Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 21 tháng 9, 2023

TQLC Tử Chiến Tại Ba Lòng, Đông Hà - MX Đoàn Văn Tịnh

Nắng chiều đã xuống thấp giữa vùng rừng núi Ðông Hà. Vì đang là mùa hạ, nên trời vẫn còn sáng. Từ vị trí đóng quân trên một đỉnh đồi trọc bên cạnh căn cứ Mai Lộc, thuộc làng Mai Lộc, cách ngã ba Cùa chừng vài cây số, chúng tôi vẫn còn nhìn thấy những đỉnh núi cao của các căn cứ Sartre, Ba Hô, Holcomb. Từ đó hỏa lực pháo binh có thể với tới vùng núi về phía Tây và Tây Nam, đó là môt rặng núi chạy từ Ðông sang Tây có địa danh là Ðộng Chó. Trước đây vài ngày, với sự phát hiện địch quân tập trung đông đảo tại đây, đỉnh Ðộng Chó đã bị các phi vụ A37 và F105 dội bom liên tục và cả B52 “trải thảm”. Nhưng đây là rừng già, cây cao và dẫy núi đá này rất cao và dài, nhưng không có bề ngang, giống như một bức tường thành mỏng dính, khiến những trận mưa bom và pháo không mấy hiệu quả.
<!>
Bởi thế cho nên sau khi nhẩy vào khu vực Ðộng Chó, đoàn quân Ó Biển của ÐB Phu Nhân (danh hiệu của Thiếu Tá Nguyễn Văn Phán, Tiểu Đoàn Trưởng TÐ8 TQLC) đã gặp sự kháng cự mãnh liệt và bị tấn công nặng nề cả hai mặt quân số và hỏa lực của bọn phỉ quân Bắc Việt phòng thủ với cỡ trung đoàn.
Từ xa, nhìn lên đỉnh Ðộng Chó, trên chỏm núi tuy có những khoảng cây thưa thớt lộ ra những đỉnh đá cao thấp nối nhau nhưng gây nhiều trở ngại cho trực thăng lên xuống và pháo cối của địch dập xuống như mưa và chính xác. Về phía Ðông, từ chân núi, pháo binh TQLC và các phi cơ của ta cũng làm việc liên tục để yểm trợ cho TÐ8/TQLC.
Ngày 5 tháng 6, 1971:
TÐ9 TQLC nhận được lệnh của Lữ Ðoàn, khẩn cấp trực thăng vận vào Ðộng Chó để tiếp ứng cho TÐ8 TQLC. Ðáng lẽ hôm nay là định kỳ tiếp tế thực phẩm của TÐ9TQLC, nhưng vì tình hình cấp bách không thể chờ tiếp tế nên Thiếu Tá Nguyễn Kim Ðễ, Tiểu Đoàn Trưởng TÐ9TQLC quyết định đem lương khô phân phối cho các Ðại Đội. Những trang bị đạn dược đã được hoàn tất từ chiều hôm qua, sau khi họp hành quân tại BCHTÐ. Ý niệm hành quân của Tiểu Đoàn là chia ra làm 2 cánh quân. Cánh B gồm các Ðại đội 1 và 2 do Tiểu đoàn phó, Ðại Uý Phạm Cang chỉ huy. Cánh A gồm BCH/TÐ sẽ đi với Ðại đội 3 và 4.
Cả 2 cánh quân sẽ được trực thăng vận cùng đổ xuống phía Ðông và Ðông Bắc trên những ngọn núi cách Ðộng Chó chừng cây số. Từ đó, cánh B bên phải, cánh A bên trái, tiến đánh vào phía Ðông và Ðông Bắc của mục tiêu, giải tỏa áp lực địch và tiếp ứng cho TÐ8/ TQLC, tiến chiếm và phòng thủ Ðộng Chó. Hỏa lực yểm trợ cho cuộc hành quân gồm có pháo đội của TÐ1/PB/TQLC và các phi vụ sẵn sàng tại hạm đội Hoa Kỳ đang túc trực tại biển Ðông.
Ðầu tháng 6, tuy là mùa hạ, nhưng khí hậu vùng rừng núi Trường Sơn vẫn còn lạnh vào buổi sáng, khắp rừng núi, thung lũng, sương lam dầy đặc. Dù là mặt trời đã lên khá cao, nhưng ánh sáng và sức nóng chưa đánh tan được vùng sương mù phía dưới, nên cuộc HQ trực thăng vận khởi sự hơi trễ.
Tới 10 giờ sáng, chúng tôi mới nghe tiếng động cơ của đoàn trực thăng bay tới từ hướng Ðông. Ðoàn trực thăng đầu tiên chở cánh B của Tiểu Đòan Phó Cam Ranh đã bốc lên cao, nhắm thẳng hướng Ðộng Chó phóng tới. Chừng 20 phút sau, đoàn trực thăng đã đổ cánh B xuống vị trí ấn định và quay lại Mai Lộc để bốc tiếp.
- Ðàlạt đây Cam Ranh.
- Nghe Cam Ranh.
- Chúng tôi đã xuống đất an toàn. Cho Trùng Dương (ÐÐ4) bố trí chờ Ðàlạt, còn tôi tôi tiếp tục cho ÐÐ2 tiến tới mục tiêu.
- Ðáp nhận Cam Ranh.
- Pháo, cối của địch đang quay về hướng tôi.
- Nhận Cam Ranh, cẩn thận.
Sau khi toàn bộ ÐÐ3 và BCH/TÐ9 đã sẵn sàng trên trực thăng, đoàn trực thăng bốc lên. Những cánh quạt đập mạnh vào không khí liên tục tạo nên những âm thanh vang động cả núi rừng. Ðoàn chim sắt bay bổng lên cao, và nhắm Ðộng Chó thẳng tiến. Chừng hơn 10 phút, từ trên cao nhìn xuống khu vực hành quân, chung quanh động, cây cối cao và rậm rạp, trên dãy đỉnh núi, pháo, cối của địch dập liên tục. Ðoàn trực thăng nhanh chóng đáp xuống từng 2, 3 chiếc một. Từ độ cao dưới 2 mét, chúng tôi nhẩy xuống mặt đất, lanh lẹ tìm chỗ bố trí, sẵn sàng tác chiến.
- Tầm Dương đây Trùng Dương.
- Nghe Trùng Dương.
- Con cái xuống xong rồi phải không?
- Tiến quân theo hướng Tây, Tây Nam nghe Tầm Dương.
- OK.
Dưới những loạt đạn pháo của địch, chúng tôi vẫn tiến quân dù rằng đã có vài binh sĩ đã bị thương, nhưng chưa chạm địch. Toàn thể khu rừng đã trở nên sôi động bởi vô số loạt đạn nổ của súng cối, pháo binh địch. Pháo binh của TQLC và những phi vụ A37 liên tục dội xuống hướng Tây và ngay cả đỉnh núi đá cao phía trước.
Những loạt đạn địch xông thẳng vào giữa tuyến, chạm vào cây lá nghe chát chúa, và Trung đội của Sang trả đũa hùng hậu. Cánh bên phải của Minh cũng đang chạm địch. Với sự bố trí sẵn sàng và hỏa lực mạnh mẽ, những toán quân truy kích của Bắc Việt không thể tiến tới được. Chừng nửa giờ giao tranh, chúng la ó rút lui, để sửa soạn cho một trận sanh tử về đêm.
o0o

5 giờ 30 ngày 5 tháng 6, 1971.
- Tân An đây Ðàlạt. Toàn bộ TÐ8 đã rút lui. Theo lệnh trên, Tân An chuẩn bị cho con cái di chuyển trở lại phía bờ sông. Cam Ranh cùng Ðại đội 2 cũng đã di chuyển về bờ sông.
- Trùng Dương (ÐÐ4) nằm lại yểm trợ cho BCH/TÐ và ÐÐ3 rút lui.
- Ðáp nhận Ðàlạt.
Chuẩn bị xong đội hình, cho Trung đội 3 của Lam nằm lại bố trí giữ an toàn cho Trung đôi 1 rút lui, kế tiếp là Trung đội 4, BCH/ÐÐ và Trung đội 2 di chuyển bên trái, nhắm hướng bờ sông tiến tới. Di chuyển trở lại không mấy khó khăn, nhưng bây giờ chúng tôi phải mang theo một số binh sĩ bị thương và thân xác của vài quân nhân TÐ8 tử trận, trong đó có xác của một người đàn em, cùng xuất thân từ Trường Võ Bị Ðà Lạt, tên anh là Lương văn Của, Khóa 23 (mà vợ anh là con gái chủ tiệm Cà phê Tùng ở Ðà Lạt).
Ngoài chiến trận, bên cạnh chỉ có chiến hữu, đó là niềm vui, là tình bạn,chia nhau những buồn vui của đời sống. Chúng tôi không thể bỏ họ lại nơi đây, dù có cực nhọc, cũng cố gắng mang theo về cho gia đình họ, nếu được. Do đó, sự di chuyển bị chậm chạp.Có những đoạn phải bò, phải leo núi, nên chưa tới bờ sông, trời đã sụp tối từ lâu rồi. Nếu cố gắng tiếp tục thì chúng tôi cũng có thể qua sông đêm nay, nhưng vô cùng nguy hiểm, nên phải bố trí quân nằm lại để đoạn hậu.
BCH/TÐ với 2 cánh quân của Trùng Dương và Tân An (ÐÐ4 và ÐÐ3), mặc dù biết rằng sẽ có thể nguy hiểm nếu vượt sông chậm lại vào sáng mai. Suốt đêm không ngủ, nằm thao thức trên chiếc võng, mắc thực thấp giữa hai thân cây rừng, đầu óc tôi miên man suy nghĩ, cứ chờ và mong trời mau sáng.
Ðêm không có động tĩnh, không tiếng súng, không có sự tấn công nào của địch dù nhỏ, mặc dù chúng tôi đang nằm giữa núi rừng đông đúc địch quân. BCH của Tiểu Đoàn Phó Cam Ranh và 2 đại đội cùng tất cả TÐ8 TQLC đã qua sông khi trời nhá nhem tối và đã tiến lên được đỉnh núi bên kia sông, dừng quân bố trí để đợi cánh A sẽ sang sông ngày mai.
o0o

6 giờ sáng ngày 6 tháng 6, 1971.
Ðại đội 3, Ðại đội 4 và BCH/TÐ đã sẵn sàng di chuyển. Ðúng 7 giờ sáng, toán quân tiền phong của Sang đã chạm tới bờ sông.
- Cam Ranh đây Tân An.
- Cam Ranh nghe.
- Thẩm quyền cho biết điểm qua sông tốt vì ở đây sâu quá.
- Ðúng rồi Tân An. Hãy cho di chuyển dọc theo sông về phía trái sẽ có chỗ qua dễ hơn, nước ngang lưng thôi.
- OK, đáp nhận Cam Ranh.
Thế núi từ trên cao đổ xuống quá dốc và bờ sông nằm ngay dưới chân dãy núi, không có địa thế bố trí để yểm trợ cho cánh quân qua sông. Còn phía bên kia bờ là đồng bằng lau sậy từ mé sông tới chân núi cả cây số. Nếu địch quân phục kích trên triền núi thì không sao chống cự được và rừng lau sậy bên kia sông không thể che chắn được đạn địch, nguy hiểm hơn nữa là nếu chúng dùng hoả công thì đoàn quân sẽ bị thiêu cháy.
Là một cấp chỉ huy tác chiến, với những năm dài trên chiến trường khốc liệt, chúng tôi cũng đã nhìn thấy địa thế quá đỗi nguy hiểm, song không có sự lựa chọn vì giòng sông Ba Lòng và dốc núi dính liền vào nhau chạy dài hàng cây số, nên cuối cùng toán quân tiền phong cứ lần dọc theo dưới chân núi để tìm chỗ vượt sông.
Khúc sông này theo bản đồ hành quân có tên là Ba Lòng, (có lẽ vì nó chảy qua quận Ba Lòng, được thành lập dưới thời cựu Tổng Thống Ngô Đình Diệm), và tiếp tục chảy về phía đồng bằng hạ lưu. Trước khi đổ ra Cửa Việt, giòng sông chảy qua thị xã Quảng Trị với tên là sông Thạch Hãn (Thạch Hãn có nghĩa là “Mồ hôi đá”, có lẽ vì khí hậu khắc nghiệt, nên mồ hôi của núi đá cũng đổ ra thành sông chăng?)
- Ðức Hòa đây Tầm Dương.
- Ðức Hòa nghe thẩm quyền.
- Ðức Hòa cho Trung đội 2 tiến lên sườn nằm bố trí, yểm trợ cho đại đội vượt sông, và Hòa sẽ theo Trung đội 1 qua sông trước.
Chúng tôi đã tới vị trí mà chiều hôm qua, cánh B của Cam Ranh đã vượt sông, lúc bấy giờ là 8 giờ 25 sáng. Trung đội 2 tiến lên ngang Trung đội 1 và trèo lên cao trên sườn núi vài chục mét để bố trí.
- Sa Giang cho con cái qua sông, và khi tới bờ sông bên kia, cố thúc anh em di chuyển nhanh vào chân núi, trên đỉnh đã có Cam Ranh.
- Nhận rõ.
Thiếu úy Sang điều động con cái vượt sông, con sông không lớn, bề ngang chừng hơn 20 mét, ở giữa là một lườn cát nổi lên trên mặt nước như một cái cù lao nhỏ. Lội qua khoảng nước sâu tới thắt lưng chừng 7, 8 mét là tới cù lao,rồi tiếp tục lội thêm một đoạn chừng 10 mét nữa là tới bờ sông bên kia. Bờ bên kia là bãi cát chạy dài theo bờ sông, sâu vào trong chừng 20 mét là rừng lau sậy.
Trung Đội 1 qua sông an toàn với Trung Úy Ðại Đội Phó Ðỗ Đức Hòa và Thiếu Úy Sang, di chuyển về phía chân núi cách bờ sông chừng 7,8 trăm mét. Tiếp tục là Trung Đội 4 của Nam và theo sau là BCH/Ð rồi tới Trung Đội 3 của Thiếu Úy Hồ Viết Lam. Tôi đứng bên bờ gọi cho Minh Giang chuẩn bị cho con cái vượt sông. Gần 3 trung đội đã qua sông an toàn, chỉ còn lại 1 tiểu đội của Trung đội 3, BCH/ÐÐ và Trung đội 2.
Tôi nghĩ có thể đã an toàn và tôi nhét bản đồ vào túi áo trận rồi cùng 2 nhân viên truyền tin và toán đề lô Pháo Binh tiếp tục lội qua sông.
Hạ sĩ Trần văn Ba là nhân viên truyền tin của Ðại đội gọi máy báo cáo lên Tiểu đoàn là 3 đứa con đầu đã qua sông an toàn. Khi BCH ra tới cù lao nhỏ giữa sông, tôi nhìn lại đằng sau, đã thấy Trung đội 2 cho con cái tiến tới bờ sông rồi. Tôi yên tâm và tiếp tục bước về phía trước.
Trong giây phút bất ngờ đó, hàng loạt tiếng nổ của B40, B41 từ trên sườn núi cao phóng xuống giữa cù lao và bên bờ sông, và hàng loạt đạn nhỏ bay tới. Với phản ứng tự nhiên, tôi đè Hạ Sĩ Ba và Binh Nhất Hường xuống dưới mặt nước, và tôi cũng hụp xuống và lặn qua sông.
Tới bờ sông bên kia, tôi chạy nhanh lên bờ, ẩn sau bụi cây bần cách bờ nước chừng 10 mét. Hường cũng chạy lên được nằm xuống bên tôi. Còn Ba thì khi lên tới bờ cát, bị đạn địch xuyên qua mông, té nằm trên bãi cát. Ba cố gượng đau, bò tiếp tục vào dẫy cây bần. Người sĩ quan đề lô pháo binh tên Loan và nhân viên truyền tin của anh chạy đến núp vào bờ sậy phía sau. Nhìn ra giữa sông, Thiếu úy Minh đang đứng trên cồn cát cùng với Trung sĩ 1 Cảnh, trung đội phó, và dưới chân anh thấy một vài binh sĩ bị thương. Minh ra lệnh cho các tiểu đội sau lưng anh dừng lại và chuyển đội hình hàng ngang, tấn công ngược lên sườn núi. Trung sĩ Tiểu đội trưởng Nguyễn văn Còn và Trung sĩ Lê văn Thọ đốc thúc binh sĩ leo lên, tiến chiếm sườn núi. Hỏa lực của địch từ trên cao dồn tới tấp vào điểm vượt sông và sườn núi phía dưới. Thực vô cùng khó khăn cho Trung Đội 2 ẩn nấp và bắn trả. Một quả đạn B40 dội sát bên cồn cát gần Trung Sĩ 1 Cảnh, anh bị trúng thương nặng, té ngược về phía sau, phân nửa người trên cù lao, và đầu gục trên mặt nước. Thiếu Úy Minh bị một viên đạn xuyên qua vế, anh khuỵu xuống trên mặt cát ướt, đưa tay ra hiệu cho tôi biết là anh đã trúng đạn. Tôi hét lớn:
- Cố gắng lên Minh, xuống sông nhanh lên.
Nhưng khi Minh cố đứng lên, một phát đạn thứ hai trổ từ sau lưng anh bên vai phải ra phía trước. Minh té xuống lần nữa, anh chống tay ngồi dậy, trong khoảng cách chừng gần 30 mét, tôi thấy nét mặt của Minh trầm tĩnh vô cùng. Anh nhìn về phía chúng tôi và lắc đầu. Anh cố đưa bàn tay trái lên vẫy, nhưng có lẽ quá đau đớn, nên không đưa lên cao được để chào lần vĩnh biệt, còn tay phải anh trở nòng súng Colt 45 vào thái dương và bóp cò.
Giữa muôn ngàn tiếng súng nổ của địch và của những thuộc cấp của anh, tôi, chúng tôi vẫn nghe rõ ràng tiếng súng của anh tự kết liễu đời mình. Anh biết rằng anh khó sống nổi vì quá đau đớn và có thể vì sự sống của anh sẽ khiến nhiều chiến hữu khác bỏ mạng để cứu anh. Minh chia tay với tôi giữa giòng sông định mệnh. Thân xác Minh bật ngửa, nằm trên cồn cát, chiếc nón sắt rớt bên cạnh. Máu của anh, của Cảnh, và các thuộc cấp hòa vào giòng nước trong xanh, tạo nên một màu đỏ đặc biệt, màu của chiến tranh, tang tóc.
Trước mắt tôi, Minh có một đời sống vô cùng kín đáo, chịu đựng. Lúc chỉ huy tác chiến, khi vui chơi nơi phố thị, bao giờ anh cũng bình tĩnh, ít nói và cương quyết. Ðược biết, anh sống và lớn lên trong một gia đình rất giàu có ở Saigon. Cuộc đời học sinh, sinh viên của anh đáng ra phải được trọn vẹn. Song không hiểu làm sao Minh đã chọn nghiệp lính.
Sau khi xuất thân Khóa 4/68 Trường Võ Khoa Thủ Ðức, Minh đã xin gia nhập vào binh chủng TQLC. Anh rất hãnh diện với màu áo rằn sóng biển, và anh cũng đã diễn tả niềm hãnh diện của anh khi về với ÐÐ3/ TÐ9/ TQLC.
Trong một bữa ăn ở gia đình anh tổ chức cho các SQ của ÐÐ3/TÐ9, khi giới thiệu tôi với gia đình anh như sau:
“Mẹ và các em, đây là Trung Úy Ðoàn Văn Tịnh, Ðại Đội Trưởng của con. Trong chiến trận, anh là một chiến binh đảm lược, còn về thành phố thì bay bướm hết xẩy.” Lời giới thiệu đó khiến tôi mắc cở đến muốn chui xuống đất để trốn.
Trong giây phút đó, tôi cùng Hường và Ba chỉ kịp kêu ồ lên một tiếng, vừa đau khổ, vừa xúc động, tôi đập tay xuống cát, rên xiết và nước mắt chảy dài. Ngoài tình đồng đội, tình thuộc cấp, Minh còn là người bạn, người em thân thiết của tôi.
- Tân An, Tân An đây Ðàlạt.
- Tôi nghe Ðại Bàng.
- Cho biết tình hình.
- Trình Ðàlạt, Trung đội 2 đang chiến đấu bên kia sông, nhưng Thiếu úy Trung đội trưởng Ðặng ngọc Minh và Trung sĩ 1 Nguyễn văn Cảnh đã tử trận trên gò đất nổi giữa sông, chưa lấy xác được.
- Nhận được. Tôi sẽ cho ÐÐ4 đánh lên sườn dốc cao giải toả cho Tân An.
Và Ðại đội 4 của Trung úy Nguyễn minh Trí được điều động tiến đánh lên sườn núi. Trận chiến trở nên khốc liệt hơn vì hướng tiến quân của Trí không thuận lợi vì lực lượng của địch đông đảo và bố trí từ trên cao điểm.
- Tân An đây Cam Ranh.
- Tôi nghe Cam Ranh.
- Tân An có cần kêu PB vào đây không?
- Tôi đang nằm cách bờ sông có 10 mét, trước mặt là giòng sông, chung quanh là cát trống, nhúc nhích là chúng tác xạ ngay. Cam Ranh kêu pháo yểm trợ cho Trùng Dương đi.
Tôi muốn ở lại nơi này để tìm cách đưa phần còn lại của Trung đội 2 qua sông cùng lấy xác của Minh và Cảnh và vài binh sĩ nằm chết trên gò đất giữa sông. Nằm bên cạnh giòng sông mà khát nước gần chết. B1 Hường muốn bò xuống lấy nước, tôi bảo hắn:
- Nó lượm mày ngay đó Hường. Ðào sâu xuống nữa là có nước.
Hường lại dùng nón sắt đào sâu thêm hố, may mắn thay chỉ chừng 3 tấc thôi là đã thấy nước. Ðịch quân vẫn theo dõi và cũng biết là chúng tôi chưa rời được bụi bần này, nên thỉnh thoảng chúng đẩy vào vài quả B40 nhưng không trúng đích. Hạ sĩ Ba, biệt danh là Ba Lùn, cố nhịn đau, lấy nón sắt móc dần thành cái hố cá nhân an toàn.
o0o

5 giờ chiều ngày 6 tháng 6, 1971.
- Tân An, Tân An đây Phu Nhân.
- Tân An nghe Ðại Bàng.
- Tôi sẽ cho Air đánh, Tân An điều chỉnh nghe.
- Phu Nhân đánh vào đâu vậy?
- Sát bờ nước bên kia sông.
Mấy Tiểu đội của Trung đội 2, đã rút lui dọc theo bờ sông về phía sau, và nhập vào với BCH/Tiểu đoàn, có lẽ đã qua sông an toàn.
- Ðáp nhận Phu Nhân.
Chưa đầy 5 phút sau, phi đội F105 đã lượn tới, dộng xuống 2 quả Napal. 2 tiếng nổ long trời, một quả day dọc theo sườn núi, còn một quả cầy dài trên mặt nước. Khói lửa văng ra, vừa nóng vừa sức nóng, và sức ép của quả bom, 3 thầy trò tôi chút nữa chết cháy.
- Phu Nhân đây Tân An.
- Phu Nhân nghe.
- Xin ngưng đánh vào bờ sông, nguy hiểm lắm. Yêu cầu cho đánh cao lên trên sườn núi và sau đó dập cả PB nữa. ÐÐ4/TÐ9 đã rút rồi.
- Phu Nhân đáp nhận.
Sau gần 2 giờ tiến quân, ÐÐ4/TÐ9 chiếm được một phần sườn núi và đỉnh nhỏ, song bọn phỉ quân Bắc Việt phản công và Ðại Đội 4 đã bị tổn thất khá nặng và lùi dần. Trên máy truyền tin tôi đã nghe Ðàlạt và Cam Ranh cho pháo binh dập xuống vị trí giao chiến.
- Ðức Hòa đây Tầm Dương.
- Nghe Tầm Dương.
- Trời sắp tối rồi, Ðức Hòa cho các Trung đội bố trí và cho 1 Trung đội theo đường cũ trở lại chỗ hồi sáng vượt sông để đem xác Minh và Của về.
- Nhận 5.
- Trùng Dương (ÐÐ4) đây Tân An.
- Ở đâu vậy?
- Ở một bụi cây sát bờ nước, chỗ BCH/TÐ vượt sông.
- Qua sông đi Trùng Dương, trời tối chắc an toàn.
Trong máy tôi nghe hơi thở dồn dập của Trí, chắc anh đang hồi hộp.
- Không, chưa được, hơn nữa để coi các con cái như thế nào đã.
- Ðáp nhận.
Khoảng 1 giờ sau, Hòa trở lại bên bờ sông đằng sau lưng chúng tôi và gọi:
- Tầm Dương đây Ðức Hòa.
- Nghe đây Ðức Hòa.
- Ở đây có mấy cái xác trong Poncho của TÐ8.
- Tốt, cho di chuyển về sau chân núi.
- Còn Minh và Cảnh đâu anh Tư?
- Ðang nằm giữa sông, tối quá, không thấy được nữa. Hòa và 1 tiểu đội bò đến rặng bần. Sau khi hội ý, họ bò ra bờ sông,lội ra giữa cồn cát để tìm xác Minh và Cảnh.
Nước đã dâng cao, thủy triều đã cuốn trôi mất mấy xác, trong đó có xác của Cảnh, chỉ còn lại xác của Minh và mấy anh em nằm trên cao, nên đã không bị nước cuốn trôi. Hòa cho đem hết lên sau bụi bần và gói vào Poncho.
Khoảng 10 giờ đêm, tất cả xong xuôi và chúng tôi dìu dắt nhau di chuyển lần về phía núi. Mệt mỏi và đói khát suốt ngày, chúng tôi không còn sức để leo lên đỉnh núi bên kia. Chúng tôi ngồi dọc một hàng trên dốc núi, sau khi uống nước do Ðại đội 2 tiếp tế, chúng tôi ngủ quên tại sườn núi cheo leo. Bên tai tôi còn văng vẳng tiếng nói của Phán Mập, người Ðại đội phó ÐÐ2:
- Anh Tư ăn tí thịt ba-lát cho đỡ đói nghe!
Hình như tôi đã lắc đầu và thiếp dần vào cơn ngủ mệt mỏi.

o0o
8 giờ sáng ngày 7 tháng 6, 1971.
Toán trực thăng tải thuơng đáp xuống đỉnh đồi trọc thấp nằm sau lưng của vị trí phòng thủ để đưa các thương binh về Huế. Tôi cho kiểm lại các Poncho đựng xác, kiểm lại các tấm thẻ bài, tên họ của tử sĩ và đơn vị được cột bên ngoài Poncho trước khi đưa lên trực thăng. Ðoàn trực thăng tải thương và tải xác cất cánh.
Tôi đưa tay lên chào vĩnh biệt và ngậm ngùi nhìn theo những cánh chim sắt xa dần về phương Ðông, trên đó mang theo thân xác của những người con đã trả xong nợ nước. Xác của những thuộc cấp thân mến, xác của người sĩ quan kiên cường, Thiếu úy Ðặng ngọc Minh và người sĩ quan khóa đàn em khóa 23 tên Lương văn Của, người đã cùng chung Ðại Đội F với tôi khi còn ở trong trường VBQG. Anh em chúng tôi đã gặp lại nhau trong vội vàng như thế đó.
Những ngày kế tiếp, TÐ9/TQLC di chuyển lần lên các đỉnh cao gần căn cứ hỏa lực Sartre. Vừa hành quân vừa lục soát vừa nghỉ ngơi, tái trang bị để chờ ngày trở lại, vượt sông Ba Lòng và tiến lên dẫy núi cao bên kia sông, tìm lại những người thuộc cấp của ÐÐ3, ÐÐ4 đang nằm trên đó.

o0o
Chiều ngày 13 tháng 6, 1971.
Ðại Úy Tiểu Đoàn Phó Cam Ranh chỉ huy 2 Ðại Đội 3 và 4 tiến quân trở lại giòng sông, di chuyển vô cùng vất vả vì những cơn mưa núi như trút nước, vừa lạnh, vừa ướt. Chúng tôi không thể tới điểm ấn định được vì dốc núi trơn trượt. Ðêm đã xuống nhanh hơn theo cơn mưa tầm tã. 2 đại đội đã phải dừng lại nghỉ quân qua đêm. Sấm chớp liên hồi, mưa như trút nước, đến nỗi không đào được hầm hố phòng thủ.

o0o
Ngày 14 tháng 6, 1971.
Ðại Đội 3 và Ðại Đội 4 yểm trợ nhau vượt sông và tiến chiếm lên những đỉnh núi cao. Không có một sự đụng độ nào của bọn phỉ quân Bắc Việt.
- Tân An đây Cam Ranh.
- Tân An nghe thẩm quyền.
- Tân An cho dừng quân bố trí, coi chừng phía trước mặt và bên trái. Cho 1 Trung đội trở lại lục soát chỗ của Trung đội 2 chiến đấu hôm trước, hãy cẩn thận.
- Ðáp nhận Cam Ranh.
- Trùng Dương đây Cam Ranh.
- Nghe Cam Ranh.
- Trùng Dương cho lục soát về phía Tây, cẩn thận.
- Ðáp nhận Cam Ranh.
Trở lại chiến trường cũ, bom đạn đã dập nát tơi bời cây cỏ. Những trái bom đã đào những hố sâu và rộng. Mùi hôi hám còn nồng nặc vì mùi hóa chất của bom, pha lẫn với mùi xác chết đang rữa thối mà anh em Ðại đội 4 đang gói ghém cẩn thận vào những Poncho.
Bất ngờ, binh sĩ Ðại Đội 4 đã tìm thấy dưới một hố bom lớn còn 1 xác người, nằm bên cạnh vũng nước đọng, nhưng không bị rữa thối. Thì ra đó là 1 binh sĩ của Ðại Đội 4 còn sống, tên là Binh Nhì Nguyễn Văn Mến, đã bị thương tích khắp thân thể, phía sau đầu bị dập bể, vết thương đã có dòi bọ.
Sau một hồi xúc động khi nhận ra chiến hữu đến tìm kiếm mình, B2 Mến đã kể lại câu chuyện sau đây cho đồng đội. Câu chuyện tưởng như một phép lạ đã đến với anh:
“Khi Trung đội 2/ÐÐ4 tiến quân xông lên được khoảng hơn 100 mét, tôi bị viên đạn vào tay trái và 1 viên vào hông. Tôi ngã xuống, tôi cố bò vào sau một gốc cây và nhìn quanh coi đồng đội của mình ở đâu để kêu cứu giúp. Nhưng ngay lúc đó địch bắn quá rát, tôi có la lên, nhưng không ai nghe thấy. Rồi đạn pháo của địch và của ta dập liên hồi vào trận địa, hai bên cùng lui quân bỏ chạy. Từ đó những trận pháo và bom đổ xuống kinh hoàng, tôi không còn nghe thấy gì nữa vì cơn đau của thân thể khiến tôi mê sảng.
Ðêm xuống, tôi nằm chết bên gốc cây. Không biết bao lâu, tôi tỉnh lại, máu đã khô đặc trên quần áo. Ðói và khát nước quá, tôi bò quanh và tìm được lương thực trong ba lô của anh em để lại. Tôi ráng mở ra để ăn cho đỡ đói và cơn đau. Vì những vết thương hành hạ, tôi xé áo quần thay băng để băng ngang hông và cánh tay.
Qua một đêm nữa, quá lạnh, nhưng tôi không biết làm sao được. Tôi ngồi dựa vào gốc cây tránh gió. Tôi không còn biết muỗi mòng, sâu kiến có cắn hay chích lên người tôi hay không. Sáng hôm sau, vừa mở mắt ra, tôi nghe tiếng nói chuyện, lục soát, tiến gần về phía tôi. Và chúng la lên: “Ðồng chí ơi, có một đứa chết ở đây”. Hai ba tên địch chay lại, và biết tôi còn sống. Chúng nhấc tôi bỏ lên cáng cây để khiêng đi. Nhưng khi chúng nhìn lên thân thể tôi, chúng thấy cổ tay của tôi có xâm mấy chữ “TQLC” và “Sát Cộng”, chúng tức giận bỏ cáng xuống rồi lấy bá súng đập vào đầu tôi và khắp mình mẩy, tạo nên những vết thương như thế này đây”.
Anh dừng lại thở một hơi dài mệt nhọc, nhìn những đồng đội đang ngồi quanh chăm chú nghe. Bạn đồng đội đốt cho anh một điếu thuốc.
“Tiên sư mày chứ Sát Cộng à. Ông cho mày chết cha luôn. Chúng tưởng tôi đã chết, nên kéo tới bên hố bom, liệng xuống đó. Tôi nằm đó vì không còn sức để bò lên.”
Anh được đưa về bệnh viện QuảngTrị để chữa thương, nhưng vì những vết thương đã không được chữa trị kịp thời đã trở nên ung thối trầm trọng, thêm vào đó những cơn đói khát và mưa lạnh của núi rừng trong suốt cả tuần lễ, khiến anh bị kiệt sức. Sau một ngày được tải thương về bệnh viện Quảng Trị, B2 Nguyễn văn Mến, người chiến sĩ của Trung đội 2, Ðại đội 4/TÐ9/TQLC đã ra đi, vĩnh biệt chiến trường và đồng đội.
Thiếu Úy Ðặng Ngọc Minh, Trung Úy Lương Văn Của, Binh Nhì Nguyễn Văn Mến và các chiến sĩ trong đơn vị đã đền xong nợ nước. Chúng tôi xin nghiêng mình kính cẩn chào vĩnh biệt và tiễn đưa các anh về cõi Vĩnh Hằng. Các anh là những Chiến Sĩ Anh Hùng, đã “Vị Quốc Vong Thân”, xứng đáng để Tổ Quốc Ghi Ơn trên tấm bia lịch-sử./.

MX Đoàn Văn Tịnh
(Tiếp ứng TÐ8/TQLC trong chiến dịch HQ Lam Sơn 810)

* Viết cho Trung Úy Lương Văn Của Ðại Đội F/Khóa 23, Thiếu Úy Ðặng Ngọc Minh Khóa 4/68 Trường Võ Khoa Thủ Ðức, Binh Nhì Nguyễn Văn Mến Trung đội 2, Ðại đội 4/TÐ9/TQLC và các Chiến Binh Tiểu Ðoàn 9 TQLC.

LTG: Tôi thay thế sự đàm thoại bằng mật mã ra bạch văn để đọc giả dễ hiểu thay vì dùng mật mã khi dùng PRC25 bảo mật về danh xưng của đơn vị, ám danh, cấp số (Tiểu Ðoàn, Ðại Ðội, Trung Ðội...) trong lúc hành quân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét