Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 25 tháng 10, 2023

Happy Halloween 2023! và Kính Chuyển Tin Thế Giới Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải

Happy Halloween 2023! Lễ Hội Mừng Lễ Ma Quỷ! Thứ Ba tới, là ngày Happy Halloween! hay còn gọi là lễ hội Ma Quỷ, diễn ra vào ngày 31 tháng 10 hàng năm. Đây là một trong những lễ hội ma quái vui nhộn nhất, mà các bạn trẻ vô cùng yêu thích. Bởi sức thu hút huyền bí, nhiều màu sắc, sáng tạo đẹp mắt. Từ người hóa trang nhìn ghê rợn khủng khiếp, cho đến nhà cửa, trang trí tưng bừng, lộng lẫy lạ thường. Halloween đánh dấu, bắt đầu vào cuộc vui lễ hội, kéo dài cho đến hết năm! Lễ hội mang lại nhiều niềm vui, yêu đời trong cuộc sống.
<!>


Lời Chúc
Kính chúc Quý Vị và Gia Đình, nhất là các Trẻ Em: Một ngày Lễ Halloween gặp những điều bất ngờ, khủng khiếp và rùng rợn! Sáng gặp quỷ hút máu! chiều gặp ma lưỡi dài, tối mơ thấy mình lạc xuống địa ngục! bị cưa người, chiên trong chảo dầu! Êm dịu hơn nữa, là được ngủ với con ma..dzú …dài!(Khà!Khà!)

Nhưng dù sao đi nữa, cứ bình tĩnh, đây chỉ là tinh thần vui chơi, đùa cợt của ngày lễ! dù bị ma nhát, sợ muốn chết! được cây kẹo, mà tim muốn rớt ra ngoài! nhưng để nhớ, đó cảm giác thích thú, nhiều ngạc nhiên, trong ngày Lễ đặc biệt này.

Happy Halloween! Chúc Mừng Lễ Ma Quỷ 2023!

Những phong tục Halloween kỳ lạ và thú vị!

Đốt lửa, trang trí lồng đèn, hóa trang thành ma quỷ, cho kẹo hay bị ghẹo… là những phong tục Halloween kỳ lạ và thú vị.


Trang trí lồng đèn là một phong tục Halloween rất phổ biến.

Phong tục trang trí lồng đèn trong ngày Halloween bắt nguồn từ Ireland. Người dân ở đây khắc khuôn mặt ma quỷ trên khoai tây, củ cải để xua đuổi những linh hồn trong đêm.

Khi lễ hội Halloween được du nhập vào Mỹ, người ta sử dụng bí ngô để khắc mặt quỷ trang trí trong đêm diễn ra lễ hội. Và ngày nay, lồng đèn bí ngô đã trở thành nét đặc trưng của lễ Halloween trên khắp thế giới.

Lý do bí ngô trở thành biểu tượng của Halloween liên quan đến một trong những ý nghĩa ngày này, gắn liền với một truyền thuyết của người Ireland, kể về một chàng thiếu niên có tên là Jack. Jack đã chết nhưng linh hồn không được lên Thiên Đàng vì lúc sống, anh ta vốn là một người tham lam, bủn xỉn, thường cất giấu tiền bạc, keo kiệt, không hề bố thí cho ai một chút gì. Thế nhưng, anh ta cũng không thể xuống Địa Ngục vì lúc còn sống anh ta đã từng chơi đùa với ma quỷ, nên quỷ không bắt anh.

Thấy Jack khổ sở, quỷ bèn lấy một ít than hồng ở Địa Ngục bỏ vào trong ruột một quả bí ngô và đưa cho Jack để sưởi ấm trên đường đi. Để cho không khí thông vào nuôi lửa, Jack phải đục thủng quả bí ngô và ánh lửa từ trong đã chiếu ra soi sáng nẻo đường lang thang của mình.

Hóa trang thành ma quỷ

Lễ hội hóa trang là phong tục không thể thiếu trong dịp Halloween. Từ người lớn đến trẻ nhỏ đều hóa trang thành những phù thủ, ma quỷ, sinh vật siêu nhân, hoặc các nhân vật hoạt hình nổi tiếng...

Phong tục hóa trang xuất phát từ nguồn gốc của ngày Halloween. Người Celt cổ đại tin rằng vào đêm trước năm mới, ranh giới giữa thế giới của người sống và người chết trở nên mờ nhạt, các linh hồn người chết có thể quay trở lại trần gian nên họ thường mặc những trang phục ma quái để xua đuổi tà ma hay đón người thân "về nhà" trong đêm lễ hội này.

Trick or Treat - Cho kẹo hay bị ghẹo

Cho kẹo hay bị ghẹo là một phong tục Halloween rất thú vị dành cho trẻ em ở các nước phương Tây.


Sau khi hóa trang, các bé sẽ đi gõ cửa từng nhà và nói câu "trick-or-treat" (Nếu muốn chúng tôi không chơi xấu thì hãy đãi chúng tôi cái gì đi. Cho kẹo hay bị ghẹo nào) với chủ nhà. Tất nhiên không ai muốn bị "trick" nên lũ trẻ thường xuyên được chủ nhà tiếp đón bằng kẹo và tiền xu.

Người ta thường đốt lửa trong lễ Halloween với hy vọng mặt trời sẽ lưu lại lâu hơn và luôn chiếu sáng giúp cho mùa màng bội thu. Bên cạnh đó, ánh sáng từ đống lửa sẽ giúp con người tránh xa những linh hồn quỷ dữ.


Lấy táo, gọt táo

Táo là loại quả linh thiêng được dùng để thờ cúng các vị thần linh. Do vậy, đây không đơn giản chỉ là một trò chơi, mà còn là một nghi lễ lấy may trong đêm Halloween.

Lấy táo là trò chơi cầu mong may mắn trong dịp Halloween.

Có rất nhiều hình thức chơi liên quan tới táo như thi gọt vỏ táo, lấy táo trong thùng nước... Theo đó, những người chơi tin rằng ai gọt được vỏ táo càng dài thì càng sống lâu, ai lấy được càng nhiều táo càng gặp nhiều may mắn.


Tin Quốc Tế Đó Đây

***
Đoàn Xe Viện Trợ Thứ Ba Từ Ai Cập Tới Gaza Qua Cửa Khẩu Rafah


(Hình: Đoàn xe cứu trợ qua cửa khẩu Rafah.)

-Một nhân viên cứu trợ và hai nguồn tin an ninh cho thông tấn xã Reuters biết rằng hôm 23/10/2023, một đoàn xe vận tải viện trợ thứ ba đã tiến vào cửa khẩu Rafah từ Ai Cập để tới Dải Gaza đang bị bao vây.

Việc giao hàng viện trợ nhân đạo qua cửa khẩu Rafah bắt đầu vào ngày 21/10 sau khi tranh cãi về thủ tục kiểm tra viện trợ và các cuộc bắn phá ở phía biên giới Gaza đã khiến hàng cứu trợ bị mắc kẹt ở Ai Cập.

Rafah là cửa khẩu chính ra vào Gaza không giáp biên giới Do Thái. Kể từ khi Do Thái áp đặt “cuộc bao vây toàn diện” khu vực này để trả đũa cuộc tấn công của phiến quân Hamas vào ngày 7/10, Rafah đã trở thành tâm điểm của các nỗ lực cung cấp viện trợ.

Vào 21/10 và 22/10 có 34 xe vận tải đi qua đây. Nhân viên cứu trợ và các nguồn tin an ninh cho biết số lượng xe vận tải trong đoàn xe hôm 23/10 cũng tương tự như những ngày đó.

Các viên chức Liên Hiệp Quốc cho biết sẽ cần khoảng 100 xe vận tải mỗi ngày để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu ở Gaza, nơi sinh sống của 2,3 triệu người trong khi dự trữ thực phẩm, nước và nhiên liệu đang cạn kiệt.


Xung Đột Trung Đông: Hàng Viện Trợ Nhân Đạo Vào Gaza Nhỏ Giọt


(Hình REUTERS - Ibraheem Abu Mustafa: Xe vận tải chở hàng viện trợ nhân đạo cho Gaza. Ảnh ngày 21/10/2023 tại cửa khẩu Rafah.)

Hôm 22/10/2023, chuyến hàng viện trợ thứ hai gồm 17 xe vận tải đã băng qua cửa khẩu Rafah đến Palestine. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng lượng hàng cung cấp như hiện nay chỉ như “muối bỏ bể”.

Từ thủ đô Cairo của Ai Cập, thông tín viên Alexandre Buccianti của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) giải thích:

“Trong 2 ngày, 37 xe vận tải mỗi chiếc có sức chở 25 tấn, đã chở hàng hóa đến phía Palestine qua cửa khẩu Rafah. Chưa tới 1.000 tấn hàng viện trợ cho hơn 2 triệu dân đang thiếu đủ thứ. Đây là lý do vì sao một phần lớn hàng hóa được vận chuyển là thiết bị y tế và thuốc men.

Tuy không có nhiều hàng hóa, nhưng ít ra cũng có thể giúp cho hàng ngàn người bị thương và bệnh tật. Viện trợ này còn hiệu quả hơn nếu trong đó có nhiên liệu cho máy phát điện của các bệnh viện. Tuy nhiên, Do Thái vẫn cấm đưa xăng dầu và các xe bồn mà người ta thấy được đang tiếp nhiên liệu cho một bồn chứa gần cửa khẩu trên đường đi vào lãnh thổ Palestine. Bốn chứa này nằm ngoài tầm oanh tạc nếu như các con lộ bị các cuộc oanh kích của Do Thái phá hỏng chưa được sửa chữa. Tóm lại, số hàng viện trợ này là hoàn toàn không đầy đủ. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres, ước tính ít nhất mỗi ngày phải có khoảng 100 xe hàng”.

Vào lúc Do Thái vẫn siết chặt bao vây và tăng cường oanh kích dải Gaza nhằm “tiêu diệt” phe Hamas, và trước một thảm họa nhân đạo quy mô lớn chưa từng có, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Do Thái hôm 22/10 khẳng định, kể từ giờ, sẽ liên tục cung cấp “dòng viện trợ thiết yếu” cho dải Gaza.

Hôm 23/10, Lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu, ông Josep Borrell hối thúc nên có “nhiều viện trợ hơn, nhanh hơn cho dải Gaza”, và với tư cách cá nhân ông ủng hộ yêu cầu của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, kêu gọi một lệnh “hưu chiến nhân đạo”, để có thể phân phối viện trợ nhân đạo cho người dân Palestine đang bị Do Thái vây hãm. Lãnh đạo ngoại giao Âu Châu cho biết thêm đây sẽ là chủ đề thảo luận giữa các Ngoại trưởng 27 nước thành viên họp tại Luxembourg.


Cận Đông: Do Thái Ồ Ạt Oanh Kích Vào Hàng Trăm “Mục Tiêu Quân Sự” ở Dải Gaza Trong 24 Tiếng Đồng Hồ


(Hình: Thành phố Deir al-Balah tại dải Gaza trong đợt oanh kinh hôm 22/10/2023.)

-Trong đêm 22 rạng sáng ngày 23/10/2023, dải Gaza đã bị Do Thái dìm trong bom đạn với “hơn 320 mục tiêu quân sự” của hai lực lượng Palestine Hamas và Jihad Hồi giáo bị oanh kích dữ dội.

Trong một thông cáo đăng trên mạng Telegram vào sáng nay, lực lượng võ trang Do Thái khẳng định: “Trong ngày qua, Tsahal (tên gọi của Quân đội Do Thái) đã oanh kích hơn 320 mục tiêu quân sự ở dải Gaza”, bao gồm các địa đạo của Hamas, hàng chục trung tâm chỉ huy tác chiến nơi của hai tổ chức Hamas và Jihad Hồi giáo ở Palestine, các trại lính và trạm quan sát”.

Phía Palestine dĩ nhiên đã tố cáo Do Thái tấn công vô tội vạ vào các mục tiêu dân sự. Theo văn phòng truyền thông của lực lượng Hamas, đã có ít nhất 60 người Palestine thiệt mạng trong các cuộc không kích do quân đội Do Thái thực hiện trên dải Gaza từ đêm 22 cho đến sáng 23/10.

Vào đêm 22/10, người dân Palestine tại dải Gaza như vậy đã phải hứng chịu một trận mưa bom đạn dữ dội nhất kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Từ thủ đô Jerusalem của Do Thái, đặc phái viên Sami Boukhelifa của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đã ghi nhận lời chứng của một số cư dân Gaza:

“Vì không ngủ được nên chúng tôi đã đếm được hàng chục, hàng trăm vụ nổ bom”. Đây là hàng tin nhắn của Assiya, một phụ nữ Palestine sống ở miền Trung Gaza. Bà ngoại trẻ phải trông chừng các con và đứa cháu gái của mình đã không dấu được nỗi kinh hoàng trước sự gia tăng của các cuộc oanh kích, mà theo Quân đội Do Thái, đã lên đến 320 vụ trong 24 tiếng đồng hồ qua.

Còn ở phía Bắc Gaza, Ahmed nằm trong số những người từ chối rời bỏ nhà cửa bất chấp lệnh di tản của Quân đội Do Thái. Bị cúp Internet, người cha trẻ này đã mô tả tình hình qua điện thoại, nói đến một cảnh tượng không khác gì một ngày tận thế. Tuy nhiên, anh vẫn vững vàng, cho rằng “không nên để bị chìm trong tuyệt vọng, vì cần phải sống còn vì con cái của mình”. Người cha trẻ này cũng hỏi thêm: “Cộng đồng quốc tế hiện đang đàm phán về một lệnh ngừng bắn phải không? Phải chăng giới truyền thông đang nói về một giải pháp chính trị?”

Về phần mình, Tamer, một cư dân khác ở miền Bắc Gaza, đã thấy rằng Do Thái cũng dùng Không quân để đánh vào Gaza, trong lúc chiến hạm Do Thái thì nã pháo từ ngoài khơi, và Bộ binh thì gia tăng pháo kích.

Trước thảm kịch do chiến tranh gây nên, Tamer cố giữ thái độ hài hước: “Ở Gaza, chúng tôi tự nhủ: Nghe được tiếng nổ rốt cuộc lại là hay, vì điều đó có nghĩa là các vụ đánh bom chỉ ở xung quanh chúng ta. Quả bom giết chúng tôi là một vật im lặng. Nó rơi xuống nhà, phát nổ và mang chúng tôi đi trước khi chúng tôi kịp nghe thấy”.


Chiến Tranh Thông Tin Ngày Càng Gay Gắt Giữa Do Thái và Hamas


(Hình: Một người biểu tình ủng hộ Palestine tại Paris với khẩu hiệu “Stop the silence”. Ảnh ngày 19/10/2023.)

-Quân đội Do Thái tăng cường những vụ tấn công trên thực địa trong bối cảnh vẫn tiếp tục cuộc chiến thông tin, công bố những hình ảnh về “tội ác” của lực lượng Hồi giáo Palestine để giải thích chiến dịch phản công.

Cuộc chiến đang diễn ra giữa Do Thái và lực lượng Hồi giáo Palestine Hamas cũng là một cuộc chiến thông tin và hình ảnh để tranh thủ dư luận quốc tế. Trong lúc tăng cường các cuộc oanh kích vào dải Gaza, được cho là nhằm chuẩn bị cho chiến dịch can thiệp trên bộ, Quân Đội Do Thái vào hôm 22/10/2023, đã cho công bố một loạt ảnh chụp từ trên không cho thấy rõ các bệ phóng phi đạn của lực lượng Hamas bố trí sát các cơ sở hạ tầng dân sự ở dải Gaza.

Trên mạng X, phát ngôn viên Quân đội Do Thái tố cáo: “Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, tổ chức khủng bố Hamas đã lợi dụng dân thường và các địa điểm dân sự như nhà trẻ, trường học và đền thờ Hồi giáo, để từ đó bắn rocket vào Do Thái. Hamas cố tình bắn phi đạn vào dân thường Do Thái”.

Việc công bố các hình ảnh này là nhằm bác bỏ cáo buộc từ phía Hamas là Do Thái bắn phá các cơ sở dân sự. Hành động này cũng nằm trong khuôn khổ của chiến tranh thông tin mà Chính phủ Do Thái khởi động kể từ hôm 12/10 vừa qua, khi văn phòng Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu cho công bố những hình ảnh cực sốc về những vụ thảm sát mà các phần tử Hamas đã tiến hành khi đột kích vào Do Thái hôm 7/10.

Trong số các bức ảnh, theo ghi nhận của báo Pháp Les Echos, có ảnh một em bé bị chặt đầu và phòng ngủ của một đứa trẻ đầy máu. Mục tiêu theo phía Do Thái là “để cho thế giới thấy dù chỉ một phần nhỏ những điều khủng khiếp mà Hamas đã gây ra” trong cuộc xâm nhập vào lãnh thổ Do Thái.

Quyết định công bố hình ảnh gây sốc là một bước ngoặt trong cuộc chiến tranh thông tin của Do Thái vì thoạt đầu, các viên chức Do Thái chỉ đưa ra những tuyên bố và đồng thời áp đặt kiểm duyệt trên các tài liệu được coi là quá sốc, để khỏi làm cho người dân mất tính thần.

Thế nhưng, chiến thuật đó đã phản tác dụng, vì đã để ngỏ cho các video của Hamas tô hồng chiến dịch đột kích vào Do Thái, phớt lờ các hành vi tàn bạo, tự do lưu hành trên mạng xã hội.

Mặt khác, chiến dịch trả đũa trên quy mô lớn mà Do Thái thực hiện, với hàng ngàn tấn bom đạn rải xuống dải Gaza, nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến Hamas, đã khiến giới lãnh đạo Do Thái lo ngại về nguy cơ các báo cáo về thương vong liên quan đến dân thường Palestine có thể tác động xấu đến hình ảnh của Do Thái.


Trung Quốc Tỏ Ý Quan Ngại Trước Nguy Cơ Xung Đột Lan Rộng ở Vùng Trung Cận Đông


(Hình: Khói bốc lên từ phía Nam dải Gaza sau vụ oanh kích của Do Thái, ngày 23/10/2023.)

-Hôm 23/10/2023, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã trích lời một viên chức cao cấp Bộ Ngoại giao đánh giá rằng tình hình ở Gaza “rất nghiêm trọng”, với nguy cơ xung đột trên bộ trên quy mô lớn gia tăng và xung đột vũ trang lan rộng trong vùng.

Theo hãng tin Anh Reuters, đặc phái viên Trung Quốc phụ trách Trung Đông, ông Địch Tuyển (Zhai Jun) cho biết là Bắc Kinh đã cung cấp và sẽ tiếp tục cung cấp trợ giúp nhân đạo khẩn cấp cho người Palestine thông qua Liên Hiệp Quốc và thông qua các kênh song phương để giúp giảm nhẹ cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra.

Theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, nhà ngoại giao này cũng cho biết Trung Quốc sẵn sàng làm “bất cứ điều gì có ích” để thúc đẩy đối thoại, đạt được lệnh ngừng bắn và tái lập hòa bình, cũng như thúc đẩy giải pháp hai Nhà nước.

Tuyên bố quan ngại kể trên được đưa ra, ít lâu sau khi Trung Quốc đã quyết định khai triển 6 chiến hạm đến vùng Trung Đông.

Theo nhật báo Hồng Kông SCMP, các chiến hạm này trong đó có một khu trục hạm mang phi đạn điều hướng Type 052D, một hộ tống hạm và một tàu tiếp liệu từng được phái đến khu vực tham gia một cuộc tập trận chung với Oman.

Việc Trung Quốc tăng cường lực lượng Hải quân tại Trung Đông cũng diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ cử hàng không mẫu hạm USS Gerald Ford, hàng không mẫu hạm tiên tiến nhất của Mỹ, cùng với một nhóm tác chiến, tới khu vực Tây Á.


Chiến Tranh Ukraine: Được Tăng Viện, Nhưng Quân Nga Chưa Chọc Thủng Được Phòng Tuyến Avdiivka


(Hình: Chiến sự tại Avdiivka, miền Đông Ukraine: Một tòa nhà đổ nát. Ảnh ngày 17/10/2023.)

-Dù được tăng viện mạnh, các lực lượng Nga dường như vẫn chưa chọc thủng được phòng tuyến Ukraine quanh thành phố Avdiivka, trong vùng Donetsk, miền Đông Ukraine.

Hôm 22/10/2023, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết quân Ukraine vẫn bảo vệ được các vị trí quanh Avdiivka dù gặp nhiều khó khăn, do Nga tăng cường nhiều đợt tấn công. Từ Kyiv, thông tín viên Emmanuelle Chaze của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm:

“Avdiivka, trong vùng Donetsk, tiếp tục là tâm điểm chú ý và Mạc Tư Khoa dường như đang tiếp tục điều thêm quân đến đó. Thế nhưng, cho dù đã được tiếp viện về người và thiết bị, các cuộc không kích và xe bọc thép, lực lượng Nga vẫn không thể chọc thủng tuyến phòng thủ của Ukraine, và Avdiivka vẫn là một trong những biểu tượng của cuộc kháng chiến của Ukraine.

Thế nhưng, những trận chiến này đang diễn ra với cái giá phải trả là những tổn thất nặng nề. Kể từ khi chiến tranh nổ ra, không có con số ước tính của Ukraine, vốn từ chối cung cấp thông tin về chủ đề này, nhưng theo đánh giá của tình báo Anh thì khoảng 190.000 binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến đấu, tức là chết hoặc bị thương nặng.

Giao tranh không chỉ diễn ra ở Avdiivka. Quân Nga cũng tiến hành các cuộc tấn công dọc theo phòng tuyến Kupyansk-Kreminna, gần thành phố Donetsk bị chiếm đóng và thuộc vùng Zaporijjia. Các cuộc tấn công trên không của Nga, với phi đạn và drone, cũng tiếp diễn nhắm vào khắp nơi trên đất nước Ukraine. Đêm qua, có khoảng 20 vụ oanh kích nhắm vào các vùng Sumy, Donetsk, Kherson và Odessa”.

Cũng trong ngày 22/10, Nga cho biết đã hạ được 3 drone của Ukraine nhắm vào bán đảo Crimea mà Mạc Tư Khoa đã chiếm của Ukraine.


Tòa Án Nga Gia Hạn Giam Giữ Nhà Báo Mỹ Đến Ngày 5/12


(Hình: Phóng viên đài RFE/RL Alsu Kurmasheva.)

-Thông tấn xã Reuters cho hay hôm 23/10/2023, một nhà báo người Mỹ gốc Nga bị cáo buộc vi phạm luật pháp của Nga đối với các đặc vụ ngoại quốc bị gia hạn thời gian giam giữ trước khi xét xử cho đến ngày 5/12.

Bà Alsu Kurmasheva là nhà báo của Đài Âu Châu Tự Do/Đài Tự Do (RFE/RL) có trụ sở tại Prague (Cộng hòa Czech). Đài này được Quốc hội Hoa Kỳ tài trợ và bị Nga chỉ định là cơ quan ngoại quốc, nghĩa là họ nhận được tài trợ ngoại quốc cho hoạt động được coi là mang tính chính trị.

Luật sư Edgar Matevosyan của bà Kurmasheva nói với thông tấn xã Reuters rằng ông coi quyết định của tòa án Kazan là “quá khắc nghiệt” và cho biết ông có ý định kháng cáo. Theo phán quyết, bà sẽ bị giam giữ tại một trung tâm tạm giam trước khi xét xử ở Kazan.

Ông Jeffrey Gedmin, Chủ tịch đài RFE/RL, cho biết trong một tuyên bố sau phán quyết của tòa án: “Chúng tôi vô cùng thất vọng về kết quả của phiên tòa ngày hôm nay. Chúng tôi kêu gọi thả bà Alsu ngay lập tức để bà ấy có thể đoàn tụ với gia đình”.

Bà Kurmasheva là nhà báo Mỹ thứ hai bị bắt và buộc tội ở Nga kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, khiến quan hệ giữa Mạc Tư Khoa và Hoa Thịnh Ðốn xuống mức thấp nhất trong hơn 60 năm.

Sau khi phóng viên Evan Gershkovich của tờ Wall Street Journal bị bắt vào tháng 3 vì tội làm gián điệp, điều mà ông phủ nhận, gần như tất cả các nhà báo Mỹ khác đã rời khỏi Nga. Hoa Thịnh Ðốn nhiều lần kêu gọi những người Mỹ khác rời đi.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuần trước cho biết việc xét xử bà Kurmasheva dường như là “một trường hợp khác về việc chính phủ Nga quấy rối công dân Hoa Kỳ”. Ðiện Cẩm Linh phủ nhận điều đó và gọi bình luận đó là không phù hợp.

Đài RFE/RL cho biết bà Kurmasheva, người mang sổ thông hành Mỹ và Nga, nhập cảnh Nga vào ngày 20/5 để giải quyết trường hợp khẩn cấp cho gia đình. Khi đang chờ chuyến bay trở về vào ngày 2/6, bà đã bị giam giữ và sổ thông hành của bà bị tịch thu.

Bà đã bị phạt vì không đăng ký sổ thông hành Hoa Kỳ của mình với chính quyền Nga và bị buộc tội vào tuần trước vì không đăng ký làm nhân viên hoạt đông cho ngoại quốc, một hành vi phạm tội có thể bị phạt tù tới 5 năm.


Bầu Cử Lập Pháp Thụy Sĩ: Cánh Hữu Dân Tộc Chủ Nghĩa và Dân Túy Thắng Thế


(Hình: Lãnh đạo đảng Liên Minh Dân Chủ Cánh Trung (UDC) Marco Chiesa (trái) và Chủ tịch đảng Cánh Trung (Die Mitte) Gerhard Pfister, trước cuộc phỏng vấn trên truyền hình ngày 22/10/2023, tạ Bern, Thụy Sĩ.)

-Trong cuộc bầu cử Lập pháp tại Thụy Sĩ hôm 22/10/2023, đảng cánh hữu dân tộc chủ nghĩa và dân túy thắng thế. Đây là cuộc bầu cử quan trọng bởi chính Quốc hội lưỡng viện thành lập chính phủ. Đảng cực hữu UDC (Liên Minh Dân Chủ Cánh Trung) đạt kết quả tốt chưa từng có, với gần 30% phiếu bầu. Đây được xem là bước ngoặt tại Thụy Sĩ, trong bối cảnh tình hình an ninh, nhập cư tại Âu Châu đang căng thẳng.

Từ thủ đô Geneva của Thụy Sĩ, thông tín viên Jeremy Lanche của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) gửi về bài tường trình vào tối 22/10:

“Toàn bộ kết quả vẫn chưa được công bố, nhất là về Viện Liên Bang ở Thụy Sĩ, tương đương với Thượng viện. Nhưng về Hạ viện thì kết quả đã có: Đảng UDC được 61 trong số 200 ghế. Đây là điều chưa từng xảy ra.

Đảng UDC sẽ có thể áp đặt hơn một chút về các chủ đề họ ưa chuộng: cuộc chiến chống nhập cư, an ninh, việc bài Liên Hiệp Âu Châu và tôn trọng hơn tính trung lập trong quan hệ giữa Thụy Sĩ với ngoại quốc. Thế nhưng, để làm được điều đó, đảng UDC sẽ vẫn phải liên minh với các đảng khác, nhất là với đảng cánh hữu tự do hiện không còn ngần ngại liên minh với UDC nữa để hạn chế thiệt hại sau cuộc bầu cử này.

Ở phe bên kia, khối cánh tả đang suy yếu. Đảng Xã Hội vẫn là đảng đứng thứ hai ở Thụy Sĩ, nhưng các liên minh sinh thái đã mất hầu hết những lợi thế thu được trong những cuộc bầu cử vừa qua. Đây là một nghịch lý, trong khi biến đổi khí hậu được xem là một trong những mối quan tâm chính của cử tri, bên cạnh vấn đề chi phí chăm sóc y tế ngày càng tăng và vấn đề di dân”.


Biển Đông: Manila Triệu Đại Sứ Trung Quốc Lên Để Phản Đối Các Sự Việc ở Bãi Cỏ Mây



(Hình: Ảnh phía Phi Luật Tân cung cấp cho thấy tàu quân sự Trung Quốc đâm vào tàu Phi Luật Tân ở Bãi Cỏ Mây. Ảnh ngày 22/10/2023.)

-Sau các vụ va chạm giữa tàu Phi Luật Tân và tàu Trung Quốc gần Bãi Cỏ Mây, vùng quần đảo Trường Sa trên Biển Đông vào tuần trước, chính quyền Manila hôm 23/10/2023 tiếp tục phản ứng gay gắt, tố cáo tàu Trung Quốc “cố ý tấn công” các chiếc tàu Phi Luật Tân, đồng thời triệu Ðại sứ Trung Quốc lên để phản đối.

Ngay sau sự việc xẩy ra hôm 22/10 tại một vùng biển gần Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) ở Trường Sa, với 2 vụ va chạm nguy hiểm, nhắm các tàu công vụ Phi Luật Tân và tàu Hải cảnh và Dân quân Biển Trung Quốc, các viên chức Phi Luật Tân đã cáo buộc tàu Trung Quốc về hành động “di chuyển nguy hiểm”.

Vào hôm 23/10, Bộ trưởng Quốc phòng Phi Luật Tân Gilbert Teodoro đã tiến thêm một bước nữa khi cho rằng các hành động của Trung Quốc gần Bãi Cỏ Mây là có chủ ý.

Đối với ông Teodoro: “Tàu Hải cảnh và Dân quân Biển Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, đã quấy rối và cố tình tấn công tàu Unaiza Hai Tháng Năm và tàu Tuần Duyên BRP Cabra của Phi Luật Tân”.

“Chúng tôi ở đây để thực sự lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất các hành vi vi phạm nghiêm trọng và bất hợp pháp này trong Vùng đặc quyền Kinh tế 200 hải lý (của Phi Luật Tân) cũng như việc che giấu sự thật khi Trung Quốc bóp méo câu chuyện để cho phù hợp với mục đích riêng của họ”.

Bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Phi Luật Tân được đưa ra vài tiếng đồng hồ sau khi Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos gặp gỡ giới lãnh đạo an ninh và ra lệnh cho Lực lượng Tuần duyên điều tra sự việc.

Vào sáng 23/10, Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân đã triệu Ðại sứ Trung Quốc tại Manila lên để gởi công hàm phản đối việc Bắc Kinh vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Phi Luật Tân tại vùng Bãi Cỏ Mây.

Phía Trung Quốc chỉ cử phó Ðại sứ tới gặp và cho biết đã “bày tỏ sự bất bình mạnh mẽ và kiên quyết phản đối việc tàu Phi Luật Tân xâm phạm” vào vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Về phần Hoa Kỳ, đồng minh lâu năm của Phi Luật Tân, Hoa Thịnh Ðốn cũng đã tố cáo hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Mỹ vào hôm 22/10 nhắc lại rằng Hiệp ước phòng thủ chung với Phi Luật Tân cũng có hiệu lực với vụ tấn công vũ trang vào lực lượng vũ trang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét