Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2023

ĐIỂM TIN 28/10/2023 - Long Đỗ

Israel oanh tạc hệ thống đường hầm của Hamas ở miền bắc dải Gaza Quân đội Israel hôm nay, 28/10/2023 thông báo “đã đánh vào 150 mục tiêu” dưới lòng đất ở miền bắc giải Gaza trong các cuộc oanh tạc dữ dội đêm qua. Israel tin rằng chính là từ hệ thống đường hầm dưới lòng đất ở Gaza mà phong trào Hồi Giáo Hamas tổ chức các chiến dịch quân sự. Một khu vực ở bắc dải Gaza bị Israel oanh tạc ngày28/10/2023. AP - Ohad Zwigenberg Thanh Phương Các cuộc oanh tạc vào Gaza tiếp diễn hôm nay với cường độ chưa từng có kể từ 3 tuần qua, tức là kể từ vụ tấn công của Hamas vào Israel ngày 07/10. Quân đội Israel cũng thông báo mở rộng các chiến dịch trên bộ.
<!>
Từ Jerusalem, thông tín viên Michel Paul tường trình:

“ Israel xác nhận lực lượng của họ đang tiến đánh trên bộ tại dải Gaza, nhưng hiện chưa cho biết chi tiết. Phía Palestine thì ghi nhận sự hiện diện của các xe tăng và các trận giao tranh ác liệt ở miền bắc vùng đất này.

Quân đội Israel cũng thông báo đã tiêu diệt được Asem Abou Rakaba, một chỉ huy đặc trách các chiến dịch trên không của Hamas và là một trong những người đã tham gia tích cực vào cuộc tấn công của tổ chức này vào miền nam Israel ngày 07/10. Cũng theo nguồn tin này, 150 mục tiêu dưới lòng đất đã bị tiêu diệt ở miền bắc Gaza.

Một dấu hiệu đáng ghi nhận khác đó là đã diễn ra một cuộc tấn công tin học. Theo nguồn tin từ phía Palestine, mạng Internet đã bị cắt và người dân Gaza nay rất khó mà liên lạc qua điện thoại di động. Điện cũng vẫn bị cúp. Nói tóm lại, vùng đất Palestine này bị cắt đứt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

Đợt tấn công mới vào dải Gaza diễn ra sau thất bại trong cuộc đàm phán về việc phóng thích các con tin. Sáng nay, gia đình của các con tin này đã kêu gọi nội các chiến tranh của Israel đừng gây nguy hiểm cho người thân của họ hiện còn nằm trong tay của Hamas và của các tổ chức khác.”

Các cuộc oanh tạc của quân đội Israel vào Gaza tiếp diễn mặc dù hôm qua Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết ( không mang tính ràng buộc ) kêu gọi một cuộc “hưu chiến nhân đạo ngay lập tức”. Đại sứ Palestine tại Liên Hiệp Quốc và tổ chức Hamas đã hoan nghênh nghị quyết của Đại Hội Đồng, trong khi đó đại sứ Israel tại Liên Hiệp Quốc xem việc thông qua nghị quyết này là “một ngày đen tối đối với Liên Hiệp Quốc và nhân loại”.

Bị cắt đứt khỏi thế giới, người dân Gaza sống dưới mưa bom của Israel

Theo thống kê mới nhất của bộ Y Tế Hamas, đã có khoảng 7.707 người chết ở Gaza, phần lớn là thường dân, trong đó có hơn 3.500 trẻ em, do các trận oanh kích không ngừng của Israel từ ngày 07/10. Dải Gaza bị cô lập với thế giới từ ngày 27/10/2023 vì liên lạc viễn thông và internet bị cắt


Một khu phố của người Palestine trong dải Gaza ngày 28/10/2023. AP - Hatem Ali
Thu Hằng
Hơn 2,4 triệu người dân mắc kẹt trong «địa ngục trần gian » và giống như bị « xử kín », theo lời một nhân chứng ở Gaza với thông tín viên RFI Sami Boukhelifa tại Jerusalem trước khi liên lạc viễn thông bị cắt:

« Tôi là cha của một cháu trai và hai cháu gái, Adam, 10 tuổi, Line 6 tuổi và Dhahab 1 tuổi rưỡi. Cuộc sống của chúng phụ thuộc vào tôi. Cứ 6 giờ 30 sáng là tôi chạy như điên ngoài phố ở Gaza để tìm nước. Sau đó, tôi xếp hàng suốt ba tiếng mỗi ngày để chờ mua bánh mì. Tất cả những việc đó đều là dưới các trận mưa bom giết người của Israel.

Tôi ở khu vực Deir Al Balah ở Gaza khi một trận oanh kích xảy ra. Vụ nổ mạnh đến nỗi xác của một người đàn ông nằm trên phố bị văng lên trên sân thượng tầng sáu của tòa nhà bên cạnh.

Tôi sợ gia đình mình sẽ bị tấn công và tôi không thể tìm được các con. Để chắc là chúng được nhận dạng, tôi đã viết số điện thoại của mình và tên của các cháu lên người chúng. Anh muốn tôi phải làm gì khác hơn? ».

Dân Palestine ở Cisjordanie biểu tình đòi Israel ngừng tấn công Gaza
Vùng lãnh thổ Palestine ở Cisjordanie bị chiếm đóng cũng có hơn 110 người Palestine bị những người định cư Do Thái sát hai kể từ ngày 07/10. Nhiều cuộc đụng độ với lực lượng Israel đã xảy ra. Ngày 27/10, vài nghìn người biểu tình Palestine đã tập trung ở các thành phố Jenin, Nablus và Ramallah yêu cầu Israel ngừng chiếm đất lập các khu định cư Do Thái và chấm dứt cuộc tấn công vào Gaza.

Có mặt trong đoàn người biểu tình tại Ramallah, thông tín viên Boukhelifa cho biết đám đông giương cờ Palestine, giăng các biểu ngữ « Xin Đấng tối cao bảo vệ Gaza ». Một người cho rằng « biện pháp quân sự không phải là giải pháp cho cuộc xung đột hiện nay » và yêu cầu « một giải pháp hòa bình, dựa trên các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc ». Ngoài ra, người dân Palestine ở vùng Cisjordanie bị chiếm đóng ngày càng phẫn nộ với truyền thông phương Tây, bị cáo buộc là « nhất bên trọng nhất bên khinh » trong cuộc xung đột Israel-Hamas.

Mỹ đánh vào các kho đạn của những tổ chức có liên hệ với Iran tại Syria

Nhà Trắng hôm qua, 27/10/2023, thông báo là các cuộc oanh kích của quân đội Mỹ ở Syria hôm thứ Năm vừa đã phá hủy các kho đạn của những tổ chức có liên hệ với lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran. Họ đánh giá là chiến dịch này có tác động “quan trọng” đến khả năng tấn công của các tổ chức thân Teheran trong khu vực.


Hình tư liệu minh họa: Xe quân đội Mỹ tuần tra tại một khu vực trong thị trấn Qamishli, Syria, ngày 04/12/2022. AP - Baderkhan Ahmad
Thanh Phương
Theo hãng tin AFP, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết thêm: “ Mục đích chính là làm rối loạn khả năng tấn công của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran và của các tổ chức thân Teheran và cũng nhằm mục đích răn đe, để tránh các cuộc tấn công khác”.

Từ ngày 17/10, lực lượng Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ tại Syria và tại Irak đã bị tấn công ít nhất là 14 lần, theo Lầu Năm Góc, khiến 21 binh lính bị thương nhẹ.

Các vụ oanh kích của Mỹ hôm thứ năm là các cuộc oanh kích đầu tiên nhắm vào các lợi ích của Iran kể từ tháng 3 và đã được tiến hành để bảo vệ các quân nhân Mỹ trong khu vực, theo Lầu Năm Góc.

Các tổ chức vũ trang thân Iran đã dọa sẽ tấn công vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Trung Đông do Washington yểm trợ Israel trong cuộc chiến chống Hamas, cũng là một lực lượng thân Teheran.

Hoa Kỳ hiện vẫn duy trì một lực lượng khoảng 900 quân ở Syria và gần 2.500 quân ở Irak để chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi Giáo và thường xuyên mở các cuộc tấn công nhắm vào quân thánh chiến.

Quan hệ Nga - Israel căng thẳng sau chuyến công du Matxcơva của Hamas

Trái với thái độ thận trọng trước đây về những phát biểu và lập trường của Matxcơva, Israel bày tỏ phẫn nộ sau khi Nga tiếp phái đoàn Hamas, cáo buộc điện Kremlin « ủng hộ khủng bố và hợp pháp hóa những tội ác kinh hoàng của những kẻ khủng bố trong lực lượng Hamas ». Ngay trong ngày 27/10/2023, đại sứ Nga tại Israel đã phản ứng dữ dội khi tuyên bố « cáo buộc chúng tôi yểm trợ khủng bố là điều không thể chấp nhận được ».


Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Matxcơva, ngày 24/10/2023. AP - Gavriil Grigorov
Thu Hằng
Theo thông tín viên RFI Anissa El Jabri tại Matxcơva, Nga đang chọn cách rời xa Israel mà trước đây Matxcơva coi là một đối tác gần gũi:

« Những sự kiện ngày 07/10 trước đây được Nga coi là thời cơ để thể hiện vai trò nhà trung gian hữu ích nhất. Những phát biểu đầu tiên của tổng thống Vladimir Putin là để đả kích Washington. Ngày 10/10, nguyên thủ quốc gia Nga tuyên bố : « Đó là một ví dụ rõ ràng về thất bại trong chính sách của Hoa Kỳ ở Trung Đông ».

Có thể nói chuyện với tất cả các bên liên quan trong khu vực, Matxcơva từng có trong tay nhiều lá bài hữu ích để cố phá vỡ thế cô lập, tìm được vị trí trên trường quốc tế. Nhưng sau đó, Nga lại nhìn thấy trong chuỗi sự kiện này một cơ hội thúc đẩy cuộc « khẩu chiến » với phương Tây, nhất là lập luận cố hữu về cách hành xử nhất bên trọng nhất bên khinh của phương Tây.

Đối với Matxcơva, ưu tiên vẫn là làm suy yếu phe ủng hộ Kiev và tăng cường ảnh hưởng của Nga đối với các nước phương Nam.

Chính quyền Nga khi thấy cần thiết vẫn khẳng định rằng Ukraina là trận chiến chính. Cho dù có bị xem là công nhận tính chính đáng của Hamas sau sự kiện ngày 7 tháng 10. Cho dù có làm tổn hại đến mối quan hệ lâu đời và bền vững với Israel ».

Washington khẳng định Bắc Triều Tiên đã chuyển giao đạn cho Nga

Trong một tuyên bố chung với Nhật Bản và Hàn Quốc ngày 26/10/2023, Hoa Kỳ khẳng định có những bằng chứng về việc chế độ Bình Nhưỡng cung cấp cho Matxcơva cả nghìn container đạn để phục vụ cho cuộc chiến tranh ở Ukraina. Washington và các đồng minh châu Á đã lên án mạnh mẽ việc chuyển giao vũ khí này.


Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un (T) tiếp ngoại trưởng Nga, Sergueï Lavrov tại Bình Nhưỡng ngày 18/10/2023. AFP - HANDOUT
Anh Vũ

Thông tín viên RFI tại Seoul Celio Fioretti cho biết thêm thông tin :

Việc chuyển giao này hoàn toàn vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, cấm Bắc Triều Tiên xuất và nhập khẩu vũ khí. Tuy nhiên, đó là những loại đạn dược quan trọng mà Matxcơva đang cần cho cuộc xâm lược Ukraina.

Thật vậy, đạn của Bắc Triều Tiên rất phù hợp với các loại vũ khí của Liên Xô cũ mà Nga hiện đang sử dụng trong cuộc chiến này.

Phát ngôn viên Điện Kremin Dmitri Peskov đã tuyên bố rằng « các thông tin đó là hoàn toàn không có cơ sở ». Đồng thời ông nói thêm là Nga sẽ tiếp tục phát triển các mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Triều Tiên.

Người ta không biết chính xác Matxcơva đã chấp thuận cung cấp cho Bình Nhưỡng những gì để đổi lại đạn dược. Có thể có nhiều hướng, chẳng hạn như hỗ trợ cho chương trình không gian của Bắc Triều Tiên, hoặc có thể là cung cấp các loại thiết bị quân sự để chế tạo tên lửa.

Tuần trước, ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov đã tới Bắc Triều Tiên để gặp lãnh đạo Kim Jong-un. Họ đã ca ngợi mối quan hệ giữa hai nước không ngừng được tăng cường.

Ngoại trưởng Hàn Quốc, Park Jin, trong một cuộc điều trần trước Quốc Hội hôm 27/10 đã cảnh báo là Seoul sẽ có những biện pháp trả đũa nếu Nga chuyển giao công nghệ tên lửa cho Bắc Triều Tiên.

Người Do Thái biểu tình tại New York đòi ngừng oanh tạc vào Gaza

Hàng trăm người đã bị câu lưu tại New York hôm qua, 27/10/2023, trong một cuộc biểu tình do một phong trào của người Do Thái tổ chức để đòi chấm dứt các cuộc oanh tạc của Israel vào dải Gaza của Palestine. Hàng ngàn người đã tham gia một cuộc tọa kháng tại ga Grand Central của thành phố New York.


Một cuộc biểu tình của người Mỹ gốc Israel ngày 26/10/2023 tại New York đòi ngừng bắn tại Gaza và trả tự do cho các con tin bị Hamas bắt giữ. AP - Bebeto Matthews
Thanh Phương
Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki tường trình:

“Hô vang khẩu hiệu: “Hãy để Gaza sống”, hàng ngàn người đã chiếm lĩnh ga xe lửa nổi tiếng Grand Central. Họ là những người Do Thái đến từ New York và các thành phố khác, mặc áo thun màu đen có in hàng chữ “ Người Do Thái vì Palestine”.

Trong đoàn biểu tình có Sam Cohen, bản thân đã sinh ra trong một trại tị nạn sau Thế chiến Thứ hai, đến đây để kêu gọi ủng hộ người Palestine.

Ông nói: “ Tôi đã mất 90% người thân, nạn nhân của tội ác Đức Quốc Xã. Đó cũng chính là điều mà Israel đang làm. Trừng phạt tập thể người dân Gaza là một tội ác chiến tranh trầm trọng không kém, thậm chí trầm trọng hơn. Họ đã không học được bài học gì à?”

Cuộc biểu tình này là nối tiếp vô số các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine tại nhiều thành phố ở Hoa Kỳ. Những người tham gia xuống đường muốn cho thấy không phải toàn bộ người Do Thái ủng hộ các hành động của Israel.

Một người biểu tình nói: “ Không được nhân danh chúng tôi. Chúng tôi không muốn là nỗi đau của chúng tôi, những chấn thương của cộng đồng chúng tôi bị sử dụng để biện minh cho những hành vi bạo lực nhắm vào một cộng đồng khác.”

Một phụ nữ trong đoàn biểu tình tuyên bố: “ Chúng tôi chống các cuộc oanh tạc, chống tôi ác diệt chủng, chống việc phong tỏa Gaza. Và bây giờ, toàn bộ phương tiện liên lạc đã bị cắt đứt và người dân đang bị giết hại trong bóng tối.”

Những người Do Thái biểu tình hy vọng sẽ gây áp lực được lên các dân biểu Quốc Hội Mỹ để đạt được một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và đình chỉ viện trợ quân sự hàng tỷ đô la mà Washington cấp cho Israel hàng năm.

Mỹ và Trung Quốc phối hợp chuẩn bị thượng đỉnh Biden-Tập vào tháng 11

Tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ gặp nhau vào giữa tháng 11/2023 nhân thượng đỉnh APEC tại San Francisco. Washington và Bắc Kinh sẽ phối hợp với nhau để tổ chức sự kiện này sau khi ông Joe Biden tiếp ngoại trưởng Vương Nghị tại Nhà Trắng ngày 27/10.


Ảnh tư liệu: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (thứ 2 phải) hội đàm với cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan (thứ 2 trái) tại Malta ngày 18/09/2023. AP - Lian Yi
Thu Hằng
Trong báo cáo về buổi làm việc giữa ông Vương Nghị và cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan được công bố ngày 28/10, bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết : « Hai bên nhất trí làm việc với nhau để đi tới một cuộc gặp giữa hai nguyên thủ tại San Francisco ».

Về phía Mỹ, người phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby không cho biết Bắc Kinh có nhận lời mời ông Tập Cận Bình đến Hoa Kỳ hay không. Tuy nhiên, một quan chức Mỹ xin ẩn danh nhấn mạnh « Chúng tôi (Mỹ và Trung Quốc) đang phối hợp với nhau » để chuyến công du có thể diễn ra nhân thượng đỉnh APEC.

Lần gần đây nhất mà ông Tập Cận Bình và ông Joe Biden gặp nhau là tại thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, vào tháng 11/2022.

Khi tiếp ngoại trưởng Vương Nghị, tổng thống Joe Biden đã kêu gọi Trung Quốc phối hợp với Mỹ để xử lý mối quan hệ song phương một cách « có trách nhiệm » và « cùng nhau giải quyết những thách thức toàn cầu ». Theo thông cáo của Nhà Trắng, ông Biden cho rằng hai cường quốc cần « duy trì những kênh liên lạc mở » dù cạnh tranh kịch liệt với nhau.

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, được AFP trích dẫn, nêu mục đích chuyến công Mỹ hiếm hoi của ông Vương Nghị là nhằm « phối hợp để giảm suy thoái trong quan hệ Mỹ-Trung, ổn định và đưa quan hệ song phương vào con đường phát triển đúng đắn và cân đối ».

Hai cường quốc lớn nhất thế giới đang cạnh tranh trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt tại châu Á-Thái Bình Dương. Washington tăng cường hợp tác với các đồng minh Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và nhiều đảo quốc ở Thái Bình Dương. Đối với Bắc Kinh, đó là chính chiến lược « bao vây » Trung Quốc, dù Washington luôn bác bỏ.

Malta : Hơn 50 nước tham gia Hội nghị vì hòa bình cho Ukraina

Trong hai ngày 28 và 29/10/2023, hơn 50 nước có mặt ở Malta để thảo luận về kế hoạch hòa bình 10 điểm do Ukraina đề xuất. Tổng thống Volodymyr Zelensky hy vọng hai ngày họp thượng đỉnh sẽ giúp Ukraina được ủng hộ mạnh hơn, do có thêm 10 nước tham gia, so với 40 nước tại cuộc họp trước đó ở Jeddah, Ả Rập Xê Út.


Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky dự một cuộc họp tại trụ sở của NATO, Bruxelles, Bỉ, ngày 11/10/2023. AP - Olivier Matthys
Thu Hằng
Kiev hoan nghênh sự tham gia của các nước lớn như Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Ấn Độ, coi đó là dấu hiệu ủng hộ của thế giới đối với tiến trình hòa bình 10 điểm. Theo AFP, Úc, Bahrein, Chilê, Gruzia, Nhật Bản, Koweit, Mêhicô, Qatar và Thái Lan cũng cử đại biểu đến dự, một số họp trực tuyến. Ban đầu được dự kiến tổ chức ở một nước Cận Đông, cuộc họp lần thứ ba này phải dời sang Malta do xung đột Israel-Hamas.

Thông tín viên RFI Emmanuelle Chaze tại Kiev cho biết thêm :

« Sau Đan Mạch vào tháng 6, Ả Rập Xê Út vào tháng 8, giờ đến lượt Malta tổ chức cuộc họp thứ ba về bản kế hoạch hòa bình cho Ukraina mà tổng thống Volodymyr Zelensky đề xuất. Mục tiêu là tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh vì hòa bình vào cuối năm nay, một số nguyên tắc chung sẽ được các nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ ký. Sự kiện này có thể làm cơ sở cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraina theo hướng có lợi cho Kiev.

Để làm được việc đó, các nhà lãnh đạo có lẽ phải nhất trí với những điều kiện mà Kiev đưa ra, bao gồm việc tái lập toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraina, bảo đảm an ninh lương thực, môi trường và năng lượng, bảo đảm an toàn hạt nhân, thả tù binh và những người Ukraina bị bắt đưa đi, xét xử những người phải chịu trách nhiệm về các tội ác chiến tranh.

Kiev thông báo là hơn 50 nước có thể tham gia cuộc họp ở Malta vào cuối tuần này, nhiều hơn so với cuộc họp tháng 8 ở Jeddah. Tuy nhiên, Matxcơva đã bác các cuộc đàm phán trên. Trong khi đó, một số cơ quan truyền thông cho biết là Trung Quốc, nước từng đề xuất một lộ trình riêng cho hòa bình ở Ukraina, sẽ không có mặt ».


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét