Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 26 tháng 10, 2023

Bố Còn Là Con Người Hay Không? - NGUYỄN KHẮP NƠI

              (hình minh hoạ)
Hồi học lớp 6, Doãn thường hay đến nhà Tiến, 1 người bạn cùng lớp để chơi đùa. Một hôm, vì lấy trộm quả mướp non trên giàn, Doãn đã bị ông Toàn, bố của Tiến mắng rồi đuổi về, Doãn đã tìm cách trả thù. Sẵn thấy trong nhà ông ta có nhiều sách, mặc dù chưa hề biết đó là những sách gì, Doãn đã tới trường tố cáo với Giám hiệu là nhà ông ta chứa sách phản động. Giám hiệu tình cờ lại không có cảm tình với gia đình của ông Toàn, nên đã báo cho Công an đến lục xét, trói ông lại mà đem về đồn công an để “làm việc”. Ngày hôm sau, Doãn được ông Giám hiệu đích thân gọi lên khen ngợi và được kết nạp vào “Đoàn” để đi học thêm về “Đạo Đức Cách Mạng”.
<!>
Năm 1968, vừa đúng 18 tuổi, Doãn đã được phong danh hiệu “Đoàn Viên Tiên Tiến” và là “Đối Tượng Đảng”, đang phấn đấu để được kết nạp vào “Đảng”.
Sau một khóa học quân sự ngắn hạn, Doãn đã được học tập, theo di huấn của “Bác Hồ” các thanh niên sẽ được danh dự xung phong vào bộ đội...“Xuôi Nam để giải phóng cho nhân dân Miền Nam đang sống cực khổ dưới sự kìm kẹp của Mỹ Ngụy.”
Cuối năm 1969, Doãn được gắn lon “Thiếu Úy Quân Đội Nhân Dân” với trọng trách đoàn trưởng Đoàn “Thanh Niên Xung Phong Quyết Thắng” theo “Đường mòn Hồ Chí Minh” vào Nam. Doãn hãnh diện mặc bộ quân phục màu cứt ngựa, đội cái nón cối lên đầu, mang khẩu súng “Con” bên hông phải, cái túi da bên trái, chân mang đôi dép râu, lên đường vào một đêm không trăng không sao.

Mới đi được nửa ngày trời thì đoàn của Doãn đi lạc, đâm đầu ngay vào một rừng tre gai, không biết lối nào mà ra nữa. Vừa mới ra khỏi khu rừng tre, Doãn hoảng hốt khi gặp một toán lính đang di chuyển. Toán lính này cũng rất là ngạc nhiên khi đụng phải đoàn của Doãn, nhưng họ đã rất nhanh lẹ mà tản vào những gốc cây gần đó, chĩa súng bắt cả đoàn của Doãn phải bỏ tất cả súng đạn xuống. Đúng là những người lính nhà nghề, hành động thật là gọn gàng mau lẹ, Doãn vui vẻ ra lệnh cho cả đoàn cởi bỏ súng đạn đưa hai tay lên trời đầu hàng. Khi toán người này bước ra, Doãn mới thấy rõ, họ cũng mặc quân phục màu cứt ngựa như mình, nhưng đã rách nát và cũ kỹ, chứng tỏ đó là những chiến sĩ anh dũng của “Quân Đội Nhân Dân” đã chiến đấu nhiều năm gian khổ trên đoạn đường này, họ cũng mang súng AK và đi dép “Bình Trị Thiên”, có người còn mang cả “Súng Con” bên hông nữa. Có một điều lạ lùng là họ có những cái túi đựng nhiều máy móc, cái nào cũng có cái cần câu dính vào. Doãn mừng quá, biết chắc là đã gặp đám “Bộ Đội chuyên nghiệp”, vội vàng mở miệng hỏi đường “Xuôi Nam”. Tổ chiến đấu này không tỏ vẻ mừng rỡ như Doãn, mà lại lạnh lùng chĩa súng vào đoàn của Doãn, sau khi khám xét từng người, tịch thu hết tất cả giấy tờ, người trưởng toán đã “nghiêm túc” báo cáo với Doãn, anh ta thuộc toán an ninh của “Công Trường Trường Sơn” hoạt động trong khu vực này để ngăn ngừa những cán bộ đã “Hủ Hóa” tìm đường trốn về Bắc, và hạch hỏi Doãn tại sao lại có mặt ở đây? Doãn sợ quá, vội vàng khai báo hết về quân số và nhiệm vụ của toán “Quyết Thắng” của mình và thành thật khai báo, chỉ vì mới ra trường, chưa có kinh nghiệm đi rừng nên mới đi lạc ra đây chứ không hề có ý định trốn chiến đấu.
Người trưởng toán có vẻ không tin, anh ta hỏi tiếp:
- Đồng chí nói vô căn cớ, không lẽ cả khu Trường Sơn này lại chỉ có một mình đoàn của đồng chí đi thôi hay sao? Tổ An Ninh của chúng tôi biết có một “Công Trường” nữa cùng xuôi Nam, đồng chí phải nói đúng tên của Công trường, bao nhiêu trung đoàn đi theo, tên của Sư Trưởng... thì mới chứng tỏ đồng chí thành thật.
Doãn mừng quá, vội nói rõ tên của Sư Trưởng, tên của từng Trung đoàn Trưởng và bao nhiêu tổ phòng không mà Doãn đã nghe lén được...
Doãn càng nói, người trưởng toán lại càng có vẻ không tin, cứ vờn vờn cây súng AK, mặc dù là không chĩa thẳng vào người của hắn, nhưng Doãn có cảm tưởng là anh ta có thể bắn vào đầu mình bất cứ lúc nào mà anh ta cảm thấy không tin tưởng Doãn.
Cuối cùng, người trưởng toán An Ninh bước ra sau, nói nhỏ vào trong một cái máy, mà Doãn nghe toàn là nói về những con số. Một lúc sau, anh ta mới trở lại, vui mừng báo cho Doãn biết là An Ninh Công Trường đã xác nhận lời nói của Doãn là đúng và đồng ý thả cho Doãn và đoàn viên ra đi, nhưng tịch thu toàn bộ vũ khí và đạn dược của đoàn “Quyết Thắng”, chỉ được mang theo cuốc xẻng của đoàn thanh niên xung phong mà thôi. Cán bộ an ninh hứa sẽ trả lại súng cho đoàn tại trạm liên lạc cách đây khoảng 10 km về hướng Bắc.

Doãn mừng quá, vội vàng dẫn quân chạy thục mạng sau khi đã cám ơn tổ an ninh và hứa sẽ phấn đấu đi tới trạm giao liên chiều hôm nay.
Càng chạy, toán quân của Doãn càng bị lạc vào những khu rừng bất tận chứ không làm sao tìm được con lộ chính mà ánh nắng chiều đã từ từ mờ nhạt đi. Đang hoang mang thì bỗng đâu có tiếng rú đinh tai nhức óc từ trên trời xa vọng lại, Doãn chưa biết đó là cái gì thì từng đoàn máy bay đã ào tới thả bom bắn phá tơi bời. Rừng rú trùng điệp nhưng mà những quả bom cứ như là có mắt, đi tới tận nơi bọn Doãn đang ẩn nấp mà nổ tung lên, mỗi quả bom nổ là bao nhiêu thây người tung lên, cây cối đổ nghiêng ngửa đè lên đám người còn sống. Doãn tối tăm mặt mũi, cứ thế mà chạy tìm hố sâu mà rúc đầu vào trốn, không cần biết tới đám lính và đám thanh niên xung phong sống chết ra sao.
Suốt cả ngày trời không được ăn uống gì, lại bị bom đạn dập tơi bời, Doãn ráng chui đầu vào hang đá, rồi ngất xỉu đi, không còn nghe tiếng nổ, tiếng máy bay gầm thét nữa. Mãi đến khi bị đạp một cái thật mạnh vào mông đít, Doãn mới chợt tỉnh dậy, càng hoảng loạn thêm, vội vàng dùng hết sức bình sinh mà lủi đầu vào hang để trốn. Có tiếng ai đó vang lên:
- Máy bay Mỹ Ngụy đã đi hết rồi, còn trốn làm gì nữa.
Lúc đó, Doãn mới hoàn hồn mà chui trở ra. Vừa nhìn thấy quang cảnh chung quang, Doãn giật mình kinh ngạc: Cả một khu rừng toàn là cây cối rậm rạp đã ngã đổ, bom đạn cày sâu xuống tạo thành những hố sâu khủng khiếp, xác người mất đầu mất tay chân văng đầy trên đất. Đối diện với Doãn là một người bộ đội, có vẻ là một cấp chỉ huy, cả thân hình nhuốm máu, đang cố gắng đứng vững, tay cầm khẩu súng con chĩa vào Doãn, cất tiếng hỏi:
- Đồng chí ở đoàn nào? Tại sao lại có mặt ở đây? Muốn trốn về Bắc phải không?
Doãn lại một lần nữa phải cung khai đủ mọi điều về lý lịch và nguyên quán. Người kia nghe kể, lại hỏi tiếp:
- Đoàn viên của đồng chí đang ở đâu? Súng đạn của đồng chí đâu?
Không giấu được nữa, Doãn đành phải khai là đã gặp tổ “An Ninh của Công Trường Trường Sơn và đã bị họ tịch thu súng ống đạn dược, hứa trả lại tại trạm giao liên”. Doãn chưa nói hết lời, người bộ đội đã hét lên thật hung dữ:
- Tại sao mày lại ngu thế! Công Trường Trường Sơn chỉ là tên của trạm giao liên mà thôi, chứ không có Sư (Đoàn) nào nằm ở đây mà làm an ninh hết. Mày đã gặp phải toán “Biệt Kích Miền Nam” rồi, chính tụi nó đã gọi máy bay Mỹ đến đánh bom giết hại bộ đội đó.
Ngưng một lát, người bộ đội bất chợt chỉa súng ngay vào mặt của Doãn mà rít lên:
- Sư của chúng tao vừa mới di chuyển đến đây, ngay cả Công Trường Trường Sơn cũng không biết, tại sao đám Biệt Kích này lại biết mà gọi máy bay tới? Chúng nó bỏ bom giết biết bao nhiêu bộ đội, phá hủy hết biết bao là kho lương thực và vật tư chiến tranh. Có phải mày... mày đã khai ra hết với bọn Biệt Kích Miền Nam để chúng nó gọi máy bay tới đánh bom, phải không? Tội của mày là tội phản bội nhân dân, đáng chết, biết không?

Doãn hoảng hốt cùng cực, vội vàng lên tiếng minh oan, chỉ vì bị bất ngờ nên mới bị tước hết súng đạn, và không hề biết đó là đám “Biệt Kích Miền Nam”. Mặc cho Doãn nói thế nào đi nữa, tên cán bộ vẫn không nghe, còn kết tội thêm:
- Thông thường, đám Biệt Kích khi gặp bộ đội, bọn chúng không bao giờ tha một ai, vì sợ bị lộ tông tích. Vậy thì tại sao chúng nó lại tha mày mà chỉ lấy súng đạn thôi? Chắc chắn là mày đã thông đồng với bọn chúng mà khai báo mọi điều, vì thế nó mới tha mạng của mày. Tao nhân danh nhân dân, phải bắt mày để trừng trị.
Tên bộ đội vừa nói tới đây thì lại có tiếng máy bay rít lên từ xa, hắn vội vàng bỏ Doãn đó mà chạy vội trốn vào cái hang đá mà Doãn đã trốn hồi nãy, Doãn cũng nhanh chân chạy ào vào hang mà trốn, ló đầu ra nhìn. Máy bay đã tới, lần đầu tiên Doãn trông thấy những chiếc máy bay có chong chóng thật lớn, giống như một con chuồn chuồn, nhưng có súng đại liên ở bên trong, đạn từ đó vãi ra như mưa. Trong khi những con chuồn chuồn này mải mê bắn phá, từ xa, lại có những con chuồn chuồn khác không làm gì cả, cứ bay nhởn nhơ ở trên cao, bất chợt, một con lao xuống thật nhanh, tung ra những sợi dây thật là dài xuống dưới đất. Doãn ngạc nhiên không biết chúng tung dây làm gì, thì đã thấy con chuồn chuồn này bay đi, từ từ lên cao, và ở cuối sợi dây... có người bám vào đó, đang đung đưa theo gió. Tên bộ đội cao cấp ngóc đầu lên nhìn, đưa tay chỉ:
- Đấy... Đám... Biệt Kích Miền Nam đấy!
Tên này nói chưa dứt câu thì đạn từ trên những con chuồn chuồn khác đã bắn trúng vào ngực y, trúng luôn vào chân của Doãn nữa. Doãn hét lên một tiếng đau đớn, ôm lấy chân, còn tên cán bộ chỉ kêu lên một tiếng “HỰ” rồi nằm im. Nằm chịu trận cho đến khi những chiếc máy bay chuồn chuồn bay đi hết, Doãn xé quần lấy vải băng vết thương lại, nhìn chung quanh tìm một khúc cây chống để lấy sức đứng lên. Tên cán bộ bên cạnh cũng rên rỉ tỉnh lại, hắn nhìn Doãn, run rẩy đưa tay chỉ vào trong cái túi đeo bên hông, thều thào nói:
- Lấy cái này... đưa cho Sư...
Nói chưa hết câu, y đã nhắm mắt xuôi tay.
Doãn nằm im cho vết thương đỡ đau, nhìn tên cán bộ suy nghĩ:
- Mình đã hớ hênh mà khai ra là đã tiết lộ tin tức cho đám “Biệt Kích Miền Nam” để chúng gọi máy bay tới đánh bom chết cả Sư đoàn bộ đội... Vậy thì không thể để cho tên này sống sót, dù nó là cấp bậc nào đi nữa. Mặc dù hắn có vẻ đã chết rồi, nhưng biết đâu lại tỉnh dậy được. Nó mà khai ra thì mình chỉ có chết mà thôi. Thôi thì đằng nào nó cũng phải chết.
Doãn nhìn chung quanh, tứ bề đều im lặng, một thứ im lặng đầy chết chóc, đồng lõa... tiếng chim kêu quàng quạc rời rạc vang lên. Doãn với tay lấy một cục đá vừa phải, dở lên xuống một chút xem chừng. Khi tiếng chim lại bắt đầu vang lên, Doãn vung tay lên nhằm ngay đầu của tên cán bộ mà đánh xuống một cái thật mạnh, nghe một cái “Phụp”.

Doãn nằm chờ thật lâu để chắc chắn là tên bộ đội đã thực sự không còn tỉnh dậy nữa, và cũng không có ai ở chung quanh, hắn mới yên tâm lật cái qua một bên, mở cái túi da ra, trong túi có một cái ống nhòm, quần áo, một cái ví ni lông. Trong cái túi đeo lưng, có 1 bộ quần áo và một ít thức ăn. Doãn không lấy gì ở cái túi da, chỉ tháo cái túi đựng đồ ăn, bi đông nước rồi từ từ chống tay lên vách núi mà đứng dậy. Tứ bề im lặng, chỉ lâu lâu có tiếng gà rừng kêu, Doãn tìm một cành cây để chống, ráng sức bình sinh bước đi. Vết thương trên đùi đau nhói làm hắn không thể đi nhanh, cứ lần từng bước mà đi, đi được vài bước, hắn lại lo sợ nhìn lên bầu trời để xem... máy bay chuồn chuồn có trở lại hay không? Kinh nghiệm trong hai lần đánh bom và bắn phá vừa rồi, hắn biết rằng, khi có tiếng xé gió từ đằng xa, đó là máy bay đánh bom, không thấy máy bay ở đâu hết, nhưng mà bom nổ thì chắc chắn thấy, và dù có nấp ở đâu thì cũng chỉ có chết mà thôi. Máy bay chuồn chuồn thì tiếng kêu nghe ấm hơn, khi nó tới gần, mình sẽ thấy nó, và thấy cả từng viên đạn ghim vào người mình... cuối cùng thì... đằng nào cũng chết.
Doãn đi mãi, đi mãi, có một vài thương binh cùng đi theo, rồi lại có cả những người còn súng còn đạn nữa, nhưng những người này đã mất hết cả tinh thần rồi, cặp mắt mở thật lớn, nhưng lại không thấy gì cả, lúc nào cũng lo sợ nhìn lên bầu trời, rồi rú lên từng tiếng hoang dại, điên khùng...
Sau cái chiến công còn sống sót qua hai trận oanh kích của Mỹ Ngụy và đem được một vài thương binh về trạm xá, Doãn được thăng cấp và được chính thức nhận vào “Đảng”. Ngày tuyên thệ vào Đảng, Doãn hãnh diện nhìn chung quanh, nhìn những đồng chí đảng viên lâu năm cũng như mới nhập, Doãn biết rằng, họ cũng đã trải qua ít nhất là một kinh nghiệm đi lên như mình. Cần phải phấn đấu hơn nữa mới được.

Ngày 30 tháng Tư 1975, Doãn cũng đã có mặt trong đoàn quân tiến vào để giải phóng Saigòn.
Doãn đã được học tập rất kỹ, rằng nhân dân Miền Nam rất đói khổ sống dưới gông cùm áp bức của “Bè lũ Thiệu – Kỳ” làm tay sai cho Mỹ. Nhưng Doãn đã thật là ngạc nhiên khi thấy, chẳng có nhân dân nào ra đón quân... Cách Mạng cả. Ngạc nhiên hơn nữa, thành phố Saigòn lại có quá nhiều nhà cửa, xe cộ, hàng hóa...toàn là những thứ mà không bao giờ và không thể có ở Hà Nội.
Một tháng trời sống ở Saigòn, Doãn đã hiểu rõ, thế nào là Cộng Sản và nguyên tắc tuyên truyền. Quan trọng hơn nữa, Doãn đã hiểu, tại sao mà Miền Bắc đói khổ lầm than lại muốn chiếm cho bằng được Miền Nam giàu có ấm no: Chỉ có thằng đói mới khởi động chiến tranh, dưới mọi hình thức, bằng đủ mọi từ ngữ tốt đẹp, với mục đích là chiếm bằng được những cái mà mình không có. Cũng từ đó, Doãn hiểu thêm một điều quan trọng nữa: Phải vơ vét hết những gì mình có thể vơ được, lấy được.
Ban đầu, đoàn của Doãn được chỉ định đóng tại 1 nhà máy làm bột ngọt ở Xa lộ Hàng Xanh. Bột ngọt mà tiếng miền Bắc gọi là “Mì Chính”, gọi là như thế chứ ở ngoài Bắc, gạo ăn còn không có, nói chi đến những món ăn ngon để mà bỏ thêm mì chính vào. Ngày xửa ngày xưa, mẹ của hắn có kể cho hắn nghe, hồi còn “Tây” sống ở ngoài Bắc, mỗi lần xào nấu, mẹ hắn chỉ cần rắc một nhúm mì chính vào món ăn là có thể làm cho món ăn này ngon lên gấp bội. Biết đây là một thứ thực phẩm “cực kỳ quý hiếm”, nên Doãn đã đem cả một đại đội đến canh gác chung quanh nhà kho,nội bất xuất ngoại bất nhập. Doãn chưa kịp tìm mối tẩu tán món hàng thì đã nhận được công điện của đồng chí chỉ huy gọi điện thoại đến, báo rằng sẽ cho bộ đội của Công trường 5 đến kiểm tra nhà máy để tìm xem Mỹ Ngụy có gài chất nổ ở trong nhà máy hay không?Tuân lệnh trên, Doãn đành phải mở cửa kho cho toán rà mìn vào làm việc. Chỉ một lúc sau, toán này báo cáo là tìm ra nhiều chất nổ, phải đem xe molotova đặc biệt tới chở các chất bột trắng này đi xa thành phố ngay lập tức. Doãn buồn bã nhìn những kiện hàng được chất lên xe mà chẳng được sơ múi gì, đoàn xe đã sẵn sàng, chờ đợi đêm tối sẽ lên đường. Ngay lúc đó, Doãn lại nhận được điện thoại khẩn của đồng chí Sư trưởng Sư 7 ra lệnh là phải đóng cổng, không cho bất cứ ai chuyên chở bất cứ loại vật tư nào ra khỏi nhà máy, đợi xe của Sư đoàn đang trên đường đến tiếp quản.
Doãn suy nghĩ, Sư 5 coi thành phố Saigòn, còn Sư 7 coi vùng Đồng Nai trong đó có nhà máy bột ngọt, do đó, hắn phải tuân lệnh của Sư 7 chứ không phải Sư 5, phải nhân dịp này mà chiếm lấy một phần bột ngọt, chứ không thì lấy gì mà... giải phóng? Nhưng lấy xong thì cất ở đâu bây giờ? Chỉ có cách đào hố chôn rồi tính sau. Vừa nghĩ đến đây thì toán bộ đội bảo vệ đoàn công voa của Sư 5 bắt đầu lên xe, sửa soạn chuyển bánh, Doãn không biết làm sao, phải gọi điện thoại cho chỉ huy của đoàn 7. Thật là hãi hùng, chính Sư trưởng của Sư 7 ngồi trên xe trả lời:
- Bắn chết hết chúng nó đi, tội vạ gì tao chịu.Tao chỉ còn cách nhà máy khoảng 5 cây số nữa thôi, tao sẽ chia cho chú mày một ít rồi sẽ điều chú mày đi chỗ khác, không sợ gì cả, nghe rõ chưa? Mày mà không giết hết đám Sư 5, tao lên đến nơi, tao sẽ giết hết tất cả chúng mày.
Doãn nghe điếng hồn, không ngờ chỉ một chút bột ngọt mà Sư này giết Sư kia, chẳng còn tí gì là tình đồng chí với nhau nữa. Không thể không tuân lệnh, Doãn bí mật điều quân ra trạm gác ở đầu và cuối nhà máy, khi xe của toán bảo vệ vừa ra tới cổng, Doãn ra lệnh nổ súng ngay, nhằm vào hai chiếc xe bảo vệ. Chiếc xe đi đầu trúng B 40 cháy ngay lập tức, không tên nào chạy được ra khỏi xe. Chiếc xe bảo vệ ở phía sau túa ra bắn trả lại, rồi đám bộ đội còn lại ở trong nhà máy cũng nhào ra bắn vào toán bộ đội của Doãn. Toán lính của Doãn quá ít, không đủ vũ khí chiến đấu, đã bị chết bị thương gần hết, đang có phần nao núng, Doãn cố gắng gọi cho Sư 7 xin chi viện thì ngay lúc đó, toán bộ đội Sư 7 tới nơi, Sư trưởng ra lệnh cho toán của Doãn chạy hết ra cổng thật nhanh rồi bắn đủ loại đạn vào nhà máy. Doãn nghe được cả tiếng súng thượng liên phòng không 12.7 nữa. Xe tăng của Sư 7 ào vào nhà máy, đội trên xe ào ra tàn sát hết tất cả những gì còn cử động, những tên tài xế còn ở trên xe cũng bị lôi ra từng đứa mà bắn. Chỉ trong vòng nữa tiếng đồng hồ, chiến trường đã thanh toán xong, các tài xế mới được lệnh leo lên xe lái tất cả về hướng Biên Hòa, Doãn và đám lính còn lại cũng bị bắt đi theo xe. Từ đó, Doãn trở thành bộ hạ thân tín của Sư Trưởng 7.
Sau một ngày bổ sung quân số, Doãn được phong làm Đại đội trưởng đại đội Cơ Động 1, được điều về Nhà Bè. Trước khi đi, Doãn được chỉ thị đặc biệt:
“Đây là cửa ngõ của những tàn dư của Mỹ Ngụy muốn bỏ trốn khỏi nước. Phải lùng bắt tận gốc những đám này, tịch thu hết vàng bạc của cải bọn chúng mang theo đem trình lên cho Sư 7. Bọn đi vượt biên chỉ là những tên khát máu mang nợ với nhân dân, phải xử tử hết.”

Hàng đêm, Doãn âm thầm đổ quân canh giữ từng khúc sông chung quanh để tìm bắt những người dân tìm cách vượt biên bằng tàu gỗ. Chỗ này là địa điểm lý tưởng cho những chiếc ghe nhỏ chở người từ trong ra tới cửa biển, rồi từ đó leo lên tàu lớn chạy ra biển khơi. Bắt được ghe nhỏ, Doãn cho lệnh lục soát lấy hết vàng bạc rồi giết hết để phi tang. Đám nào vượt thoát lên được tàu lớn thì Doãn cho hờm sẵn thượng liên bắn tan nát chiếc tàu rồi cho bộ đội ra vớt xác những người này lên mà lấy hết của cải của những xác chết này.
Mỗi đêm, sau khi làm nhiệm vụ phục kích đám người vượt biên đáng thương, những tên bộ đội của Doãn tập trung vào khu nhà ăn của đại đội để “kiểm tra” và chia nhau chiến lợi phẩm, dưới ánh đèn mờ, người ngợm bọn chúng dính đầy máu người, thích thú rút trong túi ra từng chiếc nhẫn vàng, từng thỏi vàng mà người dân Cộng Hòa mang theo trên đường vượt biên, chẳng may bị bọn chúng bắt gặp và giết chết. Doãn chia làm ba phần, một phần để lại cho hắn và đám bộ hạ, hai phần kia đem nộp lên cho các “quan chức”.
Một đêm, khi chia phần xong, Doãn trở về nhà, ngồi một mình trong bếp, mở gói vàng bạc dính đầy máu ra đếm đi đếm lại, xem được bao nhiêu, để rồi cậy gạch sàn nhà lên, giấu hết vào cái hố đã đào sẵn. Vợ con hắn không hề hay biết gì đến công việc bí mật của hắn và cái hầm vàng ngay ở trong nhà. Đang khi đang say mê đếm vàng và nhẫn, bất chợt cánh cửa phòng mở ra, đứa con gái đầu lòng 8 tuổi của Doãn bước thấp bước cao đi ra rót nước uống. Nga uống xong, đã tỉnh ngủ, dợm bước quay trở về giường, thấy bố đang ngồi bất động nhìn nó, đứa con gái nhìn bố đang định nói gì thì nó nhìn thấy đống vàng đầy máu. Nga ngạc nhiên nhìn chòng chọc vào tấm vải cũng dính đầy máu, nó từ từ bước lại nhìn, Doãn chợt tỉnh, vội vàng bỏ hết đống vàng vào trong tấm vải, miệng nói với con gái:
- Con đi về ngủ đi.
Đứa con gái vẫn tiến lại gần gói vàng, hỏi bố:
- Cái gì đấy hả bố? Tại sao tấm vải lại dính đầy máu? Vàng ở đâu ra mà bố có nhiều thế? Bố lấy ở đâu vậy?
Doãn vội lấy hai bàn tay che đống vàng, quát lên thật dữ tợn:
- Tao đã bảo mày đi về ngủ, không hỏi han gì nữa cả.
Con Nga sợ quá, vội vàng thụt lui rồi ù té chạy về phòng. Doãn bực tức thâu gọn tấm khăn dính máu, nhìn rõ bóng dáng Nga đã khuất sau cánh cửa rồi mới lấy dao cạy tấm gạch tàu lên mà bỏ cái gói này xuống hầm rồi đậy lại cẩn thận, rửa tay đi ngủ.
Từ ngày được điều về Nhà Bè, Doãn nghĩ rằng sẽ được ở đây lâu, nên đã chiếm căn nhà của Quận Trưởng Quận Nhà Bè ngày xưa để ở và đem vợ con về sống chung. Vợ hắn tên là Mùi, đoàn viên của đoàn thanh niên xung phong “Quyết Tiến” đã may mắn sống sót sau vụ bỏ bom của Mỹ Ngụy, được Doãn dắt về trạm chuyển tiếp. Sau khi được vinh dự kết nạp vào đảng, Doãn đã được đảng ưu ái chỉ thị cho “quản lý” đời sống của Mùi, con Nga được ra đời từ hôm đó.

Doãn lên giường ngủ, nhưng không ngủ được vì bực tức đã bị con gái khám phá ra bí mật mà hắn đã giấu kín từ mấy tháng nay. Không biết con bé có đi báo cáo với “Đoàn” của nó hay không? Là đoàn viên từ khi mới 7 tuổi, Doãn đã biết nhiệm vụ của từng đoàn viên của đoàn thiếu nhi “Bác Hồ” là gì: Mở to mắt ra mà nhìn xem cha mẹ anh em hàng xóm có làm điều gì khác thường hay không? Nếu có, phải báo cáo với đoàn trưởng ngay lập tức. Chính Doãn đã từng tố cáo bố của thằng bạn thân để được vào Đoàn, thì bây giờ con Nga cũng chẳng ngại ngùng gì mà lại không đi báo cáo cái khăn và đống vàng dính đầy máu. Thằng đoàn trưởng lại thân với chính ủy đại đội, mà tên này thì đang rất là.. “Máu” với Doãn, khi thấy sáng nào Doãn cũng dắt vợ con đi ăn hủ tíu ở ngoài quán, trong khi hắn phải ăn khoai ăn sắn mỗi ngày.
Làm sao bây giờ? Ngày xưa, Doãn đã đập cho tên Sư trưởng một cục đá khi hắn đòi tố cáo Doãn đã tiết lộ tin tức cho đám “Biệt Kích Miền Nam”. Nhưng Nga là con gái của hắn, hắn không thể nào cho Nga một cục đá được. Nếu không cho đứa con gái một cục đá, thì lấy gì làm “đảm bảo” là Nga sẽ không báo cáo cái khăn và đám vàng vòng cho đoàn? Cho dù nó không báo với đoàn, nhưng cũng có thể nó sẽ nói cho mẹ nó biết. Điều này thì lại càng cấm kỵ hơn nữa, vì Mùi không thể biết tới đống vàng này. Từ ngày ở Nhà Bè, Doãn đã quen biết với một cô gái miền Nam thật là đẹp, cô Hường đang rủ Doãn kiếm thật là nhiều tiền để bỏ Mùi và Nga mà đi vượt biên cùng với cô. Mùi không thể biết đến đống vàng này được.
Sáng sớm, con Nga vừa thức dậy đã thấy bố nó đang ngồi ở bàn ăn, chưa bao giờ nó thấy bố nó nhìn nó với cặp mắt căm hờn như vậy, vì bình thường hai bố con rất là thân thiết và hay chơi đùa với nhau. Nga chưa kịp nhớ lại những gì xẩy ra đêm hôm qua thì bố nó đã xách bổng nó lên cao, bước ra sau nhà. Nga sợ quá, ôm chặt lấy bố, không dám kêu tiếng nào. Ra tới ngoài vườn sau, bố đặt nó xuống, túm lấy ngực áo nó, gằn từng tiếng vào tai nó:
- Con nhớ không được nói gì với ai, ngay cả với mẹ, những gì con thấy trên bàn của bố. Đó là vàng mà đồng chí Sư trưởng nhờ bố giữ dùm đấy, con đã... “đả thông tư tưởng” chưa?
Con Nga sợ tới nín đái, nó bậm môi không dám khóc, chỉ gật gật cái đầu ra vẻ đồng ý.
Doãn đã trút được gánh nặng, bây giờ chỉ còn cách lấy thêm được một ít tiền nữa rồi cùng với Hường vượt biên sang Mỹ sống một cuộc sống tràn đầy hạnh phúc bên người đẹp tư bản.
Sau hai chuyến bố ráp nữa, số vòng vàng và đô la Mỹ thấm máu của đám dân vượt biên bị bọn của Doãn giết người cướp của đã khá nhiều rồi, Doãn không dám chôn ở trong bếp nữa mà phải chôn ở góc chuồng lợn sau nhà. Theo kế hoạch của Hường, Doãn phải tìm và cướp một chiếc tàu của bọn vượt biên, chiếc tàu phải đóng kiểu đi biển, khá to, gỗ mới, máy móc phải thật là hoàn hảo. Làm sao mà kiếm được một chiếc tàu như vậy? Đa số tàu mới đóng của bọn vượt biên đều là tàu đóng kiểu đi sông, mũi bằng, chiếc nào khá lắm cũng chỉ dám đóng cho cái mũi tàu cho cao lên một chút thôi. Còn tàu đánh cá thì chiếc nào chiếc nấy cũ mèm, máy móc không bảo đảm. Những chiếc mà Doãn lấy được của đám vượt biên, bí mật cho Hường tới xem, chiếc nào Hường cũng chê, không chịu đi. Cuối cùng, Hường dẫn hắn lại vùng Kinh Tàu Hủ, chỉ cho hắn thấy 1 chiếc tàu còn đang đóng, mũi cao thật cao, máy tàu mới tinh. Chiếc tàu này của công ty hợp doanh đóng cho “Công Ty Đánh Bắt Hải Sản Tỉnh Đồng Nai” và đòi Doãn đặt một chiếc y hệt như vậy. Doãn đi tới đi lui xem từ mũi tàu tới hầm tàu, nhất là phòng lái với chiếc hải bàn mới tinh “Made in US” mua ở chợ trời, hắn vừa “trao đổi” ý kiến với ban quản lý công ty vừa suy nghĩ một mình:
“Tàu tốt như thế này chỉ cần đi 4 ngày đêm là tới MãLai với người vợ mới..Ôi..đời mình sao mà hạnh phúc thế.”
Doãn đắn đo suy nghĩ cả tháng trời, cuối cùng đã quyết định rủ Roạt cùng đi. Roạt là Sư Trưởng của Sư 7, thầy đỡ đầu cho y trong mọi công việc và chính Roạt đã đưa Doãn về nơi ngon lành là quận Nhà Bè để giết người cướp của chia nhau. Do nắm được nhiều đầu mối, đưa đàn em đi những nơi hái ra vàng đào ra được đô la, nên Roạt đã có được một tài sản kếch sù. Ngoài tiền bạc, Roạt còn có rất nhiều gái trẻ đẹp dùng không hết mới chia lại cho Doãn. Hường cũng chính là một trong những người đẹp mà Roạt thải ra và giao cho Doãn... “quản lý”. Hường khôn ngoan lanh lợi nên đã đi hàng hai cả với Roạt và Doãn.
Ban đầu, Doãn tính đặt một chiếc ghe biển cho đám Công An Biên Phòng đóng chốt ngay tại cửa biển. Với chiếc tàu loại này, sẽ rất dễ dàng làm mưa làm gió đuổi bắt hết những con tàu vượt biên và đến khi hữu sự, chạy một lèo ra biển là xong ngay. Tuy nhiên, nếu mua tàu tuần tiểu cho đám này, thế nào cũng phải cho một vài đứa Công an lên trên tàu, thì làm sao mà đi cho lọt? Hơn nữa, đám biên phòng này lại có liên lạc chặt chẽ với tên Chính Ủy của Quận Nhà Bè, nên Doãn đã bỏ ngay ý định này đi. Cuối cùng, theo sự đề nghị của Hường, cô sẽ lập ra một “Công ty Đánh Bắt Hải Sản Công Tư Hợp Doanh” và Roạt sẽ ký giấy cho phép công ty này đóng tàu để... gia tăng thực phẩm tươi cho nhân dân Tỉnh Đồng Nai. Khi tàu đóng xong, Hường sẽ kiếm tài công và thủy thủ là dân “Hải Quân Ngụy nhưng có quan hệ với cách mạng”. Khi đóng xong, chỉ cần chạy thử một vài lần là con tàu sẵn sàng làm việc. Doãn sẽ đi với Hường, Roạt sẽ cặp với một cô gái trẻ đẹp khác thuận buồm xuôi gió mà đi. Chỉ cần 4 ngày đêm là sẽ tới Mã Lai ngay lập tức.
Roạt nghe Hường “lên kế hoạch” thì nhìn thấy ngay trở ngại:
- Cơ bản là... thủ tục đầu tiên... có nghĩa là... tiền đâu? Lấy tiền ở đâu ra để đóng tàu?
Hường trả lời thật ngọt ngào:
- Em sẽ... đi tìm mối vượt biên để lấy tiền đóng tàu. Em sẽ bảo đảm với người ra đi là: “Có cán bộ đảng bảo vệ, chắc chắn đi thoát.” Em sẽ tính giá mỗi đầu người là 10 cây vàng.Tàu lớn như thế, sẽ có thể chứa ít nhất là 400 người vượt biên, trừ chi phí đóng tàu là 100 cây, phần còn lại chia ba, anh Roạt hai phần, chúng em một phần.

Roạt và Doãn nghe Hường bầy kế thì khoan khoái vô chừng, chỉ một chữ ký thôi, thế là 200 cây vàng vào trong túi, lại còn được đi vượt biên qua xứ Tư Bản với người tình trẻ măng tươi đẹp. Cả hai tên cười hớn hở, ký tên ngay lập tức để công ty hợp doanh đánh bắt cá được đặt tàu, sớm... “đi vào sử dụng”.
Kế hoạch của Hường xem ra đã thành công mỹ mãn, chẳng bỏ ra một đồng nào hết, cũng không đưa ra một cọng chỉ vàng nào hết, con tàu “quốc doanh” đã cứ thế mà thành hình. Doãn chỉ đến thăm con tàu có một lần, Roạt kín đáo hơn, chỉ cho đàn em lái xe chở mình đi ngang qua cơ sở đóng tàu, nhưng cuối cùng, do người yêu đòi hỏi, Roạt đành phải mặc áo thung quần “Bò” đeo kính đen mang dép da lái Honda chở Huệ đi xem chiếc tàu nó... ra làm sao?
Cuối cùng, sau bao nhiêu tháng ngày... “điều nghiên” rồi “lên phương án” rồi “thi công... gia công...”, con tàu quốc doanh với “Ý Đồ” vượt biên của 2 đảng viên Cộng Sản gộc đã đóng xong, tài công thủy thủ cũng đã được tuyển mộ. Ngày “triển khai thực tập” đã đến, Doãn với Hường, Roạt với Huệ đã kín đáo tới bờ sông ngắm chiếc tàu gỗ, nhìn bề ngoài ra vẻ ọp ẹp cũ kỹ nhưng lướt trên nước cứ như bay, ra cửa biển cưỡi sóng như một con ngựa hoang gặp gió mát, cả 4 người hài lòng ra mặt.
Về đến nhà, Doãn mới nhớ ra:
- Thưa anh Roạt, em với anh... là... Việt Cộng. Làm sao mà chúng mình... vượt biên được?
Roạt ngửa cổ cười lớn... cười sặc sụa... cười quên thôi.
Cuối cùng, Roạt đứng phắt dậy, rút súng chĩa ngay vào đầu của Doãn, rít lên:
- Ai dạy mày gọi tao là... Việt Cộng? Tao là quân đội nhân dân. Quân đội nhân dân, mày hiểu chửa?
Doãn xanh mặt, ú ớ trả lời:
- Tại...nhân dân..Tại chúng nó cứ gọi mình là Việt cộng, nên em mới quen miệng. Em cũng là bộ đội nhân dân mà.
Roạt bỏ súng lên bàn, lắc đầu nhìn Doãn:
- Chú mày... đúng là... Việt cộng... chẳng biết cái gì cả.
Roạt vòng ra đằng sau bàn giấy, mở ngăn kéo lấy ra hai bọc ny lông đã cũ, thẩy ra cho Doãn. Doãn vột chụp lấp mở ra xem, hắn không tin vào mắt của mình, cứ xoay lên xoay xuống, xoay ngược xoay xuôi, rồi đọc:
“Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa – Thẻ Căn Cước Quân Nhân.
Chứng nhận Nguyễn Văn Mạnh,
Cấp bậc: Hạ Sĩ – Đơn vị: Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhẩy Dù.”
Hắn bỏ xuống một cái, lấy bao thứ hai tiếp tục đọc:
“Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa – Thẻ Căn Cước Quân Nhân.
Chứng nhận Trần Thiện Tùng,
Cấp bậc: Trung Sĩ – Đơn vị: Hải Kích.”
(Ghi chú: Tên và đơn vị không phải là thật.)
Doãn đọc xong, nhìn Roạt với gương mặt ngơ ngác:
- Anh đưa cho em những cái này... để làm gì?
- Sao mày ngu thế, mày đã nói là Việt cộng không thể vượt biên, lên đảo sẽ bị phát hiện và có thể bị đám lính “Ngụy” giết chết ngay. Vậy thì muốn đi vượt biên, mày cũng phải là...“Lính Ngụy” chứ!
- Nhưng... em thì không sao, chứ anh bề gì cũng là... tướng của quân đội nhân dân, tại sao anh không lấy giấy tờ của đám sĩ quan, chúng nó đi học tập chết thiếu gì.
- Đám Sĩ Quan Ngụy, tao có giấy tờ cả đống, nhưng không thể xài được. Lý do là tên Sĩ Quan nào cũng tốt nghiệp ít ra một quân trường, chúng nó có khóa học, có ngày tháng ra trường, có đơn vị hẳn hoi, chúng nó tuy đông đảo, nhưng đều biết nhau hết, giả tên chúng nó là bị lòi tẩy ngay, đừng có dại. Như tao với chú mày đây, chẳng có học một quân trường nào cả, lại xài toàn là tên giả, đâu có ai biết ai, thì lại khác. Cấp Hạ Sĩ Quan của bọn chúng nhiều đứa do công trận mà lên, lại quá nhiều, nên không ai biết ai cả, rất dễ giả dạng. Mày sẽ là Hạ Sĩ Nguyễn Văn Mạnh, của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhẩy Dù. Tao sẽ là Trung Sĩ Trần Thiện Tùng, của Hải Kích.


“Hồn Ma Biên Giới” gọi hồn các bộ đội sinh bắc tử nam
Hình của Biệt Kích Dù Việt Nam Cộng Hòa.

Nghe nhắc lại danh từ “Biệt Cách Nhẩy Dù”, Doãn tái mét mặt mày, nhớ lại thời mới “Xuôi Nam”, đã bị đám Lính Biệt Kích Miền Nam tước súng, đuổi đi, rồi lại gọi máy bay tới bỏ bom chết hết cả đám. Chân tay hắn run bắn lên, tưởng chừng như đám Lính “Hồn Ma Biên Giới” này đang đứng đâu đây, sẵn sàng nhả đạn vào người hắn. Giả làm lính nào thì được, chứ giả làm Biệt Kích, Doãn ú ớ không dám nhận:
- Sao anh không lấy hồ sơ của lính.. Địa Phương Quân, dễ giả hơn, vì đó là lính vùng, em ở Nhà Bè đã 2 năm rồi, dễ ăn nói lắm, nếu ai có hỏi, em còn dễ trả lời.
Roạt cười ra vẻ hiểu biết:
- Lính Biệt Kích và Hải Kích rất được nhân dân và Lính của bọn chúng nể nang. Những lính này lại rất là bí mật, ít có ai biết họ ở đâu? Nhiều lắm là chỉ trong toán của họ biết nhau mà thôi, nên khó bị lộ lắm. Nhưng mà, tao đã có sách vở về Biệt Cách 81 cho mày đây, lấy về mà đọc, rồi tập đi đứng cho nó có vẻ... oai hùng một tí, cứ đi sõng lưng như mày, chúng nó biết ngay đấy.
Ngày vượt biên đã tới, Doãn lo sửa soạn hành trang. Điều cần nhất là phải đưa vợ con đi chỗ khác, để đừng bị lỡ bộ. Doãn chưa nghĩ ra kế nào thì vợ hắn đã nói rằng:
- Phải đưa con gái về Bắc thăm cha mẹ xem sống chết ra sao?
Thế là hắn thoát nạn, một thân một mình lo gói gém đồ đạc. Đồ đạc hắn sẽ chỉ mang theo một bộ quần áo thôi, còn thức ăn đồ uống thì đã mua sẵn ê hề trên tàu rồi. Điều khó khăn và nan giải nhất cho hắn là đống vàng hột soàn và tiền đô. Hắn đã nhất định bỏ đống tiền vàng này vào ba lô mang theo, nhưng nó nặng quá, khó xoay trở, lại có thể cái túi bị rách, hoặc là rơi mất giữa đường. Roạt cũng có khó khăn giống như Doãn, và còn khó hơn nữa vì y có nhiều vàng và tiền đô hơn Doãn nhiều lắm.
Cuối cùng, cả hai lại phải nhờ Hường cho tàu về bến để đóng thêm những lỗ hổng đựng tiền có nắp đậy. Khi tàu rời bến đến chỗ đậu an toàn của công ty quốc doanh, Doãn và Roạt mới bí mật chạy Honda đến, tự tay bỏ vàng và đô la vào những lỗ hổng này, rồi đóng nắp, lấy dầu chai trét ra ngoài, liền lạc như là một miếng gỗ.
Trước ngày đổ bãi một ngày, Doãn đã đã ra lệnh cho đám Công an biên phòng đi tuần tra một vùng đảo xa, vì có dân ở đó nổi loạn. Với toán bộ đội đã cùng với Doãn đi kích mỗi đêm, hắn cũng cho hoán đổi toán mới và cho phép toán nón tai bèo này nghỉ đi kích 3 đêm để học tập tại chỗ. Về phần mình, Doãn cũng đã được Sư Trưởng cho phép về Bắc thăm gia đình 5 ngày, cho phó đồn tạm thời thay thế.
Theo chương trình, đúng 12 giờ đêm, tàu sẽ khởi hành từ bến ở sông Đồng Nai, với thủy thủ đoàn 6 người đúng như quy định, có “Công an Cảng” lên tàu “kiểm tra” và đóng dấu lên sổ hải trình hẳn hoi. Tàu từ từ rời bến và đón tốp người đầu tiên là Doãn, Roạt, Huệ và nhóm người vượt biên đầu tiên do Hường sắp xếp, Hường sẽ cùng với đám người cuối cùng lên ghe vào lúc trời gần sáng, sau đó tàu sẽ thẳng cánh xả ga ra cửa biển.
Doãn rời nhà từ sáng sớm, đi ra bến xe mua vé về thành phố, ở đó ăn uống no say rồi tới trưa thì mua vé.. trở về Nhà Bè, đi bộ tới con lộ chót, vào căn chòi mà hắn vẫn cho đám du kích gác đêm, ngủ một giấc để tối nay thức trắng đêm.
Đêm bắt đầu xuống, Doãn nhìn quanh chờ đợi, một ánh lửa từ xa lóe lên, Doãn bật quẹt trả lời, khoảng chừng nửa tiếng sau thì toán vượt biên đầu tiên đã tiến tới, cùng vào căn chòi im lặng chờ đợi. Vài phút sau, lại một ánh lửa khác lóe lên, rồi một tia sáng nữa, 3 nhóm người đã tập họp đầy đủ, Doãn dắt cả đám đi bộ xuống bờ sông, ghe nhỏ đã chờ sẵn, từng tốp 10 người lên một chiếc ghe chèo dọc theo bờ sông. Trong đời lính, chưa bao giờ Doãn được mục kích 1 toán lính nào đổ quân không một tiếng động như đám người ô hợp đang hối hả leo lên ghe này. Chiếc ghe nào đầy thì bắt đầu chèo đi, để chỗ cho ghe kế tiếp chèo tới lấy người, sau đó cùng tách bến, chèo dọc theo bờ sông, tìm một lùm cây núp vào trong đó chờ con “Cá Lớn”. Trời đêm tối thui tối thít, dù Doãn đã đi kích nhiều lần, nhưng chưa bao giờ hồi hộp như lần này. Những lần trước, Doãn có súng trong tay, nằm sẵn chờ đám vượt biên đi ghe như thế này mà bắn mà giết. Tối nay, Doãn lại nằm ở trong đám dân vượt biên, mặc dù hắn biết chắc sẽ không có đám lính nào kích ở gần đây nhưng hắn vẫn cứ hồi hộp, mồ hôi tay ra ướt đẫm, tay hắn run run, cầm cái túi vải cũng không vững. Tiếng muỗi kêu vo ve, chích vào da thịt hắn đau buốt mà hắn cũng không dám đưa tay ra xua muỗi, sợ gây ra tiếng động. Khoảng nửa tiếng sau, có tia lửa từ phía giữa sông nhá lên, người chèo trên ghe của Doãn cũng nhá hộp quẹt trả lời rồi từ từ tách bến đi ra giữa sông. Một chiếc ghe đánh cá to tướng xuất hiện, mọi người vùng đứng dậy nắm sườn ghe leo lên, có người ở trên ghe đưa tay kéo từng người lên ghe.
Tới phiên của Doãn, tay hắn trơn mồ hôi làm cho người ở trên ghe phải nắm hai tay mà kéo hắn lên, tới nửa chừng, hắn bị tuột tay rớt lại vào trong ghe, Doãn hoảng hồn vội đứng lên đưa tay ra kêu cứu, xém nữa là hắn la lên rồi, vì sợ bị bỏ rớt lại. Lên tới tàu, cả đám bị dồn xuống hầm tàu, Doãn chạy nhanh ra buồng lái, người tài công la lên nho nhỏ:
- Ai đó?
Doãn cũng đáp lại thật nhỏ:
- Doãn đây!
Rồi lủi thật nhanh vào trong. Tàu lại tiếp tục chạy. Đêm tối như mực, dù là cặp mắt của Doãn quen ăn đêm biết bao lần mà vẫn không nhìn thấy gì chung quanh. Đang cố gắng định thần, bất chợt có một bóng đen nhào lại phía mình, Doãn bị bất ngờ kêu “Hự” lên một tiếng, ngã nhào xuống sàn tàu, chưa kịp vùng dậy, hắn đã nghe một tiếng nói thật nhỏ bên tai:
- Tao đây... Roạt đây. Cứ nằm im... tao đã thấy mày từ hồi nẫy, mới bò ra thì bị mất thăng bằng ngã vào mày... Tao và Huệ đã lên tàu cùng với đám thủy thủ hồi tối. Hường đâu?
Doãn cũng trả lời Roạt thật nhỏ:
- Hường phải theo đám khách, sẽ lên ở trạm chót.
Cả hai còn muốn nói chuyện với nhau nữa, nhưng tài công đã đá cả hai qua một góc để chừa chỗ mà quan sát hai bên bờ sông.
Gần ra tới cửa biển rồi, sóng đã bắt đầu đánh vào mạn tàu. Phải qua cái ẹo này mới ra cửa biển được. Đây là chỗ mà Hường và toán người vượt biên sẽ chèo ghe ra chờ sẵn, và cũng là chỗ mà Doãn và đồng bọn thường phục kích để bắn những ghe vượt biên. Từ trên tàu nhìn ra, Doãn mới thấy vị trí này thật là nguy hiểm, vì chỉ cần một vài khẩu AK là có thể bắn hạ ngay tài công và bắn thủng vỏ tàu. Doãn và đồng bọn đã bao lần thành công khi phục kích ở vị trí lý tưởng này. Nhưng hôm nay sẽ không có chuyện gì xẩy ra cả, vì đám bộ hạ của Doãn đã được điều đi công tác xa, đám còn lại cũng đã cho về quên ăn tết rồi.
Người thủy thủ đứng ở đầu mũi tàu quẹt tia lửa làm hiệu, từ trong bờ cũng có một tia lửa báo hiệu trả lời, tên tài công cho tàu chạy chậm lại chờ ghe đưa khách. Doãn hăm hở ra sát thành tàu sửa soạn đón Hường và đám khách leo lên. Bất chợt có tiếng súng từ trong bờ bắn ra... rồi có tiếng hô lớn:
- Bộ đội biên phòng đây! Chủ tàu ngừng ghe lại để chúng tôi lên khám xét.
Doãn ú ớ... Đám biên phòng nào đây? Chúng nó đi công tác xa hết rồi mà.
Tài công la lớn:
- Bể rồi! Thằng Tám, thằng Rô, kéo dây lên, tao xả ga chạy đó.
Chiếc tàu rú lên dữ dội xé nước vọt thật nhanh.
Nhưng dù có vọt nhanh cách mấy, cũng không thể nhanh hơn những lằn đạn từ trong bờ bắn ra. Doãn nhìn thấy rõ ràng từng tia lửa vun vún quanh mình, bắn vào mạn tàu nghe phụp phụp thật là ghê rợn. Doãn nghe tiếng đạn nổ thật lớn và thật đều, hắn hét lên:
- Thượng liên phòng không! Đám biên phòng nào mà lại có cả phòng không?
Doãn chưa nghĩ hết câu thì đã kêu lên một tiếng đau đớn. Một viên đạn đã ghim vào ngực hắn, máu phun ra có vòi, Doãn ngã gục xuống sàn tàu.
Con tàu bị đạn bắn tan nát, gẫy ra làm hai khúc từ từ chìm xuống. Hành khách từ trong khoang tàu ùa ra, tiếng khóc tiếng la vang lên khắp nơi, tiếng đạn réo vẫn rít lên không ngừng nghỉ. Doãn bị rơi xuống nước, chìm dần... chìm dần.
Chợt ý chí sống còn bừng dậy, Doãn bừng tỉnh, ráng ngoi lên mặt nước, cố nhịn đau xé áo cột ngang ngực rồi hối hả bơi vào bờ bên kia. Trước khi ngất xỉu, Doãn cố ngóc đầu lên xem có chiếc ghe nhỏ nào hay không? Hường có bị bắn hay không?
Không có chiếc ghe nhỏ nào trôi trên mặt nước, chỉ có chiếc tàu quốc doanh đánh cá bị bắn chìm đang trôi dạt tứ phía, xác người nổi lềnh bềnh trên mặt nước.
Doãn gục xuống... có tiếng chân người tới gần, hắn vội vã nằm lăn ra đất giả chết.
Trong tiềm thức, Doãn cảm thấy có bàn tay của ai đó lần vào túi áo túi quần của mình... rồi có tiếng la bực tức:
- Đ.M! thằng này đi dược biêng mà không có một cọng “dàng” làm thuốc, bắn chết mẹ nó đi.
- Nó đã bị đạn bắn nát người ra, chết từ hồi nào rồi, bắn làm chi cho tốn đạn.
Tiếng chim líu lo trên cành đánh thức Doãn trở lại với loài người. Trời chưa sáng hẳn, khoảng chừng 4,5 giờ sáng gì đó. Doãn nằm im nhớ lại những gì đã xẩy ra đêm qua, hoảng hồn chống tay ngồi dậy, vết thương trên người bị động lại ứa máu ra, cái chân bê bết máu cũng không thể di chuyển được. Doãn lại phải nằm xuống nghỉ.
Chợt nhớ ra thân phận của mình, không thể bị bắt tại chỗ này được, Doãn dùng hết sức bình sinh chống tay trổi dậy nhìn chung quanh: Chiếc tàu đánh cá của công ty hải sản vẫn còn nằm đó, chìm hết phần đuôi, chỉ còn cái đầu nhô lên. Doãn nhìn kỹ: Chiếc tàu không có tên gì cả, thay vì hàng chữ “Công ty Đánh Bắt Hải Sản Công Tư Hợp Doanh”. Vậy thì chiếc tàu của hắn và Hường đâu? Tại sao hắn lại leo lên chiếc tàu này? Roạt và Huệ đâu? Còn sống hay đã chết rồi? Doãn gắng sức đi một vòng tìm xem còn ai sống sót hay không? Xác người rất nhiều, có cái nổi lềnh bềnh trên mặt nước, có cái nằm trên bờ sông, không còn ai cử động gì hết, Doãn vội vàng lột quần áo của cái xác chết không có máu mặc vào người rồi ôm ngực lết ra phía đường lộ đón xe lam về trụ sở.
May quá, chưa có tên nào có mặt cả, Doãn lấm lét chui cửa sau vào trong nhà, mở ngăn kéo lấy khẩu súng nhỏ, luôn cả khẩu AK để phòng thân, rồi nằm xuống giường nghỉ mệt. Đang mơ màng, hắn chợt nghe tiếng cửa mở, Doãn vội vàng vơ lấy 2 khẩu súng chui xuống nấp dưới gầm giường. Có hai người bước vào phòng, có tiếng vợ hắn nói nho nhỏ:
“Vàng bạc em thấy nó giấu ở dưới viên gạch ngay cái bàn viết đấy, rồi cả ở sau vườn chỗ chuồng lợn nữa, anh cạy lên đi.
Có tiếng người đàn ông trả lời:
- Hy vọng nó còn để lại phần nào, để anh lấy dao cạy lên rồi mình đi về. Chắc nó bị bắn chết ở trên tàu rồi. Mà ai cho em biết tin là nó vượt biên với con bồ của nó vậy?
Doãn cố nhớ xem cái giọng nói này là của ai? Đúng rồi, giọng nói của thằng Chính Ủy Tiểu đoàn. Vợ hắn đã cặp với tên này từ hồi nào vậy? Doãn cảm thấy đau nhói trong tim. Thì ra vợ hắn nói là về Bắc thăm gia đình, thật ra là đi với thằng Vượt này đây. Cơn ghen làm tim hắn nhói lên... phải bắn chết cả hai đứa này mới được. Có tiếng vợ hắn trả lời:
- Con em của bồ nó đến tìm em, kể cho em biết là thằng Doãn cặp bồ với chị nó, hai đứa rủ rê nhau đóng tàu vượt biên. Nó không muốn gia đình em tan nát, nên mới cho em biết ngày giờ và nơi đổ bến để em kịp thời ngăn chặn, vì thế em mới báo cho anh mà phá vỡ âm mưu của chúng nó và lấy lại hết mớ vàng bạc mà nó đã cướp của những người vượt biên trước đây. Anh có chắc là bắn chết hết không còn chừa đứa nào hay không? Thằng Doãn này nó dám bỏ em, phải bắn cho nó tan xác ra mới hả. Tối qua anh giết cái đám của nó, có lấy được hết số vàng của nó mang theo hay không? Có đủ để mình... vượt biên qua Mỹ hay không?
Có tiếng mũi dao cạy vào gạch, rồi tiếng của tên Vượt:
- Đêm qua tối quá, anh không làm sao mà kiếm xác của nó được, nên không chắc là nó có mang theo, nên mới đưa em về nhà để tìm đây này, may ra nó còn giấu ở đây... cạy ra được rồi! Ô! Trống không! Chẳng còn một sợi chỉ vàng nào cả. Ra ngoài chuồng lợn xem sao?
Hai đứa dắt nhau ra chuồng lợn. Thì ra con vợ của hắn đã bắt cặp với tên Vượt này và chỉ điểm cho hắn đem cả đại bác phòng không của tiểu đoàn ra bờ sông mà bắn hắn cho chết. Con bồ mà hắn thương yêu tin tưởng giao hết cả mạng sống và vàng bạc đem lên tàu để cùng vượt biên thì lại đi tố cáo hắn với vợ hắn để hai vợ chồng thanh toán nhau, rồi ung dung lái tàu đi vượt biên đường khác với tất cả tài sản mà hắn và tên thủ trưởng đã ăn cướp dành dụm mấy năm trời nay.
Hường tứ cố vô thân, sống chung với hắn cả mấy năm trời nay, làm gì có đứa em gái nào mà nói là em gái đi tố cáo!
Cơn giận bốc lên đầu phừng phực. Doãn cầm 2 khẩu súng bò ra khỏi gầm giường, ngồi ngay giữa nhà chờ đợi. Thấp mưu thua trí đàn bà, bị 2 con đàn bà phản bội cùng một lượt. Con vợ đang ở trước mắt, phải giết ngay nó mới được, cả thằng Vượt này nữa.
Mùi âu yếm nắm tay Vượt đi vào nhà, bất chợt nhìn thấy Doãn nằm chình ình ngay giữa nhà, hai tay hai khẩu súng, mắt long lên sòng sọc. Cả Mùi và Vượt giật mình đứng im không cử động. Doãn rít lên:
- Con vợ khốn nạn, dám bán tao cho thằng bồ của mày để giết tao. Tao không dễ dàng chết như vậy đâu, hôm nay tao trở về đây để giết chúng mày đây.
Mùi nhào vào Doãn bù lu bù loa:
- Ối anh ơi! Anh hiểu nhầm em rồi... chúng em quan hệ bạn bè chân chính mà.
Vượt nhanh như con sóc, bỏ con dao xuống lấy khẩu AK mang trên vai chĩa vào Doãn mà bắn liên tiếp. Nhưng dù Vượt có nhanh cách nào thì cũng không thể nhanh bằng Doãn, vì hắn đã hờm sẵn khẩu súng rồi, lằn đạn đầu tiên bắn văng Mùi về phía sau, lằn đạn thứ nhì trúng ngay Vượt, tên này lảo đảo ngã xuống, đè lên Mùi, Doãn cũng bị trúng mấy viên đạn, ngất đi.

Doãn đã trải qua nhiều ca mổ để lấy đạn ra khỏi người. Vì bị bắn quá gần, nên những viên đạn không công phá nhiều, có viên còn nằm trong lồng ngực, làm cho Doãn phải nằm bệnh viện cả tháng trời. Mỗi lần tỉnh dậy sau một ca mổ, đã có cả đám công an chính trị đảng bu quanh giường hỏi với hắn thật nhiều câu hỏi, nào là:
- Mùi đi về Bắc ngày nào? Đi bằng máy bay hay là xe lửa? Doãn đi về Bắc bằng phương tiện gì? Tại sao không đi mà lại quay trở về nhà? Tại sao Doãn lại bắn chết vợ? Tại sao lại có cả Vượt ở trong nhà hắn? Tại sao hắn bắn chết Vượt rồi xác cả hai lại nằm đè lên nhau? Vết thương ở ngực và ở đùi là do ai bắn mà vết đạn lại khác với vết đạn trong nòng súng của Vượt?... Thật là nhiều câu hỏi mà hắn chưa kịp sắp xếp để trả lời. Để khỏi bị sơ hở, Doãn làm bộ chưa khỏe hẳn, chỉ trả lời là chưa tỉnh hẳn, chưa nhớ hết mọi chuyện. Mỗi lần tỉnh dậy, Doãn phải làm bộ chưa tỉnh, cứ nhắm mắt nằm im để cố moi óc nhớ lại những gì đã xẩy ra và những gì cần phải nói. Vợ của Roạt cũng đến thăm Doãn, cố ý hỏi xem Doãn có biết chồng mình đi đâu không mà mãi cho đến ngày hôm nay cũng chưa thấy về? Mặc dầu chung quanh giường không có ai cả, nhưng Doãn cũng đoán biết rằng có rất nhiều đôi tai đang nghe lén ở phòng bên cạnh hoặc bọn công an đã đặt máy nghe lén ở ngay trên giường của hắn. Mặc dầu đã biết rõ ràng là Roạt và Huệ đã bị đạn chết ngay trên tàu vượt biên, Doãn vẫn im lặng, chỉ lắc đầu ra dấu là không biết gì cả. Nhờ những lúc giả mê đó mà Doãn đã sắp xếp ra một câu chuyện kỳ bí để khai với bọn công an đảng:
- Tôi tranh thủ công tác ngày đêm bắt bọn Ngụy trốn ra nước ngoài, nên thường xuyên phải xa vợ xa con. Đồng chí Vượt biết tôi không có nhà ban đêm, nên đã cố tình đến dụ dỗ vợ tôi tên là Mùi. Ngày 15/9/1979 vừa qua, Mùi đã nghe theo lời dụ dỗ hủ hóa của Vượt mà đem con đi chơi với hắn, lấy cớ là về Bắc thăm cha mẹ già. Để chặt đứt hậu họa, Vượt đã đem thượng liên phòng không đến bố trí tại nơi tôi thường phục kích bọn ngụy trốn ra nước ngoài để bắn chết tôi, vì hắn biết rằng tôi đã cho toán công an biên phòng đi công tác xa, chỉ có một mình tôi âm thầm làm nhiệm vụ trong đêm đó mà thôi. Tôi bị thương ở ngực và ở chân, phải nằm lại bờ sông chờ hồi phục, mãi đến gần sáng tôi mới tranh thủ vượt qua những xác chết để về nhà nằm nghỉ, chờ các đồng chí phục vụ tới đưa đi nhà thương. Trong khi đang nằm dưỡng thương, tôi nghe có tiếng mở cửa, nên đã vội vàng lăn xuống giường lấy súng hộ thân, không ngờ là Vượt tưởng tôi đã chết nên đưa vợ tôi về nhà xúi giục vợ tôi lấy quần áo trốn đi với hắn. Tôi nghe rõ mọi chuyện, mới xuất hiện khuyên giải Mùi và mắng cho Vượt một trận, không ngờ Vượt đã xô vợ tôi về phía tôi với ý đồ dùng Mùi làm bia đỡ đạn cho hắn dùng súng AK bắn tôi. Tôi vì tự vệ, đã bắn lại Vượt, đạn vô tình trúng vào Mùi và Vượt, không biết sống hay chết. Phần tôi, tôi bị trúng nhiều phát đạn của Vượt, đã gục tại chỗ. Rất may là tôi đã được các đồng chí bảo vệ nghe tiếng súng nỗ đã chạy vào can thiệp đưa tôi đi bệnh viện và sống sót cho đến ngày hôm nay.
Màn bí mật bao trùm mọi việc đã xẩy ra.

Cũng như lần bị toán Biệt Kích kêu máy bay dội bom chết hết cả đám, chỉ còn một mình Doãn sống sót, chẳng còn ai chung quanh để mà làm nhân chứng, nên Doãn đã vừa được sống vừa được ghi công trạng. Lần sống sót thứ hai này cũng y hệt như vậy, Roạt và Huệ đều đã chết, Hường chắc đã vượt biên yên ổn với chiếc tàu mới tinh đầy vàng bạc. Vượt và Mùi cũng đã đi về thiên đường Cộng sản, chẳng còn ai để mà khai với báo, Doãn lại một lần nữa sống còn để tha hồ mà nói những gì có lợi cho mình. Doãn được sống còn, được lên chức, nhưng trong lòng chứa đầy hận thù. Hắn hận thù dân miền Nam gốc “Ngụy” mà Hường là tiêu biểu, đã lừa cả tình lẫn tiền của hắn, cướp hết cả tài sản mà hắn đã giết người cướp được từ ngày “Giải Phóng” cho đến nay, đã thế, Hường còn lừa cho hắn đi vào chỗ chết để dùng ngay chiếc tàu của mình mà đi vượt biên. Doãn hận thù người vợ là dân miền Bắc chính gốc đảng, đã nhẫn tâm đem tình nhân về nhà giết hắn. Doãn đã nghiến răng thề với bác và đảng rằng, sẽ cướp thật nhiều tiền bằng đủ mọi thủ đoạn, và sẽ giữ thật chặt của cải cướp được, không đưa cho ai nữa cả.
Sau khi nghỉ bồi dưỡng một thời gian dài mà sức khỏe vẫn không còn được như xưa, Doãn không còn được làm Trưởng đồn Công an biên phòng nữa, mà chuyển về “công tác” ở nội thành. Thật là may mắn, Doãn đã được một tên tướng Công an tín nhiệm, giao cho nhiệm vụ quản lý một đường dây kinh tài. Ngoài mặt, Doãn là “Trưởng Phòng Tổ Chức” của “Cục Quản Lý Lao Động Nước Ngoài”, nhưng mặt trong, Doãn cầm đầu một đám chuyên môn gởi công nhân đi ra “Nước Ngoài” để ... hợp tác lao động, nói rõ ra là “Xuất Khẩu Lao Động”. Mỗi khi có một quốc gia nào muốn có thêm công nhân làm những việc mà người bản xứ chê không làm, thì Sở Nhân Dụng lại tuyển mộ công nhân để đi hợp tác lao động. Với viễn ảnh sẽ có “Thu Nhập Cao”, những người dân đua nhau tới xếp hàng trước cửa văn phòng của Doãn để chờ nộp đơn. Doãn cho “Cò” ra ngoài ra giá cho những ai muốn nộp đơn đi làm việc ở những quốc gia Châu Á, như Đài Loan, Nam Hàn, Sing... hoặc những quốc gia Âu Châu, Mỹ, Gia Nã Đại, Úc và Tân Tây Lan... Tùy theo nơi được gởi đi làm mà giá tiền lót tay theo đó mà gia tăng.
Lần này, túi tiền của Doãn toàn là tiền Đô La Mỹ, cứ thế mà càng ngày càng gia tăng.

Mỗi tối, Doãn vẫn có thói quen mở cặp táp tiền ra đếm. Nhớ lại lần bị con Nga bắt gặp đang đếm những vòng vàng đầy những máu, lần này Doãn kinh nghiệm hơn, tiền bạc hắn cho vào một cái cặp da, mỗi lần đếm tiền, hắn vào phòng riêng khóa kín cửa lại rồi mới đem tiền ra đếm. Vừa đếm tiền vừa ngắm những đồng đô la xanh nhạt sạch sẽ mới tinh, Doãn sung sướng nhớ lại những vòng vàng nặng nề đầy máu tanh ngày xưa, cảm thấy mình đã... tiến bộ hơn nhiều lắm.
Nga cũng theo ngày tháng mà lớn lên, đã học tới cấp 2 của trường “Chất Lượng Cao” Cầu Giấy. Vì chỉ có một đứa con, Doãn cưng Nga như trứng mỏng, cho Nga tất cả những gì mà Nga cần tới. Doãn muốn sau này, Nga sẽ đi theo con đường của hắn, cũng sẽ được đề bạt vào đảng, sẽ giữ chức vụ mà hắn đang... “nắm bắt” để có được một cuộc sống thật là phú quý vinh hoa “Tư Bản Đỏ”.
Doãn đôi khi nhờ Nga xếp dọn hồ sơ, đọc cho hắn nghe những báo cáo của các “Đại Sứ Quán” từ các nơi gởi về, để cho Nga làm quen với công việc. Nhưng dù là Doãn đã cố gắng hết sức để lèo lái Nga đi theo con đường của mình, Nga hầu như là không có một ý thích nào cả. Nga học giỏi, lại được đào tạo từ trường học có “Chất lượng cao” nên lại càng ra vẻ thông minh. Mỗi lần đi học về, Nga thường ngồi vào “máy vi tính” đi vào những màn hình mà hắn chưa hề thấy, để đọc những tin tức ở khắp nơi rồi kể lại cho hắn nghe. Có lần, Nga chỉ vào màn hình mà giải thích cho Doãn:
- Bố ơi, Việt Nam mình đã đem thật nhiều công nhân ra nước ngoài làm việc mà không lo cho đời sống của họ, để họ bị chủ nhân bóc lột trả lương thật thấp, không đủ tiền ăn. Có người bị chết mà chẳng ai cứu giúp, chẳng ai lo đem xác của người ta về Việt Nam chôn cất, để đến nỗi người ta chôn họ ở nơi nào thân nhân ở Việt Nam không hề biết. Đến khi hết việc, đám công nhân này không có tiền mua vé máy bay về nhà, đàn ông thì đi bán bạch phiến, đi trồng cần sa. Đàn bà con gái thì phải đi làm điếm để nuôi thân... Nhục quá! Sao chính phủ mình không giúp họ hả bố? Bố đang làm ở Sở Nhân Dụng, bố có giúp gì cho họ được không?
Doãn hùng hổ trả lời:
- Con cứ xem những cái đài... phản động, đưa toàn những tin xấu để cố tính làm phương hại tới chính nghĩa của đảng và nhà nước ta. Cơ quan của bố luôn luôn lo cho đời sống của những người đi hợp tác lao động, luôn luôn “Quản lý” chặt chẽ “Chế độ làm việc và ăn uống” của những người này. Bố đề nghị con nên xem những đài của Trung Quốc, của Liên Sô để... “Bồi dưỡng tư tưởng văn hóa Cộng sản”.
Một hôm, trong khi Nga đang ngồi soạn hồ sơ, bỗng ngồi im xem đi xem lại một cái thơ. Doãn ngạc nhiên nhìn Nga mà hỏi:
- Con đọc thơ của cơ quan nào đấy?
Nga vừa đọc vừa trả lời:
- Thơ của “Đại sứ quán” ở Tiệp Khắc gởi về.
Rồi bỗng Nga lớn tiếng đọc:
“Theo chỉ thị của đồng chí, tôi đã ra thông báo trả lời chính quyền Tiệp Khắc là không hề biết gì về những công nhân được đem “Chui” qua đây làm việc.
Tôi cũng đã gởi thơ tới cơ quan bảo hiểm để đòi họ thanh toán tiền cho những công nhân đã bị chết để gởi về cho thân nhân ở Việt Nam.
Tôi gởi kèm theo đây bảng chiết tính số tiền mà những công nhân được đồng chí đưa “chui” qua đây làm việc phải trả tiền hàng tháng cho ta. Tôi cũng kèm theo số tiền mà hãng bảo hiểm trả cho ta. Theo đúng hợp đồng, tôi giữ lại một nửa cho công tác của đại sứ quán, một nửa còn lại đã bỏ vào hộ khẩu ngân hàng mà đồng chí đã chỉ định. Mọi việc đều đã hoàn tất tốt, đúng chỉ tiêu. Xin đồng chí cứ tiếp tục gởi công nhân chui qua đây.”
Nga ngưng đọc, quắc mắt nhìn Doãn:
- Bố... Bố có còn là con người hay không? Bố nói với con là bố không hề làm chuyện gởi người đi lao động rồi bỏ mặc họ chết mà lấy tiền bồi thường. Bây giờ thư của đại sứ quán đã gởi về, nói rõ ràng cùng với bố chia nhau tiền bồi thường nhân mạng của những người này. Sao bố ác thế? Người ta mượn nợ đóng tiền cho bố để được đi làm kiếm tiền, qua đến bên đó, họ đi làm bị tai nạn, không những bố không giúp người ta trị bệnh, lại còn bỏ mặc cho họ chết. Đã vậy, tiền bồi thường nhân mạng của họ, phải gởi về cho gia đình của họ chứ. Tại sao bố nhẫn tâm lấy tiền bồi thường của họ? Bố không có lương tâm, bố không còn là con người nữa.
Nói một thôi một hồi, Nga ôm mặt khóc nức nở:
- Bố là người Cộng sản, con biết, con người Cộng sản chỉ biết đến việc sống còn của đảng mà thôi, con người Cộng sản chỉ biết dùng thủ đoạn lường gạt người khác mà thôi. Nhưng mà bố cũng còn là một con người nữa chứ. Con người đâu có táng tận lương tâm như vậy.

Doãn biết là không thể giấu đứa con gái chuyện gì nữa. Mặc dù chỉ có hai bố con sống với nhau, hắn thương con gái hơn bất cứ thứ gì trên thế gian, nhưng nó phải biết là Cộng sản đi đôi với bạo lực và lừa dối. Không có bạo lực, không có lừa dối thì làm gì còn Cộng sản nữa. Con bé Nga này, nó là con của mình mà tính tình lại chẳng giống mình một tí nào cả! Nếu nó mà cứ như thế này mãi, làm sao nó có thể trở thành đảng viên của đảng Cộng sản? Làm sao nó có thể theo gót chân của mình mà làm quan cao chức trọng cho được! Phải uốn nắn nó mới được, hiện giờ nó còn đang sống nhờ vào đồng tiền của mình, mà chẳng nể nang gì mình cả. Phải dọa một lần cho nó sợ tới già mới được. Dọa đuổi nó ra ngoài đường, không có chỗ ăn chỗ ngủ là nó sợ ngay chứ gì! Con gái dù là con gái rượu, nhưng mà bạo lực thì vẫn phải dùng. Nghĩ như vậy, Doãn làm bộ nổi cơn thịnh nộ:
- Con phải biết rằng, mật vụ nơi bố đang làm, cần rất nhiều tiền để chi dùng. Bố có nhiệm vụ kiếm ttền để nuôi sống cơ quan này, và cũng để nuôi con ăn học. Không có tiền này, thử hỏi tiền đâu cho con mua máy điện toán, tiền đâu cho con đi học thêm, tiền đâu cho con mua xe Honda chạy ngoài đường? Con phải nhớ rằng, bố còn ngồi được ở cái ghế này cho đến nay cũng là vì bố đã phải bỏ tiền ra rất nhiều cho các đồng chí lãnh đạo. Các đồng chí lãnh đạo của bố cũng phải chi cho những đồng chí ở cấp bậc cao hơn nữa. Vì thế bố lúc nào cũng phải cần tiền, lúc nào cũng phải có tiền. Bố làm như vậy cũng chỉ là theo đường lối của đảng mà thôi. Con cũng phải làm quen với cách làm việc như thế này, mai sau con mới có thể thay bố mà làm việc. Nếu con không đồng ý với công việc làm của bố, con cứ việc tự do, đi đâu thì đi, kiếm tiền mà sống được thì sống. Nuôi cho con đến ngày hôm nay, con chưa làm gì được cho bố, chỉ giỏi lên mạng xem tin tức của cái đám Ngụy phản động, chúng nó bị mất nước nên mới bày trò mượn những thế lực thù địch mà bôi xấu chế độ ưu việt của đảng ta mà thôi.

Nga đang khóc, nghe bố nói, chợt ngưng bặt, lấy tay áo quệt nước mắt, nhìn bố:
- Con là con của bố, đương nhiên là con phải giúp bố làm việc để con còn theo đó mà tiến thân. Nhưng bố làm những chuyện ác đức quá, con không thể theo bố được. Nếu bố thấy rằng bố cần phải làm như vậy để nuôi sống con, thì thôi, kể từ nay con tự nuôi thân con, con sẽ xin đi làm nghĩa vụ trao đổi lao động nước ngoài để xem những người cộng sản của bố đối xử với con ra sao? Con lên mạng là tìm hiểu tin tức, con biết suy nghĩ điều gì đúng điều gì sai, chứ không phải bạ cái gì cũng tin.Ngụy không phải là xấu tất cả. Nếu họ toàn là những người xấu, tại sao họ lại bỏ tiền bỏ của ra mà giúp những người thương binh tàn phế của họ, đi kiếm xác chết của những lính Ngụy ngày xưa mà chôn cất? Thử hỏi, cái đám ăn hại ở Bộ Phục Viên, có bao giờ nghĩ đến việc đi tìm bạn bè bị thương hoặc đã chết của mình mà thăm hỏi, giúp đỡ hoặc đi chôn xác của họ chưa? Chính bản thân bố, bố đã có lần nào cho những gia đình liệt sĩ một đồng nào hay chưa? Hay là bố và các đảng viên của bố còn lo tìm cách moi tiền của chính những người bộ đội phục viên, những gia đình liệt sĩ đó để mà làm giàu cho nhau? Bây giờ con đi đến nhà bạn của con ở tạm, ngày mai con sẽ xin đi lao động. Con chào bố.
Nói xong, Nga đứng dậy đi thẳng vào phòng thu dọn quần áo. Doãn giận run cả người, hắn chỉ muốn nắm tóc kéo con Nga lại, đưa hai bàn tay ra bóp cổ đứa con cứng đầu, cho nó chết lè lưỡi ra. Nhưng dù có bạo lực cách mấy, hắn cũng không dám làm.Đã bắn chết người mẹ của nó rồi, không lẽ lại giết chết cả đứa con nữa hay sao! Doãn tức tối vì không làm gì được, hắn đứng chống nạnh chỉ tay vào trong phòng của Nga, quát lớn:
- Mày ở im đấy, không đi đâu cả. Mới nứt mắt ra mà đã đòi bỏ nhà đi. Mày mà bước chân ra khỏi nhà, tao sẽ cho bảo vệ bắn què chân ngay lập tức đấy.
Đứng la lối một hồi, Doãn chán nản đi về phòng, mở chai rượu Cordon Bleu mà đám đầu gấu Hải Phòng vừa giao nạp cùng với tiền đô, để được làm ngơ chạy Honda giựt tiền trên phố. Rượu ngon, mềm môi Doãn uống hết ly này qua ly khác, say gục xuống bàn.
Nga ngồi trong phòng suy nghĩ một mình. Cô cũng thông cảm cho bố, muốn ngồi ở địa vị Công an này đâu phải là dễ, phải kiếm tiền đầu này, lấy cắp đầu kia để giao nạp cho lãnh đạo, thì mới được yên tâm mà ngồi. Cơ quan nào cũng thế, ngay như những cán bộ Hải Quan cấp thấp làm nhiệm vụ xét hộ chiếu người nước ngoài về Việt Nam, đám này bị dân nước ngoài ghét nhất, vì lúc nào cũng dở thói hoạnh họe đòi tiền mới cho qua cửa Hải quan. Nhưng sở dĩ bọn này làm cái công việc dọa nạt người nước ngoài là vì bọn họ đã phải vay tiền nóng nhiều nơi để mua cái chỗ ngồi đó. Khi ngồi được ở cái chỗ đó, họ lại phải mỗi ngày dọa người ta lấy tiền đề nộp cho các quan chức bên trên để được ngồi yên. Cả một xã hội sống nhờ bóp cổ lẫn nhau lấy tiền nộp cho cấp trên. Ban ngày, ngồi ở sở làm mà không một ai muốn làm việc cả, chỉ chăm chăm nghe ở đâu có “cò” có khuyến mãi là chạy đi tìm hàng, tối về thì tụ năm tụm ba ở ngoài quán bia quán rượu ăn nhậu, đàn bà con gái. Hễ dân chúng có kêu ca thì sẵn sàng đem công an ra mà trấn áp, đánh giết cho bằng hết, để không còn một ai dám chống đối nữa.
Nga nhớ lại đã xem một trang mạng nào đó, kể chuyện một ông Thủ Tướng ở bên Pháp, chỉ lái xe đậu không đúng chỗ, mà cũng bị Cảnh sát đưa giấy phạt, ông nhận giấy phạt và đi đóng đường hoàng lại còn xin lỗi người dân là đã sơ ý phạm pháp. Một ông chánh án ở bên Úc, chỉ vì chạy xe quá tốc độ, lại khai gian, nên bị đưa ra tòa xử ngồi tù. Một cái xã hội bình đẳng kỷ luật như thế mới đáng sống, chứ ở cái xã hội Cộng sản đầy bất công và gian xảo này, sống làm sao cho được. Nga đã nhiều lần có ý định đi nước ngoài sinh sống, nhưng chỉ có một cha một con, nên cô không đành lòng ra đi.
Nhưng bây giờ thì khác rồi, Nga đã quyết ý, quyết ý từ lâu rồi chứ không phải mới ngày hôm nay. Nga lấy cái giỏ xách tay, bỏ vài bộ quần áo vào, đợi cho bố ngủ say, ngáy khò khò lên, Nga mới xách giỏ đi ra cổng. Người bảo vệ chặn Nga lại, không cho ra, nói rằng đã được Lãnh đạo ra lệnh không cho ai ra ngoài. Nga nhỏ nhẹ nói với chú bảo vệ:
- Chú cứ cho cháu ra đi, bố cháu không quy trách chú đâu.
Người bảo vệ lên cò súng chĩa thẳng vào người Nga mà nói:
- Lãnh đạo đã ra lệnh, ai ra ngoài cứ việc bắn bỏ. Cô đi vào nhà đi, đừng để tôi phải ra tay.
Nga cương quyết giải trình:
- Cháu phải đi làm công việc, chú muốn bắn cháu thì cứ bắn, nhưng mà cháu cho chú biết, chú chỉ cần làm sước da của cháu thôi, chú cũng khó lòng mà sống với bố cháu rồi, nói chi đến chuyện chú đòi bắn cháu chết.
Nói xong, Nga điềm tĩnh bước ra ngoài cổng, người bảo vệ tái mặt đứng im lặng nhìn theo, không biết xử trí ra sao.
Mãi đến trưa hôm sau, Doãn mới tỉnh rượu, chợt nhớ ra chuyện tối hôm trước, hắn chồm dậy chạy qua phòng của Nga: Căn phòng trống trơn. Doãn vội vàng gọi điện thoại xuống phòng bảo vệ, hỏi:
- Con Nga nhà tôi... có đi ra ngoài hay không?
Tên bảo vệ cuống cuồng, ấp úng trả lời:
- Thưa Đại Tá... cô Nga... có ra ngoài đêm hôm qua.
Doãn nổi tam bành lên, quát lớn:
- Tao đã ra lệnh cho chúng mày như thế nào, hả? Tại sao lại để cho nó ra ngoài? Cả đám chúng mày lên đây làm việc với tao.
Hai tên bảo vệ nhìn nhau... phen này chắc chết, rồi rón rén lên lầu trình diện. Vừa bước vào phòng, cả hai tên đã bị một trận mưa dùi cui phang lên đầu. Cả hai tên không dám đỡ, cứ đứng đưa đầu ra mà chịu đòn. Đánh một lúc chán tay, Doãn dừng lại thở hồng hộc, trợn mắt nhìn hai tên công an:
- Con Nga nó đi lúc nào? Nó có nói đi đâu hay không? Tại sao chúng mày lại cho nói đi qua cổng?
- Thưa Đai tá, khi cô Nga đòi ra đường, em không cho ra, em có lên đạn dọa cô, nhưng cô không sợ, lại còn thách em bắn cô nữa. Em không biết làm sao cả, đành cứ để cô đi, rồi báo cáo lại với Đại tá sau.
- Nó có nói là đi đâu hay không?
- Báo cáo với Đại tá... chúng em không dám hỏi.
Lại một trận mưa dùi cui lên đầu hai tên lính. Đánh hai thằng lính này mãi cũng chẳng được gì, cuối cùng, Doãn bực tức ra lệnh:
- Nội trong ngày hôm nay, chúng mày phải tìm cho ra nó, đem nó về đây cho tao.
Hai tên công an lủi thủi ôm đầu máu đi xuống chòi gác. Tuy đau đớn, nhưng chúng mừng rỡ nhìn nhau, ít ra hai cái mạng nhỏ nhoi của chúng cũng còn được cho sống còn. Việc kế tiếp là làm sao tìm cho ra cô con gái rượu của lãnh đạo. Tìm ở đâu ra bây giờ? Mà dù có tìm được đi chăng nữa, chưa chắc là cô ta đã chịu về nhà.
Doãn ra lệnh đi kiểm soát từng nơi nhận người xuất khẩu lao động, nhưng không có nơi nào có tên của Nga cả, hắn điên tiết bắt hết cả đám công an đi tìm khắp nơi, từ bệnh viện tới nhà xác, từ trường học cho tới các quán ba vẫn không thấy tăm hơi của đứa con gái cưng.
1 tháng... rồi 2 tháng trôi qua...

Một hôm, vừa đi làm về, Doãn đã thấy Nga ngồi chờ mình ở phòng khách. Găp được con gái, Doãn mừng quá, ôm chầm lấy con mà khóc, hỏi con:
- Con đi đâu mà suốt 2 tháng trời nay không về? Cũng không gọi điện cho bố nữa? Con sống ở đâu? Với ai? Con muốn bỏ bố mà đi luôn đấy à?
Nga cũng khóc, nhưng cô vẫn dửng dưng trước những câu hỏi dồn dập của bố. Một lúc sau, Nga mới lên tiếng:
- Con ở với mấy đứa con của chú Quỳnh để học thi Anh văn. Con thi đỗ rồi.
- Con thi đỗ tiếng Anh rồi hả? Con gái của bố giỏi quá, làm rạng danh cả nhà ta. Nhưng mà con học thi Anh văn... để làm gì?
- Con xin đi du học... con qua Úc, học về Kế Toán.
- Con nỡ lòng nào bỏ bố mà đi hay sao? Bố chỉ có mỗi mình con thôi.
- Con không bỏ bố...con chỉ bỏ cái xã hội Cộng sản của bố mà thôi. Con không hợp với cái xã hội này. Học xong, con sẽ... xin ở lại Úc, con không về Việt Nam nữa đâu. Chừng nào bố chán sống với cái xã hội bánh vẽ đầy thành tích, đầy lừa lọc và hận thù của bố, con sẽ đón bố qua Úc sống với con.
Doãn há hốc miệng ra mà ngạc nhiên nhìn đứa con gái thân yêu. Mãi một lúc sau, hắn mới buồn rầu nhìn con mà nói:
- Bố đã sửa soạn mọi thứ cho con rồi. Con có biết là tài sản, ngoài nhà cửa đất đai, tiền mặt của bố có cả triệu triệu đồng đô la Mỹ, cho con cho cháu của con xài tới hết đời cũng vẫn còn. Bố lại đã bàn với lãnh đạo dành cho con một chức vụ đặc biệt ở phòng phản gián điệp để con ngồi suốt đời rồi hay không? Tại sao con lại bỏ bố mà đi vậy hả con? Xã hội Tư bản tuy có vẻ hào nhoáng bề ngoài, nhưng bề trong rỗng tuếch, sớm muộn gì cũng sụp đổ, không thể nào đứng vững như xã hội chủ nghĩa của Cộng sản đâu con ơi.
Nga im lặng ngồi nghe bố nói, không tỏ vẻ ngạc nhiên gì về những tài sản và danh vọng mà người cha nói đã dành sẵn cho mình. Con người Cộng sản, lời nói ít khi nào đi đôi với việc làm. Hai bố con im lặng mỗi người theo đuổi một ý nghĩ khác nhau. Cuối cùng, Doãn thở dài hỏi con gái:
- Chừng nào thì... con đi?
- Vài ngày nữa con sẽ đi.
- Vậy... con có... ở nhà với bố ngày nào không?
- Ngày mốt con sẽ về nhà ở với bố vài ngày trước khi đi.
Khi Nga đem quần áo sách vở về nhà, bữa cơm đầu tiên, Nga ngạc nhiên thấy bố mình thay đổi hẳn thái độ, không thù oán nói xấu xã hội Tư bản nữa, không chống lại việc Nga đi du học ở Úc nữa. Trái lại, ông có vẻ thân thiện hơn, vui vẻ hơn, dù rằng sắp phải xa đứa con gái duy nhất.
Vừa ăn, Nga vừa nghe bố dặn dò:
- Con qua bên ấy, nhất là nước Úc, đám dân tỵ nạn ở bên đó... chống Cộng mạnh lắm đấy. Tốt hơn hết, con cứ... nhập vào với họ. Khi nào bố xin phép được, bố sẽ qua Úc thăm con.

Ngồi trên máy bay, Nga nhắm mắt hồi tưởng lại những năm tháng đã qua...
15 năm về trước, Nga chỉ là đứa bé 8 tuổi đầu, chỉ biết ăn học rồi đi ngủ. Mỗi buổi tối, ăn cơm xong, Nga muốn được ngồi cùng bố mẹ xem TV rồi đi ngủ, nhưng người bố lại luôn luôn bận bịu với súng ống với túi đựng rồi vội vã ra đi. Khi bố vừa đi thì mẹ cũng kiếm cớ bắt Nga lên giường ngủ, một lúc sau, mẹ cũng lén đóng cửa bỏ đi đâu không biết, bỏ Nga nằm nhà một mình. Lúc đầu, Nga còn khóc đòi đi theo mẹ, nhưng lần nào cũng bị mẹ lấy củi đánh tàn nhẫn, nên nó không dám đòi đi theo nữa, đành nín khóc nằm trên giường. Căn nhà đã rộng, lại nằm cạnh sông, nên đủ thứ gió thổi những tàn cây dừa đánh qua đánh lại, cọ vào mái nhà vang lên những tiếng động đầy sợ hãi, làm cho Nga khóc thét lên từng hồi, phải bật hết tất cả các đèn điện ở trong nhà lên, vừa run rẩy vì sợ, vừa run rẩy vì lạnh, nó cứ ngồi chịu trận trên giường cho đến gần sáng mẹ mới đẩy cửa về nhà. Nga mừng quá, vừa định chạy ra đón mẹ, nhưng sực nhớ tới trận đòn hồi nửa đêm, nên nó vội vàng nằm xuống đắp chăn kín đầu làm bộ đang ngủ say. Mẹ nó vào phòng kiểm tra mọi thứ, đi ra nhà sau dội nước ào ào tắm rửa rồi mới trở lại phòng. Mẹ nằm một lúc thì bố mới về, dưới ánh trăng còn sót lại chiếu qua cửa sổ, Nga thấy đầu cổ quần áo của bố dính đầy bùn, mùi hôi tanh xông lên nồng nặc mà Nga không biết đó làm mùi gì? Bố nó ngồi ở sau nhà lâu lắm, không biết làm gì mà không mở đèn...sau đó nó nghe tiếng bố đào đất, cào đất rào rạo, một lúc sau mới nghe tiếng bố múc nước tắm rồi đi vào phòng ngủ.
Cho đến một hôm... khi bố trở về nhà, nó mắc tiểu quá, nên mới đánh bạo mở cửa bật đèn lên để ra nhà sau đi tiểu. Khi thấy Nga đi xuống, mắt nhắm mắt mở, bước thấp bước cao, bố nó hốt hoảng vơ vét tất cả những gì đang ở trên bàn bỏ vào ngăn kéo rồi nhìn nó cười, hỏi thăm nó:
- Con đang đêm thức dậy làm gì? Muốn...đi đái hả?
Mặc dù còn ngái ngủ, Nga vẫn thấy được tấm vải để trên bàn, giống như vải áo của một người nào đó bị xé rách, còn dính đầy máu, trong đó có rất nhiều bông tai, dây chuyền, nhẫn và cả những tờ giấy màu xanh giống như tiền. Mặc dù bố nó đã giấu cái manh áo vào trong ngăn kéo, nhưng mùi hôi tanh từ trong đó bay ra làm cho nó buồn nôn quá, nó phải chạy cho nhanh vào nhà xí để khỏi nôn ra sàn nhà. Vào đến nơi, Nga nín thở quên cả đi tiểu, nuốt nước miếng liên tiếp cho qua cơn buồn nôn rồi mới dám đi đái. Nó không biết bố nó lấy những thứ đó ở đâu? Nhưng nó biết rằng không nên hỏi và cũng không nên nhìn vào những thứ đó, cho nên, khi đái xong, nó cắm đầu cắm cổ chạy bay về phòng, để bố nó khỏi hỏi và cũng để tránh mùi máu tanh hôi.
Sáng hôm sau, vừa mới thức dậy, nó đi xuống bếp, chưa biết gì đã bị bố nó nắm cổ lôi ra đằng sau nhà, vừa nắm tóc nó vừa túm lấy ngực áo của nó mà trợn mắt thật khủng khiếp hỏi nó:
- Mày có thấy cái gì bố để trên bàn đêm qua hay không?
Con Nga quá sợ hãi khi bị bố nó lần đầu tiên nắm tóc túm ngực áo mà trợn mắt gằn từng tiếng như sẵn sàng giết chết nó, nó không biết làm gì hơn là lắc đầu lia lịa.
Khi nghe bố nó nói:
- Con nhớ không được nói gì với ai, ngay cả với mẹ, những gì con thấy trên bàn của bố. Đó là vàng mà đồng chí Sư trưởng nhờ bố giữ dùm đấy, con đã..đả thông tư tưởng chưa?
Con Nga sợ tới nín đái, nó bậm môi không dám khóc, chỉ gật gật cái đầu ra vẻ đồng ý. Từ đó, nó học khôn, bất cứ lúc nào, hễ bố mẹ nó hỏi gì, nó đều trả lời là không biết, không nghe, không thấy..để có thể sống sót.
Một ngày hãi hùng nữa xẩy ra trong đời Nga, mà cho đến chết nó vẫn không quên...

Con Nga nghe mẹ nó nói chuyện với bố là sẽ đưa nó về thăm ông bà ngoại ở ngoài Bắc, nó chẳng biết ngoài Bắc là chỗ nào, nhưng được đi ra khỏi căn nhà mà mỗi đêm nó cứ phải ngủ một mình là nó vui lắm rồi. Nhưng cả ngày trời, mẹ nó dẫn nó đi hết chỗ này qua chỗ nọ, rồi vào một căn nhà gặp một người đàn ông trạc tuổi bố nó, hai người vào trong nhà nói chuyện thật lâu, để nó ở ngoài sân một mình. Sau đó, mẹ nó lại dẫn nó về nhà rồi bỏ đi mất đất. Con Nga đã quen ở nhà một mình rồi, nên nó tự động vào bếp tìm xem có cái gì ăn được thì tự nhóm lửa lên mà nấu ăn, rồi lấy sách báo ra đọc, đọc chán thì lên giường ngủ. Gần sáng, Nga chợt thấy đèn bật sáng, rồi bố nó phóng vụt vào, ngã bổ nhào xuống đất, thân hình đầy máu, nó sợ quá, định chạy ra đỡ bố đứng dậy, nhưng kinh nghiệm trong gia đình đã dạy cho nó không nên xuất hiện trong những trường hợp như thế này, nên nó chỉ nằm im, định bụng nếu bố nó kêu cứu, nó sẽ chạy ra giúp. Nhưng bố nó không kêu la gì cả, một lúc sau mới lồm cồm bò dậy, mở tủ lấy áo xé ra băng vào người rồi lấy súng lết vào phòng nằm nghỉ. Nga vẫn nằm im trên giường chưa biết làm gì, thì bất chợt cửa lại mở, mẹ nó bước vào nhà cùng với người đàn ông đã gặp sáng nay, hai người đều cầm súng, quần áo cũng ướt đẫm như là mới đi lội sông về. Hai người không biết là bố nó đã về nhà đang nằm trong phòng, nên đã nắm tay nhau đi lại trong nhà rất tự nhiên. Nga rất ngạc nhiên khi nghe chính miệng mẹ nó xưng “Em” với người đàn ông này và còn gọi bố nó là “Thằng chồng em”. Con Nga không hiểu chuyện gì đã và sẽ xẩy ra, nên khôn hồn nằm im trên giường không nhúc nhích. Tới khi nó nghe có tiếng bố mẹ cãi nhau rồi tiếng súng nổ ầm ầm ngay ở trong nhà, nó lại càng sợ hơn nữa, kéo chăn đắp kín cả người. Thật lâu sau, không nghe thấy bất cứ tiếng động nào nữa, nó mới leo xuống giường, rón rén đi ra cửa ló đầu nhìn ra ngoài: Bố nó nằm dựa vào tường, người đàn ông lạ mặt ngã nằm đè lên mẹ nó cách bố nó khoảng chừng hai sải chân, tất cả đều bất động, máu từ trong người vẫn còn chảy ra ngoài, đóng từng vũng đỏ lòm. Con Nga sợ hơn bao giờ hết, nó đứng bất động nhìn 3 xác người một lúc, cho đến khi biết chắc là không còn ai cử động gì nữa, nó mới từ từ bước ra ngoài xem xét:Cả 3 người chắc là đã chết thật rồi, vì không ai cử động gì cả, người nào cũng mở mắt nhưng con ngươi đã đứng tròng, không nhìn vào đâu cả. Con Nga sợ ma quá, thét lên một tiếng thật rùng rợn rồi chạy vọt ra ngoài chúi đầu vào lùm cây gần bờ sông. Đến khi trời đã sáng rõ, Nga mới dám mò về nhà, nhà nó thật là đông người, những người công an đã khiêng tất cả người chết đi đâu hết rồi, đang dội nước rửa sạch máu trong nhà nó. Chẳng ai chú ý đến nó, mãi đến khi nó nắm áo 1 người công an, hỏi bố mẹ nó đâu? thì người công an này mới dắt nó về nhà của anh ta, cho nó ăn uống. Con Nga ở với chú Thìn khoảng 1 tuần lễ thì mới được chú cho biết, bố nó còn sống, đang ở trong nhà thương, còn mẹ nó thì chết rồi. Trong đầu óc non nớt của Nga, bố mẹ nó chỉ biết có súng đạn, có bắn giết mà thôi, bắn lẫn nhau nữa, chứ không hề có tình cảm gì với nhau cả. Ngay như nó là con độc trong nhà, thế nhưng bố mẹ nó chỉ biết bóp cổ nó, lấy củi đánh nó mà thôi, chứ chưa hề ôm nó mà nựng nịu thương yêu.

Mấy tháng trời sau bố nó mới trở về, ở chung với chú Thìn một thời gian thì bố đưa nó đi về thành phố. Bố nó đi làm trở lại, nhưng không mặc đồ bộ đội nữa, mà mặc quần áo dân thường, đi đâu cũng xách theo một cái cặp da màu vàng. Mỗi buổi tối, nó để ý, cũng vẫn thấy bố nó ngồi một mình, rót rượu từ chai ra uống, rồi lôi từ trong cặp da ra rất nhiều tiền đếm đi đếm lại, chỉ có khác xưa là những đồng tiền này có mùi mực in chứ không tanh tưởi và dính máu như những vòng vàng và tiền ngày xưa khi nó còn bé. Mỗi khi bố nó dẫn bạn bè về cùng bàn bạc công việc với nhau, nó nghe loáng thoáng họ nói với nhau:
- Những thằng Ngụy chúng nó lợi hại lắm, phải giết hết chúng nó đi chứ không thể thả một đứa nào cả.
- Nếu giết hết thì chúng mình lấy gì mà sống? Phải để cho chúng nó sống nhưng sống thoi thóp, thì gia đình chúng nó mới tiếp tế lên, mình cứ theo dõi, xem đứa nào được tiếp tế nhiều thì cứ theo đó mà về nhà chúng nó mà tìm cách khảo của, thế nào cũng có.
- Bọn Ngụy này, mình cứ tưởng chúng nó khôn ngoan lắm, thế mà mình chỉ lừa có một chữ “Mang theo đồ ăn cho 3 ngày” thế là cả đám từ trên xuống dưới kéo nhau vào rọ hết.
- Thế còn cái đám bán chợ trời thì tính làm sao đây? Bắt nó đóng tiền hàng tháng rồi, nhưng mà đâu có là bao nhiêu?
- Cứ đợi đấy. Cứ để cho chúng nó buôn bán, đến khi nào chúng nó thấy làm ăn được, tung hết tiền vốn ra mua hàng, lúc đó mình mới quây lại tịch thu hết hàng hóa, bắt bọn chúng đưa hết lên khu Kinh Tế Mới cho chúng nó chết hết đi, toàn là đám vợ con của tụi Ngụy chứ ai vào đấy nữa. Đứa nào chống lại, cứ bắn chết hết đi.
Nga không biết “Ngụy” là những ai mà bố nó và những người bạn ghét họ đến thế? Nga định bụng, khi nào có dịp, sẽ hỏi bố nó xem “Ngụy” là ai? Nhưng có một điều mà nó không cần hỏi cũng biết: Những con người Cộng sản như bố nó, chỉ sống trên sự hận thù, lừa lọc và bạo lực súng đạn mà thôi.
Đến khi lớn lên, biết sử dụng máy điện toán, Nga và đám bạn bè toàn là con cháu của những người bạn của bố nó mới rủ nhau mở máy vào những trang mạng để tìm hiểu, Nga mới biết “Ngụy” là những người Lính của Miền Nam, thua trận, bị những người phe miền Bắc của bố nó lừa bắt đi cải tạo để chết ở những nơi rừng rú không ai biết. Một số này đã trốn được ra ngoại quốc, họ thường gởi tiền về nuôi cha mẹ anh em và bạn bè ngày xưa của họ. Nhìn cách thức họ đối xử với nhau, Nga thấy họ thương yêu đùm bọc lẫn nhau, đầy những tình người, khác hẳn với những người như bố nó, lúc nào cũng hận thù và tìm cách bóc lột, đe dọa người dân để lấy tiền. Nga chán ghét cái chế độ lúc nào cũng nói thương yêu nhau nhưng thực sự thì chỉ là lừa dối. Đi ra ngoài đường, vào trong công sở, đâu đâu cũng đầy những khẩu hiệu cơm no áo ấm, đạt chỉ tiêu... nhưng đâu đâu cũng nhan nhản những người nghèo khổ không cơm ăn không áo mặc, bên cạnh đó là những kẻ giàu có tiền rừng bạc biển, sống nhờ đút lót, nhờ ăn chia với những người như bố của mình. Một lý do nữa là Nga không biết tại sao những người Cộng sản như bố của mình lại thù ghét những người mà họ gọi là “Ngụy” như vậy? Họ đã thua trận, họ đã rút lui, không hề gây hại gì cho đám người Cộng sản, thế mà đám người Cộng sản này cứ khư khư thù ghét, bôi xấu, căm thù họ. Có thể đó là một thứ mặc cảm tự ti, thua kém. Nga nhớ lại hồi còn đi học, có mấy đứa cùng lớp đã ghét Nga ghê gớm không biết vì lý do gì? Sau này, Nga mới biết ra, chúng nó ghét là vì Nga học giỏi hơn chúng nó, lúc nào cũng được điểm cao, được thầy cô nhắc đến tên. Đã có một ai đó nói với Nga:
- Nói một cách công bằng, đám bộ đội không thể nào thắng Lính Cộng Hòa, vì người Lính Cộng Hòa được rèn luyện đầy đủ, lại có chính nghĩa là chiến đấu chống lại Cộng sản xâm lược. Bọn Việt cộng thắng chỉ nhờ may mắn lúc cuối cùng, vì thế chúng nó sợ bất cứ lúc nào người Lính Cộng Hòa cũng có thể trở lại đánh bại chúng.

Đó là lý do thứ hai này mà Nga muốn đi ngoại quốc, tìm gặp những người “Ngụy” này, để xem họ... ba đầu sáu tay như thế nào mà những người như bố nó sợ hãi họ như vậy. Khi có ý định đi du học, Nga đã vào nhiều trang mạng để tìm xem nơi nào thích hợp cho việc học hành và cho ý định của mình. Bên Mỹ có rất nhiều Lính Cộng Hòa ở, vì người Mỹ, vì lý do nào đó, mà các trang mạng cho rằng, vì mặc cảm đã bỏ rơi người Lính Cộng Hoa, nên đã phải nhận họ qua sống ở Mỹ để coi như là chuộc tội. Thế nhưng cuộc sống ở bên Mỹ ồn ào hơn. Bên Úc đất rộng người thưa, dân tỵ nạn chỉ rất ít nhưng họ bảo nhau được và rất là chống Cộng. Nga muốn biết họ chống lại những người Cộng sản như thế nào? Có tàn ác, có lừa đảo như Cộng sản hay không? Nếu họ là những người có tình nhân ái thật sự như những gì đã thấy ở trên mạng, Nga có thể nói cho bố của mình nghe, biết đâu chừng bố mình sẽ thay đổi thái độ mà không thù ghét họ nữa, biết đâu chừng bố nó lại... ngả hẳn về phe Cộng Hòa thì sao?
Nghĩ ngợi liên miên, máy bay đã đáp xuống phi trường. người đại diện của công ty du học cầm tấm bảng hiệu đã có mặt sẵn, Nga chỉ việc đi theo họ ra xe bus để về nơi cư ngụ ở East Hawthorn. Mặc dù đã biết, nhưng khi ngồi trong xe bus nhìn ra ngoài, Nga đã rất ngạc nhiên khi thấy đường phố ở bên Úc hầu như không có người đi bộ! Lề đường rất rộng, nhưng... chẳng có ai đi bộ cả. Những người lái xe thì... chẳng thấy ai nhấn còi xe, đường phố im lặng sạch sẽ, đúng là một xứ tân tiến đáng sống. Điều ngạc nhiên cuối cùng thật là thích thú và cũng là điều mà Nga chưa bao giờ nghĩ tới là:
Khi Nga vừa bước xuống xe, từng đàn chim màu trắng mỏ cong bay đầy trời, kêu “Kẹc... Kẹc...” um xùm trời đất. Đàn chim này đậu trắng hết cả cây cối chung quanh, ăn những trái cây nhỏ màu đỏ, khi đám sinh viên du học của Nga bước xuống xe, chắc là xe và người đã làm kinh động những con chim này, nên chúng mới bay túa lên không. Lần đầu tiên trong đời Nga được thấy những con chim này, nhìn chúng bay lên bay xuống thật là đẹp mắt, bay một lúc, thấy không có động tịnh gì nữa, đàn chim lạ xà xuống ngọn cây ăn tiếp, có con bay đậu ngay trên đường, có con đậu cả lên những cái va ly vừa đem xuống. Nga có biết câu nói “Đất lành chim đậu”. Xứ Úc đúng là đất lành, nên chim chóc mới đến đây mà đậu, mà ăn, mà kêu inh ỏi như thế này. Người dân chung quanh, có thể họ đã quen với đám chim này, chẳng ai đuổi, chẳng ai nhìn, chẳng ai thắc mắc gì tới sự hiện diện của chúng cả. Việt Nam chắc không phải là đất lành, nên Nga chẳng bao giờ thấy có một con chim nào dám bén mảng đến cả, mà dù cho những con chim có gan dạ mà nhào xuống đậu ở bất cứ nơi nào ở Việt Nam, Nga tin chắc rằng chúng nó vừa mới đáp xuống sẽ không bao giờ có dịp để bay lên nữa, vì nó sẽ bị hàng trăm bàn tay đưa ra bắt nó, nhổ lông nó ngay tại chỗ mà làm thịt. Những con chim trắng này làm như chẳng sợ ai cả, chúng cứ ung dung.. đi bộ ngay trước mặt Nga, có con lại còn nhìn Nga mà kêu “Kẹc... Kẹc...” làm như chúng muốn hỏi: “Cô là ai vậy? Tại sao lại đến làm phiền chúng tôi đang trong giờ ăn uống nghỉ ngơi như vậy?” Nga say mê ngắm đàn chim trắng, nghe loáng thoáng có những tiếng Click... Click, nhìn lại mới thấy những người bạn của mình đang đưa máy lên chụp hình lia lịa:
- Tớ chụp cho cậu nhiều tấm hình lắm, tha hồ mà khoe với... chồng nhớ.
(Một số các cô gái Việt Nam tinh nghịch, gọi bạn trai là chồng).
Nga mới nhớ ra là mình cũng đang cầm cái điện thoại di động trên tay, nó vội vàng mở máy chụp hình đàn chim để làm kỷ niệm. Đứa bạn gái đứng kế bên ra dấu nhờ Nga chụp hình cho nó. Nga đưa máy hình lên, cô bạn vội vàng sửa lại quần áo, hai bàn tay đưa lên làm dấu hiệu chữ V,môi chúm lại đúng điệu các cô gái trong phim tập Đại Hàn. Lúc này là mùa hè, nhưng khí hậu lại mát mẻ chứ không nóng gay gắt như ở Việt Nam.
Niên học mới của trường Đại Học Royal Melbourne Institute of Technology (RMIT) bắt đầu vào đầu tháng 2, nên đám sinh viên du học còn được 1 tuần để đi chơi thăm thành phố Melbourne. Người hướng dẫn viên cho biết, sẽ đưa cả đoàn 12 người đi thăm 1 thành phố nhỏ, gọi là Richmond, 1 trong những thành phố có rất đông người Việt Nam buôn bán và cư ngụ.
Vừa bước xuống xe bus, Nga và đám bạn đã thật là ngỡ ngàng: Thành phố thật là nhộn nhịp và thật là đông đảo. Lần này, sự đông đảo không phải tạo ra vì những đàn chim trắng xóa như ngày hôm qua, mà là... MỘT RỪNG CỜ VÀNG BA SỌC ĐỎ.
Nga đã biết rất rõ, người Việt Tỵ Nạn tại Úc và các nơi trên thế giới dùng lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ của Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa để làm hiệu kỳ của Cộng Đồng Việt Nam. Nga đã thấy hình lá cờ này nhiều lần rồi, nhưng đó cũng chỉ là những tấm hình trên mạng mà thôi, bây giờ mới là sự thật. Nga đã có ý định từ khi còn ở Việt Nam, là sẽ tìm cách nào đó để chính mắt nhìn thấy Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ mà những đứa bạn của Nga đã nói nhỏ cho biết: “Cái thời trước năm 1975 ở Miền Nam, lá cờ này tượng trưng cho sự tự do đấy.” Nhưng buổi đi chơi hôm nay, Nga không ngờ rằng ý nghĩ trong đầu của Nga đã thành sự thật: Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ tượng trưng cho sự tự do đang bay phất phới trước mặt, làm cho Nga sửng sốt thiếu điều choáng váng khi thấy lá cờ vàng đầu tiên trong đời.
Cơn bão tố đã đi qua, Nga bình tĩnh đứng ngắm Lá Cờ Vàng. Điều nhận xét đầu tiên của Nga là màu vàng của lá cờ, tuy rất sáng, nhưng không có làm cho người ta chói mắt như màu cờ đỏ. Có vài lá Cờ Vàng nằm khuất trong góc, nhưng nó làm cho cái góc khuất đó sáng lên, trong khi lá cờ đỏ, nếu để ở góc tối, nó sẽ làm cho cái góc tối đó tối đen hơn lên. Lần đầu tiên nhìn thấy lá Cờ Vàng, Nga tự nhiên có cảm tưởng yên tâm hơn, vui vẻ hơn, nó tự nghĩ:
“Lá Cờ Vàng này đúng là biểu tượng của tự do, an lành đấy. Kể từ nay, lá cờ này là... Lá Cờ Của Mình Đấy!”

Người hướng dẫn cho biết, tất cả cứ việc tự do đi dạo trên con đường này, hôm nay là “Hội Chợ Tết Việt Nam” của khu thương mại Richmond, có rất nhiều trò chơi, ca nhạc giải trí và cũng có rất nhiều hàng quán dọc hai bên lề đường, mọi người sẽ tụ tập ở đây lúc 2 giờ chiều để cùng đi về. Nga và đám bạn rủ nhau đi dọc theo con đường để xem người Việt tại Úc sinh hoạt như thế nào. Có rất nhiều cô gái Việt mặc áo dài, đủ kiểu đủ mầu sắc, thật là đẹp, thật là duyên dáng. Không những chỉ có các cô gái Việt, mà còn có các trẻ em và cả các cô gái da trắng cũng mặc áo dài nữa. Ở Việt Nam, áo dài hầu như đã biến mất trên đường phố. Các cô gái Việt đa số mặc áo thun, quần sọc hở chân mang giày cao gót, đi làm thì mặc quần “Bò” hoặc mặc “Đầm” chứ không còn ai mặc áo dài nữa.
Đi đến giữa đường, Nga thấy người ta tụ tập thật đông đảo, có cả một khán đài, trên đó có cắm thật nhiều cờ Vàng, chắc chắn phải có một chương trình ca nhạc gì đó rất hấp dẫn. Là người rất thích nghe “Nhạc Vàng”, Nga vội vàng nhập bọn với đám đông, tìm một chỗ gần khán đài để xem cho rõ. Chương trình hình như sắp bắt đầu, hai người MC đứng giữa sân khấu hình như đang chờ một dấu hiệu gì đó ở dưới khán giả để bắt đầu. Nga vừa tìm được một chỗ ngồi thoải mái thì nghe ông MC bắt đầu nói:
“Buổi lễ chào mừng năm mới bắt đầu, kính mời quý quan khách và đồng bào cùng đứng lên để làm lễ chào Quốc Kỳ Úc Việt. Kính mời đội Quân Kỳ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tiến lên khán đài”.
Cô MC trẻ tuổi nói lại bằng tiếng Anh.
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa? Họ... còn tồn tại hay sao? Có phải họ là những người mà bố của Nga gọi là “Ngụy” đó hay sao? Nga ngạc nhiên hết sức, cố ngỏng cổ ra mà xem.
Tất cả mọi người cùng đứng lên.
Từ dưới khán đài, một dòng người mặc quần áo thật là lạ mang cờ đi lên khán đài. Người MC lại bắt đầu giới thiệu.
Đi đầu là các chiến binh của SưĐoàn Nhẩy Dù. 4 người mặc quần áo đủ màu đỏ pha xanh và đen đội mũ bê rê màu đỏ đeo đủ thứ trên vai, trên cổ áo bước tới thật đều, trên tay họ cầm những cột cờ với lá cờ thật lớn màu Xanh biển với năm ngôi sao màu trắng và hình một lá cờ khác nữa ở góc trên bên trái. Kế tiếp là các chiến binh của Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến. 4 người mặc quần áo màu xanh lục với những vằn đen, đội bê rê màu xanh lá cây, bước đều tới, trên tay họ cầm những lá cờ Vàng ba sọc đỏ. Kế tiếp là các chiến binh của Sư Đoàn Biệt Động Quân. 4 người Lính Cộng Hòa mặc quần áo màu nâu đậm pha đỏ, xanh lục, đen, mang những lá cờ màu xanh biển. Tiếp theo là những người lính khác, mặc những bộ quần áo mà áo và quần may dính vào với nhau, cuối cùng là những người lính mặc quần áo trắng nuốt.
Đây rồi, những người Lính Việt Nam Cộng Hòa, mà những người Cộng Sản gọi là “Ngụy” đây rồi. Những người lính này đã già rồi, tóc của họ đã bạc, dáng đi của họ cũng đã chậm, nhưng nhìn họ thật oai hùng, hiên ngang. Bộ quân phục họ mặc trên người càng làm tăng vẻ oai phong lẫm liệt cho người Lính Cộng Hòa. Trong đầu óc của Nga đã có lời giải đáp cho những thắc mắc của mình về hai phe đối nghịch lần nhau:
“Nhìn những người Lính như thế này, họ phải là người thắng trận chứ không thể là kẻ thua trận. Những người bộ đội như bố nó, nhìn chỉ thấy là một đám thua trận chứ không thể thắng trận được. Đó là lý do mà những người như bố nó thù ghét những người lính Cộng Hòa, gọi họ là “Ngụy” để bôi xấu họ, để che lấp mặc cảm thua kém.”
Trên màn ảnh hiện ra hàng chữ: Quốc Ca Úc Đại Lợi. Lá cờ Úc Đại Lợi màu xanh biển. Khi tiếng nhạc trổi lên thì hàng chữ bằng tiếng Anh cũng hiện ra, tất cả mọi người cùng đồng ca bản Quốc Ca của Úc. Nga nghe tiếng được tiếng không, nên chỉ nhìn hình lá cờ và đọc lời của bàn Quốc ca. Lá cờ màu xanh biển thật nhẹ nhàng, thoải mái, lời bài ca lại càng nhẹ nhàng, giới thiệu nước Úc có bờ biển bao bọc, có tài nguyên xung túc, mọi người thương yêu lẫn nhau.
Trên màn ảnh lại hiện ra hàng chữ: Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa. Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ hiện ra, rồi tới những hàng chữ của bài Quốc Ca... nhạc bắt đầu trổi lên... Từ tất cả mọi nơi, tiếng hát của mọi người bắt đầu vang lên:
“Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi,
Đồng lòng cung đi hy sinh thiết gì sông núi,
Vì tương lai quốc dân cùng sông pha khói tên
Làm sao cho núi sông từ nay thêm vững bền...”
Lời ca thật nhẹ nhàng nhưng thật là cương quyết. Lạ hơn nữa, lời ca kêu gọi người dân đứng lên vì tương lai quốc dân chứ không vì tương lai của 1 đảng phái nào.
Nga chưa bao giờ được nghe bài quốc ca này, nên không biết đến lúc nào thì bài hát này chấm dứt, nhưng cô muốn bài hát này kéo dài ra nữa để cô có thể so sánh lời ca và nét nhạc với quốc ca nhưng không bao giờ nhắc tới việc bảo vệ tổ quốc mà cô đã phải học thuộc ở Viêt Nam.
Tiếng người xướng ngôn viên lại vang lên:
“Phút mặc niệm để tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân, các đấng anh hùng liệt nữ đã có công gây dựng giang sơn và giữ vững bờ cõi. Phút mặc niệm để tưởng nhớ những Quân Dân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh thân mình để bảo vệ cho sự độc lập tự do và sự vẹn toàn lãnh thổ của Miền Nam Việt Nam. Phút mặc niệm để tưởng nhớ dến những người Việt trên đường vượt thoát chế độ Cộng Sản phi nhân đã bỏ mình nơi rừng sâu nước độc hay trên biển cả mông mênh...”

Nga thật sự là ngạc nhiên vì những lời nói này...từ ngày lớn lên, cô đã từng đi theo bố tham dự nhiều buổi lễ của bộ đội, của nhà nước, nhưng chưa bao giờ Nga được nghe những lời nói nào nhắc tới hoặc được chứng kiến một buổi lễ tưởng niệm nào dành cho những người miền Bắc bị chết trong trận chiến mà những người Cộng Sản như bố của Nga cho là để thống nhất đất nước. Số người này, Nga đọc trong những trang web, có thể lên đến cả triệu người gồm cả bộ đội lẫn thường dân. Con số người chết nhiều như vậy nhưng chưa hề được bất cứ ai nhắc nhở tới, mà Nga chỉ nghe nhắc nhở tới việc bảo vệ đảng, sự vững mạnh của đảng Cộng sản, sự đoàn kết nhất trí theo sự lãnh đạo của đảng mà thôi. Buổi lễ chào cờ mà Nga may mắn được tham dự chỉ là buổi chào cờ của hội chợ tết mà còn trang nghiêm, còn có lời tưởng niệm bi hùng như vậy, thì chắc là buổi lễ chính thức để tưởng nhớ những người Lính Cộng Hòa, những người Dân Miền Nam, chắc là còn trang nghiêm, còn bi hùng gấp mấy lần buổi lễ này.
Gần đến ngày nhập học, các hướng dẫn viên của khóa học đã tổ chức buỗi họp mặt để giới thiệu trường lớp, giáo sư và sinh viên mới cũng như cũ với nhau để quen biết và hiểu rõ về cách thức giảng dạy và tham khảo tài liệu của nhà trưởng, gọi là “Open day”. Buổi sinh hoạt này không phải chỉ dành cho những sinh viên du học như Nga, mà còn dành cho những sinh viên sinh để ngay tại nước Úc lần đầu tiên bước vào ngưỡng cửa Đại Học. Con số sinh viên tham dự buổi hội thảo thật là đông đảo, đủ các sắc dân, lần đầu tiên trong đời Nga được nhìn thấy những con người khác nhau: Da Vàng, Da Đen, Da Nâu, Da Trắng... Tóc Vàng, Tóc Đỏ, Tóc Đen, Tóc Nâu, Tóc Bạch Kim và Tóc Quăn tít... Lần đầu tiên xa nhà, lại đi đến một quốc gia khác với một ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt để học, ngồi giữa đám đông trong giảng đường rộng thênh thang, Nga thấy mình thật bơ vơ lạc lõng, không dám nhìn ai, không dám nói gì với ai, chỉ cố gắng lắng nghe mọi người chung quanh nói chuyện với nhau để tập nghe và để hiểu mà thôi. Ngồi bên phải của Nga là một cô gái tóc đen giống như Nga, không biết cô ta có phải là người Việt giống như mình hay không, hay là dân của xứ nào khác, nhìn mặt cô cũng bỡ ngỡ co mình ngồi gọn lỏn trong trong chiếc ghế, mắt mở lớn ra mà nhìn chung quanh một cách thích thú nhưng cũng thật là e dè. Bên trái của Nga là một chàng trẻ tuổi tóc vàng hoe, anh chàng ngồi mà cao cứ như là một người nào đó đang quỳ ở trên ghế, mặt chàng cũng lớ ngớ, mắt chàng cũng nhin quanh cười vu vơ. Nga mỉm cười một mình: “Thì ra toàn là những thứ láo ngáo sinh viên du học... ai cũng xa nhà... ai cũng cô đơn đồng cảnh ngộ như mình cả.”
Nhìn họ, Nga tự nhiên thấy gần gũi với họ hơn, thông cảm với họ hơn và tự nhiên Nga cảm thấy họ mới là những người bạn của mình. Đang thả tầm mắt nhìn quanh và mải mê suy nghĩ, chợt Nga nghe hình như có tiếng ai nói nho nhỏ bên tai:
“What did he say...?”
Nga ngạc nhiên nhìn lại, hóa ra người trẻ tuổi tóc vàng kế bên, mắt anh ta đang chăm chú liếc nhìn lên bục giảng, nơi người giới thiệu chương trình đang nói, đầu của anh ta thì nghiêng về phía Nga mà hỏi nhỏ:
- I can’t cach up with her English. Can you hear what did he say?
Nga cũng chưa nghe được gì cả, nên vội vàng lắng nghe. Cả giảng đường đang ồn ào cũng tự động im lặng nhìn người xướng ngôn viên và lắng nghe... chắc là chưa ai kịp nghe hoặc là chưa ai kịp hiểu ông ta đã nói gì. Ông xướng ngôn viên nhìn toàn thể giảng đường rồi mỉm cười, chắc là ông đã quen với hoàn cảnh như vậy, nên ông lại bắt đầu nói tiếp:
“G’ Day”.
Giọng của ông nghe ồm ồm, ông lại nói nhanh và ngắn nữa, nên cả giảng đường vẫn có vẻ chưa hiểu, vẫn im lặng lắng nghe...
Ông lại mỉm cười, lần này ông nói chậm hơn:
“GOOD DAAYYY... When you see an English or and American, they will greeting you... GOOD MORNING... GOOD AFTER NOON..but when you come to Australia, the Australian will greeting you...GOOD DAAYYY.. And I just said GOOD DAY to you... what would you say back to me and to the one sit next to you?”
Bây giờ tất cả mọi người mới kịp nghe và hiểu ông ta nói gì, thế là mọi người cười ồ lên thích thú và cùng nhau chào lại ông ta:
“GOOD DAY... GOOD DAY... GOOD DAY...”
Tôi nhìn lại người bạn tóc vàng, anh ta đã hiểu và đang vui vẻ chào Good Day với tôi. Tôi nhìn qua bên phải, cô gái tóc đen cũng đang nhìn tôi cười và chào Good Day. Cả đám bát nháo Trắng Đen Đỏ Vàng, thoạt nhìn thì thấy thật là khác biệt, không thể trộn lẫn được, nhưng khi đứng cạnh nhau, ngồi chung băng ghế với nhau thì lại rất dễ nói chuyện với nhau, rất dễ thông cảm với nhau và cùng hòa đồng lại thành một mối.
Người xướng ngôn viên bây giờ mới tự giới thiệu, ông tên John, điều hợp viên của chương trình du học của trường Đại Học RMIT. Ông giới thiệu sơ qua về lịch sử thành lập của trường, cách thức giảng bài, ghi bài, tiếp xúc với Giáo Sư, mượn sách của thư viện... Ông giải thích rõ ràng, cách học ở Đại Học khác hẳn với cách học ở Trung Hoc: Giáo Sư cho bài học, giảng những điều cần thiết rồi cho bài tập, các bạn phải lắng nghe và đi mượn sách ở thư viện để đọc thêm. Nếu các bạn chưa hiểu rõ, các bạn có thể xin gặp giáo sư để nghe giảng thêm, và cách tốt nhất là các bạn lập ra từng nhóm nhỏ để cùng thảo luận với nhau, vừa có bạn bè vừa hiểu thêm bài học.
Hết phần thảo luận, chúng tôi có 10 phút giải lao rồi mới đi thăm chung quanh trường. Cả 3 đứa chúng tôi tụm lại tự giới thiệu tên để làm quen với nhau:
- My name is Nga, from Vietnam, please to meet you.
- I am Tony, from St Peterberg, Russia, please to meet you.
- Ah! you’re from Russia, you should know Staline and Lenin better than us.
- Sure, we knew them well, it why we chucked them to the bin and changed our city’ name from Stalinegrad to our beloved name St Petersburg. Your Vietnamese people should follow us to change your city name from Ho Chi Minh back to Saigon.
- Yes, we will do it when time is up.
- My name is Kyung Mi, from South Korea. My country is still separated into to part: The North with Communist party, a country full of advanced technology and well developed economic... but in paper only, and The South full of freedom and happiness.

Thế là chúng tôi quen nhau, cùng học, cùng vui cuộc đời sinh viên xa nhà... sau khi ổn định công việc học, tôi đã thu xếp để xin 1 côngviệc tạm thời ở 1 tiệm bán phở vào những giờ không phải đến trường, với hy vọng là tự sinh sống chứ không trông nhờ vào đồng tiền của bố tôi gởi qua.Tôi thật sự không hiểu tại sao khi báo tin mừng này cho bố tôi thì bố lại có vẻ không bằng lòng:
- Con là con của bố mà tại sao lại phải đi làm công việc rửa chén bưng đồ ăn cho người ta. Con không cần phải làm gì cả, bố sẽ gởi tiền qua cho con sinh sống, mua nhà cho con ở, mua xe hơi cho con đi học. Con chỉ cần học cho giỏi thôi, mọi việc bố sẽ lo hết.
- Con tưởng rằng, đối với Cộng sản... Lao động là vinh quang... con đi làm lao động, sao bố lại không đồng ý? Hơn nữa, con phải học cách sống tự lập chứ đâu phải lúc nào cũng trông nhờ vào bố. Bây giờ con chưa có tiền, chỉ xin nhờ bố giúp đóng tiền học thôi, khi nào ra trường đi làm, con sẽ hoàn lại tiền cho bố. Con không muốn mua nhà, mua xe hơi đâu, con không cần những thứ đó đâu bố ơi.
- Con cứ đứng tên mua nhà, mua xe... dùm cho bố để mai mốt đây... bố về hưu... bố sẽ sang ở với con.
Cuối năm đó, vào dịp nghỉ hè, Nga đã tự mua vé máy bay về thăm bố. Mới xa nhà có gần 1 năm thôi, nhưng cô cảm thấy lạc lõng với đời sống ở Việt Nam với đám Công an đầy dẫy ngoài đường phố, chỉ chờ dịp là bắt người, tạo ra đủ thứ tội cho người dân, để... đòi tiền phạt. Ở bên Úc, Nga hiếm khi thấy 1 người cảnh sát ở ngoài đường. Mỗi lần phải vào 1 cơ quan nhà nước, cô thấy toàn những gương mặt khó đăm đăm nói năng cắm cẳn, trịch thượng và không bao giờ hỏi người khác có cần giúp điều chi hay không? Trong khi Nga chỉ là một sinh viên du học thôi, mà mỗi lần vào thư viện, cô chưa kịp hỏi mượn sách thì nhân viên thư viện đã tươi cười hỏi tôi:
“Can I help you?”
Và họ giúp Nga đến nơi đến chốn, dù cô có hỏi họ bao nhiêu câu hỏi đi nữa. Nga tự hỏi..đến khi nào thì những người làm việc cho nhà nước ở Việt Nam mới có thái độ phục vụ người dân như vậy? Khi học xong rồi, về nước, Nga có giúp gì cho người dân của mình hay không? Nga có hỏi bố về công việc làm:
- Bố hiện tại có còn phải làm những việc kỳ lạ để kiếm tiền cho đảng, cho nhà nước hay không? Khi nào bố muốn qua Úc thăm con, con sẽ mua vé máy bay cho bố qua.
Bố của Nga trả lời một cách vui vẻ:
- Bố chỉ làm công việc của 1 người đảng viên mà thôi, bố già rồi, chẳng muốn đi đâu hết.
Thấm thoắt đã 4 năm trời xa xứ... Nga đã tốt nghiệp đại học và đang nộp đơn xin đi làm và xin ở lại Úc.

*****
Buổi sáng hôm đó, tôi đang sửa soạn vào trường thì có ai đó bấm chuông nhà tôi. Mở cửa ra, tôi thấy có một toán người trẻ tuổi, trong đó có một cô tóc đen, cô ta chào tôi và nói bằng tiếng Việt:
- Chào cô, tôi là thông dịch viên của Cảnh sát, chúng tôi có giấy của Tòa án cho phép đến gặp cô, nói chuyện về cha của cô là ông Hoàng Phủ Doãn.
Tôi tưởng là vì tôi đang xin phép ở lại Úc, hoặc là bố tôi nộp đơn xin du lịch qua Úc, nên Bộ Di Trú mới đến điều tra lý lịch của tôi và hỏi tôi về bố tôi, nên vui vẻ mời tất cả vào nhà. Toán cảnh sát vào nhà tôi, chỉ có cô gái tóc đen là đứng với tôi mà thôi, còn những người khác, họ không ngồi một chỗ mà chia nhau đi coi khắp nhà của tôi. Tôi ngạc nhiên quá, nhưng chưa kịp hỏi thì một người có vẻ là trưởng toán đã đến bên cạnh, đưa cho tôi một tấm giấy mà nói:
- Chúng tôi được chánh án tòa Melbourne cho phép khám xét nhà của cô và hỏi những câu hỏi liên quan đến can phạm Hoàng Phủ Doãn.
- Can phạm? Bố tôi suốt đời ở Việt Nam, chưa bao giờ qua Úc... tại sao ông lại gọi bố tôi là Can Phạm? Bố tôi làm việc cho nhà nước Việt Nam, nếu có chuyện gì sai trái, nhà nước và tòa án Việt Nam sẽ xử, tòa án Úc đâu có dính dáng gì tới?
- Ông Hoàng Phủ Doãn hiện đang ở Úc, và đã bị cảnh sát Úc bắt giam vì phạm tội. Ông ta khai có người con gái là cô, nên chúng tôi mới xin phép chánh án tòa án Melbourne để tới xét nhà và nói chuyện với cô.
Tôi như người từ trên trời rơi xuống đất, tôi choáng váng mặt mày khi người Cảnh sát nói bố tôi hiện đang ở Úc và... bị bắt? Tôi không hiểu gì cả, bố tôi chưa bao giờ đi đâu ra khỏi Việt Nam, bố tôi là 1 bộ đội cao cấp, không thể nào làm chuyện gì phi pháp để mà bị bắt như thế này? Chắc là có chuyện gì lầm lẫn đó thôi, tôi vội vàng hỏi lại người Cảnh sát:
- Bố tôi ở Việt Nam, chưa bao giờ có ý nghĩ đi ra ngoại quốc, tôi vừa mới nói chuyện với bố tôi cách đây không lâu, không thể nào có chuyện ba tôi qua Úc để bị bắt... chắc là quý ông lộn người rồi đó. Tên của người Việt nam thường hay giống nhau.
Người Cảnh sát mời tôi ngồi, mở cặp đưa ra cho tôi một tấm hình và hỏi:
- Cô có nhận ra ai đây không? Ông ta tên gì?
- Có! Đây là hình của bố tôi, Hoàng Phủ Doãn.
- Nếu vậy thì mọi chuyện đều đúng hết rồi, ông Doãn hiện đang ở Úc, và chúng tôi đã bắt giữ ông ta vì ông đã phạm pháp.
- Ba tôi làm gì mà ông gọi là phạm pháp?
- Tôi không thể nói nhiều, chỉ xin hỏi cô vài câu hỏi thôi. Lần cuối cùng cô gặp hoặc nói chuyện điện thoại với bố cô, vào lúc nào? Căn nhà số 13 Vlander Street, Braybrak VIC 3039 (không phải địa chỉ thật) và những căn nhà có hình đây, cô đã có bao giờ đến đó hay chưa? Ai là chủ của những căn nhà này?
Tôi nhìn những căn nhà mà ông ta đưa cho tôi xem, nhà nào cũng trồng một loại cây cao khoảng 1 thước, lá nhỏ xanh mướt. Trong hình, nhà nào cũng có rất nhiều cảnh sát đang nhổ hoặc đem những loại cây này bỏ vào bao. Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác ...thật sự tôi không hiểu gì cả. Cô thông dịch viên sợ tôi không hiểu câu hỏi, nên đã nhắc lại cho tôi bằng tiếng Việt. Tôi chỉ vào những cây xanh mà nói cô:
- Những căn nhà này tôi chưa bao giờ biết và cũng chưa bao giờ tới..những cây này là...cây gì vậy? tại sao căn nhà nào cũng trồng những cây giống nhau vậy?
Cô thông dịch viên nhìn qua ông trưởng toán, tôi thoáng thấy ông ta làm một dấu hiệu gì đó, nên cô ta trả lời tôi:
- Cây đó là cần sa, mà người Việt Nam gọi là... CỎ.
Tôi đã hiểu lơ mơ câu chuyện... Bố tôi có dính dáng tới việc trồng cần sa ở bên Úc. Trong quá khứ, bố tôi đã từng làm những chuyện mà tôi không bao giờ ngờ tới, nên đối với việc trồng cần sa này, tôi cũng chẳng lấy làm lạ. Nhưng có điều là bố tôi chưa hề bao giờ ra khỏi nước, nếu có tới Úc, tại sao ông không ghé thăm tôi? Tôi ngước lên nhìn ông trưởng toán, trả lời ông:
- Tôi gặp bố tôi lần cuối là vào năm 2010 khi tôi về thăm ông ở Việt Nam, còn nói chuyện điện thoại thì tuần nào tôi cũng có gọi điện thoại về cho bố tôi, lần cuối là mới Chủ Nhật tuần rồi, ngày 12/12/2013 (không đúng ngày). Tôi xin hỏi, Bố tôi qua Úc hồi nào? Dù bố tôi có qua đây chăng nữa, ông ta cũng không thể nào đứng tên mua những căn nhà này được, vậy thì tại sao bố tôi lại bị bắt? Và tại sao ông lại hỏi tôi về những căn nhà này?
- Chúng tôi đến đây là...để hỏi cô, và cô có nhiệm vụ trả lời, chứ chúng tôi không có nhiệm vụ trả lời câu hỏi của cô. Cô có quen biết, gặp mặt những người này bao giờ không?
Tôi nhìn những người trong hình, lắc đầu trả lời không biết, không quen, không gặp những người này bao giờ. Khi cả toán chào tôi sửa soạn ra về, tôi hỏi ông ta:
- Tôi xin hỏi, bố tôi bị bắt vì tội gì? Hiện bị giam ở đâu? Tôi có thể đi thăm bố tôi được không?
- Ông Doãn bị bắt vì tội tổ chức và đưa người từ Việt Nam qua Úc trồng cần sa. Ông hiện bị tạm giam ở ngay khám đường Melbourne, chờ ra tòa. Cô có thể đến nơi hoặc gọi điện thoại xin thăm. Good luck cho cô.
Tôi được chấp thuận đến thăm, nói chuyện với bố tôi tại trại tạm giam Melbourne. Nhìn bố tôi không có vẻ gì là một tù nhân cả, ngoại trừ bộ quần áo tù. Bố tôi mặt mày tươi tỉnh, dáng người béo tròn, tóc bố đã rụng đi nhiều. Gặp tôi, bố có vẻ ngại ngùng:
- Làm sao mà con biết bố ở đây mà đến thăm?
- Cảnh sát Úc đến hỏi cung và cho con biết.
Nói đến đây, tôi bật khóc, tôi khóc thật nhiều... tôi khóc như chưa bao giờ được khóc. Tôi không nhớ lần mẹ tôi chết, tôi đã khóc như thế nào, nhưng lần này tôi khóc như là đã mất một người bố thân yêu:
- Bố ơi! con đã nói với bố nhiều lần rồi.Bố có còn là con người không hả bố? Tại sao suốt đời bố chỉ làm những chuyện thất đức, những chuyện giết người thôi vậy hả bố? Bố giết người đi vượt biên, bố đưa người đi xuất khẩu lao động lậu, bố ăn tiền của người chết. Bây giờ bố đưa người từ Việt Nam qua đây trồng cần sa, bố có biết là cần sa sẽ hại chết cả một thế hệ hay không? Bố cần tiền à? Tiền bố có nhiều quá rồi, bố có cả triệu triệu đô la Mỹ mà vẫn còn chưa đủ hay sao? Bố và những người Cộng sản của bố lúc nào cũng mở miệng ra là chế độ Ngụy toàn là những tay hối lộ ăn cắp tiền của dân. Họ có ăn hối lộ, họ có ăn cướp tiền của dân hay không thì con không biết, con chỉ đọc thấy ở trên internet là Tổng Thống Thiệu chết đi không hề để lại cho vợ con 1 chỉ vàng nào chứ đừng nói 16 tấn vàng. Đa số những ông Tướng của Việt Nam Cộng Hòa qua Mỹ, ông nào cũng phải đi làm đầu tắt mặt tối, có ông phải cùng với vợ đi chiên bánh khoai bán ở ngoài đường... nếu họ có ăn cắp tiền của dân, nếu họ có ăn hối lộ, thì tiền của họ sẽ nhiều lắm, sao họ không lấy ra mà xài, lại phải đi làm lụng cực khổ như vậy! Đến khi chết, họ chỉ may mắn được đồng đội đến tiễn đưa mà thôi. Còn bố và các đồng chí của bố, ai cũng xoen xoét cái miệng ra là đạo đức cụ Hồ, đạo đức cách mạng... mà tiền ai cũng đầy túi, ai cũng có ít nhất là cả triệu đô la Mỹ, có người lên tới hàng trăm triệu. Ai là người ăn cắp của dân? Ai là người ăn hối lộ? Cộng sản là cái gì? Chỉ là 1 bọn ăn cướp giết người chứ còn gì nữa! Bố ơi! Chừng nào bố mới tỉnh ngộ? Chừng nào bố mới trở lại là con người?
Doãn nhìn đứa con gái đang khóc lóc, đến khi Nga khóc xong, Doãn trả lời con:
- Chuyện của bố, bố làm. Nếu bố không làm, bố sẽ không thể nào ngồi im được ở vị trí của bố. Mỗi năm, mỗi tháng bố phải nộp tiền cho trung ương đảng, cho đảng ủy... mỗi nơi mỗi số tiền khác nhau, bố không làm thì vừa không có tiền vừa mất mạng. Một khi đã làm thì ...chuyện nào cũng giống nhau, cũng chỉ là một cách để kiếm tiền mà thôi. Đã là Cộng sản, thì không có tôn giáo, không có đạo đức gì hết.
Nga nhìn bố, hai bố con khác nhau quá. Không hiểu sao cái tính tàn nhẫn mê tiền bạc đó lại không thấm vào máu của Nga? Không biết từ đâu mà Nga có cái tính không làm những chuyện quái ác giết người như bố? Nga lau nước mắt, nói với bố:
- Bố bắt đầu vào việc... trồng cỏ từ lúc nào? Bố đã qua Úc bao nhiêu lần rồi? Những căn nhà mà Cảnh sát Úc đưa cho con xem hình, có phải là của bố hay không? Tại sao mà bố lại bị bắt? Trung ương đảng của bố đã biết chưa?
- Bất cứ việc nào làm ra tiền là bố phải làm, đảng giao cho bố việc này, bắt mỗi năm phải nộp bao nhiêu tiền, thì bố cứ thế mà làm. Bố bắt đầu đưa người qua Úc từ khi con bắt đầu đi du học, tức là cũng gần 4 năm nay rồi. Những căn nhà mà Cảnh sát Úc đưa cho con coi, đều là nhà do bố đưa tiền cho bọn tay em mua. Trước đây, đi mướn nhà trồng cỏ dễ hơn, nhưng sau này, không ai cho mướn nhà cả, bố phải bỏ tiền ra nhờ những người ở bên Úc mua.
- Bố đâu có quen ai ở bên Úc đâu mà nhờ mua? Dù có quen đi chăng nữa, lỡ họ ham tiền, họ bán đi thì là mất. Tại sao bố lại tin họ như vậy?
- Những người bố nhờ, là những người của chế độ cũ về Việt Nam ăn chơi, bị bố gài bẫy quay phim chụp hình, họ sợ bố tung những hình ăn chơi của họ ra, nên bố bảo làm gì họ cũng phải làm, chẳng bao giờ dám phản hết. Nếu có tên nào không muốn làm nữa, bố chỉ cần sai những tên khác tung tin “Thằng A là tay sai của Cộng sản, thằng B là kinh tài của Việt cộng. Cứ mỗi ngày ra rả tung tin lên internet, thằng nào mà chả chết. Hơn nữa bố cũng biết điều, bố có chia phần cho họ nên họ mới đồng ý làm. Trồng cần sa lời rất nhiều, nhiều lắm, chỉ cần trồng một hai năm là bán đi mua căn khác.
- Những người bị bố đưa qua bên đây, nếu họ bị bắt, cuộc đời họ sẽ ra sao?
- Nếu họ bị bắt, cũng chỉ bị tù vài tháng thôi. Ngồi tù ở bên Úc như bố đây, sướng hơn ở Việt Nam nhiều lắm... có ti vi, có DVD Thúy Nga cho mình coi, có báo cho mình đọc, có người nấu cho mình ăn, có phương tiện tập thể thao... dù con có tiền cũng không được phục vụ tốt như thế này đâu. Những tên nào không bị bắt, thì hết hạn làm việc, sẽ được chia tiền về nhà, đợi cho đi chuyến khác, những đứa nào được ở tù, là coi như trúng số đó con ơi. Mãn hạn ở tù, chính phủ Úc trả tiền vé máy bay cho chúng nó về Việt Nam, mình khỏi phải lo. Bố qua Úc nhiều lần lắm rồi, có điều bố không cho con biết mà thôi. Lần này bố bị bắt, cũng chỉ vì bố nghĩ rằng chẳng ai biết đến bố, không dè cái người mà bố nhờ mua nhà đã bị Cảnh sát Úc theo dõi từ lâu, khi hắn chở bố tới căn nhà mới mua, bọn họ ào ra bắt nên bố mời bị dính. Không ngờ bọn này nhát gan quá, mới bị hỏi cung, chẳng bị đánh đập gì cả mà bọn chúng đã khai ra đủ mọi thứ, nên bố mới bị bắt. Cũng có thể tại vì thị trường Úc là nơi ngon ăn nhất, nến mấy cái cái đám tranh ăn với bố đi tố cáo cho Cảnh sát Úc, chứ đâu có ai biết bố là ai.
- Những đồng tiền của bố làm ra, toàn là những đồng tiền dơ bẩn, bố đã dùng tiền đó để nuôi sống con, con thấy hổ thẹn với lương tâm, với những người đã bị bố giết, bố lợi dụng. Mai mốt đây con đi làm, con sẽ trả lại hết những gì bố đã bỏ ra cho con.
- Bố làm được tiền, cũng chỉ để cho con mà thôi. Bố đã viết chúc thư rồi, nếu bố có mệnh hệ nào, tất cả sẽ thuộc về con hết. Đây này, bố có 2 triệu Mỹ kim gởi ở ngân hàng KLM, bố có 2 căn phố ở Hà Nội, bố có...
- Thôi! Bố không cần phải nói nữa, con không nghe đâu. Con nhắc lại với bố, con không bao giờ lấy 1 đồng tiền nào của bố hết.
Sau khi lãnh bằng tốt nghiệp đại học xong, Nga đang sửa soạn để ngày mai vào khám đường thăm bố thì mấy người Cảnh sát lại tới thăm, lần này họ mặc đồng phục Cảnh Sát đường hoàng.
Vào trong nhà, 2 người Cảnh sát bỏ mũ xuống, nghiêm trang đứng báo tin:
“Đại diện cho Cảnh Sát Melbourne, tôi xin báo tin buồn cho cô:
Ông Hoàng Phủ Doãn đã bị 1 tù nhân cùng bị giam đánh chết tối hôm qua. Thi hài của ông Doãn hiện đang được giữ tại nhà xác của Bệnh viện. Chúng tôi báo tin cho cô để tùy cô định liệu tang lễ của bố cô.”
2 người Cảnh sát đã về từ lâu, Nga vẫn còn ngồi thẫn thờ trên ghế. Ghi mộ bia cho bố như thế nào đây?
Nơi đây an nghỉ 1 người Cộng sản... không phải là con người.
Bố ơi! bố có còn là một con người hay không?


Viết theo lời kể của con của một cán bộ Cộng sản Việt Nam.

NGUYỄN KHẮP NƠI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét