Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 4 tháng 9, 2023

TRƯỜNG THIẾU SINH QUÂN - THANH DŨNG


Thiếu Sinh Quân VNCH diễn hành
Quốc gia Việt Nam Cộng Hoà trước ngày tan vỡ 30-4-1975 có một ngôi trường rất đặc biệt là trường Thiếu Sinh Quân. Nếu miền Nam Tự Do từng có Võ Bị Đà Lạt chuyên cung cấp Sĩ Quan Hiện Dịch trọn đời theo binh nghiệp; hay trường Bộ Binh Thủ Đức đào tạo Sĩ Quan Trừ Bị; hoặc Quân Trường Đồng Đế (Nha Trang) thường huấn luyện Hạ Sĩ Quan cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà — thì có thể nói chỉ duy nhất mái nhà Thiếu Sinh Quân là nơi xuất thân đủ Sĩ Quan lẫn Hạ Sĩ Quan, cả Hiện Dịch lẫn Trừ Bị.
<!>
Ngược dòng lịch sử, thời Hoàng Đế Minh Mạng năm 1899 đã chấp thuận cho Toàn Quyền Đông Dương Paul Doumer thànhn lập 2 nhóm Thiếu Sinh Quân (TSQ) đầu tiên, mỗi nhóm 10 người. Từ đó, TSQ phát triển nhanh. Về sau, ngoài Bắc có các nhóm TSQ tại Hà Nội, Móng Cái, Việt Trì… Miền Trung có Trường Thiếu Sinh Quân Huế (đặt tại thành Mang Cá, sau dời vào Thành Nội). Trong Nam có nhiều trường TSQ tại Vũng Tàu, thành Ô Ma (Tổng Nha Cảnh Sát), Thị Xã Đà Lạt, và đặc biệt tại Tỉnh Lỵ Mỹ Tho… Đây chính là nơi tiếp nhận các nhóm TSQ miền Bắc di cư vào Nam sau Hiệp Định Geneva 1954.

Đến tháng 6-1956, Tổng Thống Ngô Đình Diệm ra sắc lịnh sát nhập tất cả các trường TSQ lẻ tẻ trên toàn quốc, chuyển về Vũng Tàu, nâng lên thành “Quân Trường” tầm vóc Quốc Gia. Ngôi trường mới mang tên “Trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam” cho đến ngày nước mất. Cơ sở Vũng Tàu vốn là một doanh trại của quân đội Pháp xây cất để lại, còn gọi là thành Pháo Thủ. Trường gồm ba dãy nhà ba tầng, rộng lớn, khang trang, nằm sát chân Núi Lớn Vũng Tàu, chánh diện là Quốc Lộ 15, nối liền Vũng Tàu với Bà Rịa, Sài Gòn.


Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH Tướng Lê Văn Tỵ (thứ 2 từ trái) thăm trường TSQ Vũng Tàu thời Chỉ Huy Trưởng Phan Như Hiên (thứ 2 từ phải).

Thời điểm năm 1956, lúc chuyển về Vũng Tàu, được nâng lên bậc “Quân Trường”, trường có chừng 1,350 TSQ. Về sau, trung bình mỗi năm thu nhận khoảng 350 tân TSQ. Thiếu Sinh Quân thường là con của giới quân nhân, không phân biệt sĩ quan, hạ sĩ quan, hay binh sĩ, cũng không nhất thiết là cô nhi tử sĩ. Về học vấn, đơn cử niên khóa 1959-1960, người TSQ phải theo 4 chương trình giáo dục, bao gồm: chương trình văn hóa của Bộ Giáo Dục; chương trình quân sự; chương trình huấn luyện thể thao, điền kinh; và chương trình chính trị, luyện tinh thần dành riêng cho TSQ. Ngoài ra, người TSQ còn được học các ngành riêng như quân cụ, quân nhu, truyền tin, công binh, hành chánh, tài chánh v.v… Đến năm 18 tuổi, TSQ vào quân đội với cấp bậc Hạ Sĩ Nhất. Những TSQ đỗ bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp có thể được gửi lên trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt.

Qua thời gian 20 năm, trường TSQ trải qua các đời Chỉ Huy Trưởng: Thiếu Tá Phan Như Hiên, Thiếu Tá Nguyễn Văn Bích, Thiếu Tá Nguyễn Lũy, Đại Tá Huỳnh Văn Tư, Trung Tá Nguyễn Văn Kiên, Ðại Tá Nguyễn Văn Ưng, Đại Tá Hồ Nhật Quang, và Trung Tá Ngô Văn Dzoanh. Quân nhân gốc TSQ nổi tiếng không thích ngồi văn phòng, chỉ muốn xông pha trận mạc, nên con số thiệt hại vì chiến cuộc rất cao. Theo ước tính của Tổng Hội Cựu TSQ tại Hoa Kỳ, trường Thiếu Sinh Quân đã đào tạo và cung cấp cho quân đội khoảng 6,000 quân nhân, thì đến 4,500 đã vị quốc vong thân trên chiến trường hoặc thiệt mạng trong các trại tù cộng sản thời hậu chiến.

Lễ chào Quốc Kỳ tại trường TSQ một thời. Phía sau là Núi Lớn Vũng Tàu.

Thời VNCH, có hằng trăm quân nhân xuất thân TSQ từng nắm giữ nhiều chức vụ cao như Tư Lịnh Sư Đoàn, Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn, Trung Đoàn Trưởng, Tiểu Đoàn Trưởng, Hạm Trưởng, Đại Đội Trưởng, v.v… Trong số này có những tên tuổi đặc biệt đã đi vào quân sử: Thống Tướng Lê Văn Tỵ, vị Tổng Tham Mưu Trưởng đầu tiên của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà; Tướng Nguyễn Văn Vận, một trong những tướng lãnh đầu tiên của QLVNCH; Tướng Nguyễn Hữu Có từng là Tổng Trưởng Quốc Phòng… Cũng gốc TSQ có Tướng Lý Tòng Bá là thủ khoa Khoá 6 Võ Bị. Năm 1972, ông nắm quyền Tư Lịnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh, người hùng của mặt trận Kontum, đã chận đứng 3 sư đoàn Bắc Việt (sđ 320, sđ 10, và sđ 2). Còn phải kể thêm cựu TSQ Lâm Ngọc Chiêu (Lôi Hổ) và cựu TSQ Lai Đình Hợi (Biệt Kích Dù 81) — là hai sĩ quan gan dạ bậc nhất trên chiến trường những năm hậu Mậu Thân, chuyên dấn thân vào những phi vụ đặc biệt, thả và đón biệt kích xâm nhập mật khu Bắc Việt dọc đường mòn HCM hay vùng tam biên, vùng Hạ Lào, v.v…

Nhiều quân nhân từng theo học trường TSQ Việt Nam cũng ghi lại tên mình trong những giờ phút chung cuộc của miền Nam tự do ngày 30-4-1975. Giữa lúc hầu hết các đơn vị VNCH đều đã buông súng, những người TSQ vẫn ngoan cường kháng cự: tại ngay chính trường TSQ Vũng Tàu, tại Tỉnh lỵ Chương Thiện, và trên sông Vàm Cỏ Tây.

Chân dung những Thiếu Sinh Quân VNCH.

Vào lúc Thị Xã Vũng Tàu hoàn toàn bỏ ngỏ, Bắc quân đã xâm nhập và chiếm đóng các vị trí trọng yếu, còn một cứ điểm duy nhất chống cự suốt đêm 29 và gần trọn ngày 30-4. Tại trường TSQ, hằng trăm tay súng tuổi thiếu niên đã tự lập phòng tuyến quyết tử thủ. Đối phương tung hai tiểu đoàn xung kích vào trận. Các TSQ được huấn luyện bài bản, có hỏa lực, có đủ võ khí cá nhân và võ khí cộng đồng, đã kháng cự mãnh liệt. Họ tác chiến ngay trong sân trường, đột kích, đánh bọc hậu, thoắt ẩn thoắt hiện, hạ sát 6 bộ đội và làm nhiều người khác thương tích. Đến chiều 30-4, khi đạn dược đã cạn và kho lương thực đã cháy, họ đành thương thuyết với địch quân bao vây, nhận lấy một giờ ngưng bắn. Các TSQ tí hon vẫn bình tĩnh thu dọn chiến trường, săn sóc đồng đội bị thương, gói liệm thi hài người hy sinh, rồi đường hoàng làm lễ hạ Quốc Kỳ, hát Quốc Ca của quê hương Việt Nam tự do một lần cuối cùng.

Hai tuần trước đó, ngày 16-4-1975, tại ngã ba sông Vàm Cỏ Tây, địa phận tỉnh Long An. Đại Tá Đặng Phương Thành gốc Thiếu Sinh Quân, tốt nghiệp Khóa 16 Võ Bị Quốc Gia, lúc đó chỉ huy Trung Đoàn 12 thuộc Sư Đoàn 7 Bộ Binh. Đơn vị của ông đã phối hợp với Giang Đoàn Đặc Nhiệm 99 dưới quyền Phó Đề Đốc Chung Tấn Cang với gần 100 giang đỉnh. Lực lượng thủy bộ hợp cùng nhau nghênh chiến với “Công Trường 5” của Bắc quân, làm vỡ kế hoạch vượt sông Vàm Cỏ của giặc. Về sau, cũng với khí chất quật cường đó, cựu TSQ Đặng Phương Thành đã chết mất xác trong ngục tù CS.

Đại diện quân lực Hoa Kỳ (trái) trao đổI Quốc Kỳ với Chỉ Huy Trưởng TSQ VNCH Nguyễn Văn Ưng (phải).

Sau khi các đàn em TSQ tử thủ ngôi trường mẹ Vũng Tàu không lâu, tại Tỉnh Lỵ Chương Thiện ở Vùng Bốn Chiến Thuật, Đại Tá Tỉnh Trưởng Hồ Ngọc Cẩn đã tử chiến với Bắc quân vào “tiếp thu”. ĐT Cẩn thuộc Binh Chủng Biệt Động Quân, xuất thân từ trường Thiếu Sinh Quân Đệ Nhất Quân Khu ở Gia Định thời đầu 1950, về sau học Khóa 2 Sĩ Quan đặc biệt Quân Trường Đồng Đế. Ông từng chỉ Huy Chiến Đoàn 15 thuộc Sư Đoàn 9 Bộ Binh vào giải vây An Lộc năm 1972. Từ 1973, ĐT Cẩn làm Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Chương Thiện, nổi tiếng được lính mến dân thương. Thời điểm 30-4-1975, mặc dù Dinh Độc Lập đã kêu gọi buông súng, Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn cùng một số chiến hữu gốc TSQ đã quần thảo với giặc đến viên đạn cuối cùng, triệt hạ hằng chục tay súng Bắc quân. Ít nhất có 4 anh hùng gốc TSQ bị hành quyết tại chỗ. Riêng Đại Tá Cẩn chịu nhục hình, khổ sai giam cầm, đến sáng ngày 14-8-1975 bị xử tử tại sân banh Cần Thơ.

Cũng vì sự can đảm gan lì này, các quân nhân gốc TSQ trong chiến cuộc VN thường được cấp chỉ huy tin dùng. Một cá tánh rất đẹp khác của người TSQ VNCH là rất kỷ luật, đoàn kết, đùm bọc nhau, có thứ bậc trên dưới rõ ràng. Điểm mạnh này càng rõ ràng hơn khi lưu vong ra hải ngoại, với lắm cảnh xáo trộn trong đời sống người Việt, kể cả các tôn giáo. Riêng Thiếu Sinh Quân vẫn trung trinh, người đi trước vẫn có uy, vẫn được đàn em kính nể. Ngày nay, tập thể cựu TSQ vẫn liên lạc chặt chẽ. Họ có một Tổng Hội Cựu Thiếu Sinh Quân Việt Nam trên toàn thế giới, mỗi hai năm họp đại hội một lần. Và tại các địa phương có vài chục hội cựu TSQ khác.

Cổng trường TSQ Vũng Tàu, nơi 6 bộ đội cộng sản đã bỏ mạng trong giờ phút sau cùng của chiến cuộc VN.

Qua một cuộc bể dâu, ngôi trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu ngày nay trở thành trụ sở của một hãng dầu khí. Báo chí sách vở quốc nội hoàn toàn không nhắc đến, nhưng câu chuyện người TSQ cần thiết được ghi lại. Như trận chiến quả cảm mà bi thương, hùng tráng mà tuyệt vọng của hằng trăm tay súng thiếu niên 39 năm trước, kết thúc trong tư thế ôm nhau mà khóc trước sự chứng kiến của nhiều người dân Vũng Tàu — khóc thảm thiết, khóc tức tưởi, khóc cho thân phận nhỏ bé giữa cơn cuồng phong của lịch sử.

Thanh Dũng

1 nhận xét:

  1. Van nước có lúc nhược lúc cường nhưng anh hùng hào kiệt thời
    nào cũng có. Cám. Phục ý chí quật cường của các chiến hữu TSQ.

    Trả lờiXóa