Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2023

Hái Hồng Giòn Hồng Mềm Vườn Nhà Tôi - Sương Lam


"Thuở hàn vi học Pi Ci Ci" ( PCC- Portland Community College) lúc mới qua Mỹ năm 1981, tôi phải đi học lại ở "đại học trường làng" Portland Community College Sylvania ở Beaverton bằng xe buýt vì tôi không có tiền mua xe để lái xe đi học như học sinh "chảnh" bây giờ.Tôi cắp sách trở lại trường nơi xứ Mỹ sau khi chọn nơi này làm quê hương thứ hai. Bằng cấp ngày xưa chỉ là những kỷ vật đáng yêu, đáng quý để mà nhìn ngắm khi trà dư tửu hậu mà thôi. Trong thực tế, tôi phải đi “học đại” “đại học” để có tiền từ những “Basic Grant”, từ những“Work Study” hầu có tiền trả tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền ăn v..v.. trong những bước đầu làm lại cuộc đời từ con số không nơi xứ lạ quê người sau khi gia đình tôi vượt biên đi tìm Tự Do ở nơi phương trời xa lạ. 
<!>
 Đi học lại vào lúc tuổi đã hơn ba mươi không phải là chuyện dễ dàng với một kẻ sống nhiều về tình cảm, đầy ắp những kỷ niệm về quá khứ và những lo nghĩ về tương lai như tôi.

Xin hãy cảm thông tâm tình của người viết trong những ngày đầu đi học khóa mùa Thu ở xứ Mỹ:


“Khi còn ở quê nhà chốn cũ
Vẫn mơ về bến mới Tự Do
Nào hay đâu đã đến được bờ
Lại mang nỗi u hoài khó tả

Những buổi sáng trên đường tới lớp
Trời Thu buồn khắp nẻo sương giăng
Bao niềm thương nỗi nhớ xa gần
Trong thoáng chốc quay về lũ lượt

Nào cha mẹ, trường xưa, bạn cũ
Nào những ngày khốn khổ điêu linh
Nào bao nhiêu kỷ niệm, ân tình
Hình ảnh ấy bao giờ xóa được

Rồi tôi lại ngậm ngùi khi nhớ về Sài Gòn:

Từng thu đến, lại từng thu đến
Gió lạnh về tê tái, cô đơn
Kẻ sĩ xưa ôm mối đau hờn
Nơi xứ lạ sống đời viễn khách

U hoài ấy biết ai tâm sự
Nửa cuộc đời sống ở quê hương
Sài Gòn ơi! Cách biệt đôi đường
Còn gì nữa, để quên để nhớ!

(Sài Gòn còn gì để quên để nhớ - Thơ Sương Lam)

Những thân hữu cùng trang lứa, cùng tâm sự như tôi chắc hẳn cũng mang nỗi u hoài như tôi, bạn nhỉ?

Ngồi trên xe buýt đi học, tôi có dịp ngắm mùa Thu lá vàng rơi khắp nẻo trên đường đi học và về nhà. Tôi được dịp ngắm vẻ đẹp của những trái hồng chín màu đỏ cam trên cây của những cây hồng trồng trước sân nhà của các chủ nhân, tôi nghĩ là người Á Châu vì đa số người Á Châu biết và thích ăn hồng hơn người Mỹ. Từ đấy, tôi có ý nghĩ là sẽ trồng cây hồng ở vườn nhà tôi sau này để vừa được ngắm nét đẹp trái hồng, vừa có trái hồng để chưng cúng bàn Phật, để kính biếu thân nhân, bè bạn, vừa được ăn trái hồng. Thật là ba, bốn điều lợi ích cho việc trồng hồng của tôi

Ông xã tôi lúc đầu cũng đi học PCC bằng xe buýt như tôi, sau đó chàng để dành được vài trăm đồng để mua một chiếc xe hơi cũ "cà tàng" để vừa đi học, vừa đi làm cho tiện. Chàng phải đi làm thêm "janitor" ban đêm mới đủ tiền trả tiền nhà tiền điện vì chúng tôi muốn sống “tự túc tự cường" không muốn lệ thuộc vào trợ cấp xã hội sau 6 tháng đến xứ Mỹ.

"Hoàng thiên không phụ hảo tâm nhân", Trời Phật không bao giờ phụ lòng cầu tiến của chúng tôi, sau 3 năm "dùi mài kinh sử" ở đại học trường làng Portland Community College, chúng tôi cũng mũ áo xênh xang ra trường PCC.

Chàng thấy tôi ham học quá nên để cho tôi vẫn tiếp tục vừa đi làm vừa đi học ở "đại học trường tỉnh" Portland State University (PSU) ở Portland, Oregon, còn chàng là trụ cột gia đình nên phải "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm chủ nhật”, cày luôn 2 "jobs" để cho nàng tung tăng đến trường làm "học trò xứ lạ. Cảm ơn ông xã.

Chàng tuổi Thìn, tôi tuổi Thân, mà theo Tử Vi thì "Thân, Tý, Thìn” "tam hạp", vợ chồng chúng tôi nương nhau mà sống dù tánh ý khác nhau, nên ông Trời ban phúc cho chúng tôi có một mái ấm gia đình nho nhỏ sau bao năm đi cày xứ Mỹ. Chúng tôi thích sống xa phố thị nên chọn sống ở vùng quê ngày xưa gần chỗ chàng làm nên vườn rộng thênh thang tha hồ trồng cây ăn trái, trồng hoa v..v….

Portland, Oregon là xứ lạnh như Đà Lạt nên chỉ trồng cây hồng, cây lê, cây táo, cây mận mà thôi chứ không trồng nhiều loại cây ăn trái khác như ở Cali, Texas, Florida. Ngày xưa ở Portland, các nursery không có bán cây hồng, cây lê, chúng tôi phải lái xe chạy tuốt đến các nursery bên tiểu bangWashington kế cận để mua 2 cây hồng mềm (chàng thích ăn), 1 cây hồng dòn (nàng thích ăn) về trồng ở vườn sau. Phải đợi đến 3 năm sau, các cây hồng mới bắt đầu có trái và từ đó chúng tôi có hồng ăn dài dài. Vườn sau cũng có trồng 4 cây lê do bạn bè tặng mừng ăn tân gia khi chúng tôi dọn về nhà mới.

Khu đất vùng nhà tôi ở hình như là khu đổ rác trước đây, sau này được cải biến thành khu "Subdivision" được nhà thầu cất nhà mới bán cho người muốn mua nhà mới nên hoa cảnh dễ trồng rất đẹp, cây ăn trái quả lớn ngon ngọt đến nổi gia đình ông anh bên chồng tôi ở Daytona Beach, Florida qua chơi cũng hái đóng thùng gửi về Florida ăn cho đã. Tôi hái biếu tặng thân nhân, bạn bè các nhóm tôi sinh hoạt ăn đã đời luôn. Smile!

Mời xem hình vườn hồng nhà tôi các năm trước



Thời gian trôi qua, chủ nhân vườn hồng, vườn lê " không còn trẻ nữa" và cây trái trong vườn cũng bị "lão hoá” luôn nên cây trái không còn sai quả như ngày xưa. Người viết phải mướn người đốn bớt cây thấp xuống và hốt lá vàng cũng tốn tiền quá nên cũng hết ham vườn rộng cây trái nhiều nữa. Mệt quá!

Tuy nhiên, năm nay tôi vẫn thấy có niềm vui khi đứng bên trong nhà nhìn cây hồng mềm có nhánh đầy quả trải dài thấp là đà trên "deck" vườn sau nhà tôi nên ông xã chỉ cần ngồi trên ghế với tay hái trái là được. Thích nhé!


Ông xã tôi hái được một số hồng giòn, hồng mềm biếu tặng thân nhân trong buổi họp mặt sum họp gia đình Nguyễn Hữu ở Portland ngày thứ sáu vừa qua.

Mời xem 3 Youtube Minh Sương Lam hái hồng tặng thân nhân

1 Youtube Anh Minh hái hồng dòn biếu bà con 10 19 23


2-Youtube Anh Minh hái hồng mềm họp mặt gia đình 10- 20-23


3-Youtube Sương Lam hái hồng biếu thân nhân 10- 19- 23


Một niềm vui khác lại đến ngày chủ nhật hôm qua khi vợ chồng cô bạn mới quen đến hái trái hồng vườn nhà tôi, sau khi hái hồng xong, cô ngồi trong phòng khách nhìn ra ngoài vườn cũng khen nhánh hồng này đẹp như bức tranh vẽ thấy mê quá!

Youtube Long Duyên hái hồng hái lê nhà Sương Lam 10-22-23


Ngày mai tôi sẽ đi biếu bà bạn thân ở gần nhà một số hồng giòn, hồng mềm mới hái và sẽ kêu cô bạn hàng xóm Romanie đến hái hồng giòn đem về nhà ăn vì cô này cũng hảo hồng giòn lắm đấy.

Niềm vui thật giản dị đến với chúng ta khi tâm mình cảm thấy vui khi cho đi và nhận lại nụ cười, phải không bạn?

Xin mời bạn đọc bài thơ Sông Cho Biển Nhận dưới đây thay cho lời kết luận bài tâm tình hôm nay.

Sông Cho Biển Nhận
(Viết tặng các thân hữu của SL)

Xin hãy cho như dòng sông quê ngoại
Cửu Long giang bù đắp những phù sa
Như bạn bè, bao kỷ niệm ngọc ngà
Theo năm tháng đắp bồi thêm tươi thắm

Muôn sông nhỏ đổ vào lòng biển thẳm
Cho biển kia dồn dập sóng trùng dương
Máu về tim, nơi phát xuất yêu thương
Sông về biển, nơi dưỡng sinh vạn vật

Xin hãy nhận như đại dương bát ngát
Những dòng sông muôn ngả chảy về đây
Như bạn xưa về ca khúc sum vầy
Cùng hội ngộ trong biển tình thân mến

Sông cần biển để có nơi chảy đến
Biển cần sông để cho biển thẳm sâu
Người cần người vì có những nhiệm mầu
Của tình cảm, của yêu thương, vương vấn

Xin hãy cho, xin hãy vui đón nhận
Những yêu thương, những thương mến ngọt ngào
Vì ngày mai nào ai biết ra sao?
Thì hiện tại, hãy yêu thương, vui sống

Trí thanh thản đừng để tâm vọng động
Trước những gì đố kỵ với hờn ghen
Như trăng kia vẫn sáng đẹp hơn đèn
Yêu thương vẫn đẹp hơn là oán hận

Xin chúc Bạn: Thiện Tâm luôn tinh tấn
Xin nguyện cầu: Nhân Ái trải muôn phương
Để mọi người sống An Lạc, Yêu Thương
Thì trần thế sẽ thiên đàng, hạnh phúc

Sương Lam

Mời xem Youtube bài thơ Sông Cho Biển Nhận. Cảm ơn anh Mai Đằng và toàn ban.

Sông Cho Biển Nhận-Thơ Sương Lam- Ảnh Thơ Trinh Huỳnh- Nhạc Mai Đằng- qua tiếng hát của ca sĩ Tâm Thư 


Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 684-ORTB 1114-10152023)
Sương Lam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét