làm cho hãng sẽ còn phải mất nhiều năm mới có thể đạt điểm hòa vốn, giáo sư-tiến sĩ Khương Hữu Lộc, một chuyên gia tài chính kỳ cựu ở Texas, Mỹ, từng bình luận với VOA hồi đầu tháng 10.

Kể từ năm 2020 cho đến hết quý 3 năm nay, VinFast đã lỗ tổng cộng hơn 5,9 tỷ đô la, gồm lỗ 623 triệu đô la trong quý 3/2023, lỗ 526,7 triệu đô la trong quý 2 và lỗ 598 triệu đô la trong quý 1. Hồi năm ngoái, hãng lỗ 2,1 tỷ đô la.

Trước đó, khoản lỗ của hãng trong năm 2021 là hơn 1,3 tỷ đô la và gần 800 triệu đô la vào năm 2020.


Tin Việt Nam Hôm Nay
Công An Bắt 6 Người Với Cáo Buộc Khai Thác, Tiêu Thụ Trái Phép Đất Hiếm


(Hình: Bên trong khu mỏ đất hiếm Yên Phú (tỉnh Yên Bái) của Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương.)

-Công an vừa bắt giữ 6 người trong vụ án khai thác trái phép đất hiếm tại mỏ Yên Phú, xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Trang thông tin Bộ Công an Việt Nam ngày 20/10/2023 đưa tin cho biết, vào ngày 17/10/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra-Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương và các đơn vị có liên quan; khởi tố bị can, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét với sáu đối tượng.

Cũng theo thông tin từ Bộ Công an, vào ngày 9/10, “Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã đồng loạt khám xét khẩn cấp 21 địa điểm khai thác, tập kết, kinh doanh và nhà riêng của các các đối tượng có liên quan tại tỉnh Yên Bái và 3 tỉnh, thành phố khác có liên quan; tạm giữ ước tính khoảng 13.715 tấn quặng đất hiếm và hơn 1.400 tấn quặng sắt”.

Hai người là ông Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc và Nguyễn Văn Chính, Phó tổng Giám đốc, kiêm Kế toán trưởng Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương bị cáo buộc “đã chỉ đạo, tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép 11.233.102 kg quặng đất hiếm có trị giá khoảng 440 tỉ đồng và 152.856.646 kg quặng sắt có trị giá khoảng 192 tỉ đồng, hưởng lợi bất chính tổng số tiền khoảng 632 tỉ đồng”.

Ông Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc và Nguyễn Văn Chính, Phó tổng Giám đốc, kiêm Kế toán trưởng Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” và tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bốn người khác thuộc Công ty Hợp Thành Phát và Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE) là công ty đối tác với Công ty Blackstone Mineral Ltd của Úc Ðại Lợi trong dự án tham gia đấu thầu khai thác mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam ở Lai Châu dự kiến sẽ bắt đầu mở lại khai thác vào năm tới, theo thông tấn xã Reuters.

VTRE cũng đã ký thoả thuận với một công ty Úc Ðại Lợi khác là ASM vào tháng tư vừa qua về việc mua 100 tấn đất hiếm qua chế biến trong năm nay và cam kết sẽ cung cấp dài hạn.

Hiện cả hai công ty Úc Ðại Lợi đều không đưa ra bình luận gì về thông tin bắt giữ mới nhất.


Kiên Giang: Bắt, Khởi Tố Chủ Tàu và Thuyền Trưởng Khai Thác Hải Sản Trái Phép


(Hình: Công an làm việc với Phạm Chí Dũng.)

-Trong ngày 19/10/2023, Cơ quan an ninh điều tra-Công an tỉnh Kiên Giang cho truyền thông hay chủ tàu đánh cá và thuyền trưởng tàu đánh cá ở Kiên Giang đã bị bắt tạm giam và khởi tố về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”.

Theo đó, hai người bị khởi tố, bắt tạm giam là Trần Văn Luyến (42 tuổi –chủ tàu, ngụ phường Vĩnh Bảo, thành phố Rạch Giá) và Phạm Chí Dũng (58 tuổi, thuyền trưởng, ngụ huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang).

Công an cho biết, theo chỉ đạo của ông Luyến, ông Dũng đã tuyển 27 ngư phủ lên hai tàu đánh cá qua vùng biển Mã Lai Á khai thác hải sản trái phép mang về Việt Nam bán thu lợi.

Trong quá trình đánh bắt, hai tàu đánh cá của Dũng bị lực lượng Cảnh sát Biển Mã Lai Á và Nam Dương phát giác bắt và xử phạt đến tháng 4/2023 mới thả về lại Việt Nam.

Trước đó, vào ngày 7/8/2023, Cơ quan An ninh điều tra-Công an tỉnh Kiên Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép” xảy ra tại địa bàn thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang và phát giác, điều tra sự việc trên.

Theo Công an tỉnh Kiên Giang, việc khởi tố, bắt tạm giam các bị can cố tình tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép sang vùng biển ngoại quốc để khai thác hải sản trái phép thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công an, của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, cùng sự nỗ lực, quyết tâm của Công an tỉnh và sự phối hợp của các Cục nghiệp vụ - Bộ Công an để ngăn chặn tình trạng khai thác hải sản trái phép (IUU).

Mới đây, truyền thông nhà nước cho biết Đoàn Thanh tra của Ủy ban Âu Châu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã đến Việt Nam lần thứ tư và làm việc tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu từ ngày 10 đến 15/10/2023.

Từ tháng 10/2017, EC đã phạt cảnh cáo thẻ vàng IUU đối với thủy sản trong nước nhập vào thị trường Âu Châu. Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ nhận “thẻ đỏ” từ EC nếu không có những cải thiện đáng kể. Điều này đồng nghĩa với việc hải sản của Việt Nam sẽ bị cấm nhập vào thị trường EU.


Bộ Công An Muốn Định Danh Số Nhà Để Quản Lý Thông Tin Sở Hữu Bất Động Sản Cá Nhân


(Hình: Các chung cư ở Sài Gòn.)

-Truyền thông nhà nước loan tin hôm 21/10/2023 cho hay Bộ Công an CSVN vừa ký hợp tác với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam về chuyển đổi số bao gồm việc định danh số nhà, mục đích để xác định mỗi người dân đang sở hữu bao nhiêu bất động sản.

Cụ thể, phía bưu điện có sẵn thông tin về số nhà, cảnh sát khu vực có dữ liệu về hộ khẩu và Bộ Công an còn có dữ liệu về dân cư và giấy tờ nhà đất. Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) sẽ phối hợp cùng bưu điện để liên thông dữ liệu, sau đó định danh số nhà.

C06 được báo Nhà nước dẫn nguồn cho biết đã tham mưu về giải pháp giúp minh bạch thị trường bất động sản thông qua định danh số nhà.

Bộ Công an hy vọng việc khai triển kế hoạch này sẽ tiết kiệm nhiều chi phí cho Nhà nước khi tận dụng được dữ liệu có sẵn, không phải chờ làm sạch dữ liệu về bất động sản.

VnExpress dẫn lời Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về Dân cư của C06, giải thích thông qua định danh số nhà sẽ dễ dàng xác định được mỗi người đang sở hữu bao nhiêu bất động sản và ở đâu. Có dữ liệu này, các đơn vị như bưu điện, chuyển phát nhanh sẽ dễ dàng khai thác thông tin khi giao hàng.

Việc một cá nhân sở hữu nhiều nhà, đất không phải là hiếm ở Việt Nam. Tuy nhiên các thông tin được đăng tải trên báo chí Nhà nước thời gian qua cho thấy nhiều viên chức bị bắt giam và khởi tố về tội tham nhũng thường có nhiều bất động sản và các bất động sản này thường bị phong toả.

Trường hợp mới đây nhất là việc Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an tỉnh Khánh Hòa áp dụng biện pháp cưỡng chế, kê biên, phong tỏa tài sản của cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng và vợ là bà Phan Thị Thu Hà.

Trong số các tài sản của cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa và vợ bị cưỡng chế, kê biên, phong tỏa có hơn 453 mét vuông đất gắn liền hai căn nhà tại số 5A Ngô Thời Nhiệm và 69 Trịnh Phong, thành phố Nha Trang.

Luật Phòng, chống tham nhũng của Việt Nam quy định cán bộ, công chức không chỉ kê khai tài sản của mình mà còn phải kê khai tài sản của người thân.


Cựu Chủ Tịch Tỉnh Thanh Hóa Bị Khởi Tố Vì Sai Phạm Đất Đai Gây Thất Thoát Hơn 55 Tỉ Đồng Ngân Sách Nhà Nước


(Hình: Ông Nguyễn Đình Xứng - cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa.)

-Cựu Chủ tịch Thanh Hóa, ông Nguyễn Đình Xứng cùng 2 thuộc cấp vừa bị khởi tố và cấm đi khởi nơi cư trú với cáo buộc tội “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” của Bộ luật Hình sự.

Truyền thông nhà nước hôm 21/10/2023 dẫn thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết quyết định khởi tố bị can được Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an tỉnh này ban hành áp dụng đối với ba người gồm: Nguyễn Đình Xứng - cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa; Cù Đình Hiền - cựu Phó phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa; Bùi Văn Nam - cựu Phó phòng Kinh tế Tài chánh thuộc Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Theo điều tra của công an được báo Nhà nước trích dẫn, những sai phạm của các cá nhân này xảy ra từ năm 2013 khi ông Nguyễn Đình Xứng còn là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Ông Xứng bị cáo buộc đã phê duyệt tiền sử dụng đất nộp ngân sách Nhà nước của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Sông Mã tại dự án Hạc Thành Tower với đơn giá 21.000.000 đồng/mét vuông (mức giá này được xác định từ năm 2009), gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền 55.870.162.500 đồng.

Cũng liên quan đến dự án Hạc Thành Tower, trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an tỉnh này đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Mạnh Sơn - cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị; ông Đinh Xuân Hướng - cựu Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Sông Mã (lúc bị khởi tố, ông Hướng là Bí thư Huyện ủy Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) về tội “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Vào tháng 9 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký các quyết định của Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Đình Xứng. Hình thức kỷ luật là xóa tư cách chức vụ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015-2020 (từ tháng 1/2015 đến tháng 12/2020), Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2012-2014 (từ tháng 12/2012 đến tháng 12/2014).


Vĩnh Long: Cựu Giám Đốc Bệnh Viện Đa Khoa Vĩnh Long Nhận “Lại Quả” Từ Việt Á 1,4 Tỉ Đồng


(Hình: Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long.)

-Cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long - Đoàn Văn Hùng bị cáo buộc nhận ‘lại quả’ 1,4 tỉ đồng từ Công ty Việt Á trong vụ án bộ xét nghiệm COVID-19 (kit test) xảy ra tại bệnh viện này.

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long trong ngày 20/10 được truyền thông dân nguồn cho biết đã ban hành cáo trạng truy tố ông Hùng cùng 2 thuộc cấp gồm bà Phan Thị Ngọc Thấm (43 tuổi, Kỹ thuật viên trưởng phụ trách khoa Sinh hóa-Vi sinh-Miễn dịch-Sinh học phân tử) và Đinh Thị Thanh Chi (55 tuổi, Phó khoa Dược Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long). Cả ba bị truy tố tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Nội dung cáo trạng ghi rõ, khi được Công ty Việt Á tạm ứng trước kit xét nghiệm, ông Hùng đã chỉ đạo bà Thấm và Chi liên hệ nhân viên của công ty này để lấy 3 bảng báo giá bộ xét nghiệm. Các báo giá này cao hơn thực tế, nhằm hợp thức hóa hồ sơ để chỉ định thầu cho Công ty Việt Á.

Theo đó, từ tháng 5 đến tháng 9/2021, Công ty Việt Á đã được chỉ định 6 gói thầu mua sắm tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long. Tổng trị giá hợp đồng Công ty Việt Á cung cấp cho bệnh viện hơn 17,6 tỉ đồng. Ông Hùng và thuộc cấp bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 12,3 tỉ đồng cho đơn vị.

Trong vụ án này, cáo trạng cũng nêu, ông Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) đã chỉ đạo nhân viên chi 20% tiền hoa hồng theo tổng trị giá hợp đồng cho ông Hùng và hai bà Thấm, Chi (tương đương 3,3 tỉ đồng). Trong đó, riêng ông Hùng nhận “lại quả” 1,4 tỉ đồng.

Liên quan vụ nâng khống kít xét nghiệm Việt Á, vào cuối tháng 9 vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố 38 bị can.

Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị truy tố tội nhận hối lộ 2,25 triệu Mỹ kim để tạo điều kiện cho Công Ty Việt Á trong cấp phép lưu hành, bán bộ xét nghiệm COVID-19. Ngoài ông Long, còn 5 người khác thuộc ngành y tế và khoa học- kỹ thuật từ cấp trung ương đến địa phương bị truy tố tội nhận hối lộ gồm các ông Nguyễn Huỳnh- thư ký của ông Long; Nguyễn Minh Tuấn và Nguyễn Nam Liên- hai vụ trưởng thuộc Bộ Y tế; Phạm Duy Tuyến - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hải Dương; Trịnh Thanh Hùng - Vụ phó công tác tại Bộ Khoa học & Kỹ thuật.

Danh sách bị truy tố còn có các cựu viên chức Bộ Khoa học & Kỹ thuật gồm Chu Ngọc Anh- Bộ trưởng; Phạm Công Tạc- Thứ trưởng; và Phụ tá Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là Nguyễn Văn Trịnh….


Đang Dược Dư Luận Chú Ý Nhất: Công An Mở Rộng Điều Tra Vụ Người Mẫu Ngọc Trinh Biểu Diễn Đi Xe Phân Khối Lớn Trên Phố


(Ảnh: Người mẫu Ngọc Trinh đi xe gắn máy phân khối lớn bỏ hai tay.)

-Truyền thông nhà nước hôm 21/10/2023 cho biết Công an Tp. HCM đang mở rộng điều tra vụ án người mẫu nội y Ngọc Trinh (tên đầy đủ là Trần Thị Ngọc Trinh) biểu diễn các động tác khó đi xe gắn máy phân khối lớn trên đường phố Sài Gòn.

Trước đó, vào ngày 19/10, người mẫu Ngọc Trinh (34 tuổi) và ông Trần Xuân Đông (36 tuổi) - người hướng dẫn Ngọc Trinh biểu diễn lái xe phân khối lớn - đã bị công an khởi tố.

Người mẫu Ngọc Trinh bị bắt tạm giam với cáo buộc “Gây rối trật tự công cộng”. Ông Đông bị cấm đi khỏi nơi cư trú và bị cáo buộc tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “Gây rối trật tự công cộng”.

Báo Nhà nước cho biết, ngoài việc khởi tố, công an còn tạm giữ chiếc xe gắn máy được xác định là tang vật của vụ án.

Báo Nhà nước dẫn thông tin điều tra từ Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an Tp. HCM xác định, người mẫu Ngọc Trinh không có giấy phép lái xe mô-tô hạng A2 nhưng ngày 6/10 đã cùng với Đông tổ chức, thực hiện hành vi điều khiển xe mô-tô lưu thông, biểu diễn trên đoạn đường D15 Khu Kỹ thuật cao (thành phố Thủ Đức) với các động tác lái xe nguy hiểm, tư thế phản cảm, không mặc đồ bảo hộ, nằm, quỳ gối trên yên xe….

Ngoài ra, công an còn xác định đầu tháng 9, ông Đông cũng đã cùng với người mẫu Ngọc Trinh tổ chức tụ tập, điều khiển xe mô-tô hiệu “Ninja” lưu thông trên đoạn đường Trần Bạch Đằng trong khu đô thị Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức) thực hiện các động tác lái xe phản cảm, nguy hiểm như đứng hai chân một bên xe, thả hai tay để xe tự chạy, ngồi một bên yên xe để tự chạy….

Các lần biểu diễn xe mô-tô nêu trên, người mẫu Ngọc Trinh đều cho quay phim lại để biên tập và tự đăng lên các clip này lên các tài khoản cá nhân trên nền tảng mạng xã hội có số lượng người theo dõi lớn, gây tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự trên không gian mạng, công an xác định.

Việc người mẫu Ngọc Trinh bị khởi tố và bắt giữ đã gây xôn xao mạng xã hội ở Việt Nam những ngày qua. Có nhiều ý kiến cho rằng việc bắt giữ này là quá mức mà chỉ nên dừng ở mức phạt hành chính nếu xác định có vi phạm. Cũng có ý kiến cho rằng việc bắt giữ là do ảnh hưởng của người mẫu Ngọc Trinh trên mạng xã hội khi các video clip trên các tài khoản mạng xã hội của cô thường có hàng triệu views.

Luật sư Đặng Đình Mạnh ở Mỹ, người từng có nhiều năm hành nghề Luật sư tại Việt Nam cho đến giữa năm nay, nói với Ðài Á Châu Tự Do (RFA) rằng thông tin vụ bắt giữ có thể hiểu là Ngọc Trinh có hành vi đăng video biểu diễn xe phân khối lớn lên mạng xã hội, thu hút hàng triệu người theo dõi trong khi Điều 318 Bộ luật Hình sự quy định tội danh “Gây rối trật tự công cộng” cho thấy hiện trường vụ án bắt buộc phải là nơi công cộng.

Mạng Xã Hội Việt Nam So Sánh Đoạn Video Hai Nghệ Sĩ Xiếc Chồng Đầu Trên Xe Gắn Máy Trên Phố và Vụ Ngọc Trinh

(Ảnh: Màn trình diễn chồng đầu trên xe gắn máy trên phố của hai nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ và Quốc Nghiệp gây tranh cãi trên mạng xã hội ở Việt Nam.)

-Mạng xã hội tại Việt Nam ngày 21/10/2023 “dậy sóng” với những hình ảnh và đoạn video hai nghệ sĩ xiếc nổi tiếng ở Việt Nam là Quốc Cơ và Quốc Nghiệp biểu diễn màn chồng đầu đi xe gắn máy trên phố.

Nhiều người bình luận và so sánh các hành động của hai nghệ sĩ này với các màn biểu diễn bỏ tay và đứng trên xe gắn máy phân khối lớn của người mẫu Ngọc Trinh, người vừa bị công an khởi tố và bắt giam với cáo buộc “Gây rối trật tự công cộng”.

Theo tìm hiểu của báo Nhà nước, đoạn video của hai nghệ sĩ xiếc được thực hiện tại một khu chung cư ở phường An Khánh, thành phố Thủ Đức. Hai nghệ sĩ xiếc đi xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm theo quy định và thực hiện màn chồng đầu giữ thăng bằng ngay trên xe.

Hầu hết các trang báo Nhà nước đều giấu tên hãng xe gắn máy điện thực hiện video clip quảng cáo này mà chỉ viết tắt là D.B., tuy nhiên một số video trên mạng xã hội YouTube xác định đây là màn quảng cáo của hãng xe điện Dat Bike. Hãng xe điện xác định với báo Tuổi Trẻ là đã thuê người mẫu quảng cáo xe mới và việc quay hình đã diễn ra nhiều tháng trước.

Nghệ sĩ Quốc Cơ xác nhận với Tuổi Trẻ đoạn video và hình ảnh là do hai anh em nghệ sĩ thực hiện để quảng cáo cho một hãng xe cách đây khoảng hai tháng, trong điều kiện chỉ biểu diễn để lấy hình ảnh, có bảo vệ xung quanh. Không ảnh hưởng đến công cộng chung.

Tuy nhiên, nhiều người bình luận trên mạng xã hội cho rằng việc người mẫu Ngọc Trinh (tên đầy đủ là Trần Thị Ngọc Trinh) đội mũ bảo hiểm và lái xe gắn máy phân khối lớn trên đường phố Sài Gòn cách đây không lâu cũng không khác mấy so với màn trình diễn của hai nghệ sĩ xiếc, nhưng cô lại bị khởi tố và bắt tạm giam hôm 19/10 vừa qua.

Báo Dân Trí dẫn lời một lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông-Công an Tp. HCM cho biết “Công an thành phố Thủ Đức đang xác minh sự việc và đưa ra hướng giải quyết”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét