Đặc biệt mỗi sáng Chúa nhật, cả vùng lại vang lên bản hòa tấu của các loại chuông ngân vang lên cùng một lúc.
Trong lớp học của tôi cũng có mấy bạn Nam kỳ sống rất chân tình và vui vẻ gọi tôi là Bắc kỳ. Sau khi biến cố Mậu Thân xảy ra, chúng tôi chơi trò bắn súng với nhau. Tụi tôi chia làm hai phe, quốc gia và vi xi. Tụi nó bảo tướng mày ốm yếu, mặt xanh lét, mắt lại một mí thì đúng là vi xi rồi. Thế là tôi ở vào phe ta, quân số thì ít. Mới đầu chúng tôi lấy tàu chuối róc lá và lấy cuống làm súng. Chỉ được 3 bữa thì có thằng bảo, tao nghe thấy tiếng súng của chúng nó nghe chóc chóc cơ mà, còn súng chuối chỉ nghe bộp bộp thôi. Thế là chúng tôi quay sang chơi bắn chạn, Nam kỳ gọi là cái ná.
Trong một "trận chiến" ở cánh đồng mả, chiều hôm ấy trời mát dịu,vài áng mây lững lờ trôi qua trong yên lặng. Thằng bạn kế bên bảo mày coi xem sao chúng nó im ắng thế. Tôi vừa ngóc đầu lên quan sát, chợt đằng sau có tiếng kêu: Ê đồng chí! Tôi ngoái đầu lại và... hai tay ôm lấy mặt choáng váng! Nó đau thốn chưa từng thấy! Người ngợm tôi nếu chiết tự ra thì chẳng có cái gì coi được, ngoại trừ mỗi cái sóng mũi được thừa hưởng từ bố tôi là ngon lành thôi, thế mà bây giờ nó sưng vù! Vậy là hôm ấy phe ta thua...
****
Sau ngày thống nhất khoảng mấy năm, tôi đạp xe đi dạo sang bên cạnh Trung tâm huấn luyện Quang Trung cũ, vào 1 khu làng Nam bây giờ thuộc quận 12. Đi dọc theo con mương làng, tôi ghé vào một quán cóc ven đường kêu 1 ly trà đá. Ngồi cùng bàn với tôi là 2 anh người Nam kỳ hơn tôi cỡ mười mấy tuổi đang ngồi uống rượu suông. Lúc đó một anh công an địa phương bự con cũng bước vào quán. Được một lúc anh ngồi đối diện hỏi tôi:
- Em là dân 54?
- Dạ!
Bàn tay xoay xoay chung rượu trắng trên bàn, anh trầm ngâm:
- Ngày xưa tụi anh ghét bố mẹ các em lắm! Hồi đó tụi anh không biết!...
Không khí trong quán bỗng im phăng phắc. Tôi ngồi yên lặng, mặc dù bên ngoài trời đổ nắng chang chang, lòng tôi dịu lại đón nhận sự thông cảm của anh ta. Giọng anh đã ngà ngà, anh rút trong túi áo ra một đồng tiền giấy đưa lên ngắm nghía, ánh mắt long lanh nỗi bất mãn:
- Tiền này là tiền... Bác Hồ, còn tiền ngày xưa là tiền... "tệ", nhưng nó có giá trị!
Tôi vội vàng đứngdậy chào 2 anhvà bước ra khỏi quán. Tôi nhát đòn vì sau lưng tôi là anh công an bự con ấy. Phải thú thực rằng hồi ấy tôi rất ngán mấy ông 30.
***
Năm sau tôi về tận Hòn Đất (Châu Thành A ngày xưa) , Kiên Giang vượt biên...được công an đón vào trại giam. Đứng bám vào song sắt cửa tù, tôi nhìn ngắm bầu trời mới. Một người tù mặc đồ bộ đội đã cũ sờn nói giọng Bắc rặt đến bên cạnh. Chợt lúc đó có tiếng chuông ngân vọng về, tôi thảng thốt:
- Gần đây có nhà thờ à?
Anh ta tròn xoe mắt:
- Mày... mày... là... là dân 54 phải không?
- Dạ!
- Thế thì mày là... thằng phản quốc rồi!
Ở trong trại giam mấy tháng, tôi thấy có mấy anh bộ đội miền Bắc xuất ngũ ra làm ở các hợp tác xã, thấy họ cũng hiền lành. Tất cả họ đều có chung một tội: Biển thủ tiền, hàng hóa của hợp tác xã. Họ ở tù vài ba năm là thường, tôi thấy tội nghiệp cho họ. Họ cũng chỉ là nạn nhân bởi "định hướng" giáo dục ở ngoài đó.
Sau này tôi được ra ngoài lao động, dọc con đường cái ven kênh đào thấy có cái nhà thờ, gọi là nhà nguyện thì đúng hơn vì nó rất nhỏ trông như cái kho hàng đứng chơ vơ, chắc chỉ chứa được khoảng trăm giáo dân là cùng. Trước nhà thờ có cái gác chuông nhỏ với một cái chuông cũng nhỏ xíu. Ở nơi mảnh đất xa xôi này, toàn là loại dân hoan hỉ gắn cái mác "cách mạng" lên người, thì tiếng chuông chiều lẻ loi ấy là niềm hy vọng và an ủi độc nhất trong tâm hồn tôi.
KD
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét